Việc tịch thu tài sản của gia đình Quốc Trưởng Bảo Ðại

Huy Phương/Người Việt

baodaiNhiều người biết chuyện Quốc Trưởng Bảo Ðại bị ông Ngô Ðình Diệm truất phế trong cuộc “trưng cầu dân ý” vào ngày 23 Tháng Mười năm 1955, nhưng ít ai biết đến việc tài sản của toàn gia đình những người liên hệ với Quốc Trưởng Bảo Ðại (kể cả vợ không hôn thú) và của các ông Vĩnh Cẩn, Nguyễn Ðệ đều bị tịch thu. Thân mẫu của Quốc Trưởng Bảo Ðại, Ðức Từ Cung phải dọn ra khỏi Cung An Ðịnh.

Câu hỏi của chúng tôi đối với ông Bảo Ân là, phải chăng việc tịch thu tài sản này là do cấp dưới, tùy tiện, “lấy điểm” mà không phải do chủ trương, chính sách của cấp trên?

Công báo VNCH ngày 22 Tháng Ba 1958. Nguồn: Tư liệu gia đình ông Bảo Ân.
Công báo VNCH ngày 22 Tháng Ba 1958. Nguồn: Tư liệu gia đình ông Bảo Ân.

Ông Bảo Ân đã cho chúng tôi xem một tài liệu cũ mà ông đã lưu giữ từ 56 năm qua, tờ Công Báo Việt Nam Cộng Hòa ngày Thứ Bảy 22 Tháng Ba 1958, ấn hành bởi tòa tổng thư ký Phủ Tổng Thống, “bảng phụ đính vào quyết định số 400.BTC/DC ngày 14 Tháng Ba 1958 của ông bộ trưởng tài chánh chỉ định những tài sản của Bảo Ðại và bộ-hạ đặt dưới đạo luật số 17/57 và 16-2-1957 và sắc lệnh số 122-TC ngày 27-02-1958 chỉ định tài sản tịch thu” của:

– Vĩnh Thụy tức Bảo Ðại.

– Marie Jean Nguyễn Hữu Hào, tức Nguyễn Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu, vợ chính thức của Bảo Ðại.
– Bùi Thị Mông Ðiệp hay Bùi Mộng Ðiệp, vợ không chính thức của Bảo Ðại.

– Lê Thị Phi Ánh hay Lê Phi Ánh, vợ không chính thức của Bảo Ðại.

– Hoàng Thị Lang (hay Lan) tức Wong Y Lang, tức Jenny, vợ không chính thức của Bảo Ðại.

– Vĩnh Cẩn (anh em chú bác và là người thân cận với cựu hoàng, thường được gọi là Hoàng Tùng Ðệ) và vợ chính thức là Nguyễn Hữu Thị Bích Tiên.

– Nguyễn Ðệ (đổng lý văn phòng quốc trưởng ở Paris) và vợ là Bùi Thị Mão.

Tài sản bị chỉ định tịch thu gồm có bất động sản như nhà cửa, lâu đài, biệt điện, đồn điền, các sở đất, các kho chứa hàng, tất cả khí mãnh, dụng cụ trang bị cho các cơ sở trên, số tồn khoản tại các nhà băng, các cổ phần trong các công ty, các số nợ cho người khác vay, các loại xe hơi…

An Ðịnh Cung, bên bờ sông An Cựu, số 97 Phan Ðình Phùng, Huế được Vua Khải Ðịnh xây dựng xong năm 1919. Nguồn: Ảnh tư liệu gia đình ông Bảo Ân.
An Ðịnh Cung, bên bờ sông An Cựu, số 97 Phan Ðình Phùng, Huế được Vua Khải Ðịnh xây dựng xong năm 1919. Nguồn: Ảnh tư liệu gia đình ông Bảo Ân.

Chúng ta cũng biết là sau khi Quốc Trưởng Bảo Ðại bị truất phế, An Ðịnh Cung, diện tích 16,584 m2, tọa lạc tại bờ sông An Cựu Huế, tư sản của Vua Khải Ðịnh, không phải của triều đình nhà Nguyễn, đã bị chỉ định là tài sản tịch thu của “Vĩnh Thụy tức Bảo Ðại”. Thoạt đầu Ðức Từ Cung phải dọn qua tạm trú tại nhà thờ Kiên Thái Vương, trong khuôn viên Cung An Ðịnh Cung, và sau đó ra ở tại ngôi nhà ở địa chỉ 79D Phan Ðình Phùng, gần chợ An Cựu cho đến khi bà qua đời.


Nguồn: Việc tịch thu tài sản của gia đình Quốc Trưởng Bảo Ðại (Loạt bài Hoàng tử Bảo Ân: Từ truất phế đến tịch biên gia sản). Huy Phương/Người Việt. April 08, 2013.