Sự phục hưng kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh
Khôi Nguyên, HVR
Nhật Bản được xem là mẫu mực của mô hình phát triển toàn diện và thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế thế giới.
Bài Học Nhật Bản: phục hưng kinh tế
Với những bước tiến thần kỳ đưa đất nước nhanh chóng vươn lên địa vị cường quốc thế giới, từ đống tro tàn đổ nát của một quốc gia bại trận sau đệ nhị thế chiến, nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn bền vững đến ngày nay; Nhật Bản được xem là mẫu mực của mô hình phát triển toàn diện và thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế thế giới. Qua đó, sự thu hút này còn đưa đến trào lưu bước theo con đường xây dựng nền tảng kinh tế theo mô hình Nhật Bản của những quốc gia trong thế giới tự do, nhưng không phải quốc gia nào cũng gặt hái được thành công.
Theo yếu tố khách quan, nước Nhật đã hội tụ được những điều kiện cần thiết để thích ứng với một xã hội có nền văn hóa đặc thù và dân tộc thuần nhất của họ nên đã vượt qua được thử thách khó khăn để xây dựng nền tảng phát triển vững chắc. Điều quan trọng nhất là cũng có trường hợp các quốc gia hội đủ các điều kiện để phát triển sau thời kỳ chiến tranh, nhưng do giới lãnh đạo bất tài, tàn ác, tham quyền cố vị, với tinh thần nô lệ ngoại bang như trường hợp đảng CSVN chẳng những không đưa đất nước đi vào con đường phát triển mà còn nhấn chìm quốc gia đồng bào trong cảnh lầm than đói khổ, văn hóa đạo đức suy đồi, nền móng xã hội ruỗng nát. Hơn nữa, trường hợp của đất nước VN lại bị đảng CS cướp chính quyền dựa theo chủ thuyết ngoại lai nên ngay từ căn bản đã không đặt trên nền tảng tinh thần dân tộc và họ cũng không bao giờ quan tâm đến tương lai vận mệnh đất nước ngoài chiếc ghế ngồi ngất ngưỡng trên cao với vô số đặc quyền đặc lợi
Nay dù được sống trong cảnh an lạc thái bình, người dân Nhật vẫn luôn được nhắc nhở về thời kỳ gian nan khốn cùng ngay sau khi Nhật Hoàng Chiêu Hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, qua những thước phim tài liệu được phát sóng thường xuyên vào buổi tối trên đài truyền hình NHK trước giờ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Đó là hình ảnh của những đống gạch vụn trên nền nhà hoang tàn do bom đạn phá hủy cùng với cảnh người dân nam phụ lão ấu, mặt mặt lem luốc, ngơ ngác thất thần, rão bước trên đường mà họ cũng không biết phải đi về đâu. Tuy những thước phim trắng đen này cũng gợi lại nhiều thảm cảnh đói rét của người dân, nhưng không mấy ai than trách mà họ chỉ âm thầm chịu đựng và ra sức làm việc. Từ cảnh người nông dân già nua khòm lưng trồng trọt, cày cấy, cho đến người công nhân vất vả làm việc ở hãng xưởng hoặc các em nhỏ chăm chỉ ngồi trên ghế nhà trường, tất cả đã đưa ra một bức tranh sống động về khuôn mặt của đất nước Nhật Bản trong khoảng thời gian giữa thập niên 1940. Từ đó con cháu Thái Dương Thần Nữ bắt đầu nở trên môi những nụ cười khi đất nước họ chuyển mình thoát ra khỏi cảnh nghèo đói với giai đoạn tự túc lương thực và mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng hóa cho dân chúng tiêu dùng trong nội địa. Tuy vậy, giai đoạn 5 năm đầu sau chiến tranh vẫn còn để lại nhiều hình ảnh đáng suy gẫm về sự hy sinh của người dân Nhật, trong cảnh thắt lưng buộc bụng và hầu như không hề xảy ra các tệ nạn xã hội như trộm cướp, hoặc những vụ lường gạt tiền bạc, của cải.
Theo lời phát biểu của một số nhân chứng, lúc đương thời, tuy họ cảm thấy bất an trước tình cảnh thất nghiệp, thiếu thốn của đất nước sau chiến tranh, nhưng vẫn một lòng kiên trì nhẫn nại và đặt niềm tin qua những kế hoạch phục hưng kinh tế trước mắt như Cải Cách Nông Địa (Nochi Kaikaku) nhằm phân phối và chuyển quyền sở hữu canh tác ruộng đất trong nông nghiệp, hoặc chính sách Giải Thể Các Tập Đoàn Tài Phiệt (Zaibatsu Kaitai), hay 3 điều luật lao động mới gọi là Lao Động Tam Pháp (Rodo Sanpo) cũng như luật Chống Độc Quyền (Dokusen Kinshi Ho) và
Đường Lối Dodge (Dodge Line) gọi chung là chính sách Dân Chủ Hóa Kinh Tế (Keizai Mishuka). Trong đó, các kế hoạch Cải Cách Nông Địa, Giải Thể Các Tập Đoàn Tài Phiệt là chính sách đưa ra từ đề nghị của Bộ Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Liên Hiệp Quốc, tức cơ chế tối cao do Hoa Kỳ đứng đầu trực tiếp chiếm đóng và điều hành chính sự tại Nhật Bản dựa theo điều 12 ghi trong bản Tuyên Ngôn Postdam, chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Thiên Hoàng Chiêu Hòa.
Qua đó, chính sách giải thể các tập đoàn tài phiệt nhằm mục đích loại bỏ nguy cơ cung cấp tiền bạc phương tiện kinh tế từ giới tài phiệt vốn được coi là thành phần chủ chiến thúc đẩy Nhật Bản gây hấn xâm chiến các quốc gia lân cận trước đó. Cũng trong ý nghĩa đề phòng mầm móng bất mãn trước tình trạng chiếm đóng của quân Liên Hiệp Quốc đưa đến chống đối của giới địa chủ giàu có, luật cải cách nông địa nhằm tước bỏ đặc quyền quá lớn của các địa chủ và quy hoạch lại các vùng đất đai canh tác cho nông gia. Tuy nhiên, trên thực tế chính sách Cải Cách Nông Địa là do sáng kiến của chính phủ Nhật Bản nhưng lúc đương thời vì có nhiều viên chức là địa chủ với quyền thế rất lớn tại nông thôn nên chính phủ Nhật Bản đã mượn danh nghĩa cơ chế Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Liên Hiệp Quốc để thực hiện chính sách này. Riêng về đường lối Dodge là lấy tên của nhân vật Joseph Dodge được phía Hoa Kỳ cử sang Nhật Bản từ năm 1948 để điều hành kinh tế tại đây. Ông Dodge đưa ra kế hoạch cân đối ngân sách qua việc hạn chế chi tiêu, ngưng kiểm soát giá cả và đặc biệt là cố định tỷ giá hối đoái đồng yen Nhật với 360 yen đổi lấy 1 đô-la Mỹ. Nhờ vậy, sức bật của nền kinh tế tự do được khôi phục, năng suất làm việc ở Nhật Bản được nâng lên. Sau này,ông Dodge còn giữ chức vụ Cục Trưởng Quản Trị Hành Chính Và Ngân Sách của chính phủ Hoa Kỳ. Trong khi đó, luật Chống Độc Quyền đã khuyến khích sự cạnh tranh trong các ngành chế tạo và sản xuất nên thúc đẩy ngành kinh doanh đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Bước vào thập niên 1950, nền kinh tế Nhật Bản được coi là khởi sự cho giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt được thể hiện qua ba mặt hàng đồ điện gia dùng mang tính cách trọng điểm kinh tế là tivi, máy giặt và tủ lạnh đã trở thành biểu tượng cho sự phổ cập nhanh chóng của các sản phẩm bền chắc đến mức người Nhật đã gọi đây là “Tam Thần Khí” để miêu tả tiêu thụ sung túc của xã hội Nhật bản thời bấy giờ. “Tam Thần Khí” (Sanshu No Jingi) là dụng ngữ trong ngành quảng cáo nói về các sản phẩm được chế tạo với tuổi thọ lâu bền được vay mượn từ tên gọi 3 món bảo vật lưu truyền của các đời vua Thiên Hoàng cổ đại trong thần thoại Nhật Bản là tấm gương, phiến ngọc và thanh kiếm. Tấm gương có tên Yata No Kagami (Bát Chỉ Kính), còn phiến ngọc là Yasaka Ninoma Tama (Bát Xích Quỳnh Câu Ngọc) và thanh kiếm là Ama No Murakumono Tsurugi (tức Thiên Tùng Vân Kiếm).
Theo cách của ngành lịch sử kinh tế học thế giới, sau khi trải qua nhiều biến động Nhật Bản được coi là có những phát triển kinh tế trong 3 giai đoạn chính từ lúc bắt đầu tiếp xúc với Tây Phương vào thế kỷ thứ 16.
Đầu tiên là thời kỳ Edo (1603-1868). Edo (Giang Hộ) tức tên gọi xưa kia của Tokyo hiện nay dưới quyền thống trị của giòng họ nhà tướng Tokugawa đã sớm xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh và nhất là gây sự chú ý cho các cường quốc Tây Phương đương thời qua kế hoạch đô thị hóa, ổn định phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhờ vào kỹ thuật đóng thuyền buồm tiến bộ nên Nhật Bản cũng cử nhiều phái đoàn ngoại giao đi đến Hoa Kỳ và Châu Âu trước sự thán phục của các quốc gia Âu Mỹ. Nhờ đó, Nhật Bản cũng tiếp nhận một cách chọn lọc từ nền văn hoá, khoa học và kỹ thuật của Tây Phương.
Giai đoạn kế tiếp là thời kỳ chiến tranh từ đầu thế kỷ 20 với sức mạnh quân sự vượt trội nhờ vào nền tảng cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân trong khi những quốc gia khu vực còn chìm đắm trong lạc hậu, Nhật Bản đã mang quân gây hấn chiếm đoạt bán đảo Triều Tiên và một phần lãnh thổ Trung Hoa trong lúc nền kinh tế quốc nội vẫn duy trì mức phát triển đều đặn cũng như tiếp tục mở rộng giao thương cùng phương Tây.
Và cuối cùng là giai đoạn hậu chiến từ sau năm 1945 cũng là thời kỳ được chú ý nhiều nhất sau khi tận dụng được thời cơ là cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc Hàn bùng nổ từ tháng 6/1950, giúp cho nước Nhật trở thành nơi sản xuất quân nhu quân dụng cung ứng cho quân đội Hoa Kỳ. Đây cũng thời điểm mà Nhật Bản ký kết hiệp ước hòa bình với Hoa Kỳ và được Hoa Kỳ cam kết bảo vệ nên từ đó Nhật Bản an tâm trong vấn đề quốc phòng và dồn hết toàn lực vào việc cất cao đôi cánh kinh tế bay khắp vòm trời thế giới.
Theo phần nhận định trong bài tiểu luận “Điều Kiện Phát Triển Cao Độ Của Nhật Bản” của giáo sư Kamchai Laismit, một nhà kinh tế học người Thái Lan chuyên ngành nghiên cứu về kinh tế Châu Á và đầu tư toàn cầu, hiện đang giảng dạy tại trường đại học Kagoshima ở Nhật Bản, thì có 4 điều kiện chính yếu giúp nước Nhật tạo được bước nhảy vọt thần kỳ sau chiến tranh.
Điều kiện thứ nhất là con người.
Con người ở đây chính là sức làm việc của nhân công. Nước Nhật sau chiến tranh có nguồn nhân công rẻ nhưng phẩm chất rất cao. Tức là với một vốn kỹ thuật sản xuất nhất định có thể đưa ra những sản phẩm giá thành rẻ do giá mước nhân công rẻ. Đặc biệt hơn là với phong trào sinh con sau chiến tranh, nên vào những năm thập niên 1960 nước Nhật đã có được một thế hệ mới với nguồn năng lực dồi dào, nhân công có thừa.
Thêm nữa phải kể đến sự ra đời của 3 điều luật trong bộ luật lao động gồm Luật hợp tác xã lao động, Luật cơ chuẩn lao động, Luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lao động, đã bảo vệ quyền lợi và cuộc sống sinh hoạt của người làm việc. Cùng với hình thức các công ty Nhật Bản áp dụng chính sách tuyển dụng thuê mướn nhân công cả đời và tăng lương theo số năm làm việc, đã giúp người làm việc có thể hoàn toàn yên tâm để cống hiến hết tinh thần, sức lực, trí tuệ cho hãng xưởng.
Đây chính là điểm đặc sắc cơ bản trong hệ thống hãng xưởng của Nhật Bản nên người Nhật luôn coi nơi làm việc làm ngôi nhà thứ hai của mình qua cách nói “Uchi no Kaisha”, tức hãng nhà của tôi vì họ làm việc tại đây từ lúc thanh niên cho đến khi tuổi già.
Đến đây cũng xin được mở ngoặc để bổ túc thêm về cung cách làm việc của người tại hãng xưởng. Người Nhật luôn phục tùng mệnh lệnh của thượng cấp dù biết cấp trên đưa ra những chỉ thị không phù hợp trong công việc. Trước hết, họ tuân lời rồi làm theo lời chỉ thị và sau đó mới chứng minh rằng người cấp trên đã có cách nhìn sai lầm.
Ngoài ra, trường hợp các công chức còn làm việc tận tụy hơn. Họ làm hết việc chứ không hết giờ. Sau giờ quy định, công chức Nhật Bản có làm thêm đến tối khuya cũng chỉ được tính lương của một hoặc hai tiếng phụ trội, còn lại số giờ làm thêm sẽ quy thành số điểm để căn cứ vào đó được tăng lương hoặc cấp ngày nghỉ. Một điểm khác là khi thượng cấp chưa về thì công chức Nhật Bản vẫn phải ngồi lại bàn giấy làm việc. Thêm nữa, công chức các ngành hoặc giáo viên đều phải thuyên chuyển chỗ làm khắp toàn quốc, nhất là những người có chức vụ càng cao thì càng bị thuyên chuyển đi xa nhà với mức độ mỗi năm một lần để tránh tình trạng kéo vây cánh, tạo quyền thế hoặc tham nhũng. Trường hợp này rất phổ biến ở nước Nhật và được gọi là Tanshin Funin (đơn thân phó nhiệm), tức người làm việc xa nhà, xa gia đình nên họ cảm thấy cô đơn và thường tìm vui giải sầu tại các quán rượu sau giờ hành chánh.
Tuy tinh thần làm việc tận tụy hết mình của người Nhật rất đáng học hỏi, nhưng cũng có trường hợp không ít người trong giới công chức bị áp lực công việc quá lớn rồi gục chết ngay trên bàn giấy trong khi làm việc. Ngược lại, cũng có người vì lo sợ không hoàn thành công việc đúng thời gian mà thượng cấp đề ra nên tự nhận lấy trách nhiệm bằng cách tự sát. Đây cũng là một vấn đề lớn khiến các Bộ Lao Động Nhật Bản phải ra khuyến cáo yêu cầu công chức và giới lao động ưu tiên giữ gìn sức khỏe dù công việc bận rộn.
Trở lại phần nhận định của giáo sư Kamchai Laismit thì điều kiện “Con người” ở đây có tính hai mặt. Nếu trên đây đề cập tới nguồn nhân công làm việc, thì mặt còn lại chính là giới tiêu thụ. Nguồn nhân lực sản suất đông đảo cũng đồng nghĩa với số đông giới tiêu thụ khi người Nhật luôn chuộng hàng nội hóa.
Điều kiện thứ 2 được nêu ra là vật chất.
Vật chất ở đây chính là việc sản xuất. Sau những năm 1950, trong những nghành sản xuất chính yếu, các hãng xưởng đã mở rộng việc cạnh tranh lẫn nhau bằng việc đưa những kỹ thuật mới từ Âu Mỹ hay trực tiếp nghiên cứu phát triển những sản phẩm mới, cải tiến kỹ thuật cũ. Nhờ đó việc đầu tư với những kỹ thuật mới được gia tăng. Đây là một phần trong cuộc cạnh tranh phá giá trong bối cảnh một vài công ty lớn thâu tóm một lĩnh vực kinh doanh nào đó. Ngoài ra những ngành kỹ nghệ mới như: hóa học, điện tử, xe hơi, đồ điện gia dụng v.v. ngày càng được phát triển và dần trở thành những ngành công nghiệp quan trọng bậc nhất của Nhật Bản. trong thời kỳ này, các sản phẩm của Nhật bản với giá thành hạ được đã xâm nhập nhanh chóng vào thị trường nước ngoài chứ không chỉ trong nước.
Điều kiện thứ ba là tiền bạc, tức vốn đầu tư.
Tiền là vấn đề tài chính doanh nghiệp, như hệ thống ngân hàng giao dịch chính hay sự ổn định hóa của các cổ đông lớn. Các công ty xí nghiệp có những hợp đồng liên kết giao dịch dài hạn đặc biệt với một ngân hàng nhất định để bảo đảm nguồn đầu tư được duy trì ổn định trong thời gian dài, không cần hoàn trả ở những thời điểm khó khăn. Thay vào đó, tất cả những tính toán sổ sách của công ty phải được thực hiện bằng tài khoản của ngân hàng đó và có trách nhiệm cung cấp chi tiết cần thiết cho ngân hàng. Vấn đề thiếu vốn đầu tư của doanh nghiệp và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng làm cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng trở nên hai bên đều phụ thuộc lẫn nhau, hay nói cách khác là gắn bó mật thiết hơn.
Những doanh nghiệp tiêu biểu của Nhật Bản ở thời kỳ sau chiến tranh có thể kể đến Sony hay Honda đã rất khó khăn về tiền vốn lúc ban đầu, nhưng họ đã nhận được những khoản đầu tư rất lớn để phát triển nhanh chóng và lớn mạnh như ngày nay. Hệ thống ngân hàng chính đã phát huy hiệu quả trong việc đào tạo những doanh nghiệp sở hữu những kỹ thuật có triển vọng, cho thấy một mặt đặc trưng về tài chính của thời kỹ phát triển kinh tế cao độ của Nhật. Mặt khác, ngân hàng chính trở thành trung tâm trong việc sở hữu cổ phần lẫn nhau giữa các công ty, góp phần làm cho thành phần cổ đông ổn định. Nhờ thế mà đội ngũ lãnh đạo việc kinh doanh có thể an tâm để tập trung cho việc phát triển công ty.
Và điều kiện thứ tư là thời cơ.
Năm 1949 nước Nhật áp dụng chính sách tài chính mang tên Dodge Line nhằm mục đích hướng tới một nền kinh tế tự lập và ổn định đặt trọng tâm vào các cơ sở hạ tầng, hạn chế chi tiêu. Ngay năm tiếp theo – năm 1950, chiến tranh bán đảo Triều Tiên bùng nổ, với tỉ giá đồng yen rẻ 360 yen đổi được 1 mỹ kim và nhu cầu sản xuất nhu yếu phẩm cho cuộc chiến Nam Bắc Hàn rất lớn, đã giúp cho nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng vượt qua mức trước thế chiến II. Thời điểm đó, việc coi chính sách công nghiệp hóa hướng đến xuất cảng chưa mang tầm mức quan trọng như một chiến lược phát triển kinh tế đối với các quốc gia trong vùng nên việc Nhật Bản thực hiện từ sớm chính sách này chính là chìa khóa của sự thành công trong phát triển kinh tế, bởi điều đó đem lại may mắn là họ không có đối thủ cạnh tranh trong xuất cảng. So với hiện nay, các quốc gia đều đưa ra những chiến lược hướng đến xuất cảng tương tự nhau nên việc xuất cảng hầu như không được khả quan như dự tính.
Cuối cùng, ông Kamchai Laismit kết luận rằng bốn nguyên nhân trên mới chỉ là điều kiện để nước Nhật bắt đầu một cuộc phát triển thần kỳ và để điều chỉnh cho nền kinh tế trong quá trình phát triển đó còn có những chính sách kịp thời hợp lý.
Đặc biệt, trong lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, những đức tính của người kỹ sư Nhật Bản là: làm đến cùng, không tự mãn với kỹ thuật hiện tại, luôn luôn có ý thức cải tiến bằng suy nghĩ của bản thân, không sao chép, tạo bản sắc riêng biệt của công ty trong mỗi sản phẩm v.v. đã đưa kỹ thuật made in Japan lên đỉnh cao thế giới như ngày hôm nay.
Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.
Bốn điều kiện: Con Người, Cách Làm, Vốn và Thời Cơ, là bốn yếu tố cần cho tất cả mọi việc làm chứ chẳng phải chỉ riêng cho nền kinh tế Nhật vào lúc phục hồi.
Con Người là quan trọng nhất. Nếu con người láo lếu thì Cách Làm dù đúng đắn cũng thành làm láo. Con Người hư hỏng thì đưa cho nhiều Vốn cũng làm tan hết vốn. Con Người hư hỏng làm bậy thì dù có gặp thời cơ tốt cũng không lợi dụng được.