Học thuyết về sự di cư của người Việt/Yue và “lập luận bằng sơ đồ ẩn”
Lê Minh Khải | Trà Mi dịch
Có một học thuyết xuất hiện ở đầu thế kỷ thứ hai mươi lập luận rằng ở cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước dương lịch, người Việt (Nam) đã di cư đến đồng bằng sông Hồng từ nguyên quán ở khu vực nay là miền Đông Nam Trung Hoa.
Ý tưởng này do Edouard Chavannes đưa ra đầu tiên vào năm 1901, rồi sau đó được Leonard Aurousseau khai triển thêm vào năm 1923. Hiện nay thuyết này không còn đứng vững, dù người đọc vẫn có thể thấy nó được đề cập đến. Tuy vậy, tôi không nghĩ có nhiều người biết vì sao học thuyết này vô nghĩa.
Ở Việt Nam thời hậu thuộc địa, học thuyết này bị bác bỏ vì “mang tính thực dân”, tôi đoán vì nó cho rằng người Việt đến từ một vùng ở ngoài Việt Nam. Tuy nhiên tôi không thấy việc nói học thuật “mang tính thực dân” giải thích được gì nhiều.
Đúng, có những vấn đề với học thuật của Chavannes và Aurousseau, nhưng tôi không cho những vấn đề đó đến từ quan điểm “thực dân”. Thay vào đó, những vấn đề đó, đôi khi, phụ thuộc vào học thuật cẩu thả, và hơn nữa là vào cái mà tôi gọi là một phương pháp luận không chuẩn, cái mà chúng ta có lẽ có thể gọi là lối “lập luận bằng sơ đồ ẩn” khi nhìn về quá khứ.
Trong một cước chú ở tập 4 (a footnote in the fourth volume) của bản dịch 5 tập cuốn Sử ký (Shiji, 史記) của Tư Mã Thiên, Edouard Chavannes đưa ra học thuyết “chủng tộc An Nam” là hậu duệ của dân ở một vương quốc Việt cổ. Vương quốc đó ở một khu vực hiện nay là phần phía bắc của tỉnh Triết Giang, và đã bị nước Sở tiêu diệt ở thế kỷ thứ tư trước dương lịch.
Theo Chavannes, sau đó có nhiều chính thể thành hình từ những “mảnh vỡ” của nước Việt cổ, như Nam Việt ở khu vực nay là Quảng Đông, Mân Việt ở tỉnh Phúc Kiến bây giờ, và Việt Đông Hải ở tỉnh Triết Giang ngày nay.
Chavannes lập luận rằng “những nước này chắc chắn có liên hệ với chủng tộc An Nam”, và ông đưa ra hai bằng chứng để củng cố cho công bố này.
Thứ nhất, ông trích dẫn cuốn Lịch sử An Nam (Cours d’histoire annamite) của Trương Vĩnh Ký để cho rằng các sử gia An Nam xem “Nam Việt Vương” là đã dựng nên triều đại thứ ba của “An Nam”.
Thứ hai, ông chú rằng kinh đô của nước Việt Đông Hải là Đông Âu (nghĩa là Âu phía Đông), rồi ông trích dẫn Gustave Dumoutier trong cuốn Nghiên cứu lịch sử và khảo cổ ở Cổ Loa, kinh đô của nước Âu Lạc cổ (Étude historique et archéologique sur Co-Loa, capitale de l’ancien royaume de Âu Lạc, 255-207 av. J.-C., Paris, E. Leroux, 1893), để nói rằng các sử gia An Nam cho rằng có một nước An Nam có tên Tây Âu (nghĩa là Âu phía Tây) có kinh đô là Cổ Loa ở đồng bằng sông Hồng.
Dựa trên những tài liệu trên, Chavannes kết luận rằng Đông Âu, Nam Việt và Tây Âu đều là thành phần của một chủng tộc An Nam duy nhất.
Ở đây có nhiều vấn đề với quan niệm này của Chavannes. Trước hết, “Nam Việt Vương” mà Chavannes nhắc đến là Triệu Đà và hậu duệ của ông, những người ít nhất có nguồn gốc thuộc dân tộc Hán như chúng ta gọi ngày nay, tức là, những người đến từ các vùng phía Bắc (Triệu Đà là người từ Hà Bắc), và không phải là dân bản địa trong khu vực này, hay có liên hệ với những nhóm dân của nước Việt cổ. Vì vậy thực tế nước này trở thành một phần của truyền thống lịch sử Việt không có nghĩa nó giống nhau “về chủng tộc”.
Thứ hai, trong công trình nghiên cứu năm 1893 về thành cổ Cổ Loa, Gustave Dumoutier xác định rằng
“[sách] địa lý của Gu Xifeng (Cố Hi Phùng顧希馮) nói rằng dưới đời nhà Chu, nước bị Giao Chỉ chiếm đóng gọi là Lạc Việt, và dưới nhà Tần tiếp theo nó lấy tên là Tây Âu hay Âu Lạc” (tr.8).
Gu Xifeng (Cố Hi Phùng, 顧希馮) là Gu Yewang (Cổ Dã Vương, 顧野王, 519-581), tác giả của một công trình ở thế kỷ 6 tên là Dư địa chí (Yudi zhi 輿地志), và đoạn văn mà Dumoutier trích dẫn được đề cập trong một bản chú giải thế kỷ 8 cho cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên. Đây là những gì đã viết:
“Dư địa chí chép: Giao Chỉ ở thời nhà Chu là Lạc Việt (Luoyue), đến thời Tần gọi là Tây Âu (Xi’ou), Họ xăm mình, cắt tóc để tránh thuồng luồng. Tây Âu Lạc (Xi Ouyue) lại ở phía Tây Nam của Phiên Ngô. Việt và Âu Lạc đều có họ là Mị/Mi”.
[輿地志云:交趾周時為駱越,秦時曰西甌,文身斷髮避龍。則西甌駱又在番吾之西南。越及甌駱皆羋姓也。]
(Dư địa chí vân: Giao chỉ chu thì vi lạc việt,tần thì viết tây âu,văn thân đoạn phát tị long。 Tắc tây âu lạc hựu tại phiên ngô chi tây nam。Việt cập âu lạc giai mị tính dã。)
Đoạn văn này rất không rõ ràng vì nó có nhiều địa danh. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy Dumoutier đã “đơn giản hoá” nó bằng cách nói rằng khu vực nay là đồng bằng sông Hồng ở thời nhà Tần gọi là Tây Âu hay Âu Lạc.
Nhưng, Dumoutier thực sự không nói rằng Cổ Loa là kinh đô của Tây Âu. Và ông cũng không nói các sử gia An Nam đã nói như thế. Tuy nhiên, đây là điều mà Chavannes đã viết trong sách của ông (bằng việc trích dẫn trang 8 ở sách của Dumoutier).
Như vậy, dứt khoát là có loại học thuật cẩu thả ở đây. Tuy nhiên, còn hơn thế, những khái niệm mà Chavannes đưa ra cũng có vấn đề. Đầu tiên, ông đánh đồng địa danh (hoặc tên các vương quốc) với chủng tộc. Tuy vậy, nếu chúng ta dùng quan niệm về chủng tộc để nghiên cứu quá khứ thì Triệu Đà thuộc một “chủng tộc” khác với nhiều nhóm người dân mà ông cai trị ở nước Nam Việt của ông, như thế thực sự là chẳng có nghĩa gì khi đánh đồng địa danh với một chủng tộc duy nhất. (Tôi nghĩ Chavannes dùng thuật ngữ “chủng tộc” để nói về cái gì đó gần với khái niệm mà chúng ta ngày nay gọi là “nhóm sắc tộc/dân tộc” hơn.)
Hơn nữa, chỉ có một nguồn tài liệu duy nhất mà chúng ta có thể dùng để khẳng định rằng đồng bằng sông Hồng ở thời Tần được gọi là Tây Âu (đó là cuốn Dư địa chí của Cố Dã Vương), nhưng một là, văn bản này đã được viết sau nhà Tần nhiều thế kỷ; hai là, biết rằng văn bản này chứa đựng nhiều danh xưng khác nhau, người ta khó mà thấy rằng từ “Tây Âu/Xi’ou” thực sự có ý nghĩa.
Tuy nhiên, đối với Chavannes, hai chữ “Tây Âu” rất quan trọng, như thể nó đóng vai trò đối thể của hai chữ Đông Âu/Dong’ou.
Điều này dẫn chúng ta đến cái mà tôi gọi là “lập luận bằng sơ đồ ẩn” khi nghiên cứu quá khứ. Nếu chúng ta quan sát cách Chavannes trình bày các ý tưởng của ông quá khứ theo cái, thì nó cứ như là ông đã khám phá một sơ đồ ẩn với những đốt và đoạn nối trong tài liệu lịch sử.
Các chính thể – Việt, Nam Việt, Tây Âu – cũng như thành phố, Đông Âu, đều đóng vai trò là những đốt (nút điểm) để Chavannes sau đó khám phá ra các đoạn nối chúng với nhau.
Dong’ou/Đông Âu và Tây Âu/ Xi’ou được nối với nhau bằng một chữ chung là “Âu”, cũng giống như việc xắp đôi “tây” và “đông”.
Tây Âu và Nam Việt/Nanyue được nối với nhau vì sự kiện các sử gia Việt xem Nam Việt là triều đại thứ ba trong sử của họ.
Và khi mà Nam Việt được nối với Tây Âu, và Tây Âu được nối với Đông Âu, thì với Chavannes có vẻ rõ ràng là Việt phải là một phần của đoạn nối này.
Tôi nhận thấy rằng các học giả như Henri Maspero cũng nghiên cứu quá khứ theo một lối tương tự. Đối với tôi, lối lập luận này quá rắc rối, và nó sẽ sụp đổ khi người ta bắt đầu chỉ ra những vấn đề của một số đoạn nối trong sơ đồ đó.
Như vậy, lý thuyết Chavannes đưa ra vào năm 1901 có ít nhất 3 vấn đề:
- Nó có một số lỗi cẩu thả.
- Đánh đồng chủng tộc với địa danh là một vấn đề khác.
- Khi nghiên cứu quá khứ nó áp dụng một lối lập luận không hiệu quả để diễn giải quá khứ.
Dù thuyết của Chavannes đưa ra có những giới hạn như thế, như tôi đề cập ở trên, nhưng đến 1923 Leonard Aurousseau lại tiếp tục khai triển nó thêm, tuy thế, trong quá trình này, Aurousseau không chỉnh sửa những sai lầm này trong học thuyết của Chavannes. Tôi sẽ gắng viết về công trình của Aurousseau trong một tương lai gần.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The Yue/Việt Migration Theory and the “Hidden Network Approach”. Blog Le Minh Khai’s SEAsean History, 25 Oct 14.