Chạy đua vũ khí hạt nhân (2)

Kiều Tiến Dũng

radiationSau hai trái bom nguyên tử thả ở Nhật, thế giới bước vào một giai đoạn chạy đua vũ khí nguyên tử, bắt đầu với sự tranh đua ráo riết giữa Hoa Kỳ và Sô Viết.

Sau dự án Manhattan, Hoa Kỳ bước qua việc nghiên cứu bom tổng hợp (còn gọi là bom H, hay là bom hydrogen) và các loại bom nguyên tử khác cùng các phương tiện để thả bom nhanh chóng và hữu hiệu hơn.

Bom H dựa trên phản ứng tổng hợp hạt nhân (fusion) thay vì phân hủy (fission) và có sức mạnh gấp ngàn lần cho tới mười ngàn lần bom phân hủy. Khi hạt nhân của deuterium và tritium (là hai đồng vị của hydrogen) kết hợp lại thành hạt nhân helium thì một năng lương rất lớn được nhả ra. Nhưng muốn có được sự tổng hợp hạt nhân này thì đầu tiên ta phải đầu tư một khối năng lượng lớn để có thể đem những hạt nhân này tới thật gần nhau.

Đúng ra bom H là ba trái bom trong một trái bom. Đầu tiên là sự nổ của bom nguyên tử với phản ứng phân hủy để ép các hạt nhân hydrogen lại với nhau. Bị ép lại gần nhau các hạt nhân hydrogen này sẽ được tổng hợp, tạo nên một cái nổ thứ hai và sản sinh ra rất nhiều neutrons. Các neutrons này lại gây ra một lần nổ thứ ba lại với phản ứng phân hủy các hạt nhân uranium của vỏ bọc bình chứa hydrogen. Tất cả ba vụ nổ này xảy ra gần như trong cùng một lúc. Do đó sức nổ của bom H rất mạnh, nhưng bom này lại rất khó chế tạo, chỉ có Hoa Kỳ, Liên Xô (nay là Nga), Anh, Pháp, Trung cộng và Ấn Độ là đang có khả năng này.

Tiến trình nổ của bom H. Nguồn: zamandayolculuk.com
Tiến trình nổ của bom H. Nguồn: zamandayolculuk.com

Phản ứng tổng hợp hạt nhân chính là nguồn năng lượng của mặt trời của chúng ta, và của tất cả các ngôi sao khác trong vũ trụ này. Tất cả mọi sự sống trên trái đất này đã phải tùy thuộc vào năng lượng mặt trời, do đó một cách gián tiếp, sự sống đã phải dựa vào năng lượng của phản ứng hạt nhân. Và rồi một ngày khi nguyên liệu hydrogen cạn kiệt thì mặt trời và những ngôi sao kia sẽ tắt lịm.

Con người vẫn còn đang tìm cách sử dụng phản ứng tổng hợp hạt nhân để tạo ra điện năng thay vì sự nổ, nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Các nhà máy điện nguyên tử hiện nay vẫn phải dựa trên phản ứng phân hủy hạt nhân với những phế thải vô cùng độc hại mà lại tồn tại đến cả trăm năm mà ta chưa biết cách giải quyết sao cho ổn thỏa.

**
Trở về vũ khí nguyên tử, thì dựa trên phản ứng tổng hợp hạt nhân ta còn có loại bom tên là bom neutrons. Loại bom này, như cái tên gọi của nó, có sức công phá chủ yếu dựa vào sự phát tán những neutrons có thể xuyên qua những lớp võ dày bao bọc xe tăng hay phòng trú ẩn, mà không làm hư hại những lớp võ này, nhưng lại có khả năng tàn phá những tế bào sinh vật của những người trú núp đàng sau.

Ngoài ra còn một vài loại bom nguyên tử khác, kể cả loại bom phản vật chất (anti-matter) là loại bom có sức công phá mãnh liệt nhất trong các loại bom. Nhưng đấy là những nghiên cứu vẫn còn đang được giữ trong vòng bí mật.

**
Có được bom rồi thì phải tính làm sao để đem những trái bom đó đến đúng mục tiêu đã chọn. Cách vận chuyển và cho phát nổ các trái bom này cũng là một phần rất quan trọng trong việc phát triển bom hạt nhân. Phí tổn của việc nghiên cứu cách phát bom này chiếm hơn một nửa các phí tổn nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.

Từ năm 1940 đến năm 1996, trong vòng 57 năm, Hoa Kỳ chi phí hơn 8 ngàn 520 tỷ đô la cho vũ khí hạt nhân – xấp xỉ 4 lần tổng sản lượng của Hoa Kỳ trong năm 1996.

Lúc đầu những trái bom nặng cả mấy tấn được thả từ các phi cơ vận tải khổng lồ. Sau đó những quả bom được thu nhỏ lại, nhưng sức công phá không vì thế mà kém đi, có thể được vận chuyển bằng các chiến đấu cơ sẵn có, không cần phải sửa đổi gì thêm. Nhưng quan trọng nhất là các hỏa tiễn, kể cả hỏa tiễn xuyên lục địa và các hỏa tiễn phóng được từ tàu ngầm, nhất là các tàu ngầm chạy bằng năng lực nguyên tử có mặt ở nhiều nơi và không cần về lại bến để tiếp liệu trong hằng mấy năm trời. Đặc biệt là loại hỏa tiễn có khả năng mang nhiều đầu đạn nguyên tử, cùng một lúc tấn công vào nhiều mục tiêu khác nhau.

Về mặt hỏa tiễn thì Hoa Kỳ có lợi thế hơn bất cứ ai hết. Đây là do sự đóng góp của các nhà Vật Lý của Đức Quốc Xã mà Hoa Kỳ đã cho tá túc sau đệ Nhị Thế Chiến. Hồng Quân Liên Xô có thể đã vào Bá Linh trước đồng minh trong những ngày cuối của Thế Chiến, nhưng họ có biết đâu rằng Hoa Kỳ, qua chiến dịch Cái kẹp giấy (Paperclip Project), đã di tản nhiều khoa học gia lỗi lạc của Đức Quốc Xã từ mấy ngày trước đó. Xin mở ngoặc ở đây là cũng nhờ những người này mà Hoa Kỳ đã thành công trong việc dùng hỏa tiễn để đưa người lên mặt trăng qua các chương trình Apollo.

Ngày nay Hoa Kỳ có lẽ là quốc gia duy nhất có một hệ thống hỏa tiễn có thể tấn công bất cứ một tọa độ nào trên trái đất, và cả trên không gian. Nhưng hơn 30 quốc gia, mặc dù không có một hệ thống hỏa tiễn như thế, vẫn có thể thả bom (kể cả bom nguyên tử) bằng các phi vụ không người lái được điều khiển từ xa. Đó vẫn là nỗi lo của nhân loại.

Ngoài ra còn có những vũ khí nguyên tử cở nhỏ dưới dạng mìn nổ, hoặc có thể phóng bằng súng pháo hay là súng cối. Hoặc nhỏ hơn nữa, chỉ cần sức vận tải của một, hai người mà thôi.

**
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã cộng tác với Anh Quốc và Gia Nã Đại để thực hiện bom nguyên tử, và đã không chia xẻ những bí mật đó với đồng minh Liên Xô. Tuy nhiên, Liên Xô cũng có những nỗ lực tương tự, một phần dựa vào khả năng khoa học của chính mình, phần khác dựa vào việc dùng gián điệp để ăn cắp những bí mật nguyên tử của Hoa Kỳ.

Người đứng đầu dự án nguyên tử của Liên Xô là Lavrenty Beria, giám đốc sở mật vụ. Ông này hoàn toàn không tin tưởng các nhà Vật Lý Liên Xô nên đã giao cùng một đề tài nghiên cứu cho nhiều nhóm khoa học gia khác nhau, và các nhóm này hoàn toàn cách biệt và không biết gì về nhau. Nếu các kết quả nghiên cứu của hai nhóm lại khác biệt nhau thì lúc ấy ông Beria mới cho hai nhóm gặp nhau lần đầu tiên để chất vấn lẫn nhau. Beria cũng dùng các tài liệu đánh cắp được của Hoa Kỳ để kiểm soát mức độ khả tín của các khoa học gia Liên Xô. Trong một môi trường căng thẳng như thế mà các khoa học gia không thể nào bỏ cuộc, vì bỏ cuộc là phải bị đày đi khổ sai ở Siberia.

Cuối cùng, Liên Xô cũng đã cho nổ được quả bom phân hủy hạt nhân vào ngày 29/8/1949, vài năm sau Đệ Nhị Thế Chiến nhưng lại rất sớm hơn sự ước lượng của Hoa Kỳ về khả năng nguyên tử của Liên Xô.

**
Việc chạy đua hạt nhân đã bắt đầu giữa hai cường quốc. Tháng 10 năm 1961, Liên Xô cho thử trái bom tổng hợp hạt nhân lớn nhất trong lịch sử với một sức nổ tương đương với 100 triệu tấn, nghĩa là gấp khoảng 1 ngàn lần trái bom ở Hiroshima. Hãy tưởng tượng sự tiêu hủy của 1000 thành phố cỡ Hiroshima!

Hoa Kỳ và Liên Xô đã thử hàng ngàn quả bom nguyên tử đủ tầm cỡ, trên mặt đất và cả dưới lòng đất — một phần là để tìm hiểu về sức tàn phá của vũ khí hạt nhân, nhưng một phần cũng là để dằn mặt đối thủ. Hai quốc gia đã ở trên bờ vực thẳm của chiến tranh nguyên tử năm 1962, khi Liên Xô có kế hoạch đem hỏa tiễn nguyên tử tầm trung đến Cuba, ngay sát nách Hoa Kỳ. Tổng thống Kennedy ra lệnh phong tỏa Cuba và chuẩn bị cho một cuộc chiến nguyên tử. Cuối cùng, Liên Xô đồng ý ngưng việc chuyển vận đầu đạn nguyên tử đến Cuba, sau khi Kennedy đã phải chấp nhận đòi hỏi của Khrushchev là rút hết hỏa tiễn của Hoa Kỳ đang đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết sẽ không bao giờ xua quân đánh chiếm Cuba.

**
Ngoài ra, các quốc gia chính thức có vũ khí nguyên tử còn có Anh, Pháp, Trung Cộng, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Hàn.

Anh Quốc lúc đầu cũng tham gia vào dự án nguyên tử Manhattan, nhưng sau đó Hoa Kỳ đã thông qua dự luật ngừng hẳn việc chia xẻ bí mật nguyên tử với Anh Quốc vào năm 1946. Không chịu thua, Thủ Tướng Winston Churchill đã đưa nước Anh vào con đường tự cường nguyên tử và cho thử thành công bom nguyên tử vào ngày 3/10/1952. Sau đó vào ngày 11/10/1956, Anh đã thành công trong việc thả bom từ phi cơ xuống sa mạc Maralinga của Úc.

Nước Pháp, mặt khác, mãi đến năm 1960 mới thành công trong việc thử bom nguyên tử, mặc dù họ đã đi đầu nhân loại với những kiến thức về phóng xạ nguyên tử khởi đầu từ những công trình của hai vợ chồng Pierre và Marie Curie.

Trong thập niên 1950, Liên Xô đã giúp Trung Cộng rất nhiều trong việc nghiên cứu bom nguyên tử, cũng chỉ vì Liên Xô cần nguyên liệu uranium từ các quặng mỏ của Trung Cộng. Sự hợp tác này chấm dứt vào năm 1959, sau nhiều hục hặc về biên giới giữa hai bên. Tuy vậy, Trung Cộng đã vẫn thành công trong việc cho nổ trái bom nguyên tử phân hủy đầu tiên vào ngày 16/10/1964, và phóng thành công hỏa tiễn với đầu đạn nguyên tử vào ngày 25/10/1966. Vào ngày 14/6/1967, Trung Cộng cũng đã thành công trong việc thử nghiệm bom hạt nhân tổng hợp. Những thành công này phần nhiều có lẽ là do việc ăn cắp những bí mật quốc phòng của Hoa Kỳ.

**
Năm 1974, Ấn Độ đã làm chấn động thế giới khi thử nghiệm thành công một “dụng cụ” nguyên tử dưới lòng đất với sức nổ tương đối nhỏ. Nhưng đó chưa phải là một trái bom nguyên tử đúng nghĩa. Phải chờ tới ngày 11/5/1998, Ấn Độ cho nổ 3 trái bom và ngay ngày hôm sau cho nổ tiếp 2 quả bom.

Ngay lập tức, Pakistan, một quốc gia thù nghịch của Ấn Độ, liền chứng tỏ khả năng nguyên tử của mình với 6 vụ nổ nguyên tử thành công mỹ mãn.

Dựa vào Hiệp Ước Cấm Thử Nghiệm Vũ Khí Nguyên Tử (Comprehensive Test Ban Treaty) được Liên Hiệp Quốc chấp nhận và thông qua vào năm 1996, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia và tổ chức (trong đó có World Bank và IMF) đã tiến hành cấm vận cả hai nước Ấn Độ và Pakistan. Cho mãi đến măm 2001, Hoa Kỳ đã bãi bỏ cấm vận vì cần sự hợp tác của Ấn Độ và Pakistan trong việc truy lùng bọn khủng bố al Qaeda ở Afganistan. Gần đây chính phủ Úc cũng đã thông qua việc bán quặng uranium cho Ấn Độ.

Xin nhắc lại là Hoa Kỳ đã nhanh chóng ký vào Hiệp Ước Cấm Thử Nghiệm Vũ Khí Nguyên Tử được Liên Hiệp Quốc đưa ra năm 1996 có lẽ chỉ vì Hoa Kỳ nay không cần phải thử nghiệm vũ khí nguyên tử một cách trực tiếp nữa. Để biết được hiệu năng và hiệu quả của các vũ khí mới, Hoa Kỳ chỉ cần dùng các máy điện toán để tiến hành những cuộc thử nghiệm ảo. Đây là một bước tiến đáng kể và được giữ bí mật; các thảo chương điện toán này được bảo vệ như là một vũ khí quốc phòng tối mật. Nhưng chỉ cách đây vài năm, gián điệp Trung Cộng cũng đã thành công trong việc đánh cắp những thảo chương tối mật này.

**
Mặc dù Do Thái chưa bao giờ công nhận hay phủ nhận khả năng nguyên tử của mình, thế giới đã cho rằng họ có một khả năng đáng kể trong lãnh vực này — nhất là khi một công dân Do Thái vào năm 1986 vừa mới lên tiếng với báo chí Anh Quốc về khả năng nguyên tử của Do Thái thì liền bị Mossad, cơ quan tình báo nổi tiếng của Do Thái, bắt cóc và đưa ngay về Do Thái để bị xét xử với bản án phản quốc.

Ngoài ra, còn có quốc gia Nam Phi (South Africa) cũng đã một thời theo đuổi việc chế tạo bom nguyên tử, nhưng đã hoàn toàn ngưng hẳn các công trình nghiên cứu sau khi Nelson Mandela lên làm tổng thống.

**
Vào năm 2004, nhà Vật Lý Abdul Qadeer Khan, cha đẻ của bom nguyên tử của Pakistan, đã thú nhận là đã lấy cắp các bí mật nguyên tử của tây phương trong việc chế tạo thành công vũ khí nguyên tử cho Pakistan. Tiến sĩ Khan cũng tự thú là mình đã cung cấp và bán các bí mật nguyên tử này cho các quốc gia Libya, Iran và Bắc Hàn. Nhưng liền ngay sau lời tự thú thì chính quyền Pakistan đã ân xá cho Ts Khan và không chịu giao ông cho Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (International Atomic Energy Agency) để điều tra.

Vào năm 2003, Đại Tá Gaddafi đã tuyên bố bãi bỏ các nghiên cứu về vũ khí hạt nhân và hóa học của Libya để đổi lại sự hội nhập vào cộng đồng thế giới. Cách Mạng Hoa Lài sau đó đã chấm dứt cuộc đời của nhà độc tài này vào năm 2011.

Iran, trái lại, vẫn hiện đang đeo đuổi các nghiên cứu nguyên tử mặc dù đã bị thế giới lên án, cấm vận, và Do Thái dọa sẽ oanh tạc Iran nếu cần.

**
Bắc Hàn cũng đang gây nhiều lo ngại cho thế giới với khả năng nguyên tử của mình.

Ngay từ năm 1994, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn đã bắt đầu đổ hàng tỷ dollars để xây dựng các nhà máy điện nguyên tử cho Bắc Hàn cùng với lời hứa là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Bắc Hàn. Tất cả chỉ để đổi lại lời cam kết là Bắc Hàn sẽ ngưng việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân.

Nhưng đến năm 2003, Bắc Hàn đã đơn phương hủy bỏ những thỏa ước này, có lẽ cũng chỉ vì mục đích đối nội để củng cố quyền lực của dòng họ Kim mà thôi. Và vào tháng 10/2006, Bắc Hàn đã cho thử thành công một trái bom hạt nhân. Tầm hỏa tiễn của Bắc Hàn nay cũng đã có thể bắn tới Nam Hàn, Nhật Bản và một phần lãnh thổ của Trung Cộng, Nga và Hoa Kỳ.

Cả thế giới ngày nay đang hết sức lo ngại về một tên cộng sản độc tài, cha truyền con nối, không biết điên khùng đến cỡ nào nhưng chắc chắn là liều mạng và lại có trong tay một số vũ khí đủ sức để tiêu hủy cả một góc trời Bắc Á.

ICAN Nuclear Map, Nguồn: www.icanw.org/nuclear-map/
ICAN Nuclear Map, Nguồn: www.icanw.org/nuclear-map/

**
Còn Việt Nam ta thì sao? Ta không có vũ khí nguyên tử, ta không cần vũ khí nguyên tử, vì dân ta đã có tự ngàn xưa cái tinh thần quật cường bất diệt, không thể nào mãi cúi đầu dưới ách thống trị độc đảng, độc tài — như lời của Nguyễn Chí Thiện:

Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lớp người đói rét
Phục sẵn những đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử

(Nguyễn Chí Thiện, 1976)

Tháng 5, 2013


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.