Nhớ những cuốn sách, nhớ mấy ông Thầy
Kính Hòa RFA
Loay hoay viết bài xung quanh vụ cuốn sách giáo khoa địa lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà người Tàu trưng ra ở Liên hiệp Quốc, chợt nhớ một bài viết cũ cách đây đã mấy năm, nay chép ra đây. Đó là vào một mùa đông cách đây khá lâu.
Mùa nghỉ đông cũng là lúc kết thúc học kỳ lục cá nguyệt hay tam cá nguyệt ở nhiều trường Đại học, thế là tụi nhóc đem sách đi bán. Giờ thì quen rồi, chứ hồi mới biết thì thiệt tình là dị ứng, vì răng mình lớn lên trong một nơi cứ nghe suốt ngày nào là không được “Cha làm thầy, con bán sách”, rồi là “Để chữ chứ không để của” …mà ba tui lại là thầy giáo nữa chứ.
Rồi thì tui cũng chấp nhận (một phần nào) chuyện bán sách cuối học kỳ này, theo tui nó có hai vấn đề. Thứ nhứt là nếu như cứ xài sách cũ mãi như ở xứ ta thì sẽ …không có sách mới, mà như rứa không có tiến bộ. Thứ hai là chuyện ấn bản sách ào ào cũng phí phạm vô cùng, đôi khi chỉ sửa một hai câu, thành một version mới, thế là hàng tấn sách nội dung còn mới toanh phải vất đi, điều này chỉ có lợi cho các corporate xuất bản mà thôi. Miên man chuyện sách, tự nhiên lại nhớ mấy ông thầy, và viết ra đây vài dòng cho…mình là chính, vì có thốt lời tri ân mấy thầy thì cũng bằng thừa.
Cuối năm 1979 là một thời điểm khá lạ, không bình thường, ở cái thành phố tỉnh lẻ tui ở, và có thể là khắp các thành thị miền nam lúc ấy. Suốt bốn năm hòa bình, “ấm no, hạnh phúc” không đến mà lại có chiến tranh và …đói. Sự phá sản của kinh tế tập thể, sự đối đầu ý thức hệ,… (có thể ai đó muốn kể thêm) đã dìm xã hội trong sự chán ngán, trùm một màu xám lên đường phố và thôn quê. Có lẽ đó là thời điểm bắt đầu có sự thay đổi, Tết năm ấy nhộn nhịp khác thường, hàng hóa từ biên giới Thái tràn về một màu sặc sỡ các thành phố miền nam. Tui và đám nhóc trong xóm đi chơi chợ Tết buổi tối, đêm 27, cả một không gian màu vàng và đỏ, màu vàng của các bóng đèn điện tròn, các sọc đỏ của vải Thái Lan (chứ hông phải màu cờ), một không khí đầm ấm xưa cũ.
Chợt tui nhận ra người quen ngồi trên vỉa hè một góc phố thương mại sầm uất, thầy Khương dạy tiếng Pháp, trước mặt thầy là khoảng ba mươi cuốn sách cũ, lấy ra từ tủ sách của một thầy giáo hơn 20 năm trong nghề. Thầy nhận ra tui, hơi hé một nụ cười buồn, không nói lời nào, cúi đầu xuống trang sách, bất động. Tui ngớ người ra, đứng như cây cột cho đến khi thằng bạn lớn tuổi hơn (hiểu đời hơn) kéo đi. Hơn ba mươi năm trôi qua mà tui vẫn nhớ cái góc phố với dáng còm cõi của thầy trong ánh sáng vàng và đỏ, trong sự nhộn nhịp như xì ra từ một cái bong bóng. Và nay, cứ mỗi độ học kỳ break, thấy tụi nhóc vác sách đi bán, tui lại nhớ cái bức tranh xưa đó, chắc có lẽ nó đã chiếm trọn một ngăn trong bộ não đa đoan với sự mưu sinh của tui ngày nay.
Vài tháng sau thì tui thấy thầy Đại đạp xe lôi (chiếc xe đạp kéo một cái thùng có hai bánh phía sau). Thầy Đại người Quãng Ngãi, dạy sử, rất hay và yêu cầu cao ở học trò. Cái môn “sử chính trị” qua lời dạy của thầy trở nên có hồn, và lấp ló đâu đó thông điệp của sự thật. Tui yêu môn sử, dù không theo nó (làm sao mà theo được nhỉ?) có lẽ cũng một phần từ thầy Đại. Một điều tui nhớ về thầy nữa là khi đạp xe lôi thì thầy mặc áo thun rách, quần xà lỏn, và lên lớp giảng bài với một chiếc sơ mi trắng tinh, quần tây thẳng nếp.
Đúng là giấy rách cố giữ lấy lề. Mà ai xé tờ giấy chứ thầy có xé đâu!
Sang lớp 11 tui học một ông thầy dạy văn khá lập dị. Điều kỳ khôi là tui không nhớ tên thầy mà lại nhớ cái màu áo sơ mi cháo lòng của thầy như in, rồi cái quần tây nhàu nát, đôi giày rách te tua. Nhưng thầy bình Kiều rất hay, tới mức tụi tui không hề biết trong sách “người ta” bình luận như thế nào, mà chỉ nhớ lời thầy thôi. Rồi một hôm thầy dọn về mướn nhà đầu xóm tui ở. Từ đó, cứ buổi tối sau giờ cơm tui đi rong ra đường, đi ngang căn nhà gỗ ọp ẹp đó, đứng lại lắng nghe tiếng violon réo rắt.
Người thầy cuối cùng tui nhớ trong tạp bút này là thầy Trịnh, hướng dẫn tui làm luận văn tốt nghiệp. Lúc ấy thầy khoảng độ gần 60, người đậm đà như Phật Di Lặc, đôi mắt tròn xoe như trẻ con, tóc chỉ lơ thơ vài cọng xoăn tít trên vầng trán mênh mông. Thầy tốt nghiệp ở Budapest, cuối đời thầy cũng có một chức vụ kha khá, rồi vui thêm nghề dạy học. Kỷ niệm tui nhớ nhất là một ngày trong năm 1987, báo chí đưa tin ông TĐL lên làm Chủ tịch nước. Học trò lúc ấy cũng còn quan tâm chút ít đến thời cuộc, nên tui cầm tờ báo đi gặp thầy và hỏi thực hư ra sao.
Thầy trả lời, “Đúng rồi, phó thủ tướng phụ trách kinh tế của …quốc gia đấy.”
Đôi mắt thầy cười trong veo, tôi nhìn vào đấy và chợt hiểu hết mọi thứ. Sau này tui có đến Budapest, nơi thầy hấp thu kiến thức và tinh thần khoa học, tui thầm cảm ơn cái thành phố đó.
Nhiều người thầy đã đi qua đời tôi, và cũng có lúc tôi cũng được nhiều người gọi bằng thầy. Trong cái nắngg hanh vàng mùa đông nơi sơn cốc, tôi nhớ những người thầy, trong cái bồi hồi của sự nghiệp làm thầy dở dang, chạnh lòng mong sao những đứa học trò không phải tha phương mang sách đi bán mỗi độ đông về.
Sơn Cốc Đại Lý, ngày hửng nắng.
Viết thêm
Bây giờ là mùa hè, cái nóng bức vùng Virginia làm sao nóng bằng mấy cái cồn cát ở Quảng Ngãi, mà còn nóng hơn khi mà từ đó ra khơi một xíu là đụng cái giàn khoan nó nằm chình ình ở đấy.
Trong cái mùa hè đầy xáo trộn này tui lại nhớ thêm một ông thầy nữa, thầy Sinh.
Cuộc đời thầy Sinh rất đặc biệt. Thầy sinh ra ở….Thái Bình Dương, trên một hòn đảo nhỏ. Bố mẹ Thầy vốn là những người Chân đăng đi làm đồn điền. Khi Thầy lớn lên thì gia đình chuyển qua …Thái Lan sống. Thế rồi sau đó lại nghe theo tiếng gọi của Việt Minh hồi hương về miền Bắc sau năm 1954.
Lớn lên Thầy được sang học ở Ba Lan. Sau khi thầy về nước vài năm thì tui gặp ông.
Những lúc giải lao giữa giờ ông kể cho tôi nghe những chuỵện bên Ba Lan. Nhờ thế tui mới biết là Ba Lan thời cộng sản có chiếu cả phim …Mỹ. Nhưng chuyện đáng nói là các du học sinh Việt Nam bị sứ quán không cho phép xem các phim đó. Nhưng bọn học trò cứ rắp tâm mà đi xem. Thế rồi một hôm ông Thầy của tui đang mắt tròn mắt dẹt đi vào rạp chiếu phim thì đụng ngay cái ông phụ trách sinh viên của sứ quán vừa xem xong suất phim truớc đó.
Hi hi thế là từ đó các chú sinh viên cứ gọi là đi xem phim đế quốc vô cùng thỏai mái!
Thầy Sinh cũng nói với tui là muốn chọc quê dân Ba Lan thì cứ hỏi họ là nhà thơ Adam Mickiewicz sinh ra ở đâu. Số là vùng đất mà ông ra đời bây giờ thuộc nước…Nga. Mà hồi 1939 người Nga (lúc đó là Liên Xô) tràn vô miền Đông Ba Lan, xẻ thịt nước Ba Lan cùng với Hitler. Sau này khi đã trở thành thành viên của đại gia đình các nước xã hội chủ nghĩa, nước anh em Liên xô cũng hông thèm trả lại.
Thầy Sinh trở lại Ba Lan đâu khoảng sau khi Công đòan Đòan kết ra đời một chút. Rồi Thầy không trở lại nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa nữa. Mấy người đồng nghiệp cứ đặt nghi vấn không biết Thầy có vào Công đòan đòan kết bên ấy hay không.
Bây giờ nhân cái vụ giàn khoan và sách giáo khoa, tui lại nghĩ không biết sau này có người sinh viên Ba Lan nào sẽ cắc cớ chọc quê mấy bạn Việt nam rằng: Tao nghe nói hình như quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc về Việt nam phải không mi?
Washington, D.C. hè 2014
Nguồn: Nhớ những cuốn sách, nhớ mấy ông Thầy. Kính Hòa RFA Facebook. Note, June 20, 2014 at 11:36am. DCVOnline minh họa.