Hwng & Hà Nội đương thời

Đặng Ngữ

sg1Mình ngồi dưới một gốc me già của Sài Gòn để viết thư này cho Hwng mà thấy nực quá.

Hwng thân mến!

Vào một buổi sáng như thế này mình bỗng nhớ đến Hwng. Trời hôm nay đẹp, nắng nhẹ hanh hao và đường đến sở làm thoáng đến độ ngạc nhiên dù ngày hôm nay thứ Hai, đầu tuần. Nói thật lòng, mình rất thích đọc những gì Hwng viết. Không chỉ là những mẫu ngắn ngắn có liên quan đến thời tiết, không chỉ về những cô gái xinh đẹp hoặc sắp trở nên xinh đẹp của Hà Nội, không chỉ về khung cảnh xung quanh bờ Hồ, mà ngay cả tiếng kẻng đổ rác mỗi chiều và bộ râu con kiến của gã Rhett Butler…cũng làm mình say mê. Rất nhiều những điều nho nhỏ như thế làm mình và rất nhiều bạn bè yêu qúy Hwng. Mình không phải người Hà Nội nhưng lại rất quan tâm đến Hà Nội từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Mà thật cũng rất khó để định nghĩa như thế nào người Hà Nội phải không Hwng? Thôi thì tạm gọi Hà Nội đương thời vậy, ý của mình là để phận biệt với những Hà Nội trong quá khứ và Hà Nội của tương lai. Đọc những trang viết của Hwng, người ta có thể hình dung ra một phần Hà Nội dù đã từng hoặc chưa từng đến đây. Quan trọng hơn, Hwng đã chuyển tải được cái không khí, cái hồn cốt của Hà Nội như nó vốn dĩ đương là. Cái tài của Hwng là ở đấy.

Hwng ơi!

Mình biết bạn bè vẫn chưa quen với việc phê bình văn của Hwng hoặc cũng có thể vì quá yêu thương mà mọi người sợ làm phật ý của bạn, như kiểu yêu nhau thì cái gì cũng cho qua, nếu được mắt nhắm mắt mở càng tốt. Mình yêu Hwng nhưng cái sự yêu của mình nó có chút lý trí. Mà Hwng vẫn muốn bạn bè có chút lý trí chứ không mù quáng lao vào nhau, vồ vập lẫn nhau phải không nào? Mình chủ quan đoán thế, cho nên muốn nói với Hwng một sự thật. Thẳng thắn, mình không có ý bỉ bai khi so sánh Hwng với anh Lành nhưng văn Hwng nó cứ “ti tí” thế nào ấy. Nói như thế nào ấy nhỉ, như kiểu Trần Dần phê bình anh Lành: ti tí sexy, ti tí ngoa ngôn, ti tí chanh chua, ti tí triết lý, ti tí chính trị, ti tí phê bình, ti tí lãng mạn…Nói chung, một tổ hợp ti tí. Và lại nói chung vì không biết dùng từ gì hơn, văn Hwng có rất nhiều cái lười biếng của người Hà Nội đương thời. Không phải thiên lệch nhưng những ai thường theo dõi Hwng đều có thể trích dẫn ra nhan nhản những lối lười, nhàn nhạt và cả lảm nhảm nữa. Nói như thế mong Hwng đừng giận bởi mình yêu văn Hwng thật sự, yêu lắm cơ Hwng à (nhắc lại thêm lần nữa kẻo Hwng quên). Có thể Hwng chưa bao giời thật sự ý thức, hoặc giả có đôi lần Hwng suy nghĩ đến nhưng rồi bệnh lười làm Hwng bỏ qua. Thật lòng nhé, Hwng và nhiều người Hà Nội đương thời vô tình hay hữu ý đều mắc một căn bệnh hiện đại và rất chi phổ biến: dung tục hóa mọi điều. Phải nói cho rõ cái chữ “dung tục” này không nhầm lẫn.  Dung tục ở đây nghĩa là tầm thường hóa, giễu cợt hóa, châm biếm hóa, hạ bệ hóa mọi điều dù thiêng liêng đến đâu chăng nữa. Nghĩa là một cái gì đó ngoa ngôn, lườm nguýt pha chút e dè triết lý. Nói như thế nhưng dung tục ở đây không có nghĩa như hắt nguyên bát phở vào mặt khách hàng. Dung tục ở đây từa tựa như ăn bát phở Bắc mà còn đòi thêm tí rau, tí giá sống hay cốc nước chè. Thế là cô chủ tỏ vẻ khó chịu ti tí, cô vẫn cho thêm, vẫn bưng ra cho khách dưng mà cái bụng không ưng lắm. Nên cô tặng kèm cái ánh mắt hơi khó chịu ti tí, nêm thêm không khí phường phố Hà Nội ti tí.

Một gánh phở ngày xưa. Nguồn: http://son-trung.blogspot.ca/
Một gánh phở ngày xưa. Nguồn: http://son-trung.blogspot.ca/

Lại nhắc đến phở rồi, mình chắc rằng ngay cả Hwng cũng không rõ các cụ ngày xưa thưởng phở thế nào đâu nhỉ? Bây giờ, ở Hà Nội, toàn thấy người ta bán phở và ăn phở Nam Định. Và cách ăn phở cũng là cách ăn đương thời mà không cần nhắc đến chắc Hwng cũng biết. Muốn biết các cụ thưởng phở thế nào, ý mình muốn nói các cụ thời kỳ tiền kháng chiến ấy Hwng à, thì chúng mình phải đọc Vũ Bằng thôi. Cái thời mà con gái Tràng An ăn cọng giá cũng cắn làm đôi chắc chỉ còn trong chuyện kể ngày xa xưa ấy. Mình thấy tiếc, tiếc đứt ruột cái không khí thanh lịch tiền chiến ấy. Hwng có nhớ cái thời mà cụ Tản Đà ở nhờ nhà người ta mà đòi lật cái sân trong để trồng rau mùi không? Mình thích cái kiểu kiêu bạt Tràng An ấy lắm Hwng ơi. Bạn mình bảo rằng, cái nét Tràng An ấy vẫn còn nhưng hoặc nó chỉ còn trong ký ức của người già hoặc trong một ngõ nhỏ nào đấy của thủ đô thôi. Một lần cậu bạn nhạc sĩ tên Tuấn Gà mời mình dự một chầu “tinh hoa” của tinh hoa Hà Nội ở phố gì ấy nhỉ, hình như Hàng Bạc ấy. Ở đấy có họa sĩ nổi tiếng này, có nhà văn nổi tiếng này, ở đấy có nhà phê bình thượng thặng và cả rất nhiều nhà nhà nổi tiếng khác nữa. Mình thích lắm cái không khí ấy, như kiểu Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Vỹ… rủ nhau điếu đóm và hát cô đầu ở phố Khâm Thiên. Ấy là nói cái vẻ bên ngoài chứ cái thật chất của các cụ đương thời chúng mình còn kém lắm Hwng ơi, nhất là cái đoạn bỉ bai quần chúng ngu dốt. Đại khái, đa phần các cụ đương thời đều gốc gác quần chúng cả nên vẫn còn kém xa các cụ tiền kháng chiến. Khi mình hỏi các cụ, các anh chị nghĩ gì về Hà Nội đương thời thì “tinh hoa” bảo như thế này.

Hà Nội ấy hả? Chú hỏi về Hà Nội nào? Hà Nội ngày xưa ấy hử? Nó chết rồi, à mà không nó di tản hết cả rồi. Nói đúng hơn, cái phần hồn nó đã tản mát hết cả rồi, còn chăng chỉ cái xác đang thối rữa được ngâm tẩm chút hương xưa còn dặm lại. Rồi cụ nhấp một hớp rượu tây và nói tiếp. Hà Nội bây giờ là Hà Nội tân kỳ, Hà Nội hợp tác xã. Nghĩa là Hà Nội của cả nước, nghĩa là Hà Nội có ti tí Hưng Yên, ti tí Nam Định, ti tí Ninh Bình, tí tí Thanh Hóa và ti tí Nghệ An, ti tí Sài Gòn, ti tí Bắc Kinh, ti tí Singapore, ti tí New York và ti tí Paris. Lại nói chung lần nữa, Hà Nội là một tổ hợp của các xì tai ti tí. Thế nào, chú đã hài lòng chưa?

Thật với Hwng thêm lần nữa như đã thật với toàn bộ bức thư, mình không biết đã hài lòng hay chưa nhưng mà mình không dám thắc mắc thêm. Hà Nội, Hà Nội, Hà Nội đương thời giống như một đứa con lai tạp chủng của tất cả những thứ ti tí như thế đấy Hwng à. Lẽ dĩ nhiên, đâu phải chỉ mỗi Hà Nội mới ti tí như thế. Ở đâu cũng có những thứ thô ráp, thô lậu, thô bỉ không như ý muốn. Mình vẫn muốn Hà Nội của Vũ Bằng, của Nguyễn Tuân, của Tản Đà cơ.

Mình nói thế bởi Hwng đang sống ở thủ đô. Mình yêu thủ đô vô cùng Hwng ạ. Mình yêu Hwng và rất yêu thủ đô. Mà đã thủ đô thì phải chịu cái nhìn soi mói thường tình của những thằng tỉnh lẻ như thế Hwng à. Hwng đừng giận tụi tỉnh lẻ như mình nhé.

Mặt trời đã gần đứng bóng. Bầu trời cao, trong xanh và vẫn còn rất đẹp. Hơi nóng đã bắt đầu hun mình đây này. Mình ngồi dưới một gốc me già của Sài Gòn để viết thư này cho Hwng mà thấy nực quá. Mình phải dừng vậy. Vào công ty bật điều hòa để nghỉ trưa đây Hwng yêu thương.

Yêu Hwng,

Đặng Ngữ, một người bạn tỉnh lẻ.

Sài Gòn, 05/08/2013

 


Nguồn: Hwng & Hà Nội đương thời. by Spartacus, 08.05.2013.