Anh Hai Nhị
Mai Lăng
Đất trời có lúc tận cùng,
Mà đây mối hận nghìn trùng khó phai.
Làng quê tôi nằm ven chân núi bên tả ngạn sông Kôn(*). Tôi sống trọn tuổi thơ ở đó, khi lớn lên ra tỉnh học, cảm thấy mình thua thiệt với các bạn cùng trang lứa ở tỉnh thành. Nhưng bù lại, tôi được hưởng mọi thú vui đồng nội mà các bạn khác không dễ gì có được.
Một năm bốn mùa, mùa nào cũng có cái thú riêng, như mùa đông thì thả lưới đón bắt cá từ sông Kôn vào đồng đẻ trứng. Cá trâu, cá đá từ thượng nguồn sông Kôn đổ xuống, cá phóng ngược nước tràn vào ruộng gò từng đàn, từng đàn hàng nghìn hàng vạn con. Nước núi đổ xuống ruộng cao, mực nước sâu cỡ đầu gối lũ nhỏ chúng tôi, cá bơi đặc nước, chúng tôi mặc sức giăng lưới, úp nôm. Có cái hay là khi nước bắt đầu giựt, thì cá xuôi ra sông và trở về đầu nguồn hết, năm sau cảnh ấy tái diễn lại. Nhưng tôi thích nhất là bắt dế cơm, người ta chỉ ăn dế cơm thôi, các loại dế khác thì không ăn. Tôi không biết con dế trong “ Dế Mèn Phiêu Lưu Ký “ của nhà văn Tô Hoài là dế gì. Dế cơm làm hang ở trong những đám ruộng trồng mì, khi nước ngập, dế bò lên tá túc trên những dọt cây mì, lũ nhỏ chúng tôi tỏa ra bắt dế bỏ vào giỏ mang về. Dế được rửa sạch, rồi nhón tay bắt từng con, ngắt phần trên cổ kéo đùm ruột ra vứt đi, khử dầu phụng (dầu từ hạt đậu phụng) cho tới, bỏ dế vào rang chín, thêm tí nước mắm và gia vị, thế là có một món ăn ngon tuyệt, mùa đông mà cơm nóng với món này thì không sơn hào hải vị nào bằng.
Thưở ấy, làng tôi thanh bình trù phú lắm, ruộng đồng tươi tốt, cây trái sum sê. Trẻ con đa phần được cắp sách đến trường, người lớn đều có việc làm, ai lo việc nấy, các cụ già thì vui với cái vui của tuổi già như thả cá, gác cu, lúc ấy tôi không biết gì nhưng vẫn nghe các cụ ngâm và bình Kiều, nào là chàng Kim tốt số nên lọt vào mắt xanh cô Kiều v.v. (Bây giờ người ta thực dụng lắm, nơi thôn dã mà nói đến thơ văn người ta chê là gàn, là hâm). Về sau, đọc những câu thơ của Đỗ Mục (**), tôi lại nhớ cảnh cũ của làng mình:
“Tang chá ảnh tà xuân xã tán,
Gia gia phù đắc túy nhân qui.”
“Vườn dâu nắng đã cuối ngày,
Tiệc tan, người dắt người say ra về.”
Hành lang phía sau làng tiếp giáp tới chân núi là những sở đất trồng xoài, trồng mít. Từ xa xưa, những vị có chức sắc trong làng, mỗi vị đều có những sở đất trồng cây ăn trái (cũng như bây giờ, một số cán bộ xã, huyện có những trang trại vậy), như là vườn mít của hương lễ Giác, vườn xoài của trùm Le, nhà tôi cũng có một vườn mít mà người ta thường gọi vườn mít ông hương kiểm, vì ông nội tôi làm hương kiểm (chức vụ của trưởng công an thôn ngày nay).
Một khi mùa màng gieo cấy xong, người ta đánh bò thả vào rừng, bò tự lùng sục khắp núi hang khe suối, ăn uống no nê, cuối ngày lững thững ra khỏi rừng, trẻ con chỉ việc dẫn từng bầy về chuồng.
Những ngày nghỉ học, tôi nhất quyết đòi phải được đi chăn bò. Lũ nhỏ chúng tôi thích nhất là đi chăn bò, có đứa trốn học để đi theo vì đi chăn bò là có dịp tham gia nhiều trò chơi thú vị.
Thả bò vô rừng xong, bọn tôi tung tăng bay nhảy cả ngày. Có khi xuống suối nghịch nước, be bờ, bắt cá nướng ăn. Có khi vào vườn xoài, có khi vào rẫy mít. Hái mít dú vào bụi rậm, mỗi nơi dú một trái, canh sao ngày nào cũng có mít chín để cả bọn cùng ăn. Luật đặt ra là phải ăn chung, không được ăn lẻ; ai ăn lẻ là bị khai trừ khỏi nhóm. Người ta nói lũ chăn bò thảo ăn hơn lũ học trò; mà thực vậy, có gì bọn chăn bò cũng ăn chung; con chuột nướng xong, xé ra mỗi thằng cái chân; con cá nướng xong, mỗi thằng một miếng, không dấu ăn riêng như đám học trò.
Trong bọn, thường chọn một thằng leo giỏi, leo lên cây mít, nó cầm theo một khúc roi gõ vào trái mít, nghe tiếng kêu “chóc chóc” là mít non, tiếng nghe “cốc cốc” đanh là mít già, nghe “phịch phịch” là mít gần chín. Tôi chỉ có “ trình độ” chừng ấy, còn phân biệt mít chín vào ngày nào, chín sáng hay chín chiều là phải nhờ đến đại ca của chúng tôi là anh hai Nhị.
Anh hai Nhị lớn hơn tôi bảy tám tuổi gì đó; anh không được đi học, nhà không đủ ăn, nên gởi vào nhà tôi để giúp việc từ nhỏ. Anh rất lanh lẹ, sáng dạ, cái gì cũng biết như đã học từ đâu rồi, nên bố tôi thường dẫn anh ta theo mỗi lần ông ta đi rập chim, thả cá, có anh ta là thu được kết quả tốt. Thường trẻ thông minh thì hay nghịch ngợm, anh lại có những trò lạ để chọc phá người ta, bà con cũng vừa thương vừa giận mà cứ mắng anh là thằng “phá làng phá xóm”. Tôi nghĩ nếu anh ta mà sống thời Đinh Bộ Lĩnh, có khi anh ta cũng là một sứ quân không chừng. Khi ấy Việt Nam ta không phải có thập nhị sứ quân mà là thập tam sứ quân.
Tôi kể cho các bạn nghe một việc làm của anh ta để thấy cái “độc đáo của ảnh. Số là anh ta biết dưới gốc tre già, rễ tre có chất lân tinh, ban đêm phát ra ánh sáng. Anh ta cạo lấy rễ tre, đợi trời tối vào nhà ông bà Nhế; anh ta ngồi vào cối xay lúa đặt ở nhà bếp, lấy rễ tre bôi đầy mặt. Ông bà Nhế là đôi vợ chồng già, không có con, bà Nhế bị tật đôi chân từ nhỏ, nên bà đi cà nhắc. Đêm ấy, ông bà ngủ ở nhà trên như thường lệ, nửa đêm bà mở cửa xuống nhà bếp để đi ngoài. Vừa nhìn lên cối xay lúa, bà thét lên một tiếng, ngã bật ngửa ra, bất tỉnh nhân sự. Ông Nhế chạy xuống thấy thế, do từng trải, ông chợt hiểu ra sự việc, ông rón rén mở cửa trước, đến chuồng bò rút lấy cái roi mây. Ông đi vòng cửa sau, vào nhà bếp rồi cứ nhè đầu anh hai Nhị bổ roi xuống, ông bổ lấy bổ để. Một lúc sau, anh hai Nhị mới phá vòng vậy thoát được về nhà.
Sau trận đòn ấy, anh hai Nhị phải nằm bệnh mấy ngày, bà tôi nấu cháo cho ăn và mắng nhiếc anh ta dữ lắm.
Về sau làng tôi không còn thanh bình, chiến tranh kéo về. Đa phần dân tản cư qua thị trấn, gia đình tôi cũng vậy. Nhưng anh hai Nhị thì ở lại, lúc này tôi xuống Qui Nhơn học, tôi và anh hai Nhị xa nhau từ đó. Người ta đi bỏ lại nhà cửa ruộng vườn. Anh hai Nhị ở lại làm ruộng sinh sống qua ngày, anh không đi lính cộng hòa, cũng không theo du kích.
Không biết duyên nợ sao đó mà anh ta quen một cô có chồng thoát ly đi du kích, cô ta ở xã Bình Tường, bên kia sông Kôn. Sau cô ta về làng tôi sống với anh hai Nhị như vợ chồng.
Một tối nọ, du kích ra bắt anh ta đi, mọi người cứ đồ rằng anh hai Nhị đã đi làm du kích, còn việc bắt bớ chỉ là giàn cảnh thôi, để khỏi phải làm khổ người vợ. Nhưng ba hôm sau, trời tối, người ta dẫn anh hai Nhị về xóm, tập họp dân lại và tuyên bố là anh ta có tội với cách mạng. Anh ta phải chịu bản án tử hình, lệnh tử hình thực thi ngay trong đêm đó. Nơi tử hình anh hai Nhị là gò Lăng (trước nhà tôi cỡ hai trăm thước, đây là nơi sinh của ba anh em Tây Sơn, bây giờ còn nhà lưu niệm.) Rồi ba người du kích dẫn anh ta ra gò Lăng, dân không được theo, trời tối lắm. Đến nơi, người ta đưa anh vào vị trí, khi người chỉ huy hô “bắn”, anh ta kịp xoay thân trên người một góc chín mươi độ. Loạt đạn nổ lên, máu phọt ra, anh ta ngã bất động.
Mấy người du kích bỏ đi, dân ào chạy đến kêu khóc, người ta phát hiện anh hai Nhị chưa chết. Mọi người nén khóc, âm thầm võng anh ta chạy qua thị trấn Phú Phong, ở đây anh ta được sơ cứu, rồi Mỹ dùng máy bay trực thăng chở đi Qui Nhơn cứu sống anh ta.
Bằng vào trí thông minh, tinh quái, anh xoay người kịp trước khi bị bắn, nên đạn cày xớt qua ngực anh mà không xuyên thẳng qua ngực, lần này anh thoát chết.
Người ta thấy anh hai Nhị thoát chết nên tha chết cho anh. Ban ngày anh vẫn làm ruộng, nhưng ban đêm phải “đi ngủ”.
Các bạn biết “đi ngủ” là gì không? Hồi đó ở quê tôi những người có thể bị ám sát, ban đêm phải tìm chỗ ngủ cho an toàn, nay đây mai đó, nên mới gọi là “đi ngủ”.
Tôi có người ông họ làm ấp trưởng, ông ta qua thị trấn mua một căn nhà ọp ẹp để “đi ngủ”, nhưng du kích cũng lần mò qua. Ông ta sợ phải “ đi ngủ” chỗ khác. Không biết ma đưa lối quỉ đưa đường sao mà anh hai Nhị lại vào căn nhà này ngủ. Nửa đêm nghe tiếng gõ cửa, anh hai Nhị nát cả thần hồn, chun tuột xuống gầm giường, nằm úp mặt vào vách tường. Du kích đạp cửa vào, rọi đèn pin dưới giường, tưởng là chủ nhà, họ lia vào một băng đạn. Lần này anh hai Nhi vĩnh viễn ra đi.
Giải phóng dân tộc là vậy sao?
Tạo hóa đã cho vạn vật lẽ sinh tồn, tấm bé như con sâu cái kiến cũng không ngoại lệ, huống là con người. Ai ? ai có quyền nhân danh vì cái này này cái nọ mà tước đi mạng sống của người ta.
Nỗi oan khiên bút mực nào tả xiết, sao bằng mượn lời của Bạch Cư Dị (***):
“Thiên trường địa cửu hữu thời tận,
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ.”
“Đất trời có lúc tận cùng,
Mà đây mối hận nghìn trùng khó phai.”
Sài Gòn ngày 1/7/2014
Nguồn: Bài tác giả nhờ chuyển. DCVOnline hiệu đính và chú thích.
DCVOnline:
(*) Sông Kôn còn gọi là sông côn hoặc sông Kone là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, nhưng bắt nguồn từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai.
(**) Có nguồn cho rằng đó là hai câu thơ của Vương Giá (王駕, tự Đại Dụng 大用, người Hà Trung, nay thuộc Sơn Tây, đỗ tiến sĩ làm quan đến Lễ bộ Viên ngoại lang, là một nhà thơ có phong cách độc đáo thời Vãn Đường) trong bài Xã nhật thi (社日詩)
鹅湖山下稻粱肥,
nga hồ san hạ đạo lương phì,
豚栅鸡栖半掩扉。
đồn sách kê tê bán yểm phi。
桑柘影斜春社散,
Tang chá ảnh tà Xuân Xã tán
家家扶得醉人歸。
Gia gia phù đắc tuý nhân quy
(***) Hai câu chót (119, 120) trong bài Trường hận ca 長恨歌 của Bạch Cư Dị
天長地久有時盡
Thiên trường địa cửu hữu thời tận
此恨綿綿無絕期
Thử tình miên miên vô tuyệt kỳ
(Trời đất lâu dài còn có lúc hết,
nhưng mối hận này triền miên không có lúc nào nguôi.
Trần Trọng San dịch, Thơ Đường 2, Bắc Đẩu, Việt Nam)