Con đường Dân chủ ở Việt Nam (1)
Sơn Diệu Mai
Phan Chu Trinh sinh ra trong thời ấy, chắc chắn ông phải là một trong số những người Việt Nam đầu tiên biết hổ thẹn về tình trạng của chính mình và của đồng bào.
Người Việt Nam đầu tiên có khát vọng dân chủ là nhà cách mạng Phan Chu Trinh. Chúng ta gọi ông là người dân chủ số một.
Con người này sinh ra và lớn lên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cuộc đời ông không dài (1872-1926) nhưng để lại một âm ba vang dội trong lịch sử Việt Nam, một người yêu nước chí tình, một tấm gương hy sinh quên mình vĩ đại, một anh hùng cái thế, một nạn nhân của những ước mơ khờ khạo và bất tuyệt.
Chúng ta có thể tìm thấy ở ông tất thảy các chiều kích của một nhân cách lớn cũng như các yếu điểm của một người bình thường. Phan Chu Trinh được giáo dục như tất cả những kẻ sĩ khác, những kẻ tôn thờ chủ nghĩa Khổng Mạnh, coi giáo huấn của các ông thầy Trung Hoa là chân lý tối thượng. Về hình thức, ấy là đám người đội khăn xếp, khoác áo the, để móng tay dài thượt, không biết đến mùi xà-phòng nên áo quần họ đương nhiên đầy rận, bắt rận và gãi lưng hẳn là một thú vui bởi chúng cho họ dịp sử dụng mớ móng tay quăn queo như nùi cỏ rậm kia. Cái hình ảnh của lớp quý tộc nước Việt Nam xưa hẳn không có gì đáng tự hào nếu không gọi thẳng là đáng hổ thẹn. Tuy nhiên, đó đã từng là sự thật của một thời.
Phan Chu Trinh sinh ra trong thời ấy, chắc chắn ông phải là một trong số những người Việt Nam đầu tiên biết hổ thẹn về tình trạng của chính mình và của đồng bào. Cao hơn, mãnh liệt hơn sự hổ thẹn là nỗi nhục của kẻ mất nước. Hơn hai mươi triệu người dân Việt sống dưới bóng ngai vàng của một ông vua, ông ta thu thuế của trăm họ để nuôi dưỡng triều đình nhưng lại cấm dân mặc áo gấm và đi giầy, rồi khi giặc Tây kéo vào thì ông ta cự lại đám quần thần rằng, “Đánh Pháp ư? Nhưng đánh không được thì đặt mẹ con trẫm vào đâu?”
Đó là bộ mặt thật của Tự Đức, vua lo cho thân xác của mẹ con ông ta hơn xã tắc, giang sơn. Vua chấp nhận thân phận nô lệ miễn là được sinh tồn và phú quý, bỏ mặc dân đen cho quân giặc đoạ đầy. Sự kiện này chắc chắn là cú hích đầu tiên khiến nhà ái quốc Phan Chu Trinh hiểu rằng: Cần phải từ bỏ chế độ quân chủ. Cần phải hạ bệ ngai vàng vì những kẻ đặt đít trên ngai vàng đa phần chỉ là phường Túi cơm, Giá áo. Lịch sử bi thảm của gia đình ông cũng là một nguyên nhân thúc đẩy ông đi vào con đường dân chủ. So với các nhà ái quốc đương thời như Nguyễn lộ Trạch, còn muốn Cải cách chánh giáo, còn giữ trọn vua trên tôi dưới, Phan Chu Trinh đã bỏ qua một đoạn đường dài:
“Phan Chu Trinh vượt lên ý thức hệ cũ, đẩy vua quan vào hậu trường, đẩy Nho giáo vào tàng viện, đặt Dân quyền lên ngai vàng. Tức là ông muốn chấm dứt quan hệ văn hoá với nước Tàu cũ để tiếp thu văn hoá phương Tây qua một dự phóng nước Việt mới.
[…] Bởi vì với Nguyễn lộ Trạch, chỉ là chấp nhận một phương thức đổi mới, cải cách trên một xã hội cũ. Còn với Phan Chu Trinh là phải chấp nhận hoạt động cho một lý tưởng cách mạng, chính trị, tư tưởng, xã hội, văn hoá để phục vụ cho Dân, đánh đổ ngai vàng của vua, đưa dân lên ngai vàng ấy trong xã hội mới…”
(Phong trào Duy Tân – tác giả Nguyễn văn Xuân, trang 45. NXB Lá Bối, năm 1970)
Chỉ trong một thời gian ngắn (1905-1907 ), bộ ba cách mạng Phan Chu Trinh, Huỳnh thúc Kháng, Trần quý Cáp đã đi từ bắc vào nam để hô hào sĩ phu thực hiện kế hoạch mở mang thương mại và khai điền, những nghề nghiệp bị khinh bỉ theo hệ thống giá trị Khổng Khâu, bởi các ông đều hiểu rằng bấy lâu nay chăm chăm lối học khoa cử nên bao nhiêu nguồn lợi nông thương đều rơi vào tay người nước ngoài, trước hết là người Tàu, và do đó, nước nghèo dân khốn. Cùng với cuộc mở mang kinh tế là cuộc vận động thành lập các hội đoàn nhằm thao luyện các sinh hoạt tập thể, đẩy cao ý thức tự cường của dân tộc: Nông hội, thương hội, trường học, hội diễn thuyết, hội mặc đồ Tây….Trong một thời gian ngắn các hội đã mọc lên như nấm. Phong trào Duy tân đích thực là một luồng sinh khí mới thổi vào xã hội Việt Nam, đất nước đang đắm chìm trong bóng tối của nô lệ và nghèo đói.
Chúng ta hãy đọc lại đoạn văn sau:
“…Ôi! Thật là thú vị và khá hiếu kỳ khi chúng ta quay nhìn lại đoàn tiền phong cổ động phong trào Duy tân trong một xã hội chưa biết mùi xà-phòng, chưa dùng hộp quẹt, trai gái bới tóc răng đen, ông già bà lão chỉ tin ở Thần quyền, ở Đế quyền, ở Ma quỷ và chẳng bao giờ hiểu con người dám có cái quyền gì ngoài cái quyền sinh, lão, bệnh, tử.
Thật lạ lùng và thật can đảm khi đoàn người đó tới đâu thì reo rắc những tư tưởng kỳ quái gần như điên khùng tới đó. Nhưng họ đâu có điên, trái lại họ rất tỉnh. Họ đâu có ngu dốt, trái lại họ là những nhà học thức cao. Họ đâu phải bọn vô danh, tiểu tốt, trái lại, họ dám bỏ những bằng cấp, những địa vị mà các sĩ phu thèm rỏ dãi. Họ đâu có nói chuyện nước Tàu cổ với Khổng Mạnh, họ nói về nước Tàu mới với Lư Thoa cùng Mạnh đức Tư Cưu (Jean Jacques Rousseau và Montesquieu), những ông thánh của bọn Tây cướp nước. Thế thì họ đang xu phụng bọn xâm lăng? Trái lại, họ đang muốn đuổi bọn xâm lăng….”
(Phong trào Duy Tân – Nguyễn văn Xuân; trang 123-124 )
Cuộc Duy tân dậy lên như triều trong vòng ba năm, đạt được một số kết quả nếu xét trên phương diện xã hội: Thực dân Pháp đã có những tiếp xúc dễ dãi hơn đối với lớp sĩ phu yêu nước, cho phép mở rộng các hoạt động xã hội; chấn hưng nông, công, thương, giáo dục. Hình ảnh tiêu biểu là sự ra đời của các hãng buôn lớn: Hợp thương Phong thử, Diên phong, Liên thành… Theo giáo sư Phạm phú Hưu, ông Nguyễn tất Thành (Hồ Chí Minh) xuất ngoại được là nhờ bẩy đồng bạc của công ty Liên thành giúp. Về giáo dục có thể kể Trường Đông kinh nghĩa thục. Pháp cũng đã thi hành vài vụ chuyển đổi hoặc bãi chức đối với những tên quan tham quá mức, độc ác và hung tợn một cách thái quá trong cách xử trí với dân lành. Nhưng rồi đến năm 1908, phong trào bị đàn áp khốc liệt khi xẩy ra những cuộc biểu tình vĩ đại hay Chính biến Kháng sưu mà nhân dân Quảng nam gọi là: “Cúp tóc xin xâu”. Bởi vì, đối với tuyệt đại đa số quần chúng, các thắng lợi kể trên đâu có giá trị thiết thực, nói cách khác chúng không làm thay đổi bữa cơm hàng ngày của họ, một khi chế độ sưu thuế tàn bạo của thực dân cùng sự bóp nặn của quan lại tiếp tục vắt thịt xẻo da dân đen. Thế nên, cái điều kiện cốt tuỷ của một cuộc cách tân ắt phải đến: Yêu cầu Giảm thuế. Và, đến đúng cái điểm chủ chốt này, bộ máy đàn áp của thực dân phong kiến được huy động tới mức tối đa để dìm đám dân đen trong biển máu.
Ông Nguyễn văn Xuân đã có những phân tích xác thực sau đây:
“Sự thật, nó là trái cấm! Vì ông Tây có mỉm nụ cười xã giao để nghe vài sĩ phu phân trần ư? Điều ấy chả chết gì ông mà còn được lòng trăm nghìn sĩ phu vốn có uy thế tinh thần trên đất Việt. Dù có ban cho họ vài quyền lợi thì cũng chỉ thiệt hại quyền lợi danh dự của quan lại, chứ có mất gì cho Pháp? Mà nhờ đó, Tây sẽ biết được nhiều bí mật cần thiết để giữ vững nền trị an vì sĩ phu hay thân hào đâu có đức cảnh giác cần thiết? Dân chúng khi kiện được quan lại, có cảm tưởng các lỗi lầm đều do quan lại gây ra, chứ Tây đâu có làm gì. Lá cờ ba sắc vẫn phơi mầu rực rỡ. Còn những chuyện Duy tân thì cứ để sĩ phu duy tân. Họ càng Âu hoá, dễ bẫy họ vào truyền thống Âu Mỹ, càng mất dân tộc tính, càng dễ cai trị.
Nhưng chỉ chừng ấy thôi! Không thể cao hứng điên cuồng dẫn sang địa hạt thuế má. Vì đó là vấn đề xương máu… của thực dân. Nếu không đánh thuế vào dân, lấy gì mà nuôi Tây, nuôi bộ máy hành chính và quân sự đủ sức điều hành và đàn áp? Lấy gì gửi về mẫu quốc để đóng góp. Nghĩa là khi động tới thuế là động tới Thực chất quyền lợi của thực dân. Vậy dù Pháp mở ra bao nhiêu cánh cửa cũng không có nghĩa là mở cánh cửa thuế. Mở cánh cửa ấy, là bắt đầu mở con đường đẩy thực dân ra biển. Nhưng dân Việt Nam, nếu không có những yêu sách cải thiện thuế khoá thì Duy tân làm gì? Dân quyền làm gì? Những lý thuyết, hình thức đẹp đẽ, rực rỡ tới đâu mà vẫn không bớt thuế má nặng nề thì cũng chỉ là vô bổ, là lý thuyết suông! Dân chả có quyền nào!”
(Phong trào Duy Tân; trang 303-304)
Thật chí lý, vấn đề quyền lợi luôn luôn là vấn đề đầu tiên và sau chót của mọi Mưu chước lẫn Hành động, nó không chỉ đúng trong phản ứng của Thực dân Pháp đối với dân An nam vào năm 1908 nhưng nó còn đúng tuyệt đối trong chính sách của Nhà cầm quyền cộng sản đối với chính đồng bào của mình hiện nay. Tôi sẽ trở lại vấn đề này vào phần sau. Như thế, chúng ta có thể kết thúc cuộc cách mạng duy tân với hình ảnh thảm khốc của hàng nghìn nông dân bị bắn chết, hàng nghìn khác bị đánh đập, gông cùm và giam giữ trong các nhà tù. Trần quý Cáp, Ông Ích Đường, Trần Thuyết và nhiều văn thân khác bị chặt đầu. Huỳnh thúc Kháng và Tiểu La Nguyễn Thành bị tống giam. Châu thượng Văn tuyệt thực chết trong ngục Lao Bảo. Phan Chu Trinh bị đầy ra đảo, có vinh hạnh là người đứng tên đầu trong quyển sổ tù ở Côn Lôn và cũng là người tù nổi tiếng với bài thơ ngạo nghễ sau:
Xiềng gông cà kệ biệt Đô môn
Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn
Đất nước đắm chìm, nòi giống mỏn,
Thân trai nào sợ cái Côn lôn.
Khí phách anh hùng của ông không suy suyển. Nhưng đường lối chính trị của ông đã bộc lộ rõ tính ảo tưởng, sự phi hiện thực trong cuộc tranh đấu cho dân quyền.
Chúng ta đi đến nhận định sau: Pháp – Việt đề huề là ảo tưởng thứ nhất của người Việt Nam trên con đường giải phóng.
*
Cùng thời gian Phan Chu Trinh đứng lên vận động cuộc Duy tân, còn có một ông Phan thứ hai, cũng là bậc anh hùng kiệt hiệt, cũng là người vặn nát con tim, khóc tràn máu mắt vì thương xót giống nòi, cũng là một chiến sĩ cách mạng kiên cường đi tìm đường cứu nước, gian lao không quản, tù đầy chẳng nao. Người đó là Phan Bội Châu, tức Phan Sào nam. Phan Bội Châu (1867-1940) không chủ trương thúc đẩy sự tự cường của dân tộc trước khi đòi độc lập như Phan Chu Trinh, ông cương quyết vũ trang để đòi độc lập, sau khi đuổi được Pháp đi mới tính đến cải cách xã hội và dân chủ. Vì lẽ đó, ông đi theo chủ trương của Tiểu La Nguyễn Thành, tức là tiếp tục bước đường Cần Vương, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, cháu đích tôn 6 đời của Gia Long làm ngọn cờ nhằm tập hợp dân chúng, quyên góp tiền bạc, mua sắm vũ khí ngõ hầu chờ cơ làm chính biến. Hai bậc ái quốc đi theo hai con đường khác biệt. Trong cuốn Tự phán, Phan Bội Châu viết như sau:
“… Tôi với cụ (tức Phan Chu Trinh) ríu rít với nhau ở Quảng đông hơn mười ngày, hàng ngày khi bàn đến việc nước, cụ hết sức công kích những tội ác của dân tộc độc phu (Độc phu là giặc của dân, kẻ không ở với ai, không ai chịu nổi, ám chỉ nhà vua ) mà nói đến hiện triều quân chủ, hoạ quốc ương dân càng tỏ ra ý nghiến răng rách mắt, hình như cụ nghĩ rằng cái tệ quân chủ chuyên chế không trừ thì tuy phục quốc cũng chưa phải là hạnh phúc. (trang 69)
[…] Từ đó luôn mười ngày hơn, tôi với cụ bàn bạc, ý kiến rất trái nhau: cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, hãy dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới bàn đến việc khác. Đương lúc đánh nhau với Pháp phải lợi dụng quân chủ.” (trang 71)
Phan Chu Trinh không thể dựa vào Pháp để đánh đổ quân chủ, tức là tên vua bù nhìn cùng đám quan lại. Ông không hiểu đó là điều bất khả. Bởi đám quan tham lại là tay chân, là thuộc hạ của chính quyền thực dân, là bộ máy thực thi tất thảy các mệnh lệnh của nó. Bọn thực dân Pháp cần đám quan tham chứ không cần những nhà chí sĩ có óc duy tân như ông, cho dù ông yêu nước Pháp một cách thực lòng. Phan Chu Trinh đã nhầm lẫn giữa lòng tốt, sự thông cảm của một vài người Pháp theo khuynh hướng xã hội với nội dung cốt lõi của chính sách thực dân. Các ông Marius Moutet và Jules Roux có thể nỗ lực can thiệp cho ông thoát khỏi nhà tù Santé nhưng không thể xoay chuyển được bộ óc tham lam tàn bạo của những tên thực dân như thống chế Chauvet, kẻ đã cố tình đẩy hơn hai triệu nông dân Việt Nam vào chỗ chết đói để buộc họ phải rời bỏ làng quê đi làm phu đồn điền cho các ông chủ Pháp. Ông cũng đã ngưỡng mộ quá nhiều, quá mức và quá ngây thơ với nước Pháp, quê hương của quyền con người, một nước Pháp mà những tên tuổi lẫy lừng như Diderot, Montesquieu, Jean Jacques Rousseau, Voltaire… gieo niềm tin, thổi sức sống vào hàng triệu con tim những người nô lệ ở các vùng thuộc địa để rồi, sau những ngày sống ở ngọn đồi Monparnasse của thủ đô ánh sáng, ông mới hiểu ra sự thực và thất vọng.
Về phần Phan Bội Châu, đại cuộc cũng không thành. Con đường Cần Vương là ngõ cụt. Ngọn cờ Cường Để gẫy nát trước khi nó được treo lên, đúng như Phan châu Trinh đã trách:
“Từ thế kỷ 19 về sau, các nước tranh nhau càng ngày càng dữ dội, tính mạng một nước gởi trong một số người đông, chứ không thấy nước nào không có dân quyền mà khỏi mất nước bao giờ. Thế mà ngày nay lại còn dựng cờ quân chủ lên hay sao?”
(Phong trào Duy Tân; trang 75)
Mưu sự gẫy đổ, Phan Bội Châu chuyển sang bước thứ hai, muốn nhờ cậy sự can thiệp của Nhật bản, tin rằng “người anh cả da vàng” sẽ giúp mình đánh đuổi quân xâm lược da trắng, dưới ánh sáng của khối “Đại đoàn kết Á đông”. Vì tin như vậy, ông mới hô hào Đông du (gửi thanh niên sang du học tại nước Nhật). Vì tin như vậy, ông mới khiến cho đồng bào hy vọng hão huyền ở những đội quân cứu nạn tiến từ phía Mặt trời mọc sang giải phóng dân mình. Cho đến khi nhà nước quân phiệt Nhật ký hiệp ước với thực dân Pháp, đuổi tất cả lưu học sinh Việt Nam về nước và giam giữ các chiến sĩ cách mạng ông mới kịp vỡ mộng. May mắn cho ông, cái chết đã cuốn ông sang bên kia dòng sông Quên lãng từ năm 1940. Nếu còn sống thêm vài năm nữa, hẳn ông sẽ phải chứng kiến cảnh “những người anh cả da vàng” bóc lột, hành hạ, giết chóc người Việt Nam ra sao, chắc chắn lúc ấy, cõi lòng ông còn phải tan nát nhiều phen nữa.
Bây giờ, chúng ta có thể đi đến nhận định sau: Nhật-Việt đề huề là ảo tưởng thứ hai trong công cuộc giải phóng của người Việt Nam.
*
Năm năm sau ngày Phan Bội Châu mất, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, với ngọn cờ đỏ sao vàng, ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chủ tịch nước, ông Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành, người đã từng được chí sĩ Phan Chu Trinh chia cơm xẻ áo những ngày mới đặt chân lên thủ đô nước Pháp. Ông Hồ Chí Minh là đảng viên cộng sản thuộc quốc tế 3. Nhưng bài diễn văn lập nước của ông lại là bản cóp pi tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ và tuyên ngôn cách mạng tư sản Pháp. Chính phủ do ông thành lập năm 1945 gồm nhiều thành phần chính trị và trí thức, có thể kể tên ông Nguyễn Hải Thần, bộ trưởng bộ tài chính Chu Bá Phượng, cụ Hoàng Minh Giám, cụ Phan Khôi…
Cuộc kháng chiến chống sự tái chiếm của thực dân Pháp đã huy động được toàn thể các tầng lớp dân chúng, thuộc mọi thành phần kinh tế cũng như tôn giáo. Có thể nói không ngoa rằng lúc ấy, muôn người như một, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi thực dân. Chúng ta có thể kể tên những công dân dốc toàn bộ tài sản của mình cho cuộc kháng chiến cứu nước như giám đốc nhà máy in tiền Con trâu xanh, ông bà Trịnh Văn Bô… Những điền chủ đổ thóc trong kho, vật bò trong chuồng nuôi quân bao nhiêu năm như bà Nguyễn thị Năm ở Thái Nguyên, như cụ Cử… Cũng có thể nhớ lại hình ảnh đoàn vệ quốc quân đầu tiên được chào đón với biết bao nhiệt tình. Cũng có thể nhớ lại hình ảnh đức giám mục Hồ ngọc Cẩn, địa phận Bùi chu trong cuộc mít-tinh “Tuần lễ vàng ủng hộ cụ Hồ kháng chiến” tại sân vân động Xuân trường. Để làm gương cho giáo dân, đức giám mục đã cởi ngay sợi dây chuyền vàng mang thánh giá của ông bỏ vào Quỹ vàng cứu nước. Ông cũng là một trong số các giám mục đầu tiên viết đơn yêu cầu toà thánh Vatican công nhận nhà nước độc lập Việt Nam. Một sự đồng thuận lớn lao đến như vậy, hiếm có tìm thấy trong lịch sử.
Phải nói rằng sau một thế kỷ nô lệ thực dân Pháp, tuyệt đại đa số người Việt đều hướng theo chính phủ Hồ Chí Minh để bảo toàn đến cùng nền độc lập non trẻ. Một thế kỷ ngập máu và nước mắt đang còn sống trong tim óc dân chúng. Những cuộc khởi nghĩa theo ngọn cờ Cần Vương mà hình ảnh khởi đầu là cảnh ông Hường Nguyễn Duy Hiệu, thầy học của vua Hàm Nghi bị chém trên pháp trường đến hình ảnh sau cùng là những cái đầu của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám bị ném lăn lóc trong dãy rọ tre. Phong trào Duy Tân với những đoàn người bị gông kéo cổ và bị lính Tây bắn chết như ngả rạ sau Chính biến kháng sưu năm 1908. Những cuộc chém giết liên miên của cả kẻ bị trị và kẻ thống trị trong phong trào Xô-viết Nghệ tĩnh năm 1930. Sự đàn áp và bóc lột tàn nhẫn, khốc liệt của cả Nhật lẫn Pháp trong đại chiến thứ hai. Trận chết đói thảm khốc vừa giết hai hơn hai triệu người vẫn đang còn tiếp tục đầy đoạ dân chúng và thổi ngọn gió đen qua các xóm làng xơ xác. Tất thảy những đau khổ triền miên ấy khiến người dân Việt Nam muốn chấm dứt vĩnh viễn một quá khứ nô lệ, thảm khốc. Họ đặt lòng tin vào chính quyền mới, họ hy vọng cuộc đời sẽ lật trang một khi nền độc lập được bảo toàn.
Vì niềm tin đinh ninh ấy mà người ta đã tự phá huỷ ngôi nhà của mình, cống hiến tài sản của mình, đóng góp chính xương máu mình cho cuộc kháng chiến. Chớ nghĩ rằng “Tiêu thổ kháng chiến” là sáng tạo của chính quyền Hồ Chí Minh. Không, tiêu thổ kháng chiến đã có từ các cuộc chiến đấu chống Nguyên Mông, cho đến cuộc khởi nghĩa chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương. Vào thời ấy, biết bao nhiêu người dân Quảng nam đã đánh sập những ngôi nhà cao rộng, gỗ đỏ như son của mình theo lệnh ông Hường Nguyễn duy Hiệu để cho “quân giặc không có nơi trú ngụ, không còn lợi dụng được rau quả trong vườn, gà lợn trong chuồng, khiến chúng phải lúng túng khó khăn trong sự đi lại.” Điều này chứng tỏ người dân Việt luôn luôn sẵn lòng hy sinh cho đại cuộc.
Nhưng phong trào Cần Vương thất bại vì không được sự ủng hộ lớn lao của toàn thể dân chúng, nó chỉ khoanh vùng ở Quảng Nam và lẻ tẻ vài nơi khác ở miền bắc và miền trung rồi sau đó tan rã. Ngọn cờ Cần Vương là gương mặt không thần sắc, tựa hồ một con người đã bị rút hết máu chỉ còn là thây ma. Vì sao? Vì lẽ dân chúng đã chứng kiến sự mục ruỗng của triều đình nhà Nguyễn bấy nay, từ thái độ hèn nhát của vua Tự Đức đến sự vô sỉ của vua Khải Định. Họ không tin vào đám vua chúa vô nhân cách ấy. Thành ra phong trào cứu nước của các sĩ phu chỉ là sự bùng cháy cuối cùng của ngọn lửa trước khi tắt. Trái lại, năm 1945, chính phủ Hồ Chí Minh được sự ủng hộ bao quát và to lớn của nhân dân. Lúc ấy, ông là gương mặt mới, là “Người đi xa trở lại”. Tuyên ngôn độc lập của ông là ánh sáng phương tây rọi tới, là chân trời của nền dân chủ vừa khai mở, là hy vọng lớn lao về một nền văn minh tương lai. Nền văn minh ấy, chí sĩ Phan Chu Trinh đã ngợi ca một cách hùng hồn và tha thiết trong hai diễn văn nổi tiếng tại Sài Gòn ngày 19 tháng 11 năm 1925: “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” và “Đạo đức và Luân lý Đông – Tây”.
Tóm lại, phía sau bản tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh người ta nhìn thấy hình ảnh quyến rũ của nhà nước Dân chủ với nguyên tắc Đa đảng-Tam quyền phân lập. Ngay trước mắt họ, điều đó đã bộc lộ một phần: Nếu không theo nguyên tắc dân chủ làm sao có Nguyễn Hải Thần, Chu Bá Phượng và Hoàng Minh Giám trong chính phủ?
Thế nhưng, với thời gian, mọi sự đã đổi thay. Lớp sơn son thếp vàng dân chủ bị bong tróc khá nhanh, để càng ngày, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà càng trở thành nhà nước Cộng sản đích thực. Trước hết, là cuộc thanh lọc các thành phần chính trị khác mầu. Nguyễn hải Thần bỏ chạy về Tàu trước ngày nổ súng. Khi guồng máy kháng chiến đã bắt đầu vận hành một cách xuôn xẻ, khoảng năm 1948, bộ trưởng bộ tài chính Chu Bá Phượng bị bắt không lý do, không tuyên bố, bị giam giữ ở một nơi nào đó không ai biết. Con gái ông Phượng, một phụ nữ sinh năm 1938 (năm Mậu Dần) đã đến tìm tôi trước năm 2000, kể lại những cuộc tìm kiếm của bà ta, dưới những lời dối trá quanh co và những chỉ dẫn vu vơ, lừa gạt của bộ Nội vụ. Bà ấy đã đi qua không biết bao nhiêu nơi chốn, truy tìm, dò hỏi một cách tuyệt vọng dấu vết người cha, nơi những nhà tù xưa chỉ còn là những bãi đất hoang và các dòng thác xoáy. Người con gái của ông Chu Bá Phượng sẽ không bao giờ tìm thấy nắm xương tàn của cha bởi vì nhà nước cộng sản, tức nhà nước theo mô hình Stalin không có khái niệm về luật pháp, lại càng không có ý thức về giá trị con người. Các cuộc thủ tiêu, giết chóc xẩy ra trong bóng đêm là một thường hằng dưới nền chuyên chế vô sản. Sau rốt, trong đám đại biểu quốc hội ngoài cộng sản, chỉ còn lại ông Hoàng Minh Giám, ắt hẳn ông đã bị guồng máy chuyên chính nhồi như nắm bột và để tồn tại, ông phải chấp nhận là nắm bột nhão: “đảng nắn theo hình gì, ta chịu thành hình ấy.”
Đối với tôi, sự kiện Chu Bá Phượng cắm cái mốc đầu tiên trên con đường phản bội của đảng Cộng sản. Những người lãnh đạo cộng sản đã phản bội lại nguyên tắc Dân chủ, tinh thần Độc lập, tự do, hạnh phúc mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng hứa trước toàn dân khi đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Từ năm 1945 đến 1975, ba mươi năm ròng rã hai cuộc chiến tranh, người dân Việt Nam đã phải hứng chịu những thống khổ mà không có thứ dân nào trên trái đất phải hứng chịu. Không cần nhắc lại những đạn bom chết chóc, cuộc sống cơ hàn như súc vật của thứ chủ nghĩa xã hội kiểu trại lính ở miền Bắc, cũng không kể đến các vụ đàn áp văn nghệ sĩ trí thức và các vụ Cải cách, cải tạo nhưng thực chất là những cuộc cướp bóc mà chính quyền cộng sản đã thực thi. Đó chỉ là sự tiếp tục và các hình thái biểu hiện khác nhau của quá trình phản bội. Điều đáng quan tâm là câu hỏi sau đây:
– Vì sao có sự phản bội này?
– Ai chịu trách nhiệm về điều ấy?
Chúng ta cần truy tìm cội nguồn của vấn đề. Đương nhiên các bạn đọc sẽ trả lời tức khắc: đảng cộng sản là thủ phạm. Nhưng theo tôi, chúng ta, những người dân cũng chịu trách nhiệm một phần, vì thiếu ý thức công dân, vì không hiểu hoặc nhầm lẫn giữa hai khái niệm dân tộc và dân chủ. Khi đã không hiểu được quyền sống của chính mình thì không thể có sức mạnh đứng lên mà tranh đấu cho quyền sống ấy.
Bởi vì, dân tộc và dân chủ là hai khái niệm riêng biệt, hai lãnh địa không đối kháng nhưng tách rời. Có những quốc gia giành được quyền độc lập nhưng không có nền dân chủ, tức không có dân quyền, đó là các quốc gia theo chế độ thiểu trị (Oligarchie). Tại các quốc gia đó, hoặc đám thủ lĩnh bộ lạc, hoặc đám tướng lĩnh, hoặc đám quan lại cao cấp chiếm lĩnh quyền lực và không cho phép bất cứ lực lượng đối kháng nào tồn tại. Loại chính quyền chuyên chế này giờ đây chỉ còn khu trú trên hai vùng đất chính: trung phi và các nước cộng sản, bao gồm Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam. Ở Trung Phi, các cuộc chiến tranh liên miên giữa các nhóm thủ lĩnh bộ lạc hoặc các nhóm tướng lĩnh xô đẩy dân chúng vào tình trạng kiệt quệ, ở các nước cộng sản bàn tay thép của nền chuyên chế bóp nát dân quyền. Nhìn tổng quát thì chế độ chuyên chế chỉ tồn tại ở các nước dân trí non yểu, nếu không gọi là ngu muội, cho dù kinh tế có phát triển nhưng ý thức về quyền con người và tự do hoàn toàn thiếu vắng. Ngay cả đến tầng lớp gọi là tinh hoa của xã hội cũng chỉ lấy sự thoả mãn vật chất làm gía trị duy nhất và cuối cùng, bởi vậy họ thoả hiệp với bọn lãnh đạo để bóc lột dân chúng, và vì thế, hố thẳm ngăn cách giữa thiểu số đám người được hưởng đặc quyền đặc lợi với tuyệt đại đa số dân chúng càng ngày càng đào sâu.
Như vậy, sau các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trên lĩnh vực dân quyền, nước Việt Nam không những không được cải thiện mà còn thụt lùi so với non một thế kỷ trước. Người Việt chúng ta có ý thức hay hoàn toàn vô thức, đủ nghiệm sinh hay còn quá thiếu nghiệm sinh để nhìn nhận và phân tích hai vấn đề này? Đó là câu hỏi quan trọng số một cần phải đặt ra. Trong tình thế hiện nay, đó là chuyện sinh tử đối với toàn dân tộc.
Đối với người Việt Nam, y thức dân tộc là ý thức cỗi rễ, xa xưa, gần như một yếu tố cấu thành đời sống tinh thần. Ý thức đó nảy sinh trong bóng đêm nghìn năm nô lệ giặc Tàu, được tôi luyện qua các cuộc khởi nghĩa giành độc lập, được tưới tắm qua các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, biến thành một thứ ẩn ức thường trực, một sự cảnh giác và một cách phản ứng gần như mang tính chất bản năng.
Trái lại, ý thức về dân chủ là thứ cây mới du nhập, giống như su hào, bắp cải, là thành phẩm của phương Tây, mà cũng phải đi qua một lối vòng, một con đường mòn văn hoá: Trung Hoa.
Ông Nguyễn Văn Xuân viết như sau:
“…Không phải họ (các sĩ phu) không đọc nổi tiếng Pháp hay quốc ngữ nên chẳng biết gì về những tiến bộ, khoa học Âu tây. Nếu họ không đọc được, sẽ có người đọc cho họ nghe. Nhưng theo truyền thống, họ không tin gì những tờ báo quốc ngữ ở Sài Gòn, những ông cố đạo, hoặc những người công giáo hiểu biết giảng giải cho họ. Nghĩa là nhất định văn minh Âu tây không thể truyền thẳng bằng tầu thuỷ từ Sài Gòn tới hay Mác-xây qua. Nó phải vòng qua Thượng hải được các sĩ phu Trung Hoa đọc, tán thưởng, viết lại bằng chữ Tàu rồi lại theo thuyền buồm Tàu chuyển sang cùng hàng hoá của Tàu mới được sĩ phu Việt Nam tin cậy.
[…] Như đã nói trên, nếu Dân quyền đi bằng tầu Tây tới, họ đã ghẻ lạnh. Nhưng nó đi từ xứ Khổng tử Viết tới, với sách chữ nho rành rành giấy trắng mực đen thì có điều chi nữa mà ngờ! Xứ của Thánh – Thánh địa – còn Duy tân, huống hồ nữa là ta…”
(Phong trào Duy tân; trang 96, 98, 99).
Vậy là, Diderot, Jean Jacques Rousseau, Montesquieu và các nhà tư tưởng lớn khác của châu Âu phải được xào xáo trên bếp lò lửa Hồ Thích, Lương Khải Siêu… rồi mới lọt vào họng các ông nhà nho xứ Việt. Đây là một nghịch lý đáng để công nghiên cứu và vô cùng đáng tiếc, nó bộc lộ cái phần yếu kém, què cụt nhất trong nhân cách người Việt chúng ta. Không phải vô cớ mà Phan Chu Trinh khi rền rĩ, khi thét gào lên là dân hèn, dân ngu, hai mươi triệu dân mê chưa tỉnh. Cũng chẳng phải vô cớ mà cho đến gần cõi chết, ông vẫn còn cố gắng hô hào, thuyết phục đồng bào, cố lôi đầu họ khỏi cái gông xiềng văn hoá Trung Hoa trong diễn văn “Đạo đức và Luân ý Đông Tây”. Dù rằng trên hình thức, vẫn phải mượn Khổng Mạnh để biện minh cho lý lẽ của mình, nhưng trong thâm tâm, ông đã hiểu rằng muốn nước mạnh, dân giầu, trước hết phải tiêu diệt chế độ quân chủ:
“Một nước bao nhiêu triệu dân mà chỉ giao phó quyền-chính cho một ông vua thì chẳng là ngu xuẩn lắm ư? Gặp được ông vua thông minh còn e lo chưa hết bổn phận thay, huống là gặp phải anh vua u mê làm ròng những sự độc ác, cấm dân có ăn học không được lo việc nước, thì dân khốn khổ biết bao, và còn có ai dám ra mà gánh vác. Một nhà không ai lo chủ trương, một nước không ai lo chủ trương, thì nhà nước ấy làm sao mà không tan không mất được”.
( Phan Chu Trinh – Thế Nguyên. NXB Tân Việt, 1956 – trang 156-157)
Đọc những lời trên đây, ai cũng hiểu rằng muốn thay đổi số phận dân tộc, cần phải tiêu diệt chế độ quân chủ, tức là phải ném mớ luân lý Khổng Mạnh vào sọt rác. Ý thức Dân quyền Dân chủ không đi đôi với hệ giá trị Nho gia. Điều khốn khổ cho người Việt Nam là họ không ý thức được sớm điều này: Giáo lý của Khổng tử là bệ đỡ cho chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á. Ở đây, vai trò độc tôn của ông vua được thay thế bằng vai trò độc tôn của đảng, “Đảng thần thánh, đảng sáng suốt, đảng vĩ đại”.
Các lời lẽ xưng tụng trên phải chăng là sự biến âm, thay hình của các công thức phong kiến ngàn xưa: Muôn tâu thánh thượng, thánh thượng vạn tuế, thánh thượng anh minh, ơn đức người như mưa thấm nhuần khắp bốn phương tám hướng…
Đảng đã thay vua, vậy tất thảy các hành vi độc ác, ngu xuẩn, thất nhân tâm của đảng đều diễn ra một cách ngang nhiên, không cho bất cứ ai quyền bàn cãi. (Khổng tử dạy: Kẻ thất phu không bàn việc triều đình). Trước kia, vua có binh lính để đàn áp dân chúng, bắt dân câm miệng. Ngày nay, đảng có bộ máy chuyên chính vô sản để thực thi cùng một phận sự. Ngôn từ đổi, quần áo đổi nhưng nội dung cốt lõi không thay đổi. Nhân dân Việt Nam nhất tề theo đảng chống Pháp rồi chống Mỹ vì tinh thân Dân tộc. Họ không ngờ và cũng không kịp ngờ rằng những người cùng kề vai sát cánh với họ trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm lại thay lòng đổi dạ, biến thành những tên thực dân da vàng mũi tẹt chỉ trong một cái nháy mắt của thời gian. Vấn đề cốt lõi là gì?
Quyền lợi!
Động cơ đầu tiên và mục đích cuối cùng của mọi Mưu chước cũng như Mọi hành động của nhân quần.
(Còn tiếp)
© 2013 DCVOnline