Ngô Đình Cẩn. Ông là ai? (p8)
Nguyễn Văn Lục
Chính sách chiêu mời những kẻ địch không cùng chiến tuyến không phải là điều gì mới mẻ.
Sự đóng góp tích cực của những người Hồi Chánh
(Tiếp theo p1, p2, p3, p4, p5, p6, p7)
Chinh chiến là điều bất đắc dĩ. Bằng cách nào đó bớt được chuyện binh đao, máu đổ, đầu rơi là chuyện ai cũng muốn làm. Cho nên chính sách tuyên truyền và khuyến dụ thuộc kinh sách của chiến tranh mà người xưa thường áp dụng. Sách sử Tàu thường nói tới các cuộc thương lượng mua chuộc để tránh các cuộc binh đao vốn tốn kém. Chẳng qua đó là nguyên tắc ứng xử khôn ngoan, dùng quyền lực mềm để hóa giải sức mạnh võ lực.
Thực tế, trong chiến tranh ở Việt Nam, người ta đọc được trong cuốn Indochine Francaise, 1856-1956. Guerres, Mythes et Passions, các tác giả Eric Deroo và Pierre Vallaud còn giữ lại được những tài liệu truyền đơn mà nội dung ghi như sau:
“Cher Annamite! L’armée Japonaise est votre frère!! Unissez vos efforts pour la destruction du controle Francaise.” (Hỡi các ông người Annnam thân ái! Nên góp sức lực phấn đấu để dẹp phá sự kiềm chế của Pháp Quốc)
(Eric Deroo, Pierre Vallaud, Indochine Francaise, 1856-1956. Guerres, Mythes et Passions, nxb Perrin, 9-2003, trang 55)
Nhưng đến cuộc chiến tranh Việt-Pháp thì giọng điệu tuyên truyền đã đổi khác, kẻ thù có thể thành bạn.
“Đến năm 1948, có một bích chương chiêu dụ Việt Minh về hàng ngũ Quốc Gia. Trên bích chương , người ta thấy vẽ bên trái một lá cờ Pháp và một lá cờ vàng Quốc Gia với hàng chữ Đường đến Độc Lập. Bên kia là lá cờ Việt Minh với ngôi sao vàng với hàng chữ: Đường chết. Với một ghi chú: 5-6-48, nước Pháp công nhận nước Việt Nam Độc lập và thống nhất trong Liên Hiệp Pháp. Đã trót lầm đường, chớ để quá muộn mới quay lại.”
Trong một tài liệu khác có cho in một giấy thông hành nhan đề: “Giấy thông hành. Để thay thế căn cước cho người hồi cư.”
(Eric Deroo, Pierre Vallaud, ibid., trang 105)
Nhưng thế nào là lầm đường? Theo Nhật chống Pháp là đúng hay nay theo Pháp chống Việt Minh là đúng?
Hai tài liệu trên cho thấy đó là một chiến dịch lớn nhằm kêu gọi những người dân trong vùng còn theo chủ nghĩa chờ thời sớm quay về với Quốc gia.
Nói như thế cho thấy chính sách chiêu mời những người kháng chiến cũ không phải là sáng kiến mới mẻ riêng của ông Ngô Đình Cẩn.
Nhưng phải nhìn nhận, chính sách chiêu mời của ông Ngô Đình Cẩn cũng như chính sách dùng người kháng chiến cũ như viên đá đầu tiên xây dựng một sách lược quốc gia mà cho đến bây giờ vẫn có giá trị của nó.
Thật vậy, TT Diệm đã đến thăm Quảng Ngãi, tại ấp Thạch Thăng (Khoảng giữa Quốc lội I và biển) ở quận Mộ Đức cùng với một số cố vấn Mỹ. Ông Kelly là người có mật hôm đó đã chứng kiến và đã viết thư cho ông Frank Scotton như sau:
“Nếu an ninh ở các ấp khác cũng được như ấp Thạch Thăng hôm nay, thì cuộc chiến đã kết thúc.”
(Frank Scotton, Uphill Battle, bản dịch của Phan Lê Dũng, Việt Nam cuộc chiến leo dốc, Tiếng Quê Hương, trang 117)
Tôi xin nhắc lại bài diễn văn của Ngô Đình Cẩn – Có thể đây là bài diễn văn duy nhất ông đọc trong đời và chỉ một lần thôi – đọc trước các cán bộ cộng sản đã chuyển hướng, ông nói:
“Nhiệm vụ chính của Đoàn không phải là lùng sục để bắt cán bộ cộng sản. Mà là phát hiện, phát giác, rồi chiêu mời các anh em ấy về hợp tác, cùng với mình xây dựng đất nước, cải tạo cái xã hội lạc hậu, bất công này.”
(Trích bài Nói chuyện của ông Ngô Đình Cẩn trong dịp tết, trong tập photocopy của Nguyễn Văn Trung)
Qua lời tuyên bố này của một người được coi là ít học vấn, nhưng nó đã cho thấy ông Ngô Đình Cẩn đã có cái nhìn sáng suốt, hiểu cái lý lẽ sống còn của sự thành bại trong một cuộc chiến với một cái nhìn xa và thực tiễn của một người làm chính trị.
Ông hơn nhiều người ở cái chỗ này, hơn cả những tính toán điện tử của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara.
Đường lối ấy, sau này được áp dụng một cách rộng rãi trong các chương trình đào luyện các cán bộ Xây Dựng Nông thôn, v.v. Như thế, ông Cẩn là người nắm được lý thuyết xây dựng nông thôn và được phát động sớm nhất và có hiệu quả.
Bỏ mất nông thôn là mất thành thị rồi dẫn đưa đến thua cuộc.
Sau này đường lối chung của chính quyền Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhị Cộng Hòa cũng đã đưa chính sách Chiêu Hồi vào hoạt động của chính quyền.
Chiêu Hồi không phải chỉ là bắt người mà còn biết dùng người.
Người ta biết được có những vụ rải truyền đơn bằng máy bay đến các vùng do Việt Cộng chiếm đóng hay trên Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong những hoàn cảnh tuyệt vọng của các cán binh cộng sản, các truyền đơn trên thường có tác dụng tốt, vì nó làm nao núng tinh thần của người cán binh cộng sản.
Vì thế, nhiều cán binh cộng sản khi nhặt được truyền đơn kêu gọi đã tìm cách dấu kín lá truyền đơn như một thứ giấy thông hành và chờ cơ hội thuận tiện để ra trình diện.
Cách tốt nhất để cán binh cộng sản trốn khỏi vùng cộng sản là họ chờ dịp được cử đi mua gạo tại các làng hoăc quận huyện, rồi nhờ dịp đó, họ trốn luôn không về đơn vị. Nhưng thực ra khi đã có ý định về với chính phủ Quốc Gia thì họ chờ đợi bất cứ cơ hội nào xảy đến đối với họ.
Tuy nhiên, người ta có thói quen nói nhiều đến chính sách, các chương trình an sinh xã hội, chính sách bình định nông thôn mà hầu như chưa một tác giả nào nói về sự đóng góp về các mặt tình báo, an ninh, tổ chức của các Hồi Chánh viên.
Sự đóng góp của người hồi chánh có tác dụng gì và đem lại những lọ ích cụ thể gì cho chính quyền Quốc gia? Sở dĩ họ ít được nói tới một phần do chính họ cũng muốn dấu tên tuổi hay quá khứ của họ. Những người đã về hợp tác với chính quyền Quốc Gia cũng tránh né tiết lộ danh tính, gốc gác của họ. Đôi khi họ còn cố xóa cái dĩ vãng cựu kháng chiến của mình.
Người viết muốn nhấn mạnh tính cách tích cực, tính cách đóng góp cụ thể xuất phát từ vốn kinh nghiệm kháng chiến của họ đối với chính quyền Quốc Gia như thế nào. Chương trình Chiêu Hồi sau này có mặt tích cực, nhưng cũng nhiều mặt tiêu cực, vì cán bộ không thực hành một cách nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của chính phủ, mang nặng tính hành chánh.
Các chương trình này trực thuộc Bộ Công Dân Vụ và khởi đầu do ông Ngô Trọng Hiếu đảm trách. Nay người ta biết được hoạt động của Bộ Công Dân Vụ dựa trên bá cáo kết quả dựa trên các con số. Các con số này cũng không lấy gì làm bảo đảm dược độ chính xác.
Chẳng hạn trên khắp 44 tỉnh thành của miền Nam Việt Nam. Người ta được biết “Cụ thể là từ 1963-1973, có có hơn 194.000 người Hồi chánh, tức là loại từng đó đối phương mà không phải dùng đến súng đạn.” (Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia)
Nhưng đấy cũng chỉ là những con số. Theo ông Nguyễn Liệu, một cựu quận trưởng tại tỉnh Quảng Ngãi, sau này đãm nhận chức Tỉnh đoàn trưởng tỉnh đoàn xây dựng nông thôn Quảng Ngãi cho biết ông có 3000 cán bộ dưới quyền. Nếu con số ấy tính một cách tổng quát cho 44 tỉnh thành, con số tổng cộng sẽ là: 132.000 người làm công tác xây dựng nông thôn. Con số thật lớn và chi phí cũng không kém. Nhưng kết quả ra sao? Họ được đào luyện như thế nào? Đó là những câu hỏi khó có câu trả lời chính xác. Phần lớn được tuyển chọn tại chỗ và việc đào luyện tùy tiện và thật sơ sài.
Theo ông Nguyễn Liệu:
“Thuở ấy, Quảng Ngãi là một tỉnh mất an ninh nhất, dân chúng đói khổ nhất vì có tới 90% phải chen chúc tại các trại tản cư vốn đã thiếu thốn lại gặp cảnh gian thương đầu cơ tích trữ tràn lan. Năm 1966-67, tôi làm tỉnh đoàn trưởng tỉnh đoàn Xây Dựng Nông Thôn Quảng Ngãi, cán bộ xây dựng khoảng 3000 người. Thú thật, tôi khó chịu đến xấu hổ vì bó tay trước cảnh dân chúng bất bình vì đói khổ như vậy. Câu hỏi phải làm gì luôn lởn vởn trong đàu và đặt chúng tôi trước ba hướng chọn lựa.”
(Nguyễn Liệu, Đời Tôi, Hồi ký, Nxb Tiếng Quê Hương, 2008)
Hoàn cảnh tại Quảng Ngãi cũng có thể suy rộng ra địa bàn cả nước. Hóa ra kẻ tội phạm chính vẫn là gian thương, tham nhũng. Tại Bình Định, thiếu tá Nguyễn Bé nguyên là phó tỉnh trưởng cũng gặp chính quyền địa phương tham nhũng như vậy. Làm sao chính sách Chiêu hồi có thể thực hiện tốt đẹp được khi có gian thương, tham nhũng?
Chương trình chính thức của chính phủ là sự phối hợp các mẫu thực nghiệm tại Phi Luật Tân trong chương trình EDCOR để chiêu dụ lực lượng cộng sản Hukbalahap và chương trình của Sir Robert Thompson của quân đội Anh để bình định Malaysia.
Những người Hồi Chánh được chuyển vào hơn 200 trại học tập chính trị trong thời gian từ 4 đến 6 tuần. (Bách Khoa toàn thư mở)
Ông Ngô Đình Cẩn có thể chỉ là người đã thành công áp dụng chính sách chiêu mời có kết quả khả quan nhất trong thời gian chỉ có vài năm.
Cho đến nay, người ta vẫn ít có tài liệu nói về kết quả chính sách chiêu hồi đã đem lại được những kết quả gì. Đánh giá trong từng giai đoạn, những ai là những người lãnh đạo có lý tưởng và tâm huyết? Chỉ sợ nó rơi vào tình trạng trì trệ hành chánh vốn không thích hợp cho những hoạt động loại này, vì nó đòi hỏi cấp lãnh đạo phải có lý tưởng và nhiệt tình.
Người ta sẽ đánh giá thế nào về các thời kỳ do các vị có tên sau đây lãnh đạo Bộ Chiêu hồi
“Tổng trưởng: Trần Văn Ân (tổng trưởng đầu tiên, tháng 3 đến 19-6-1965).
Tổng trưởng: Thiếu tướng Nguyễn Bảo Trị (19-6-1965 đến 9-11-1967).
Tổng trưởng: Nguyễn Xuân Phong (9-11-1967 đến tháng 3-1968).
Tổng trưởng: Tiến sĩ Tôn Thất Thiện (tháng 3-1968 đến 25-8-1968).
Tổng trưởng: Giáo sư Nguyễn Ngọc An (25-8-1968 đến 1-9-1969).
Tổng trưởng: Bác sĩ Hồ Văn Châm (1-9-1969 đến đến tháng 4-1973).
Tổng trưởng: Hoàng Đức Nhã (tháng 4-1973 đến tháng 4-1975).”
(Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư Mở, “Chiêu hồi” http://bit.ly/2rvN8U6)
Cứ tính thời gian tại chức ngắn hạn của các vị trên, nhiều phần chỉ là những chức vụ chính trị trám chỗ của phe phái mà tính hậu quả hẳn là thấp?
Nhìn lại, người ta có thể nhận thấy những người cựu kháng chiến có một số tỏ ra khả năng trong nhiều trường hợp nhất là hành chánh quản trị. Họ có thể áp dụng những chính sách mà họ đã từng thừa hưởng các kinh nghiệm khi họ còn nằm trong hàng ngũ người kháng chiến.
Chẳng hạn, hồi chánh viên hẳn quen thuộc với thói quen của các cán bộ khi về làng. Họ tìm cách gần dân, tìm cách hăng hái giúp việc nọ việc kia. Khi có vụ gặt, họ sắn tay áo giúp dân gặt hái chẳng hạn. Rồi trong giao tiếp, họ khéo léo nịnh nọt gọi má má, con con, rồi lợi dụng ăn ngủ ngay trong nhà dân. Nhiều người dân khờ khạo đã mắc bẫy, thấy kêu má má con con đã hết lòng cung phụng bọn cán bộ.
Những người cựu kháng chiến hiểu rõ tác dụng hữu ích của lối tâm lý chiến ấy. Dĩ nhiên, họ sẽ không giả dối nịnh dân, mà giúp thực sự mà vẫn tỏ ra có tư cách chững chạc.
Đó là những kinh nghiệm quý báu mà các Hồi chánh viên thường đem áp dụng vào các chương trình xây đời mới, xây dựng nông thôn khi họ về với chính phủ Quốc Gia.
Họ đã được chế độ tin tưởng và trao phó những trọng trách lớn như Bộ Trưởng, Tổng giám đốc hoặc được nắm giữ những chức vụ then chốt trong chính quyền.
Phần những nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo vốn là những người kháng chiến cũ cũng đã quay về hàng loạt với chính quyền Quốc Gia khi Việt Minh trở thành Đảng Lao Động.
Ngay từ những năm 1950, đã có một số đông trí thức tư sản thành thị đã rời bỏ hàng ngũ Việt Minh trở về Hà Nội. Phải nói đây phần đông không phải cán bộ cộng sản. Họ chỉ là những thành phần trí thức tiểu tư sản, yêu nước, tình nguyện theo kháng chiến, rồi cũng tự nguyện rời bỏ kháng chiến do hiểu rõ bản chất cộng sản là gì.
Đó là trường hợp các ông Trần Chánh Thành, cựu Bộ trưởng Thông tin. Sau 1975, ỗng đã quyên sinh khi cộng sản vào Sài Gòn. Rồi các ông Huỳnh Văn Lang, Phạm Duy, Võ Phiến, Hoàng Thi Thơ cũng đã một thời theo kháng chiến.
Nhất là khi có cuộc Cải cách Ruộng Đất sau đó với cuộc di cư. Hai biến cố này đã thu hút hằng trăm ngàn người bỏ kháng chiến, di cư vào miền Nam, hoặc rời bỏ các căn cứ kháng chiến ở Nam Bộ như một số đông giới cầm bút. Và họ là những nhân tố tích cực nhất trong giai đoạn mở đầu xây dựng chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa còn non trẻ.
Đây cũng là cơ hội thuận tiện để những người cựu kháng chiến dứt khoát từ bỏ đảng cộng sản hàng loạt. Cuộc rinh tê hàng loạt này xảy ra vào khoảng những năm 1948-1950 mà số lượng người bỏ về Hà Nội đến hàng chục ngàn người. Nó đã có sức lôi kéo số đông những trí thức tư sản này đã rời bỏ hàng ngũ cộng sản để về với Quốc Gia.
Các đợt “hồi chánh” giai đoạn này hoàn toàn tự nguyện khác với giai đoạn 1955-1963. Một trường hợp tự nguyện là của Nguyễn Văn Thuỳ, sau này ông đã viết hai tác phẩm đồ sộ: Lớn lên với đất nước, Tủ sách Sự Thật Thật, 2006 và cuốn mới xuất bản: Vy Thanh, Hồ Chí Minh cứu nước, 2015.
Cuốn thứ nhất với nhiều tài liệu thuộc Khang chiến Nam Bộ giúp người đọc hiểu được thực trạng kháng chiến Nam Bộ. Nó bổ túc cho các cuốn sách của Xuân Vũ thường chú trọng nhiều đến cán bộ phía Bắc.
Trong số những hồi chánh viên sau này có một số người như Thượng tá Tám Hà, tức Trần Văn Đắc, chính ủy sư đoàn 5. Trung tá Huỳnh Cự, trung tá Phan Văn Xướng, trung tá Lê Xuân Chuyên, bác sĩ Đặng Tân, ca sĩ Bùi Thiện, ca sĩ Đoàn Chính, diễn viên Cao Huynh, Mai Văn Sô (em song sinh với Mai Văn Bộ), Bùi Công Tương, v.v. (Bách Khoa Toàn Thư Mở, ibid.)
Có một số được chế độ Đệ I và Đệ II Cộng Hòa trọng dụng như các ông Trần Ngọc Châu, Nguyễn Bé, Phạm Ngọc Thảo. Những sĩ quan này cũng được người Mỹ rất nể trọng. Trong giới cầm bút có một số như Hà Thúc Cần, Vy Thanh, Lê Tùng Minh, Kim Nhật Xuân Vũ, Dương Đình Lôi.
TT Diệm cũng như ông Ông Đình Cẩn đã trọng tài năng của các cựu kháng chiến không nghi ngại mà trao cho họ những chức vụ quan trọng như tỉnh trưởng. Chẳng hạn, cả hai ông Phạm Ngọc Thảo và Trần Ngọc Châu thì dều lần lượt làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa. Hà Thúc Cần sau này làm nhiếp ảnh viên cho hãng CBS.
Phần những người cầm bút như Kim Nhật, một đảng viên đảng Cộng Sản đã về hồi chánh, ông viết sách. Vào năm 1967, ông đã cho xuất bản cuốn Về R. “Về R” là một bút ký chiến tranh đã được đăng trên nhật báo Sống năm 1967 trước khi được in thành sách. Ông là một người hiểu biết khá đầy đủ về Trung Uơng Cục miền Nam. Điều này bổ khuyết cho cuốn sách Lớn với đất nước của ông Vy Thanh.
Trong những tiết lộ quan trọng của Kim Nhật trong sách của ông, ông trình bày cho thấy có một mối giây liên lạc của Trung Ương cục miền Nam, ngay từ trước 1954. Họ đã cài được người vào tổ chức của Bảy Viễn, qua Tư Thiên, nhờ đó họ được Tư Thiên cung cấp tiền bạc. Thành Bộ Sài gòn-Chợ Lớn của cộng sản được cung cấp đầy đủ nhờ vào sự kinh tài của nhóm Bình Xuyên cung cấp để nuôi cả trăm miệng ăn. Sau này Tư Thiên đòi vào Đảng cộng sản và đòi có vai vế như cán bộ Mười Trí. Cuối cùng họ cũng chấp thuận. Khi Bình Xuyên xảy ra đụng độ với Thủ tướng Ngô Đình Diệm ngày 28-3-1955 tại Nancy, tức Ngã tư Cộng Hòa, Trần Hưng Đạo. Bảy Viễn thua rút lui kéo quân về phía Rừng Sát. Phần còn lại, khoảng một đại đội đã theo Tư Thiên, dưới sự hướng dẫn của Tư Mước, vượt lộ 15, vòng núi Thị Vãi ở Bà Rịa, băng qua Quốc lội I về chiến Khu D của Trung Ương cục.. Số phận Tư Thiên theo cộng sản sau này không rõ ra sao.
Kim Nhật cũng viết đầy đủ chi tiết việc một nhà báo Úc, ông Burchette, một người cộng sản đã đến Sài Gòn và làm thế nào được cán bộ cộng sản nằm vùng đưa vào mật khu. Và cộng sản đã khai thác tối đa sự có mặt của Burchette trong chuyến đi này trên đài phát thanh Hà Nội.
(Kim Nhật, Vể R. Nxb Đại Nam, tóm tắt các trang 229-231)
Tuy nhiên, những khuôn mặt hồi chánh nổi bật nhất là Xuân Vũ và Nguyễn Bé (sau là đại tá trong quân đội Quốc Gia)
Nhà văn Xuân Vũ-Bùi Quang Triết hơn 20 năm trời gắn bó với chế độ cộng sản, tập kết ra bắc- 1955, bị cán bộ miền Bắc trù dập, sống đóng kịch trên 10 năm ở miền Bắc, đã thấy, đã nghe hết những truyện trong lòng chế độ. Trong suốt hơn 10 năm ở Bắc, ông chỉ có một mong mỏi trở về Nam. Trên đường vượt Trường Sơn trở về miền Nam 1971, băng Đồng Tháp trở về nhà, ông đã tìm cách trốn ra hồi chánh với chính quyền miền Nam. Cả hai ông Xuân Vũ và Dương Đình Lôi sau này đều sang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Ông Xuân Vũ là một trong những nhà văn hồi chánh viết khỏe nhất và cũng sâu sắc và phong phú nhất. Ông cũng là người hiểu rõ nhất thực chất chế độ cộng sản là gì. Với tài liệu và vốn sống 20 năm lăn lộn với cộng sản từ kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, ông đã để lại cho đời những cuốn sách bất hủ như Đường đi không đến, Xương trắng Trường Sơn, Mạng người lá rụng, Đến mà không đến, Đồng bằng gai góc, Tự vị Thế kỷ, Đỏ và vàng, Bùn đỏ, Biển lửa Núi Tro.
Đọc ông, người ta tự hỏi, ai là người chủ xướng cho một cuộc chiến tranh được trả giá bằng xác người trên đoạn đường mòn Hồ Chí Minh?
Đường mòn Hồ Chí Minh là một trong những đề tài chính trong các sách của nhà văn Xuân Vũ. Đây là hậu cảnh hay sân sau của cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn khốc nhất trên chiến trường miền Nam đến ngoài sức tưởng tượng của con người.
Đây là con đường chiến lược vận chuyển Người và vũ khí, dài khoảng 4000 cây số, chằng chịt những đường nhánh, có nơi chỉ rộng độ một thước, có nơi có thể cho hai đường xe qua lại. Người Mỹ đã dùng hơn phân nửa số máy bay dùng vào việc bỏ bom con đường này mà mục đích chính là ngăn chặn sự chuyên chở việc tiếp liệu từ miền Bắc vào miền Nam. Họ đã phải trả một giá rất đắt cho mỗi tấn tiếp liệu từ Bắc vào Nam.
“Hàng ngày có khoảng 380 lượt máy bay C-119, C-130 hoặc B.52 thả bom suốt dọc con đường này. Trong đó có bom hóa học để đốt cháy rụi cây rừng mà một ngọn cỏ cũng không mọc được. Chưa kể các tín hiệu điện tử gọi là Igloo White thả xuống. Và mỗi khi có tiếng động hoặc sự vận chuyển của chân người hay xe cộ đi qua sẽ báo động cho trung tâm ở phi trường.. Hoặc hệ thống Pave way giúp máy bay thả bom theo sự chỉ dẫn của hệ thống tìm ánh sáng.”
(Claude de Groulat, L’aigle et le Dragon, nxb Roset, các trang 246-250)
Đường mòn là một thứ Holocaust của chiến tranh hiện đại mà tất cả đoạn đường đều được xây dựng bằng sức người.
Xuân Vũ viết:
“Tôi biết rằng con đường về là con đường đầu thai một lần nữa, con đường về là con đường đói khát, con đường sấm sét, con đường đau khổ và gian khổ, con đuòng dốc, con đường dài, con đường đi không đến mà rồi vẫn phải đi, trên vai phải mang theo những sứ mạng bầy đặt, không biết ai trao cho, một thứ vinh quang không có, một thứ tình cảm ái quốc cũng là sạo nốt, chỉ còn lại có tình cảm gia đình là thực mà thôi.”
(Xuân Vũ, Đường đi không đến, trang 11)
Hàng vạn cán binh cộng sản đã bỏ mình trên đoạn đường này bằng đủ mọi cách chết.
Viết về bút ký chiến tranh không với tư cách một ký giả có mặt tại mặt trận qua trung gian các bá cáo hay kể lại của các sĩ quan hành quân mà bằng chính bản thân mình, tận mắt sống, tận mắt thấy.
Xuân Vũ đã cho thấy một bộ mặt khác của chiến tranh miền Nam mà ít ai có cơ hội thấy được. Nó xóa tan những tuyên truyền xảo trá một phía của người cộng sản. Nó cũng cho thấy một sự hy sinh đến vô nghĩa của những người trẻ một phần là cánh miền Nam tập kết ra Bắc mà cộng sản đem làm vật thí bỏ.
Những tiết lộ của nhà văn Xuân Vũ qua nhân vật bác sĩ Cường sau đây đến không thể nào tưởng tượng ra được. Theo lời bác sĩ Cường kể lại cho bác sĩ Năm cà Dom thì khi có quá nhiều thương binh mà không có thuốc men để chữa trị được. Để thì trước sau gì bệnh nhân cũng chết. Theo lời bác sĩ Cường kể lại:
“Ừ đúng thật, vô nhân đạo, dã man, tán tậm lương tâm nữa, nhưng mà nếu để cho họ rên siết, vật vã, lăn lộn mà mình không cứu chữa, cũng không kéo dài được sự sống của họ thêm phút nào, thì lại càng dã man, tán tậm lương tâm hơn. Tớ đã suy nghĩ rất nhiều, thấy mình ác, tệ thật. Nhưng làm sao? Đứt động mạch, võ não bị thương, gẫy đốt xương sống vv dẫu có là thánh cũng đành co tay ở đây. Nhưng tớ không ra lệnh. Tớ cứ để cho tổ lao động họ làm. Bề nào cũng chết, thà chết sớm cho đỡ đau khổ. Sau khi nghe xong câu chuyện, bác sĩ Năm Cà Dom mới hiểu rõ câu chuyện. Thật là ngoài sức tưởng tượng. Thảo nào tôi trông thấy những cái hầm giống như cái huyệt mộ, dưới đó có những thương binh nằm sẵn. Khi cần cứ lấp đất, tiện lợi biết bao.”
(Xuân Vũ, Xương trắng Trường Sơn, trang 265)
Câu chót đúng một cách dễ sợ thật. Phải tiện lợi biết bao.
Mỗi nhan đề sách của Xuân Vũ gửi đi một thông điệp, một lời tố cáo về sự tàn bạo xảy ra trên Đường Mòn Hồ Chí Minh mà cộng sản Hà Nội đã cho nướng hằng trăm ngàn sinh linh chết vô tội. Và nếu còn sốn thì cũng thân tàn ma dại, tàn tuổi thanh xuân.
Xin bạn đọc tìm đọc thêm bài “Việt Nam, nữ cán binh thời chiến, nỗi đau thời bình” trong đó có đoàn nữ binh 559 mà sự hy sinh cuối cùng là không còn mấy người trở về. Đã có khoảng nửa triệu người đã hy sinh như thế. Trong số người may mắn trở về có bà Binh. Bà đã sỗng trơ trọi một mình trong suốt 17 năm. Sau đó, bà có lấy một “người chồng qua đêm” và sinh hạ được một đứa con gái đặt tên là Lan. Chỉ mong rằng bé gái tên Lan không gặp phải số phận kém may mắn như mẹ cháu!
Thật vậy.
“Con đường chập chùng rừng núi không tên, đã dìm chết bao nhiêu người có tên, nhưng khi nằm xuông thì nấm mồ lại không tên.” (Xuân Vũ, Mạng người lá rụng, trang 10)
Tôi nghĩ giá trị của những cuốn sách này, ngoài giá trị nhân chứng, còn có giá trị tố cáo cao độ.
(Còn tiếp)
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh hoạ.
CHUYỆN ĐỜI RỒI QUA
Chuyện đời rõ thật nhiêu khê
Nhưng trăm con nước đổ về nơi đâu
Việt Nam đã có ông Hồ
Lại thêm ông Diệm lẽ nào thế ru
Ông Hồ chưởi lũ Diệm Nhu
Còn bên ông Diệm lu bù chẳng thua
Chưởi rằng cộng sản già Hồ
Chỉ theo đường lối cơ đồ Mác Lê
Khiến dân toàn thảy não nề
Hai lần chiến trận mọi bề đau thương
Ba mươi năm quả đoạn trường
Cuối cùng kết thúc mọi đường rõ ra
Thương sao mười triệu xót xa
Hai bên trắng đỏ bỏ thây chiến trường
Chuyện đời cũng chỉ điều thường
Đánh nhau chiến thắng một phương khác nào
Thế nên bao điệu tuyên truyền
Cuối cùng kết thúc hiện tiền vậy thôi
Vẫn là thực tế bồi hồi
Bao người ấm ức bao người vượt biên
Thành ra cũng chỉ nhãn tiền
Cái guồng máy chạy cái guồng tơ quay
Thực dân Pháp đến nơi này
Trăm năm từng đã đầy vơi nhục nhằn
Cuối cùng cũng đến Việt Minh
Mục tiêu đánh Pháp thật tình đúng thôi
Guồng tơ nhằm sợi màu hồng
Đúng ra phải nói là công ông Hồ
Biển Đông sóng đánh lô xô
Trường Sơn bão táp lẽ nào không hay
Lá bài Bảo Đại cùi đày
Để rồi Hồ Diệm mới đầy phấn son
Non sông dân tộc mõi mòn
Mạnh ai nấy nói nào còn ra chi
Nhưng mà thực chất lâm li
Chiến tranh ý hệ còn gì nói sao
Dân ngu toàn thảy nghẹn ngào
Tuyên truyền một phách lẽ nào nguyên trinh
Chỉ đều ý thức xập xình
Lấy chi ngay ngắn con người Việt Nam
Hở hơi hoặc chỉ đỏ lòm
Hoặc là xanh thẳm màu toàn đô la
Tự do choảng với độc tài
Rốt rồi chiến thắng cũng hài làm sao
Liên Xô bổng chốc ngã nhào
Thiên đường cộng sản ào ào rã tan
Nhìn qua Trung Quốc đổi xanh
Chỉ còn lõi đỏ rành rành vậy thôi
Thế nên câu chuyện cụ Hồ
Ngày nay đã rõ ai nào còn nghi
Tuyên truyền vì nước ra đi
Tới khi vì nước cụ quay trở về
Nhưng đường lịch sử lê thê
Nó từng khởi điểm mọi bề từ Nga
Ngày nay Nam Bắc một nhà
Nhưng lòng người vẫn xót xa muôn phần
Chừng nào mọi sự cân phân
Chừng nào lịch sử vạn phần sáng ra
Chừng nào dân tộc hài hòa
Chừng nào đất nước được ra hòa hài
Nghĩa là dân chủ tự do
Mỗi người chẳng sợ chẳng lo điều gì
Chẳng ai ngồi được trên đầu
Để thằng è cổ chỉ hầu hoan nghênh
Đó đường lịch sử rộng thênh
Chuyện qua rồi cũng đã thèm làm sao
Trăm năm sóng cả ba đào
Ngàn năm lịch sử lẽ nào không lên
Dẫu là quá khứ buồn tênh
Cái gì sự thật mới nên ở đời
Nghĩa là nhận thức sáng ngời
Tư duy độc lập mới người nhân văn
Còn mà chỉ mãi nhì nhằng
Ngu dân một phách có bằng được ai
Dân ngu phải mãi dài dài
Dễ nào nở mặt nở mày nước non
NON NGÀN
(18/7/17)