Mỹ đã đánh mất con gái của một Tổng thống như thế nào?
Catherine Kerrison | DCVOnline
Sự biến mất của con gái của Tổng thống Thomas Jefferson trong lịch sử có thể cho chúng ta biết gì về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Nhiều người biết Thomas Jefferson đã có một mối quan hệ lâu đời với nô lệ của mình, Sally Hemings. Nhưng ít người biết rằng họ đã có bốn mặt con với nhau, ba người con trai và một cô con gái, đã sống đến tuổi trưởng thành. Sinh ra là người nô lệ, con gái của Sally, cô Harriet đã lên xe ngựa đi Washington, D.C. tìm cuộc sống tự do ở tuổi 21. Cha cô đã cho Harriet 50 đô la chi tiêu dọc đường. Harriet sẽ không bao giờ nhìn thấy mẹ hoặc các em trai của mình nữa.
Harriet rời khỏi Monticello năm 1822, và biến khỏi sử sách Hoa Kỳ, không ai biết đến cô trong hơn 50 năm sau đó cho đến khi em trai của cô kể lại câu chuyện. Madison Hemings nói, Harriet bảy phần tám da trắng, đã “nghĩ rằng chị ấy muốn sống ở Washington như một phụ nữ da trắng.” Bà Hariet đã kết hôn với một người đàn ông da trắng có địa vị ở thành phố này và “xây dựng gia đình, nuôi nấng con cái.” Trong nửa thế kỷ qua, sống như người da trắng, những người em của Harriet “không biết rằng danh tính của Harriet Hemings ở Monticello đã chưa bao giờ bị phát giác.”
Như vậy chúng ta đã đánh mất con gái một tổng thống như thế nào? Với nỗi ám ảnh của người Mỹ về những người Cha già Lập quốc, với những người con của Cách mạng và những hậu duệ của họ, tại sao con gái của Jefferson lại biến mất? Sự thật là người Mỹ còn có một nỗi ám ảnh lớn hơn nữa về chủng tộc; nó lớn đến nỗi con dòng dõi tổng thống như bà Harriet Hemings cũng chưa đủ để sống đời tự do. Thay vào đó, bà chào đời như một người nô lệ, coi như đã bị đóng chàm đen đã khiến bà quyết định xóa bỏ lịch sử gia đình của chính mình.
Harriet Hemings phải sống như người da trắng để bảo vệ sự tự do mong manh của mình. Jefferson đã không cấp giấy giải phóng nô lệ chính thức cho con gái, cho đến khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ năm 1865, theo luật, bà vẫn là nô lệ, điều đó có nghĩa là con cái bà cũng thừa hưởng đời nô lệ như mẹ. Nhưng trong một xã hội ngày càng gắn liền màu da đen với sự nô lệ, Hemings đã dùng màu da trắng của mình không chỉ để bảo đảm quyền tự do của con cái, mà còn đòi cho họ được tất cả các quyền và đặc quyền của người da trắng: giáo dục, bỏ phiếu, vay nợ mua nhà, bất kỳ chỗ ngồi nào họ chọn trên xe điện. Để lộ thân phận mình là con gái của Jefferson và người nô lệ của ông sẽ phá hủy kế hoạch xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các con cháu của bà.
Từ thời đại của Harriet, khoa học đã chứng minh rằng không có sự khác biệt trong dòng máu như một dấu hiệu của “chủng tộc.” Là một một thể loại trong sinh học, sự khác biệt về chủng tộc đã bị phơi bày như là một điều giả dối. Ngay cả màu da không phải là một chỉ dấu đáng tin cậy về nguồn gốc của một người. Theo tính toán trong một nghiên cứu, gần một phần ba người Mỹ da trắng có tới 20 phần trăm nguồn gốc di truyền của người Châu Phi, nhưng trông họ vẫn có màu da trắng, trong khi 5,5 phần trăm người Mỹ da đen không có tổ tiên di truyền từ châu Phi. Chủng tộc chỉ có ý nghĩa chính trị và xã hội, nhưng không có ý nghĩa trong sinh học.
Đây là lý do tại sao câu chuyện đời của Harriet Hemings rất quan trọng. Khi cô sinh ra trong chế độ nô lệ với một lịch sử bị áp bức lâu dài, cô đã là người da đen; nhưng bất cứ ai nhìn thấy cô ấy đều cho rằng cô ấy là người da trắng. Giai đoạn từ khi được cha cho thoát ly đời nô lệ vào năm 1822 và đến khi Tu chính Án thứ 13 được phê chuẩn vào năm 1865, bà không phải là người tự do và cũng không phải là người nô lệ – nhưng bà đã sống như một người tự do.
Harriet không hợp với bất kỳ điều khoản nào đã có sức mạnh vô biên để phân định cuộc sống ở Mỹ. Sự việc bà biến mất trong sử sách chính là điểm quan trọng hơn cả. Khi người Mỹ chúng ta có thể dễ dàng đánh mất con gái của một tổng thống và nô lệ của ông, nó buộc chúng ta phải thừa nhận rằng các loại chủng tộc của chúng ta là hoàn toàn sai lầm và được xây dựng trên một nền khoa học đã bị hoàn toàn mất uy tín.
Tuy nhiên, như một thể loại trong phạm trù chính trị, kinh tế và xã hội, sự khác biệt về chủng tộc và hậu quả của nó vẫn thực sự sâu sắc. Đặc quyền tự do của người da trắng đã được trưng bày nhan nhản trong thời đại của chúng ta, khi những người da trắng vũ trang nghênh ngang đi trên đường phố tuyên bố sự ưu việt của dân da trắng và không bị phiền hà thì những người da đen không vũ trang đang bị cảnh sát bắn gục, và những viên cảnh sát đó chẳng bao giờ bị buộc phải nhận trách nhiệm. Các chính khách ngày nay vẫn vận động tranh cử thành công dựa trên nền tảng của hận thù chủng tộc.
Đây là lý do tại sao, theo ước tính, có khoảng 35.000 đến 50.000 người Mỹ da đen tiếp tục vượt qua lằn ranh đen trắng mỗi năm.
Khi tôi tỉ mỉ đọc hàng trăm gia phả, tìm kiếm thêm chi tiết về cuộc đời của Harriet Hemings, tôi thấy rằng tất cả mọi gia đình đều đã vẽ thêm chuyện, thay đổi lịch sử: chi tiết đã được tô điểm theo thời gian, hoặc có thể bị thay đổi vì những lầm lẫn tình cờ. Con cháu của những người nhập cư đã đổi tên, Anh hoá tên mình cho giống người da trắng; thông tin trong các hồ sơ điều tra dân số đã thay đổi, không giống từ một thập niên này sang một thập niên khác; gia phả bị sửa đổi vì nhầm lẫn với tên được yêu chuộng cứ lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ.
Những gia đình sống như người da trắng chắc chắn đã có những câu chuyện được sáng tạo như vậy. Đó là những gì họ phải làm để chứng thực một dòng tộc da trắng, được công nhận là một con người hoàn toàn, một người Mỹ hoàn toàn với tất cả các quyền và đặc quyền của nó – những quyền và đặc quyền mà ngay cả một danh gia thế tộc được kính trọng như Jefferson cũng chưa có thể sánh kịp.
Quốc gia, cũng như gia đình, đã hư cấu ra những câu chuyện về lịch sử của chính mình. Trong cả hai trường hợp, chúng ta sẽ gặp các nhân vật mà chúng ta không muốn nhận như là một người trong chúng ta, và có những câu chuyện chúng ta không muốn nói vềchính mình. Con gái của tổng thống phải chọn giữa gia đình và sống một cuộc đời phẩm giá chỉ mà chỉ có người da trắng mới có được là một trong những câu chuyện đó. Nhưng nếu không có những câu chuyện như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ thật sự biết chúng ta từ đâu đến; và nếu không có chúng, chúng ta sẽ không bao giờ có thể định ra một con đường tốt hơn cho cuộc sống gia đình và cuộc sống quốc gia.
Catherine Kerrison là giáo sư khoa lịch sử tại Đại học Villanova và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Những cô con gái của Jefferson: Ba chị em, Trắng và Đen ở nước Mỹ non trẻ”. Twitter @CKerrisonPhD
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: How did we lose a president’s daughter? By Catherine Kerrison. The Washington Post, January 25, 2018.