Bài học Nhật Bản (1)

Khôi Nguyên, HVR

japanLà một quốc gia có hình thể quần đảo gồm 6.852 hòn đảo lớn nhỏ, Nhật Bản đã hình thành nền tảng chính trị theo chế độ vua chúa nắm quyền điều hành đất nước từ thời kỳ lập quốc …

Hệ thống chính trị (1/2)

Đồng hành cùng các lĩnh vực kinh tế-giáo dục thì nền tảng và hệ thống chính trị của Nhật Bản cung được coi là yếu tố mang tầm quyết định quan trọng nhất trong việc hình thành tư tưởng cũng như đường lối kế hoạch tái kiến đất nước sau thời kỳ chiến tranh để đưa nước Nhật tiến đến địa vị một cường quốc như hiện nay.

Bản đồ nước Nhật. Nguồn: www.ampactours.com
Bản đồ nước Nhật. Nguồn: www.ampactours.com

Là một quốc gia có hình thể quần đảo gồm 6.852 hòn đảo lớn nhỏ, Nhật Bản đã hình thành nền tảng chính trị theo chế độ vua chúa nắm quyền điều hành đất nước từ thời kỳ lập quốc như bao quốc gia khác trên thế giới, và hoàng đế của Nhật được gọi là Tenno, tức Thiên Hoàng.

Dựa theo lịch sử Nhật Bản, bao gồm các giai đoạn huyền sử từ khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, cho đến nay tính theo niên hiệu đã có tổng cộng 125 vị Thiên Hoàng liên tục kế thừa ngai vàng trong hoàng tộc Nhật Bản. Tuy nhiên, trong số này có hai vị nữ đế là vị vua đời thứ 35 tức Hoàng Cực Thiên Hoàng (Gokyoku Tenno) và nhà vua đời thứ 46 là Hiếu Khiêm Thiên Hoàng (Koken Tenno) đều từng có lần thoái vị nhưng sau đó lại tiếp tục lên ngôi nên theo niên đại chính thống của Nhật Bản chỉ có 123 Thiên Hoàng. Ngoài ra, tuy trong lịch sử hoàng tộc Nhật Bản từng có đến 8 vị nữ Thiên Hoàng đăng vị nhưng chỉ là hình thức tạm thời khi dòng nam của Hoàng Thất chưa có hoàng nam kế vị.

Riêng về nguồn gốc dòng tộc hoàng triều xứ Phù Tang cũng xuất phát từ huyền thoại là hậu dệ của nữ thần Mặt Trời Amaterasu Omikami, tức Thiên Chiếu Đại Ngự Thần là một vị thần tối cao trong Thần Đạo. Theo quyển Cổ Sự Ký (Kojiki) ghi chép những mẩu chuyện thần thoại mang đậm nét huyền sử của nước Nhật thì Thiên Chiếu Đại Ngự Thần tự giam mình trong động Thiên Nham Cung vì bất bình trước hành động lỗ mãng ngang tàng của người em trai là Thần Biển Susanoo (Tu Tá Chi Nam) rồi sau đó nhờ mưu kế khiêu khích của các chư thần nên nữ thần Mặt Trời mới bước ra khỏi động Thiên Nham và đem lại ánh sáng đến cho trần thế. Dụng ngữ Thiên Chiếu ở đây cũng mang ý nghĩa là ánh sáng chiếu rọi từ trời.

Kế đến, Thiên Chiếu Đại Ngự Thần còn sai cháu trai của mình là Ninigi No Mikoto (Quỳnh Quỳnh Xử Tôn) đến cai trị quần đảo Nhật Bản và người này được coi là vị Thiên Hoàng đầu tiên lấy vương hiệu là Thần Vũ (Kanmu). Do triều đại vua chúa thống trị Nhật Bản từ xưa kia là Yamato, (tức Đại Hòa) tự nhận mình là hậu duệ của dòng tộc vua Thiên Vũ nên người Nhật được gọi là con cháu của Thái Dương Thần Nữ với đặc điểm nổi bật là đã có sự thừa kế ngai vàng liên tục chưa hề đứt quãng trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm kể từ đời các hoàng đế xa xưa.

Đương nhiên, khi trải qua một quá trình lâu dài nắm quyền điều khiển đất nước, hoàng tộc Nhật Bản không thể tránh khỏi những cuộc tranh quyền đoạt thế để nắm lấy ngôi báu và đưa đến những âm mưu ám sát, lưu đày, giam cầm hoặc có cả trường hợp Thiên Hoàng bị ép buộc phải tự sát, nhưng trước sau ngai vàng vẫn luôn thuộc về các nhân vật thuộc dòng dõi hoàng tộc nắm giữ.

Hơn nữa, dù trải qua những bước thăng trầm của các đời hoàng đế và các triều đại, nhưng hoàng tộc nước Nhật vẫn luôn được dân chúng tôn sùng, ủng hộ do xuất phát từ lòng tín ngưỡng Thần Đạo và nhất là niềm tin tuyệt đối vào Thiên Hoàng. Điều này vẫn tiếp tục tồn tại ngay trong thời đại chính quyền Mạc Phủ ra đời, tức thời kỳ các võ tướng lộng quyền và Thiên Hoàng chỉ đóng vai trò bù nhìn không còn thực lực trong tay.

Dù tập tục cha truyền con nối được cho là nguyên nhân khiến cho quyền lực của Nhật Hoàng chỉ còn trên danh nghĩa, và ngay cả khi bản thân các vị vua Nhật phạm sai lầm về chính trị nhưng họ vẫn nắm giữ ngai vàng. Vì vậy. hầu như những cuộc lật đổ hoặc âm mưu phá vỡ hệ thống ngôi vị Thiên Hoàng đều đi đến kết quả chung cuộc là sự thất bại.

Theo nhận định của giới học giả Nhật Bản thì hình thức cha truyền con nối của dòng dõi hoàng tộc ở Nhật Bản kéo dài cho đến nay, tức có thời gian kế tục lâu dài hơn bất cứ một quốc gia nào trên thế giới là do hầu hết các vị Nhật hoàng đều là những nhân vật tài trí, anh minh, sáng suốt, luôn đặt chính sách vì nước vì dân lên trên hết nên thu phục được lòng dân.

Thật vậy, nếu nhìn qua lịch sử đầy biến động ở thời kỳ phong kiến, người ta hiếm khi thấy dân Nhật phải lâm vào cảnh đoạ đầy cùng cực dưới ách thống trị của một hôn quân, bạo chúa. Và có chăng cũng chỉ là những võ tướng lộng quyền trong thời kỳ Mạc Phủ. Đây cũng là điều mà các sử gia hiếm thấy nơi giới vua chúa ở những quốc gia khác. Tuy vậy, kèm theo đó lại có một đặc điểm khác là trong khoảng 1500 năm kể từ khi Nhật Bản thiết lập hệ thống truyền nối ngôi vị Thiên Hoàng, thì chỉ có một thời gian ngắn các vị Nhật Hoàng mới thực sự trực tiếp điều hành chính sự quốc gia. Họ thực hiện quyền lực lớn nhất trong khoảng 2 thế kỷ thuộc thời Asuka (593-708) rồi sau đó là thời đại Nara cho đến đầu thời đại Heian vào thế kỷ thứ 9.

Trong khoảng hơn 1000 năm sau, chính quyền Nhật Bản thực sự nằm trong tay những lãnh chúa có binh lực hùng hậu, chi phối giới quan lại triều định hoặc về sau là thời kỳ cực thịnh của giới võ tướng, thuộc chính quyền Mạc Phủ mà Minamoto No Yoritomo là nhân vật thiết lập nên. Trong suốt thời gian đó, quyền hành của các Thiên Hoàng và triều đình tại Kyoto đều bị giới hạn trong những lĩnh vực mang tính chất văn hoá hơn là chính trị, chẳng khác gì dưới thể chế Quân Chủ Lập Hiến hiện nay. Ngoài ra, triều đình cũng bị ép buộc phải thoả hiệp và nhượng bộ rất nhiều trước yêu cầu vì lợi ích riêng tư của các dòng họ có thế lực và chế độ võ tướng. Mặc dù một vài vị Thiên Hoàng trong thời kỳ đó cũng nỗ lực khôi phục quyền lực chính trị, nhưng họ hoàn toàn thất bại hoặc chỉ thành công trong các giai đoạn rất ngắn ngủi.

Mãi cho đến thời Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji-tennō), khi nhà vua tài trí này biết kết hợp sức mạnh từ mọi giới dân chúng cùng với danh nghĩa chính thống của triều đình và đặc biệt là đưa ra được chính sách Phú Quốc Cường Binh nên hoàng gia Nhật Bản mới có thể trực tiếp điều hành quốc chính rồi xóa bỏ chế độ phong kiến của chính quyền Mạc Phủ vốn đã kéo dài quá lâu. Minh Trị Thiên Hoàng chấp chính từ 1868 đến 1912 được coi là rất tích cực trong việc đón nhận ý kiến thảo luận về chính sách canh tân đất nước với giới trí thức và tầng lớp lãnh đạo quốc gia để thực hiện công cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân.

Meiji_tenno1
Minh Trị Thiên Hoàng thời trẻ (Meiji-tennō: 3 /02/1867 –
30/07/1912). Nguồn: en.wikipedia.org

Đáng tiếc là những người kế vị vua Minh Trị như Đại Chính Thiên Hoàng và Chiêu Hòa Thiên Hoàng đã kém hơn vị tiên quân này về sự quyết đoán và cách nhìn chiến lược trị quốc sâu rộng. Do đó, sau khi Minh Trị Thiên Hoàng băng hà, tuy hoàng gia Nhật Bản vẫn tập trung vào việc gia tăng sức mạnh chính trị của lực lượng lãnh đạo quốc nhưng lại có khuynh hướng đi theo lối mòn của tư tưởng bảo thủ coi trọng lực lượng quân đội nên sau đó, trong thập niên 1920 và 1930, quyền lực triều đình rơi vào tay phe phái quân sự vốn bị giới tài phiệt và các hội đoàn chính trị cổ xúy tinh thần ái quốc cực hữu lôi cuốn vào chính sách phô trương sức mạnh, xâm chiến các quốc gia lân bang.

Từ đó, không những quyền hành của Thiên hoàng mà cả các đảng phái chính trị mới thành lập cùng cơ chế nghị viện một lần nữa lại lâm vào cảnh yếu thế. Nhưng hầu hết người dân Nhật Bản cho đến thời điểm này vẫn trung thành và tôn kính Thiên Hoàng và ngay sau chiến tranh khi Nhật bại trận, Thiên Hoàng vẫn giữ ngôi vua như là một biểu tượng quốc gia như vị thế của các vị vua nối ngôi từ trước đó.

Thêm một yếu tố khác giúp cho việc duy trì dòng dõi hoàng tộc kế thừa ngôi vị là hình thể tự nhiên của lãnh thổ Nhật Bản, tức một quốc đảo rất ít tiếp xúc và tranh chấp với các dân tộc khác. Nhật Bản không lo ngại trước một áp lực nào từ bên ngoài đe doạ quyền hành cai trị đất nước và Thiên Hoàng cũng không cần giữ vai trò Tổng Tư Lệnh Tối Cao quân đội để tượng trưng cho sự thống nhất dân tộc như các quốc gia khác. Qua đó cho thấy, dòng dõi hoàng tộc Phù Tang đã tồn tại trong suốt nhiều thời kỳ là nhờ vào những yếu tố đặc thù đã tạo nên sự thuần nhất nơi dân tộc Nhật để đi đến sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn.

Sau thời kỳ cải cách của vua Minh Trị, giai đoạn lịch sử quan trọng thứ hai của Nhật Bản được coi là gắn liền với vua Dụ Nhân (Hirohito), tức cháu nội của Nhật Hoàng Minh Trị. Hirohito là tên húy của Thiên Hoàng Chiêu Hòa, tức vị Thiên Hoàng thứ 124 của Nhật Bản. Ông lên ngôi từ năm 1926 đến 1989, có thời gian trị vì dài hơn bất cứ một Thiên hoàng nào khác trong lịch sử Nhật Bản và cũng là người đầu tiên của Hoàng gia Nhật Bản xuất ngoại đi châu Âu suốt 6 tháng, tới Anh, Pháp, Hoà Lan, Ý, Bỉ. Có thể nói cuộc đời vua Chiêu Hòa đã chứng kiến rất nhiều biến chuyển trọng đại của lịch sử cận đại nước Nhật.

Ngoài hình ảnh một hoàng đế để lại dấu ấn đậm nét trong thế kỷ 20 được coi là một thế kỷ xảy ra những biến động lớn lao nhất trong lịch sử Nhật Bản, vua Chiêu Hòa còn là người can đảm mang trọng trách trước quốc dân khi ông tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15/8/1945 và chấp nhận lần đầu tiên Nhật Bản bị lực lượng quân đội nước ngoài chiếm đóng, mặc dù ông không phải là nhân vật chính quyết định cục diện gây chiến với lân bang và đánh úp Hoa Kỳ trong trận Trân Châu Cảng (Pearl Habor – DCVOnline).

Sự kiện vua Chiêu Hòa lên tiếng đầu hàng được phát sóng trên đài truyền thanh cũng là một hình ảnh phá tan tiền lệ giữ gìn thái độ nghiêm trang, im lặng trước công chúng của các đời Thiên Hoàng trước đó.

Trong thời kỳ đầu khi Thiên Hoàng Chiêu Hòa lên ngôi, quân đội Hoàng gia Nhật Bản đã giành được nhiều ảnh hưởng chính trị lớn. Vào Năm 1931- 1932, đội quân Quan Đông (Kanto Gun) tức đơn vị lục quân tinh nhuệ và dũng mãnh nhất của Nhật đang đồn trú ở vùng đóng quân phía Đông Bắc của Trung Hoa đã tự tiện đánh chiếm Mãn Châu mà không cần sự đồng ý chấp thuận của chính phủ Nhật Bản. Chính điều này đã làm thay đổi chính sách ngoại giao của Nhật Bản lúc đương thời và dẫn đến nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương từ tháng 7/1937 đến tháng 8/1945.

Trước tình trạng lộng quyền của quân đội, vua Chiêu Hòa nhiều lần tỏ vẻ không hài lòng và có những phản ứng đáp trả như vào tháng 2 năm 1936 ông đã hạ lệnh đàn áp các sĩ quan quân đội đang nổi dậy chống chính phủ dân sự ở Tokyo. Tuy nhiên, do thế cô sức yếu, Thiên hoàng Chiêu Hòa vẫn không thể có hành động cụ thể ngăn chặn việc quân đội Nhật Bản đang dần tiến đến một cuộc chiến toàn diện với Trung Hoa xảy ra năm 1937, tức Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai. Cũng như hình ảnh ông xuất hiện trước công chúng với bộ quân phục, theo dõi diễn tập quân sự hoặc duyệt quân trên lưng con bạch đã khiến dư luận cho rằng ông ủng hộ quân đội gây chiến tranh.

Mức độ bành trướng của quân đội Nhật Bản trong thập niên 1930 đã dẫn đến việc Nhật Bản tham chiến vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai tháng 12 năm 1941, khi các máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã bất ngờ tấn công hạm đội hải quân Hoa Kỳ ở Trận Trân Châu Cảng tại Hawaii.

Đến đầu mùa Hè năm 1945, sau khi Đức đầu hàng Đồng Minh, thất bại đã là điều không thể tránh được đối với quân Nhật. Cùng lúc, nội bộ chính phủ Nhật Bản bị chia rẽ trầm trọng giữa các nhà lãnh đạo quân đội và phe dân sự Nhật Bản gồm những người muốn thương lượng để cứu vãn tình hình trong bình. Khi đó, vua Chiêu Hòa tuy nghiêng về phía phe chủ hòa nhưng không đủ sứ đứng ra hòa giải bế tắc giữa phe chủ chiến là quân đội và phe chủ hòa là phía dân sự cho đến giữa tháng 8, sau khi Hoa Kỳ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki và Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Suzuki Kantaro đã hỏi ý kiến Thiên Hoàng Chiêu Hòa rằng liệu Nhật có nên tiếp tục chiến đấu hay không và nhà vua đã quyết định dứt khoát chấp nhận yêu cầu của quân Đồng Minh “đầu hàng vô điều kiện” theo những điều ghi trong Tuyên bố Potsdam ban hành vào tháng 7 trước đó.

Thiên Hoàng Chiêu Hòa (Showa, Hirohito) phê chuẩn Hiến pháp Nhật Bản, 3 Nov 1946. Nguồn: http://ww2db.com
Thiên Hoàng Chiêu Hòa (Showa, Hirohito) phê chuẩn Hiến pháp Nhật Bản, 3 Nov 1946. Nguồn: http://ww2db.com

Năm 1947, ông đã công bố một bản hiến pháp sửa đổi cho Nhật Bản do lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ soạn ra và đã được Quốc hội Nhật Bản thông qua, theo đó chủ quyền quốc gia được giao cho người dân và quy định Thiên hoàng chỉ là một biểu tượng của dân tộc.

Giữa thời kỳ 1946 và 1951 Thiên hoàng Chiêu Hòa đã đi khắp Nhật Bản, thăm các trường học, nhà máy, hầm mỏ và các nơi công cộng khác để chứng kiến từng sự tiến bộ của công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh và đã nhận được sự nể phục, kính yêu của dân chúng đối với thể chế quân chủ. Báo chí quốc gia Nhật Bản, lần đầu tiên được cho phép chụp ảnh gia đình hoàng gia, đã mô tả Thiên Hoàng bình dị và gần gũi, có cuộc sống bình thường của giai cấp trung lưu. Cuộc điều tra công luận thập niên 1950 đã cho thấy kết quả tốt đẹp khi công chúng dành trọn thiện cảm đối với Thiên hoàng.

Với cương vị một vị hoàng đế của một nước dân chủ, vua Chiêu Hòa đã tiếp tục bày tỏ các chính kiến riêng của mình nhưng không gây ảnh hưởng chính thức lên các công việc của chính phủ. Ông thực hiện những công việc lễ nghi theo quy định của bản hiến pháp năm 1947 như làm chủ tọa khi khai mạc và bế mạc quốc hội; đón tiếp các đại sứ nước ngoài trình quốc thư; tham dự các sự kiện quốc gia bao gồm Thế vận hội Tokyo 1964 và Triển lãm Hội Chợ Quốc tế Expo 1970. Năm 1971, Thiên hoàng Chiêu Hòa đã đi một vòng 7 nước châu Âu và trở thành vị Thiên Hoàng đang trị vì đầu tiên đi ra nước ngoài. Trong các chuyến đi này ông gặp phải nhiều cuộc biểu tình phản đối ở châu Âu và được đón tiếp thân thiện hơn trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 1975. Tuy nhiên, nghi vấn về trách nhiệm của ông qua vai trò lãnh đạo Nhật Bản trong thế chiến thứ hai vẫn còn mạnh mẽ.

Trong những năm tháng cuối đời, người ta thường thấy ông ngồi ở hàng ghế danh dự dành cho Thiên hoàng ngự lãm các trận đấu vật sumo. Ông đã viết nhiều sách về sinh học hải dương, một đề tài suốt đời ông quan tâm. Thiên hoàng Chiêu Hòa qua đời năm 1989 sau một thời gian ốm đau dài. Thái tử Akihito (Minh Nhân) lên thay, đặt niên hiệu là Bình Thành (Heisei).

Cuộc đời vua Chiêu Hòa gắn liền với sự phát triển và những biến chuyển của Nhật Bản là một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn nhưng hầu như không được biết đến nhiều. Thông thường, dư luận thế giới bên ngoài chỉ được biết nhiều về cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân hoặc sự trổi dậy thần kỳ Nhật Bản, các công ty lớn của Nhật Bản như Toyota, Sony, Panasonic nhưng lại ít biết đến những chuyện ngầm ẩn phía sau đó.

Vì vậy, khi quyển sách mang tựa đề “Hirohito and the Making of Modern Japan” (Hirohito Và Cuộc Kiến Thiết Nhật Bản Hiện Đại” được một sử gia Hoa Kỳ là ông Herbert P. Bix cho xuất bản vào năm 2000, đã gây ra một làn sóng ngạc nhiên, thích thú trong dư luận thế giới. Ông Herbert P.Bix là tiến sĩ Sử học và Ngôn ngữ Viễn Đông tại Đại học Harvard kiêm thạc sĩ tại Đại học Massachusetts, đồng thời còn là thành viên sáng lập ủy ban Học thuật Á châu. Trong vài thập niên trước, ông đã nghiên cứu và công bố nhiều bài nghiên cứu về lịch sử nước Nhật hiện đại trên các tạp chí tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, cũng như giảng dạy tại Khoa xã hội học thuộc Đại học Hitotsubashi, Tokyo.

Dựa vào hệ thống tư liệu đồ sộ chưa từng được công khai trước đó, năm 2000 ông công bố cuốn sách Nhật hoàng Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật Bản hiện đại. Tác phẩm này ngay lập tức đoạt giải thưởng của Hội phê bình sách quốc gia Hoa Kỳ, năm 2000; giành giải Pulitzer cho thể loại Nonfiction năm 2001.

Trong cuốn tiểu sử đồ sộ và chi tiết này, sử gia Bix đã mô tả về Thiên Hoàng Chiêu Hòa, trong đó nhấn mạnh vào các quan hệ mật thiết của ông với các cận thần, quan lại, nhóm tinh hoa chính trị của Nhật Bản cũng như những quan hệ chặt chẽ với tướng MacArthur. Đây là cuốn sách viết về giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển Nhật Bản. Cuốn sách đã vén lên bức màn bí ẩn về ảnh hưởng của vua Chiêu Hòa đối với Nhật Bản và thế giới, nhất là những quyết sách xây dựng quốc gia Nhật Bản hiện đại của vua Chiêu Hòa cũng được phân tích tỉ mỉ, rõ ràng.

(Còn tiếp)


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.