Khi số phận bị Mỹ định đoạt

Lữ Giang

tuongden“Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”, nghĩa một miếng uống, một miếng ăn đều đã được định trước. “Tiền định” thường được người Việt coi là ông Trời.

Nhiều nơi trên thế giới đã loan báo vào đầu tháng 11 năm nay sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vị quốc vong thân, trong khi đó cuộc chiến về chế độ Ngô Đình Diệm vẫn đang được tiếp tục hàng ngày trên các diễn đàn Internet, có khi rất gay cấn. Điều này chứng tỏ nhiều người Việt vẫn chưa biết những gì đã thật sự xảy ra trên đất nước mình từ 1954 đến nay. Mất nước là chuyện không đáng ngạc nhiên!

Tục ngữ Tàu và Việt Nam có câu: “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”, nghĩa một miếng uống, một miếng ăn đều đã được định trước. “Tiền định” thường được người Việt coi là ông Trời. Nhưng đối với số phận của hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH, “Tiền định” không phải là ông Trời, mà là anh hai Đồng Minh Hoa Kỳ!

Trước 30/04/1975 ít ai biết chuyện này và khi qua Mỹ rồi cũng khó biết được. Mãi đến năm 1986, khi Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ bắt đầu công bố các tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam được giải mã, một số người Việt mới bắt đầu biết Mỹ đã quyết định số phận của hai chế độ của VNCH như thế nào.

Nói theo sử liệu thì những người Việt bênh hay chống ông Diệm đều không thích vì nó không phù hợp với những điều họ muốn, họ tin tưởng hay họ gán cho. Nhưng Dalai Lama đã nói: “History is history. And my statement will not change past history”. Lịch sử là lịch sử. Và lời tuyên bố của tôi không thay đổi được lịch sử đã qua.

Căn cứ vào các sử liệu đã được tiết lộ, chúng ta thử tìm hiểu xem Hoa Kỳ đã xây dựng rồi phá sập chế độ Ngô Đình Diệm như thế nào để rút kinh nghiệm lịch sử. Viết bản “cáo trạng” về chế độ Ngô Đình Diệm hay bản “biện minh trạng” cho chế độ này là một hành động hoàn toàn vô nghĩa.

Chuyện ông Diệm về chấp chánh

Chuyện Ngô Đình Diệm về chấp chánh đã được Bảo Đại, người đưa ông Diệm về, nói rất rõ trong cuốn “Le Dragon d’Annam” [Paris, Plon, 1980] nhưng những phe chống Diệm đã bày đủ thứ chuyện, đến nỗi trong một cuốn sách nổi tiếng là “Vietnam,
A History”, sử gia Stanley Karnow đã phải nhấn mạnh:

“Nhưng trái với chuyện hoang đường cho rằng (Ngoại trưởng) Foster Dulles, Hồng Y Spellman và nhiều người Mỹ khác vận động đưa ông Diệm lên, Hoa Kỳ lúc ấy vẫn chưa chấp nhận Diệm. Quả thật các viên chức ngoại giao Mỹ tại Geneva đã từ chối khéo ông Luyện, em ông Diệm, khi ông thúc đẩy họ tiếp kiến ông Diệm. Trong khi đó chính phủ Pháp nhìn Diệm với sự thờ ơ.”
[Stanley Karnow, Vietnam a History, Penguin Book 1984, tr. 234]

[Đọc thêm: FRUS 1952-1954, Volume Xvi, The Geneva Conference, Document 594- DCVOnline](1)

Tuy không ủng hộ việc đưa ông Diệm về làm thủ tướng, nhưng ngày 07/07/1954 khi ông Diệm chính thức chấp chánh, Mỹ tương kế tựu kế ngay.

Hôm 20/08/1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã họp và đưa ra Nghị Quyết số NSC 5429/3 ấn định chính sách của Hoa Kỳ sau Hiệp Định Geneva, trong đó có 4 điểm sau đây được coi là rất quan trọng,

(1) Pháp phải trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam.
(2) Thành lập một chính phủ bản xứ mạnh (a strong indigenous government) để ổn định tình hình và chống cộng.
(3) Truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp (legally dethrone Bao Dai).
(4) Bầu cử quốc hội và soạn thảo hiến pháp (elect an assembly, draft a constitution).

Dựa vào nghị quyết này, chính phủ Hoa Kỳ đã đẩy chính phủ Ngô Đình Diệm từng bước đi theo đường lối của Mỹ đã vạch ra. Ông Diệm, ông Nhu và các tổ chức chính trị tại miền Nam lúc đó không hay biết gì cả. Các sử gia cũng không hay biết cho đến khi nghị quyết nói trên được giải mã. Một số đã viết mò!

[Đọc thêm FRUS 1952–1954, Volume Xiii, Part 2, Indochina (In Two Parts), Document 1214 – DCVOnline](2)

Chuyện Pháp phải trao trả độc lập cho Việt Nam không có gì khó khăn, vì Mỹ chỉ ngưng viện trợ cho Pháp là xong ngay. Việc truất phế Bảo Đại và việc thành lập một chính phủ mạnh đã gây ra nhiều tranh luận, nhưng Mỹ bắt cứ làm.

Đại tá Edward Lansdale, trưởng phái đoàn quân sự của CIA Sài Gòn, gặp Thủ tướng Ngô Đình Diệm sau khi CIA vào Việt Nam vào năm 1954 để giúp người Việt Nam thân phương Tây về tâm lý chiến. (Nguồn: bộ sưu tập ảnh của Douglas Pike, Cơ quan lưu trữ Việt Nam, Đại học Texas Tech.)
Đại tá Edward Lansdale, trưởng phái đoàn quân sự của CIA Sài Gòn, gặp Thủ tướng Ngô Đình Diệm sau khi CIA vào Việt Nam vào năm 1954 để giúp người Việt Nam thân phương Tây về tâm lý chiến. (Nguồn: bộ sưu tập ảnh của Douglas Pike, Cơ quan lưu trữ Việt Nam, Đại học Texas Tech.)

Trước đó, ngay sau khi Điện Biên Phủ bị thất thủ ngày 7.5.1954, Washington đã cho thành lập Phái Bộ Quân Sự Saigon (Saigon Military Mission) do Đại Tá Không Quân Edward Lansdale cầm đầu. Bên ngoài ông chỉ là tùy viên không quân (assistant air attaché), nhưng nhiệm vụ chính của Lansdale là giúp chính quyền miền Nam ổn định tình hình. Khi ông Diệm về nước, ông trở thành cố vấn chính trị cho chính phủ Ngô Đình Diện và làm việc trực tiếp với ông Ngô Đình Nhu. Phải nói rằng ông Diệm đã vãn hồi được trật tự tại miền Nam lúc đó phần lớn là nhờ sự giúp đỡ của Đại Tá Lansdale.

Truất phế Bảo Đại hai lần

Khi Bình Xuyên nổi loạn vì bị tước bỏ nhiều quyền lợi, Pháp bảo vệ Bình Xuyên còn Bảo Đại vì được Bình Xuyên cấp dưỡng, muốn cử Bảy Viễn làm thủ tướng thay thế ông Diệm, ngày 29.4.1955, khi tiếng súng đang nổ ở khu Trường Petrus Ký, đường Trần Hưng Đạo, khu Bàn Cờ, Cầu Ông Lãnh…, đại diện 18 đảng phái, giáo phái, đoàn thể và 29 nhân sĩ đã họp tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc Lập, ra quyết định truất phế Bảo Đại và dẹp loạn Bình Xuyên để duy trì an ninh trật tự.

Đại diện các đoàn thể đã ra trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn, hạ hình Bảo Đại xuống và tuyên đọc quyết định truất phế Bảo Đại. Nhưng Mỹ không chấp nhận quyết định này vì Nghị Quyết của HĐANQG Hoa Kỳ đòi phải truất phế một cách hợp pháp (legally dethrone Bao Dai). Ông Ngô Đình Nhu phải triệu tập Hội Nghị Đại Biểu Các Hội Đồng Tỉnh, Thành Phố và Thị Xã ngày 6/05/1955 tại Dinh Độc Lập và ra quyết nghị ủy quyền cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại. Cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức ngày 23/10/1955 với kết quả Bảo Đại bị truất phế và ông Ngô Đình Diệm được bầu làm quốc trưởng.

Việc truất phế Bảo Đại lần thứ hai theo yêu cầu của Mỹ đã đưa đến sự phản kháng mạnh mẽ của một số đại diện của các đoàn thể, nhất là các ông Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Hoàng Cơ Thụy, v.v. Họ tuyên bố không hợp tác với ông Diện nữa.

Dầu sao chuyện truất phế Bảo Đại cũng không gay cấn bằng việc thiết lập một chế độ mạnh theo phương thức Mỹ đưa ra.

Thành lập chế độc độc đảng

Qua kinh nghiệp của VNCH và các biến cố xảy ra ở Trung Đông trong những năm gần đây, chúng ta thấy Hoa Kỳ luôn muốn hình thành những chính phủ mạnh ở những nơi có quyền lợi của họ. Họ yểm trợ một chế độ độc đảng để ổn định tình hình với điều kiện phải trung thành với họ. Khi một chính phủ không còn đi theo đường lối của Mỹ, Mỹ sẽ đưa cao ngọn cờ dân chủ và nhân quyền để kích động bạo loạn rồi lật đổ và thay thế bằng một chính quyền tay sai của họ. Trường hợp của VNCH và Ai Cập là những thí dụ điển hình.

1. Khi Mỹ muốn thổi lên

Tướng Edward Lansdale nói rằng Đảng Cần Lao không phải là ý kiến của nhà Ngô, “trước tiên nó được đề xướng bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ” để loại bỏ cộng sản ra khỏi đất nước (the CLP was not their idea; it “was originally promoted by the U.S. State Department” to rid the country of communists).

[United States-Vietnam Relations, 1945 – 1967, Book 11, tr. 1 – 12]

Tướng Lansdale đã tranh luận với ông Reinhardt, Đại Sứ Hoa Kỳ tại VNCH (1955 – 1957) về Đảng Cần Lao. Ông cho biết khi ông trình bày, mặt ông Đại Sứ có vẻ lạnh lùng. Sau khi ngập ngừng, ông đã nhỏ nhẹ nói rằng một quyết định về chính sách của Hoa Kỳ đã được được định đoạt rồi (a U.S. policy decision had been made). Người Mỹ chúng ta phải giúp đỡ những gì chúng ta có thể giúp được vào việc xây dựng một đảng quốc gia mạnh để ủng hộ ông Diệm. Vì ông Diệm nay là Tổng Thống được bầu, ông ấy cần có một đảng riêng của ông.”

Đại Tá Lansdale xin trở về Washington gặp Ngoại Trưởng Foster Dulles và người em là ông Allen Dulles, Giám Đốc CIA, vì hai người này có tiếng nói quyết định về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Nhưng không ai chịu nghe ông. Họ khuyên ông đừng dính dáng gì vào vấn đề đảng phái chính trị ở Việt Nam nữa. Ông coi đây là một thất bại khá thê thảm. (It was a moment of break frustration for me).

[Edward G. Lansdale, In the Midst of Wars, Fordham University Press, New York, 1991, tr.341 – 344]

Để làm tăng uy tín cho ông Diệm trên chính trường quốc tế cũng như quốc nội, Tổng Thống Dwight D. Eisenhower đã mời ông Diệm sang thăm nước Mỹ. Ngày 6.5.1957, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã sang thăm Hoa Kỳ hai tuần lễ và được đón tiếp rất long trọng. Ông Diệm cứ tưởng bở!

2. Khi Mỹ muốn hạ xuống

Sau 5 năm yên ổn, kể từ năm 1959, Mỹ bắt đầu tỏ ý định muốn can thiệp trực tiếp vào miền Nam. Để thực hiện chủ trương này, Mỹ cần phải loại bỏ chế độ Ngô Đình Diệm

Trước hết, Đại Sứ Elbridge Durbrow gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ một báo cáo nói rằng tổ chức Cần Lao đã gần như theo mô thức của một đảng Cộng Sản, với các chi bộ, cán bộ, v.v., và cũng có thể so sánh với Quốc Dân Đảng của Trung Hoa (Can Lao organization is based largely on the model of a Communist party, with cells, cadres, etc., and is also conparable to the Kuomintang).

[FRUS, 1958 – 1960, Vol. I, document 56, tr. 146]

Sau đó, Đại Sứ Durbrow đã gởi về một bản báo cáo khác đòi loại bỏ ông Ngô Đình Nhu, công khai tuyên bố giải tán Đảng Cần Lao, thực hiện tự do báo chí, v.v.

[FRUS, 1958 – 1960, Vol. I, tr. 575 – 579]

Người chống việc tổ chức đảng Cần Lao là Tướng Tướng Lansdale, nhưng người phản đối các đề nghị của Đại Sứ Durbrow cũng là ông ta. Ông gởi cho ông O’Donnell, Giám Đốc Vùng Viễn Đông một văn thư nói rằng việc loại bỏ Ngô Đình Nhu không khác gì cắt “cánh tay phải” của ông Diệm và ông hỏi: “Lấy cái gì để thay thế?” (What is proposed as a substitute?).

Về tự do báo chí ông nói phải thừa nhận rằng Việt Nam đang ở trong tình trạng khẩn cấp, đừng để báo chí tạo sự giúp đỡ hay thuận lợi cho kẻ thù hơn khi Hoa Kỳ ở trong tình trạng khẩn cấp trong Thế Chiến Thứ Hai. Ông kết luận rằng những đề nghị của Đại Sứ Durbrow đã tạo thành một cách tồi tệ một bước tiến nghiêm trọng đối với trách nhiệm đỡ đầu của Hoa Kỳ.

[FRUS, 1958 – 1960, Vol. I, tr. 579 – 585]

Mặc cho những khuyến cáo của Tướng Lansdale, Đại Sứ Durbrow cũng đòi xây dựng “xã hội dân sự”, thực hiện dân chủ để thắng cộng sản. Nhiều tổ chức đối lập xuất hiện như Đảng Dân Chủ Tự Do của Bác Sĩ Phan Quang Đán, Khối Liên Minh Dân Chủ của Luật sư Hoàng Cơ Thụy, Mặt Trận Quốc Gia Đoàn Kết của Nguyễn Tường Tam và Phan Khắc Sửu, Khối Tự Do Tiến Bộ hay nhóm Caravelle, v.v.

Quyết định can thiệp trực tiếp vào Việt Nam

Ngày 05/05/1961, Tổng Thống Kennedy tuyên bố rằng tình hình miền Nam Việt Nam đang nguy ngập và nếu cần, ông “sẽ cứu xét việc đưa quân đội Hoa Kỳ đến Việt Nam để chống lại các cuộc tấn công của Cộng Sản.”

Ngày 09/05/1961, một phái đoàn do Phó Tổng Thống Johnson cầm đầu đã đến miền Nam Việt Nam trong 4 ngày để quan sát tại chỗ và hội đàm với chính phủ Ngô Đình Diệm về việc cho đưa quân đội Mỹ vào Việt Nam. Phó Tổng Thống Johnson vừa rời Việt Nam vào ngày 13.5.1961 thì ngày 15.5.1961 Tổng Thống Diệm đã gởi ngay cho Tổng Thống Kennedy một văn thư nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa hai bên và nói:

“Chúng tôi sẵn sàng hy sinh xương máu và nhân lực để cứu vãn xứ sở chúng tôi, và tôi biết rằng chúng tôi có thể trông cậy vào sự yểm trợ vật chất của quý đại quốc, một sự yểm trợ vô cùng thiết yếu để đạt được thắng lợi cuối cùng.”

Để thực hiện chủ trương của mình, Hoa Kỳ quyết định lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Một kế hoạch đảo chánh đã được soạn thảo rất kỹ lưỡng. Vì các nhón đối lập không làm nên cơm cháo gì, CIA phải đưa điệp viên William Kohlmann ở Anh có quen biết trước với Trần Quang Thuận đến Việt Nam phối hợp với Thích Đức Nghiệp để thực hiện một biến cố Phật Giáo gây chấn động thế giới, sau đó ra lệnh đảo chánh.

Những hậu quả bi thảm

Quyết định của Hoa Kỳ đã đưa đến hai kết quả bi thảm rất quan trọng.

Bi thảm thứ nhất là việc xử dụng tôn giáo để tạo một biến cố chính trị đã gây ra những hậu quả lâu dài mà miền Nam Việt Nam phải gánh chịu cho đến khi mất nước và còn kéo dài cho đến ngày nay. Thế nhưng trong vụ lật đổ Tổng Thống Mubarak mới đây ở Ai Cập, Hoa Kỳ lại tiếp tục xử dụng thủ đoạn đó bất chấp những hậu quả, đưa Ai Cập vào những ngày đen tối.

Không rút được kinh nghiện lịch sử, nhóm Giao Điểm đang cố gắng thúc đẩy Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải đi vào con đường mà Giáo Hội Ấn Quang đã đi qua. Làm công cụ cho Mỹ hay cho Cộng Sản đều bi thảm gióng nhau!

Bi thảm thứ hai là người Mỹ đã xử dụng những kẻ bất tài và tham nhũng thay ông Diệm để làm tay sai cho họ đưa tới mất miền Nam Việt Nam. Tổng Thống Johnson đã gọi những người đó là “một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” (a goddamn bunch of thugs).

Nếu phải viết một lời từ biệt chính phủ Hoa Kỳ, ông Diệm và ông Nhu cũng sẽ viết như lời từ biệt của Thủ Tướng Sisowath Sirik Matak gởi cho ông John Gunther Dean, Đại Sứ Hoa Kỳ ở Cambodia, khi Mỹ tháo chạy khỏi Phnom Penh ngày 12/04/1975:

“[…]You leave us and it is my wish that you and your country will find happiness under the sky.
But mark it well that, if I shall die here on the spot and in my country that I love, it is too bad because we are all born and must die one day. I have only committed the mistake of believing in you, the Americans.”

[Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Sisowath_Sirik_Matak#cite_ref-1 trích lại từ http://goo.gl/BwpWie  – DCVOnline]

“Ông ra đi và tôi xin chúc ông và đất nước ông tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng xin ông nhớ kỹ rằng nếu tôi có chết tại chỗ này trên quê hương mà tôi yêu mến, thì đó là rất bất hạnh, bởi vì tất cả chúng ta được sinh ra và phải chết một ngày nào đó. Tôi đã phạm sai lầm này là tin tưởng vào các ông, những người Mỹ.”

Ngày 24/10/2013


Bài do tác giả gởi. DCVOnline, biên tập, chú thích, và minh hoạ.

(1) “He said that it was his impression there was no love lost between Bao Dai and Ngo Dinh Diem and that in the past when Bao Dai had spoken of the possibility of giving Ngo Dinh Diem the post of Prime Minister, it had been with the idea of breaking Ngo Dinh Diem’s back (“pour lui casser les reins”).” [Trích Memorandum of Conversation, by the Adviser to the United States Delegation (Bonsal), Geneva, May 22, 1954. – FRUS 1952-1954, Volume Xvi, The Geneva Conference, Document 594]
(2) “DeJean saw Bao Dai yesterday morning and stated he had received instructions from Washington to inform him (Bao Dai) that it was the desire of the Fr and US Govts that he (Bao Dai) call upon Hinh and Binh Xuyen to cooperate with DiemGovt.

Bao Dai replied in substance 1) that Franco-American démarche contrary principle Vietnamese independence; 2) that it impossible bring about or insure Diem–Hinhcooperation; and 3) that maintenance Diem in power only furthers Vietminh cause since Diem will never be able form effective Vietnamese Govt. Bao Dai concluded saying he would like discuss démarche with his advisers including Buu Loc.”

[Trích Telegram, “The chargé in France (Achilles) to the Department of State”, Paris, September 28, 1954—2 p. m. – FRUS 1952–1954, Volume Xiii, Part 2, Indochina (In Two Parts), Document 1214]

3 Comments on “Khi số phận bị Mỹ định đoạt

  1. Yes, it is sad but true. Between two evils, we usually like to choose an evil which is relatively better than the other.

  2. It’s easy to be bitter and cynical about American policies in VN, but the first question needs to be asked is:

    1. Was American support in establishing the first VN Republic regime with Diem in 1954 an evil choice? Was the Diem government simply a puppeteer or was there enough support for an anti-Communism coalition to justify his government? How would the dethrone of Bao Dai – who is completely ineffective as a leader – be done any differently but as legally as possible – that is, based on gathering support from the populace rather than from just a group of elites, according to the democratic principle?

    And as of the demise of the Ngo regime, the question that also needs to be answered is:

    2. Why did the US came to the policy of removing Diem? I hardly hear from any critics of the American – including the author in this article – on the reasons leading to their decision that would satisfy logically. I hardly think American as capricious imperialists making their decisions willy nilly despite my negative views of their policies. Frequent arguments brought up were that ‘the US wanted to expand the war in VN’ or ‘the US was just another colonial power’ (as claimed by VC) or simply that ‘Diem was a dictator’ are just stupid or very shallow if anyone learned how US dealt with various governments they propped up of the same period.

    Assessment of the Ngo regime and US policies of this period are otherwise incomplete and unconstructive if these questions aren’t answered satisfactorily. The author obviously didn’t learn either and has done nothing but simply stoking anti-American sentiments, mistrusts in government which many already have plenty of.

    I hardly love the outcomes of what have happened, but for sure, if there weren’t any effective resistance to the Communist starting in 54, South VN would have been ran over by the North a few years after ’54 (early 60s at the latest)!

  3. Trích: “Đại Sứ Elbridge Durbrow gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ một báo cáo nói rằng tổ chức Cần Lao đã gần như theo mô thức của một đảng Cộng Sản, với các chi bộ, cán bộ, v.v., và cũng có thể so sánh với Quốc Dân Đảng của
    Trung Hoa”

    Điều nhận xét rằng đảng Cần Lao có cơ cấu tổ chức giống như Quốc Dân Đảng thời Tưởng Giới Thạch hay đảng Cộng Sản là chính xác .

    Nhưng bảo rằng đó là do ý kiến của Mỹ mà anh em ông Diệm lập đảng Cần Lao thì sai. Trong cuốn Bên Giòng Lịch Sử, linh mục Cao Văn Luận có nói lúc anh em ông Diệm chưa cầm quyền, còn ở Hà Tĩnh đã có phác ra tư tưởng “Quốc Gia Xã Hội” và phổ biến với thanh niên cùng quê. Khi ông Diệm đã cầm quyền, ông Nhu cũng nói chuyện về tư tưởng “Quốc Gia Xã Hội” với những người làm việc với ông ta.

    Tư tưởng Quốc Gia Xã Hội là tư tưởng “Quốc Xã”, có nghĩa là anh em ông Diệm có ý định thành lập chế độ độc tài toàn trị giống như chế độ Đức Quốc Xã để kiểm soát quần chúng, không cho CS có dịp lợi dụng quần chúng mà khuấy động . Nhưng chỉ là bắt chước về cơ cấu tổ chức chứ không cóp py tư tưởng phân biệt chủng tộc của Đức Quốc Xã. Tưởng Giới Thạch cũng có ý định tổ chức theo cách thức này.

    Đó là vì các chính trị gia khác nhìn sang châu Âu thấy chế độ của Hitler thành công trong việc ngăn chận Cộng Sản hoạt động. Trong việc tranh đoạt quyền lực với Cộng Sản, những người làm chính trị thấy Cộng Sản dùng nhiều cách khác nhau để kích động các thành phần khác nhau trong xã hội gây rối phục vụ cho mục tiêu của Cộng Sản thì phản ứng tự nhiên sẽ là thành lập tổ chức có khả năng kiểm soát quần chúng, không cho Cộng Sản lợi dụng quần chúng nữa. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ thì ông Nguyễn Cao Kỳ cũng tuyên bố là miền Nam cần có người như Hitler. Điều này làm cho báo chí Tây Phương chê ông Kỳ . Nhưng ông Kỳ không phải là người duy nhất có ý nghĩ như vậy vào thời đó. Đó là phản ứng phát sinh từ chiến thuật kích động quần chúng của CS chứ không phải do người Mỹ nghĩ ra và xúi dục.

    Tại Tây Ban Nha, tướng Franco cũng lãnh đạo đảng Falange có cơ cấu của đảng phát xít. Đó là phản ứng đối phó với chiến thuật kích động quần chúng của CS. Mỹ đã ủng hộ tướng Franco nhưng tìm cách giảm ảnh hưởng của đảng Falange. Tại Tây Ban Nha, Mỹ muốn có chính quyền mạnh nhưng không muốn có chế độ độc tài đảng trị.

    Thái độ của Mỹ đối với đảng Cần Lao của anh em ông Diệm hay Quốc Dân Đảng cũng giống như với đảng Falange. Nếu ông Landsdale đồng ý với việc lập đảng Cần Lao thì đó là sự tương đồng về tư tưởng giữa ông ta và anh em ông Diệm chứ ông Landsdale không phải là kẻ đưa ra tư tưởng đó cho anh em ông Diệm. Và Mỹ không tán đồng cách làm việccủa ông Landsdale thì cũng là đường lối chung của Mỹ, giống như tại Tây Ban Nha cũng thế .