Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 (Kết)

Nguyễn Văn Lục

vlamNgô thế Vinh 1941 với Mây Bão, Vòng đai xanh, Mặt trận Văn Nghệ ở Sàigòn, Gió mùa. Sau 1975, ông viết Cửu Long cạn dòng, biển Đông dạy sóng.
Những tác phẩm của Ngô Thế Vinh sau này ở Hải ngoại chuyên chở một lo ngại về môi trường. Tôi có được đọc và chia sẻ.

Nhưng có thể vấn đề môi trường còn quá sớm sủa đối với tâm thức người Việt Nam nên ít ai lưu tâm cho đủ.

Nhã Ca 2013. Nguồn: Việt Báo.
Nhã Ca 2013. Nguồn: Việt Báo.

Nhã Ca, tên thật Trần Thị Thu Vân, 1939 với Đêm nghe tiếng đại bác, Đêm dậy thì, Sống một ngày, Giải khăn sô cho Huế, Tình ca trong lửa đỏ, Một mai khi hoà bình, Lăn về phía mặt trời.

Theo nhận xét riêng của tôi, người phụ nữ viết về chiến tranh vẫn có cái chưa tới, viết bằng cảm giác hơn là cuộc sống thực. Hình như nó thiếu chiều suy tư, thiếu chiều sâu.

Bà là tiêu biểu cho những giọng nhà văn nữ eo éo thay cho tiếng ồm ồm của một thời kỳ văn học rộ lên một đám phụ nữ theo nhận xét dí dỏm của Võ Phiến. Sự rộ lên này hiểu được, vì đa số nhà văn phái Nam phải cầm súng ra trận.

Theo nhà văn Uyên Thao, trong cuốn sách của ông nhan đề Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1960-1970 , (1973) tác phẩm Đêm nghe tiếng Đại bác được đăng một phần trên nhật báo Tin Sáng đã làm nên tên tuổi Nhã Ca. Có điều nhà văn Uyên Thao khổ công tìm ra ở đâu bức hình Nhã Ca đẹp đến như thế với một nốt ruồi tô đậm, trên vành môi trên. Nốt ruồi ấy làm tôi liên tưởng đến Thanh Lan.(39)

Thảo Trường, tên thật Trần Duy Hinh, 1939 với Thử lửa, Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp, Vuốt mắt, Cánh đồng đã mất, Bên đường rầy xe lửa, Người khách lạ trên quê hương. Sau 1975 có Tiếng thầm trong bị tre gai (1995), Đá mục (1998).

Thảo Trường là một nhà văn quân đội tiêu biểu. Truyện của ông bao giờ cũng đặt ra vấn đề. Đó là loại tiểu thuyết không dễ viết, dễ bị gò bó, dễ bị vấn đề lấn lượt.

Vậy mà ông viết rất nhẹ nhàng, rất thông thoát. Chuyện Người đàn bà mang thai trên Kinh Đồng Tháp mà cấu trúc câu chuyện đăt chúng ta vào một tình thế lưỡng nan, phải chọn lựa, một chọn lựa không dễ chọn lựa trong một hoàn cảnh chiến tranh đặt tâm thức con ngưới trước những thử thách, những chọn lựa bất đắc dĩ hầu như một bi kịch.

Tôi chỉ có thể nói như vậy.

Bối cảnh là chiến tranh, nhưng chính là con người phải đối đầu với những bi kịch qua thân phận người phụ nữ ở giữa hai lằn đạn. Vào những năm cuối đời, 2007 thì phải, ông có gửi bản thảo truyện ngắn của ông và nhờ tôi đọc dùm xem, ông viết có còn được hay không, nếu không được ông sẽ ngừng viết.

Một công việc mà bình thường một nhà văn có tiếng như ông không bao giờ làm. Tôi đọc thì thấy quả thấy có cái gì đó không ổn. Nhưng tôi đã trả lời là “xin anh cứ tiếp tục”. Cũng sau đó, ông bắt đầu lo tái bản những truyện của ông viết trước 1975, nhờ vậy, hầu hết các truyện của ông hiện nay đều được in lại.(40)

Có những tác giả tạo được một thế giá, truyện có bản sắc cá biệt nhưng lại ít được độc giả biết tới như Nam Dao với một cuốn Gió Lửa. Cuốn sách với kỹ thuật cao, hư cấu tuyệt. Tuy nhiên không phải là một cuốn dễ đọc cho bất cứ ai. Với Nam Dao và Ngô Thế Vinh, cả hai tác giả, sách không hẳn là dễ đọc, dễ lôi cuốn.

Hãy nhìn lại thế hệ các nhà văn miền Nam sau 1954, họ đều là những người cầm bút rất trẻ và rất sớm như Mai Thảo, Nguyên Sa, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ. Tô Thùy Yên làm thơ lúc 17 tuổi, Nguyên Sa làm thơ tình lúc 22 tuổi. Chưa người nào vượt quá tuổi 30. Đã thế, họ còn là những nhà văn có máu chuyên nghiệp. Họ cũng giống như lớp nhà văn tiền chiến Vũ Trọng Phụng, Trần Tiêu, Nam Cao và những nhà thơ như Lưu trọng Lư, Xuân Diệu hay những nhà văn trong TLVĐ như Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng. Họ bắt đầu sự nghiệp văn chương với nhiệt huyết, với tâm hồn của một người trẻ tuổi. Một hành trình sáng tạo, ấp ủ một giấc mộng văn chương như một văn nghiệp theo họ suốt hành trình nhân thế.

Họ là nhà văn theo nghĩa thân phận hơn là một nghiệp dư.

Vậy mà trước những biến cố chính trị sau 1975, họ như bị những lớp sóng thời cuộc xô đẩy đến cầm bút không còn được như trước nữa.

Những nhà văn lớp tuổi từ 45-60

Liệu những lớp nhà văn trẻ này, đều chưa cầm bút trước 1975 có thể thay thế được lớp nhà văn đàn anh không? Nhưng thay thế như thế nào.
Theo tôi, thường họ viết cho họ hơn là nghĩ đến chuyện thay thế ai.

Sự phóng túng, sự đa dạng, sự mạnh dạn trong những suy nghĩ và xu hướng bầy tỏ tình dục một cách thẳng thừng thay vì che đậy, xử dụng cái tôi trong truyện cho thấy họ có những cách suy nghĩ và thế giới truyện riêng của họ.

Trần Vũ. Nguồn: tranvu.free.fr/
Trần Vũ. Nguồn: tranvu.free.fr/

Đó là Đặng Thơ Thơ, 1962, tên thật là Thơ Thơ với Khi phong linh vỡ. Hoàng Mai Đạt, 1960 với Cánh đồng cho emGiữa hai miền mưa nắng. Hồ Đình Nghiêm, 1957, với Nguyệt thực, Tờ mộng rách rời và Vầng trăng nội thành… Lệ Hằng, sinh năm 1948 với 14 tác phẩm trước 1975 như Thung lũng tình yêu, Tóc Mây, Bản Tango cuối cùng, Tình yêu như Băng Sơn, Chết cho tình yêu, Kinh tình yêu, Sóc nâu, Mầu xanh đang lên, Như sương long lanh. Ở Hải ngoại với Sa tăng dịu dàng (1992), Nghề làm vua (1992), Bên kia là núi và tập truyện ngắn Nói thầm với đá (1998), Hạnh phúc quanh đây, Bình nguyên xanh. Lê Minh Hà, 1962 với Trăng góa, Thanh Văn, Gió biếc Thương thế, ngày xưa. Lê Thị Huệ, 1953 với Bụi Hồng, Lũy tre xanh, Rồng rắn Văn hoá trì trệ nhìn từ Hà nội, đầu thế kỷ 21. Lê Thị Thấm Vân, 1961 với Xứ Nắng, Mùa Trăng, Am vọng. Nguyễn Thị Ngọc Lan, 1957 với Một chút hạnh phúc nhỏ (1993), Trăng đất khách. Nguyễn Thị Thảo An với Bức Phù Điêu Khắc Cạn, gồm 12 truyện ngắn. Nguyễn Ý Thuần, 1953 với Tối thứ năm tại quán ăn đường Fifth, Người lính còn lại, Chốn không quên. Phan Thị Trọng Tuyến, 1951 với Mùa hè, Một nơi khác, Một trang đời. Trần Diệu Hằng, 1952 với Vũ điệu của loài công ( 1985), Mưa đất lạ (1986), Chôm chôm yêu dấu (1990), Niềm im lặng của m ây. Trần Vũ, 1962 với Ngôi Nhà sau lưng Văn Miếu, Cái chết sau quá khứ, Mùa mưa gai sắc. Bên cạnh đó, có một số đông các nhà văn chuyên viết truyện ngắn như Phùng Khánh Minh, Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Nguyên Phước, Phạm Thị Minh Thư, Thúy Hằng, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Viện, Thuận, Mai Ninh, Đỗ Lễ Anh Đào, Nguyễn Hương, Kiệt Tấn.

Nhận xét chung về những nhà văn lớp tuổi này là họ không còn viết như trước nữa.

Gần như mỗi nhà văn, mỗi cách thể hiện, độc đáo và khác người: Đó là cách nói và nhận xét đầy đủ nhất.

Chẳng hạn như trong Tôi, Anna và Thu của Nguyễn Danh Bằng, người đọc nhận thấy có điều gì dặc biệt trong câu chuyện, trong nhân vật, nội dung truyện mà chưa bao giờ tôi có cảm nghiệm được. Cũng như thế trong truyện Hai công dụng mới của máy sấy tóc của Phan Nhiên Hạo, câu chuyện xây dựng trên những tình tiết làm người đọc ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Thời hậu chiến của Nguyễn Hương càng đưa ta lạc lõng vào những hình thức, thể loại, dựng truyện, dựng nhân vật đến không dễ nắm bắt được. Nhà văn Nam Dao đã giới thiệu Thời hậu chiến:

“Đây là một truyện ngắn kỳ lạ qua cấu trúc thời gian và không gian, đi từ lịch sử này đến một lịch sử khác, từ một văn hoá này đến một văn hoá khác, nhưng rồi tụ lại ở thân phận người, một con người bất cứ ở đâu cũng cứ treo lửng lơ nối giữa trời và đất bằng một sợi dây đong đưa định mệnh.”

Ta cũng bắt gặp những suy nghĩ khác đời thường như trong Nơi trú ẩn an toàn của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Nhiều lúc đọc mà cảm thấy hụt hẫng, sút chân không theo kịp, không nắm bắt được tác giả.

Đọc Đêm nghi ngại của Cổ Ngư, chẳng khác gì người đi trong đêm, không tìm được lối ra. Các tình tiết câu truyện xoắn sít vào nhau như những mảnh rời nối kết lại một cách rời rạc không thuận lý.

Đọc họ, phải nhân gấp đôi lần não bộ để hiểu tác giả muốn viết gì?

Hình như người đọc chưa kịp chuẩn bị đủ để đọc họ, hay ngược lại, tác giả thiếu chuẩn bị để tiếp cận người đọc?

Hình như phải có con mắt thời đại để dõi mắt theo kịp thế giới truyện của các nhà văn hiện nay.

Có khoảng cách xa lìa giữa mỹ học cũ với những tầng tầng lớp lớp bụi thời gian quá khứ với lịch sử đặc và dầy che phủ kín một lối nhìn thông thoáng thông lộ ra một tia sáng lạ?

Tình trạng xa cách giữa lớp người đọc cũ và những nhà văn mới, có giống cảnh quan những con người đứng nhìn vào một hang động và chỉ thấy chiếc bóng mình và thế giới từ bên ngoài chiếu lung linh trên vách tường?

Có sự chậm lụt trong tầm nhìn vì sự khép lại, lội bì bõm trong quá khứ đau thương và tủi nhục không rút chân ra được của lớp người di tản trước?
Bấy nhiêu câu hỏi để tự tra vấn chính mình vẫn chưa có lời giải đáp.

Nay nhìn lại sinh hoạt văn học, trong nước thì xô bồ như chợ vỡ, chợ bán solde, tạp nhạp đủ thứ. Ngoài nước thì vắng hoe như buổi chợ về chiều. Cố mà vực dậy, cố mà vươn lên với những cố gắng của một số tập san, nhà xuất bản. Gió Văn, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tân Văn nằm trong số đó.

Cứ giả dụ không có tập san vừa nêu trên thì số phận sinh hoạt nhà văn Hải ngoại có còn nữa không? Nhưng người ta cũng nhận thấy Hiện tượng Lão Hóa trong số những nhà văn trẻ trên đây. Rất nhiều nhà văn cầm bút muộn hay đã quá tuổi 40. Họ được coi là trẻ trong văn nghiệp, nhưng già tính theo tuổi đời. Nam Dao bắt đầu cầm bút năm 1999, khi tuổi đời sắp bước vào tuổi 60. Miêng, Mai Ninh bắt đầu sự nghiệp viết văn lúc trên 40 tuổi. Nguyễn Thị Thanh Bình nay 46, Lê Thị Thấm Vân 43, Lê Quỳnh Mai 42, Nguyễn Hương 42, Phạm Chi Lan 42, Phạm Thị Ngọc 41, Đinh Linh 41, Cổ Ngư 41, Nguyễn Quý Đức 42, Hoàng Mai Đạt 41, Thận Nhiên 42, Đặng Thơ Thơ tên thì rất trẻ, nhưng nay cũng 42. Thật trẻ họa may còn có Đỗ Lê Anh Đào mới 25 tuổi.

Theo nhà văn, nhà giáo Trangđài Glassey-Trầnguyễn trong bài thuyết trình về Văn Học miền Nam nhan đề 40 năm văn học miền Nam thất thủ: Thế hệ hậu chiến khước từ thân phận mồ côi, bà có đặt một câu hỏi cho đám học sinh của bà như sau:

– Em sẽ chọn công việc nào? Viết 800 chữ tiếng Anh, nhuận bút $500; hay viết 1.200 chữ tiếng Việt, nhuận bút $50. Tất cả các em đã chọn 800 chữ.
– Việc xử dụng tiếng Việt trong sáng tác văn học là một chọn lựa đắt giá.

Lớp người đọc bây giờ cũng từ lớp tuổi 49 đến 70. Họ không chia xẻ được với lớp nhà văn viết sau 1975. Chẳng những thế, họ như bị ngợp và không đọc.
Điều đó cảnh báo một tương lai không sáng sủa gì cho văn học ngoài nước.

Đã thế sự nghiệp văn chương thì nhiều người còn mỏng. Và vẫn là thứ văn chương nghiệp dư.

Cứ nhìn những nhà văn trẻ viết văn bằng tiếng ngoại quốc không khỏi làm chúng ta suy nghĩ. Những người như Linda Lê, Monique Trương, Lê thị Diễm Thúy, Pedro Nguyễn, Valerie Tống Cường… phải chăng, muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp thì chỉ có con đường chọn viết văn bằng ngoại ngữ?

Nhưng những nhà văn trẻ vừa và thật trẻ vẫn là niềm hy vọng của sinh hoạt Văn Học Di Dân Việt Nam như những đóm lửa của hy vọng còn chờ đợi. Do dự một giây lát, những người lớp trước như Lê Thị Huệ, Trần Vũ, Mai Ninh, đã là một lẽ… nay trọng trách đó đặt trên vai một số nhà văn có tiềm năng như Đỗ Lễ Anh Đào, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ và Phùng Khánh Minh? Bao giờ niềm hy vọng cũng vẫn chỉ là hy vọng?(41)

3. Tình trạng lão hóa ngay chính nơi độc giả

Xin trích dẫn câu trả lời cho một nữ độc giả trên tờ Hợp Lưu cách đây mười năm:

“Sách báo hiện nay vẫn đang trong giai đọan thoi thóp. Người đọc cạn dần, mãi lực yếu. Điều này nguy hiểm nhất: độc giả càng ngày càng già đi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, lớp thay thế hầu như không có. Điều này cũng xảy ra cả với người viết. Vì vậy, Văn chương Việt Nam ngoài nước hầu như không thể ‘trẻ’ được. Một tác phẩm nào ra ra ngoài cái khuôn mòn đã được định trong vài ba thập niên qua, là lập tức bị phản bác, chê bai, chửi mắng. Vì thế, chúng ta chẳng hy vọng gì có được ‘một bức phá ngoạn mục’, như trên dưới 40 năm trước, cuả Sáng Tạo với văn chương tiền chiến…”

Độc giả cũng là những người lưu vong, bỏ nước ra đi. Cũng mang tâm trạng và hội chứng sau 1975… Câu chuyện văn chương bị chính trị hóa biến người đọc thành những quan tòa, thành một thứ tòa án nhân dân. Người đọc có những đòi hỏi thúc bách người viết phải viết thế này, phải viết thế kia nhân danh một quan điểm, một lập trường. Lập trường đó trở thành ý kiến của quần chúng, của đa số như thể một cao trào quần chúng. Điều đó phản ánh tâm tình của đa số độc giả. Nó đúng chứ không phải là sai. Nhưng từ những yêu sách, những mong muốn biến thành bạo lực áp đặt, khống chế, vu khống chụp mũ, mạ lỵ, triệt hạ uy tín một cá nhân là chuyện nay thành cơm bữa.

Thật đáng tiếc. Văn học bị vạ lây và đốt cháy.

Viết từ nay phải dòm trước, dòm sau, tránh né trước một bóng ma, một thế lực vô hình. Chỉ cần một cá nhân lên tiếng, nhân danh tập thể, cộng đồng thì tiếng nói của vị ấy trở thành có trọng lượng, một thứ công lý một chiều. Hai chữ cộng sản nay trở thành bóng ma hay lá bùa hộ mệnh cho những thành phần quá cực đoan. Nó thật nguy hiểm chẳng khác gì hai chữ Chó dại trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư.

Chưa bao giờ độc giả lại có cái thế phán quan, vai trò xét sử đến như thế.

Đã có lần, một nhà văn tôi quen biết kể lại đem một cuốn truyện có nội dung rất tốt, chống Cộng là đằng khác, đem bầy bán trong một buổi họp Cộng đồng. Chỉ cần một viên cựu Đại úy lên cầm micro tố cáo nhà văn về chuyện mượn tiền in cuốn sách của đám di dân Hải Phòng (‘di dân Hải Phòng không phải người quốc gia’). Cuốn sách đột nhiên phải cuốn gói, rút lui.

Văn chương trở thành một thứ tuyên truyền lúc nào không hay, nhàm chán và lão hoá. Đến một lúc nào đó thì chả ai muốn đọc những cliché đó nữa… Và càng ngày số người đọc một giảm đi theo năm tháng.

Số người trẻ lớn lên, càng chiếm đa số, nhưng lại thờ ơ với sách vở viết bằng tiếng Việt. Cuối cùng văn học chỉ là sản phẩm dư thừa, ế ẩm và thiếu chất lượng… Nhà văn Hoàng Khởi Phong đã để ra 10 năm không viết, không đụng đến chữ nghĩa, chỉ vì thấy sách báo tác phẩm văn học được xếp lẫn lộn với tiêu muối hành.

Sự ra đời của báo chợ đã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người đọc.

Từ chỗ đó, bất cứ ai cũng có thể viết, cũng có thể trở thành nhà văn. Tác giả ngày một hiếm, độc giả ngày một cạn là cớ cho một thứ văn chương bèo bọt, bát nháo, mạnh ai nấy viết. Và trong tương lai, phải chăng chỉ còn có một nền văn học báo chợ ở Hải ngoại?

Để tìm hiểu người đọc ngày hôm nay, tôi thử làm một thăm dò một số độc giả để xem họ nghĩ gì, thái độ ra sao đối với các nhà văn đang chiếm lĩnh văn đàn hay đang lên hiện nay. Sự chọn lựa 19 độc giả chỉ có tính cách tượng trưng, hướng dẫn, không có nghĩa đại diện. Trong số 19 độc giả, có 7 cặp và có 5 người ở tình trạng độc thân, một phụ nữ chủ báo có chồng, nhưng chồng không tham dự. Tuổi từ 49 đến 70. Có hai người trình độ tú tài, còn lại 17 người đã tốt nghiệp đại học. Trong số tốt nghiệp đại học, có 10 người tốt nghiệp đại học Âu Mỹ.

Người đọc sách ở hải ngoại. Nguồn: NVL
Người đọc sách ở hải ngoại. Nguồn: NVL

Có chín người từ lớp tuổi 49 đến 55 có đọc truyện tiếng Việt.

Với 19 độc giả vừa nêu trên, chúng ta có thể đưa ra một vài kết luận như sau: Lớp độc giả từ 60 trở lên ít đọc và ít theo đõi sinh hoạt văn học, nếu không nói có nhiệu vị có bằng cấp, học vị, từ khi ra nước ngoài chưa hề cầm đọc một cuốn sách tiếng Việt. Nhất là đọc các nhà văn lớp mới (từ 55 tuổi trở xuống).
Sự đánh giá tốt xấu tùy thuộc vào phái tính, nam hay nữ và hoàn cảnh gia đình.

Đối với một số cây viết trẻ, họ không có con đường nào khác là chọn viết truyện bằng tíếng Anh, tiếng Pháp thay vì tiếng mẹ đẻ. Và chẳng bao lâu nữa, sẽ có một nền văn học của người gốc Việt viết bằng tiếng ngoại quốc? Hiện nay, xin được liệt kê tên tuổi của lớp nhà văn trẻ này mà trong số họ, có những người đã thành danh, có tên tuổi, có thế giá đối với ngay xứ sở tạm dung của họ.

Hai tác giả gốc Việt viết sách bằng tiếng Anh (Vincent Lam's The Headmaster's Wager) và tiếng Pháp (Kim Thúy's Ru). Nguồn: CBC
Hai tác giả gốc Việt viết sách bằng tiếng Anh (Vincent Lam’s The Headmaster’s Wager) và tiếng Pháp (Kim Thúy’s Ru). Nguồn: CBC

Linda Le ở Pháp là một trong 3 nhà văn nữ nổi tiếng hàng đầu của Pháp hiện nay. Cô đã có hơn 10 đầu sách xuất bản tại Pháp. Cạnh đó có Kim Đoan, Kim Lefèvre, Jean-Michel Truong. Những nhà văn trẻ gốc Việt viết bằng tiếng Mỹ thì đông đảo hơn với Monique Truong, Kien Nguyen. Đặc biệt hai nhà văn này, sách có thời gian là best seller ở nước Mỹ. Mong Lan, Duong van Mai Elliott, Dao Strom, Andrew Lam, Cathy Yardley, Lan Cao, Le thi Diem Thuy, Tran thi Nga, Le Ly Hayslip, Nguyen Quy Duc, Dinh Linh, Lee Minh McGuire. Aimée Phan Andrew Wells-Dang, Anna Moi, Barbara Tran, Pham Andrew X, Surai Michele M, Nathalie Huynh Chau Nguyen, Ly Ho, Thuong Vuong-Rick.

Cứ nhìn vào sự việc trước mặt, phải chẳng trong tương lai chỉ còn hai hình thức sinh hoạt sách báo ở nước ngoài. Viết báo chợ cho người Việt đọc quảng cáo và đăng phúng điếu, hiếu hỉ, hoặc nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cho người ngoại quốc đọc?

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi và đã đăng trong Thư Quán Bản Thảo, số 63 Tháng 2-2015. Trang 283-356. DCVOnline minh họa.

Tài Liệu Tham Khảo:

(39) Uyên Thao, Các nhà văn nữ Việt Nam 1960-1970, trang 319
(40) Sách truyện của Thảo Trường có bán tại báo Sai gòn Nhỏ
(41) Xin đọc thêm bài viết tác giả: Nhận định về các nhà Văn Việt đầu thế kỷ 21.