Fidel Castro (1926-2016)
Trà Mi
Khi đánh giá di sản của ông sau này, lịch sử thực sự có thể tha cho Fidel Castro, và cũng có thể không; nhưng người đọc, có lẽ không nên dễ dãi bào chữa cho giới truyền thông, ở cả hai phía, đã đưa tin quá một chiều…
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Văn Thiên Tường (1236-1283)
Fidel Castro qua đời. Sự kiện này không làm thay đổi cuộc sống hiện nay của người dân Cuba hay vị trí của Cuba trên chính trường thế giới, đặc biệt là đúng vào thời đại của Brexit và chủ nghĩa dân tuý mà Trump là một hiện hượng tiêu biểu.
Dù đã chết, nhưng như khi còn sống, Fidel Castro vẫn là một sức mạnh phân cực quan điểm thế giới rất rõ rệt. Dù là cựu thù hay là đồng minh của Fidel Castro, chính khách khắp nơi trên đều bày tỏ quan điểm sau khi nhà cách mạng giải phóng trở thành người lãnh đạo độc tài kiên định của Cuba qua đời ở Havana hôm 25 tháng 11,2016. Sau đây là những ví dụ.
– Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif khen Castro là một nhân vật gương mẫu “trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thực dân và bóc lột … và cuộc chiến giành độc lập của các quốc gia bị áp bức.”
– Dù có một giai đoạn không phải là đồng minh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói “người Trung Quốc đã mất một đồng chí thân thiết và một người bạn chân thành.”
– Cựu lãnh đạo Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev nói, “Fidel đứng dậy và củng cố Cuba trong lúc bị Mỹ phong tỏa kinh tế khắc nghiệt nhất; dù vậy ông vẫn đưa đất Cuaba ra khỏi cuộc cấm vận đi đến phát triển độc lập. […] ngay cả khi Fidel Castro đã không còn chính thức nắm quyền, vai trò của ông trong việc củng cố đất nước cũng đáng kể.”
– Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi Castro là “biểu tượng của một thời đại. […] Tên của chính khách nổi danh này đáng được coi là biểu tượng của một thời đại trong lịch sử thế giới hiện đại. Fidel Castro là một người bạn chân thành và đáng tin cậy của Nga.”
– Ám chỉ Castro bác bỏ sự thống trị của Mỹ ở Cuba, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói, “Một diễn viên của thời Chiến tranh Lạnh … ông đại diện cho niềm tự hào của người dân Cuba trong việc từ chối sự thống trị từ bên ngoài.”
– Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói, “Với tất cả sự đoàn kết và tất cả tình yêu, chúng tôi gửi lời chia buồn và nỗi buồn của những người cách mạng và của những người yêu nước Chavista Venezuela. Với người dân Cuba: Tôi đã nói chuyện với Raul và tôi chia sẻ với ông nỗi đau chúng tôi. Đó là một cái sốc mạnh cho nfững gười cách mạng của thế giới.”
– Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi qua twitter nói rằng Fidel Castro “là một trong những nhân vật mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20.” Modi nói Ấn Độ “thương tiếc đã mất đi một người bạn tuyệt vời.”
– Chính phủ cánh tả El Salvador, Salvador Sanchez Ceren, đã ra tuyên bố, bày tỏ “lòng biết ơn đời đời” với Castro, “người bạn đời” của El Salvador, và sự giúp đỡ của nhân dân Cuba “trong thời điểm khó khăn nhất”, ám chỉ đến sự hỗ trợ của du kích quân Cuba phe chống quân chính phủ do Mỹ hậu thuẫn trong những năm 1980. Castro “là tấm gương sống mãi mãi trong cuộc đấu tranh của chúng tôi và sẽ nở hoa trên những ý tưởng cao đẹp của các thế hệ mới.”
– Tổng thống Evo Morales của Bolivia nói Castro “để lại cho chúng ta một di sản là cuộc chiến đấu cho sự hội nhập của các dân tộc trên thế giới … Sự ra đi của Comandante Fidel Castro là một nỗi đau thực sự.”
– Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã bày tỏ lòng biết ơn với Castro vì sự đoàn kết với những người Nam Phi da đen trong cuộc đấu tranh để lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc. “Chủ tịch Castro là hiện thân của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của chúng tôi. Ông đã thúc đẩy nhân dân Cuba tham gia với chúng tôi trong cuộc đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc.”
– Nguyễn Đình Bin, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, một cựu du học sinh ở Đại học Havana, hãnh diện được báo chí coi là con nuôi của Castro, “Tôi thân thiết và có nhiều kỷ niệm đối với Fidel đến nỗi mà nhiều tờ báo ở Việt Nam gọi tôi là “con nuôi của Fidel” – đó là đặc ân và diễm phúc của tôi.” Năm 1967, Fidel Castro tặng Việt Nam vài con bò giống, gà giống, nhưng với Nguyễn Đình Bin thì “Đó là một việc làm hết sức thiết thực, nghĩa tình, thể hiện tấm lòng của Fidel đối với Việt Nam.”
– Giáo hoàng Phanxicô coi sự qua đời của Castro là một “tin buồn” và cầu nguyện cho Castro “an nghỉ”.
– Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của Castro, nói rằng, “Fidel Castro là một nhà lãnh đạo lớn, phục vụ người dân Cuba trong gần nửa thế kỷ. Một người cách mạng huyền thoại và một nhà hùng biện, ông Castro đã cải thiện đáng kể mặt giáo dục và y tế của Cuba … Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình, bạn bè và nhiều người, những người ủng hộ ông Castro.”
– Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto qua Twitter cho biết, “Fidel Castro là một người bạn của Mexico, thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng, đối thoại và tình đoàn kết.”
– Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã chuyển lời chia buồn tới chính phủ Cuba về cái chết của Castro, mô tả ông là “một nhân vật lịch sử quan trọng rất lớn. Là một người con của người Tây Ban Nha, cựu Chủ tịch Castro luôn luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Tây Ban Nha và bày tỏ tình cảm tuyệt vời cho gia đình và các mối quan hệ văn hóa.”
– Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng tweet, “Tạm biệt, commandante. Cho đến ngày chiến thắng vĩnh cửu của nhân dân.”
– Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói “Chúng tôi biết vào lúc này người Cuba – ở Cuba và tại Hoa Kỳ – đang cảm xúc mạnh, hồi tưởng vô số những cách mà Fidel Castro đã thay đổi đời sống của cá nhân, của gia đình, và của dân tộc Cuba. Lịch sử sẽ ghi lại và đánh giá những tác động to lớn của nhân vật duy nhất này đối với con người và thế giới quanh ông.”
– Tổng thống Mỹ vừa đắc cử, Donald J. Trump twit, “Fidel Castro đã chết.” Vài giờ sau trong một tuyên bố, Trump gọi Castro là kẻ “tàn bạo độc tài, áp bức người dân Cuba trong gần sáu mươi năm” và hy vọng cái chết của Castro cho dân Mỹ gốc Cuba “niềm hy vọng một ngày nào đó nhìn thấy một Cuba tự do.”
“Di sản của Fidel Castro là những đội xử bắn, trộm cắp, đau khổ không thể tưởng tượng, nghèo đói và sự phủ nhận các quyền cơ bản của con người. Trong khi Cuba vẫn còn là một hòn đảo bị độc tài toàn trị, niềm hy vọng của tôi là hôm nay đánh dấu bước đi khỏi những kinh hoàng đã phải chịu đựng quá lâu, và hướng tới một tương lai trong đó người dân Cuba tuyệt vời cuối cùng sẽ sống trong tự do họ quá xứng đáng. Mặc dù vậy những bi kịch, những cái chết và sự đau khổ do Fidel Castro gây nên không thể bị xóa bỏ, chính phủ của chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm người dân Cuba cuối cùng có thể bắt đầu cuộc hành trình của họ đến với sự thịnh vượng và tự do.”
Sau đó không lâu Phó Tổng tống đắc cử Mike Pence, qua twitter viết, “Bạo chúa #Castro đã chết và hy vọng mới ló dạng. Chúng tôi sẽ đứng với nhân dân Cuba bị áp bức cùng đến một Cuba tự do và dân chủ. Cuba Tự do Muôn năm!”
Đến nay có tin cho biết lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ hiện diện trong tang lễ của Fidel Castro cùng Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, Tổng thống Ecuador Rafael Correa, Tổng thống Bolivia Evo Morales, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugab; đồng thời những nhân lãnh đạo quốc gia sau đây quyết định không có mặt: Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Anh Theresa May, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Đó là phản ứng chính thức của thế giới bạn thù của Fidel Castro. Thế còn giới truyền thông thế giới viết những gì về cái chết của ông? Ở các quốc gia cộng sản hay dân chủ giới hạn báo chí chỉ là tấm gương phản ảnh, khai triển thêm những tuyên bố của các chính khách lãnh đạo, của nhà nước đương quyền. Tại Việt Nam, chính quyền cộng sản ở còn dành hẳn một ngày, 4 tháng 12, 2016 làm quốc tang cho đồng chí Fidel Castro của họ. Chữ “quốc tang” đang bị cực lực phản đối. Ở những mạng xã hội người ta cho rằng gọi ngày 4/12/2016 là đảng (Cộng sản) tang có lẽ thích hợp hơn.
Ở phương Tây, tại các nước dân chủ tự do, báo chí không nhất thiết phản ảnh quan điểm của những người đang lãnh đạo quốc gia. Tuy thế, nhận định của giới truyền thông phương Tây vẫn mang vẻ thiên về phía lên án Fidel hơn là để ý đến những di sản của ông với dân tộc Cuba.
Những nhóm từ “nhà độc tài tàn bạo”, “bạo chúa giết người”, v.v., dường như những cụm chừ ắt có để bắt đầu những bản tin (và thường chỉ là) điểm duy nhất khi giới truyền thông dòng chính của phương Tây viết về cái chết Fidel Castro.
Nếu chưa đọc những tin tức tuần qua thì sau đây là một vài mẫu:
Xác của Castro vẫn còn ấm khi CNN công bố cái chết của ông, công bố tên của Castro trước khi lấy nó làm chơi: “Fidel Castro, bạo chúa Cuba…” Tờ The New York Times chưa qua hết đoạn đầu tiên của bản tin đã đổ lỗi cho Fidel là người đã “đem chiến tranh lạnh đến Tây bán cầu,” và đã “đẩy thế giới đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân” trong cuộc khủng hoảng hoả tiễn ở Cuba. Còn tờ The Washington Post? viết, “Một trong những kẻ độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử hiện đại vừa qua đời.”
Còn tin đã đưa ngày thứ hai (sau khi Castro đã chết) có gì khác? Hãy đọc thử:
- Sunday Times của London: “một bạo chúa giết người … một nhà tư tưởng hẹp hòi mù quáng theo con đường của Moscow đến cảnh cơ hàn, chế độ phiêu lưu và độc tài nước ngoài.”
- The Guardian: “một kẻ mánh khoé mị dân, một kẻ không ngừng áp bức và bắt bớ những người dám đối lập…”
Tại Canada – nơi đã tiếp tục có mối quan hệ ngoại giao, thương mại và nhân bản với Cuba và dân Cuba trong gần 70 năm – người ta có thể mong đợi giới truyền thông Canada biết rõ hơn. Rốt cuộc cũng không tốt hơn bao nhiêu.
Với những nhóm chữ miễn cưỡng phải có như “cộng sản Cuba đã đạt được tiến bộ về mặt xóa mù chữ và y tế …” ban biên tập tờ Globe và Mail rồi cũng đưa ra lập luận không thể tin được là Cuba thời Castro bị độc tài cai trị bằng côn đồ du đãng là “một trong những nước giàu nhất và phát triển nhất của châu Mỹ Latin” trước khi Castro biến nó thành một “xứ nghèo mạt.”
Được thể, Margaret Wente của G&M đã viết tiếp: “Fidel Castro là một thất bại về mọi mặt. Castro đã không đem lại tự do và no ấm cho người dân. Chúng ta nên được nhảy múa trên mồ của hắn…”
Trong khi đưa tin bằng hình ảnh xuất hiện – trên màn hình TV của Cuba – những đám đông khổng lồ “tràn ngập” vào Quảng trường Cách mạng để vinh danh người cựu lãnh đạo quá cố, phóng viên CBC đã cố gắng để tường thuật: “một số đã bị chở đến bằng xe buýt buộc phải đi vinh danh người lãnh đạo “đàn áp” của họ.”
Ký giả David Common của CBC: “Trong khi nhiều người đang chỉ trích di sản của cựu Chủ tịch của họ, thật khó để tìm thấy những tiếng nói bất đồng chính kiến ở Havana.” Trên thực tế, Adrienne Arsenault – thường là một phóng viên siêng năng – không tìm ra được bất cứ một người bất đồng chính kiến nào. Vì vậy, Arsenault đã phải dùng Skype nói chuyện với một “nghê sĩ thường xuyên bị bắt giữ vì những tuyên bố đối lập”, hóa ra lại “đang ở ngoài Cuba”, nhưng dù sao cũng nghệ sĩ đó cũng đã ráng tuyên bố: “Tôi biết chắc chắn rằng đàn áp đang diễn ra rất mạnh mẽ trong những ngày …”
Và như thế, nó cứ tiếp tục. Báo đài trở thành một phòng âm vang của truyền thông đại chúng Mỹ không khôn ngoan: về Castro, về cuộc đời, cái về chết, về di sản của ông; và về quá khứ, hiện tại, tương lai của Cuba.
Những gì giới truyền thông phương Tây bỏ qua. không nói đến thành tựu của Fidel Castro gần sáu thập kỷ cầm quyền?
Hãy bắt đầu với sáu thành tựu nhân đạo mang dấu ấn của Castro.
1. Cuộc vận động xoá nạn mù chữ. Năm 1961, Oxfam đã mô tả nó là “một trong những sáng kiến thành công nhất trong lãnh vực này, [Castro] huy động giáo viên, công nhân và học sinh trung học đi dạy cho hơn 700.000 người biết đọc.” Đến năm 1962 – chỉ ba năm sau cuộc cách mạng – Tỷ lệ người biết chữ của Cuba là 96 %, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Kể từ đó, Cuba đã gởi tình nguyện viên xoá nạn mù chữ đến các nước kém phát triển khác để nâng cao khả năng viết, đọc của họ. Cuba có tỷ lệ biết chữ cao hơn Canada.
Nhưng thành tựu này của xã hội Cuba không thể so sánh được với lãnh đạo cộng sản Việt Nam ở thế kỷ 21 đã đẻ ra một Thủ tướng chính phủ chỉ biết nói “ma de” và chúi đầu vào giấy đọc, “CLMV, CLV” là “cờ lờ mờ vờ”, và “cờ lờ vờ” khi đọc bài phát biểu về chương trình của Ngân hàng Phát triển châu Á và sự phát triển hạ tầng cơ sở ở tiểu vùng sông Cửu Long với “Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam”, và “Campuchia, Lào, Việt Nam”.
2. Lãnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Cuba tốt nhất trong thế giới các nước đang phát triển. Cuba có 90.000 bác sĩ, nhiều hơn số bác sĩ ở Canada. Bình quân đầu người, dân Cuba có nhiều bác sĩ hơn ba lần so với dân Canada. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh thấp hơn ở Canada, và tuổi thọ trung bình như nhau. Cuba còn tự sản xuất 70% các loại thuốc hiện sử dụng, và do đó giá thuốc men ở Cuba chỉ bằng một phần nhỏ những gì người Mỹ, người Canada phải trả.
3. Chủ nghĩa quốc tế y tế Cuba. Ngày nay, có 55.000 nhân viên y tế Cuba trong 67 quốc gia khác nhau, đáp ứng với đủ loại thiên tai và những khủng hoảng y tế – từ những trận động đất đến khủng hoảng Ebola. Đóng góp của Cuba nhiều hơn tất cả những đóng góp của các nước “phát triển” trong khối G-7. Cuba đang chăm sóc dài hạn miễn phí cho 26.000 nạn nhân của thảm họa Chernobyl, phần lớn là trẻ em.
4. Trường Y khoa châu Mỹ Latinh. Thành lập vào năm 1999 để đào tạo sinh viên từ các nước nghèo trở thành bác sĩ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon đã gọi đó là “trường y khoa tiên tiến nhất trên thế giới.” Là một sáng kiến của Fidel Castro sau cuộc tàn phá trong khu vực do cơn bão Mitch và Georges, Trường Y khoa châu Mỹ Latinh đã cho tốt nghiệp hơn 25.000 bác sĩ từ 120 quốc gia. Chương trình đào tạo sinh viên y khoa hoàn toàn miễn phí; nghĩa vụ duy nhất của họ là trở về đất nước và phục vụ ở những cộng đồng thiếu bác sĩ.
5. Operación Milagro là một chương trình do Cuba và Venezuela dẫn đầu đã điều trị y tế miễn phí cho hơn ba triệu người có vấn đề về mắt ở châu Mỹ Latin, vùng Caribbean, châu Á và châu Phi kể từ năm 2004.
6. Cuộc tranh đấu chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Mặc dù gây tranh cãi nhiều hơn so với những thành tựu của Cuba về giáo dục và y tế, quyết định của Castro gửi quân sang Angola ủng hộ phong trào độc lập trong các cuộc chiến tranh giành độc lập ở đó trong những năm 1970 và những năm 1980 được nhiều người dan các nước từng bị cai trị coi là sự khởi đầu của sự kết thúc của phân biệt chủng tộc. Sử gia Piero Gleijeses viết, bằng cách đánh bại quân đội Nam Phi, “Cuba thay đổi tiến trình lịch sử ở miền nam châu Phi.” Hoặc, như chính Nelson Mandela đã đặt câu hỏi, “Các nước khác có thể cho thấy những gì họ đã làm hơn kỷ lục vị tha của Cuba như đã thể hiện trong quan hệ với người dân châu Phi?”
Không phải vì tất cả những điểm vừa nêu để rồi đi đến kết luận Fidel Castro là một vị thánh, và Cuba đến hôm nay cũng không phải là là một thiên đường. Điều đó còn xa lắm.
Ví dụ, khi nói đến quyền con người và quyền tự do báo chí, hồ sơ của Castro không có gì sáng sủa. Ai cũng biết hàng trăm người chống lại cuộc cách mạng 1959 đã bị xử bắn, hàng ngàn người Cuba đã bị bỏ tù vì chống đối chế độ của Castro. Hàng trăm ngàn người dân Cuba đã vượt biển sang sống ở Hoa Kỳ. Hơn 50 mươi năm, người dân Cuba thiếu những quyền cơ bản trong một xã hội dân chủ.Nhưng người ta cũng có thể giải thích tại sao nó lại như thế – bắt đầu với hơn 1 tỷ USD của chính phủ Hoa Kỳ dành cho dự án đi ám sát Castro và kích động người Cuba đứng lên chống lại cuộc cách mạng, và như vậy người ta có thể hiểu tại sao chính phủ Cuba nghi ngờ sự “chân thành” của những người bất đồng chính kiến – nhưng có lẽ người đọc không nên bào chữa hoặc bỏ qua cho nó.
Tại sao khi được tự do lên thuyền sang Mỹ trong 6 tháng mà chỉ có trên 100 ngàn dân Cuba di cư qua một vùng biển hẹp trong khi đó lại có gần 1 triệu người bỏ xứ sở vào Nam năm 1954? Khi chỉ đơn giản đánh giá Fidel Castro là một kẻ độc tài tàn bạo, giới truyền thông phương Tây đã phải văn vẹo, uốn xoắn lắm mới giải thích được sự thật về lý do tại sao rất nhiều người ở Cuba, ở châu Mỹ Latinh và, thực sự, phần lớn các nước đang phát triển xem Castro là một nhân vật anh hùng, vĩ đại hơn người thường; họ xem sự qua đời của Castro là một nỗi buồn, và di sản của Castro để lại là lý do để ăn mừng.
Tháng 11, 2016, Tổng tổng Mỹ Barack Obama nói, “Lịch sử sẽ ghi lại và đánh giá những tác động to lớn của nhân vật duy nhất này đối với con người và thế giới quanh ông.”
1953, cách đây hơn 50 năm Fidel đã nói “Cứ lên án tôi đi. Không quan trọng. Lịch sử sẽ tuyên bố tôi vô tôi” khi người luật sư trẻ đó tự biện hộ trước phiên tòa xử ông về tội tấn công điên rồ vào doanh trại lính Moncada ở Santiago de Cuba.
Khi đánh giá di sản của ông sau này, lịch sử thực sự có thể tha cho Fidel Castro, và cũng có thể không; nhưng người đọc hôm nay, có lẽ không nên dễ dãi bào chữa cho giới truyền thông, ở cả hai phía, đã đưa tin quá một chiều – một bên vinh danh quá trớn, bên kia đạp đổ không khoan nhượng – khi viết về vai trò lịch sử của Fidel Castro.
© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Tham khảo:
– World reacts to death of Fidel Castro PressTV, 26/11/2016.
– Obama: History will judge Fidel Castro’s ‘enormous impact’ on Cubans. By Kristine Guerra, The Washinton Post, November 26 2016
– How Donald Trump responded to the death of Fidel Castro, ‘a brutal dictator’ By Cleve R. Wootson Jr., The Washinton Post, November 26, 2016.
– Fidel Castro funeral: Who’s going and who’s staying away. CTVNews.ca Staff, 29/11/2016.
– Media Coverage Of Fidel Castro’s Death Has Been Abysmally One-Sided. Stephen Kimber, The Huffington Post, 2/12/2016.
FIDEL CASTRO,
HUYỀN THOẠI VÀ THỰC CHẤT
Cái đảo nhỏ một thời đầy mưa gió
Trong bão bùng bạo lực của đêm đem
Dùng giông bão lập thiên đường rực rỡ
Hỏi điều này người có đạt hay chăng
Trong giông tố anh cũng là chiếc lá
Chiếc lá khô nhưng cứ ngỡ ngọn đèn
Chẳng phải đèn mà hải đăng tỏa sáng
Nhưng cuối cùng kết cục có mần răng
Với củi đậu cũng nấu nhừ được đậu
Quả công lao thiên hạ có ai bằng
Thành quả đó bao dân tình khổ ải
Riêng vinh quang nhờ tận lực say hăng
Đấy huyền thoại có gì đâu thực chất
Đời qua xong mọi sự lại thăng bằng
Biển hết sóng sắc xanh rồi lại rộn
Ai nhớ hoài về những chuyện lăn xăn
Làm cách mạng phải tự mình mục đích
Sao phải như kiểu sấm dậy đất bằng
Công danh đó xôn xao rồi cũng lặng
Rồi cuộc đời có ai mãi khăng khăng
Kết cuộc lại có gì ngoài sự thật
Dẫu vo tròn bóp méo thảy lăng nhăng
Đời nhân văn vẫn luôn tồn tại mãi
Kiểu giang hồ ngang dọc chỉ lèng èng
NGÀN THƠ
(09/12/16)