Chủ nhật
Trần Thị NgH
Chẳng bao lâu lẫn giữa đống cây lúp xúp của một sân nhà đã dọn đi, tôi chỉ còn thấy Thạch như một vệt đen in cái bóng cong queo dưới bãi nước phía xa.
Buổi sáng tôi đưa thằng nhỏ ra phố. Vào ngày nghỉ đường sá có nhiều đoạn tấp nập hẳn, người ta đi qua lại không ngớt trên hè Tự do, quần áo đủ màu đủ kiểu, nhiều cái ngó phát ngượng. Thằng nhỏ coi bộ ngơ ngác trước cảnh tượng ấy, nó bấu chặt tay tôi mặt mũi lấm lét. Chị sen đã chọn cho nó cái quần có lưng quá rộng khiến bộ điệu nó lụng thụng buồn cười. Đã lâu tôi không nhớ sắm cho nó thêm một ít quần áo mới, nó đã tới tuổi đi học. Anh Hải hứa sẽ giới thiệu một lớp mẫu giáo gần nơi tôi làm việc để tiện đưa đón. Có lẽ vào đầu tháng Tư tôi sẽ cố gắng thu xếp chỗ ở riêng, dù anh chị Q. vẫn luôn luôn tỏ ra dễ chịu và đặc biệt chăm sóc cho thằng nhỏ.
Căn phòng của hai mẹ con cũng khá tiện nghi; mấy lúc sau này tôi sắm thêm được một tủ lạnh nhỏ, buổi tối khỏi phải xuống nhà lục đục lấy nước uống hay pha sữa khi thằng nhỏ đói bụng trước khi đi ngủ. Phòng có ban-công ngó xuống những mái ngói san sát của khu nhà bên dưới, dây ăng-ten ngang dọc chĩa lên trời. Buổi chiều có thể đứng nhìn xe cộ chạy đàng xa ngoài mặt đường vào giờ tan sở, những ngọn điện bật sáng lúc sẩm tối và đèn xe loáng thoáng vụt tới vụt lui như những cây đuốc được quơ đi quơ lại. Thằng nhỏ có một con ngựa gỗ bỏ ngoài hành lang, thỉnh thoảng nó cưỡi gục gặc cạnh cái ghế mây tôi nằm hay lẩn quẩn gần đấy với cái hộp thiếc đựng đủ thứ đồ chơi tôi sắm, có cả nút chai, ve nhỏ mà nó nhặt nhạnh được dưới bếp. Đó là khoảng thời gian thường thường sau cơm chiều, những ngày nóng, hai mẹ con đều cảm thấy nực nội và cần một chút gió mát. Tôi rất thích chỗ đọc sách ấy. Nhưng có lẽ tốt hơn tôi không nên làm phiền anh chị Q. nữa. Chắc cũng có một vài bất tiện trong khi chung đụng, vài năm nữa sẽ có thêm những đứa trẻ và như vậy sẽ sinh ra nhiều bất tiện khác. Điều làm tôi khó chịu là chị Q. trong bất cứ lời nói hay việc làm có liên quan đến đời sống hai mẹ con tôi đều tỏ ra bao dung, như muốn chứng tỏ chị sẵn sang tha thứ bảo bọc tôi, và muốn gánh một chút trách nhiệm gì đó từ ngày má tôi chết.
Trong cái thư viết cho má khi còn ở Billings, chị đã giải thích trường hợp tôi như là một đòi hỏi cần thiết bình thường; tôi thất thân với Định cũng giống như người ta ăn uống, ngủ, bài tiết, giải trí; chị viết: “… má hãy an tâm, cơn bão nào cũng dứt, đời sống chúng ta cần đến điều ấy.” Tôi đã ngạc nhiên vô cùng về lối trấn an ấy và tự hỏi mình có thật tôi đã đòi hỏi như thế. Dù thế nào tôi vẫn không thể phân trần với ai về cái ấn tượng khủng khiếp một buổi tối tôi nằm ngửa dưới thân thể nóng hực của Định, mở mắt trân trối nhìn lên trần gian phòng lạ hoắc, lắng nghe da thịt vỡ tung cùng một lúc với ngày tháng mù mịt trước mặt. Định đã ra khỏi tôi, nhưng sự ê ẩm vẫn còn sót theo các lóng xương trong cơ thể, trong trí nhớ. Những lần trần truồng một mình, tôi vẫn hay nhìn ngắm tôi trong tấm gương lớn trong phòng tắm, như soi bói một kẻ lạ. Tôi thù ghét chỗ này chỗ nọ, chỗ này tôi không thể rửa sạch được bằng nước, chỗ này tôi không thể kỳ cọ, hơi thở tôi gay gắt mùi thuốc lá, hơi đàn ông lẫn trong chân tóc, còn chỗ nào không, tôi tan hoang từ đầu xuống chân. Đó là tình yêu chăng, em những tưởng anh như một phương tiện cho em thể hiện sự tự do, đến khi không còn là nô lệ của chính thể xác mình, em cũng biết đó cũng là một cách nô lệ, nhưng với một thể xác khác. Tôi đã nghĩ đến má lúc ấy, từ sự nhơ bẩn tương tự, tôi được sinh ra. Ba đã giày vò má, mọi người giày vò nhau để những đứa trẻ dưng không được bước ra từ cơn đau ấy, tội nghiệp má, con là đứa con thứ mười hai trong gia đình. Nhưng má đã chết, con muốn nhìn lại lớp da bụng nhăn nhúm của má.
Thằng nhỏ vấp té, tôi hoảng hốt đỡ nó dậy.
– Có sao không con, có sao không? Nó nhoẻn miệng cười:
– Con muốn ăn kem, má.
Tôi đưa nó vào một quán giải khát. Công viên ở góc đường đối diện bây giờ được xây thêm những bậc thềm làm nơi hoà nhạc ngoài trời. Không phải đến bây giờ tôi mới nhớ ra ngày xưa đã có lúc tôi ngồi đây với Định, từ buổi này qua buổi khác nhìn mọi người sinh hoạt bên ngoài qua lớp kính cửa, nhưng thật là lâu hết sức tôi mới trở lại đây, với thằng nhỏ. Bàn ghế không có gì thay đổi, mấy cô hầu bàn vẫn mặc bộ đồng phục cũ, một vài cô có vẻ mặt lạ, những cô khác lớn tuổi hơn một chút, có lẽ vậy, cảnh tượng bên ngoài vẫn y nguyên, những chiếc xe xẹt qua xẹt lại nhìn thấy trong tấm gương đính vòng theo góc cột giữa quán.
– Con ăn kem dâu nhé!
Tôi hỏi thằng nhỏ. Nó ngó xung quanh bẽn lẽn, ngón tay trỏ ngậm trong miệng. Tôi mắng:
– Đừng ngậm tay trong miệng con!
Cô hầu bàn mang ra một kem dâu và bình trà, múi chanh nằm khuất dưới kẽ dĩa, cái tách bằng sứ trắng sạch sẽ. Đó cũng là một thói quen được tình cờ lập lại, những động tác cũ, vắt chanh, bỏ đường, châm trà, tiếng nói chuyện lào xào chung quanh, những khuôn mặt đủ kiểu, đủ cỡ, khói thuốc bưng kín làm cay mắt. Không có một người quen nào trừ cô thâu ngân viên ngồi sau cái quầy bên cạnh những chai rượu xếp thứ tự trên kệ là tôi còn nhận ra. Cô ngồi táy máy cắn bút nguyên tử, dáng điệu ơ thờ, có lẽ cô đã đổi lối trang điểm, hai mắt dường như kẻ quá đậm ở mí dưới, ngồi xa thấy hai quầng trũng, cũng không chắc lắm, có lẽ cô đang ngồi ở một góc thiếu ánh sáng. Thằng nhỏ khổ sở múc những thìa kem từ cái ly quá cao, đầu nó thấp gần ngang mặt bàn, tôi nói:
– Để má đút cho con ăn. Con bỏ chân xuống.
Nó là con tôi. Coi bộ nó không sáng sủa gì lắm. Thỉnh thoảng quan sát nó tôi thấy nó lạ hoắc, tay chân èo uột, hai mắt thao láo. Đến khi nó cười tôi vẫn không thấy vẻ vô tư của một đứa trẻ, nó có hai khoé miệng nhăn. Đôi lúc chắc nó cũng dễ thương; những câu hỏi thỏ thẻ ngớ ngẩn làm tôi cười té ra giường. Tiếng cười lớn có khi đã làm tôi sợ mình, căn phòng những lúc ấy bỗng trống trải. Thằng nhỏ thường cười theo. Luôn luôn tôi thấy nó lục đục một mình hoặc lẩn quẩn theo chị sen hỏi han lung tung. Anh Hải nói tôi ít săn sóc đến nó; anh hay trách tôi về việc ấy. Mỗi lần như vậy tôi thấy áy náy và mang thằng nhỏ tới sở để nó ngồi bên cạnh trong khi làm việc. Gugliemi thích trẻ con nhưng chê thằng nhỏ lừ đừ. Ông hát cho nó nghe những bài hát tiếng Ý nhịp điệu vui vẻ, bắt nó vỗ tay theo, nhưng một lát thằng nhỏ cũng than buồn và đòi về. Thấy nó tong teo, Gugliemi hỏi tôi bà cho nó ăn cái gì mỗi ngày? Tôi đáp tôi cho nó ăn spaghetti. Ông cười và cũng đùa, chứ không phải chỉ húp nước mắm à?
Anh Hải cho là tôi không yêu thương gì thằng nhỏ, nó có từ một kỷ niệm xấu. Tôi không nghĩ thế, từ một ấn tượng xấu có vẻ đúng hơn. Tôi không nhớ gì về kỷ niệm cũ. Mỗi ngày tôi nhìn thằng nhỏ và nghĩ nó sẽ lớn lên, sẽ đi học, tôi mong nó thông minh và biết vâng lời, tôi không muốn nó đánh nhau với các trẻ con khác trong trường, hay làm cái gì tệ hơn như vậy. Có lẽ tôi phải để ý đến nó.
Gần giờ cơm trưa mọi người lục đục đứng dậy ra khỏi quán chừa nhiều bàn trống. Thằng nhỏ tụt xuống khỏi ghế hai tay kéo lưng quần.
– Má má, con mắc tiểu má!
Tôi chậc lưỡi đứng dậy nói, đi! Những đứa trẻ luôn luôn có những vấn đề phải giải quyết trong tiệm nước, quán ăn.
Tôi dẫn nó vào phòng vệ sinh phía trong quán, tụt quần và bế nó đặt lên bàn cầu. Thằng nhỏ có vẻ lo lắng, hai tay bụm chéo áo trước bụng cho khỏi ướt, hai ống chân nó nhỏ xíu thòng chưa chấm đất. Tôi lắng nghe tiếng nước chảy lách tách xuống ống dẫn, tự dưng thấy cảm động muốn khóc. Con yêu, ngày xưa đã có lần má muốn áp sát cái mặt con vào ngực má cho con tắt thở khi đang bú, hay quấn con kín mít bằng tấm chăn xanh mà bây giờ má vẫn đắp cho con mỗi buổi tối con ngủ ngoan ngoãn bên cạnh má. Vậy đó con, những điều ấy dằn vặt má như ly thuốc ho Phénergan thật đầy má đã muốn ép con uống, nỗi sợ hãi mỗi lần nhìn con ngo ngoe đỏ hỏn giữa đống mền gối, đã biết bao nhiêu đêm má để con nằm một mình, đứng trong góc phòng nhìn tay chân con co duỗi tội nghiệp, má đã kinh tởm thù ghét con biết bao nhiêu. Ôi da thịt mà con mang trên người, hơi thở con đều đặn và nhịp đập nhỏ nhẻ của trái tim con má đã tạo ra và mang trong cơ thể má, những ngày tháng tủi nhục xót xa ấy, con.
Tôi mặc quần vào cho thằng nhỏ, hôn nó và dắt ra ngoài. Người ta không thể biết tôi vừa nói những điều gì với thằng nhỏ. Có lẽ tôi không nên nói với nó như thế, không phải, đó chỉ là tiếng nói tôi dội ngược trở lại. Dường như tôi chỉ hôn thằng nhỏ, mặc quần cho nó và dắt nó ra ngoài. Tôi đã muốn khóc, nhưng tôi không hề nói một điều gì với nó, phải không con? Hai mẹ con trở lại chỗ ngồi trả tiền. Quán lưa thưa một vài người ngồi một mình, tôi không quen ai ở đây cả, mình về đi con. Không, có lẽ tôi nên đưa thằng nhỏ đi ăn trưa, ở nhà chắc anh chị Q. đã dùng xong bữa, má sẽ dắt con đi hết ngày. Thằng nhỏ đổ mồ hội rịn ướt sau lưng áo, những sợi tóc dán trước trán, coi bộ nó đừ câm. Hai mẹ con đứng đợi xe ở góc đường.
Tôi đưa thằng nhỏ tới thăm Thạch sau bữa ăn. Trời chuyển mưa vào khoảng một giờ rưỡi. Những cụm mây xám kéo đùn đùn về một phía, thấp gần đụng nóc phố. Gió thổi xoáy những vòng bụi tròn trên mặt đường. Thạch ra mở cửa, chàng hôn tôi và hỏi hai mẹ con đi đâu thế, ăn cơm chưa, may không bị ướt dọc đường. Đúng ngay lúc ấy mưa đổ xuống lắc rắc và chẳng bao lâu ào ạt như bão. Những ngọn cây nhìn thấy từ cửa sổ ngả nghiêng như người say rượu. Thạch khép bớt một cánh cửa, tới bật ngọn điện và ngồi xuống bên cạnh hai mẹ con. Chàng kéo thằng nhỏ vào lòng hỏi:
– Thế nào, từ sáng tới giờ má đã đưa con đi đâu?
Cơn mưa rầm rộ kéo dài đến chập tối. Thằng nhỏ nằm ngủ ở cái đi-văng kê sát tường bên cạnh kệ sách. Những sợi gân nhỏ nhìn thấy dưới hai mí mỏng nổi vồng trên tròng mắt. Tờ lịch treo trên tường bị gió thổi lật ngược quay bìa sau ra ngoài. Thạch nằm ngả người trên ghế dựa hút thuốc, hai mắt nhắm. Ngọn đèn màu vàng trong góc tường không đủ sáng làm căn phòng tù mù và nặng nề. Trời nóng xốp da suốt một tuần lễ, cơn mưa xối xả sau mấy tiếng đồng hồ đã làm lối đi trước nhà ngập nước lênh láng, nước rút không kịp chảy cuồn cuộn mang theo rác rưởi, những mảnh ván mục từ đống gỗ vụn bên nhà đối diện nổi lều bều trong khoảng sân xi-măng bỏ trống. Thạch cho biết dãy nhà bị dỡ đi từ mấy tuần trước. Khu xóm này nằm trong chương trình kiến thiết và thiết kế đô thị của chính phủ, có lẽ một cơ sở gì đó sẽ được dựng lên. Thạch nói chàng chưa biết phải quyết định như thế nào. Lời nói tuy vậy đã có phần rõ ràng, chàng có người quen cho ở trọ nhà trong kì nhập học tới, chàng đã xin được một chỗ dạy học ở Bình Long. Tôi nói em thích căn nhà này. Tôi nói và nghĩ tôi không định nói thế. Có lẽ Thạch cũng không nghe thấy. Mưa đổ rầm rì đều đặn bên ngoài tưởng như sẽ không bao giờ dứt. Tiếng nước đập long tong xuống cái thau kê ngay kẽ dột trên trần nhà nghe buồn nản như sợi dây đàn bị khẩy hoài một nốt. Những tấm màn cửa tôi may cho Thạch đã bạc thếch, bộ ghế bọc đệm đã tưa vải ở hai bên chỗ để tay và sau lưng, khóm hoa giả đặt giữa bàn méo mó một cách tội nghiệp, bụi bám trắng theo mấy kẽ lá. Nhớ ngày đầu đến chỗ ở Thạch tôi đã ngạc nhiên thấy tự dưng có sự thân thiết kì cục giữa tôi và các đồ vật bày biện trong nhà. Dường như tôi đã đến đây một lần hay đó chỉ là một hình ảnh gần giống tôi được nhìn thấy ở một nơi khác, hay gặp lại trong trí tưởng tượng. Đó cũng có thể là nỗi khao khát không rõ, chốn mơ ước mà mỗi người ai cũng muốn tự xếp đặt lấy với đầy đủ lớp lang thứ tự trong đầu. Nó có thể lẫn lộn trong nhịp sống xô bồ hàng ngày, đôi khi bị cố tình lãng quên như một món xa xỉ, nhưng nó không thể mất tích. Tình cảm ấy như bị chận đứng giữa ngực khi tôi chợt tự hỏi tại sao tôi không nhận lời chung sống với Thạch. Chàng nhìn tôi dò xét khi đưa tôi vào phòng trong, cái giường ngủ trơ trụi không có chiếu trải. Chàng nói đâu có gì khó khăn, em cho là như thế nhưng em cũng biết em muốn gì chứ. Chàng nói và cố ý đo lường trước câu trả lời. Tôi đáp không phải vậy, em cũng đang dàn xếp một chỗ ở. Căn nhà bây giờ sắp bị giải toả theo chương trình kiến thiết gì đó của chính phủ, Thạch sẽ đổi đi dạy học xa. Tôi vẫn không thể có cơ hội để làm theo ý muốn, nói theo Thạch, tôi cũng biết tôi muốn gì chứ.
Thạch không nói gì. Chàng châm điếu thuốc khác và dập que diêm vào cái gạt tàn đã đầy vun. Tôi hỏi:
– Anh uống cà-phê em pha cho nhé! Thạch đáp:
– Thôi khỏi, uống cà-phê mãi anh bón quá. Với lại nhà hết đường rồi, mấy cái ly cũng bể nhấu.
Tôi kêu lên:
– Sao thế?
Chàng nói mấy con mèo quỷ sứ nó hay nhảy qua bàn nước ban đêm lúc chàng ngủ. Tôi thì tôi nghĩ chẳng có mèo chó nào, chàng say rượu như cơm bữa. Chàng sống làm ra vẻ ơ thờ nhưng thực sự chàng đang rượt theo sau tuổi tác mình. Chàng chối, anh đang đu bay đấy! Tôi nắm bàn tay mềm mại của Thạch, có lẽ em cũng nên tập chạy nhảy một chút, nhưng em sợ không khả quan gì. Thạch nhìn tôi dịu dàng, em đừng nói thế, chàng hôn tôi với ngụm khói trong miệng, nước tự nó sẽ bốc hơi… Tôi sặc sụa ho giữa câu nói của chàng, nước mắt ràn rụa. Em khóc đấy ư? Chàng có giọng nói của người đóng kịch. Tôi nói, trời mưa mãi thế này làm sao về? Thằng nhỏ, a thằng nhỏ, Thạch kêu lên, em tới coi nó ngủ gì ngủ dữ vậy. Tiếng kêu của Thạch làm thằng nhỏ cựa mình, nó rên ứ ứ trong cổ họng rồi ngủ tiếp. Tôi đến bên lấy tấm chăn của Thạch đắp hai chân nó, cái quần rộng lưng tuột khỏi rún chừa một khoảng da bụng thoi thóp lên xuống. Thạch nói vói lại hết mưa đi kiếm cái gì ăn mới được. Tôi gọi, tới đây xem anh, thằng nhỏ nóng như lửa.
Trời tối và gió thổi luồn theo kẽ vách lạnh buốt mang theo hơi nước lẫn trong hơi đất xông lên từ nền gạch nứt. Sự oi bức của những ngày vừa qua như vẫn còn bám trên các bìa sách bọc ni-lông, trên tủ kính. Những cánh hoa giả trắng mốc, bụi đóng theo mấy kẽ ghế nhựa, chấn song cửa sổ, tàn thuốc trong cái gạt bị gió thổi bay ra mặt bàn. Mưa tạnh còn để lại những bãi sình lớn trước cửa. Nước đọng trên máng xối nhỏ giọt xuống hiên làm bắn nước tung toé lên tận thềm nhà. Những ngọn cây bên ngoài chỉ nhìn thấy lờ mờ trong nền tối. Tiếng lào xào của lá cây nghe rõ trong sự im vắng của khu xóm. Thằng nhỏ khóc lúc thúc trong tấm chăn tôi kéo lên kín mít tới cổ nó. Thạch mặc áo đi ra cửa nói anh ra hiệu thuốc tây chút, em đóng bớt cửa sổ lại đi. Chàng nói xong bước xuống vũng nước lội bì bõm qua khoảng sân xi-măng bên kia. Ánh đèn từ hiên nhà hắt ra soi rõ hai bàn chân chàng xanh xao trong đôi dép cao su mỏng, những ngón chân nhỏ nhắn ướt sũng nước, sình bắn lấm tấm trên lai quần phía sau. Qua tới đống gỗ vụn chàng dừng lại giũ giũ chân, hai tay túm lấy vải quần hai bên đầu gối. Chàng bước khúm núm e dè trên những viên gạch lở; coi chàng gầy nhom giống con cò mò mẫm giữa đồng. Chẳng bao lâu lẫn giữa đống cây lúp xúp của một sân nhà đã dọn đi, tôi chỉ còn thấy Thạch như một vệt đen in cái bóng cong queo dưới bãi nước phía xa.
Nguồn: Tạp chí Vấn Đề, số 39, phát hành tháng 10.1970.
Tác giả tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng còn có bút hiệu viết ký sự và tuỳ bút ký là Thọ Diên. Tác phầm mới nhất Nhân là tập truyện Nhăn Rúm tuyển tập cuối cùng trong bộ ba tuyển tập truyện ngắn được xuất bản tại Việt Nam ( 6 tháng 7, 2012, NXB Hội Nhà Văn).