Vượt biên

Thang Pham

refugeeKhông có “Cầu Nối Đất Liền” của Robert Ashe vào mùa Thu 1979, người Việt khó mà tìm đến tự do qua ngã xuyên đất Miên vào Thái Lan, theo đoàn người, xe bò, xe đạp… tải nông phẩm, nông cụ để cứu đói xứ chùa tháp này những năm mà ở Việt Nam vẫn còn chính sách “ngăn sông, cấm chợ” của những kế hoạch 5 năm bánh vẽ, không thật.

Tôi và hai anh bạn là 3 người “được” trở thành hội viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cuối cùng của trường Nha sau 1975. Có lẽ vì máu tôi đỏ nhưng tim không yêu nước khi khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” giăng đầy hang cùng hẽm nhỏ.

Tôi lập gia đình tháng 7 năm 78, đám hỏi và cưới cách nhau một ngày. Không như anh Nguyễn Văn Trỗi, nghe xúi dại để bị tù rồi bị xử bắn một mình, hai vợ chồng tôi rủ nhau cùng đi tù ngay sau đó vì vượt biên mà không đóng vàng cho “thảo khấu trên cạn” như những thuyền nhân ra đi “bán chính thức” thời bấy giờ.

Nhìn đứa em họ khăn quàng đỏ tròng cổ cò, đánh trống tùng xèng khi bố nó đi tù cải tạo; đọc những trang sách, bài toán kiểu như thế này, chúng tôi đã quyết định sẽ không có con cái gì nếu không thoát ra được cái chốn ấy!

Một bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 2 sau 1975. Nguồn: OntheNet
Một bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 2 sau 1975. Nguồn: OntheNet

Chúng tôi vượt biên.

Những người Âu Mỹ dọc các trại biên giới Thái-Miên 1979-1980

Bả đồ trại ti nạn coojngsar tại Thái Lan. Nguồn: Facebook.
Bả đồ trại ti nạn coojngsar tại Thái Lan. Nguồn: Facebook.

1. Solange -Tôi chỉ còn nhớ tên cô là Solange, người bác sĩ Gia Nã Đại làm việc nơi cái bệnh viện dưới thung lũng có lá cờ hồng thập tự lớn phủ che hơn nửa mái tranh.

Trại Nong Chan! Nước mắt cả nhóm hơn 10 người đã tuôn như suối khi hứng nước uống từ một cái giếng đào trên đường xuống trại. Sau lưng là những ngày đêm xuyên rừng, lọc nước bằng vạt áo từ những vũng nước trâu tắm, ghe chìm khi băng sông, ngồi giữa những bãi mìn còn lưu lại thuở nào, đạp gai mà chạy xuyên đồng không quạnh trống…

Những người tỵ nạn đường bộ chỉ mới bắt đầu cuộc sống khốn nạn, íck kỷ một cách hồn nhiên nơi ranh giới sống chết là sợi chỉ, trước khi bước vào ngưỡng cửa của tự do. Khác với đường biển, đến bờ là biết mình sẽ sống! Người tỵ nạn đường bộ khi đến gần biên giới Thái thì mới biết mình có thể đã chết bất cứ lúc nào!

Chúng tôi được đưa vào nhà thương do Ủy Ban Quốc Tế của Hội Hồng Thập Tự (International Committee of the Red Cross, ICRC) dựng lên trong cái trại tương đối trật tự, nề nếp – so với hàng tá trại dọc biên giới – dưới ánh mắt những người thiện nguyện lúc bấy giờ. Trên con đường từ triền núi xuống, tôi ngây thơ cho hết mọi thứ còn mang trên lưng dù cũng chẳng có gì đáng giá khi có người xin, chỉ giữ lại bọc thuốc Tây mang từ Sài Gòn. Vợ bị tiêu chảy, mất nước do “thượng thổ hạ tả” từ nhiều ngày trước, mặt đã nổi những vết thâm tím từng mảng. Trên cái giường tre ở bệnh viện Nong Chan, người y tá Miên tiếp nước biển nhưng vẫn không cầm được chuyện “hạ tả” liên tục.

Tôi rặn ra câu hổ lốn ngoại ngữ, xin, “May I have a ‘savon’?”

Bác sĩ Solange, nói tiếng Anh và Pháp, ngước nhìn trong yên lặng.

– For my wife, diarrhea, non stop!

Cô đi vào khu vực giấy tờ và chứa thuốc men, loay hoay một lúc rồi trở lại với cục xà phòng trong hộp, dúi vào tay tôi, thấp giọng, “There’s 40 Baht inside. Don’t let anyone knows it!”

Những đồng tiền ân nghĩa đầu tiên nhận được từ người lạ. Ngày sau đó, Solange là một người bạn gái nước ngoài đầu tiên, tóc vàng, đẹp và thơm phức khi ngồi cạnh trò chuyện, hay ôm hôn từ biệt lúc cuối ngày khi cô phải trở về nghỉ đêm ở Aranyaprathet, một nơi an toàn hơn. Bộ đội Việt Cộng nã mọc-chê chết người vào ban đêm. Những điếu thuốc Malboro đỏ được đốt lên, câu chuyện gia đình trao đổi.

“You are lucky!” “Who?” Chồng cô vì lý do chính trị nào đó hiện bị giam giữ ở Cuba. Tôi có địa chỉ của cô ở Montreal, thư liên lạc khi mới định cư nhưng không có thư trở lại.

2. Denise – Dong dỏng cao, nhanh nhẹn, người Thụy Sĩ. Cô là vị thánh sống chạy quanh che chở cho người Việt đường bộ lúc bấy giờ. Khi ông trùm Van Saren, sứ quân trại Mak Mun đánh trại Nong Chan của sứ quân Kong Sileah, vài ngày sau khi chúng tôi nhập trại. Lý do đánh nhau giờ đây tìm trong các tài liệu trên mạng mới rõ; thì ra “trại tao bán gạo sao mày phát không, phá giá hử!”

Denise với cây cờ Hồng Thập Tự to tướng, leo lên nhánh cây cao, đạn bay súng nổ không ngăn được, cô vẫy cờ ra dấu để người Việt tụ đến chung quanh và được che chở. Mỗi mạng người Việt lúc ấy đáng giá 4 tạ gạo chỉ xanh. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đổi gạo lấy người từ Pol Pot, Heng Samrin, và các ông trùm Khmer “tự do”; Movement for the National Liberation of Kampuchea, The Khmer People’s National Liberation Front – KPNLF, phe Sihanouk, phe Lon Nol, phe….

Khi Denise từ giả người Việt trại Khao-I-Dang, KID, về nước, chúng tôi đã khóc như mưa.

3. Susan Walker – giám đốc American Refugee Committee, nói tiếng Thái như người Thái. Cùng với bình truyền nước biển, chúng tôi theo đoàn người đến trại Nong Samet hay trại 007, thuộc Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia của Nhân Dân Miên (KPNLF).

Nhứng người vượt biên tị nạn cộng sản ở trại 007 (Nong Samet). Ảnh: Đai Pham.
Nhứng người vượt biên tị nạn cộng sản Việt Nam ở trại 007 (Nong Samet, 1983). Ảnh: Đai Pham.

Vợ lại nằm nhà thương tiếp. Tôi trình bày, thông dịch cho tình trạng kinh hoàng của những người phụ nữ với Susan (?) tại trại này bằng mớ tiếng Anh ba rọi. Vợ tôi được đẩy lên xe buýt, chuyển trại theo người bệnh. Cái tính không chen lấn đã làm tôi lọt lại. Sang được KID, chị Hồng, chẳng phải bệnh nhân, nhưng đã theo được xe buýt chuyển bệnh, nhận vơ tôi là em họ và nhờ anh bác sĩ người Đức đem tôi vượt biên giới Thái lúc ấy đã đóng cửa. Tôi ở lại thêm hai ngày, chứng kiến nhiều cảnh đời ngàn lần khổ hơn thân mình. Susan là gạch nối cho gia đình, anh em sau này đến Thái. Chúng tôi gặp lại Susan khoảng hơn 10 năm trước, cô về thu xếp chuyện nhà ở Massachusetts. Buổi tiệc ở nhà Sleepy Hollow hôm ấy có cả Kyle và hai cô con gái. Đầy nước mắt mừng vui!

4. Anh bác sĩ Đức – Trong hai ngày ở lại 007 này, tôi gặp lại Solange và một bác sĩ Hoa Kỳ, Sandra (những cái tên quá xa lạ nên không chắc nhớ đúng?), người định cho tôi cái quần jean vì cô cùng kích thước. Bịa bệnh, khai cho một số phụ nữ Việt nhập viện, dù sao cũng an toàn gấp nhiều lần hơn sống bên ngoài.

Định theo dấu sao trời, tìm phương hướng sang Thái cùng một thanh niên, nếu đi thì chắc đã nằm đâu đó nơi biên giới! Tôi theo anh bác sĩ người Đức, giả vờ như đau ruột thừa, vượt biên giới Thái, qua cổng gác trên cái xe mang cờ chữ thập đỏ to tướng. “Who said it’s hard to cross Thai’s border?” Xe dừng lại trước cửa bệnh viện KID, vợ và chị Hồng cười tươi đón. Bắt đầu cuộc sống nhổ răng hơn 9 tháng trong cái trại 100 ngàn người Miên và 1 ngàn người tự nhận là người Việt ở khu vực 13, sát hàng rào. Mổi ngày là một chương sách dài, muôn vẻ con người.

5. Kyle Coble – người nha sĩ tốt nghiệp Medical Clollege of Virginia làm việc ở section 13, người anh đã ở lại trại khi tiếng đạn pháo ban đêm làm nỗi lo sợ phát sinh, người bạn đến thăm khi nghe tin tôi bệnh không thể đi làm, người đồng nghiệp khi anh lập một hồ sơ dầy cộm với hình ảnh gửi cho khoa trưởng Kennedy của MCV, người cộng sự trong chuyến băng đồi lội suối qua sông chữa răng ở Luang Prabang – Vang Vieng – Vạn Tượng mấy năm trước cho tròn một vòng chưa tròn.

 “Cầu Nối Đất Liền” của Robert Ashe.
“Cầu Nối Đất Liền” Landbridge của Robert Ashe.
Bản đồ trại tị nạn ở vùng biên giới Cam Bốt - Thái Lan (1979-1984). Nguồn: websitesrcg.com
Bản đồ trại tị nạn ở vùng biên giới Cam Bốt – Thái Lan (1979-1984). Nguồn: websitesrcg.com

 


Nguồn: Vượt biên. Thang Pham. Facbook. April 24, 2014. DCVOnline minh họa.