Bài học nhật Bản (2)

Khôi Nguyên, HVR

japanTheo bản hiến pháp hiện hành ra đời từ năm 1947 thì Thiên Hoàng là “biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất dân tộc”.

Hệ thống chính trị (2/2)

Có thể nói rằng từ thời lập quốc, dù từng trải nhiều biến động theo dòng lịch sử nhưng các thể chế chính trị Nhật Bản xuyên qua các thời đại vẫn được coi là luôn gắn bó mật thiết với sự tồn tại và kế thừa dòng dõi hoàng thất dù theo bản hiến pháp hiện hành quy định Thiên Hoàng chỉ còn là một biểu tượng. Chính nhờ vào đặc tính dòng tộc hoàng triều chưa bao giờ bị thay đổi nên hình ảnh của Thiên Hoàng cùng vai trò của hoàng gia ở thời đại ngày nay vẫn còn mang giá trị hội tụ được sự đoàn kết dân tộc để đưa Nhật Bản vượt qua những cơn sóng gió trên chính trường, đặc biệt là những chiến thuật đối ứng trong lĩnh vực hồi phục kinh tế và ngoại giao hiện nay vốn đang có những mâu thuẫn với các quốc gia trong vùng như Trung cộng cùng Nam Hàn về vấn đề chủ quyền các quần đảo.

Theo bản hiến pháp hiện hành ra đời từ năm 1947 thì Thiên Hoàng là “biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất dân tộc”. Vì vậy, nhà vua Nhật Bản trên thực chất không hề nắm giữ bất cứ quyền lực chính trị nào ngay cả trong tình trạng đất nước lâm nguy khẩn cấp trước các mối đe dọa chiến tranh. Tuy nhiên, Thiên Hoàng Nhật Bản lại giữ một vai trò chính trị đặc biệt mang tích cách quan trọng về mặt ngoại giao không khác gì một nguyên thủ quốc gia trong các buổi tiếp đón quan khách ngoại quốc hay chào cờ, duyệt binh. Kèm theo đó là quyền triệu tập Quốc Hội, giải tán Hạ Viện, tuyên bố Tổng Tuyển Cử Quốc Hội và chủ toạ các nghi lễ. Vì vậy, vai trò chính trị này của Thiên Hoàng Nhật Bản sau thời kỳ chiến tranh chấm dứt được coi là điều bí ẩn với những ảnh hưởng ngầm từ cung điện hoàng gia.

Kết hợp đặc tính này với hình thái chính trị đặt nền tảng trên thể chế quân chủ lập hiến và cộng hòa nghị viện với Thủ Tướng là người đứng đầu đảng phái đa số và nắm quyền lãnh đạo quốc gia, Nhật Bản còn được coi là quốc gia quân chủ duy nhất trên thế giới mà trong đó, Thiên Hoàng mang ý nghĩa là hoàng đế (Emperor) vẫn là hình ảnh một vị nguyên thủ đất nước so với các quốc gia theo chế độ quân chủ khác nhưng người đứng đầu hoàng tộc chỉ xưng hiệu là quốc vương (king) hay nữ hoàng (queen).

Liên quan đến bản hiến pháp 1947, tức văn kiện quy định các hệ thống và nguyên tắc chính trị nhằm thay thế cho bản hiến pháp Minh Trị 1889 của đại đế quốc Nhật Bản trước đó, là do hội đồng tham mưu gồm 25 nhân vật gồm quân sự và dân sự của Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, Thống Tướng MacArthur, biên soạn. Sự kiện này bắt nguồn từ diễn tiến ký kết bản tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945 buộc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện và sẽ phải chấp nhận sự chiếm đóng của quân Đồng Minh từ năm 1945 đến1952.

Đương thời, Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman đã bổ nhiệm Thống Tướng Douglas MacArthur làm Tư lệnh Tối Cao của Các Lực lượng Đồng Minh chiếm đóng toàn bộ Nhật Bản. Ngay từ thời điểm cuộc hội nghị Potsdam, tướng Douglas MacArthur đã từng đưa ra ý kiến cần phải thay đổi Hiếp Pháp Minh Trị 1889 để thực hiện dân chủ hóa nước Nhật và không ngờ trách nhiệm này cuối cùng lại do ông đảm nhận. Chỉ sau đó vài tháng, văn phòng tham mưu của ông MacAthur đã soạn ra một bản hiến pháp mới mà cho đến nay người Nhật vẫn tuân hành, thực hiện không sai một dấu chấm, một dấu phẩy. Bản hiến pháp này được ban hành ngày 3/11/1946 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 3/5/1947 gồm 11 chương và 103 điều khoản.

Tuy vậy, lịch sử ra đời của bản Hiến pháp 1947 lại bắt đầu từ mỗi lỗi lầm về dịch thuật. Vào ngày 4/10/1945, khi Thống tướng MacArthur tổ chức cuộc hội đàm với một số thành viên nội các Nhật Bản thì phía Nhật đặt câu hỏi về kế hoạch xây dựng chính phủ mới thời hậu chiến. Trong khi dịch lại câu trả lời của MacArthur, người phiên dịch đã dịch sai chữ “kiến thiết” thành “hiến pháp”. Do đó, các viên chức cao cấp của Nật Bản nghĩ rằng vị Tư Lệnh Tối Cao Quân Đồng Minh đã yêu cầu phía Nhật phải soạn thảo Hiến pháp mới và đến đầu tháng 2/1946 phía Nhật Bản đưa ra bản dự thảo Hiến pháp, nhưng MacArthur đã không chấp nhận vì cho rằng nội dung chỉ dựa vào các điều căn bản của Hiến pháp Minh Trị, không thể xây dựng được nền dân chủ tại Nhật. Sau đó, MacArthur đã ra lệnh cho nhóm tùy viên của ông tự thảo ra bản Hiến pháp mới cho Nhật Bản để kịp xong trước phiên họp ngày 26/2/1946 của quân Đồng Minh vì ông không muốn các quốc gia khác xen vào vào nội tình Nhật Bản.

Thừa lệnh MacArthur, người đứng đầu ban tham mưu là Thiếu Tướng kiêm luật sư Courtney Whitney đã thành lập một hội đồng biên soạn gồm 25 người có nhiệm vụ phải so ạn thảo hiến pháp trong vòng một tuần. Ba người trực tiếp đặt bút cho bản dự thảo hiến pháp này là thiếu tướng Whitney, trung tá kiêm luật sư Milo Rowell, và thông dịch viên Beate Sirota Gordon. Lúc đó bà Beate Sirota Gordon là một thiếu nữ 22 tuổi là người gốc Do Thái, thông thạo 6 ngôn ngữ Nhật, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga, nên được thuê làm phiên dịch cho tổng hành dinh của tướng MacArthur.

Sau một tuần làm việc liên tục không ngừng nghỉ, hội đồng soạn thảo của tướng MacArthur đã hoàn thảnh bản hiến pháp năm 1947 quy định Thiên Hoàng tuy được coi là biểu tượng của quốc gia và đoàn kết toàn dân nhưng đã bị tước mọi quyền hành thực. Ngoài ra, tất cả hoạt động của Thiên Hoàng liên quan đến quốc gia phải được sự chấp thuận của nội các chính phủ do Thủ Tướng đứng đầu. Một cấu trúc lập pháp quốc hội lưỡng viện được thành lập, trong đó thượng viện đóng vai trò thứ yếu. Trừ hoàng gia Nhật, mọi quyền lợi của giới quý tộc đều bị bãi bỏ hoàn toàn. Hoàng gia không được có bất cứ tài sản gì nếu không được quốc hội chấp thuận.

Trong 103 điều khoản, bản hiến pháp dành 31 điều khoản (Chương III, Điều 10 – 40) cho “các quyền tự do căn bản của con người”, theo như lời của tướng MacArthur, bao gồm hầu hết các điều khoản về quyền tự do của Hoa Kỳ.

Điều 19 không được vi phạm tự do tư tưởng và tự do lương tâm. Điều 21 khẳng định “Quyền tự do hội họp và lập hội cũng như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tất cả các quyền tự do biểu hiện khác được bảo đ ảm. Không được kiểm duyệt, không được xâm phạm những điều cần bảo mật của mọi hình thức thông tin.” Điều 34 nghiêm cấm bắt giữ người vô cớ. Điều 35 cấm xâm phạm nơi cư trú, lục soát và tịch thu giấy tờ, tài sản của người dân mà không có trát toà viện dẫn lý do cụ thể để thực hiện tại địa điểm và đồ vật cần khám xét. Điều 40 khẳng định người dân có quyền kiện tụng quốc gia để được bồi thường nếu bị bắt giữ oan.

Nhưng quan trọng nhất là Chương II với vỏn vẹn một điều khoản là Điều 9 ghi rằng “Người dân Nhật Bản thực sự mong muốn hoà bình thế giới trên nền tảng chính nghĩa và trật tự, và sẽ vĩnh viễn không sử dụng quyền lực quốc gia để phát động chiến tranh, cũng như sử dụng vũ lực hay uy hiếp bằng vũ lực như công cụ giải quyết tranh chấp quốc tế. Để thực hiện được mục đích nêu trên, Nhật Bản không có lục, hải, không quân hay các lực lượng quân sự khác. Nhật Bản không thừa nhận quyền giao chiến với các nước khác”.

Điều 9 Hiến Pháp 1946 của Nhật Bản. Nguồn: www.japanfocus.org
Điều 9 Hiến Pháp 1946 của Nhật Bản. Nguồn: www.japanfocus.org

Điều khoản này đã mang tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến sự phát triển của nước Nhật sau chiến tranh: đó là yên tâm về mặt quốc phòng trong hiệp ước bảo đảm an ninh ký kết với Hoa Kỳ để dồn hết nỗ lực vào việc phát triển kinh tế tái kiến quốc gia.

Riêng người thông dịch là bà Beate Sirota Gordon đã thêm vào các điều khoản 14 và 24 về quyền bình đẳng của con người và nam nữ bình quyền trong hôn nhân như Điều 14 ghi rằng: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không được có bất cứ phân biệt nào trong các quan hệ về chính trị, kinh tế, xã hội vì lý do chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội hay xuất thân gia đình.” Hoặc Điều 24 quy định : “Hôn nhân phải dựa trên sự đồng ý của cả hai bên, và hợp tác trên căn bản quyền bình đẳng của vợ và chồng. Về chọn người kết hôn, các quyền sở hữu trong hôn nhân, thừa kế, chọn chỗ ở, ly hôn và các vấn đề khác liên quan tới hôn nhân và gia đình, pháp luật phải được thực thi trên quan điểm tôn trọng phẩm giá và quyền bình đẳng giới tính.” Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, giới phụ nữ Nhật được hưởng những quyền bình đẳng này.

Dù lúc đầu, phía Nhật Bản đã có sự phản đối trong những cuộc bàn thảo quyết liệt nhưng đến tháng 3/1946, họ cũng chấp nhận bản dự thảo hiến pháp do phía Hoa Kỳ biên soạn kèm theo sự thỏa thuận sửa đổi một vài chi tiết nhỏ. Theo tướng Whitney nếu nội các Nhật không có khả năng đưa ra một quyết định thích hợp, thì tướng MacActhur sẽ tổ chức một trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp.

Trong khi đó, Nhật Hoàng Chiêu Hoà tuy mất hết quyền lực nhưng với tinh thần trách nhiệm và thực lòng muốn thay đổi nước Nhật trong bối cảnh mới đã viết thư trả lời chính thức ủng hộ bản hiến pháp mới. Mùa thu năm 1946, đa số người dân Nhật Bản đã bỏ phiếu ủng hộ các đại biểu tán thành bản hiến pháp mới. Ngày 3/11/1946, Thiên Hoàng Chiêu Hòa chính thức công bố hiến pháp mới trước nghị viện. Đúng 6 tháng sau, bản hiến pháp này có hiệu lực. Từ đó ngày 3/5 hàng năm đã trở thành ngày nghỉ lễ có tên Ngày Hiến pháp.

Tổ chuawsc chính trị the Hiến Pháp hiện hành của Nhât Bản (từ 1946). Nguồn: commons.wikimedia.org
Tổ chuawsc chính trị the Hiến Pháp hiện hành của Nhât Bản (từ 1946). Nguồn: commons.wikimedia.org

Tuy sự ra đời của bản hiến pháp năm 1946 đã đặt nền móng pháp lý cho một nước Nhật Bản hiện đại với nội dung căn bản quy định rằng người dân xứ Phù Tang thề nguyện trung thành với các lý tưởng hòa bình và trật tự dân chủ, nhưng trong bối cảnh thay đổi cục diện tương quan về chính trị và quốc phòng với các quốc gia trong vùng như hiện nay, giới lãnh đạo Nhật Bản đang có khuynh hướng sửa đổi bản hiếp pháp để phù hợp với tình hình an ninh khu vực. Nhất là về lĩnh vực tăng cường quốc phòng và thành lập quân đội bảo vệ lãnh thổ.

Thực tế, vào năm 2010 Quốc Hội Nhật Bản đã từng thông qua một dự luật theo đó cho phép chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý về một bản hiến pháp mới để chính thức tái cấu thúc hệ thống quốc phòng. Đây cũng là một cách nhìn sắc bén và sâu rộng của giới cầm quyền Nhật Bản khi nhìn ra được thế lực bành trướng của lân bang Trung cộng và cũng là một “bài học Nhật Bản” thiết thực nhất để các nhà lãnh đạo khối quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải, quần đảo với Bắc Kinh noi theo trong phương cách giải quyết vừa ôn hòa vừa hợp hiến cũng như không vượt qua phạm vi luật pháp quốc tế.

Nhìn vào quan hệ chính trị giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ từ sau thời đệ Nhị thế chiến, có lẽ sẽ càng nhận thấy sự khôn khéo của giới cầm quyền Tokyo khi họ biến thù thành bạn và càng thắt chặt sợi dây ràng buộc theo thế đồng minh tương trợ qua hiệp ước bảo vệ an ninh mà Hoa Kỳ nắm phần quyết định.

Sau chiến tranh, Nhật Bản buộc phải thích nghi với bối cảnh mới của thế giới mới và đặt dưới sự ảnh hưởng Hoa Kỳ nhưng cũng xây dựng nền tảng vững chắc cho quyền tự trị. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Yoshida Shigeru, Nhật Bản đã tiếp nhận các thể chế dân chủ và thiết lập quan hệ liên minh với Hoa Kỳ theo con đường xây dựng quốc phòng ở mức tối thiểu để duy trì cam kết quân sự, đồng thời tập trung vào việc khôi phục kinh tế và theo đuổi mối quan hệ mới với châu Á.

Do đó, tuy nhìn bề ngoài có vẻ như Nhật Bản phụ thuộc vào sức mạnh quân sự Hoa Kỳ nhưng thực ra, cả đôi bên đều hưởng lợi từ thế liên minh này, nhất là Nhật Bản có cơ hội để ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Và hiện nay, giới cầm quyền Nhật Bản đã cho thấy họ không cần phải giữ mức độ phụ thuộc quân sự vào Hoa Kỳ như xưa vì đang trực tiếp đứng vào thế đối đầu với Trung cộng và tình thế này chính thức khởi nguồn từ hàng loạt hành động leo thang mang tích cách khiêu khích các quốc gia láng giềng của nhà cầm quyền Bắc Kinh như phát hành bản đồ ôm trọn chủ quyền vùng biển Đông và Hoa Đông, thực hiện lời tuyên bố chận giữ khám xét các tàu thuyền di chuyển trong vùng biển tranh chấp v.v…

Nhưng nóng bỏng nhất vẫn là những cuộc đối đầu giữa Nhật Bản và Trung cộng ở cả trên không lẫn mặt biển xoay quanh vụ tranh chấp quần đảo Senkaku, tức Tiêm Các mà phía Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư khi các tàu thuyền lẫn máy bay dân sự và quân sự của Trung cộng liên tiếp đến gần khu vực không-hải phận đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, nhưng đều bị chận đuổi. Qua thế đối đầu có vẻ như căng thẳng tột độ tại Senkaku, dư luận quốc tế đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo cũng như quan ngại về nguy cơ xung đột vũ trang bùng nổ với khả năng lôi cuốn cả thế giới. Thật ra, dù có hiếu chiến đến mấy thì cũng không thể nào giữa Nhật Bản và Trung cộng lại để xảy ra cuộc chiến tranh khởi nguồn từ việc tranh chấp chủ quyền Senkaku.

Đầu tiên, đối với Trung cộng Senkaku/Điếu Ngư chỉ là một phép dò thử. Trung cộng muốn tìm hiểu liên minh quân sự Mỹ-Nhật thật sự gắn bó đến đâu sau khi trải qua một thời gian dài đảng cầm quyền Nhật Bản trước đó là đảng Dân Chủ đã tỏ ra lạnh nhạt vì bất đồng quan điểm với Hoa Kỳ nơi các thoả thuận liên quan đến những căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa. Đồng thời, với mặc cảm là một nước lớn nhưng bị Nhật Bản đè đầu cưỡi cổ trước thời đệ Nhị thế chiến nên Trung cộng luôn nuôi ý phục hận và khi cảm thấy đã đủ mạnh để buộc đối phương phải nhân nhượng trước áp lực vì quyền lợi kinh tế, Trung cộng càng tỏ ra hung hăng, ngang ngược vì muốn biết thái độ, khả năng ứng phó của Nhật Bản.

Kết quả, Bắc Kinh đã biết được Hoa Kỳ chẳng mặn mà gì lắm đối với Senkaku khi chính quyền của ông Obama thường tỏ ra bất nhất, một mặt thì tuyên bố đứng bên ngoài, không nghiêng về phe nào, mặt khác thì Senkaku nằm trong hiệp ước bảo vệ an ninh Mỹ-Nhật.

Thế nhưng, điều tai hại rất nguy hiểm từ vấn đề tranh chấp đảo Senkaku mà Trung cộng khó lường được hậu quả từ việc quá lạm dụng chủ nghĩa dân tộc ái quốc cực đoan nên khi tình thế đã thay đổi không có lợi thì Bắc Kinh cũng không còn đường lùi. Rõ ràng là dư luận đều biết quần đảo Senkaku xưa nay do Nhật Bản kiếm soát và về địa lý, chính trị, quân sự, kinh tế đối với Trung cộng không quan trọng đến mức sinh tử để vì nó mà sẵn sàng xung đột, thậm chí gây chiến tranh, nhưng khi tình hình thực tế đưa đến bờ vực bùng nổ khi Nhật Bản tỏ thái độ cứng rắn nên Trung cộng không thể nào kiểm soát được, vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã tạo ra cho Bắc Kinh một áp lực quá lớn. Đây là một sai lầm mà cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều nhìn thấy và ra tay đánh ngược lại Bắc Kinh qua một loạt chính sách bao vây, cô lập Trung cộng.

Trong khi đó, dưới thời đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền chính phủ của Thủ tướng Noda Yoshihiko thực hiện quốc hữu hóa quần đảo Senkaku là vì tình thế bắt buộc, chứ không phải có ý thách thức với Trung cộng. Hành động này nhằm ngăn chận kế hoạch mua và phát triển quần đảo của Đô Trưởng Tokyo là Ishihara Shintaro vốn có thể khiến Trung cộng kiếm cớ gây hấn.

Sau bước đi chiến thuật “quốc hữu hóa Senkaku” ông Abe Shinzo thuộc đảng Tự do Dân chủ chính thức lên làm Thủ Tướng, mở ra cục diện đối đầu trực tiếp một cách hùng dũng và cứng rắn với Bắc Kinh.

Giờ đây, Senkaku, trong vấn đề đối nội đã trở thành một nguyên nhân, một bàn đạp cho chính sách quốc phòng mới của Thủ tướng Abe Shinzo để hợp thức hóa quân đội, tăng ngân sách quốc phòng, tái vũ trang. Còn về đối ngoại Senkaku được Nhật Bản phất lên như là một lá cờ chính nghĩa để tập hợp sự đoàn kết với các quốc gia trong khu vực, đến mức sự hoài nghi về mầm mống trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật cũng không còn trong các quốc gia từng là nạn nhân của họ. Có nghĩa là hình ảnh quân phiệt Nhật tàn bạo hung ác, trước kia giờ đây đã khoác vào người Trung cộng.


Nguồn: Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.