Hoa đào và máu đào (Kết)
Minh Võ
Nhân giỗ 43 Tổng thống Ngô Đình Diệm (2/11/1963)
Tiếp theo phần I; phần II
Hòa hoãn, hiệp thương, một sách lược phi vũ trang nhìn dưới lăng kính chiến tranh ý thức hệ
Dưới lăng kính của chiến tranh ý thực hệ với tính toàn cầu, toàn diện, thường trực của nó, chúng ta thử nhìn lại khối Cộng đã tấn công, xâm lăng, sát nhập các nước Đông Âu và vùng Ba Nhĩ Cán (Balkans, Đông nam châu Âu, DCV) trong và liền sau thế chiến 2. Cộng sản đã không dùng các biện pháp võ trang, mà chỉ thuần dùng các biện pháp phi võ trang. Xâm nhập, thao túng, lũng đoạn, bầu cử gian lận, vi phạm hiệp ước, nói một đàng làm một nẻo. Chính Liên Xô đã xích hóa Trung Hoa Lục Địa bằng sách lược liên minh với Trung Hoa Dân Quốc, hai lần.
Rồi cũng dưới lăng kính đó, hãy nhìn lại thế giới tự do đã thắng khối cộng vào giai đoạn cuối cùng ra sao. Khi biết mình không thắng được chiến tranh cục bộ ở Việt Nam bằng vũ lực, vì đã bị sa lầy, và cố bằng mọi cách rút chân khỏi vũng lầy chết người này, Nixon và Kissinger đã dùng chiến thuật “ngoại giao bóng bàn” ở Trung Quốc, dẫn đến những bữa tiệc linh đình do Mao Trạch Đông thết đãi với hàng trăm món sơn hào hải vị, đặc biệt Tầu! Với Liên Xô thì hiệp ước hạn chế võ khí chiến lược (SALT2). Đến đời Tổng Thống Bush cha thì hội kiến với Gorbachev trên tầu Maxim Gorky ở ngoài khơi dẫn tới cuộc hội kiến vô tiền khoáng hậu giữa Gorbachev và Giáo Hoàng John Paul 2, tại thư viện của Vatican. (1/12/1989. Xem bản tin New York Times 2/12/89) Trong cuộc “chạm trán” hy hữu này, võ khí duy nhất mà giáo hoàng dùng là chuỗi tràng hạt Mân Côi ông tặng cho Raisa Gorbachev phu nhân. Và trước đó, dưới thời Ronald Reagan, với sự hỗ trợ và cố vấn thiêng liêng của cũng giáo hoàng uy danh lừng lẫy đó, hàng lọat võ khí thiêng liêng và tinh thần, ngoại giao và kinh tế v.v… đã đưa đến chiến thắng của Công Đoàn Đoàn Kết (****) mà không tốn một viên đạn! Để rồi từ đó tất cả các nước Đông Âu khác sụp đổ và cuối cùng là chính Liên Xô cũng tan rã.
Đặc tính của chiến tranh ý thức hệ là dùng ý tưởng tấn công ý tưởng. Ý tưởng nào mạnh sẽ thắng. Không phải bằng vũ khí mà bằng lời nói, chữ viết và các hình thức biểu hiện ý tưởng khác.
Dưới ánh sáng của những sự kiện lịch sử vừa nêu, nhìn lại dĩ vãng, chúng tôi thấy sách lược đấu tranh mà hai anh em ông Diệm toan tính áp dụng tại Việt Nam trước khi các ông bị giết rất có cơ sở, và đáng lý nó đã phải thành công. Và nếu nó thành công thì miền Nam Việt Nam với danh xưng Việt Nam Cộng Hòa sẽ tồn tại trong một thời gian khá lâu: hoặc có thể thống nhất một cách vinh quang như nước Đức. Bằng không thì tối thiểu cũng tồn tại trong phú cường giống như Nam Hàn hay Đài Loan.
Xin nhìn lại một số dữ kiện cụ thể về tương quan lực lượng giữa hai miền lúc đó để phân tích chi tiết hơn.
Phải nhìn nhận, cuộc khủng hoảng Phật Giáo không giải quyết ổn thỏa đã làm suy yếu chế độ miền Nam ít ra là ở thủ đô và một phần nào trên bình diện ngoại giao và uy tín đối với quốc tế. Nhưng tình hình nông thôn và đời sống của tuyệt đại đa số nhân dân miền Nam vẫn ổn định và mạnh hơn hẳn miền Bắc. Vì vậy nếu phải thương thuyết thì ông Diệm vẫn ở thế thượng phong.
Một điểm nữa cũng khiến ông Hồ muốn hòa hoãn, ít là tạm thời, với ông Diệm. Nếu ông Diệm muốn giảm áp lực của Mỹ, thì ông Hồ cũng có lý do để muốn giảm áp lực của Trung Cộng. Mặc dù là người cộng sản và là cán bộ cao cấp của Quốc Tế cộng sản, không thể nào thoát hẳn sự chi phối sinh tử của các nước đàn anh, ông ấy vẫn thích bị áp lực của đàn anh Trung Cộng ít chừng nào tốt chừng ấy.Về phía Hà Nội, sau khi thấy hầu hết(15) các cơ sở bí mật ở miền Nam đã bị phá vỡ, tháng 9 năm 1959 Hà Nội đã họp hội nghị bí mật lấy nghị quyết số 9 đưa thêm quân vào Nam, rồi lập ra Mặt trận giải phóng miền Nam (20–12–1960) để vớt vát uy tín với quốc tế. Nhưng Quốc Hội miền Nam cũng đã ban hành luật 10/59, mà Nguyễn Văn Linh sợ còn hơn B52 sau này(16). Còn tại miền Bắc thì sau thất bại của Cải Cách Ruộng Đất và chiến dịch sửa sai, trong đó không biết bao nhiêu người đã bị chết oan, hoặc bị cho đi tù, hay đi an trí tại những nơi rừng thêng nước độc, các công cuộc hợp tác hoá nông, công, thương nghiệp cũng đi đến thất bại vì lẽ “cha chung không ai khóc”. Nhân dân vì thế rất đói khổ và bất mãn. Trong hoàn cảnh đó, nếu hiệp thương được với miền Nam để trao đổi than đá lấy gạo thì sẽ giải quyết được những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị quan trọng.
Chính vì thế mà lần nào đề nghị của Maneli cũng được các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng chấp thuận và bật đèn xanh cho tự do thương thuyết với ông Nhu. Chỉ có một điều kiện tiên quyết là: Mỹ phải ra đi. Nghĩa là trước tiên ông Diệm phải làm mọi cách để ép Mỹ rút hết cố vấn về nước. Điều này không trái ý ông Diệm. Nhưng thực hiện được thì thiên nan, vạn nan. Nguy hiểm chết người! Hoa đào của ông Hồ tặng đã thành máu đào của hai anh em ông Diệm.
Nếu ta đổ hết trách nhiệm lên đầu những người Mỹ như Cabot Lodge, Averel Harriman, Roger Hilsman, Michael Forestal, và những nhà báo thù ghét ông Diệm trong nhóm “Diệm Must Go” của những Harriman, Halberstam, Neil Sheehan, Malcolm Browne…. thì không công bình. Vì lỗi cũng một phần do ông Diệm dùng sai người. Ông đã trọng dụng những Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Trần Thiện Khiêm để rồi họ phản ông, đi theo nhóm Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân vâng lời Mỹ, lấy tiền của CIA (qua Lou Conein) lật ông.
Nội dung thương thảo chưa rõ nét
Vì cuộc thương lượng chính thức chưa bắt đầu, hai bên cũng không để lại tài liệu nào chính thức liên quan đến các cuộc tiếp xúc mật, cho nên chúng ta không có gì cụ thể để nói về nội dung cuộc thương thuyết. Tuy nhiên theo báo cáo tối mật của Maneli ngày 10/7/63, chỉ gửi cho chính phủ Ba Lan và tòa đại sứ Liên Xô, thì ông ta có đề cập với ông Hồ và Phạm Văn Đồng về khả năng của một chính phủ liên hiệp, và khả năng của một liên bang nào đó, trong đó ông Diệm có thể là phó chủ tịch, và ông Nhu phó thủ tuớng.
Cũng nên thêm rằng, về một liên bang nào đó có thể là nội dung của cuộc thương thuyết hay mật đàm, thì, theo tiết lộ của giáo sư Francis X. Winters, quyền đại sứ Trueheart(17) trong công điện ngày 25/5/63 gửi về Hoa Thịnh Đốn có tường trình rằng ông Ngô Đình Nhu có nói với ông về một cuộc họp tại Cambốt ngày 19 cùng tháng, trong đó cả Hồ Chí Minh lẫn Ngô Đình Nhu đều có đại diện(18). Phải chăng đây là cuộc họp có bàn tới vấn đề liên bang mà tướng Nguyễn Khánh và John Richarson, trưởng nhiệm sở CIA ở Sài Gòn lúc ấy đã bàn tán với nhau căn cứ vào lời tuyên bố của ông Hồ, khiến ông Nhu muốn liên lạc với Bắc Việt để tìm hiểu về nội dung cụ thể?(19)
Về vấn đề hiệp thương để đi đến một chính phủ Liên Hiệp với cộng sản, nhiều người sẽ nhắc lại mánh lới liên hiệp của Hồ Chí Minh hồi 1945–1946, với các ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh v.v…Và phê bình ông Diêm chưa học được bài học lịch sử chua cay đó. Tuy nhiên chúng tôi có ý nghĩ hơi khác. Sở dĩ hồi 1945 ông Hồ đã có thể dùng chiêu bài liên hiệp như một vũ khí chính trị để chia rẽ, lợi dụng, và phân hóa các đảng đối lập, rồi sau cùng uy hiếp họ, đến nỗi phần đông phải chạy trốn, là vì lúc ấy chưa ai có kinh nghiệm đó. Thứ đến lúc ấy các đảng đối lập ở vào thế yếu hơn hẳn Hồ Chí Minh. Ông này, dưới danh nghĩa chủ tịch mặt trận Việt Minh, đã phỗng tay trên được chiến thắng của cuộc khởi nghĩa 19 tháng 8. Sau đó quân của các đảng phái mới từ Hoa Nam và Việt Bắc lục tục kéo về Hà Nội, quá muộn.
Còn thời 1962–1963 thanh thế của ông Diệm hơn hẳn ông Hồ. Nếu ông Diệm chịu liên hiệp là liên hiệp trong thế mạnh. Hãy tạm lấy một ví dụ đơn giản là hòa tan dung dịch có hai màu đối chọi; xanh đậm (Diệm) với hồng lạt (Hồ). Màu nào đậm hơn sẽ lấn át và thắng màu lợt. Dĩ nhiên thực tế chính trị phức tạp hơn, vì còn mưu sâu của con cáo nổi danh hơn người. Nhưng về điểm này ông Diệm đã có kinh nghiệm từ những bài học lịch sử nói trên với cộng sản. Hơn nữa ông Diệm không phải là một chính khách non nớt, không biết rõ đối phương như người ta tưởng. Những gì nhà báo Úc Denis Warner, nổi tiếng về vấn đề Việt Nam, đã viết trong cuốn The Last Confucian, (NXB MacMillan Company, NY, 1963, chương 5) cho thấy ông Diệm có những nhận xét rất sâu sát về Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và Che Guevara. Trong khi phân tích chiến lược chiến thuật Mao Trạch Đông, ông Diệm chỉ cho nhà báo Úc trên bản đồ về các trận đánh của Việt Minh thời chống Pháp, rồi từ đó suy ra chiến thuật của cộng sản dùng để đánh phá miền Nam. Rồi ông bảo nhà báo. Chiến thuật của Mao Trạch Đông rất giản dị, nhưng ít người hiểu một cách tường tận, trừ chỉ có hai người là Che Guevara (Cuba) và Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên nếu chưa nghiên cứu kỹ về Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Che Guevara và nhiều người khác nữa, thì không thể nào dám đưa ra một nhận xét chắc nịch như vậy.
Vì những lý do trên, theo ý kiến chủ quan của tôi, nếu, vâng, nếu, một chữ nếu không có trong lịch sử! nếu anh em ông Diệm không bị chết, và việc hiêp thương giữa hai miền Nam Bắc được thể hiện vào thập niên 60 thế kỷ trước, thì chẳng những Hoa Kỳ đã không phải đổ 2 triệu quân vào Việt Nam khiến hơn 58 ngàn lính Mỹ chết mà Việt Nam cũng tránh được một cuộc chiến tương tàn làm trên 3 triệu tử vong.
Kết luận
Để kết luận, chúng tôi xin nhắc lại lời nữ sử gia Marilyn Young, sau khi nói về nhận định của phụ tá ngoại trưởng Mỹ Roger Hilsman nêu ở phần đầu bài này. Bà lấy làm tiếc rằng:
“Không có ai trong ban tham mưu của (Tổng Thống) Kennedy đã tự hỏi tại sao điều này(20) lại không thể cũng là mục tiêu của Hoa Kỳ.”
Theo thiển kiến, ý của nữ sử gia là anh em ông Diệm đã mở cửa thênh thang cho người Mỹ rút lui khỏi chiến trường Việt Nam trong danh dự một cách an toàn. Nhưng chính quyền Kennedy đã giết người mở cửa rồi đóng sập cửa lại. Kết quả là 12 năm sau phải tự phá cửa mà tháo thân, mang theo 58 ngàn xác chết và “hội chứng Việt Nam”.
Thảm cảnh đó có đáng là một bài học cho những ai còn khư khư ôm lấy quan niệm rằng chỉ có vũ khí hay bạo lực mới thắng được Công Sản, hay đã có bom hạch tâm thì đương nhiên bất bại?
Ngày nay, còn hơn 34 năm về trước, những hình thức đấu tranh bất bạo động trong chiến tranh ý thức hệ có thiên hình vạn trạng cần được liên tục nghiên cứu để có thể tùy cơ ứng biến, áp dụng trong những trường hợp thích hợp nhất.
Nhân hôm nay là ngày khai mạc Hội Nghị Quyền Lao Động Việt Nam tại Ba Lan, người viết xin được nhắc lại hình thức đấu tranh bất bạo động mà Công Đoàn Đoàn Kết đã áp dụng một cách thành công tuyệt vời tại nước sở tại, để cầu chúc cho Công Đoàn Độc Lập vừa thành lập trong nước sẽ cùng với các phong trào, đảng phái và tổ chức đấu tranh khác hoàn thành sự nghiệp tranh thủ Tự Do Dân Chủ cho tổ quốc thân yêu. Mong lắm thay!
28/10/2006, California
Copyright © 2006-2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Bài và chú tích của tác giả. DCVOnline minh họa.
(****) Uy danh của giáo hoàng John Paul 2 quả là một nhân tố quan trọng của chiến thắng tại Ba Lan như chính tổng thống Liên Xô Gorbachev đã xác nhận. Nhưng nhân tố quyết định vẫn là nhân dân Ba Lan, trong đó có lực lượng 10 triệu đoàn viên của Công Đoàn Đòan Kết. Nói đến Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan do Lech Walesa lãnh đạo, chúng tôi không thể không nghĩ tới Công Đoàn Độc Lập của Việt Nam do Nguyễn Khắc Toàn vừa thành lập. Cũng như khi nhắc lại ảnh hưởng lớn lao của vị giáo hoàng người Ba Lan, “quốc trưởng của quốc gia tí hon Vatican”, ở ngoài tổ quồc Ba Lan có 85% tín hữu Công Giáo, chúng tôi cũng cầu mong sẽ có một vị hoà thượng hay thiền sư người Việt Nam đạo cao đức cả, được đa số trí thức Phật Tử hải ngoại kính trọng và tin tưởng, có trụ sở và cơ ngơi ở ngoại quốc, một thứ lãnh thổ “Vatican” nào đó, sẽ gây được uy tín lớn lao nếu không tương đương thì cũng có thể so sánh phần nào với uy tín của giáo hoàng John Paul 2 đối với thế giói đương thời, để ông sẽ về thăm Việt Nam vài lần và gieo vào cộng đồng Phật Tử trong nước, có đến 70– 80% dân số, một niềm tin và sức mạnh tinh thần, đồng thời kích thích sự hoạt động kiên trì và dũng cảm của công đoàn mới phôi thai, ngỏ hầu sớm đem lại tự do dân chủ đích thực cho Việt Nam.
(15): Theo Nguyễn Văn Linh thì 75 phần trăm, theo Văn Tiến Dũng thì 90 phần trăm cán binh Cs ở miền Nam đã bị “tiêu diệt”. Hy vọng chiến thắng rất mong manh. Xem Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chu thích trang 16.
(16): Lời Nguyễn Văn Linh nói với nhà báo Neil Sheehan thân Cộng, (xem When the War is Over, trang 77…). Theo hồ sơ an ninh của đoàn công tác đặc biệt miền Trung thì có rất nhiều cán bộ cao cấp của cộng sản bí mật hoạt động ở Huế đã bị bắt và tự động rời bỏ hàng ngũ cộng sản để về họp tác với chính quyền. Trong số đó có cả những tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên , thành ủy thành phố Huế. Một số cán bộ cộng sản đã được nêu đích danh như Mười Hương, Lê Chơn, Phan Thị Chanh, Lê Thị Hòa, Lê Minh Đạt, Nguyễn Đà, Nguyễn Đình Chơn, Lê Tú và Lê Phước Thưởng… Nơi trang 99 cuốn Dòng Họ Ngô Đình… tác giả Nguyễn Văn Minh cho biết. Lê Phước Thưởng là tỉnh ủy viên tỉnh bộ đảng Thừa Thiên đã bị bắt, được thuyết phục và cảm phục ông Ngô Đình Cẩn đến độ, sau 1975, vào tù VC, luôn sẵn sàng đánh những ai nói xấu ông Cẩn, hay Đoàn Công Tác Đặc Biệt. “Người từng chứng kiến những vụ đánh lộn vì lý do đó là Trung Tá Lê Thiện Phước, ở tù chung với Thưởng”.. Một thủ lãnh Việt Nam Quốc Dân Đảng từng là nạn nhân của chế độ Ngô Đình Diệm kể lại cho người viết: Trong tù cộng sản sau 30 tháng tư ông đã gặp một cựu cán bộ cao cấp cộng sản hết lời ca ngợi ông Cẩn là một chính trị gia già dặn. Anh ta cho biết mình đã rời bỏ hàng ngũ cộng sản về hợp tác với chính quyền miền Nam, vì bị chinh phục hoàn toàn bởi thái độ và cử chỉ của ông Cẩn đối với các cán bộ cộng sản. Ông Cẩn biết anh ta là cán bộ cao cấp (tỉnh ủy viên) đang bí mật hoạt động mà không cho lệnh bắt, cứ để vậy theo rõi trong 2 năm. Rồi cho mời anh ta đến để tranh luận về chính nghĩa dân tộc một cách bình đẳng tự do. Sau đó ông ta bảo anh cán bộ: Chúng ta đã nói chuyện với nhau đủ rồi. Bây giờ tôi xin để tùy anh quyết định. Nếu thấy tôi nói đúng thì hãy về hợp tác với chúng tôi. Còn nếu anh thấy không phục, thì tùy anh cứ ra đi tự do. Chúng tôi không bắt giữ anh đâu. Qua hai câu chuyện này, ta có thể hiểu lý do tại sao chỉ trong vòng 3 năm, từ 1955 đến 1958, như Nguyễn Văn Linh nói với Sheehan, mà cơ sở của VC ở trong Nam đã bị phá đến 75 phần trăm, còn Văn Tiến Dũng thì xác nhận trên giấy trắng mực đen là mất đến trên 90 phần trăm.
(17): Lúc ấy đại sứ Frederick Nolting vừa đi nghỉ ở vùng Địa Trung Hải)
(18): Winters SĐD trang 33).
(19): Winters SĐD trang 61.
(20): Tức mục tiêu tối đa của ông Nhu là “loại hoàn toàn sự có mặt của Mỹ khỏi Việt Nam để thiết lập một nước trung lập, hay theo kiểu Ti Tô nhưng vẫn biệt lập với Bắc Việt” (nguyên văn lời của Mairyn Young)