Gia Long, Gia Khánh, Càn Long, Gia Định và Thăng Long
Le Minh Khai (Vũ Đức Liêm dịch)
Một điều khác mà chúng ta biết chắc đó là danh hiệu “Gia Long” (ít nhất là ban đầu) không hề có sự liên hệ nào với việc Nguyễn Phúc Ánh thống nhất khu vực từ “Gia” Định đến Thăng “Long”.
Vào ngày 31 tháng 05 năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh, vua đầu tiên của triều Nguyễn tuyên bố rằng Gia Long 嘉隆 sẽ là danh hiệu cho thời kỳ trị vì của ông ta (Đại Nam thực lục, 17/1a-2a). Nhiều công trình bằng tiếng Anh lập luận rằng Nguyễn Ánh chọn tên này để biểu thị rằng chính ông thống nhất toàn bộ khu vực từ “Gia” Định, hay Sài Gòn, đến Thăng “Long”, hay Hà Nội (ví dụ, xem Thomas Hodgkin, Vietnam: The Revolutionary Path [New York: St. Martin’s Press, 1981], 100).
Tuy nhiên, có vấn đề với sự giải thích này. Tôi sẽ trình bày vài điều về chủ đề này ở đây, điều mà tôi đã nghiên cứu và viết cách đây 14 năm. Bây giờ nhìn nhận chủ đề này, và dựa trên thông tin mà tôi có, tôi nhận thấy có một vấn đề nảy sinh, và tôi sẽ thảo luận nó ở phần cuối.
Khoảng thời gian Nguyễn Ánh quyết đinh chọn vương hiệu, một phái đoàn được gửi đến Bắc Kinh để xin cầu phong từ hoàng đế nhà Thanh cho tên gọi này cũng như cho tên gọi mới mà ông ta muốn sử dụng cho vương quốc, Nam Việt, mà tôi đã có dịp thảo luận ở post trước.
Tên Gia Long gồm hai ký tự, chữ Gia 嘉, cũng là trùng với tên hiệu của vị hoàng đế nhà Thanh lúc đó là Gia Khánh 嘉慶, trong khi chữ thứ hai, Long 隆, trùng với tên hiệu của vị hoàng đế nhà Thanh trước đó là Càn Long 乾隆. Các viên chức nhà Thanh ở triều đình Bắc Kinh đã quan ngại về điều này và hỏi một trong số thành viên của phái đoàn, Nguyễn Gia Cát 阮嘉吉, tại sao nhà vua của ông ta lại chọn tên này?
Nguyễn Gia Cát đáp lại bằng cách lưu ý rằng, “nước tôi từ thời Trần Lê về trước, bắc nam chia ra cai trị. Quốc vương của chúng tôi hiện nay khởi nghiệp ở Gia Định, hoàn thành sự nghiệp ở Thăng Long, nên lấy hiệu Gia Long, không dám có điều dối trá”. (我國陳黎以前,南北分治。今我國王起於嘉定,成於昇隆,故號嘉隆,徒敢謾也。Anonymous, Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí 北寧全省地輿誌 [Geographic Gazetteer of Bắc Ninh Province], (1891), A. 2889, 1/24a.)
Nguyễn Gia Cát vì thế lập luận rằng vương hiệu Gia Long gồm chữ Gia 嘉, từ Gia Định 嘉定 (hay Sài Gòn) và chữ Long 隆 từ Thăng Long 昇隆 (hay Hà Nội). Tuy nhiên, vào lúc Nguyễn Gia Cát đưa ra lập luận này, chữ Long trong Thăng Long là 龍, nghĩa là rồng, chứ không phải chữ Long 隆 mang nghĩa “thịnh vượng” như chúng ta thấy trong danh hiệu của Gia Long.
Sau đó, năm 1805, Gia Long thực tế đã đổi chữ thứ hai trong tên Thăng Long từ chữ có nghĩa là “rồng” 龍 sang chữ có nghĩa là “thịnh vượng” 隆 để thể hiện ý nghĩa “hòa bình và thịnh vượng” (chữ “thăng” 昇 nghĩa là “thanh bình”) mà ông cảm nhận được từ toàn bộ lãnh thổ của mình (Đại Nam thực lục, 27/7b).
Đến đây tôi nhận ra thông tin về cuộc đối đáp của Nguyễn Gia Cát xuất hiện trong một công trình năm 1891, Bắc Ninh Toàn Tỉnh địa dư chí. Nó ra đời gần 100 năm sau sự kiện đó. Vậy câu chuyện này đến từ đâu? Liệu nó có được ghi chép trong minh Thực Lục? Tôi không chắc.
Điều chúng ta biết chắc chắn đó là dựa vào Đại Nam Thực Lục, danh hiệu Gia Long được tuyên bố năm 1802 và chữ “Long” trong Thăng Long được đổi vào năm 1805, bằng điều đó, đã đổi chữ “Long” trong “Thăng Long” trùng với chữ “Long” trong Gia Long.
Một điều khác mà chúng ta biết chắc đó là danh hiệu “Gia Long” (ít nhất là ban đầu) không hề có sự liên hệ nào với việc Nguyễn Phúc Ánh thống nhất khu vực từ “Gia” Định đến Thăng “Long”. Nhưng câu chuyện này đến từ đâu, tôi vẫn không chắc.
Nếu ai đó có lời giải thích, hãy cho tôi biết.
Nguồn: Gia Long, Gia Khánh, Càn Long, Gia Định và Thăng Long. Facebook. Liem Vu. Aug. 30, 2013
Nguyên bản tiếng Anh: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/08/28/gia-long-jiaqing-qianlong-gia-dinh-and-thang-long/