Giới thiệu và đánh giá cuốn Opusculum de sectis apud sinenses et tunkinenses
Nguyễn Văn Lục
Bắt gặp một tài liệu cổ và hiếm thì đó là một điều thích thú. Trong chỗ riêng tư, đó có thể còn là một nỗi vui, môt niềm hân hoan.
Giới thiệu và đánh giá một tài liệu cổ và hiếm: cuốn Opusculum de sectis apud sinenses et tunkineses của Giám mục Adriano di St. Thecla
Với người viết bài này, bắt gặp một tài liệu cổ và hiếm thì đó là một điều thích thú. Trong chỗ riêng tư, đó có thể còn là một nỗi vui, môt niềm hân hoan. Đối với những ai đã từng cầm bút biên khảo, tài liệu đươc đặt ở một vị trí cao nhất. Nhưng nếu tài liệu lại mang theo nó một giá trị tiềm ẩn nào đó mà gần ba thế kỷ sau, ta bắt gặp và chia xẻ được với tác giả thì có hai điều đáng nói:
– Quan điểm hay tiếng nói của tác giả đã vượt thời gian, không gian để trở thành hiện thực.
– Tiếng nói của tác giả không đơn độc. Nó được đón nhận, nó đi ngược thời đại và có thể đi trước thời đại mình. Chẳng những thế, một cách ngoài ý muốn phải chăng nó còn muốn nói cho đời sau? Hay nói một cách cao sang là nó đã có thể gửi đi một thông điệp, hay như một lời tiên tri, hay để lại cho đời sau một bài học?
Nếu quả thực được như vậy thì thật là tuyệt vời.
Tôi đã bắt gặp được tác giả và viết bài này để giới thiệu một tài liệu cổ rất đáng quý và mong chia xẻ với bạn đọc xa gần.
Vì sao có tập sách này?
Bạn đọc sẽ có thể thích thú nếu hiểu được xuất xứ tập tài liệu, về con người của tác giả cũng như nội dung của cuốn Opusculum de sectis apud sinenses et tunkinenses (A Small Treatise on the Sects Among the Chinese and Tonkinese) by Father Adriano di St. Thecla: A Study of Religion in China and North Vietnam in the Eighteenth Century. Annotated, introduced and translated from Latin, Classical Chinese, and Demotic Vietnamese (in collaboration with Mariya Berezovska for Latin), (Ithaca: Cornell Southeast Asia Publications, 2002). Cuốn sách do Olga Dror giới thiệu và chú giải này đã được Nguyễn Thanh Xuân dịch và Võ Minh Tuấn hiệu đính, tựa tiếng Việt là “Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng ngoài: Nghiên cứu về tôn giáo ở Trung Hoa và Bắc Việt Nam thế kỷ 18 / Adriano di Santa Thecla” , Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017. 495 tr.
Tác giả là Giám mục Adriano di St. Thecla (1667-1765). Ông đã sống ở Đàng Ngoài gần 30 năm hồi thế kỷ 18.
Cũng như đọc bất cứ tài liệu cổ nào khác, chúng ta nên đặt mình vào thời đại của tác giả để dễ hiểu tác giả hơn. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng La Tinh, có nhiều chỗ pha chữ Hán nhằm giới thiệu và đưa ra một cái nhìn có tính bao dung, chấp nhận sự đa dạng của các tôn giáo cùng thời như Khổng giáo, Phật giáo, ngay cả bói tóan cũng như việc thờ cúng các thần linh..
Rồi sau đó bị coi như một tác phẩm dị giáo nên có lẽ do đó, tác phẩm của ôngđã nằm chết trong gần ba thế kỷ hầu như không một ai biết đến.
Theo bà Olga Dror, người đã có công phát hiện tài liệu cổ này tại Thư Khố Hội truyền giáo Hải ngoại ở Paris trong một sự tình cờ ngẫu nhiên. Bà giải thích sự việc.
Bà Olga Dror khi ấy đang soạn một luận án tiến sĩ về Bà Chúa Liễu Hạnh, một nữ thần người Việt. Công việc của bà thật ra ít được ai quan tâm, ngay cả những học giả gốc Việt. Tuy nhiên, đối với các học giả Tây Phương, việc đi tìm hiểu các nữ Thần linh mang tính thần thoại thì nói chung đều có rất lâu đời ở nhiều nền văn hoá khác nhau.
Về mặt tôn giáo, người ta nhận thấy rằng, ngay cả các tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên Chúa giáo thì sự hiện diện của phái nữ là điều hiển nhiên, không chối cãi được. Vì thế, nhiều học giả đã triển khai đề tài này.
Nước Pháp có Jacques de Voragine (sinh năm 1230) viết tập La Légende dorée rất được thịnh hành trên toàn nước Pháp trong nhiều thế kỷ. Bên Anh có Women of the Gilte Legende: A selection of Middle English Saint Lives. Về phía người Việt, các huyền thoại đủ loại cũng không hiếm..
Giáo sư Pierre Huard, học giả người Pháp, là thầy của nhiều vị bác sĩ lớn tuổi hiện nay của Việt Nam như giáo sư Trần Ngọc Ninh; bác sĩ Huard viết chung với giáo sư Maurice Duran cuốn Connaissance du Viet Nam, được trường Viễn Đông Bác cổ tại Pháp in năm 1954. Ông cũng đề cập đến các yếu tố thần thoại mà ông gọi là thuần túy văn hóa Việt Nam như một thứ gia tài, một thứ truyền thống thuần túy của người Việt Nam không pha trộn.
Đặc biệt, tác giả Lê Phụng hơn ai hết là người chú trọng đến đề tài này hơn cả. Theo Nguyễn Văn Trung, ông có một số bài viết liên quan đến Công chúa Liễu Hạnh dưới nhan đề: Niềm Tin nữ Thần linh trong văn học truyền thống. Đặc biệt chương ba, ông dành để viết về Công Chúa Liễu Hạnh. Tác giả Nguyễn Huy cũng có bài viết: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đăng trên số Đi Tới, số 46. Cho nên, việc làm của bà Olga Dror là một điều không lạ. Chỉ khác một điều là trong khi bà đang chú tâm vào việc nghiên cứu công chúa Liễu Hạnh thì tình cờ mà bà đọc trong tài liệu Opusculum cũng có phần bàn về Liễu Hạnh. Vậy là bà chuyển hướng, say mê với tập tài liệu Opusculum và tạm thời tạm ngưng công việc làm luận án về Liễu Hạnh và tập trung vào tập tài liệu trên để đưa nó ra ánh sáng sau khoảng hơn 250 năm bị lãng quên. Còn nhiều tài liệu quy báu và giá trị khác cũng bị bỏ quên. Những nỗ lực cá nhân thì có như một số các tác giả Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Phụng, Thanh Lãng, Nguyễn Hưng, Roland Jacques, v.v..
Nhưng phần tài liệu về Giáo Hội Thiên Chúa giáo về kinh sách, truyện vãn, tuồng, nhất là mảng văn Hán-Nôm, v.v. thì còn cơ man nào tài liệu chưa được giới thiệu. Rất tiếc, phía lãnh đạo Giáo Hội Thiên Chúa giáo như Tổng Giáo Phận Sài Gòn xem ra còn lơ là nhiều về mặt này. Họ chú trọng vào việc phát triển xây cất, trùng tu, thiết lập các cơ sở mới hơn là chú tâm tìm hiểu lịch sử giáo hội qua các tài liệu Hán Nôm còn để lại.
Chính vì thế, tập tài liệu do Olga tìm ra được, thêm một lần nữa chứng tỏ ta lại phải vịn vai vào người ngoại quốc làm thay cho chúng ta mà đáng lẽ trách nhiệm của chúng ta phải làm.
Cũng theo bà Olga Dror, khi tập trung vào việc tìm hiểu Opusculum, bà còn có dịp đọc tài liệu cũng của Adriano nhan đề: The Chinese and Tonkinese Chronology (Biên Niên về Trung Hoa và Đàng Ngoài). Adriano đã lấy kinh nghiệm truyền giáo bên Trung Hoa để quy chiếu về tình trạng ở Việt Nam.
Hướng làm việc của bà Olga sở dĩ có kết quả là bà đã được sự hỗ trợ của nhiều học giả đủ chuyên ngành trên thế giới. Không có những người này, không chắc bà đã đi hết con đường bà đã lựa chọn. Và với sự cổ võ cũng như hỗ trợ của nhiều thức giả mà bà Olga đã có thể dịch được bản thảo tiếng La Tinh này ra tiếng Anh. Cứ theo như bà Olga, bà gặp nhiều khó khăn kỹ thuật khi dịch bản văn này.
Vì thế, công khó ấy do nhiều người thuộc đủ mọi chuyên ngành đóng góp.
Trước hết là Giám Mục Moussay, Giám đốc Thư Khố Hội truyền giáo Hải ngoại, rồi Mariya Berezovska, đồng dịch giả bản thảo tiếng La tinh với tác giả. K.W. Taylor trong Lời tựa gọi là “Khu rừng ngôn ngữ” với bao khó khăn kỹ thuật về mặt ngữ Pháp, cú pháp, những chú giải đày đặc. K.W. Taylor gọi sự thành công của Dror là đã tạo được “kiếp lai sinh” của tập bản thảo. Rồi với sự cố vấn của giáo sư Danuta Shanzer giúp cho nền tảng hiểu biết được vững chắc. Chưa hết, Giám mục Pietro Scalia, Giám đốc Thư khố của dòng Augustine chân đất ở Roma đã kiên nhẫn giải đáp về dòng này và về cuộc đời của Adriano di St. Thecla. Tiếp theo, có vô số các vị học giả đã đọc tác phẩm dịch đã góp ý kiến như: Charles Péterson, giáo sư Dan Boucher và giáo sư Nguyễn Tự Cường, Robert Mc Neal, giáo sư Vincent Pecora và các vị khác như Kim Haines- Eitzen, James John và Gary Rendsburg. Cuối cùng là với sự góp ý của người Việt như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Ngô Đức Thịnh, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Tài Thư, Phan Văn Các, Trần Nghĩa, Nguyễn Duy Hinh, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Tá Nhi và ông Đinh Văn Minh. Chưa kể các tổ chức giúp thực hiện dự án này như Quỹ Ford, các vị giáo sư bậc thầy của tác giả tại trường Đại Học, v.v..
Kết luận là tập sách mỏng trên 100 trang chẳng những được khám phá ra lại được dịch từ tiếng La Tinh cổ sang tiếng Anh, năm 2002 với một mạng lưới người chuyên biệt từ tiếng Pháp, tiếng Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Việt Nam. Và cũng không thể quên, công khó của dịch giả Nguyễn Thanh Xuân và sự hiệu đính của Võ Minh Tuấn, năm 2017. Đó là cả một công trình và một đoạn đường dài trải qua cần được ghi nhận.
Giới thiệu vài dòng về tác giả Adriano di St. Thecla và tu hội của ông
Giám mục Adriano thuộc tu hội dòng Augustine chân đất, hay còn được gọi là Dòng Augustine Chiêm niệm. Dòng này có từ lâu, thời thánh Augustine năm 354-430
Dòng tu của Adriano xuất hiện từ thế kỷ 16 xuất phát từ dòng Thánh Augustine khổ hạnh ở trên. Dòng tu Augustine chân đất áp dụng một lối tu trì với những luật lệ, nghi thức nghiêm khắc hơn dòng Thánh Augustine khổ hạnh.
Cuộc sống tu trì của họ là đề cao đời sống nghèo khó, hành xác và xa lìa khỏi thế gian. Họ tôn trọng sự im lặng. Sự im lặng ở đây được coi như một thứ “triết lý vô ngôn”. Im lặng nghe thì dễ mà thật sự không dễ gì trong thực tế. Và quy luật dòng đề ra một cuộc sống vật chất cực đơn giản mà mỗi ngày chỉ có nước, bánh mì, trái cây, dầu olive và rượu vang. Nội việc đi chân đất vào mùa đông ở Âu Châu như nước Ý đối với tôi đã là một thử thách rất lớn. Theo Đức cha Giovannii Nicolucci di S. Guglielmo (1552- 1621) đã nhấn mạnh:
“Hãy cảm nhận sự sâu lắng của miền đất này vì nó linh thiêng. Trước hết, con hãy để chân trần, nó sẽ tác động đối với tâm hồn con, trần trụi và tự do.”
(Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài, trang 32).
Việc hành xác như dùng roi da quất vào sau lưng. Hay đeo những dây thắt lưng có những đầu sắt nhọn quay vào phía bụng, v.v. là những sự hành xác “thông thường” được áp dụng trong nhiều dòng tu khổ hạnh.
Sở dĩ có sự hành xác như thế vì có quan niệm nhị nguyên về con người mà thân xác được coi là đầu mối của tội lỗi. Quan niệm này dĩ nhiên đã trở thành lỗi thời và nay không còn được áp dụng nữa.
Ngoài cuộc sống chiêm nghiệm, họ còn có thêm sứ mạng truyền giáo. Vì thế, họ đã được gửi dến Phi Luật Tân, rồi Việt Nam ở Đàng Ngoài và ở Trung Hoa vào năm 1696 một vài giáo sĩ đến trước cả giáo sĩ Adriano.
Phần Giám mục Adriano sang Việt Nam trên một con tàu Pháp, ngày 18 tháng 12, năm 1736. Gần hai năm sau, ông mới đặt chân lên Đàng Ngoài qua ngã Ma Cao. Họ đã ở lại Kẻ Vân để học nói tiếng Việt. Vị giáo sĩ này đã mau chóng học được tiếng Việt khi đến Đàng Ngoài.
Về những hoạt động của giám mục Adriano thì ít nhất cũng có một vị bề trên của ông, trong một lá thư đã đưa ra nhận xét như sau của giám mục Ignazio Barbagallo:
“Đức cha Adriano là một nhà tu hành có công tích lớn lao, và đức hạnh của ông ấy với tôi là đáng mến mộ.”
(Đức cha Adriano di St. Thecla. Luận về các phái của người Trung Hoa & Đàng Ngoài. Nguyễn Thanh Xuân dịch. Võ Minh Tuấn hiệu đính, trang 41)
Cũng trong thời gian giám mục Adriano, người được bổ nhiệm đến giáo phận Đông (Giáo hội phía Đông nằm ở phía Đông sông Hồng), thì nơi đây có loạn lạc. Nhiều làng mạc bị bỏ hoang, những băng đảng côn đồ, rồi lính tráng cướp bóc dưới các phong trào nổi dậy tự phát của quần chúng nông dân do các thủ lĩnh phản loạn.
Cho nên việc truyền đạo cũng không dễ dàng gì.
Adriano di st.Thecla được chỉ định đại diện giáo phận ở phía Đông.
Và lúc này, ông trở thành giáo sĩ Augustin Chân đất cuối cùng ở phía Đàng Ngoài. Và những năm cuối đời, việc thực hiện sứ vụ bị thất bại là do những tranh chấp và mâu thuẫn với các giáo sĩ Dominicain đến từ Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, Adriano đã từ chối nhượng bộ các giáo sĩ Tây Ban Nha.
Cuộc tranh cãi tranh chấp kéo dài cũng đến vài thập niên cho đến lúc có văn thư chính thức chấp thuận để các giáo sĩ Dominicain cai quản hoàn toàn vào năm 1745.
Có lẽ cũng cần nói rõ tại sao có sự tranh chấp về nghi lễ giữa hai dòng này. Nguyên do việc tranh cãi về nghi lễ này là người ta tự hỏi liệu các nhà truyền giáo có thể giảng dạy thế nào về các bài giảng của họ làm sao phù hợp được với văn hóa địa phương, nhưng lại không thể đi trái hoặc phương hại đến đức tin.
Nhiều giáo sĩ khi đến truyền giáo ở Trung Hoa cũng gặp những trở ngại này và đi đến thất bại lúc ban đầu. Làm cách nào tránh được xung đột trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên và việc sùng bái Khổng Tử?
Nói chung, xu hướng của Giáo Hội là có sự tách biệt các nghi lễ công giáo với nghi lễ của địa phương. Và nếu, hội truyền giáo nào không tuân thủ sẽ bị trục xuất theo thông tư của Giáo Hoàng Clément XI. Ông đã ký một sắc lệnh cho phép Tòa án dị giáo cấm viết về cuộc tranh cãi liên quan đến nghi lễ.
Cuộc tranh cãi này, kéo dài đến hàng thế kỷ, mà chúng ta đừng tưởng lầm là nó chỉ xảy ra tại Việt Nam giữa hai dòng tu như đã trình bày. Nhưng tại bất cứ nơi nào có xứ truyền giáo như tại Trung Hoa. Một số nhà truyền giáo tại Trung Hoa cũng có quyết tâm duy trì sự liên kết giữa những nghi thức hành lễ có tính nghi lễ địa phương với Kitô giáo. Và do đó, họ cũng phải đối phó với nguy cơ bị triệu hồi và rút phép thông công.
Cho nên, việc làm của giám mục Adriano là can đảm chấp nhận có thể bị trục xuất.
Ở thời điểm với sự có mặt của gm. Adriano tại Đàng Ngoài thì đã có sắc lệnh: “Ex quo singulari” của Giáo Hoàng công bố vào ngay 11-7, 1742 “quy tội cho bất kỳ nhân nhượng nào đối với phong tục địa phương, kể cả việc thờ cúng tổ tiên và sùng bái Khổng Tử, được coi là thuần túy mê tín, và do đó được coi là báng bổ Kitô giáo.” (Đức cha Adriano, Ibid, trang 38)
Thế nhưng quan điểm của Adriano về cuộc tranh cãi nghi lễ này cụ thể như thế nào?
Trong phần 11, chương 2 của cuốn sách, xem ra, vị giám mục muốn một việc miễn cho sự sùng kính Khổng Tử và tổ tiên khỏi các cáo buộc về sùng bái tượng thần. Ít nhất thì việc thờ cúng tổ tiên và sùng bái Khổng Tử được xem là không mang bản chất thần thánh và do đó cũng nên được ứng xử một cách khoan dung, it nhất là cho đến khi cộng đồng Ki-tô giáo được hình thành.
Tuy nhiên, cách ứng xử của ông sau này bị các giáo sĩ dòng Dominicain và Fransisco ở Tây Ban Nha phản đối, do lo ngại làm mất đi tính thuần khiết của Ki tô giáo.
Thế là từ đó dấy lên một phong trào đối kháng giữa đôi bên lên quan đến mối quan hệ giữa nhà truyền giáo và dân chúng địa phương, giữa các nhà truyền giáo và Tòa Thánh, nhất là giữa các dòng tu với nhau.
Và để chấm dứt sự tranh cãi này, Phái bộ Truyền bá và Đức tin đã có đề án “Đề án triệu hồi các giáo sĩ Augustine Chân đất ở Đàng Ngoài.”
Tuy nhiên gm. Adriano di St. Thecla đã không chịu rời đất nước mà ông đã hiến dâng hết nửa đời mình và ông đã mất sau đó ở Đàng Ngoài tháng 9-1765.
Tác phẩm của vị gm. gồm 6 chương: Giới thiệu, Khổng giáo, Thần Linh, Phái Thuật sĩ (tức đạo giáo), Bói toán, Phật giáo và Kito giáo.
Trong đó, 19 trang dành cho Khổng giáo, 12 trang cho đạo giáo, 24 trang cho Phật giáo. Và điểm đặc biệt, ông dành 36 trang cho các thần linh.
Người viết sẽ không đi vào chi tiết các nhận xét về các tôn giáo bạn của gm. Adriano và xin để dành cho độc giả tự đọc.
Nhưng người viết dựa trên bản dịch này đánh giá lại quyền bính của Vatican với các giáo hội địa phương mà cái nhìn và quyết định của Vatican thì không nhất thiết phù hợp với quyền lợi của giáo hội địa phương và cũng từ đây rút ra một bài học cho ngày hôm nay.
Nhận định chung về sự tiếp xúc, cọ sát giữa văn hóa của người ngoại quốc đối với Văn hóa địa phương
Nói một cách chung, khi một người ngoại quốc tiếp xúc với người Việt Nam và viết về xứ sở này thì thật khó tránh là họ không có cái nhìn thiên khiến. Thiên kiến là khó tránh cũng như người Việt trước đây có thói quen gọi đồng bào Thượng là “mọi” vói ý miệt thị, thấp kém.
Lý do phải nhìn nhận là họ văn minh và tiến bộ hơn chúng ta về mọi mặt nên it nhiều không tránh được sự so sánh với xứ sở của họ. Họ thường đem so sánh các tiêu chuẩn về văn hóa, nếp sống, nếp suy nghĩ của bản thân họ, từ đó đánh giá tốt xấu điều mà mà họ nhận thấy ở người dân Việt Nam. Nói chung, phần đông là một cái nhìn tiêu cực.
Một cái nhìn của những người không có trình độ chuyên môn về môn Nhân chủng học mà ngày nay những tài liệu ấy chỉ có giá trị tham khảo so sánh. Chúng ta không nên dùng các tài liệu này để lên án tính cách hời hợt của người Phương Tây.
Cũng vì vậy, khi người Pháp sang Việt Nam, họ đứng trước một thực trạng là dân trí người Việt còn thấp kém về nhiều mặt trong đó còn nặng tinh thần chủ nghĩa duy hồn. Vì vậy, họ có tham vọng khai thác tài nguyên, nhưng cũng muốn “mở mang dân trí”. Đó là chính sách hai mặt của chủ nghĩa thực dân Tinh thần của người Pháp ấy cũng không xa lạ gì đối với một số thừa sai ngoại quốc, nhất là thừa sai Pháp khi được phái sang truyền đạo ở Việt Nam.
Trong cuốn Histoire du Tonkin của cố đạo A. De Rhodes mà người viết có đề cập đến nhiều lần, ông cũng nói đến một số các dị đoan và mê tín như thế lực tà ma gọi là Võ Tuấn. Những người già cả tin rằng vào cuối năm vị Võ Tuấn này có thể sát hại và bóp cổ những người già nên họ phải vào trú ẩn trong các chùa chiền không dám ra ngoài cho mãi đến ngày mồng một tết mới trở về nhà. Ở chỗ khác, xin chép lại nguyên văn ý của cố đạo như sau:
“Nhưng sự chọn Thành Hoàng hay vua dị đoan này thì được thực hiện do một nguyên nhân rất kỳ dị rất điên rồ và bỉ ổi. Vì nếu có đứa trộm cướp trứ danh nào hay một kẻ trọng tội nào bị quan tòa hành hình ngoài thành và nếu vì tai nạn hay mưu mô ma quỉ nào mà có con bò, con trâu hay con heo nào bị ngã hay chết ở chỗ đó, ngay cạnh thi hài hay trên mộ phạm nhân thì người ta đồn thổi là tội nhân qua con vật ngẫu nhiên được họ nhận, từ nay được coi như vị thành hoàng.”
(A. De Rhodes. Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Bản dịch của Hồng Nhuệ, trang 68.)
“Cũng vậy, một cô gái con một vua Tàu, vì sống quá bê tha, bị cha ném trôi trên biển từ bên Tàu, dạt vào bãi biển của VN.. Dân làng vớt xác cô gái và lo việc chôn cất và cô được dâng kính như một nữ thần bảo hộ.”
(A. De Rhodes, Ibid, trang 68)
Giá trị tập tài liệu của giáo sĩ dòng Chân đất Adriano
Ngày nay nhìn lại, chúng ta mới thấy được tư tưởng tiến bộ của giám mục Adriano, quyết tâm bảo vệ cho tính “chính đáng” cũng như “ tính chất cùng tồn tại” của các nghi thức lễ tế như lễ tế trang nghiêm dành cho Khổng Tử.
Nó cũng mở ra trong tương lai tính chất cân đối và tính chất đa nguyên tôn giáo không cần biện biệt về sự dị biệt và tính so sánh hơn kém.
Nhưng ngày nay, do điều kiện tìm hiểu thế giới chung quanh ta được dễ dàng tiếp cận trong các tập san như GEO, National Geographic, v.v.. Đó là sự khám phá ra một thế giới đầy quyến rũ với những nét đẹp, nếp sống nguyên thủy mà nhiều người dễ dàng chấp nhận tính cách đa dạng và dị biệt. Chính cái nét dị biệt trước đây từng gây ra sự tranh cãi và bất đồng thì nay nó trở thành nét đẹp mời gọi tham dự.
Phải nhìn nhận một cách gián tiếp là quan điểm “hòa đồng tôn giáo” của giám mục Adriano phải chăng đã mở đường cho các thừa sai người Pháp sau này sang Việt Nam? Họ đã có một tinh thần hòa nhập vào các giá trị bản địa một cách thích thú và đáng ngạc nhiên đến không hiểu được.
Ở Việt Nam thì nếu chịu khó tìm hiểu, người ta cũng có thể được biết một phần nhỏ qua sự tìm đọc các nhà truyền giáo tại Cao nguyên Trung phần đã viết lại. Người có công lớn trong việc tìm hiểu người Cao nguyên Trung phần có thể là giáo sĩ Jacques Dourmes với cuốn Populations montagnardes du Sud-Indochinois. Sau này, Nguyên Ngọc đã dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề: Miền đất huyền ảo.
30 năm sống chung với người địa phương ở Cao nguyên Trung phần, giáo sĩ Jacques Dourmes đã sống chung với họ, ăn ở như họ, ngay cả mặc như họ. Ông đã viết tài liệu này bằng trái tim, thấm đẫm tình yêu thương các người dân thiểu số. Các yếu tố chính là yêu thương và nếu có yêu thương thì mới hiểu được và chia xẻ được.
Riêng ở miền Nam, vào năm 1972 đã cho dịch cuốn sách của giáo sĩ Pierre Dourisboure (Cố Ân). Cuốn sách này nguyên tác là: Les sauvages Bahnars, in tại Paris, năm 1929, sau 39 năm ngày vị truyền giáo này qua đời. Bản dịch ra tiếng Việt là: Bước đầu truyền giáo và khai phá miền Cao Nguyên Kon tum.
Cuốn sách này mang giá trị tài liệu và đề cập nhiều đến cuộc sống vô cùng khó khăn của các giáo sĩ. Cố Ân là người trụ lâu nhất, sống dai dẳng 35 năm trên mảnh đất Kon Tum, trong khi phần đông các nhà truyền giáo khác không sống nổi quá 10 năm vì không chống nổi lại với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhất là mắc bệnh sốt rét rừng và kiết lỵ.
Mỗi người chết ra đi thì người khác lại có dịp đọc kinh: “Nunc Dimittis” (Giờ đây xin cho tôi tớ Chúa được về.)
Đọc cuốn này, tôi ngập đầy cảm xúc và không khỏi vẫn có một thắc mắc dù sự việc đã rõ ràng là tại sao những người thanh niên này bỏ cuộc sống no ấm, đầy đủ tiện nghi của nước họ, tình nguyện sang truyền giáo ở VN, rồi lại tình nguyện lên Cao Nguyên?
Nỗi hiểm nguy đủ loại và sự thách thức thật không nhỏ? Nhiều người trong số họ đã lần lượt bỏ thây trên các vùng rừng núi Tây Nguyên như các tu sĩ Dégout, Fontaine, Cuenot, Arnoux, Combes, Verdier, Besombes và nhiều người khác? Con số không phải chỉ có chừng đó người mà cả hàng trăm!!!
Trong một thư của linh mục Cadrix bên Tây Ban Nha đề ngày 27-12 năm 1765 viết cho cha mẹ có đọan như sau:
“Đối với con, việc quyết định mà không cho cha mẹ biết là một việc làm rất đau đớn; nhưng vì con hết sức sợ sự chống đối của cha mẹ mà con tin chắc là có, nên con cảm thấy mình bị bó buộc bởi đạo Chúa phải giữ kín tất cả những cuộc vận động thầm lén để khỏi vấp phải mối nguy có không hoàn thành ơn gọi. Hôm nay, con đang trên đường hoàn thành ơn gọi đó, nên ngày ngày con chúc tụng Thiên Chúa và con xin Chúa cho cha mẹ ơn hiệp nhất với con. Con biết cha mẹ khá đạo đức để tin rằng cha mẹ sẽ chỉ hoan nghinh công trình lớn lao như vậy, và cha mẹ dễ dàng tha thứ cho con sự không vâng phục chỉ nhằm mục tiêu làm vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Trong số 12 người con là chúng con, chẳng lẽ cha mẹ lại không có thể hy sinh 1 người cho một công trình đẹp đẽ như vậy sao? Suốt đời con cảm tạ Thiên Chúa đã đoái mắt nhìn xem con ưu tiên trước những người khác.”
(trích NLEC, tập VI, trang 169-170.)
“Sự hy sinh của họ cũng được đền đáp về mặt tinh thần. Vì vậy mỗi khi một vị thừa sai từ giã một cộng đoàn tín hữu để đến với một cộng đoàn khác, thì nào những tiếng gào khóc, tiếng rên rỉ nổi lên khắp phía vì nước mắt chảy dòng dòng đến mức tôi phải thú nhận rằng chưa hề nhìn thấy cảnh tương tự tại một nơi nào khác. (…) Những dòng nước mắt ấy có sức an ủi là dường nào và nhìn thấy thấy cảnh ấy thì đối với một vị thừa sai đủ đền bù mọi thiệt hại hy sinh mà người ta đã phải chịu khi lìa bỏ xứ sở mình.”
(trích NLEC, Thư của linh mục Blandin, thừa sai truyền giáo viết từ Bắc Kỳ ngày 30 tháng 7 năm 1782, gửi cho linh mục Bequet, Bề trên chủng viện Chúa Thánh thần- NLEC, tập VI, trang 334-335)
Đi theo tiếng gọi của các thừa sai trước đây. Sau này có một Lm Augustino Nguyễn Viết Chung gia đình gốc đạo Phật; ông đã học hành trở thành bác sĩ để nuôi bố mẹ anh em. Sau đó, ông quyết định trở thanh tín hữu Thiên Chúa giáo. Và lúc đã 40 tuổi, ông quyết định đi tu làm Linh mục. Rồi tình nguyện lên Kon tum truyền giáo trên 10 năm. Linh mục cũng đã qua đời sớm khi tuổi còn trẻ. Ông mất ngày 10-05-2017.
Nhưng dù là ở rừng Tây Nguyên Việt Nam hay rừng Amazon đi nữa thì ở bất cứ nơi nào, tôi cũng nhận thấy tu sĩ đã biết chấp nhận cá tính người dân thiểu số. Đó là bất cứ một dân tộc cổ sơ sơ nào thì đều tiềm ẩn tính chất “các dân tộc vật linh” (peuple animiste). Theo nghĩa triết học người ta gọi là vạn vật hữu hồn.
Nhất là ở trong rừng rậm mà mỗi cây, mỗi súc vật đối với họ đều là nơi ẩn náu của các thần linh đủ loại. Và thật sự không dễ dàng gì cắt nghĩa nếu ta không mang tâm thức người cổ sơ và lắng nghe họ.
Đạo Chúa nay có thể thực hiện được đòi hỏi để diễn tả đạo Chúa, thay vì tách biệt thì “Hội nhập xã hội bản địa” bằng những nỗ lực “ bỏ trong ngoặc” các hệ tư tưởng họ mang theo như hành lý truyền giáo, để xử dụng các hình thức biểu lộ mang tính dân tộc bản địa? Các nỗ lực ấy đã đạt được phần nào trong các vãn và tuồng, kinh sách được đọc theo cung điệu dân gian trong các xứ đạo.
Các thừa sai sau này đều phải chấp nhận một thực tại xem ra đi ngược với giáo lý Thiên Chúa giáo vốn chỉ chấp nhận có một đấng thần linh duy nhất và muôn loài khác chỉ là vật thụ tạo.
Thay lời kết
Trong tinh thần của bản văn của gm Adriano, người ta được biết, mặc dầu tránh đả động tới một cách công khai cho thấy gm Adriano một cách nào đó đã chống lại những quyết định của các vị giáo Hoàng, ngồi ở một chỗ rất xa đất truyền giáo, đã đưa ra những huấn lệnh không phù hợp với những đòi hỏi của thực tế ở địa phương. Và ông gần như một mình can đảm lên tiếng, dù biết có thể bị trục xuất. Đó có thể là lý do chính để tôi viết bài này. Nó vẫn là tấm gương cho giáo hội sau này noi theo.
Trong cuộc chiến tranh lạnh giữa cộng sản và tư bản, từ nhiều năm nay, Tòa thánh Vatican đã đưa ra chính sách Ostpolitik để đối phó vói các chính quyền cộng sản. Dựa vào thực tế, Vatican đã thương lượng trong tinh thần tương nhượng để giải quyết những quyền lợi của giáo hội địa phương, như tại các nước Đông Âu để dổi lấy sự “nhẹ tay” đối với các giáo hội địa phương. Nghĩa là thay vì đối đầu thì tương nhượng
Đường lối trên dĩ nhiên phải hy sinh ngay cả những quyền lợi thiết yếu của Giáo Hội.
Đường lối Ostpolitik tiếp tục cũng được đem áp dụng ở Việt Nam sau khi miền Nam sụp đổ. Nó có mặt thuận lợi và cũng có nhiều mặt tiêu cực tùy theo cách ứng xử của đôi bên. Việt nam nay không còn Khâm sứ, đại diện tòa thánh, Hội đồng Giám Mục Việt Nam thay vì đóng vai trò trung gian giữa Tòa Thánh và chính quyền thay giáo dân để thực những nguyện vọng chính đáng của giáo hội thực thi đứng đắn đường lối Ospolitik.
Họ không có khả năng làm được công việc đó. Nghĩa là không đủ tư cách đại diện Tòa Thánh, không đủ tư cách đại diện cho giáo dân.
Thay vì làm trung gian, đại diện cho tiếng nói và quyền lợi giáo dân, họ trở thành thứ “bù nhìn” gián tiếp trở thành công cụ cho chính quyền lợi dụng và sai bảo.
Cái sai bảo lép vế nhất là phải biết im lặng. Im lặng là có thưởng bằng chế độ xin-cho. Đấy là tình trạng mất cân đối giữa hai đối tác- một bên là chính quyền- một bên là HĐGM đại diện cho giáo dân.
Để tránh sự trù dập của cộng sản, tòa thánh có thể tương nhượng, “nhún nhường” ngay cả “nhượng bộ” một cách ngoại giao với đường lối rõ rệt và trong tư thế ngang bằng.
Nhưng HĐGM thì khác. Toa rập một cách “lép vế” với tòa thánh trong đường lối hòa hoãn chính trị. Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ Hồng y đến Tổng Giám Mục, Giám mục, linh mục tu sĩ đều nhút nhát, tránh tối đa sự làm mất lòng các cấp lãnh đạo Nhà nước.
Họp hành của HĐGM từ mấy chục năm nay chỉ chuộng hình thức. Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục gọt dũa sao nói chung chung, không dám đụng đến những thực tế. Nó chỉ là những văn từ trống rỗng đầy sáo ngữ chung chung.
Bao nhiêu vụ đàn áp tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng. Có một ai trong đó (HĐGM) dám lên tiếng không? Ngoại trừ GM Hoàng Đức Oanh ở địa phận xa xôi hẻo lánh Kon-Tum. Chỉ có những “không biết nói” Bùi Văn Đọc, những nói rất nhiều mà chẳng vào đâu như Nguyễn Văn Khảm. Còn Nguyễn Thái Hợp ở đầu sóng bão tạp Formosa đã làm được gì cho địa phận Vinh?
Trong khi đó, quá chú trọng đến hình thức bề ngoài. Chỗ nào cũng trọng rước sách, tiếp đón, cờ xí, ban nhạc, hội đoàn, quần áo bề ngoà, xe cộ nườm nượp từng đoàn, tiệc tùng, diễn văn đủ loại. Nhất là khi phải đón tiếp mổ nhân vật của chính quyền.
Đủ loại mừng. Mừng sinh nhật, mừng 25-50 thụ phong..Mừng sinh nhật bà cố. Quanh năm ngày tháng, bao nhiêu thời giờ dành cho những lễ lạc này! Thời khóa biểu đầy ắp những tiệc tùng đủ loại quanh năm. Rồi lm nào cũng phải sắm xe cộ đậu đầy sân nhà thờ như một cái mốt.
Cho nên, dù ở thật xa Việ Nam, người ta vẫn có thể dễ dàng đánh giá cái “đạo đức chính trị” của một linh mục hay giám mục. Tư cách đạo đức chính trị mà tốt thì hãy nói tới thứ đạo đức cá nhân của các tu sĩ ấy. Loại tu sĩ “biết phải quấy”, biết mua chuộc, quà cáp, biết xu nịnh các cấp chính quyền thì còn trông mong gì vào loại tu sĩ này.
Họ không có cơ hội học được tinh thần của gm Adriano, biết lên tiếng khi cần lên tiếng.
Mới đây nhất, một vị Hồng y ở Hông Kong đã nghỉ hưu – Joseph Zen Ze-Kiun (Joseph Trần Nhật Quân) đã công khai lên tiếng chỉ trích Vatican mở cửa cho cộng sản Trung Hoa.
Vị Hồng y này lên tiếng:
“Hoặc chấp nhận đầu hàng hay chấp nhận bị bức hại, nhưng hãy trung thành với chính mình. Tôi có nghĩ rằng Vatican đang bán Giáo hội Thiên chúa giáo cho Trung Hoa không? Chắc chắn như thế, nếu họ tiếp tục đi theo những gì họ đang làm trong những năm tháng gần đây.
Tôi có phải là trở ngại lớn trong tiến trình đạt thỏa hiệp giữa Vatican và Trung Hoa không? Nếu đó là một thỏa hiệp xấu, tôi sẽ vui vẻ nhận làm trở ngại đó.”
(Trích South China Morning Post, 01 February, 2018, Alex Lo, “Cựu Hồng y Hồng Kông không chấp nhận thực tế Vatican.”)
Ước mong nhỏ mọn của tôi là ước chi giáo hội Viêt Nam có được một vị lãnh đạo như giám mục, tổng giám mục dám có can đảm và đạo đức lên tiếng như trường họp vị Hồng Y đã nghỉ hưu Joseph Trần Nhật Quân này. Thật khó mà có được!
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: DCVOnline minh hoạ.