Sử học tốt, Sử học táo tợn và Sử học tồi (p1)

Đinh Từ Bích Thúy

imperialchinaSự thật là không có một sử gia nào ở Việt Nam có mức kiến thức tương đương về những tư tưởng và lý thuyết hiện đại trong lĩnh vực học thuật quôc tế, và Việt Nam chưa có một văn hóa hàn lâm thực sự chú tâm vào công trình tăng cường kiến thức về lịch sử Việt Nam (tuy nhiên trong di bút Tạ Chí Đại Trường ngụ ý văn hóa hàn lâm này đã hiện hữu một thời ở miền Nam).

Lời Giới Thiệu: Trong di bút của Tạ Chí Đại Trường phổ biến cuối tháng Ba năm 2016, cố sử gia kể lại những thăng trầm cá nhân và nghề nghiệp cùng hiện trạng bi quan trong ngành sử học Việt Nam. Tạ Chí Đại Trường nhắc đến Liam Kelley – giáo sư Mỹ ngành sử học Đông Nam Á tại Đại học Hawaii ở Manoa – khi đề cập đến những tranh cãi chung quanh triết gia Kim Định, người từ nửa thế kỷ trước đã cho rằng nền văn minh Trung Hoa thực ra phát xuất từ giòng giống Lạc Việt nông thôn.

Da Màu liên lạc với Giáo sư Kelley qua blog của ông là Le Minh Khai’s SEAsian History Blog và đã được giáo sư chấp thuận cho phỏng vấn. Kéo dài trong ba tuần lễ, cuộc trao đổi được thực hiện qua email trong nguyên văn Anh ngữ rồi sau đó dịch sang Việt ngữ. Giáo sư Kelley rất cởi mở, nhẫn nại, và dành cho Da Màu nhiều nhận xét độc đáo trong những câu trả lời của ông.

Giáo sư Liam Kelley tốt nghiệp đại học Dartmouth với bằng cử nhân văn chương và ngữ học Nga năm 1989; bằng cao học và tiến sĩ lịch sử Trung quốc năm 1996 và 2001 tại đại học Hawaii ở Manoa. Hiện ông là đồng chủ biên của tờ Journal of Vietnamese Studies. Những khảo cứu và giảng huấn của ông chú trọng vào lịch sử vùng Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam thời tiền hiện đại (trước thời kỳ đô hộ Pháp). Ông đã xuất bản một quyển sách về thơ đi sứ, đồng biên tập một tác phẩm về những biên cương miền Nam của Trung Hoa, những bài viết về những huyền thoại và truyền thống được kết tạo trong thời trung cổ tại Việt Nam, và sự phát hiện của tinh thần dân tộc Việt cùng truyền thống giáng bút vào đầu thế kỷ 20. Giáo sư Kelley cũng vừa hoàn tất bản dịch Anh ngữ về ngoại kỷ của Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

Ngoài Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, giáo sư Kelley cũng xây website Viet Texts là nơi đăng những bản dịch Anh ngữ của ông về các nguồn tài liệu cổ trong Việt sử. Từ năm 2011, Giáo sư Kelley đồng khai triển chương trình hội đàm Kết Nối Với Việt Nam (Engaging with Vietnam) với Giáo sư Phan Lê Hà, cũng là đồng nghiệp của ông tại đại học Hawaii.

G.s. Liam Kelley. Nguồn: OntheNet
G.s. Liam Kelley. Nguồn: OntheNet

Sử học tốt, Sử học táo tợn và Sử học tồi: Đối thoại với giáo sư Liam Kelley (p1)

(1) Kính chào giáo sư Kelley. Là một sử gia, nguyên nhân nào đã ảnh hưởng việc ông chú trọng vào lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á?

Thật ra mọi sự đều ngẫu nhiên. Chọn môn Nga học thời sinh viên, tôi sang Đài Loan dạy Anh ngữ sau khi tốt nghiệp đại học, tưởng rằng “chỉ trong vòng một năm thôi.” Hóa ra tôi ở đó tới bốn năm, và tôi đã học tiếng Hán trong toàn thời gian tôi dạy học tiếng Anh ở đó. Rồi tôi quyết định học lên cao học, và chọn đại học Hawaii. Mới đầu tôi cũng tưởng sẽ học về lịch sử Trung Quốc, nhưng tôi chưa bao giờ đặt chân tới lục địa Trung Hoa, ngay cho tới bây giờ. Có cái gì không ổn về điều này. Trong thời gian đó, Đại học Hawaii là một trong rất ít các nơi trên thế giới có những lớp dạy lịch sử Đông Nam Á, và hồi tôi ở Đài Loan trong cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 tôi đã du lịch hai lần sang Thái Lan và rất thích. Do tôi thấy người Việt Nam trước đây đã dùng tiếng Hán, và vì tôi chưa bao giờ sang lục địa Trung Hoa, và vì hai chuyến đi chơi sang Thái Lan đã làm tôi muốn tìm hiểu thêm về khu vực Đông Nam Á, tôi đã chọn ngành chuyên môn về nơi này, chú trọng đặc biệt vào Việt Nam.

(2) Ông đã học và trở nên thông thạo trong tiếng Việt vào lúc nào, hoặc trong trường hợp nào và ở đâu?

Tôi học tiếng Việt trong bốn năm vào cuối thập niên 1990, và tôi cũng học thêm trong những mùa hè sống ở Hà Nội. Tôi không dám tự cho mình là nói “thạo” tiếng Việt, nhưng nhiều năm học tiếng Hán đã giúp tôi trong việc đọc sách, nhất là những sách hàn lâm, và dĩ nhiên cũng giúp tôi đọc các tài liệu sử trong nguyên bản tiếng Hán cổ – hơn là phải dùng những tài liệu dịch sang tiếng Việt hiện đại – và điều này là một yếu tố quan trọng.

Tuy vậy, tôi vẫn thấy văn phong của Tạ Chí Đại Trường là cả một thử thách cho người đọc, nhất là cách viết đã thấy trong “di bút” của ông, vì ngay cách dùng chữ của ông đã khó hiểu, huống gì những ý ngầm sau chữ nghĩa (một vài ý tưởng còn biểu lộ sự mỉa mai). Với cách viết như vậy tôi phải đọc rồi đọc lại, xong lại kiểm chứng với người bản xứ, nhưng sau khi làm hết những chuyện này tôi vẫn sợ là mình không thể hiểu hết những điều ông đã cố gắng diễn tả.

(3) Một vài báo Việt Nam đề cập đến bút hiệu “Lê Minh Khải” của ông, nhưng trên blog ông viết tên mình là “Lê Minh Khai” (không có dấu hỏi trên chữ “Khai”). Vậy bút hiệu nào là đúng? Có lẽ ông đã chọn bút hiệu này vì cách phiên âm gần giống với tên thật của ông? Không hiểu ý nghĩa bút hiệu có gì liên hệ đến sự khai phá, hay làm sáng tỏ (minh) không?

Bút hiệu của tôi đúng ra là “Lê Minh Khải”. Đó là cách phiên âm Việt từ tên tiếng Hán mà một người bạn ở Đài Loan đã đặt cho tôi cách đây 25 năm. Vâng, vì tên này giống tên thật là Liam Kelley của tôi. Trong tiếng Hán tên được viết là Li Ming Kai 黎明凱, với 36 nét mực, điều này được coi là may mắn. À, hồi đó cũng có một ca sĩ/diễn viên Hồng Kông nổi tiếng và đẹp trai có tên là Lê Minh (Leon Lai),黎明. Tôi đoán có tên giống chàng cũng là một may mắn cho tôi. Vì thế, bút hiệu Việt của tôi không dính líu gì đến “khai phá” hay “làm sáng tỏ” cả.

(4) Gần đây, sau khi di bút của Tạ Chí Đại Trường được công bố, tờ Nghiên Cứu Lịch Sử được nhiều người nói tới. Ông có thường đọc những tài liệu chuyên môn trong nước như một cách duy trì kiến thức nghề nghiệp?

Tôi chỉ có thể bàn về lĩnh vực tiền hiện đại, hoặc lịch sử trước thời Việt Nam bị Pháp đô hộ. Thật buồn (và điều này liên hệ đến câu hỏi tiếp nối của bà), nhưng lĩnh vực học thuật của thời tiền hiện đại hoặc trước thời đô hộ của Pháp, không sản xuất nhiều những thông tin hay tư liệu để một học giả có thể “duy trì kiến thức chuyên môn”. Các học giả ở Việt Nam hiện nay hiếm khi xuất bản những tư tưởng hay quan điểm mà một sử gia cần phải nghiên cứu để đào tạo và giữ mới kiến thức. Ngược lại, họ chỉ đưa ra những thông tin căn bản, như nguồn tư liệu chính và các ngày tháng, mặc dù những thông tin này cũng có thể giúp ích trong công việc nghiên cứu, nhưng nếu một học giả chỉ dựa các công trình của mình trên những nguồn chính thì mình không cần quan tâm đến những gì hiện được xuất bản tại Việt Nam. Tuy vậy, tôi thấy Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển thường có những bài viết bổ ích.

(5) Những tài liệu sử học trong nước có bị ảnh hưởng chính trị hay không, hay đây là những tài liệu có cái nhìn độc lập? Và trong trường hợp những tài liệu chuyên môn có khuynh hướng chính trị, thì ông thấy là chúng đã gây ra những tổn hại, sai sót nào? Có bao giờ tài liệu trong nước đưa ra một cái nhìn khác với khuynh hướng của một sử gia ngoại quốc muốn tìm hiểu về quá khứ của Việt Nam?

Về vấn đề lịch sử và chính trị, dĩ nhiên lịch sử có thể bị chính trị hóa, nhưng cũng có một thứ mà tôi gọi là “chính trị hàn lâm” nữa, và loại chính trị đó rất phồn thịnh ở Việt Nam. Thí dụ, nếu giáo sư cố vấn của bà hay một sử gia hàng đầu ở Việt nam cổ vũ quan điểm “A” thì bà vẫn phải tiếp tục cổ vũ quan điểm “A” hoặc kiếm cách tránh chuyện cổ vũ quan điểm “không phải A” cho dù những nghiên cứu và trải nghiệm học thuật của bà rành rành chứng minh điều này không thể là “A”.

Vấn đề này rất tổn hại cho ngành học thuật, vì cách để ngành học thuật tiến triển là xây dựng trên nền vững của kiến thức bằng cách loại trừ học thuật yếu kém. Nhưng nếu học thuật yếu kém không bao giờ bị đào thải, thì người ta rốt cuộc chỉ có chồng chất những học thuật yếu kém.

Và đúng, dĩ nhiên các học giả ngoại quốc sẽ có những kết luận khác nhau, nhưng đó cũng là kết quả của những tiến triển lớn trong nhiều lĩnh vực hàn lâm ở ngoài Việt Nam trong những thập niên 1960-1990 mà nhiều học giả Việt không có cơ hội tham dự. Do đó hiện nay có một hố cách biệt rất lớn giữa ngành nghiên cứu sử học trong nước và ở một vài nơi ngoài lãnh thổ Việt Nam. Có rất nhiều những đề tài và khuynh hướng mà các học giả ngoài nước đã được hấp thụ mà người trong nước chưa biết tới, cho nên kết quả là có nhiều lúc không thể có sự trao đổi tương xứng, vì một đằng thì không có những thông tin, trong khi đằng kia thì lại coi những thông tin đó là quá hiển nhiên hay quá nhàm vì họ được tiếp nhận chúng đã quá lâu.

(6) Xin ông vui lòng cho một thí dụ chứng minh cho “một cách biệt rất lớn giữa ngành nghiên cứu sử học trong nước và ở một vài nơi ngoài lãnh thổ Việt Nam”?

Khái niệm “quốc gia” và “bản sắc” là đề tài mà những học giả Tây Phương đã thảo luận liên tục trong những thập niên 1980 và 1990 (nhưng thật ra cũng có những tài liệu trong thập niên 1960 đã đề cập đến vấn đề này). Đối với những học giả Tây Phương, thì quốc gia và bản sắc là những khái niệm cấu tạo trong tâm trí của một dân tộc. Nhưng đối với các học giả ở Việt Nam, thì quốc gia Việt Nam và bản sắc của dân tộc Việt Nam là những hiện tượng cụ thể và khách quan. “Bản sắc” được dịch sang tiếng Việt từ chữ “identity,” nhưng “bản sắc” đối với những học giả Tây Phương KHÔNG HẲN là căn cước. Bản sắc đối với người Tây Phương là một khái niệm được cấu tạo từ tâm trí, và nó có tính chất quan hệ — là cách một cộng đồng định nghĩa bản thể của nó qua sự so sánh chủ quan với các cộng đồng khác.

Những quan điểm khác biệt giữa những học giả Việt Nam và các độc giả Tây Phương đã dẫn tới một sự ly khai trầm trọng trong tư tưởng. Nhưng đây không chỉ là sự bất đồng ý kiến, vì đã có rất nhiều sách vở xuất bản ngoài lãnh thổ Việt Nam đưa ra những bằng chứng cho tính chất cấu tạo và tưởng tượng của quốc gia/bản sắc, nhưng trong nước thì lại có một khối tài liệu đồ sộ ủng hộ quan điểm thực thể về quốc gia và bản sắc.

(7) Trong trường hợp nào ông đã có dịp tiếp xúc với Tạ Chí Đại Trường? Sử gia đã liên lạc với ông qua blog, hay đã thảo luận những tư tưởng của ông trên những diễn đàn khác?

Tôi chưa bao giờ được hân hạnh gặp mặt Tạ Chí Đại Trường hoặc trao đổi trực tiếp với sử gia. Vào năm 2011 một bản thảo của tôi về Hồng Bàng Thị Truyện được ban biên tập của tờ Journal of Vietnamese Studies chuyển tới Tạ Chí Đại Trường để bình duyệt. Mục đích bài viết của tôi là chứng minh các vua Hùng chỉ là một huyền thoại được phát minh trong thời trung cổ lịch sử Việt Nam. Đây là một đề tài mà lúc đó một số học giả còn tranh cãi, nhưng là chuyện mà Tạ Chí Đại Trường hoàn toàn đồng ý với tôi. Ban biên tập tờ Journal of Vietnamese Studies rất thán phục bài hồi đáp của Tạ Chí Đại Trường cho nên đã tạo một diễn đàn đặc biệt về bài viết này và đăng những lời góp ý của Tạ Chí Đại Trường. Ngoài ra, ban biên tập cũng mời sử gia Keith Taylor của Đại học Cornell gửi bài góp ý, rồi tôi cũng có dịp hồi đáp những góp ý của họ.

Một hai năm sau đó tôi nảy ra ý định mời Tạ Chí Đại Trường và một vài sử gia của miền Nam Việt Nam tham dự cuộc hội đàm Kết Nối Với Việt Nam: Một Đối Thoại Liên Ngành (Engaging with Vietnam: An Interdiciplinary Dialog) ở đại học Hawaii mà tôi đồng tổ chức với Giáo sư Phan Lê Hà. Nhưng sau mấy đợt dọ hỏi lúc đầu thì tôi được biết là vì lý do sức khỏe rất khó để tụ họp tất cả những người mà chúng tôi muốn mời tham dự.


Giáo sư Phan Lê Hà và Liam Kelley bàn luận về chương trình Engaging with Vietnam cho năm 2016

Rồi khoảng một năm trước đây một người bạn chung [của Tạ Chí Đại Trường và tôi] gửi cho tôi quyển Bài Sử Khác cho Việt Nam và nhắn là Tạ Chí Đại Trường đã ưu ái tặng tôi. Tạ Chí Đại Trường viết một lời ngắn trong sách là ông quý những trao đổi giữa chúng tôi về gia phả Hồng Bàng và sử gia Kim Định. Lúc đó tôi không hiểu tại sao ông đã đề cập tới Kim Định, nhưng sau khi tôi đọc di bút của ông và nhớ lại là trước đây tôi cũng đã đọc một phê bình của ông về Kim Định trên talawas, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12188&rb=0302, tôi thấy rằng ông cũng biết những gì tôi đã viết trên blog Lê Minh Khải, đồng thời ông cũng biết là tôi cũng theo đọc ông.

(8) Tạ Chí Đại Trường viết trong di bút, “Ông L. Kelley viết blog khen ngợi Kim Định là ‘Sử gia lớn nhất (không ai biết đến/không được công nhận) của Việt Nam.’” Ông thật có viết như vậy không? Xin ông cho biết thêm chi tiết đằng sau lời “khen ngợi” này.

Tôi có viết như vậy, đây là đường dẫn cho bài viết trên blog Lê Minh Khải,
https://leminhkhai.wordpress.com/2015/06/19/vietams-greatest-unknownunrecognized-historian/

Và hiện cũng có bản dịch tiếng Việt trên mạng,
http://dcvonline.net/2015/06/25/su-gia-lon-nhat-khong-ai-biet-denkhong-duoc-cong-nhan-cua-viet-nam/comment-page-1/
[của dịch giả Trà Mi, mà DCVOnline đăng lại]

Tôi nghĩ bài viết đó đã làm nhiều người hoang mang, vì họ không hiểu rõ điều mà tôi muốn trình bày. Có nhiều học giả được coi là có những công trình rất lớn lao với ngành học thuật, không phải vì công trình của họ thực sự “tốt,” mà vì công trình ấy mới mẻ, nhiều sáng tạo, và làm giãn mở những biên giới, thách thức nhân sinh quan của số đông.

Tôi đang đọc một tiểu sử của nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss (người mà Kim Định thường đề cập tới). Tiểu sử này gọi Lévi-Strauss là “Cha đẻ của ngành nhân chủng học hiện đại,” http://www.amazon.com/Claude-Levi-Strauss-Father-Modern-Anthropology/dp/014312062X.

Patrick Léger-Gallimard. Hình ảnh được công bố trong DEBAENE và Frédéric Keck, Claude Levi-Strauss, người đàn ông dưới xa, năm 2009, Discovery Gallimard Collection, pp. 36-37.
Hình ảnh được công bố trong DEBAENE và Frédéric Keck: Claude Levi-Strauss, người đàn ông dưới xa, năm 2009, Discovery Gallimard Collection, pp. 36-37.. Nguồn: Patrick Léger-Gallimard.

Tuy nhiên, khi đọc cuốn sách thì tôi thấy rõ ràng Lévi-Strauss là một nhà nhân chủng học RẤT TỒI! Ông ta chỉ sống một thời gian rất ngắn ngủi ở Ba Tây nghiên cứu những bộ lạc bản xứ, nhưng ông mù tịt về ngôn ngữ của họ. Vậy làm sao ông lại có thể là “cha đẻ của nền nhân chủng học hiện đại.” Tôi nghĩ vì ông đưa ra những ý tưởng rất độc đáo (dựa trên kiến thức mênh mông của ông về triết học và về những xã hội được thiết lập bởi nhiều nhóm người khác nhau mà ông đã thu thập được qua sách đọc, rồi ông đã dùng kiến thức này để xây dựng những lý thuyết về những xã hội loài người), để bắt mọi người phải suy ngẫm, và cũng để kiểm chứng những khám phá này, vân vân. Kết quả là, công trình của ông đã đẩy xa bước tiến của ngành nhân chủng học

Kim Định cũng giống Lévi-Strauss ở điểm này (thật ra cả hai đều được huấn luyện trong lĩnh vực triết học). Tuy nhiên, chưa có ai chất vấn những tư tưởng của Kim Định như chuyện các học giả Tây Phương đã chất vấn những tư tưởng của Lévi-Strauss, cho nên Kim Định không thể nào được coi là “cha đẻ của lịch sử Việt Nam hiện đại.” Nhưng Kim Định cũng đã có những lập luận độc đáo, dựa trên, hay được gợi ý từ những công trình của một số học giả nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 (Lévi-Strauss, Marcel Granet, Ferdinand de Saussure, v.v.) như Lévi-Strauss đã làm. Và ngoài Kim Định chưa ai làm như Kim Định đã làm cho ngành sử học.

Cho nên điều tôi muốn trình bày trong bài viết không phải là những tư tưởng của Kim Định về lịch sử là đúng hay vững vàng (cả hai đều không), nhưng đó là những ý tưởng có khả năng xúc tác những suy luận tinh vi, phức tạp hơn, “nếu” đã có những người mang trình độ kiến thức tương đương với Kim Định, và “nếu” đã có một môi trường hàn lâm ở Việt Nam với khuynh hướng “chất vấn” tư tưởng và “đẩy mạnh bước tiến của học thuật.”

Sự thật là không có một sử gia nào ở Việt Nam có mức kiến thức tương đương về những tư tưởng và lý thuyết hiện đại trong lĩnh vực học thuật quôc tế, và Việt Nam chưa có một văn hóa hàn lâm thực sự chú tâm vào công trình tăng cường kiến thức về lịch sử Việt Nam (tuy nhiên trong di bút Tạ Chí Đại Trường ngụ ý văn hóa hàn lâm này đã hiện hữu một thời ở miền Nam).

Vì vậy thay vì chất vấn những tư tưởng độc đáo của Kim Định, hiện nay chúng ta có những người như Trần Ngọc Thêm, http://www.tranngocthem.name.vn/gioi-thieu-thu-gian-kinh-nghiem/gioi-thieu/79-gstskh-tran-ngoc-them.html, đã áp dụng những tư tưởng của Kim Định cho những ý đồ rất khác với việc “đẩy mạnh bước tiến của học thuật”, https://leminhkhai.wordpress.com/2016/01/15/the-great-agricultural-nong-nghiep-pastoral-du-muc-divide-or-how-kim-dinh-and-tran-ngoc-them-distorted-will-durants-ideas/

Tôi hy vọng giải thích trên đã làm rõ nghĩa cho bài viết trên blog của tôi.

Và tôi cũng đọc lại di bút của Tạ Chí Đại Trường. Ông đề cập tới một hội thảo tổ chức ở Hà Nội nhân dịp ngày sinh nhật 100 năm của Kim Định:

Nhân ông L. Kelley viết blog khen ngợi Kim Định là “Sử gia lớn nhất (không ai biết đến / không được công nhận) của Việt Nam”, tôi tò mò tìm hiểu thêm, thấy ở Hà Nội có đề nghị hội thảo về Kim Định năm 2009 không thành, rồi lần tưởng niệm Kim Định năm 2012, và mới đây, 15-6-2015 tưởng niệm 100 năm ngày sinh của ông ta …. [1]

Còn về bài của Kelly (sic) thì gặp phản ứng rất mạnh của một đồ đệ khác để ta có thể hiểu con đường sử học của Kim Định đã dẫn người ta đi tới đâu trong sự mê muội phản sử học.[2]

Bài viết trên blog về Kim Định của tôi, theo tôi được biết, là đã xuất hiện trên chương trình của buổi hội thảo, nhưng tôi không được mời tham dự buổi hội thảo này, mà cũng không biết gì về nó cho đến mãi sau này! Nói cách khác, hình như tôi đã “diễn thuyết” bài viết trên blog ở hội nghị này, và có ai đã phản biện bài của tôi, nhưng chuyện này được làm hoàn toàn với sự vắng mặt của tôi và không được tôi hay biết gì ráo.

Thật là lạ![3]

(9) Làm thế nào để chúng ta phân biệt giữa “học thuật rõ tồi” cần phải đào thải và học thuật tuy cũng “tồi” nhưng “táo tợn” và độc đáo, và từ đó tác động cho những tư tưởng quan trọng khác?

Câu hỏi rất hay! Để tôi bắt đầu bằng một câu chuyện. Tôi thường bực bội khi thấy người Việt dịch những tài liệu lỗi thời về lịch sử Việt Nam (và điều này xảy ra rất nhiều!) Có một hồi tôi phàn nàn trên facebook về một bài đã được dịch sang tiếng Việt và tôi chất vấn, “chả ai thèm đọc tài liệu này, thì dịch làm gì mất công?” Một người Việt Nam có vẻ chế nhạo tôi bằng cách hỏi vặn lại, “sao anh biết không ai đọc tài liệu này?”

Câu trả lời này đã làm tôi suy nghĩ. Tôi biết tài liệu đó không quan trọng vì (1) Tôi thấy nó có nhiều vấn đề; (2) Tôi đã đọc nhiều tài liệu chuyên môn trong Anh ngữ về lịch sử Việt Nam và tôi thấy tác giả của tài liệu đó không được ai đề cập tới, điều nay chứng tỏ nhiều đồng nghiệp [ngoại quốc] khác cũng nhận ra những vấn đề trong tài liệu của tác giả đó. Tuy nhiên, đối với một người không phải là chuyên gia sử học, thì họ không có phương tiện nhận thức nếu một tài liệu sử học thật sự “tồi” hay có giá trị.

Điều gì làm cho một tài liệu được công nhận là “táo tợn” thay vì “tồi”? Ở Tây Phương, nơi mà một tài liệu chuyên môn phải qua một quá trình thẩm định bởi đồng nghiệp trước khi được xuất bản, một tài liệu độc đáo cho ta thấy một khuynh hướng mới lạ về quá khứ, và nếu tài liệu này đứng vững (có nghĩa là những chuyên gia đồng nghiệp, tuy có thể nghi vấn, không kiếm thấy một lý do nào để chống đối) thì nó sẽ được phổ biến.

Thí dụ, thuyết cấu trúc trong nhân chủng học của Claude Lévi-Strauss đã dùng các khái niệm được thiết kế từ trước trong lĩnh vực ngôn ngữ học để quan sát những xã hội loài người. Lévi-Strauss lập luận rằng có một “ngữ học văn hóa” hiện hữu dưới mặt tiền của mọi xã hội đã vô thức tác động nhân sinh quan. Không một nhà nhân chủng học nào trong thời của Lévi-Strauss có thể kiếm được những bằng chứng rõ rệt để chống lại những tư tưởng của Lévi-Strauss. Để làm công việc này đòi hỏi một chuyên gia phải biết rõ quan điểm của Lévi-Strauss, rồi từ đó gom góp những chứng cớ để chống lại tư tưởng của ông, quá trình này sẽ tiến triển học thuật.

Ngược lại, nếu ai đó viết về “quốc gia Việt Nam” trong thiên niên kỷ 1 trước Công Nguyên thì những học giả Tây Phương sẽ thấy ngay những khuyết điểm trong cách lập luận này vì đã có rất nhiều tài liệu được phổ biến về sự thành hình của những quốc gia, và những tài liệu này kết luận rằng “quốc gia” là một khái niệm hiện đại và chỉ phát xuất khi mọi người dân có trình độ kiến thức phổ thông để nhận thức là tất cả mọi “công dân” của một nước là những phần tử của một quốc gia. Cho nên một tài liệu muốn khẳng định rằng “quốc gia Việt Nam” hiện hữu từ thời thượng cổ là một tài liệu “tồi” vỉ đã có vô số những tài liệu khác phủ định khái niệm này.

Tóm lại, học thuật “táo tợn” là học thuật cho ta thấy một khuynh hướng mới, và là một cái gì không thể gạt bỏ ngay tức khắc. Học thuật “tồi” là học thuật có thể gạt bỏ ngay tức khắc vì nó đưa ra những lập luận đã bị nhiều học giả coi là vô chứng cớ. Kết luận, học thuật “táo tợn” cũng có thể trở thành học thuật “tồi” nếu sẽ có những học giả đưa ra nhiều chứng cớ để phản bác, nhưng QUÁ TRÌNH đề cử những chứng cớ để gạt bỏ học thuật táo tợn dẫn tới những tư tưởng tinh vi hơn.

(Xem tiếp phần 2)


Chú thích:
[1] Theo chương trình của buổi hội thảo kiếm được trên mạng (được gọi là “buổi tọa đàm” về Kim Định) thì buổi hội thảo được Trung Tâm Văn Hóa Minh Triết tổ chức tại viện SENA Hà Nội vào ngày 6 tháng 7 năm 2015 (chứ không phải là ngày 15 tháng 6 năm 2015 như Tạ Chí Đại Trường đã đề cập trong di bút), http://vietnamvanhien.net/Tuongniem100namngaysinhtrietgialuongkimdinh.pdf.
[2] Bài tham luận của Nguyễn Vũ Thế Anh, nếu phỏng đoán từ di bút của Tạ Chí Đại Trường, có lẽ là “phản ứng rất mạnh của một đồ đệ” đối với quan điểm về Kim Định của Liam Kelley, http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/33612-bai-tham-luan-trong-hoi-thao-ve-giao-su-luong-kim-dinh/. Những tư liệu khác về buổi hội thảo bao gồm các bài tham luận của Nguyễn Khắc Mai, Lê An Vi, Ngô Sỹ Thuyết, Nguyễn văn Lục và Hà văn Thùy, http://vietnamvanhien.net/Tuongniem100namngaysinhtrietgialuongkimdinh.pdf. Như đã được Tạ Chí Đại Trường thuật lại trong di bút, bài tham luận của Nguyễn Khắc Mai có đề cập bóng gió đến một “Tạ Chí Đại Tràng.”
[3] Tuy Liam Kelley “không được mời và không biết gì vể hội thảo ngày 6 tháng 7 năm 2015 ở Trung Tâm Văn Hóa Minh Triết cho đến mãi sau này,” tên ông được xuất hiện trong danh sách những tham luận viên trong kỷ yếu chương trình của hội thảo, http://xuandienhannom.blogspot.com/2015/07/tuong-nho-triet-gia-kim-inh-nhan-ky.html

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Sử học tốt, Sử học táo tợn và Sử học tồi: Đối thoại với giáo sư Liam Kelley (phần 1). Đinh Từ Bích Thúy. Da Màu. 11.05.2016

“Da Màu chủ trương một diễn đàn văn chương không biên giới, một diễn đàn mở rộng cho mọi khuynh hướng sáng tác, mọi tác giả, mọi khai phá đúng nghĩa.
Da Màu thúc đẩy sự cảm thông và chấp nhận những dị biệt bắt nguồn từ văn hóa, ngôn ngữ, phái tính, màu da, lịch sử, địa lý, chính kiến… qua các hình thái văn học nghệ thuật.”

1 Comment on “Sử học tốt, Sử học táo tợn và Sử học tồi (p1)

  1. SỬ HỌC VÀ TRIẾT HỌC
    Sử học là học về lịch sử, tức nghiên cứu về lịch sử. Triết học là học về cái tồn tại chung, tức nghiên cứu về cái tồn tại chung. Như vậy ai cũng thấy rang lịch sử là một bộ phận nào đó của triết học, ngược lại triết học cũng không thể thoát ly một phần nào đó của sử học.
    Sử học là ngành khoa học thực nghiệm theo nghĩa rộng, tức phải căn cứ vào mọi dữ liệu khách quan để xem xét và kết luận. Trong khi đó triết học là ngành khoa học của tư duy trừu tượng. Triết học căn cứ trên tính lô-gích rộng mở để xem xét mọi sự việc khách quan khác nhau.
    Nói khác đi triết học và sử học có những chỗ giống nhau và những chỗ không going. Dữ liệu của triết học luôn luôn là những dữ liệu trừu tượng hay đã hoặc được trừu tượng hóa. Trái lại dữ liệu của sử học tất yếu phải là những dữ liệu cụ thể. Không có những dữ liệu cụ thể, triết học đành chịu.
    Một điều cũng đáng nói triết học là một hệ thống những nhận thức và sử học cũng vậy. Nói hệ thong là nói tính bao quát và tính chia phần. Nhưng tính hệ thống của triết học là tính hệ thống hoàn toàn trừu tượng. Trong khi đó tính hệ thống của lịch sử hay sử học là tính hệ thống hoàn toàn cụ thể. Có nghĩa tính hệ thống của triết học chỉ có thể hoàn toàn tìm thấy bên trong tư duy của nhà triết học. Trong khi đó tính hệ thống của sử học chỉ có thể tìm thấy bên ngoài của nhà sử học. Bởi nếu chỉ tìm thấy bên trong của nhà sử học, rất có thể đôi khi nó trở thành chủ quan. Vậy thì giữa sử học và triết học có gì tương đồng hay có gì đối lập ?
    Tương đồng có nghĩa người ta có thể triết lý về lịch sử, có thể sử hóa về triết học. Còn đối lập có nghĩa không thể dùng phương pháp luận của sử học cho triết học hoặc là ngược lại. Cũng vậy ý niệm biện chứng hay biện chứng luận của lịch sử có đúng không là điều cần xem xét. Bởi biện chứng luận là một khái niệm về triết học, trong khi lịch sử chỉ có thể mang tính hoàn toàn khách quan, cụ thể và khoa học.
    đem cái trừu tượng vào cái cụ thể đôi khi chỉ là điều cưỡng ức, trong khi đó dùng những dữ liệu cụ thể để soi sáng tư duy triết học không những là điều cần thiết mà còn là điều có thể làm được và cần phải làm như thế.
    Bởi vậy nói cho cùng xem xét lịch sử nhiều khi rất bổ ích cho triết học, ngược lại triết học hóa lịch sử nhiều khi không cần thiết mà rất dễ tạo ra ngộ nhận. Chính Mác là người đã triết học hóa lịch sử rõ hơn ai hết. Như đưa ra thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử là sơ thích tâm đắc của ông. Nhưng dầu có một thời trong thế giới cộng sản nó được đưa lên như là một khoa học đệ nhất, lấn át tất cả mọi ngành khoa học khác, trong đó có lịch sử khách quan về mọi phương diện, địa hạt, và nhất là nó đã từng có thời kỳ hoàn toàn mê đắm hay bị cưỡng bức phải mê đắm ở Việt Nam.
    Thế nhưng bây giờ lịch sử khách quan trên thế giới cũng như ngay cả Việt Nam trong thực tế đã hoàn toàn khác hẳn hay hầu như khác hẳn. Như vậy cũng có nghĩa sử học chỉ có thể là một khoa học đúng nghĩa nhưng không thể nào là một triết học đúng nghĩa. Bởi khoa học triết học là khoa học về lô-gích
    tư duy, trong đi đó khoa học sử học là khoa học thực nghiệm dựa vào những nhận xét, suy đoán hay kết luận hoàn toàn cụ thể, khách quan. Nhưng có điều có số người làm triết học trước đây trong số đó có giáo sư Trần Đức Thảo và giáo sư Nguyễn Văn Trung rất hâm mộ khuynh hướng triết lý hóa lịch sử của Các Mác. Bây giờ tất cả những điều đó đã lùi về quá khứ và chẳng qua nhắc lại nó như nhắc lại một thứ bóng mờ vậy thôi.
    ĐẠI NGÀN
    (18/5/16)