Lễ hội Nhật Bản (1/2)

Khôi Nguyên, HVR

UenoHòa lẫn với muôn màu sắc, các lễ hội truyền thống Nhật Bản cũng được khởi nguồn theo thời điểm từng giai đoạn chuyển mùa.

Phù tang ký sự: Lễ hội Nhật Bản

Bên cạnh đặc điểm của một đảo quốc có 4 mùa rõ nét cùng những phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp nổi tiếng thế giới, nước Nhật còn luôn được tô điểm bằng đủ màu sắc nổi bật trong suốt một năm trải dài theo thời tiết từng mùa với hoa Anh Đào tỏa màu hồng nhạt nở rộ trên toàn quốc trong những tia nắng Xuân ấm áp, và màu xanh của lá cây là hình ảnh tiêu biểu cho mùa Hè oi bức, kế đến khi những làn gió Thu tươi mát kéo về thì đồi núi phủ kín một màu đỏ rực của loại lá Hồng Diệp Momiji và mùa Đông phủ tuyết trắng xoá.

Hòa lẫn với muôn màu sắc, các lễ hội truyền thống Nhật Bản cũng được khởi nguồn theo thời điểm từng giai đoạn chuyển mùa. Từ sau đời vua Minh Trị Thiên Hoàng, tất cả các lễ hội này đều tính theo dương lịch với nội dung tạ ơn Thần Phật và các bậc tiền nhân có công lao cống hiến cho xã hội cũng như cầu nguyện cho sức khỏe an khang, công việc thuận lợi, gia đình yên ấm.

Khởi đầu là lễ Mừng Năm Mới Shogatsu với ý nghĩa tương tự như ngày Tết truyền thống của Việt Nam và Trung Hoa nhưng do sử dụng dương lịch nên không bị nhầm lẫn với tết âm lịch của người Tàu. Vì vậy, tuy người Nhật đón năm mới vào dịp Tết Dương Lịch nhưng ngày Tết của họ vẫn mang đậm nét văn hóa Á Đông riêng biệt của xứ Phù Tang. Bắt đầu từ 27/12 người Nhật Bản đã chuẩn bị đón Tết với nhiều công việc bận rộn như dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và nhất là nấu nướng những món ăn đặc biệt dành cho ngày Tết gọi là Osechi Ryori, được diễn dịch là món ăn Ngự Tiết

Kado Matsu. Nguồn: http://fani73.com
Kado Matsu. Nguồn: http://fani73.com

Trong suốt tháng Giêng, người Nhật đặt trước nhà một cái chậu bằng gỗ hoặc bằng nhựa trong đó có dựng 3 cây tre thân to được cắt ngắn đưa đầu nhọn hướng lên trên và những cành thông nhỏ cắm chung quanh gọi là Kado Matsu (Môn Tùng) là cổng chào để tiếp đón khách đến nhà chúc mừng năm mới. Ngoài ra, còn những sợi rơm bện cùng với những giải băng giấy ngũ sắc được quấn quanh 3 cây tre trong hàm ý tạo sự gắn bó, kết thân, hòa đồng với mọi người. Trong một tuần lễ tính từ ngày đầu năm là thời gian người Nhật đi thăm viếng người thân, bạn bè và đây cũng là dịp để họ cùng thưởng thức các món ăn Ngự Tiết Osechi Ryori truyền thống rất đa dạng, phong phú và đặc biệt là đầy màu sắc được đựng trong một chiếc hộp sơn mài gọi là Jubako rất trang nhã. Mỗi món ăn và các thành phần trong Osechi Ryori đềy có ý nghĩa riêng tượng trưng cho lời cầu nguyện về sức khoẻ, công việc và những điều may mắn tốt lành.

Người Nhật ăn Osechi Ryori trong suốt kỳ nghỉ của năm mới từ khoảng ngày 28 cuối năm đến mồng 5 đầu năm mới. Theo truyền thống, họ nấu nhiều món ăn Ngự Tiết này để dùng trong dịp Tết nên thức ăn được cất giữ trong tủ lạnh. Ngày nay, người Nhật còn có thể mua các món ăn Ngự Tiết được làm tại các siêu thị thực phẩm thay vì phải nấu nướng ở nhà.

Ngày Mùng 2 tết là lúc khai trương những nếp sinh hoạt thường nhật của năm mới. Mọi thứ vào ngày hôm đó đều diễn ra lần đầu: quét dọn, vui chơi và giấc ngủ đầu tiên trong năm mới được gọi là Hatsuyume (Sơ Mộng) vốn xuất phát từ tập quán xưa kia là trước khi ngủ, người Nhật thường đặt dưới gối bức vẽ những chiếc thuyền chở đầy vàng bạc, châu báu để cầu mong nó sẽ đem lại may mắn cho năm mới.

Vào ngày mùng 7, người Nhật cùng gia đình quây quần bên mâm cháo nấu bằng 7 thứ rau theo phong tục tẩy trừ ma quỷ và những điều xui xẻo. Tuy hiện nay, việc đón mừng năm mới của người Nhật không còn cầu kỳ, trang trọng như trước khi một số nghi thức được lược bỏ qua nhất là ở các đô thị lớn, nhưng vẫn còn khá nhiều phong tục được duy trì như đi chùa cầu an, hái lộc, khai bút đầu xuân, gửi thiệp Tết, trao tặng tiền lì xì gọi là Otoshidama cho các em thanh thiếu niên, và đặc sắc nhất vẫn là tập quán mặc bộ kimono truyền thống có quấn khăn choàng bằng lông màu trắng rất xinh xắn của phụ nữ Nhật Bản.

Kế đến là Lễ hội Hina Matsuri, tức ngày lễ Búp Bê dành cho các thiếu nữ.

Hina Matsuri. Nguồn: ichinen-fourseasonsinjapan.blogspot.com
Hina Matsuri. Nguồn: ichinen-fourseasonsinjapan.blogspot.com

Tùy theo từng địa phương, lễ hội Hina Matsuri diễn ra khác nhau theo ngày tháng từ giữa tháng Hai đến đầu tháng Ba, nhưng riêng tại thủ đô Tokyo và cố đô Kyoto thì ngày 3/3 được chọn là ngày Tết dành cho các bé gái tức Hina Matsuri hau còn gọi là “Tết ngẫu nhân” với chữ ngẫu mang ý nghĩa là những pho tượng hình người. Theo phong tục của Nhật Bản, ngày Tết Ngẫu Nhân này là dịp cầu chúc cho hạnh phúc sẽ đến với các thiếu nữ trong tương lai. Vào ngày này, những gia đình có các em bé gái sẽ thực hiện một số nghi lễ phong tục như đến đền Thần cúng bái cầu nguyện và mua về cho con mình những bộ búp bê thật đẹp. Thông Thường một bộ có đến 10 búp bê trong đó 2 con búp bê Thiên Hoàng và Hoàng Hậu được chưng bày trên kệ ở hàng cao nhất hoặc để trong lồng kính. Búp bê thường được bày cùng với những đồ đạc và thức ăn, đồ chơi được chế tạo công phu, trang nhã và tinh xảo. Kèm theo đó là những loại bánh kẹo đặc biệt cùng với loại rượu sake nồng độ rất nhẹ được mang ra để cả gia đình thưởng thức. Và các cô bé gái sẽ đóng vai chủ nhà tiếp đãi các cậu bạn trai cùng bạn bè đến chơi để chiêm ngưỡng những con búp bê xinh đẹp. Tóm lại, Lễ Hội Hina Matsuri là ngày dành riêng cho các bé gái, trong khi những bé trai cũng có một ngày hội tưng bừng khác là ngày mồng 5/5 gọi là ngày trẻ em Kodomo No Hi với phong tục treo cờ hình hình con cá chép tượng trưng cho các bé trai.

Khoảng từ giữa tháng Ba đến tháng Tư là mùa hoa anh đào nở rộ, và Nhật Bản đã chọn khoảng thời gian từ 15/3 đến 15/4 là dịp “Tết anh đào” thường được gọi là lễ Hội Ngắm Hoa Anh Đào thu hút rất nhiều du khách ngoại quốc đến thưởng thức nên đây là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất của xứ Phù Tang vốn diễn ra trong thời điển mùa Xuân ấm áp, cây cỏ xanh tươi. Vào đầu tháng Tư hàng năm, tại Tokyo còn tổ chức buổi lễ hội ngắm hoa Anh Đào do Thủ Tướng Nhật chủ tọa để thiết đãi các quý khách quốc tế và những nhân vật có địa vị cao trong xã hội.

Nói cách khác, đây chính là dịp quan trọng để người Nhật chuẩn bị tổ chức những buổi du ngoạn, vui chơi ngoài trời với thú tiêu khiển “ngắm hoa” mang tính cách truyền thống đặc biệt, được gọi theo Nhật ngữ là Hanami với chữ Hana là “Hoa” và Mi là cách đọc tắt của động từ “Miru” có ý nghĩa là nhìn, xem.

Hanami. Nguồn: tokyotimes.org
Hanami. Nguồn: tokyotimes.org

Do đó, chúng ta cũng không thể không đề cập đến tập tục ngắm hoa của người Nhật với đặc tính của loại hoa Anh Đào vốn được xem là quốc hoa của xứ Phù Tang, có tên gọi Sakura và đã trở thành một biểu tượng gắn liền với Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ 9.

Theo những câu chuyện huyền thoại Nhật Bản được ghi trong quyển “Cổ Sự Ký” (Kojiki), có truyền thuyết cho rằng Sakura là cách đọc biến âm của chữ “Sakuya”, lấy từ tên của nữ thần Konohana Sakuya. Truyền thuyết cho rằng nữ thần Sakuya chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ nên được xem là nữ thần Sakura.

Tuy có thân cây sần sùi màu xám tro trông rất bình thường, nhưng khi đến thời kỳ khai hoa nở nhụy, Sakura lại trổ hoa tràn ngập khắp các nhánh cây và tỏa sức quyến rũ lạ lùng khi đồng loạt che rợp cả một vùng không gian rộng lớn trải dài theo những hàng cây anh đào được trồng dọc ven các bờ sông, trong công viên, đền thần hay chung quanh những di tích thành quách còn lưu lại từ thời xa xưa ở Nhật Bản.

Mặt khác, với hình dáng của loại hoa 5 cánh, Sakura có 3 màu sắc chính yếu gồm trắng, hồng nhạt và đỏ tươi tùy theo các giống hoa anh đào. Tính từ lúc nở rộ cho đến khi tàn phai rồi bay phất phơ trong làn gió Xuân, Sakura chỉ xuất hiện cho người đời chiêm ngưỡng trong khoảng thời gian ngắn ngủi, vỏn vẹn chưa đầy hai tuần lễ. Thế nhưng, hình ảnh mong manh, mềm mại ấy lại là nguồn cảm hứng dạt dào cho biết bao kiệt tác văn chương, nghệ thuật và còn đi sâu vào đời sống nội tâm của người Nhật khi trở thành một nét văn hóa tiêu biểu của xứ sở Mặt Trời qua thú tiêu khiển ngắm hoa “Hanami”.

Vào lúc hoa nở rộ từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư, người Nhật tụ họp cùng gia đình, thân hữu, hàn huyên trò chuyện, ăn uống, ca hát ngay dưới gốc những cội anh đào, trong bầu không khí mang ý nghĩa lễ hội vui nhộn tưng bừng của ngày đầu Xuân. Hơn nữa, tháng Tư hàng năm tại Nhật Bản cũng là dấu mốc khởi đầu cho một niên khóa mới trong toàn bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục nên người thưởng ngoạn ngắm hoa càng có nhiều đề tài trao đổi. Theo cách nhìn của người ngoại quốc, lễ hội ngắm hoa còn là một trong những cơ hội hiếm hoi giúp người Nhật có tạm thời quên đi cá tính khép kín của họ để hòa mình vào nét đẹp thanh khiết được tô điểm bằng những đường cọ “thiên nhiên” với một rừng hoa đầy màu sắc trắng, hồng được vẽ trên nền trời xanh trong, bên cạnh mùi hương anh đào thoáng vương nhẹ đâu đó như một cô thiếu nữ e ấp thẹn thùng.

Thông thường, các buổi ngắm hoa ở Nhật kéo dài từ trưa đến tối khuya gọi là Yozakura, tức “Dạ Anh”, nên có rất nhiều địa điểm được thiết trí đèn lồng hoặc hệ thống ánh sáng đủ màu sắc rực rỡ càng khiến bầu không khí thanh bình an lạc tăng thêm phần tưng bừng vui nhộn. Ngoài các món ẩm thực truyền thống như cá sống, thịt nướng, rượu sake, thú vui ngắm hoa cũng không thể nào thiếu vắng phần âm thanh ca nhạc từ máy hát karaoke với những ca khúc đậm đà âm hưởng dân ca của loại nhạc Diễn Ca (Enka) vốn rất được giới thí trức và trung niên Nhật Bản yêu chuộng.

Ngoài giới trẻ nam thanh nữ tú từng cặp dìu nhau đi giữa các hàng cây anh đào hoặc tổ chức cắm trại ở đêm tại các địa điểm ngắm hoa, giới trung niên và cao niên Nhật Bản còn có sở thích uống rượu sake xem hoa với niềm tin rằng nếu có một cánh hoa nào đó rơi vào cốc rượu của họ thì sẽ mang lại điềm lành nhiều may mắn.

Nhìn vào bức tranh vừa sống động vừa bi tráng của những “trận mưa Sakura” đưa cánh hoa anh đào bay lượn trong gió, có lẽ không một ai có thể dằn được cảm xúc trước “kiếp hoa” sớm nở tối tàn, tựa như đời người vụt thoáng qua một kiếp nhân sinh phù du, hư ảo. Chính vì vậy, từ thời xưa, giới võ sĩ Samurai rất yêu thích Sakura với câu châm ngôn “sống và chết như loài hoa anh đào” mang hàm ý rằng dù đời người ngắn ngủi nhưng phải sống một cách xứng đáng và có ích cho xã hội.

Theo sử liệu, tập tục ngắm hoa của Nhật Bản xuất phát từ hình thức giải trí dành cho tầng lớp vua chúa, quý tộc trong thời đại Nara (từ năm 710 đến năm 794). Thế nhưng, đương thời họ chỉ có thú thưởng ngoạn loại hoa mơ mà tiếng Nhật gọi là “Ume” vốn có nguồn giống từ Trung Hoa. Sau đó, đến thời đại Heian (từ năm 794 đến năm 1185) thì giới quý tộc mới chuyển sang trào lưu yêu thích hoa anh đào. Sự chuyển hướng này còn được thể hiện rất rõ nét trong những tác phẩm thi ca thời trung cổ Nhật Bản. Điển hình là trong số hơn 4500 bài thơ của 20 quyển “Vạn Diệp Tập” (Manyo Shu) là tập sách thi ca vĩ đại và cổ xưa của Nhật Bản được biên tập từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8, chỉ có khoảng 40 bài nói về Sakura trong khi hoa mơ lại trở thành chủ đề của hơn 100 bài thơ. Nhưng trong quyển “Cổ Kim Hòa Ca Tập” (Kokin Waka Shu) ra đời vào thời đại Heian sau đó thì Sakura đã chinh phục giới văn nhân thi sĩ với số lượng tác phẩm thi ca gia tăng rất nhiều rồi được truyền tụng rộng khắp trong dân gian. Từ đó, người Nhật có khuynh hướng chỉ sử dụng vắn tắt danh từ “hana” là hoa để ám chỉ hoa anh đào.

Mặt khác, trong quyển “Nhật Bản Hậu Ký” (Nihon Koki) cũng ghi lại việc vua Tha Nga Thiên Hoàng ra chiếu mở yến tiệc ngắm hoa tại vườn ngự uyển Thần Tuyền tại một ngôi tự viện ở Kyoto vào năm 812. Đây được coi là sự kiện khởi nguồn cho tập tục “uống rượu ngắm hoa anh đào” ở Nhật Bản. Tuy nhiên, từ năm 831 trở đi các vị Thiên Hoàng lại chuyển địa điểm ngắm hoa vào vườn Thượng Uyển trong cung đình. Sau đó, từ đầu thế kỷ 11, hầu như các tác phẩm tiểu thuyết viết về giai cấp vua chúa, quan lại trong thời kỳ phong kiến đều có đề cập đến những buổi yến tiệc ngắm hoa được gọi tắt là “Hoa Yến”.

Ngoài ra, theo quyển tùy bút “ Đồ Nhiên Thảo’’ ghi chép những mẫu chuyện dân gian của tác giả Yoshida Kenko (Cát Điền Kiêm Hảo) vào giữa thế kỷ 14, thì thú tiêu khiển uống rượu ngắm hoa anh đào cũng trở thành một trào lưu thịnh hành trong giới võ sĩ tại các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Riêng về tác giả Yoshida Kenko vốn là quan nhân triều đình nhưng sau đó ông chán cảnh hồng trần nên xin về hưu và xuất gia thành một Tì Khưu, tức Khất Sĩ của Phật Giáo. Ngoài văn tài về thể loại tùy bút, ông còn là một thi nhân nổi tiếng lúc đương thời với nhiều bài văn thơ vẫn còn được trích giảng trong môn Quốc Ngữ của bậc Trung Học Nhật Bản hiện nay.

Đến thời đại Azuchi Momoyama (từ năm1568 đến năm1603), hay còn gọi là thời kỳ Trung Ương Tập Quyền do hai võ tướng Oda Nobugawa và Toyotomi Hideyoshi thay nhau nắm giữ quyền hành tuyệt đối, hàng loạt tác phẩm hội họa vẽ cảnh uống rượu ngắm hoa anh đào lần lượt ra đời. Cũng trong thời kỳ này, một buổi yến tiệc ngắm hoa anh đào linh đình nhất được ghi lại trong lịch sử Nhật Bản là buổi thưởng ngoạn Sakura do võ tướng Toyotomi Hideyoshi thiết đãi hơn 1300 quan khách gồm toàn những cận thần dưới trướng tại ngôi chùa Thể Hồ Tự (Daigoji) ở kinh đô Kyoto.
Bước sang thế kỷ thứ 17, tập quán ngắm hoa anh đào bắt đầu lan rộng đầu trong mọi tầng lớp dân chúng qua việc võ tướng Tokugawa Yoshimune cho trồng cây Sakura khắp nơi tại thành Edo và ra bố cáo khuyến khích dân chúng hưởng ứng thú vui thanh nhã này.

Từ đó, Sakura trở thành loài hoa quen thuộc, luôn gắn liền với nét văn hóa đặc sắc của người dân Nhật và được thi vị hóa như một triết lý hiện sinh về cuộc sống qua thú tiêu khiển ngắm hoa anh đào còn lưu truyền mãi đến nay.

Trải dài theo hình thể đường cong uốn lượn từ miền cực Nam là đảo Okinawa ấm áp cho đến vùng đất Bắc Hokkaido quanh năm giá rét, trên toàn cõi nước Nhật đều có trồng Sakura với hàng ngàn địa danh ngắm hoa Sakura. Do ảnh hưởng sự khác biệt về khí hậu ở từng khu vực địa phương, nên thời điểm Sakura nở hoa cũng chênh lệch theo ngày tháng. Vì lẽ này, khi nhìn trên bản đồ nước Nhật trong các bản tin dự báo thời kỳ Sakura nở rộ ở các địa danh, người ta sẽ thấy những điểm chấm liên tục tạo thành một tuyến đường kéo dài từ Nam đến Bắc gọi là “Sakura Zensen”, tức tuyến đường hoa anh đào.

Sakura Zensen được hình thành dựa vào tiêu chuẩn thời kỳ nở hoa của loại Sakura mang tên Somei Yoshino vốn chiếm phần đa số trong 5 loại hoa anh đào chính yếu ở Nhật Bản. Với mùi hương nhẹ nhàng, sắc lá màu hồng nhạt, thân cây thon thả và có trái nhỏ hơi ngọt, Somei Yoshino là giống cây xuất hiện từ lâu đời và rất phổ biến khi chiếm hơn phân nửa khu vực gieo trồng Sakara trên toàn quốc Nhật Bản.

Thời kỳ nở rộ của hoa Somei Yoshino thường là vào tháng Tư hàng năm nên được xem là thời điểm chính thức của mùa hoa anh đào. Trong khi đó, khí hậu ấm áp ở miền Nam là vùng Cửu Châu (Kyushu) khiến Sakura nở rất sớm, có lúc bắt đầu từ cuối tháng Giêng. Còn vùng Hokkaido cũng có khi trổ hoa vào tháng 5. Vì vậy, giới thưởng ngoạn có thể kéo dài cuộc hành trình ngắm hoa từ Nam chí Bắc hàng tháng trời. Điều này ngược lại với những cuộc lữ hành vào mùa Thu khi du khách phải đi theo lộ trình từ Bắc đến Nam để ngắm lá Hồng Diệp (Momiji) tỏa sắc tươi thắm, nhuộm đỏ cả những vùng đồi núi rộng lớn.

Riêng tại đảo Okinawa, trên thực tế tuy xưa kia không có tập tục ngắm hoa nhưng lại trồng rất nhiều hoa anh đào loại “Kanhi Zakura”, tức cây “Hàn Phi Anh” có nguồn giống từ Đài Loan với màu sắc hồng tươi sặc sỡ. Ngày nay, Kanhi Zakura đã trở thành biểu tượng bên cạnh các di tích thắng cảnh ở Okinawa, luôn thu hút nhiều du khách ngoại quốc đến thăm. Ngoài ra, tại Nhật Bản còn có một loài anh đào rất đặc biệt khiến người xem phải say đắm trước hình dáng lạ lùng của các nhánh cây rủ xuống giống như cây liễu gọi là “Shidare Zakura” do chữ Shidare có nghĩa là thòng xuống phía dưới.

Nếu có dịp viếng thăm thủ đô Nhật Bản vào những ngày cuối tháng Ba, có lẽ du khách phải tấm tắc trầm trồ và ngạc nhiên thích thú trước khung cảnh hoa anh đào nở bung trắng xóa ngợp trời rồi thỉnh thoảng bay lả tả trong làn gió Xuân mát mẻ. Từ khu công viên của ngôi thành cổ Himeji ở tỉnh Hyogo cho đến thành Osaka sừng sững hiên ngang sau nhiều biến động lịch sử, Sakura vẫn chung thủy cùng dòng thời gian trôi chảy để mang niềm vui đến cho đời. Tiếp đến là hàng ngàn cây anh đào đồng loạt khai hoa tại các đền thần, chùa chiền, công viên và hai bên đường ở cố đô Kyoto và thành phố hiền hòa Nara của loài nai ngơ ngác dạo bước trên đường, vốn là hai địa danh từng chứng kiến bao cảnh hưng vong của nhiều triều đại phong kiến trong thời chiến quốc loạn lạc.

Thành Edo. Nguồn: campaya.co.uk
Thành Edo. Nguồn: campaya.co.uk

Từ đó, tiến về hướng Đông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hàng cây Sakura ngút ngàn tầm mắt dưới chân ngọn Phú Sĩ Sơn quanh năm tuyết phủ rồi tiếp bước đến thủ đô Tokyo với ngôi đền thần Yasukuni nổi tiếng và không thể không ghé vào khu công viên bao bọc quanh hào nước của cung điện hoàng gia Nhật Bản với một rừng hoa anh đào tỏa hương khoe sắc. Khi ánh nắng chiều của buổi hoàng hôn vừa lắng dịu cũng là lúc du khách hòa mình vào cõi thiền tịnh, tâm thần an lạc tại ngôi chùa linh thiêng Asakusa Kannon, tức Thiển Thảo Quan Âm Tự và tiếp bước lữ hành vào hôm sau đến công viên Ueno Onshi là nơi ngắm hoa trứ danh nhất của thủ đô Tokyo. Địa danh này còn được ví như chốn bồng lai tiên cảnh với hơn 1000 cây anh đào trồng dọc theo lối đi khiến người xem có cảm giác như đang lạc bước vào đám mây Sakura trắng hồng đầy mùi hương thơm ngát.


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.