Ngô Đình Cẩn. Ông là ai? (p2)

Nguyễn Văn Lục

Trong bản Tự thuật của TGM Ngô Đình Thục cho thấy những người em của ông như Ngô Đình Luyện, rất giỏi, được gửi sang Pháp từ năm 12 tuổi. Học lớp sáu xong nhảy lớp bốn. Hết lớp bốn nhảy lớp 2.. Bao giờ cũng đứng đầu lớp. Đỗ tú tài xong được nhận vào trường lớn, École Centrale Paris (ECP).

Tiếp theo p1

Người trước dư luận!

Và bản thân TGM Ngô Đình Thục cũng du học Roma rồi Paris. Và là một trong bốn giám mục tiên khởi, thứ ba ở Việt Nam lúc bấy giờ. Trong bản Tự thuật đó, TGM Thục không đả động gì đến việc học của Ngô Đình Nhu cũng như của chính ông.

(“Autobiographie de Mgr Pierre Martin Ngo Đinh Thục”, Archevêque de Hue, tài liệu trích trong Le Doctrinaire).

Trong “Curriculum Vitae De Mgr. Pierre Martin Ngô-Dinh-Thuc” viết năm 1978 khi ông 80 tuổi có đoạn

TGM Ngô Đình Thục (1897-1984) (LIFE)

“Mes études à Rome, du point de vue humain, étaient une suite de succès. Je raflais tous les prix: docteur en philosophie, en théologie, en droit canonique – avec mention très bien ou bien – puis la licence d’enseignement à la Sorbonne. Je rentrais à Hué, en 1927. Nommé professeur d’abord chez les Frères vietnamiens fondés par Mgr. Allys, puis au Grand-séminaire, puis proviseur du collège de la Providence rồi theo lệnh của Toà tahsnh Vatican về làm Đại biện Tông đồ tại Vĩnh Long.
J’étais le troisième vietnamien appelé à l’épiscopat. Le premier fut Mgr. J.B. Nguyễn-bá Tòng, cochinchinois, nommé à Phát-diêm au Tonkin. Le second, Mgr. Cân – mon frère spirituel puisque fils spirituel de Mgr. Allys — occupait à Vinh-long un vicariat apostolique détaché du grand Vicariat de Saigon dont l’évêque était le saint Mgr. Dumortier. On était en l’année 1938.”

(Nguồn: “Curriculum Vitae De Mgr. Pierre Martin Ngô-Dinh-Thuc”, 13 tháng Hai, 1978. Trích trong “EINSICHT, Jahrang 28 Sonder Mommer, trang 14-17, April 1998)

“Việc học của tôi tại Rome từ quan điểm của con người xem ra là một loạt các thành công. Tôi đoạt được mọi giải: tiến sĩ triết học, thần học, giáo luật — với hạng danh dự hoặc rất giỏi — và chứng chỉ giảng dạy tại đại học Sorbonne. Tôi về Huế vào năm 1927. Trước tiên được bổ nhiệm là giáo sư trong hàng ngũ tu sĩ Việt Nam do Đức Ông Allys thành lập. Allys, sau đó tại Đại Chủng Viện, rồi là hiệu trưởng của trường Providence, từ đó tôi đã theo lênh Tòa Thánh để nhận chức đại diện tông tòa của Vĩnh Long.

Tôi là người Việt thứ ba được phong Giám mục. Đầu tiên là Mgr. J.B. Nguyễn Bá Tòng, người miền Nam, phong nhậm ở Phát Diệm tại Bắc Kỳ. Thứ hai, Đức Ông. Cân – anh tinh thần của tôi là con trai tinh thần của Đức Ông Allys – thuộc giáo phận tông tòa Vĩnh Long tách ra khỏi Giáo phận Sài Gòn lớn mà giám mục là thánh Giám Mục. Dumortier. Đó là năm 1938.”

Người ta có thể biết đến Ngô Đình Thục nhiều hơn trong một tài liệu của Charles Keith nhan đề: “Annam Uplifted: The First Vietnamese Catholic Bishop and the Birth of a national Church, 1919-1945” đã đề cao 4 vị giám mục tiên khởi. Những vụ phong chức này từ 1933-1945, họ là những vị giám mục đầy quyền lực và làm vinh danh cho dân công giáo bản địa theo đúng tinh thần của Vatican muốn bản địa hóa giáo hội địa phương và biến giáo hôi Việt Nam dần dần đi đến chỗ tự quản.

(Charles Keith, “The first Vietnamese Catholic. Bishop and the Birth of a National Church, 1919-1945”. Bản dịch của Phạm Minh Ngọc, đăng trên diến đàn Talawas.org)

Đó là một vinh dự chung cho Giáo Hội Việt Nam, riêng cho TGM Ngô Đình Thục. Sau khi thụ phong, ông cùng với Ngô Đình Diệm- Ngô Đình Nhu đi nhiều nơi và người ta được biết chút gì về ông Diệm là kể từ thời kỳ này. Ngay khi sang Mỹ sau này, nhân vật Ngô Đình Thục nổi trội hơn cả người em đi cùng là Ngô Đình Diệm.

Sau này, người cháu gọi ông bằng Bác, TGM Nguyễn văn Thuận, còn có được vinh dự lớn lao hơn là Hồng Y ở Vatican, chức vụ cạo trọng bậc nhất trong giáo triều và nhận được sự ưu ái đặc biệt của GH Phao Lô đệ nhị. Không thể dễ dàng gì trong một dòng họ lại có được những người con suất sắc như vậy.

Ngô Đinh Nhu, thông minh sắc sảo, có đầu óc, có kiến thức nhiều, hiểu biết lịch sử, quá tự tin, nhưng lại nặng phần lý thuyết, nặng về kế hoạch. Tính tình lạnh nhạt, bướng bỉnh và không gây được cảm tình cũng như sự tín cẩn của các đồng chí.

Cả hai anh em đều nặng tình gia đình . Và nếu đủ cương quyết, ông Ngô Đình Nhu có thể tránh được tai họa cho cả hai anh em. Cái khuyêt điểm lớn nhất làm tan nát sự nghiệp của ông là nể vợ. Bà Nhu là cái cớ cho dân chúng oán ghét gia đinh họ Ngô. Ông Đoàn Thêm đã nhận xét một cách chí lí là người Việt Nam chưa đủ trưởng thành để có thể chấp nhận một người như bà Nhu. Nhất là những lời tuyên bố ngạo mạn của bà trong vụ Phật giáo như đổ thêm dầu vào lửa.

Ông Ngô Đinh Thục thời trẻ tương đối được. Nhưng dần dần ông trở thành cái đinh cho người đời nguyền rủa và xa lánh chế độ. Đối với nội bộ giáo quyền, Giám mục Thục đã gây ra những mâu thuẫn đến lời qua tiếng lại đối với các giám mục, linh mục, tu sĩ di cư ngay từ năm 1957.

Trong một lá thư, dài ba trang đánh máy, đề ngày 29 tháng tư, 1957, viết tại Vĩnh Long, GM Thục đã lên tiếng mạnh mẽ, tố cáo đích danh nhiều linh mục vi phạm tiền bạc di cư và phê phán các trường di cư mở trường bừa bãi mà không có bằng cấp gì cả. Trong khi người di cư cho rằng họ đã hết lòng với cụ.. Ngược lại Gm Thục cho thấy người di cư nhiều khi đã phản bội cụ.

Xin trích nguyên văn:

“Có giám mục đã xin Bộ đòi bắt giam ông cố vấn. Lính một Giám mục khác đánh Quốc gia ở Rừng Sát.. Tôi sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của các Đấng ấy.”

(Tài liệu photocopy riêng của Nguyễn văn Trung)

Theo tôi, những phê phán của gm Thục có thể đúng nhiều phần. Nếu có điều gì là hình thức phê phán đã tạo ra nhữn chia rẽ trong nội bộ công giáo. Có nhưng sự kiện khác như lính của một GM đánh lại Quốc Gia sự thực thế nào không rõ.

Về lẽ đời, ông cũng chạy theo quyền lực, cao ngạo và thiếu hiểu biết với Phật Giáo. Chung quanh ông phần lớn là những kẻ xu nịnh làm ông mất cảnh giác. Tóm lại , ông không đú sáng suốt để tách biệt Đạo với Đời, để đạo dẫm chân lên đời.

Ông thật sự là kẻ đào mồ chôn chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.

Edward Miller cũng viết: “Diem at first seemed to follow Thuc into the priesthood.”

(Edward Miller, Misalliance. Ngo Đinh Diem The United States and the Fate of South Viet Nam, 2013, trang 24)

Chỉ rất tiếc là những lá thư này không được TGM Nguyễn Văn Thuận công khai hóa cho mọi người biết và không biết hiện nay trao cho ai giữ?

Thắc mắc còn lại là vì lý do gì Dương Văn Minh quyết định dứt khóat, từ chối ân xá cho Ngô Đình Cẩn? Lý do đơn giản nhất là họ bị thất sủng, bị nghi ngờ và không được trọng dụng.

Theo Edward Miller, khởi đầu của âm mưu đảo chánh chỉ gồm ba sĩ quan là: Minh, Đôn và Kim. Sau cuộc bạo lọan năm 1960 bất thành, cả ba đều cảm thấy bị xỉ nhục vì bị điều tra xem có đính dáng trong vụ đảo chánh bất thành năm 1960 hay không.

“The resentment that Don, Minh and Kim felt for the Ngo brothers had been smoldering since 1960, when they had endured the humiliation of being investigated on suspicion of involvement in the paratroopers’ failed coup.”

(Edward Miller. ibid., trang 282)

Lý do cá nhân thứ hai theo ls Lâm Lễ Trinh phỏng vấn đại tá Nguyễn văn Y, đại tá Y, cho biết Dương Văn Minh khi đánh nhau với Bình Xuyên, có bắt được phuy đựng vàng. Ông đã dấu nhẹm. Nhưng cả hai đại tá Nguyễn Văn Y và Bộ Trưởng Quốc Phòng Trần Trung Dung đều có tập hồ sơ này. Đại tá Y trình ông Diệm tập hồ sơ, Ông Diệm sai đại tá Y đốt tập tài liệu trước mặt ông để xóa trắng tội cho DVM. Tuy vậy, Dương Văn Minh vẫn hận ông Diệm và tìm dịp trả thù.

Cuối cùng Ngô Đình Cẩn bị kết án tử hình như mọi người đều biết.

Việc tìm hiểu về con người và các hoạt động của ông Ngô Đình Cẩn không thể không tìm hiểu những tài liệu về phía người Mỹ. Nhưng thật không dễ để tìm một tài liệu của người Mỹ viết liên quan đến ông Cẩn. Xin nêu vài tác giả quen thuộc viết xa gần đến ông Cẩn như Stanley Karnow, 1997 với Viet Nam. A History, Ellen J.Hammer, 1987 với A death in November, Seth Jacob, 2006 với America’s Miracle Man in Viet Nam, Mc Allister, James, 2008 Only Religions Count in Viet Nam: Thich Trí Quang and the Viet Nam war. Langguth A .J., 2000 Our Viet Nam và Miller, Edward, 2013, Missalliance, Ngo Đinh Diem, The United States, and the Fate of South Viet Nam.

Mặc dù với số tài liệu ít ỏi đó, chúng tôi cũng cố gắng thu nhặt những nét chính yếu liên quan đến ông Cẩn.

Người viết xin chọn một vài ý tưởng của Ellen J. Hammer trong A death in november liên quan đến cuộc đảo chánh tháng 11. Theo E. Hammer:

“Cẩn là người em út còn ở lại Huế, ông sống ẩn dật không ai biết đến và không giữ một chức vụ chính thức nào của chính quyền. Chức vụ của ông chỉ là cố vấn về các đảng phái chính trị. Nhưng người ta lại biết đến ông rất nhiều trong việc chỉ đạo các hoạt động về chính trị và quân sự của chế độ ở các tỉnh miền Trung và ông có tiếng là tàn bạo.”

(Ellen J. Hammer, A Death in November, 1987, trang 78)

Ông Cẩn là người thực tiễn, không viển vông, với một trí thông minh biết kỳ vọng nào là chính đáng, một người Quốc gia cực đoan với một bản năng chính trị thực tiễn, với sự am hiểu biết xử dụng quyền lực trong tay.

Bằng chứng là ông đã dẹp tan các nhóm Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng khuynh đảo ở miền Trung. Họ không thể hoạt động gì ở miền Trung khi Cẩn còn ở đó. Ông có mạng lưới chính trị và tình báo riêng. Nhưng những phúc trình của người của ông Cẩn không phải lúc nào cũng ăn khớp với những thông tin nhận được ở Sài Gòn của ông Nhu. Nói cho đúng người của ông Cẩn không tài giỏi như ông nghĩ, vì thế, họ đã bị CIA xâm nhập.

Quyền bính chính trị địa phương, bề ngoài được trao vào tay Hồ Đắc Khương-một sản phẩm đặc sản Huế. Một dòng dõi cha truyền con nối từ đời ông đến đời cha trong triều đình Huế. Dòng họ Hồ Đắc Khương lại có người đã nương nhờ cửa Phật như một tín chỉ ở một địa phương có đông tín đồ Phật giáo.

Phải chăng phải có bấy nhiêu yếu tố mới ngồi vững ở Huế được? Ông Cẩn có đủ các yếu tố ấy, nhưng lại thiếu một yếu tố căn bản nhất là ông không phải Phật giáo. Nhưng luôn luôn đứng phía sau trợ giúp Phật giáo.

Nhận định về vụ biến động Phật giáo miền Trung sẽ giúp hiểu rõ thêm về quan điểm, lập trường của ông Ngô Đình Cẩn như thế nào.

Khi Viện trưởng Cao Văn Luận tiếp xúc với ông Cẩn để cho biết về việc các giáo sư và sinh viên Huế phản đối vụ mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục của Ngô Đình Thục. Ông Cẩn tỏ ra bất lực trước một người anh Giám Mục mỗi ngày đẩy xa Ngô Đình Cẩn ra khỏi vòng quyền lực ở Huế. Cẩn bị cô lập vì ông anh thiếu hiểu biết, cao ngạo đến lố bịch. Có văn thư yêu cầu các lm giáo xứ yêu cầu họ đi ủng hộ Tổng thống.

Ông Thục càng muốn cũng cố quyền lực cho người em, ông càng làm hại em mình.

Nói về Cao Văn Luận thì không có ông, Viện đại học Huế không có cơ hội phát triển mau chóng như thế. Viện Đại Học này, nó do ông Diệm xây dựng nên. Nó như một ước mơ thầm kín, một hoài bão của riêng ông cũng như một niềm hãnh diện của cả dân Huế. Vậy mà sau này, chính nơi đây đã xuất phát như một ngòi nổ tạo thành cơn bão chính trị lật đổ người đã khai sinh ra nó.

Ellen Hammer đã nhận xét về Cẩn dựa theo lm Cao Văn Luận, mặc dầu Cẩn không có học lực cao và cũng chắc chắn không phải là loại người tôn trọng dân chủ. Nhưng ông lại tỏ ra hiểu biết và gần dân chúng hơn bất cứ người anh em nào của gia đình Ngô Đình Diệm.

Cẩn than phiền về thái độ không hiểu biết của TGM Ngô Đình Thục không phân biệt được phần đạo, phần đời. Cẩn nói với lm viện trưởng, “But my hands are tied. My brother, the archbishop doesn’t listen to me anymore. You had better go to Saigon and tell President Diem.” (Ellen J. Hammer, ibid., trang 105)

Cái trớ trêu ở đây là Ngô Đình Thục sau 23 năm làm giám mục ở Vĩnh Long, và Vatican đã đủ thông minh để không bao giờ có ý định đề cử Ngô Đình Thục về cai quản Sài gòn, lý do là Vatican thừa hiểu biết muốn tách biệt thế quyền và thần quyền. Không lẽ có một Tổng Thống công giáo đứng đầu lại có thêm một TGM đứng đầu là bào đệ của Tổng Thống thì coi sao được?

Việc chọn TGM Nguyễn Văn Bình là người ôn hòa đã cân bằng được mối tương quan thế quyền và thần quyền. Không bao giờ TGM Bình tỏ ra thân cận với chính quyền Ngô Đình Diệm một cách lộ liễu. Ông tránh né ra vào Dinh Độc Lập và ông tránh né cả những buổi tiếp tân nếu có thể. Và luôn luôn giữ một khoảng cách vừa đủ.

Việc đưa Ngô Đình Thục ra Huế, xa trung tâm quyền lực Sài Gòn và có lẽ người vui mầng nhất hẳn là Ngô Đình Nhu? Ông Diệm có thể chịu đựng người anh với quyền huynh thế phụ, nhưng ông Nhu ít đủ kiên nhẫn, ít lắm ông Nhu khỏi bị quấy rầy bởi sự ra vô dinh Độc Lập của người anh làm giám mục cứ can thiệp vào các việc của chính quyền một cách khôn ngoan khờ khạo, tiến cử người này, tiến cử người kia, ngay cả loại bỏ người nào mà ông không ưa. Ông là người tu trì, không thông việc đời, không hiểu thế thái nhân tinh của một người không hề biết việc đời. Nhưng lại chỉ sẵn sàng nghe theo những lời xàm tấu của kẻ xu nịnh.

Tôi từng đã nhiều cơ hội có nhận xét về khuôn mặt chán chường, không vui lộ ra trên nét mặt ông Nhu mỗi khi ông phải tham dự những buổi lễ do ông Ngô Đình Thục chủ tế tại Đại Học Đà Lạt những năm 1960. Ngoảnh đi ngoảnh lại, ông đã biến mất tiêu, không hề ăn một cái bánh ngọt, uống một ly rượu chúc mừng xum xoe như các hàng bộ trưởng, dân biểu nghị sĩ. Ông Thục đi tới đâu thi có một đàn ruồi bay theo, cờ xí đón tiếp từ phi trường, gấp gáp trải đá vội vãcon đường dẫn tới Viện Đại Học.

Khi ra nhậm chức ở Huế, tướng Trần Văn Đôn là người huy động quân đội đón tiếp một Giám Mục công giáo. Thật đúng là tên nịnh thần và phản thần mà bà Ngô Đinh Thị Hiệp ghét nhất trong hàng tướng lãnh.

(Thật ra không phải đây là lần đầu tiên, giám mục Thục ra Huế. Khi còn là linh mục, ông đã là giáo sư Đại chủng Viện Huế trước khi được bổ nhiệm làm giám mục Vĩnh Long. Sau này, khi hai ông Diệm-Nhu đã bị ám hại, GM Thục một lần nữa còn vận động Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ VI xin chính quyền mới cho ông quay trở về Huế như cũ. Nhưng việc bất thành)

Nhưng cả Vatican và ông Nhu đã không ngờ được sự hiện diện của Ngô Đình Thục tại Huế lại là một tai họa cho cả công giáo đến chính quyền đến thế! Huế với một gia tài lịch sử quan quyền, một truyền thống khép kín với bất cứ sự xâm nhập quyền bính nào từ bên ngoài vào đến bệnh hoạn. Làm sao họ có thể chấp nhận được bóng dáng một tổng giám mục quyền bính, cao ngạo bao trùm lên bầu trời xứ Huế? Tôi đã ở Huế, tôi thấu hiểu tâm tình người dân xứ này, nghèo đến không có gì để nghèo hơn. Ruộng đất, kỹ nghệ hầu như không có. Họ sống bằng sự tặng dữ của những người con xứ Huế ra đi làm ăn gửi về và đồng lương công chức, quân nhân tại chỗ.

Nhưng Huế lúc nào cũng ẩn nhẫn, nhưng sôi sục như bếp chấu âm ỉ qua cái bề ngoài thầm lặng.

Sau này hầu hết các biến động chính trị đều xuất phát từ nơi đây.

Cho nên, chỉ có một người duy nhất là Ngô Đình Cẩn có thể ở Huế và nắm được tình hình mà người ta gọi là Cậu Cẩn. Một tên gọi có thể là thân mến, nhưng nhiều phần coi thường. Và ít khi Cậu Cẩn bước ra khỏi Huế, nhưng cái gì Cậu cũng biết, như nắm trong lòng bàn tay và ông đã đã cai quản Huế qua đám tay chân bộ hạ ông ở Huế với bàn tay sắt bọc nhung.

Nhờ cái bàn tay bọc nhung ấy, Cẩn cũng sẵn sàng giúp đỡ trùng tu chùa chiền, các khuôn hội, đi lại thân tình và cả bao che cho Trí Quang.

Nhưng có lẽ điều sai lầm duy nhất trong đời làm chính trị của Ngô Đình Cẩn có thể là đã đánh giá sai lầm Trí Quang.

Hammer kết luận, “ But Cẩn had underestimated Tri Quang.

Ngày 8 tháng 5 Trí Quang ra khỏi bóng tối ẩn nhẫn trong nhiều năm dưới mái chùa Từ Đàm và trở thành nhân vật chính trị và thế lực chính trị hàng đầu ở Việt Nam.

Khi Thục ra Huế, Cẩn vẫn tin rằng ông vẫn có thể là người của tình thế, là một đầu cầu giữa chính quyền và Phật giáo.

Nhận xét về các hoạt động của Ngô Đình Cẩn tại Huế

Những hoạt động của ông Ngô Đình Cẩn là hoạt động tinh báo, phản tình báo không nằm trong khuôn khổ của tổ chức hành chánh. Nó là những hoạt động bí mật. Mười Hương gọi mật vụ Ngô Đình Cẩn là một “siêu tổ chức” không có “bộ máy ngụy” nào có thể so sánh bằng.

(Nguyễn Thị Ngọc Hải, “Trần Quốc Hương — Người chỉ huy tình báo”, nxb Tổng Hợp TP HCM, trang 122)

Chính vì tính cách bí mật của nó, hoạt động bên ngoài guồng máy chính quyền đã tạo ra nhiều tai tiếng xấu, nhiều dư luận đồn thổi. Bởi lẽ việc bắt người thường là bắt cóc, không có trát tòa, không xử án và việc bắt giam vô thời hạn.

Ngay trong ngành phản gián, mật vụ Ngô Đình Cẩn cũng bị các cơ quan bạn như An Ninh Quân Đội, Lực lượng Đặc Biệt, Sở Nghiên cứu chính trị nghi ngờ. Mặc dầu mỗi ngành có lãnh vực hoạt động khác nhau. Sở tình báo của Trần Kim Tuyến chú trọng đến vấn đề nội an như dò xét các thành phần đối lập. Cơ quan an ninh của Đỗ Mậu lo an ninh quân đội. Lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung gồm một trung đoàn có nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ Tổng Thống.

Trong bài phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh với Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt miền Trung, nhan đề “Trưởng đoàn Dương Văn Hiếu lên tiếng”, ông Dương Văn Hiếu tiết lộ như sau:

Đại tá Nguyễn Văn Y (1922-2012). Nguồn: http://nguyentin.tripod.com

“Đại tá Nguyễn văn Y, Tổng Giám Đốc Công An cũng như Trần Kim Tuyến (SNCCTXH), Lê Quang Tung (Lực Lượng Đặc Biệt) và Đỗ Mậu (An Ninh Quân Đội) đều không ưa tôi.”

(Lâm Lễ Trinh, “Thức Tỉnh, Quốc Gia và Cộng Sản”, trong bài Trưởng Đoàn Dương Văn Hiếu lên tiếng, trang 425)

(Dương Văn Hiếu, sinh quán ở Hà Nam, Bắc Việt trong một gia đình trung lưu, học trường Louis Pasteur, có bằng Diplome d`Études primaires supérieures Trung học Đệ Nhất cấp). Lập gia đình năm 1948, bố vợ là bác sĩ Nguyễn Văn Tam, cộng tác với gm Lê Hữu Từ, Phát Diệm. Sau Hiệp Định Genève vào Nam, ông được cụ Võ Như Nguyện, Giám đốc công an Trung Phần tuyển vào ngành công an, giữ chức Trưởng Ban Khai thác Nha CA-CS Trung nguyên, Trung Phần. Rồi trở thành Trưởng Ty Công an tỉnh Thừa Thiên và đô thị Huế. Năm 1957 được ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Đình Cẩn và ông đại biểu chính phủ Hồ Đắc Khương giới thiệu nhiệt tình với Tổng Thống Diệm. Năm 1958, ông được bổ nhiệm Trưởng Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung (TĐCTĐBMT) làm việc tại Sài Gòn.

Mặc dầu ông Dương Văn Hiếu không nói rõ sự không ưa kia. Nhưng chúng ta vẫn có thể tìm hiểu được như sau:

Có nhiều bộ phận tình báo, mặc dầu được phân chia vùng hoạt động hoặc phạm vi công tác. Nhưng vẫn có sự tròng chéo và dẫm chân lên nhau. Chẳng hạn, ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn công tác vốn hoạt động ở miền Trung. Nhưng sau được điều động vào miền Nam hoạt động, trụ sở nằm trong trại Lê Văn Duyệt. Ông vào Nam làm việc theo chỉ thị của ông Cẩn. Nhưng khi cần bá cáo điều gì, ông chỉ chính thức bá cáo cho ông Ngô Đình Nhu, hoặc khi có chuyện hệ trọng, ông gặp thẳng Tổng Thông Diệm. Thỉnh thoảng ông mới gửi vài bản sao bá cáo cho ông Cẩn mà thôi.

Mặc dầu hoạt động của Dương Văn Hiếu bí mật và độc lập. Nhưng về mặt hành chánh, ông lại ăn lương theo ngạch Cảnh sát Quốc Gia nên mọi chi phí hoạt động như lương bổng, thực phẩm, tiền vãng phán đều do Phòng Hành Chánh của Tổng Nha Công an cung cấp theo hệ thống, qua Phòng Hành Chánh của Phụ tá Nguyễn Thành đài thọ. Vì chính thức, về mật hành chánh, ông vẫn thuộc Ty Công An Thừa Thiên. Vì có những công tác đặc biệt mà Tổng Nha không cung cấp phương tiện được như tiền thì qua ông Võ văn Hải với tiền lấy từ Quỹ đen của Tổng Thống để đài thọ. Số tiền này không quan trọng chỉ như một thứ tiền thưởng hoặc khích lệ. Xét như thế về mặt Hành Chánh, ông Nguyễn Văn Y làm sao không nghi ngại được? Ông Dương Văn Hiếu cũng tiết lộ cho thấy, Đoàn công tác của ông không nhận một đồng nào của ông Cẩn cả.

Vì cách thức hoạt động như vậy, vì không có một chức vụ gì công khai như giám đốc chẳng hạn- nên để có chỗ ăn ở, Dương Văn Hiếu phải tự bỏ tiền ra mua một căn nhà ở cư Xá Công Lý làm nhà riêng. Và vì đã không làm việc trực tiếp với ông Cẩn nên sau này cũng bị chính ông Cẩn nghi ngờ là quá thân cận với Sài Gòn và gây khó dễ không ít cho ông cũng như Phạm Thu Đường, chánh văn phòng cố vấn Nhu, ngay cả Nguyễn Văn Minh, bí thư của ông Cẩn cũng bị nghi ngờ. (Lâm Lễ Trinh, ibid., trang 437)

Về phía Tòa án cách Mạng, sau này đưa Dương Văn Hiếu ra tòa và coi ông là người chủ mưu và trách nhiệm nhiều vụ bắt bớ, ám sát người là do lệnh Ngô Đình Cẩn, theo tôi, là rất hàm hồ. Chẳng hạn các vụ ám sát người đối lập như Nguyễn Bảo Toàn, Tạ Chí Diệp và Vũ Tam Anh. Về điểm này, Dương Văn Hiếu trả lời ls Lâm Lễ Trinh là “chúng tôi không liên hệ. Chúng tôi không có trách nhiệm truy nã các phần tử đối lập.” Cũng theo Dương Văn Hiếu, sau này được biết công việc này do Thẩm Sát viên Khưu Văn Hai và đồng bọn trong Ban Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc Tổng Nha Công An của đại tá Nguyễn Văn Y đã giết Nguyễn Bảo Toàn và Tạ Chí Diệp.

Tuy nhiên, điều tôi ngạc nhiên đến không tin nổi là Dương Văn Hiếu tiết lộ cho biết toàn thể nhân viên của ông chỉ có 8 nhân viên và hai thơ ký đánh máy. Với 8 nhân viên này mà có thể thao túng bắt trọn mạng lưới gián điệp của cộng sản?

Và nếu có biết ít nhiều thì đều có thành kiến xấu về ông. Trong đó người ta nói nhiều đến Đoàn công tác mật vụ của Ngô Đình Cẩn.

Nhưng tôi có thể khẳng định ngay chính người dân Huế cũng thật sự không biết các công tác và công việc cụ thể của Đoàn này như thế nào? Những mặt hoạt động tích cực có hiệu quả thì dân chúng không được biết.

Chẳng hạn, Đoàn Công Tác Đặc biệt miền Trung đã phá vỡ trong vòng hai năm toàn bộ hệ thống điệp báo Khu 5 và từ đó lan ra các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Thuận, Quy Nhơn.

Thành tích này là lớn lắm mà một quân đoàn chưa chắc đã bình định nổi.

Ngay Trần Văn Đôn, một thời là tướng Quân đoàn I ở miền Trung cũng hầu như không biết gì về hoạt động chống Cộng hữu hiệu của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung. Ông đánh giá rất thấp khả năng của ông Cẩn về ngăn chặn tình báo cộng sản gài người trong guồng máy Quốc gia. Điều đó chứng tỏ ở vị trí Tư lệnh Quân đoàn I lúc đó, ông không hay biết gì về Mật vụ ông Cẩn đối phó với cộng sản.

Điều đó cho chúng ta một bài học sau đây: Những sĩ quan thời Tây để lại thường thiếu tinh thần Quốc gia, thiếu lý tưởng chống cộng sản.

Họ chỉ là loại sĩ quan văn phòng, làm cảnh và bất tài, kém cỏi sau khi lật đổ chế độ Đệ Nhất cộng hòa. Họ không có viễn kiến chính trị, không có kế hoạch, không có chương trình và tỏ ra hoàn toàn bất lực, thụ động ngay từ những ngày đầu sau 1963.

Một ông tướng mà còn ngu muội như thế nói chi đến dân thường.

(Còn tiếp)

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline minh hoạ.

1 Comment on “Ngô Đình Cẩn. Ông là ai? (p2)

  1. LỊCH SỬ VÀ CON NGƯỜI

    Lịch sử như dòng chảy
    Con người giọt nước chung
    Có giọt nào riêng biệt
    Tất cả đều trong dòng

    Nhưng mỗi người phận mệnh
    Đâu thể ai giống ai
    Có người lên chức sắc
    Có người làm tay sai

    Song đời luôn biến chuyển
    Cũng đâu như vậy hoài
    Việc lên voi xuống chó
    Mỗi thời mỗi diễn ra

    Lại có người lên vua
    Hay lên quan cũng thế
    Ngược lại cũng có người
    Chết oan hay tù tội

    Chẳng qua đời vở kịch
    Định mệnh tạo thế thôi
    Nói ông Trời cũng được
    Đâu phải vốn do mình

    Như hoàn cảnh miền Trung
    Dưới thời ông Diệm thắng
    Ông Cẩn bởi cậu em
    Cũng có quyền chút đỉnh

    Đã giúp anh nhiều mặt
    Song tạo ra nhiều điều
    Cái hay theo cái dở
    Cuối cùng hóa thành tiêu

    Ông Diệm buổi vàng son
    Dương Văn Minh làm Tướng
    Đánh diệt được Bình Xuyên
    Thu rương vàng Minh liễm

    Nhưng ông Diệm độ lượng
    Cũng là cách khôn ngoan
    Bằng chứng ông cho đốt
    Tướng Minh mới mệnh toàn

    Chỉ tới Thích Trí Quang
    Huế mới thành điên đảo
    Y vàng chủ trận địa
    Ngô Đình Diệm đổ nhào

    Dương Văn Minh lên thay
    Dùng hận thù giết Diệm
    Giết luôn Ngô Đình Cẩn
    Bởi từng thâm thù riêng

    Từ đó cả Miền Nam
    Mọi sự đời chao đảo
    Bởi cái gọi Cách mạng
    Thảy đều Tướng bất tài

    Họ xưa nguyên lính Pháp
    Thời Bảo Đại làm vua
    Tới khi thành Quốc Trường
    Họ cứ lên dài dài

    Lúc ông Diệm Tổng Thống
    Lập nền tảng Cộng Hòa
    Nhiều người đua nhau chống
    Vì tâm tư ta bà

    Kẻ thù của ông Diệm
    Vì vậy mới bao la
    Họ thuộc nhiều mục đích
    Rốt cuộc ông đổ xòa

    Bởi cuộc đời luôn tếu
    Có gì đâu xót xa
    Ít ai toàn ngay thẳng
    Phần nhiều đều tà ma

    Nên để diệt ông Diệm
    Họ bôi xấu tà tà
    Sau cùng bôi đen hết
    Thành Cách mạng nổ ra

    Nhưng chỉ toàn danh nghĩa
    Bên trong đầy gian tà
    Cả bàn tay lông lá
    Của người Mỹ nhúng vào

    Cuối cùng cũng kết thúc
    Bảy lăm khỏi kêu ca
    Để chuyển trang lịch sử
    Big Minh tự đốt nhà

    Đúng là điều tếu táo
    Thủ tiêu nền Cộng hòa
    Luôn hổn danh Mỹ Ngụy
    Từ đây hết kêu la

    Làm cuộc đời hóa tuyệt
    Bao nhiêu người khóc òa
    Khóc vì mình chiến thắng
    Khóc vì mình xót xa

    Ai mừng rỡ phất cờ
    Ai ưu sầu vượt biển
    Suốt cả nhiều năm liền
    Biển khơi no bụng cá

    Cũng lắm người thoát được
    Nay còn nuôi hận thù
    Nên đất nước thống nhất
    Nhân dân toàn chia phôi

    Người nói voi nói nai
    Kẻ nói hươu nói vượn
    Đâu mấy ai thật thà
    Mà chỉ toàn nói ngọng

    Đấy ý thức người mình
    Thật tình luôn lọng cọng
    Bởi óc não trong đầu
    Khó được toàn giải phóng

    Cả những điều trên đây
    Đâu phải đều tưởng tượng
    Ai cũng biết tràn hề
    Nhưng nói ra sợ vướng

    Chỉ ai người thật thà
    Không phải thứ gàn bướng
    Không theo kiểu lụa là
    Mới nói lên sự thật

    NGÀN KHƠI
    (01/5/17)