Âm nhạc và sự (không) quan trọng của cơ tầng văn hoá Đông Nam Á

Le Minh Khai – Người dịch: Hoa Quốc Văn

trongdongỞ Việt Nam, trái lại, khèn không phải là một bộ phận của bất kỳ một truyền thống âm nhạc dòng chính nào. Có lẽ có một số người ở miền núi chơi nó, nhưng nó không “thọ” và còn là một phần trong xã hội rộng hơn.

Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á

Vào năm 1993, cùng năm O.W.Wolters phát biểu ở Jakarta về Đông Nam Á mà tôi đã đề cập ở bài viết trước, học giả Việt Nam Đinh Gia Khánh đã xuất bản một cuốn sách có tên Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á (Vietnamese Folk Culture in the Context of Southeast Asian Culture).

Đinh Gia Khánh nói ngay trong dòng đầu của lời tựa cuốn sách rằng:

“Với nhan đề “Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á,” chuyên luận này nhằm mục đích trước hết là xác định tọa độ văn hóa dân gian Việt Nam trong văn hóa dân gian Đông Nam Á nói riêng và văn hóa Đông Nam Á nói chung.”

Để làm điều này, Đinh Gia Khánh dựa vào công trình trước đó của học giả Pháp George Coedès [trong đó khẳng định] rằng có một “cơ tầng văn hoá” toàn khu vực này. Trong công trình Các nhà nước Ấn hoá của Đông Nam Á (The Indianized States of Southeast Asia), Coedès mô tả cơ tầng văn hoá này như sau (Tôi đính kèm ảnh chụp từ văn bản của Đinh Gia Khánh ở dưới cho những ai đọc tiếng Việt. Ông ấy đã đưa ra nhiều luận điểm tương tự):

“… về văn hoá vật thể, là việc trồng cấy lúa nước, việc thuần hoá trâu và bò, bước đầu sử dụng kim loại, tri thức về hàng hải; về hệ thống xã hội, là vai trò quan trọng được trao cho người phụ nữ và những mối quan hệ dòng mẹ, và trong các tổ chức do nhu cầu của nền nông nghiệp lúa nước; về tôn giáo, là tín ngưỡng vật linh, tín ngưỡng thờ tổ tiên và thần đất,…”

Vậy là năm 1993, O.W.Wolters và Đinh Gia Khánh đều lập luận (như Coedès đã làm trước đó và như nhiều người tiếp tục làm vậy ngày nay) rằng có “cái gì đó” gắn Đông Nam Á với nhau, và trong khi Wolters và Đinh Gia Khánh tập trung vào các luận điểm khác nhau, họ đều đồng ý rằng “cái gì đó” này có những cội rễ lịch sử rất sâu xa.

Đặt sang một bên cái thực tế là nhiều nhân tố mà những học giả này nhận dạng có thể được tìm thấy ở những phần khác của thế giới, và vì vậy không phân biệt được khu vực Đông Nam Á, chúng ta hãy tạm thừa nhận rằng có một cơ tầng văn hoá đã có từ lâu trong quá khứ.

Điều đó có quan trọng không? Nếu có, thì quan trọng thế nào?

 Âm nhạc Thái đến từ đâu?
Âm nhạc Thái đến từ đâu?

Tôi được gợi lại những câu hỏi này khi tôi đọc qua một cuốn sách của sử gia người Thái Sujit Wongthes, Âm nhạc Thái đến từ đâu? (Where Does Thai Music Come From?). Bất kỳ ai quen với lịch sử Đông Nam Á sẽ ngay lập tức nhận ra rằng hình ảnh trên bìa cuốn trách này là từ trống đồng “Đông Sơn”.

Những chiếc trống đồng đó ngày nay được sử dụng để chứng minh cho tình trạng cổ xưa của một truyền thống văn hoá ở khu vực ngày nay là Việt Nam, và trong những công trình như Tìm về bản sắc văn hoá của Trần Ngọc Thêm, hình ảnh tương tự được sử dụng để lưu ý đến sự hiện hữu của âm nhạc tại “Việt Nam”.

Tuy nhiên, có một vấn đề với cả hai cuốn sách. Sujit Wongthes cho rằng âm nhạc “Thái” là một phần của “dòng họ” (krua yaat เครือญาติ) âm nhạc đến từ toàn bộ Đông Nam Á lục địa, hay cái mà ông gọi là Suvarnabhumi, trong khi Trần Ngọc Thêm ngụ ý rằng nhạc cụ mà chúng ta thấy có người chơi trên mặt trống đồng (cái khèn) là một phần của truyền thống âm nhạc “Việt Nam”.

Cả hai người đều khẳng định với tư cách là đại diện của các truyền thống văn hoá của các quốc gia/dân tộc hiện đại đã có từ lâu, trước khi những quốc gia hiện đại đó xuất hiện.

Ảnh chụp từ văn bản của Trần Ngọc Thêm.
Ảnh chụp từ văn bản của Trần Ngọc Thêm.

Phải nói là, ngày nay khèn có thể được nghe khắp nơi ở Thái Lan. Bạn không nghe thấy nó trong nền âm nhạc “dòng chính”, nhưng nó đã được sáp nhập vào nền âm nhạc Lào, và có nhiều tộc người Lào ở miền Đông Bắc Thái Lan, và nhiều người trong số đó đã chuyển tới Bangkok làm việc, vì vậy loại âm nhạc dùng khèn có thể dễ dàng được nghe thấy.

Ở Việt Nam, trái lại, khèn không phải là một bộ phận của bất kỳ một truyền thống âm nhạc dòng chính nào. Có lẽ có một số người ở miền núi chơi nó, nhưng nó không “thọ” và còn là một phần trong xã hội rộng hơn.

Như thế nghĩa là nền văn hoá âm nhạc Thái có liên hệ chặt với “cơ tầng văn hoá Đông Nam Á” hơn là truyền thống văn hoá “Việt Nam” chăng? Sau hết, ngày nay chúng ta có thể dễ dàng nghe trên đài phát thanh ở Thái Lan âm thanh của cây khèn, một nhạc cụ được miêu tả trên các trống đồng Đông Sơn từ thời đại mà “cơ tầng văn hoá Đông Nam Á” được hình thành.

Hay có lẽ ý tưởng về “cơ tầng văn hoá Đông Nam Á” đơn giản không phải là một khái niệm quá hữu ích. Nếu nó hữu ích, thì nó giúp lý giải cái gì?

Ảnh chụp từ văn bản của Đinh Gia Khánh.
Ảnh chụp từ văn bản của Đinh Gia Khánh.
Ảnh chụp từ văn bản của Đinh Gia Khánh.
Ảnh chụp từ văn bản của Đinh Gia Khánh.

 

Ảnh chụp từ văn bản của Đinh Gia Khánh.
Ảnh chụp từ văn bản của Đinh Gia Khánh.

 


Nguồn: (1) Music and the (Un)Importance of a Southeast Asian Cultural Substratum. Le Minh Khai. Le Minh Khai’s SEAsian History Blog. 21/11/2013
(2) Âm nhạc và sự (không) quan trọng của cơ tầng văn hoá Đông Nam Á. By Le Minh Khai. Người dịch: Hoa Quốc Văn. Blog LEMINHKHAIVIET. 22/11/2013.