Việt Nam thả một số người bất đồng chính kiến trước cuộc đàm phán TPP
Luke Hunt – Trà Mi lược dịch
Mong có được hiệp định thương mại TPP, Việt Nam thả một số những người hoạt động dân chủ.
Trước sức ép chính trị quốc tế, và một nền kinh tế thiếu vốn, Việt Nam đã thả một số người bất đồng chính kiến trước cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về thương ước Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nguyễn Tiến Trung, một blogger 30 tuổi và người hoạt động chính trị, đã được trả tự do cuối tuần qua sau khi bị giam bốn năm. Án tù của ông đúng ra còn đến năm 2017 sau khi bị kết tội “lật đổ chính quyền nhân dân.”
Một người hoạt động khác, ông Vi Đức Hồi, 56 tuổi, đã được thả hôm thứ Sáu, sớm hơn mười tám tháng, sau khi bị kết án tù tám năm vì sử dụng Internet để đòi dân chủ. Ông đã bị trục xuất khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2007 sau khi kêu gọi cải cách dân chủ.
Cả hai đã được thả sau khi Cù Huy Hà Vũ, 56 tuổi, một người bất đồng chính kiến – có lẽ nổi tiếng nhất của Việt Nam – được trả tự do sau ba năm tù với bản án bảy năm. Ông Vũ và vợ đã rời Việt Nam tới Hoa Kỳ.
Hiệp định thương mại TPP cần quốc hội Mỹ chấp thuận. Quốc hội Hoa Kỳ đã coi Việt Nam là một nước vi phạm nhân quyền, đặc biệt là việc bỏ tù những người bất đồng chính kiến trong những năm gần đây.
Thỏa thuận này sẽ liên kết Mỹ với 11 nước trong vùng Thái Bình Dương, từ Úc và Đông Á đến Chile và Nam Mỹ. Việt Nam sẽ hưởng lợi đáng kể khi tiếp cận với thị trường ở Mỹ. Trung Quốc, một đối thủ lớn của Việt Nam, không tham gia vào các cuộc đàm phán.
“Nếu phải chọn bên thắng cuộc thì Việt Nam thắng lớn. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt được gần 96 tỷ USD, hoặc 28 phần trăm GDP, phần lớn là do xuất khẩu tăng khoảng 37 phần trăm,” kinh tế gia Samuel Rines gần đây đã nhận định như thế.
Rines cho biết lợi ích kinh tế trước mắt không phải là mục tiêu của Mỹ; Mỹ muốn có quan hệ chặt chẻ hơn với các nước đang lên ở châu Á và có mặt trong khu vực khi các quy tắc thương mại đang được thiết lập.
Rines viết trên trang The National Interest,
“Xuất khẩu và quyền truy cập thị trường Mỹ sẽ làm lợi cho các nước đang lên ở châu Á, vì các điều khoản của hiệp định sẽ có lợi cho họ hơn những đối tác thương mại không không có mặt trong cuộc đàm phán. Mỹ và Nhật Bản cũng có thể xem là những đối trọng kinh tế với Trung Quốc trong khu vực – giúp các nước nhỏ hơn và kém phát triển trong việc cạnh tranh tăng xuất khẩu.”
“Các nước đã phát triển không có lợi nhiều lắm. Mỹ, Canada và Úc sẽ không có lợi nhiều qua thương ước TPP, vì những quốc gia này đã có hiệp định thương mại tự do rồi.”
Rupert Abbott, Phó giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết họ đã rất vui mừng với việc Việt Nam thả những người tù vì bất đồng chính kiến nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng họ không nên bị giam trước đó.
“Việc thả tù nhân là một bước đi đúng hướng cho tự do ngôn luận và chúng tôi hy vọng rằng chúng phản ảnh sự thay đổi của Việt Nam về mặt tôn trọng nhân quyền,” ông nói.
Tổ chức Ân xá cho biết có 75 người Việt Nam bị giam giữ chỉ vì đã bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa.
“Nhà cầm quyền (Việt Nam) nên bồi đắp bước đi tích cực này bằng cách ngay lập tức và vô điều kiện thả tất cả các tù nhân lương tâm, những người đang sống mòn mỏi trong tù chỉ vì bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa bình,” Abbott cho biết.
Hồi tháng ba, giáo viên, blogger bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định, 50 tuổi, bị bắt giam về tội “chống nhà nước” vì blog viết cách đây hai năm rưỡi đã được ân xá sau khi bị ung thư. Ông qua đời hai tuần sau đó và cái chết của ông được xem như một tiếng chuông cảnh tỉnh của những nhóm nhân quyền đã chán ngán với việc Hà Nội bỏ tù người bất đồng chính kiến.
© 2014 DCVOnline
Nguồn: Vietnam Frees Some Dissidents Amid TPP Trade Talks. Luke Hunt. The Diplomat. 16/04/2014.