Thuế nhập cảng thép và nhôm của Trump là một sai lầm lớn
David Frum | DCVOnline
Tổng thống Mỹ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và chính trị.
Tổng thống Trump vừa tăng giá xe hơi, bia, đi nghỉ hè và tiền thuê nhà trọ.
Đó không phải là những tít trên báo trang nhất. Tựa lớn trên báo đang cho rằng Trump sẽ tăng thuế nhập cảng thép và nhôm. Mức thuế nhập cảng cao hơn có nghĩa là giá sẽ cao hơn cho những nguyên liệu này – và do đó giá cho các sản phẩm dùng chúng sẽ tăng theo. Ô tô và xây dựng đứng đầu những kỹ nghệ dùng thép lớn nhất tại Hoa Kỳ. Nhôm dùng rất nhiều để chế tạo máy bay, ô tô và xe tải, lon nước giải khát, cũng như trong ngành xây dựng.
Lần cuối cùng Hoa Kỳ áp đặt thuế nhập cảng thép là năm 2002, 20 tháng sau dự án đó đã bị hủy bỏ. Báo cáo năm 2003 do các kỹ nghệ tiêu thụ thép ước tính rằng quyết định tăng giá thép của Tổng thống Bush đã làm mất 200.000 việc làm – hay hơn tổng số người trong toàn ngành công nghiệp luyện kim vào thời đó.
Lần này tỷ lệ chi phí – lợi ích có thể sẽ tệ hơn nữa. Hiện không có nhiều việc làm trong kỹ nghệ thép hơn trước để bảo vệ. Tăng trưởng doanh số bán xe ô tô đã ngưng. Các dấu hiệu đầu tiên cảnh cáo lạm phát giá tiêu dùng đang xuất hiện.
Nhưng Trump muốn tăng thuế nhập cảng, và ông muốn là có. Ngay cả theo tiêu chuẩn Trump, tiến trình lấy quyết định thật hỗn loạn. Muộn nhất là 9 giờ tối qua, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa quyết định liệu sẽ thông báo ngày hôm nay hay không – khoan nói đến việc sẽ thông báo cái gì. Những Chủ tịch Ủy ban liên quan ở Quốc hội không được tư vấn và cũng không được cho biết.
Tổng thống vẫn thường dựa vào thông tin rác rưởi . Lời cố vấn của giáo sư kinh tế dân túy Peter Navarro (trước đây được biết đến nhờ cuốn phim tài liệu chống Trung Quốc, và cuốn “Chết dưới tay Trung Quốc”) được ông lắng nghe nhiều hơn ý kiến của những chuyên gia thương mại thực sự. Các ngành kỹ nghệ đang muốn được bảo vệ đã mua quảng cáo trên đài Fox & Friends. Một sự kiện rõ ràng có tính quyết định trong cuộc tranh luận là việc sa thải tùy viên Rob Porter, sau khi biết rằng ông đã hành hung vợ cũ. Porter cũng đã chủ tọa nhưng cuộc tranh luận thương mại hàng tuần, buộc Tổng thống Trump phải tìm hiểu về gía phải trả và những thiệt hại của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. Việc sa thải Porter cũng đã nâng cao bản chất tồi tệ nhất của Trump.
Trump gạt bỏ những quy tắc thông thường của chính sách thương mại. Với quyền của Tổng thống, ông đã dùng luật thương mại về bảo vệ các ngành kỹ nghê cần cho chiến tranh. Tuy nhiên, dùng thẩm quyền này rõ ràng chỉ là một cái cớ. Sự can thiệp của Bộ Quốc phòng trong cuộc tranh luận đã bẻ gẫy luận cứ của những người theo phe bảo hộ như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, ông là một người đã làm việc trong kỹ nghệ thép.
Nhu cầu quân sự của Hoa Kỳ về thép và nhôm chỉ chiếm khoảng 3% sản lượng của Hoa Kỳ cho hai loại nguyên liệu đó. Bộ Quốc phòng không tin rằng những khám phá đã công bố về những thiệt hại đối với các nhà sản xuất thép và nhôm trong nước vì sự cạnh tranh của sản phẩm nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Bộ Quốc phòng trong việc mua được thép hoặc nhôm cần thiết để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Điều đã Bộ Quốc phòng lo ngại là đề nghị tăng thuế thép và nhôm được có thể sẽ gây nguy hại cho các liên minh quan trọng của Hoa Kỳ. Trung Quốc không có mặt trong số 10 nhà xuất cảng thép hàng đầu sang Hoa Kỳ. Đứng đầu danh sách đó là Canada, tiếp theo là Brazil. Ở vị trí thứ ba là Nam Hàn, một đồng minh không thể thiếu trong cuộc chiến phòng thủ mà chính quyền Trump đang cân nhắc chống lại Bắc Hàn.
Canada cũng đứng đầu danh sách những nước xuất cảng nhôm sang Mỹ. Vì lý do đó, Bộ Quốc phòng đã đề nghị cần thận trọng nhiều hơn đối với việc tăng thuế nhập cảng. “Nếu Chính phủ quyết định tăng thuế thép, Bộ Quốc phòng đề nghị hãy đợi một thời gian trước khi tăng thuế nhập cảng nhôm.
Trump tuyên bố sẽ tăng thuế cùng lúc cho cả thép và nhôm nhưng không liệt kê danh sách các nước sẽ bị đánh thuế, và được miễn thuế nhập cảng. Phản ứng không lường trước được và ngôn từ đe dọa của Trump không những chỉ gây ra xáo động ở thị trường tài chính Mỹ, mà còn gây thiệt hại thêm cho hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo. Đầu tuần này các bộ trưởng thương mại của Liên minh châu Âu đã đồng ý sẽ trả đũa nếu Hoa Kỳ áp đặt thuế thép, làm suy giảm hơn nữa mối quan hệ Mỹ-EU đã giảm sút hại nghiêm trọng vì sự thù địch của Trump với NATO và còn tôn kính Liên bang Nga.
Người ta thường so sánh Donald Trump với Richard Nixon về mặt khinh thị đối với luật pháp và đạo đức. So sánh tương tự cũng áp dụng được về mặt kinh tế. Nixon năm 1971 đã rút khỏi hiệp ước Bretton Woods và áp đặt mức thuế phụ trội cho tất cả các mặt hàng nhập cảng. “Cú sốc” thuế quan đã làm gián đoạn nền kinh tế thế giới và những người bạn đáng tin cậy trước đây của chúng ta trong lúc họ đã đang nản lòng về chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng Nixon, ít hiểu biết và cũng ít quan tâm đến vấn đề kinh tế, chỉ chú tâm tới một mục tiêu: cuộc bầu cử năm 1972. Các biện pháp kinh tế khẩn cấp của ông – cùng với một chính sách lỏng lẻo về tiền tệ và chi tiêu nhiều hơn cho An sinh Xã hội trong năm tới – đã được lựa chọn chỉ với mục đích giải tỏa một mối quan tâm [bầu cử 1972]. Theo lời của Allen Matusow, một học trò sắc sảo nhất với chính sách kinh tế của Nixon, “Bằng bất cứ cách nào đó, ông ta phải làm cho nền kinh tế chuyên động vào năm 1972 hoặc phải chấp nhận thất bại trong cuộc tái tranh cử.” Điều đó có nghĩa là trong thực tế, Matsuow đã viết, là Nixon điều hành chính phủ không theo những gì sẽ đem lại kết quả lâu dài, nhưng theo “tâm trạng hiện thời của 2/3 quần chúng mà ông gọi là “những cử tri vô giáo dục.”
Và Nixon thực sự đã thắng cử vào năm 1972. Ông cũng đã để lại một đất nước không những đầy những bê bối chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử cho đến nay, mà còn cả một thập kỷ trì trệ nặng nề nhất đối với những người mà Nixon tuyên bố ông là nô bộc cho họ. Chúng tôi đã thấy nó xẩy tra trong lịch sử trước đây; có vẻ như lịch sử đang lặp lại.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Trump’s Latest Tariffs Are a Huge Blunder | The president is risking serious economic and political consequences.
David Frum. The Atlantic, March 2, 2018.