Hãy chấm dứt ‘mùa tự tử’ tại Việt Nam

Liên Hoàng – DCVOnline lược dịch

stressTp. HỒ CHÍ MINH – Hầu như mỗi mùa hè, dân Việt Nam đều đọc những bản tin mới nhất về những vụ học sinh tự tử sau khi không thi đỗ vào đại học. Điều này không làm ai ngạc nhiên cả. Tự tử trở nên chuyện quá thường đến nỗi một trang web đã đặt câu hỏi: Đây là “mùa thi hay mùa tự tử?”

Sức ép với học sinh thi vào đại học. Nguồn: VietNamNet
Sức ép với học sinh thi vào đại học. Nguồn: VietNamNet

Trong suốt hai ngày tháng Bảy, các học sinh thi ba môn tùy theo ngành học. Ví dụ, sinh viên khoa Sử có những đề thi khác hơn sinh viên khoa Vật lý. Cuộc Thi phần lớn nhằm đánh giá khả năng thuộc bài của học sinh.

Một tháng sau học sinh sẽ biết kết quả.

Cuộc thi duy nhất này sẽ xác định học sinh tại Việt Nam sẽ theo học tại đại học nào. Theo quan điểm của hầu hết gia đình có con em đi thi thì việc thi vào đại học còn có thể định đoạt cả cuộc đời của học sinh. Áp lực đỗ vào đại học quá cao với học sinh, đặc biệt ở một đất nước mà nhiều học sinh nghèo cần một mảnh bằng đại học tốt có thể chen chân vào tầng lớp trung lưu.

Khi còn là một học sinh ở California, bạn bè của tôi và tôi cũng phải gạo bài trước những kỳ thi. Nhưng chúng tôi không phải gánh chịu sức ép như học sinh ở Việt Nam.

Áp lực không phải là điều tệ nhất. Thực tế là cả cái hệ thống thi cử – và số phận của học sinh – lại dựa trên một sự thiếu logic và hiểu biết thông thường đến điên khùng mới là vấn đề chính. Kết quả của kỳ thi tuyển đó hoàn toàn không tính đến kết quả học tập suốt những năm ở trung học. Thi vào đại học như thế không phải là cách tốt nhất để đánh giá xem học sinh đã sẵn sàng cho việc học ở bậc cao hơn hay chưa.

Lớn lên ở Mỹ, tôi yên tâm biết rằng ban tuyển sinh tại các trường đại học mà tôi hằng mơ ước sẽ xét đến nhiều khía cạnh khác hơn là chỉ dựa vào điểm S.A.T. (Scholastic Assessment Test) và họ cũng hiểu rằng kết quả thi không phải là cái thước tốt để đo trí thông minh. Đại học Mỹ còn xét đến các hoạt động ngoại khóa, những việc học sinh đã làm, trình bầy của học sinh, thư giới thiệu và điểm hạng. Họ sẽ xem cả tranh vẽ của sinh viên muốn theo ngành nghệ thuật.

Các trường đại học Việt Nam cần đánh giá học sinh bằng nhiều tiêu chuẩn khác trong một phạm vi lớn hơn. Nhưng Việt Nam dường như khó bỏ cái lệ thi cử (tuyển quan chức) đã có từ nhiều thế kỷ. Việt Nam từ lâu đã xem trọng việc đánh giá bằng thi cử.

Một viên chức ở đại học nói với tôi rằng họ không thể bỏ kỳ thi tuyển sinh đến khi phẩm chất ở cấp trung học được bảo đảm. Đã có một kế hoạch để loại bỏ kỳ thi tuyển vào đại học năm 2010, nhưng đã bị hủy bỏ, một phần vì mối quan tâm về vấn đề lạm phát điểm hạng tràn lan.

Ngô Thị Phương Lan, Hiệu Phó của một trong những đại học danh tiếng nhất của Việt Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, “Các trường trung học cho học sinh của họ được điểm cao để có thể xin vào các trường đại học hàng đầu.”

Gian lận điểm hạng là chỉ dấu của vô số vấn đề. Giáo viên thường xuyên hối lộ. Họ tổ chức các lớp “tự nguyện” sau giờ làm việc, thu học phí và cho học sinh biết những câu hỏi sẽ ra trong bài kiểm. Gian lận tràn lan, đôi khi có sự giúp đỡ của các nhà giáo.

Thi tuyển vào đại học cũng cho thấy sự bất bình đẳng ngày càng lớn tại Việt Nam. Các học sinh nghèo ở tỉnh tự tử nhiều hơn học sinh ở thành phố. Sinh viên giàu bị điểm thấp có thể chờ thi thêm một kỳ khác vào năm sau. Họ cũng có đi học thêm để chuẩn bị, giống như khác khóa chuẩn bị thi S.A.T. tại Hoa Kỳ, tương tự cũng làm chệch điểm số, có lợi cho những học sinh con nhà khá giả.

Chính phủ hiện dự tính đến năm 2020 sẽ cho phép một số đại học nhận sinh viên theo kết quả học ở trung học nhiều hơn là điểm hạng trong kỳ thi tuyển. Đến 2016, chính phủ sẽ Việt Nam có kế hoạch đơn giản kỳ thi bằng cách giảm môn thi và cho thi trong một ngày thay vì hai (như thế có thể làm giảm mức độ căng thẳng cho học sinh). Nhưng những cải cách đó vẫn sẽ không đòi các trường đại học đánh giá ứng viên một cách toàn diện.

Dù không muốn, Việt Nam cũng phải thừa nhận, họ có nhiều điểm giống như Trung Quốc – dân tộc đã cai trị Việt Nam đến cả 1.000 năm – nhất là khi nói đến giáo dục. Kỳ thi tuyển sinh đại học đề cao việc học thuộc lòng tại thay vì cổ xúy tư duy phê phán là nỗi ám ảnh quốc gia cho cả hai nước. Vì chính sách một con của Trung Quốc và tương tự tại Việt Nam, gia đình nhỏ hơn lại càng có có nhiều áp lực buộc trẻ em phải học giỏi hơn.

Học để thi! Nguồn: OntheNet
Học để thi! Nguồn: OntheNet

Ở Trung Quốc, đã có bàn thảo chính thức để đổi mới cách thi cử (cao khảo) trên toàn quốc, để các trường đại học xét ứng viên về nhiều mặt khác. Nếu Việt Nam bắt chước những cải cách đó, các trường đại học ở đây có thể trở nên linh hoạt hơn trong việc tuyển sinh. Sau đó, họ có thể để cho sinh viên tự do hơn để trở thành những người vẹn tròn – chứ không phải chỉ xuất sắc trong việc thi cử.

Liên Hoàng là một blogger cho The New York Times, viết về vùng Đông Nam Á.

© 2014 DCVOnline


Nguồn: Ending Vietnam’s ‘Suicide Season’. By Lien Hoang. November 1, 2013