Cuộc chỉnh lý “Mùa Xuân Ai cập”

Spartacus

Al-SisiCuộc chỉnh lý cách mạng lần này, phế truất ông Morsi, có thể chưa phải là cuộc chỉnh lý cuối cùng trước khi người Ai Cập đạt được mục tiêu cuối cùng: một xã hội tự do dân chủ và phồn vinh.

Ngày 03/07/2013, tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập, ông Mohamed Morsi chính thức bị phế truất sau một tuần đụng độ đẫm máu với người biểu tình trên toàn Ai Cập yêu cầu chấm dứt một năm lãnh đạo hỗn loạn của ông. Phe quân đội do bộ trưởng quốc phòng- tướng Abdel Fattah Al-Sisi – đại diện, tuyên bố đình chỉ hiến pháp hiện có (hiến pháp được ông Morsi và tổ chức Anh Em Hồi Giáo của ông ta thông qua vội vã) và sẽ tổ chức bầu cử tổng thống sớm. Quân đội sẽ “tránh xa chính trị” một khi trật tự được tái lập và một hiến pháp mới được xây dựng trên cơ sở đồng thuận toàn Ai Cập.

Quảng trường Tahir (Tháng 6, 2013). Nguồn: www.thenews.com.pk
Quảng trường Tahir (Tháng 7, 2013). Nguồn: www.thenews.com.pk

Chuyện gì đã xảy ra với vị tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập vậy? Tổng thống Morsi của ngày bị phế truất và ông Morsi của những ngày mùa xuân Ai Cập là hai con người hoàn toàn khác nhau. Ông Morsi bị phế truất vì “có dấu hiệu” tái lập một phiên bản Hosni Mubarak mới; hay nói chính xác hơn, ông Morsi cùng với tổ chức Anh Em Hồi Giáo của mình đã và đang lên kế hoặch, thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm độc chiếm thành qủa của cuộc cách mạng “mùa xuân Ai Cập” được tiến hành hơn một năm trước đó. Nói cách khác, nếu không bị phế truất, ông Morsi và những người của ông ta hoàn toàn có khả năng trượt dài vào con đường chuyên chế mà Mubarak đã từng đi. Người Ai Cập, không khó để thấy cái gì là hậu qủa khi nền dân chủ non trẻ lao vào con đường chuyên chế mà ông Morsi đang muốn thực hiện. Và họ, một lần nữa, phải thực hiện cuộc “chỉnh lý” cách mạng.

Hơn một năm trước đó, khi điều kiện chín muồi, người Ai Cập được thuyết phục để tin rằng đất nước Ai Cập sẽ phồn vinh to lớn nếu lật đổ chế độ chuyên chế của ông Hosni Mubarak và xây dựng một xã hội dân chủ, trên cơ sở tôn trọng ý nguyện của mọi người dân Ai Cập. Được thuyết phục bởi một mục tiêu chung, dân Ai Cập đã cam kết tiến hành một hành trình chung với nhau nhằm lật đổ ông Mubarak mà chưa kịp thống nhất một thỏa thuận về mục đích cuối cùng mà họ hướng đến. Có quá nhiều mục đích cuối cùng phải hướng đến đã không được bàn thảo trước đó (hầu hết các cuộc cách mạng, tiếc thay, lại không tính đến mục đích cuối cùng). Cho nên, khi cuộc cách mạng thành công và kết qủa là ông Morsi lên cầm quyền thì ông ta và tổ chức Anh Em Hồi Giáo lại diễn giải mục đích cuối cùng của cách mạng “mùa xuân Ai Cập” theo cách của họ. Và kết qủa là, ông Morsi muốn một lần nữa, ép buộc Ai Cập tiến hành một cuộc hành trình mà dân Ai Cập không hề muốn-hành trình mà Mubarak đã làm mấy chục năm về trước. Người Ai Cập, lần này, đã tỉnh ra rất sớm, một lần nữa không im lặng tuân theo, mà ngược lại đã tiến hành cuộc chỉnh lý cách mạng (khá đau đớn) để lật đổ chính quyền “có dấu hiệu” trượt dài vào chuyên chế mà họ đã vội vã tạo lập.

Khi ý nguyện của người dân đã không được một quốc hội hình thành qua cuộc bầu cử vội vã, thiếu năng lực, bị dằng xé vì những toan tính của các tổ chức chính trị đã không có khả năng thỏa thuận về bất cứ kế hoặch nào hoặc một lộ trình khả dĩ được chấp nhận nào. Sự chậm trễ, có phần bất lực của các thể chế dân chủ mới phôi thai để thực hiện những ý nguyện mà cuộc cách mạng “mùa xuân Ai Cập” ủy thác rõ ràng đã không tránh khỏi sự không hài lòng của người dân. Ông Morsi, được thúc đầy bởi các động cơ phi dân chủ, đã lợi dụng sự chậm trễ và sự thiếu năng lực này với mong muốn thâu tóm quyền lực. Ông ta có vẻ tin chắc vào một lộ trình phi dân chủ mà quên rằng người Ai Cập hiện nay đã rất khác với người Ai Cập thời Hosni Mubarak.

Cuộc chỉnh lý cách mạng lần này, phế truất ông Morsi, có thể chưa phải là cuộc chỉnh lý cuối cùng trước khi người Ai Cập đạt được mục tiêu cuối cùng: một xã hội tự do dân chủ và phồn vinh. Nó đòi hỏi nhiều thời gian hơn, một khối lượng các nguyên tắc pháp luật phứt tạp phải được bàn thảo và tính đến. Quá trình này có thể chậm nhưng nó nhất định sẽ phải đến.

Sài Gòn, 06/07/2013


Nguồn: Cuộc chỉnh lý “Mùa Xuân Ai cập” by Spartacus, 07/06/2013.

8 Comments on “Cuộc chỉnh lý “Mùa Xuân Ai cập”

  1. Tới sáng nay thì đã có 36 người thiệt mạng và trên 1000 bị thương sau khi quân đội nổ súng vào đám đông ủng hộ ông Morsi làm ba người chết. Cách đây chưa tới mười năm khi con gái đầu của chúng tôi qua Ai Cập khoảng 5,6 tháng gì đó( theo giáo trình của nhà trường) để về viết bổ túc vào luận án TS,được cháu kể, Ai Cập rất yên bình và người dân thì rất mộ đạo và tuyệt đối tin tưởng vào Chúa, đời sống cũng đầy đủ. Sáng nay coi CNN, MSN .v.v thấy người Ai Cập cả chống lẫn bênh đều nói: God is Great. Chắc chắn dân Ai Cập còn khổ dài dài.

    • Có tín ngưỡng, tin vào Chúa, Phật là hướng thượng, tin vào lẽ phải, có nghĩa lương tâm “nói” đây là phải, là tốt thì cứ làm dù có thiệt hại đến thân. Ngưòi theo đạo Hồi lôi Thượng Đế làm hậu thuẫn cho việc làm của con người, chỉ là lợi dụng tín ngưỡng chứ không phải là đức tin thật sự.

      Rốt cục chỉ làm khổ nhau, như đang xẩy ra ở Hồi quốc, Iraq, Afganistan, Syria nay đến Ai Cập…

      • Phức tạp phải không bác Lê Văn! Khi chúng ta mang Dân Chủ Tây phương tới những nước khác nhau trên thế giới tất nhiên đó vì quyền lợi (kinh tế,chính trị, an ninh,dài và ngắn hạn) của ta. Tuy nhiên cái phản ứng của người dân thì luôn luôn bất ngờ và khó hoạch định cho chính xác trước được. Từ khi có ( Mùa xuân, Cách Mạng Hoa Lái) chỉ thấy vùng Trung Đông thêm bất ổn, không như những gì chúng ta mong mỏi lúc đầu. Tôn Giáo nó ngấm vào đầu và nằm ở con tim dân chúng đời này qua đời nọ, thăng trầm theo những nền Văn Hoá khác nhau và được điểm tô qua những cuộc chiến tranh đẫm máu. Thật không dễ gì thay đổi vùng đất này một sớm một chiều. Và cái giá thì sẽ rất lớn cho tất cả mọi người.Kính.

        • “Tôn Giáo nó ngấm vào đầu và nằm ở con tim dân chúng đời này qua đời nọ, thăng trầm theo những nền Văn Hoá khác nhau và được điểm tô qua những cuộc chiến tranh đẫm máu. Thật không dễ gì thay đổi vùng đất này một sớm một chiều. Và cái giá thì sẽ rất lớn cho tất cả mọi người”

          Tuyệt ! Hiểu tôn giáo tương quan với con người như Tony đã mấy ai ?

          Tôn giáo có tội với con người hơn có công. Xưa nay, tôn giáo không gây chiến tranh đẩm máu, thì cũng âm ỷ trong lòng người những hận thù vô lối, vì niềm tin cuả tôn giáo mình. Con người lắm khi lợi dụng tôn giáo để làm điều xấu.

          • Sướng quá, từ bé đến giờ mới được một người khen một câu đã đời như cụ Zulu đã phán cho em. Thật hết lòng biết ơn cụ, nếu may mắn được gặp cụ em sẽ mời cụ một phùa Mát Xa và một chầu Nai đồng quê ở bãi Phúc Xá HN thì cụ sẽ biết Thiên Đàng ra làm sao, và tại sao loài người dễ tin vào Tôn Giáo. Khốn nạn cho loài người chân yếu tay mềm, lại tham lam cố tin vào cuộc sống đời đời mà ngay cả các Đấng Vĩ Nhân như Đức Phật, Đức Jesus cũng không biết nó chính xác là thế nào. Con Rùa thoát khỏi vũng nước ngày nóng bức,khi quay về thì không biết diễn tả cho con cá trên mặt nước nó ra làm sao, chỉ biết nó không giống như ở dưới này-Phật nói Niết Bàn nó khác lắm không diễn tả được, chờ khi lên đó sẽ biết. Chúa Jesus thì cũng vậy và thêm ở Thiên Đàng không có Vợ Chồng và không bao giờ chết nữa, còn Đức Muhammud thì nói có nhiều sữa,mật ong và rất nhiều Trinh Nữ.Còn câu con người “lắm khi” lơi dụng tôn giáo làm việc xấu thì chưa đúng 100%, phải nói là “luôn luôn”

        • Thưa bác Tony,
          Xin khẳng định lại, tín ngưỡng – đức tin vào cái gì đó cao hơn chính con người – là một phần của đặc tính của giống người (cũng như đòi hỏi tự do, nhất là tư do suy tư, tư do ngôn luận và cả tự do… yêu!).

          Người ta thường nhầm – nhất là mấy ông CS – cho rằng tin ngưỡng là do giáo chủ các tông giáo đặt ra để “dụ dỗ” người ta làm điều gì đó. Xét về hiện tượng có vẻ như thế, nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy. Tín ngưỡng – tin vào “siêu nhiên” vẫn có – trước khi có Phật, có Chúa đứng ra dạy bảo là như thế. (Phật không nói có Thượng đế, nhưng cũng không bảo là không có. Ngược lại Phật nói về cõi Niết bàn, thế có ai thấy niết bàn chưa?! Thật ra, đó chỉ là cách gọi khác nhau…).

          Bảo rằng “đấng siêu nhiên” không có vì ta không chứng mình được “nó” hiện hữu, cũng là một lý luận sai lầm, giống như người xưa nghĩ trái đất là trung tâm của “vũ trụ”, còn mặt trời, mặt trăng và cả cách vì sao quay chung quanh trái đất để chúng ta có cái ngắm thôi…

          Tóm lại, con người có tín ngưỡng không phải vì thiếu hiểu biết, mà thật ra ngược lại… Bới vậy mới có câu: càng học nhiều, biết nhiều càng hiểu ra mình chẳng biết gì cả!

          Bây giờ ngưòi ta nói đến “dân chủ” như là một thứ trật tự xã hội văn minh nhất, tốt nhất cho con người, nhưng đa số không biết nó là gì thì làm sao có dân chủ được? Tệ hơn nữa, ở VN, người ta còn tin rằng có thứ dân chủ đồng bóng, dân chủ định hướng XHCN, dân chủ tập trung (trong tay vài người – cứ như dân chủ là cái bửu bối của Lốc Cốc Tử) v.v.

          Nhưng chuyện hiển nhiên trưóc mắt vẫn chưa nhìn ra mà đòi nói chuyện “siêu nhiên” có hay không… mần sao được? Rồi cũng giống như mấy ông Ả-rập thôi 😀

  2. Trích: “ông Morsi muốn một lần nữa, ép buộc Ai Cập tiến hành một cuộc hành trìnhmà dân Ai Cập không hề muốn hành trình mà Mubarak đã làm mấy chục năm về trước. Người Ai Cập, lần này, đã tỉnh ra rất sớm, một lần nữa không im lặng tuân theo”

    Chế độ mà nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ đưa Ai Cập đến không giống như chế độ độc tài của ông Murabak. Ông Murabak là quân nhân thì chế độ độc tài của quân nhân khác với chế độ độc tài Hồi Giáo ở chỗ chế độ độc tài quân nhân không khống chế tư tưởng, bắt phải suy nghĩ theo một chủ nghĩa hay tôn giáo nào. Chế độ độc tài của quân nhân chỉ cấm chỉ trích chính quyền và không cho các hoạt động dân chủ làm thay đổi chính quyền còn thì dân được tự do vui chơi giải trí. Đó là chế độ thế tục hay là đời thường. Còn chế độ giáo quyền Hồi Giáo thì chi phối đến tư tưởng, cách suy nghĩ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, cách ăn măc… Chế độ độc tài của vua Pahavi, Iran, chỉ độc tài về chính trị còn dân thì tự do ăn mặc, vui chơi giải trí. Còn chế độ giáo quyền Iran ngày nay thì phụ nữ ra đường bắt buộc phải đội khăn, mà cách đội khăn là phải che hết tóc. Các cô gái tỏ ra lãng mạn, đội khăn để hở tóc có thể bị cảnh sát bắt phạt. Chế độ độc tài của Assad ở Syria thì vợ của ông ta vẫn mặc đồ mốt theo kiểu Tây Phương, vẫn để hở tóc. Nay mai đây, phe nổi loạn chiếm được chính quyền tại Syria có thể sẽ theo lối giáo quyền, bắt phụ nữ ra đường phải đội khăn, ai ngoại tình sẽ bị ném đá cho chết.

    • Em có may mắn làm việc chung với một cô Hồi Giáo gốc Miến Điện, sau một thời gian thì cô ta rất kính nể và thân với em, cô gọi em là “funny old man”. Chúng em chia sẻ về chuyện gia đình, cuộc sống.vv.kể cả tôn giáo nữa. Có một lần cô ấy không được vui, chắc có tâm sự buồn gì đó, em vội chọc cười cho cổ nguôi đi. Em nói, hê, đừng có lo, khi nào sang thế giới khác, nếu tao gặp mày, tao sẽ không giết mày đâu. Cô ta cười rất tươi và nói, mày nói vậy thôi chứ mày cũng sẽ thịt tao h..à. Ôi loài người không thể sống thiếu tôn giáo nhưng quả là, tôn giáo cũng phiền thật. Kính bác.