Hôn thú giả

BQC

— Phải anh là Lê Văn On học Petrus Ký không? Tôi là Bá ngồi bên anh suốt 3 năm đệ nhị cấp đây.

Phố cạnh hồ trong Disney World. Nguồn: disneyworld.disney.go.com

Nhóm H.O. chúng tôi rủ nhau về Orlando làm đủ thứ nghề trong Disney World. Công việc của tôi là giữ an toàn cho du khách lên xuống ở bến tàu. Theme Park này có một hồ lớn ở giữa, chung quanh hồ là từng khu văn hóa của mấy nước tiêu biểu như Anh, Pháp, Ý, Nga, Ai cập, Nhật,Trung Hoa, Ấn độ…Du khách hoặc đi bộ hoặc ngồi tàu chạy quanh hồ và đậu lại từng bến trước khu văn hóa.

Một hôm có một du khách nhận ra tôi là bạn học Petrus Ký từ 50 năm trước. Ngó bảng tên “ON LE” trên ngực tôi, anh hỏi:

— Phải anh là Lê Văn On học Petrus Ký không? Tôi là Bá ngồi bên anh suốt 3 năm đệ nhị cấp đây.

Chúng tôi mừng rỡ bắt tay nhau. Vì Bá phải đi theo “Tour” nên chúng tôi chỉ kịp trao nhau số điện thoại để liên lạc với nhau sau.

Tôi nhớ lại hồi đó Bá rất thắc mắc về tên ON của tôi. Theo hắn, ON chẳng có nghĩa gì cả.

Thầy trò trường Petrus Trương Vĩnh Ký đứng trước hành lang Danh dự. Ảnh circa 1940-1950. Nguồn OntheNet.

Tôi giải đáp:

— Thằng em kế tao tên là Đơ. Ba tao đặt tên anh em tao theo âm tiếng Pháp. Tuy tao số 1 (un) nhưng trong nhà vẫn kêu là thằng Hai, em tao số 2 (deux) nhưng vẫn là thằng Ba.

Bá cười thích thú:

— Un! Deux! Nghe như diễn hành. Tao khoái cách đặt tên của người Nam nôm na mà lạc quan: Lắm, Sang, Đày, Mạnh,Tươi, Vui, Đẹp…

Thấy hắn thật tình, tôi mới kể thêm cho hắn nghe:

— Mày có nghe tên RI và BE bao giờ chưa ?
— Mẹ tao dạy học cuối tháng đem sổ điểm về nhà, tao tò mò mở ra coi có thấy mấy tên như Võ văn Ri,

Huỳnh văn Be.Tao đoán xuất xứ từ những câu “khóc như ri “ và “kêu be be “.

— Trật lất ! Đó là tên rút ngắn của tiếng Pháp HenRI và RoBErt .

Bá vỗ bàn cười sặc sụa:

— Không ngờ người Nam tếu đến thế! Cách đặt tên của người Nam phản ảnh đúng tâm hồn người Nam.
Ngay tối hôm đó Bá gọi xin lỗi không gặp tôi được vì hôm sau phải theo Tour thăm NASA.

Bá mời tôi sang Colorado chơi với anh 1 tuần vào đầu mùa thu. Anh cho biết đó cũng là dịp giỗ đầu vợ anh. Tôi nhận lời.

Bá đón tôi tại sân bay Denver. Kiến trúc sân bay rất lạ mắt. Mái gồm mấy chóp nhọn như lều cổ truyền của người Da đỏ, lợp bằng một thứ giống như vải màu trắng.

Phi trường Denver, Colorado. Nguồn: www.flydenver.com

Cách đây 40 năm Bá cùng vài bạn độc thân và hơn chục gia đình được một Nhà thờ bảo trợ về Fort Collins. Hồi đó thành phố này đìu hiu nằm dưới chân dãy Rockies, cách Denver chừng 3 giờ lái xe về phía bắc. Vậy mà cũng có một trường đại học thành lập từ cuối Thế kỷ 19.

Cộng đồng Việt nam nhỏ bé nương tựa vào nhau như một đại gia đình.

Thế hệ con cháu lớn lên vỗ cánh bay xa chỉ còn lại những người hưu trí và những người mệt mỏi muốn yên phận.

Giỗ chị Bá rất đặc biệt. Anh Bá giải thích:

— Tất cả đều là ý muốn của nhà tôi.

Theo ý chị, giỗ không có tính cách tín ngưỡng nhưng là nghi thức tưởng nhớ người đã khuất, tương tự như lễ Memorial của Mỹ. Tuy nhiên gia đình và bạn bè vẫn tụ tập ăn uống vui vẻ để kết chặt tình yêu thương.

Anh chị có một gái đã có chồng và một trai chưa vợ. Chúng từ Tennessee và Indiana bay về từ 2 ngày trước.

Bàn thờ chị Bá rất đơn giản: Một tấm hình, một bình hoa, một bát nhang và cặp đèn cày.

Buổi sáng ngày giỗ, từ sớm mấy cha con đã chỉnh tề đứng hàng ngang trước bàn thờ.

Mỗi người một nén nhang cùng một lượt lạy 3 lạy. Cắm nhang vào bát nhang,cha con đứng yên tưởng niệm.

Anh Bá có lúc bặm môi để ngăn xúc động. Con gái đã sẵn tissue trong tay, đôi lúc đưa lên chấm nước mắt. Tôi được nhờ đứng ngoài chụp hình. Cuối cùng tới lượt tôi thắp nhang và lạy chị Bá.

Sau nghi thức đơn giản nhưng nghiêm trang, mấy cha con chia nhau nấu ăn. Góc vườn là lò gas, bếp điện và lò than. Anh Bá nấu rựa mận bằng thịt heo rừng. Con trai nướng sườn bò và đùi gà. Con rể hấp vịt ướp chao. Con gái ở trong bếp lo nấu xôi vò và làm gỏi tôm thịt.

Tôi giúp kê 2 bàn nối nhau ở giữa vườn và đặt ghế rải rác dưới gốc cây. Sau đó tôi ướp lạnh thùng đồ uống gồm Coca Cola và Heineken.

Khách là bạn của anh chị và bạn của các con anh. Tôi được Bá giới thiệu với mọi người.

Hầu hết là những người ra đi từ 1975, chỉ có tôi thuộc thành phần ở lại. Do đó tôi phải trả lời nhiều câu hỏi.

Khi khách về hết, Bá kéo tôi vảo nhà uống cà phê, để con cái và bạn chúng dọn dẹp ngoài vườn.

Bây giờ chúng tôi mới thong thả nói chuyện với nhau. Bá kể:

— Nhà tôi chết vì tái phát ung thư vú. Từ chối hóa trị, nhà tôi bình tĩnh chấp nhận số mệnh.

Nhà tôi nói: “Em sống với anh và các con tới đây là mãn nguyện. Em không buồn tại sao anh buồn?”

Có lúc nhà tôi vui đùa: “Sang thế giới bên kia em sẽ về đón anh sang với em.”

Thân mật cầm tay Bá, tôi ngỏ lời muốn đi thăm mộ chị. Bá nói:

— Nhà tôi muốn thiêu, tôi và các cháu làm theo ý nhà tôi. Nhà tôi còn muốn rắc tro xuống một cái hồ của một thành phố gần đây. Thành phố này có tên rất nên thơ Loveland.
— Người ta dễ dãi cho rắc tro xuống hồ vậy sao?
— Đâu có được phép.Tôi phải giả câu cá rồi lén liệng hũ tro xuống hồ.
— Bộ chị tin tưởng điều gì chăng?
— Tôi cũng hỏi nhà tôi câu ấy, nhà tôi thì thầm vào tai tôi: ”Để nhớ tới hồ Than thở Đà Lạt.

Lần đầu tiên anh hôn em ở đó. Quên rồi hả?“

Bá kể tôi nghe mối tình đầu tiên.

Hồi đó học trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, thú vui cuối tuần của anh là tìm cảnh đẹp để chụp hình nghệ thuật. Khi hết cuốn phim anh đem sang hình tại một tiệm gần chợ. Tiệm có trưng tấm chân dung một cô gái tuy không kiều diễm nhưng gương mặt toát ra một vẻ thông minh. Bà chủ tiệm thấy anh nhiều lần đứng ngắm liền nói:

Hồ Than Thở, Đà Lạt. Nguồn: OntheNet

— Cháu tôi đấy, con của anh tôi.

Ngó bà chủ, Bá nhận ra cô cháu giống nhau ở cặp mắt sâu và sáng. Bá hiểu bà chủ gợi ý nên đáp ứng liền:

— Cô làm mai cho cháu đi.

Bà chủ gật đầu cười:

— Chưa gì đã cô cháu rồi.

Bá được mời ăn giỗ ông nội cô gái. Cô tên là Tràng Thi, đang học trường Bùi thị Xuân. Ông nội đặt tên cho cháu để nhớ tới ngôi nhà của tổ tiên ở phố Tràng Thi Hà nội.

Lần đầu tiên gặp Bá, Tràng Thi vượt qua được e lệ vì tự tin nơi mình. Chàng và nàng tiếp chuyện vui vẻ và cởi mở. Mọi người trong gia đình cũng tỏ ra niềm nở với Bá.

Từ đó mỗi cuối tuần Bá đều ghé chơi và được giữ lại ăn trưa. Thỉnh thoảng Tràng Thi được phép đi chơi với Bá. Nàng không thích song đôi dạo phố. Bá thường đưa nàng đi chụp hình ở các thác, các hồ và đồi thông.

Bữa chơi ở hồ Than Thở, chàng và nàng ngồi bên nhau trên thân cây thông bị trốc gốc đã lâu năm. Tràng Thi đang kể chuyện về lũ bạn học thì bị phấn thông bay vào mắt. Ngăn không cho nàng lấy tay dụi mắt, Bá kề miệng vào đuôi mắt thổi mạnh cho phấn thông trôi ra. Mặt giáp mặt, Bá thừa dịp hôn nàng. Tuy không cưỡng lại nhưng nàng cảm thấy bẽn lẽn. Để trấn tĩnh , nàng nghĩ được một câu nửa trách nửa khen:

— Bộ hôn nhiều người rồi hay sao mà rành quá vậy?

Bá thật tình:

— Bắt chước phim ảnh, tối nằm ngủ tập hôn lên cánh tay.
— Ngộ ha! Mà có tưởng tượng cánh tay là ai không?
— Sao không?
— Ai?
— Còn ai vào đây nữa.

Lần này cả hai hôn nhau biểu lộ mối tình bấy lâu chưa nói.

Tràng Thi thi đậu tú tài. Bá còn 2 tháng tới ngày mãn khóa. Bá muốn làm đám cưới sau khi ra trường. Nhưng Tràng Thi chỉ muốn làm lễ hỏi vì nàng có ý định học chính trị kinh doanh tại Đà Lạt.

Lễ hỏi nhờ bà cô lo giúp nên bố mẹ Bá đỡ vất vả. Sau đó Bá về trình diện Quân đoàn 4 và được bổ sung cho Sư đoàn 21 . Từ đó kẻ bận hành quân, người bận học, chàng và nàng chỉ gắn bó nhau qua thư từ.

Mỗi kỳ hè Tràng Thi về Sài gòn được mẹ chồng tương lai đưa xuống Cần thơ thăm Bá. Bá chỉ xin được phép về Cần thơ nửa ngày.

Chưa chính thức là vợ lính nhưng đêm nghe tiếng súng xa xa Tràng Thi đã hiểu thế nào là “sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng” [Chinh Phụ Ngâm, Đặng Trần Côn].

Ngày 30-4-75 Vùng 4 chiến thuật bỏ ngỏ, các đơn vị theo nhau rã ngũ trừ một vài đơn vị chiến đấu tới cùng. Khi ấy Đơn vị của Bá đang hành quân phối hợp với một Giang đoàn. Bá cùng một số sĩ quan được một tàu của Giang đoàn đưa ra khơi.

Tôi không muốn nghe Bá kể tiếp vì nỗi nhục của kẻ ra đi và nỗi nhục của kẻ ở lại đều là nỗi nhục của kẻ bại trận. Tôi lái sang chuyện khác:

— Rồi bằng cách nào anh đưa chị qua đây?

Rót thêm cà phê vào ly của anh và tôi, anh nói:

— Do áp lực của quốc tế, phía Việt Nam chịu thi hành chương trình ra đi trật tự của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc. Chúng tôi viết thư hướng dẫn gia đình làm hồ sơ gửi sang tòa Đại sứ Mỹ ở Bangkok. Bố mẹ và các em tôi đều đủ điều kiện nhưng tôi không bảo lãnh được Tràng Thi vì chúng tôi chưa có hôn thú. Nghe nói ở VN bây giờ người ta làm giấy tờ giả mạo khéo lắm, tôi viết thư cho bố: “Tràng Thi làm mất hôn thú nên con không bảo lãnh được. Bố xin bản sao khác giúp chúng con“. Bố tôi hiểu. Vài tuần sau tôi được thư bố cho biết đã xin được hôn thú và hồ sơ của Tràng Thi đã gửi sang Bangkok.

Kết quả bất ngờ là Tràng Thi được sang Mỹ trước bố mẹ và các em tôi một năm.

Chúng tôi cùng cười vui.

Bá ngó lên bàn thờ rồi tủm tỉm cười như vừa nhớ ra một chuyện, tôi liền hỏi:

— Có gì vui kể nghe coi.
— Chỉ là chuyện nằm mơ. Cách đây một tuần tôi nằm mơ thấy nhà tôi.

Tôi hỏi: “Em về đón anh phải không?”

Nhà tôi lắc đầu nói: “Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi.”

Tôi hỏi: “Tại sao?

Nhà tôi thở dài: “Vì hôn thú giả mạo!”

Hết

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net 


Nguồn: OntheNet. DCVOnline minh họa.