Bàn về những lá cờ và bóng ma phía sau

Khương Công

sino-vnNhân đọc một loạt bài bàn về lá cờ vàng – cờ đỏ trong thời gian gần đây, tôi viết lại cảm xúc của tôi trước lá cờ đỏ sao vàng tại quảng trường Trocadéro năm 2011 và những suy nghĩ từ đó liên tục theo đuổi tôi cho đến tận giờ. 

Năm 2011, có một cuộc biểu tình của sinh viên Việt nam tại quảng trường Trocadéro. Cuộc biểu tình này nhằm chống các hành vi xâm lược vùng biển của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt nam, tiêu biểu là các quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Vì lý do “chống Tầu” nó không được sự đồng tình của sứ quán nhưng cũng không bị doạ nạt hay khủng bố. Sứ quán Việt nam giả vờ câm và điếc trong vụ việc này.

Biểu tình ở quảng trường Trocadéro, Paris. Nguồn KC.
Biểu tình ở quảng trường Trocadéro, Paris. Nguồn KC.

Tại thủ đô Paris, quảng trường Trocadéro được coi như địa điểm đặc biệt thường dành cho các loại biểu tình của những cộng đồng người nhập cư đòi dân chủ, chống đàn áp nhân quyền phản đối chính phủ nhà nước gốc của họ. Người ta gặp thường xuyên ở đó sự xuất hiện của “Những con hổ Tamoul” trước ngày nó bị bắn chết tại bản xứ. Người ta cũng gặp các cuộc biểu tình của người nhập cư bất hợp pháp đòi hỏi được cấp giấy tờ cư trú hợp pháp, dân Arménie đòi thanh toán nợ diệt chủng với chính quyền Thổ nhĩ kỳ, dân Thổ đòi gia nhập khối châu Âu, du cư Di-gan đòi quyền cư trú, đám người Rom đòi quyền hành nghề…đại loại là….đủ thứ kêu gào, khổ đau, phẫn nộ. Trước những cuộc biểu tình có tính “bán chuyên nghiệp”, đa dạng nếu không muốn nói là hổn tạp nhưng cho phép các cộng đồng thiểu số được quyền có tiếng nói, nên đa số dân Paris thờ ơ. Họ đã qua thời cách mạng và ảo vọng, họ đang mỏi mệt về các vấn đề của chính họ nên tiếng kêu gào của tha nhân như gió thoảng qua không làm họ bận tâm. Tuy nhiên, trước cuộc biểu tình của đám sinh viên Việt nam lúc ấy, không ít người qua đường dừng lại, chăm chú theo rõi. Để ngăn chặn một ảo tưởng mới, tôi cần phải nói ngay rằng sự chăm chú này không dành cho người Việt nam. Sự quan tâm của đám dân Pháp khởi điểm từ mối lo âu cho chính bản thân nước Pháp và châu Âu. Sự bành trướng của Trung Quốc  trên toàn thế giới, đặc biệt là châu Phi đã đánh thức nỗi băn khoăn trong đám trí thức phương Tây, trước hết là một loạt bài viết của một số nhà chính trị và nhà văn Thuỵ điển vào khoảng năm 2006 và đầu năm 2007, nếu tôi không nhầm, sau đó, mối nghi ngại này lan qua nhiều nước khác. Ở Pháp, không thiếu người lôi cuốn “Trung Quốc  thức dậy” (La Chine s’est éveillée, 1997) của Alain Peyrefitte ra đọc lại. Vì lẽ đó, tôi cho rằng sự quan tâm của nhóm dân Paris không nằm ngoài mục tiêu tìm hiểu cái gọi là “Hiểm hoạ da vàng”. Đọc trong ánh mắt họ, ta sẽ không thấy sự tò mò nhưng khá nhiều nét băn khoăn. Bởi thấy tôi đứng cách đoàn biểu tình một đoạn khá xa, dường như sắm vai quan sát hơn là nhập cuộc nên một tốp liền tiến đến, cất tiếng hỏi:

– Ông không tham gia vào cuộc biểu tình này ?
– Không. Tôi thích quan sát hơn.
– Ông là người Trung Quốc?

Tôi phì cười:

– Người Trung Quốc không có mặt ở đây hôm nay. Cuộc biểu tình này nhằm chống lại hành vi xâm lược vùng biển Đông Nam Á của chính phủ nước họ.
– Thật vậy sao ?
– Dĩ nhiên, tôi không có nhu cầu phải nói dối các vị.
Người đàn ông ngập ngừng, đưa mắt liếc qua đám sinh viên biểu tình rồi hỏi tiếp:
– Xin lỗi, nhưng quả tình tôi không hiểu. Tại sao sinh viên Việt nam biểu tình chống Trung Quốc  mà họ lại trương cờ Trung Quốc?
– A !

Lúc đó, lại đến lượt tôi sững sờ: Người nước ngoài không thể phân biệt cờ đỏ một sao vàng của Việt nam với cờ đỏ năm sao vàng của Trung Quốc . Vậy thì chúng phải giống nhau ở một mức độ đặc biệt, có thể ví như các chủng loại cùng ngành. Ếch với nhái, hổ với mèo chẳng hạn. Sau một giây trấn tĩnh, tôi liền giải thích cho đám người Pháp về sự khác biệt giữa hai lá cờ nhưng nhìn vào mắt họ, tôi biết rằng sự tương đồng giữa hai lá cờ đó quá mạnh, còn sự khác biệt giữa chúng lại quá mờ nhạt nên chỉ có những người thật sự chú tâm mới có thể phân định được mà thôi.

Đám người Pháp đi rồi, tôi tự nhủ:

“Thử đặt mình vào địa vị của họ, những người phương Tây ? Làm sao có thể phân biệt nổi hai lá cờ, khi chúng đều là một mảnh vải đỏ choé và trên đó, in hình ngôi sao ? Một sao hay năm sao cũng đều là một thứ mầu vàng phản cảm, thứ mầu khiến mắt người khó có thể nhìn lâu. Từ mầu sắc cho đến biểu tượng, cờ Việt nam quả là một phiên bản, con đẻ hoặc em út của cờ Trung Quốc , đó là điều không thể chối cãi. Chúng là những lưỡi cầy đúc ra từ cùng một cái khuôn, là sự sáng tạo trên cùng một nguồn cảm hứng: chủ nghĩa cộng sản du nhập vào mảnh đất Á châu.”

Phía trước mặt tôi, đám sinh viên vẫn tiếp tục hò hét, một số em quấn lá cờ đỏ sao vàng trước trán, số khác choàng qua vai. Bỗng nhiên, mối thương cảm khiến tim tôi đau nhói: Những chàng trai trẻ kia đầy lòng hăng hái và tình yêu nước, họ là sự tiếp nối của truyền thống Việt nam, chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ. Họ muốn là những người Việt nam độc lập, chứ không phải một thứ dân tỉnh lẻ của nước Trung hoa. Họ muốn tự do nhưng không biết rằng lá cờ họ quấn trên đầu lại chính là biểu tượng rõ rệt về tính chất nô lệ, là minh chứng hiển nhiên về sự tòng thuộc tinh thần của đám quan lại đứng trên đầu họ, đám cộng sản Việt nam. Vì thế, cuộc biểu tình của họ gợi nên một sự thắc mắc khá hài hước đối với người nước ngoài:

“Chống Trung Quốc  sao lại trương cờ Trung Quốc?”

Đối với tôi, vấn đề đặt ra nặng nề hơn:

“Sự nô lệ tinh thần, thói tôi tớ cho ngoại bang còn tồn tại đến bao giờ?”

Người ta vẫn nói đến một từ: Gu (phiêm âm từ chữ Goût). Dịch sang tiếng Việt, nó có thể diễn ra khá nhiều nghĩa: Hương vị, thị hiếu, sự ham thích, khiếu thưởng thức, cách xét đoán… Muốn phân tích sự giống nhau giữa hai lá cờ Việt nam và Trung hoa, ắt ta phải dùng chữ mượn: Gu. Dẫu ghét cay ghét đắng lối chen từ nước ngoài vào các loại diễn ngôn của xứ sở nhưng trong một số trường hợp cần thiết, tôi đành phải sử dụng từ mượn sau khi tự trấn an mình:

“Đừng sợ vay mượn từ ngữ. Mọi sự vay mượn hay học hỏi đúng đắn đều làm phát triển tài năng cũng như nhân cách của con người. Gốc tiếng Nôm của ta hơn sáu mươi phần trăm vay mượn từ tiếng Hán mà chúng ta vẫn chống lại phương Bắc để bảo tồn nòi giống đó sao ? Giờ đây, ông Alexandre de Rhodes đã dùng các mẫu tự Latin để mã hoá tiếng Việt, đem cho chúng ta một món quà hậu hĩ là Tiếng Việt hiện đại, điều đó cần phải trân trọng. Từ Gu có tính bao hàm và do đó, chính xác hơn”.

Vậy thì, xin phép độc giả, tôi xin dùng chữ Gu.

Phải nói rằng việc lựa chọn một lá cờ là vô cùng quan trọng bởi cờ là biểu tượng tinh thần, vừa phản ánh não trạng vừa phóng chiếu ngọn lửa tâm hồn của một tập đoàn, một trường phái, một cộng đồng dân tộc. Lá cờ là hình ảnh thâu tóm nhất, cô đọng nhất để cụ thể hoá những giá trị nhân bản, lý tưởng, khát vọng tương lai và đặc trưng nhân cách của một dân tộc. Dân Việt xưa thường căn cứ vào lá cờ mà gọi: Giặc Cờ đen để chỉ đám Lưu vĩnh Phúc, Giặc cờ vàng để chỉ đồ đảng Hoàng sùng Anh … Vì ý nghĩa của một lá cờ có tính cốt tuỷ như vậy nên việc chọn lá cờ đỏ sao vàng của những người cộng sản Việt nam dù vô ý hay hữu tình cũng đã phản ánh cả một bề dầy tâm thức: Họ không thoát khỏi ảnh hưởng của người đàn anh phương Bắc. Cái Gu của họ sao chép cái Gu của triều đình Trung hoa gần như trăm phần trăm. Một khi mà Gu đã giống nhau đến thế thì chỉ có thể chấp nhận thân phận Đàn em hoặc Con cháu, Họ hàng, theo truyền thống gia đình châu Á, hoặc tồi tệ hơn, đầy tớ, chư hầu theo “chính danh” của thời phong kiến xa xưa. Điều oái oăm là dân Việt nam lại cứ muốn là Việt nam, chứ không phải dân một tỉnh của Tầu. Họ chưa quên Quảng Đông Quảng Tây trước đây là Việt Đông, Việt Tây. Họ cũng chưa quên là ngoài Việt Đông, Việt Tây còn có Việt Mân, Việt Thường và rất nhiều nước Việt cổ khác và tất cả đã bị xoá sổ trên bản đồ Trung hoa. Còn sót lại duy nhất Việt nam, nhờ sự che chở của núi non, nhờ sự hiểm độc của khí hậu, nhờ sự ngoan cường của dân mình, và sự hy sinh không tiếc thân của các bậc anh hùng mà nước Việt nam được tồn tại. Nhưng Bắc phương không bao giờ quên cái mẩu đất phương Nam, cái bầy mọi rắn mặt, cái lũ Việt khó trị này. Trong tâm thức của họ, cái mẩu đất bé tí ấy cần phải thanh toán nốt. Kiểu như con rồng đã nuốt gần hết con dê còn mỗi một cái cẳng chân thò ra ngoài miệng thì làm sao chịu nổi. Bắc phương chỉ tạm quên ý đồ đó khi bản thân họ đau ốm, hấp hối, ví như thời Mãn Thanh với bà hoàng độc tài, ích kỷ, dâm lọan Từ Hy, cái thời mà người Anh treo biển trước các vườn hoa: “Cấm chó và người Trung Quốc”. Nhưng một khi triều đình lớn mạnh: “Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” thì cái ý muốn tồn tại trong vô thức: “cần nuốt trọn cái chân dê còn lại”, sẽ trở thành sự thúc hối.

Cái thời điểm đó là hiện tại của chúng ta giờ đây: Năm 2012, một ông chủ quán ăn ở Tầu đã treo biển:

“Cấm người Nhật, người Phi-lip-pin, người Việt nam và chó”.

Vậy thì chiến tranh, như thường lệ là một tương lai rất gần. Một cuộc xâm lăng chờ trước ngõ. Một nghìn năm Bắc thuộc mới tái hiện chăng ? Đó là con tính mà người Việt nam phải làm. Một trong những điều họ cần suy nghĩ lúc này, suy nghĩ một cách nghiêm cẩn và ráo riết: Để có một nước Việt nam mới ắt phải có một ngọn cờ mới. Họ không thể chống lại Trung hoa khi vẫn đội trên đầu ngọn cờ cộng sản “đàn em cộng sản Trung hoa”.

Nhân đọc một loạt bài bàn về lá cờ vàng – cờ đỏ trong thời gian gần đây, tôi viết lại cảm xúc của tôi trước lá cờ đỏ sao vàng tại quảng trường Trocadéro năm 2011 và những suy nghĩ từ đó liên tục theo đuổi tôi cho đến tận giờ. Xin đăng lên để các bạn đọc khác cùng tham góp ý kiến. Nếu tôi không chủ quan thì cuộc trao đổi này là vô cùng cần thiết cho chúng ta, tất thảy những người Việt còn tha thiết với vận mệnh dân tộc, dù sống ở bất cứ phương trời nào.

© 2013 DCVOnline

 

1 Comment on “Bàn về những lá cờ và bóng ma phía sau