Tản mạn cờ đỏ, cờ vàng

Trà Mi

red-yellowTóm lại, những bài văn/thơ/vè/nhạc cận đại và đương đại cho rằng “cờ vàng”, “cờ đỏ” là lá cờ truyền thống và chính thống của quốc gia dân tộc thực chất đều là những tác phẩm sáng tác trong ảo giác của trường phái chủ nghĩa dân tộc lẫn với “chủ nghĩa chế độ” (nationalism !@#$ regimeism).

Cờ đỏ

Nguyễn Du (1766-1820) nhân đọc một tác phẩm tiểu thuyết chương hồi – Kim Vân Kiều, của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả đời nhà Thanh biên soạn vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17- đã cảm hứng viết thành Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), được xem là áng văn chương bất hủ của Văn học Việt Nam.

Trong Chương “Kiều báo thù”, ở hai câu 2299-2300, Nguyễn Du viết

“Ba quân chỉ ngọn cờ đào,
Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri.”

Nhân vật và địa danh trong truyện Kim Vân Kiều và Truyện Kiều dĩ nhiên là ở Trung Hoa. Vô tích là một thành phố trực thuộc tỉnh của tỉnh Giang Tô và Lâm tri là một huyện của tỉnh Chiết giang (phía nam Giang Tô). Và theo Thanh Tâm Tài Nhân thì thời đó (thế kỷ 16-17) thì thủ lãnh hải tặc Từ Hải đã sử dụng cờ đào.

Ở Việt Nam, theo nhiều tác giả cận đại và đương đại viết khơi khơi từ Hai Bà Trưng (Thế kỷ 1), đến Bà Triệu (Thế kỷ 3) rồi Nguyễn Huệ (Thế Kỷ 18), ai cũng dùng cờ đào. Riêng về vua Trưng, ngoài việc “phất cờ đào” theo truyền tụng trong dân chúng xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây thì hai bà còn thuộc hàng người mẫu, “Tay tiên phất ngọn cờ đào, sáu mươi thành quách thu vào một tay.” (Trích “Nếp cũ” của Toan Ánh, Nam Chi tùng thư, Saigon 1969).

Lịch sử tơ sợi ở Trung Hoa cho biết hàng may mặc cổ xưa nhất là tơ lụa có thừ đời nhà Thương (thế kỷ 18-thế kỷ 12 trước Tây lịch); còn gòn (cotton) ở Trung Hoa thì dân chúng thời Đông Hán (thế kỷ 1 sau Tây lịch) đã trồng ở Phúc Kiến và dùng làm vải may mặc.

Tơ tằm hay vải gòn nguyên bản không có màu. Trang phục có màu là do con người chế tạo dùng phẩm mầu hữu cơ hoặc bột mầu vô cơ để nhuộm vải, lụa.

Như thế từ Bà Trưng, Bà Triệu, tướng cướp Từ Hải cho đến Vua Quang Trung lấy gì để nhuộm vải hay lụa để làm thành ngọn “cờ đào”?

Theo lịch sử phẩm và bột mầu thì mầu đỏ (“đào”?) và lịch sử trang phục Trung Hoa thì màu đỏ dùng làm trang phục trước nhất là lụa thời Tây Hán (thế kỷ 2 trước Tây lịch). Nhưng đây là màu nâu nhiều hơn là đỏ. Đến đời nhà Đường (thế kỷ 7-10) người Trung Hoa mới tìm được một số phẩm và bột mầu đỏ từ những loại thực vật như Hồng hoa (carthamus tinctorius), gai hoặc thân loại cỏ lúa miến (Sorghum, hồng cao lương) hoặc gỗ của cây Tô mộc, (hay cây vang nhuộm, Caesalpinia sappan).

T

Trang phục màu đỏ: từ lụa thời Tây Hán đến triều phục của Hoàng đế Tống Cao Tông (1127–1162) váy của vũ nữ nhà Đường. Nguoofn arnh: Wikipedia.org
Trang phục màu đỏ: từ lụa thời Tây Hán đến triều phục của Hoàng đế Tống Cao Tông (1127–1162)  váy đỏ của vũ nữ nhà Đường. Nguồn ảnh: Wikipedia.org

Còn phẩm vô cơ màu đỏ đầu tiên người Trung Hoa đùng là bột chu sa, một loại đá trong quặng thủy ngân (ký hiệu hóa học là HgS). Tuy nhiên người Trung Hoa thường dùng chu sa để chế tạo đồ/tranh sơn mài hơn là dùng làm phẩm nhuộm y phục, và bột chu sa cũng nghiêng về màu nâu hơn là màu đỏ.

Quặng chu sa và hộp sơn mài đỏ trạm vàng đời nhà Tống (thế kỷ 12-13).
Quặng chu sa và hộp sơn mài đỏ trạm vàng đời nhà Tống (thế kỷ 12-13). Nguồn ảnh: Wikipedia

Nếu dựa theo sơ lược lịch sử thuốc nhuộm, phẩm màu và giả sử là dân chúng đời hai bà Trưng bà Triệu có cùng độ phát triển khoa học nhân văn như dân chúng đời nhà Tân hay thời Tam Quốc đi nữa thì e rằng cũng chưa có thuốc nhuộm hữu cơ màu đỏ để nhuộm vải dùng làm ngọn “cờ đào”. Đến đời của Từ Hải và Quang Trung Đại Đế thì “cờ đào” là một thực tế có thể xảy ra. Tuy không quan tâm đến ngọn “cờ đào” của ông hải tặc Từ Hải, người viết tin rằng chưa có tài liệu khoa học lịch sử nào của Việt Nam hay của người nước ngoài chứng minh được vua Quang Trung phất ngọn “cờ đào” ngoài hai câu lục bát trong bài Ai tư vãn,

“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình.”

Và cũng ở phạm trù văn vần, ca dao Việt Nam cũng đề cập đến “cờ đào” nhưng không phải nói đến quốc kỳ, tướng kỳ, vương kỳ, hay đảng kỳ mà nhắm vào hủ tục đa thê:

“Em xót thương anh phất ngọn cờ đào,
Còn thò tay bẻ mận em dạ nào dám ưng.”

Đó là chuyện cờ đỏ; còn chuyện cờ vàng?

Cờ vàng

Không kém phe cờ đỏ, vẫn các tác giả Việt Nam đương đại, viết đầy mạng và in thành cả sách. Mới đây, một cuốn tiểu thuyết lịch sử về Nhụy kiều Tướng Quân của tác giả Ngô Viết Trọng do nhà xuất bản Thanh Thủy hát hành năm 2014 lấy “Đầu voi phất ngọn cờ vàng” làm tựa sách luôn cho nó tiện. Trước đó, năm 1990, nhà xuất bản Quê Hương phát hành cuốn truyện có tranh minh họa của Bùi Văn Bảo, Bùi Đình Mạc, Vi Vi Võ Hùng Kiệt, Võ Hồ Điệp với tựa đề là “Bà Triệu đầu voi phất ngọn cờ Vàng”.

Mà đâu phải chỉ có Bà Triệu cỡi voi, người ta cho hai bà Trưng cỡi voi phất cờ (vàng) luôn bằng cách đổi lời của “Đại Nam quốc sử diễn ca”. Đây là một thi phẩm lục bát do Lê Ngô Cát biên soạn theo lệnh Vua Tự Đức sau đó Phạm Đình Toái hiệu đính từ 1887 câu (3774 dòng) còn lại 1027 câu lục bát trước khi in. Bản chữ quốc ngữ đầu tiên in năm 1870 do Petrus Trương Vĩnh Ký diễn âm. Những câu trong nguyên bản là

“Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…”

đã biến thành

“Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù khi chiến tử còn là hiển linh.”

Chưa hết, còn có  một “nhà văn” viết chắc như bắp là “cờ vàng cũng là cờ ông Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn” và ông “nhà văn” chứng minh bằng lời trong bài hát “Nước non Lam Sơn) của Hoàng Quý (1920-1946) [“Nước non Lam Sơn! / Nước non Lam Sơn! / Bóng cờ bay phấp phới / Khắp nơi cờ vàng / Khắp nơi cờ vàng…”]

Vàng là màu mà vua chúa, hoàng gia từ Âu sang Á thường dành riêng cho họ. Trước khi có phẩm nhuộm nhân tạo phát minh vào giữa thế kỷ 19 thì người ta đã dùng phẩm mầu lấy từ cây cỏ trong thiên nhiên. Riêng phẩm màu vàng có thể chiết ra từ Saffron, nhuỵ hoa của cây Crocus sativus, hay từ vỏ trái lựu, hoặc từ bột củ nghệ, hay vỏ hành (tây) hay một số hoa cỏ dại khác. Tuy nhiên, những màu vàng này không phải là màu vàng tươi,

Thực vật dùng làm bột nhuộm màu vàng Saffrons, vỏ lựu, bột nghệ. Nguồn: OntheNet

Nguyễn Du (không phải Thanh Tâm Tài Nhân) cũng nhắc đến vỏ lựu ở hai câu 837-8 trong Đoạn trường tân thanh, tính toán của Mã Giám Sinh, nhưng không liên hệ gì đến màu sắc của vua chúa hay hoàng tộc:

“Nước vỏ lựu, máu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.”

Tuy vậy, theo “Chuyện Y học trong Kiều” của Lê Văn Lân thì nước vỏ lựu với máu mào gà “từng là một phương pháp trị liệu hơn là một hình thức ngụy tạo sự thanh tân của người con gái!”

Hai loại phẩm nhuộm vàng tươi có tầm quan trọng ở châu Âu là khám phá khoa học ở thế kỷ thứ 18 đều là phần tử của những loại cây (thân mộc) ở châu Mỹ; đó là phẩm vàng chanh-sồi (Quercitron) chiết từ vỏ cây sồi đen (Quercus velutina) ở Bắc Mỹ và phẩm vàng (để nhuộm vải ka-ki của quân đội Mỹ dùng trong đệ I thế chiến) chiết ra từ cây Maclura tinctoria hay còn gọi là cây dâu thợ nhuộm ở Trung Nam Mỹ từ Mexico đến Argentina.

Gỉa sử dân thời vua Trưng và Nhụy Kiều tướng quân biết sử dụng phẩm mầu lấy từ cây cỏ trong thiên nhiên thì ngọn “cờ vàng” thời đó không phải là màu “cờ vàng” mà ông Điếu Cày mới đây được quấn vòng ở cổ tại thủ đô nước Mỹ.

Ông Điếu Cày, cờ vàng quấn cổ (Washington, D.C, 23/11/2014), Nguồn: OntheNet
Ông Điếu Cày, cờ vàng quấn cổ (Washington, D.C, 23/11/2014), Nguồn: OntheNet

Như thế chuyện hai bà Trưng và bà Triệu phất ngọn “cờ đào” hay “cờ vàng” ở thế kỷ thứ 1 và thế kỷ thứ 3 là chuyện khó có thể xảy ra; hay ít nhất, chưa có một tài liệu lịch sử nào xác định và chứng minh một cách thuyết phục về sự kiện này cũng như mầu cờ của Nguyễn Huệ và Lê Lợi.

Tóm lại, những bài văn/thơ/vè/nhạc cận đại và đương đại cho rằng “cờ vàng”, “cờ đỏ” là lá cờ truyền thống và chính thống của quốc gia dân tộc thực chất đều là những tác phẩm sáng tác trong ảo giác của trường phái chủ nghĩa dân tộc lẫn với “chủ nghĩa chế độ” (nationalism !@#$ regimeism).

© 2014 DCVOnline