Bác sĩ tử thần & Nâng trần nợ công
Đặng Ngữ
Ngày 22 tháng 10, công an đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Mạnh Tường, nguyên bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, đồng thời đứng tên chức danh giám đốc trung tâm thẩm mỹ Cát Tường tại địa chỉ 45 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để điều tra hành vi giết người. Trước đó, công an Hà Nội phát hiện một vụ chết người tại trung tâm Cát Tường mà nạn nhân, chị Lê Thị Thanh Huyền, trưởng phòng bán vé máy bay của một công ty du lịch, có nhu cầu hút mỡ và nâng ngực tại trung tâm. Nguyên nhân còn phải chờ cơ quan công an điều tra công bố. Ông Tường thú nhận mình đã ném xác chị Huyền xuống sông Hồng từ cầu Thanh Trì. Việc ông bác sĩ ném xác nạn nhận xuống sông thì đích thật tội ác, còn việc có giết người hay không thì phải bàn chứ không vội kết luận được. Cách đây chưa lâu, ngày 20/7/2013, đã xảy ra 3 trường hợp tử vong sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nhưng không thấy cơ quan công an Quảng Trị bắt giam người nào để phục vụ công tác điều tra về hành vi giết người. Cuối cùng, kết luận về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau tiêm vắc xin viêm gan B là do tiêm nhầm thuốc Oxytocxin. Không ai có tội, xem như huề cả làng. Chỉ có những ông bố bà mẹ mất con thì ngậm ngùi, phẫn uất với nỗi đau. Còn rất nhiều những vụ việc tương tự như thế xảy ra khắp nơi, không kể hết. Lần này, không lẽ vẫn tiếp tục do tiêm nhầm thuốc?
Việc ông bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác nạn nhân xuống sông được xem như giọt nước làm tràn ly, kích động những phẫn uất dồn chứa bao lâu nay. Cơn bão phẫn nộ khởi phát từ cộng động mạng: nào nguyền rủa, nào đòi công lý, đòi báo thù, thậm chí đòi treo cổ bác sĩ Tường, nếu được thì bằm ông ta cho lợn ăn, hay nhất thì thả ông ta xuống sông v.v và v.v…như cái cách ông ta làm với nạn nhân. Đám cháy lan nhanh từ nhà 45 đường Giải Phóng sang nhà 138A Giảng Võ, nơi đóng trụ sở của Bộ Y Tế (bây giờ người ta đã đổi tên thành bộ Tử Thần). Tội nghiệp công nương bộ trưởng lên ngồi ghế nóng chưa được bao lâu thì bao nhiêu sự cố dồn dập không phút giây ngơi nghỉ dù đã công cán sang tận trời Âu. Tờ PetroTimes (Thời Báo Xăng Dầu vốn dễ bắt lửa) cũng nổi xung thiên mà giật tít “Bộ trưởng Bộ Y tế nên từ chức!” và còn chua thêm thứ mà ngày nay còn lại rất ít “nếu có tự trọng”.
Ba ngày sau, có lẽ đã hết xăng tắt lửa nên bài báo bị rút xuống. Dĩ nhiên, ngay cả nếu công nương bộ trưởng có ý muốn rời con tàu thì tổ chức cũng chưa hẳn đã đồng ý như một vị chức sắc cao cấp có lần phát biểu “từ chức hết thì lấy cán bộ đâu mà làm”. Tự trọng hẳn cứ phải đợi đấy cái đã, hạ hồi phân giải. Nhưng giả dụ như bà bộ trưởng rời bộ tử thần, vị khác lên ngồi thay ghế nóng thì tình hình có khá hơn? Xin khẳng định luôn “vũ như cẫn, vẫn như cũ”, có khi tệ hơn nữa đấy. Có người khuyên rằng: người dân trước khi vào bệnh viện thì tốt nhất nên viết sẵn di chúc. Điên rồ nhưng xem ra rất có lý vào đêm trước tiến lên XHCN.
Tối qua, đài truyền hình phát bản tin về việc các đại biểu quốc hội tranh luận về việc nâng trần nợ công, điều chỉnh thu chi vì e chừng năm nay thu không đạt kế hoặch mà chi vẫn khẳm. Công nương Bộ trưởng Bộ Y tế đại diện cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Nói ác, cơ mà trúng cử đại biểu của Hà Nội, nơi xảy ra vụ việc bác sĩ Tường, không biết bà có tham dự họp không. Không thấy công nương phát biểu, chỉ thấy im lặng suốt buổi, đưa tay lên che lấy mặt, tránh ống kính truyền hình, dường như bà cảm thấy xấu hổ, động tác như thỉnh thoảng ta vẫn thấy ở nhiều nhiều phụ nữ trong các phóng sự xã hội trên truyền hình. Khi liêm sĩ nổi lên người ta thường lấy tay che mặt. Tự trọng dù còn chút xíu vẫn đáng được thông cảm. Bên cạnh bà bộ trưởng, một nữ đại biểu xinh đẹp khác đang phát biểu chân tình về việc nâng trần nợ công. Nữ đại biểu quốc hội khả ái cho rằng:
nâng trần nợ công, tất nhiên rồi, trong tình hình này chúng ta không có sự chọn lựa khác, để phục vụ cho phát triển, nhưng phải căn cơ, giống như phụ nữ đi chợ vậy, phải tính toán từng đồng, trong khi người dân chắt chiu từng đồng thì chính phủ cũng phải tính toán, từng đồng của dân, sao cho hiệu qủa, như phụ nữ vậy…tính toán từng đồng thuế của dân…
Sáng ngày 28 tháng 10, khai mạc kỳ họp đại hội đồng Hiệp hội Phát thanh truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU) lần thứ 50 diễn ra tại Hà Nội do Đài truyền hình Việt Nam đăng cai, với số lượng thành viên tham gia đông nhất từ trước tới nay. Kỳ họp đại hội đồng năm 2013 là lần thứ hai Đài truyền hình Việt Nam đứng ra đăng cai, sau sự kiện năm 2005. Theo lãnh đạo đài, ngoài cơ hội được học hỏi kinh nghiệm, sự kiện cũng là dịp để Việt Nam quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa xã hội đến bạn bè quốc tế.
Nghe lãnh đạo VTV ủy lạo lấn sân sang lĩnh vực văn hóa, du lịch…cũng thấy có lý như mọi thứ có lý khác vào đêm trước khi tiến lên CNXH. Trước khai mạc, VTV tường thuật buổi chiêu đãi qúy đài bạn một chuyến du ngoạn đến Tràng An-Tam Cốc-Bích Động. Không khí hồ hởi, vui vẻ và phấn khởi. Câu hỏi: VTV làm gì mà nhiều tiền dữ vậy? Phải chăng tiền túi của qúy ngài Tổng giám đốc Đài chăng? Hẳn nhiên không phải. Bởi qúy ngài, hàm tương đương bộ trưởng, thời cũng nhận lương từ từng đồng thuế chắt bóp của dân như bao nhiêu thuộc cấp ở VTV của ngài vậy. Nhìn sang bên, Bộ VH-TT & DL đương chuẩn bị cho kỳ ASIAD sắp đến. Bà Quyết Tâm vẫn đương gằn giọng:
…phải căn cơ, giống như phụ nữ đi chợ vậy, phải tính toán từng đồng, trong khi người dân chắt chiu từng đồng thì chính phủ cũng phải tính toán, từng đồng của dân, sao cho hiệu qủa, như phụ nữ vậy…tính toán từng đồng thuế của dân…
Ai nghe…ai nghe…chẳng ai nghe cả. Chỉ có những đứa đang còng lưng vì thuế má nghe những thanh âm dội vào vách núi vang vang. Người dân vẫn đang chắt bóp từng đồng để qúy ngài đang cai ABU, ASIAD…và có trời mà biết còn cái gì sẽ được qúy ngài đăng cai và tổ chức trong thời gian đến.
Giá như bác sĩ Tường vứt một trong số qúy công nương, qúy ngài xuống sông Hồng thì hẳn ông ta sẽ được phong anh hùng. Mọi chuyện lạ đời đều có thể xảy ra vào đêm hôm trước… Ai mà biết được cơ chứ.
Sài Gòn, 29/10/2013
Nguồn: Bác sĩ tử thần & Nâng trần nợ công. Đặng Ngữ, Facebook, October 29, 2013