Đảng Cộng sản Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con
Louise Watt | DCVOnline dịch
Chế độ một con có từ 1979 để kiềm chế dân số, hạn chế nhu cầu về nước và các nguồn năng lực khác.
Hôm thứ Năm Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố sẽ bắt đầu cho phép tất cả các cặp vợ chồng có hai con, bãi bỏ chính sách thất nhân tâm, hạn chế nhiều cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được có một con trong hơn ba mươi năm qua.
Quyết định này là việc nới lỏng quan trọng nhất của chính sách kế hoạch hóa gia đình mà từ lâu đã được coi là hành vi xen vào vào cuộc sống gia đình người dân nặng nề nhất của đảng cộng sản. Những hạn chế đó đã dẫn đến sự mất cân bằng tỉ lệ giới tính vì truyền thống thích con trai, và sự thực thi pháp luật một cách hà khắc kể cả cưỡng bức phá thai.
Một thông cáo của Ủy ban Trung ương đảng trên Tân Hoa Xã nói rằng quyết định cho phép tất cả các cặp vợ chồng có hai con là “để cải thiện sự phát triển cân bằng dân số” và để đối phó với dân số đang già đi.
Có thể sẽ không đưa đến bùng nổ sinh sản
Quyết định này có thể không đưa đến một sự bùng nổ lớn một phần do tỷ lệ sinh được cho là đã suy giảm ngay cả khi không thực thi của chính sách một con. Những dỡ bỏ hạn chế trước đây của chính sách một con cũng không làm số sinh tăng lên so với dự kiến, và nhiều người trong thế hệ trẻ của Trung Quốc nhìn thấy gia đình nhỏ là lý tưởng.
Bản thông cáo được công bố sau phiên họp tuần này để định hướng phát triển kinh tế và xã hội cho đến năm 2020. Trong những năm gần đây, bình thường sau các phiên họp toàn thể như vậy đều dẫn đến những quyết định quan trọng. Họ thường tập trung vào các chủ đề kinh tế và không có dấu hiệu nào cho thấy rằng phiên họp này lại đi đến quyết định về chính sách một con.
Trung Quốc hiện có dân số lớn nhất thế giới ở mức 1,4 tỉ người, đã đưa ra chính sách một con từ năm 1979 như là một biện pháp tạm thời để ngăn chặn mức tăng dân số lúc đó và để hạn chế nhu cầu dùng nước và các nguồn năng lực khác. Chẳng bao lâu sau khi nó đã được thực hiện, các cặp vợ chồng ở nông thôn đã được cho phép có hai con nếu con đầu lòng là một con gái. Dân tộc thiểu số cũng được cho phép có nhiều hơn một con.
Gia đình Trung Quốc chuộng có con trai đôi khi đã quyết định hủy bỏ bào thai nữ, một thực tế đã làm đảo lộn tỷ lệ nam nữ của trẻ sơ sinh. Sự mất cân bằng này đã gây khó khăn cho một số đàn ông tìm vợ, và được cho là động cơ thúc đẩy việc buôn bán phụ nữ làm cô dâu.
Các cặp vợ chồng không tuân thủ quy tắc một con đã buộc phải trả một khoản lệ phí theo tỷ lệ thu nhập của họ. Trong một số trường hợp, các gia đình ở nông thôn đã phải nộp phạt qua hình thức như bị tịch thu heo, gà.
Hồi tháng 11 năm 2013, đảng cộng sản đã thông báo cho phép các cặp vợ chồng có hai con, nếu một trong những cha mẹ là đứa con một; đó là lần nới lỏng đáng kể đầu tiên của chính sách một con trong gần ba mươi năm.
Quyết định công bố hôm thứ năm đã loại bỏ tất cả các hạn chế còn lại buộc các cặp vợ chồng chỉ có một con.
Dân số già đi
Chính phủ tin rằng chính sách một con đã giảm được 400 triệu ca sinh và giúp vô số gia đình thoát khỏi đói nghèo bằng cách giảm bớt sự căng thẳng về nguồn lực hạn chế của TQ. Tuy nhiên, nhiều nhà nhân khẩu học cho rằng dù sao thì tỷ lệ sinh đã giảm xuống khi nền kinh tế của Trung Quốc phát triển, và trình độ học vấn tăng.
Hơn nữa, sự sụp đổ đột ngột trong tỷ lệ sinh đã đẩy tuổi trung bình của dân số lên và chuyên viên nhân khẩu học thấy trước một cuộc khủng hoảng hiện ra lờ mờ vì chính sách một con đã làm giảm lực lượng lao động trẻ và cần phải hỗ trợ thế hệ bùng nổ sinh sản khi lớn đến tuổi nghỉ hưu.
Cai Yong, một giáo sư xã hội học tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill, Hoa Kỳ cho biết, “Tin tốt là, thời điểm đó đã đến. Tin xấu là, nó là quá ít và quá muộn.”
Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Trung Quốc của Hồng Kông nói,
“Muộn còn hơn không bao giờ. Quyết định này có thể giải quyết sự mất cân bằng hiện tại trong ý nghĩa rằng nếu nó không thúc đẩy tỷ lệ sinh sản tăng lên sớm thì trong vòng 20 năm hoặc ít hơn, dân số làm việc sẽ phải nuôi dưỡng bốn cha mẹ già.”
Những mốc điểm quan trọng trong chương trình kế hoạch hoá gia đình của Trung Quốc:
1953: Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng dân số cần được kiểm soát và đã phê chuẩn một đạo luật về ngừa thai và phá thai, nhưng kế hoạch này bị kẹt vì những biến động chính trị và nạn đói 1959-1961.
1970: dân số Trung Quốc vượt quá 800 triệu Hội đồng Nhà nước, Chính phủ Trung Quốc, chỉ thị giảm mạnh tốc độ tăng trưởng dân số suốt những năm 1970.
1975: Trung Quốc đưa khẩu hiệu “Trễ hơn, lâu hơn và ít hơn” và thúc giục các cặp vợ chồng thành thị có không quá hai con và các cặp vợ chồng ở nông thôn không có nhiều hơn ba trẻ.
1979: Đảng Cộng sản đưa ra chính sách một con hạn chế các cặp vợ chồng của người dân khối đa số, chủng tộc Hán, chỉ có một con như một biện pháp tạm thời để ngăn chặn mức tăng cao dân.
1984: Chính sách điều chỉnh lại cho phép cho nhiều gia đình ở nông thôn sinh con thứ hai.
2001: Trung Quốc ra luật mới để quản lý chính sách chặt chẽ hơn, cho phép chính quyền địa phương xử phạt những cặp vợ chồng có thêm con trẻ.
2006: Một số tỉnh bắt đầu nới lỏng việc hạn chế sinh sản để cho phép các cặp vợ chồng, cả hai là con một, có hai con.
2013: Cho phép có hai đứa con trong gia đình, nếu mẹ hoặc cha là con một.
2015: Đảng Cộng sản Trung Quốc cho tất cả các cặp vợ chồng sẽ được phép có hai con, nhưng không đưa ra khung thời gian giới hạn.
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: China to abolish one-child policy, Communist Party says.
By Louise Watt, The Associated Press, Oct 29, 2015. © The Associated Press, 2015
Key dates in China’s family planning efforts
CBC News, Oct 29, 2015 12:54