Nỗi sợ bị lãng quên
Một Đồng Chí Tuyen
Không có lời biện minh nào, không có một sự tha thứ nào là thỏa đáng cho một hành vi man rợ đối với đồng loại, cho hành động ném xác phi tang nạn nhân của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Nhưng, khi mà cuộc sống của chúng ta bị bủa vây bởi quá nhiều nỗi sợ, bất cứ ai cũng có thể trở nên man rợ!
Bất cứ ai cũng có thể lên án hành vi man rợ của bác sĩ Tường. Kết tội anh ta là điều rất dễ. Dưới góc độ đạo lý, pháp lý, hay công lý thì hành động phi nhân tính của anh ta cũng không thể chấp nhận. Song, hành vi đó nằm ngoài ý chí của anh ta, nó chỉ là kết quả của nỗi sợ hãi được hình thành bởi một chuỗi những tác động của cuộc sống, những điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể vướng phải, với những mức độ khác nhau.
Vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng là một hành vi man rợ hãi hùng mà con người khó có thể làm đối với đồng loại. Song, về bản chất, đó đơn thuần là phản xạ tự vệ của tay bác sĩ. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều người không đồng tình với nhận định này khi cho rằng “có phải ai sợ hãi cũng hành động như thế đâu!” Đúng vậy, không phải ai cũng hành động như thế, bởi cho dù nỗi sợ hãi thì giống nhau, nhưng phản ứng tự vệ chống lại nỗi sợ thì khác nhau, phụ thuộc vào khả năng lý trí của mỗi người. Nhưng đây là một sự việc xảy ra trong trạng thái quẫn bách, khi lý trí đã hoàn toàn bị bẻ gãy.
Hành vi của Nguyễn Mạnh Tường là một câu chuyện tâm lý không quá khó hiểu. Tường sợ gì? Sợ một tương lai bất định khi phải đối diện với án tù vì làm chết người, đối diện với hình phạt tăng nặng bởi hành nghề không phép, đối diện với khả năng mất trắng toàn bộ sản nghiệp đã đầu tư vào cơ sở thẩm mỹ sẽ không bao giờ còn cơ hội thu hồi, đối diện với một cuộc sống không tương lai. Đó là những nỗi sợ hãi mà chúng ta có thể nhận thấy khi bình tĩnh nhìn lại sự việc. Còn đối với Tường, trong thời điểm đó, nó chỉ đơn thuần là một nỗi sợ mơ hồ nhưng rất lớn, đủ để lấn át mọi cảm xúc khác, nếu có thể nảy sinh.
Trong một trạng thái quẫn bách về tinh thần, khi lý trí đã hoàn toàn bị bẻ gãy, phản ứng tự vệ là điều sẽ xảy ra. Tùy thuộc vào tính cách của mỗi người mà có những hình thức khác nhau. Tự sát để chấm dứt ngay nỗi sợ. Trốn chạy và ẩn náu để hi vọng nỗi sợ qua đi. Điên cuồng chống trả nỗi sợ hãi bằng mọi khả năng. Bác sĩ Tường chọn cách thứ hai. Phi tang cái xác để che dấu, một cách để trốn chạy, và ẩn náu.
Cái chết của người phụ nữ 39 tuổi tại thẩm mỹ viện Cát Tường không phải là câu chuyện cá biệt. Những rủi ro y tế dẫn đến chết người xảy ra như cơm bữa, tại các cơ sở có phép cũng như không phép. Xét về tính chất tội ác, và hậu quả tội ác thì sự kiện Cát Tường thậm chí không nghiêm trọng bằng những vụ sản phụ tử vong, trẻ em sau tiêm chủng, hay chuyện tráo giác mạc, dùng chung kết quả xét nghiệm máu… Nhưng, khác biệt ở đây là hành động xảy ra sau đó. Nó gây sốc, choáng, tâm lý kinh hãi bởi tính chất man rợ của hành vi.
Dù nói ra có vẻ lạnh lùng, song về lý thuyết, tội ác đã xảy ra trước hành động ném xác kinh dị của Nguyễn Mạnh Tường. Việc ném xác , sau đó, chỉ đơn thuần là một hành vi thể hiện nỗi sợ hãi. Và điều đáng nói ở câu chuyện này nằm ở chỗ khi nào thì nỗi sợ biến con người ta trở nên man rợ?
Như một đứa trẻ sợ ma luôn tìm cách tránh những con đường tăm tối, âm u. Phản xạ thông thường của chúng ta là né tránh, phòng vệ trước những khả năng khiến chúng ta sợ hãi. Về lý thuyết, những nỗi sợ hãi có thể mất đi, tạm thời hoặc vĩnh viễn, với những trải nghiệm thực tế. Và nó có thể quay trở lại để đánh gục người ta trong một trải nghiệm mới, hoàn toàn bất ngờ, không lường trước.
Với khả năng nhận thức thông thường, bác sĩ Tường hẳn biết sợ sự trừng phạt của luật pháp khi hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, khi mở cơ sở thẩm mỹ mà không có giấy phép. Nhưng trải nghiệm thực tế của anh ta cho thấy những cơ sở y tế không phép vẫn tồn tại ở khắp nơi mà không phải đối diện với sự trừng phạt.
Là một nhân viên y tế, anh ta hẳn phải biết sợ những rủi ro trong thực hành y tế khi thẩm mỹ viện của anh ta không đủ khả năng khắc phục hậu quả. Nhưng trải nghiệm thực tế của anh ta là rất nhiều đồng nghiệp khả kính của mình vẫn ung dung mở phòng khám.
Là một người ôm mộng làm giàu bằng dịch vụ y tế, hẳn anh ta cũng sợ đầu tư toàn bộ vốn liếng mở thẩm mĩ viện mà không có khách hàng. Nhưng trải nghiệm thực tế của anh ta cho thấy các phòng khám tư tồi tàn xung quanh những bệnh viện chuyên khoa đầu ngành vẫn luôn làm ăn tốt. Và thẩm mỹ viện của anh ta dễ dàng được PR trên báo để thu hút khách hàng mà chẳng cần giấy phép.
Với những trải nghiệm về một cuộc sống mà sự sai trái trở thành điều quen thuộc bình thường, dễ dàng được chấp nhận, bác sĩ Tường đã không còn sợ hãi. Nỗi sợ hãi của anh ta chỉ trở lại khi có trải nghiệm mới, đó là khi những điều sai trái của anh ta gây ra cái chết cho một con người.
Đó là một trải nghiệm kinh khủng khiến anh ta nhận ra hậu quả của tất cả những điều sai trái mà anh ta đã làm chưa hề mất đi. Khi đó, tất cả những nỗi sợ hãi mà anh ta tưởng như đã lãng quên cùng trở lại, như một cú đánh trời giáng, đập tan mọi lý trí của anh ta.
Khi trốn chạy nỗi sợ hãi khi không còn lý trí, người ta có thể ném cái xác xuống sông như bác sĩ Tường, chôn, hay làm một điều gì đó… để phi tang.
Sự man rợ cơ bản là giống nhau. Và khi mà cuộc sống của chúng ta bị bủa vây bởi những nỗi sợ hãi có thể ập đến vào bất cứ lúc nào, thì những câu chuyện man rợ như thế này không còn là cá biệt.
Nguồn: Nỗi sợ bị lãng quên. Facebook. Một Đồng Chí Tuyen. 23/10/2013