Cách đây 40 năm, cộng sản Việt Nam đã đánh bại chế độ Khmer Đỏ diệt chủng tại Campuchia trong một cuộc chiến chớp nhoáng

Sébastien Roblin | Trà Mi

Cuộc xâm lăng đã chấm dứt nạn diệt chủng khủng khiếp của Khmer Đỏ, nhưng không chấm dứt cuộc chiến. Khmer Đỏ đã tiến hành một cuộc kháng chiến du kích đẫm máu chống lại quân đội cộng sản Việt Nam và các đồng minh Campuchia của họ, được hai nhóm kháng chiến liên kết với phương Tây hỗ trợ.

Xe tăng quân cộng sản Việt Nam chiếm được của Quan dội VNCH. Nguồn THI.

Sài Gòn sụp đổ khi lực lượng Bắc Việt tiến vào ngày 30 tháng 4 năm 1975; trước đó hai tuần là một chiến thắng khác của phe Cộng sản: Khmer Đỏ chiếm được Phnom Penh.

Nhưng chưa đầy bốn năm sau, quân đội cộng sản Việt Nam đã tham gia vào một cuộc xâm lăng chinh phạt lần thứ hai — lần này nhắm vào các người bạn đồng minh trước đây của họ; quân Cộng sản Việt Nam đã sử dụng nhiều xe tăng và máy bay đã chiếm được của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở mền Nam Việt Nam.

Người Khmer có quan hệ sắc dân tộc với người miền nam châu Á và theo một tín ngưỡng hòa nhập Phật giáo-Ấn Độ giáo. Như người Việt Nam có lịch sử chống đế quốc Trung Quốc, người Khmer trong lịch sử đã nhiều lần bị Việt Nam xâm lăng.

Khmer Đỏ được một nhóm sinh viên Marxist được theo học ở Paris trong những năm 1950 và 1960 thành lập, áp dụng một ý thức hệ cực đoan duy nhất kết hợp chủ nghĩa dân tộc Khmer cực đoan với chủ nghĩa cộng sản kiểu Maoist, nhấn mạnh cuộc cách mạng giai cấp vô sản của nông dân hơn là dùng khối công nhân lao động ở đô thị.

Tuy nhiên, nhóm Khmer Đỏ ban đầu chỉ có sự ủng hộ hạn chế ở Campuchia. Cuộc chinh phạt và chiềm được Phnom Penh của họ chỉ có thể có được với sự viện trợ của cộng sản Bắc Việt, những người đã vũ trang và tổ chức Khmer Đỏ để họ có thể đem lực lượng của mình thâm nhập qua miền Đông Campuchia mà không bị chính phủ Campuchia, đang bị phân hóa về chính trị, can thiệp và ngăn cản. Một chiến dịch ném bom khổng lồ do máy bay của Hoa Kỳ thực hiện đã tàn phá vùng nông thôn Campuchia, trì hoãn nhưng không ngăn được chiến thắng của Cộng sản, và có thể đã làm tăng tính thân cộng của nông dân Campuchia.

Phe cầm quyền đã đổi tên đất nước của họ thành Cộng hòa Dân chủ Campuchia và thành lập một nhà nước cảnh sát tự hủy diệt và tàn bạo chưa từng thấy và không giống bất kỳ chế độ Cộng sản nào khác. Không chỉ đơn thuần là để thúc đẩy lợi ích nông thôn, Khmer Đỏ đã buộc người dân thành phố Campuchia rời khỏi nhà của họ, bỏ trống các thành phố để người dân thành thị có thể sống một cuộc sống ‘đích thực’ ở nông thôn. Chế độ Khmer Đỏ này đã thực hiện những chính sách nông nghiệp theo kiểu Đại nhảy vọt của Trung Quốc, đã được dự đoán được là sẽ khiến hàng trăm ngàn người chết vì nạn đói.

Hàng trăm ngàn người Campuchia bị nghi ngờ không trung thành về mặt chính trị hoặc vì “vô đạo đức” đã bị thảm sát hại ở Cánh đồng Chết khét tiếng. Ngay cả con em và hài nhi của nạn nhân cũng bị giết, đập đầu vào thân cây để không tốn đạn. Bài ngoại và bị ám ảnh với sự tinh khiết chủng tộc của người Khmer, Khmer Đỏ cũng nhắm vào các nhóm thiểu số và sắc dân có nguồn gốc hỗn hợp. Trong bốn năm cai trị, những kẻ diệt chủng này đã giết chết từ 1,5 đến 3 triệu người ở một đất nước chỉ có 8 triệu người.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Khmer Đỏ khiến họ nghi ngờ khủng khiếp về Cộng sản Việt Nam, mặc dù cuộc chinh phạt và chiếm được Campuchia của Khmer Đỏ chỉ có thể thực hiện được với sự viện trợ của Hà Nội. Ngay từ năm 1974, Khmer Đỏ đã bắt đầu thanh trừng các đảng viên được đào tạo ở Việt Nam ra khỏi hàng ngũ của họ và đánh nhau với quân đội Việt Nam. Càng ngày, Cộng sản Campuchia càng quay về phía Trung Quốc để được viện trợ về kinh tế và quân sự.

Tuy nhiên, ban đầu, Cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ) và Cộng sản Việt Nam vẫn là bạn bè chính thức, và tiếp tục có quan hệ ngoại giao ngay cả khi quân đội của họ đụng độ dữ dội trên các thị trấn biên giới và các đảo ngoài khơi. Nhưng Khmer Đỏ cảm thấy rằng các thị trấn dọc biên giới Việt Nam trong lịch sử là của Khmer — và họ đã khẳng định yêu sách của mình bằng bạo lực thường xuyên, đưa quân đội vào các cuộc tấn công xuyên biên giới đã tàn sát hàng ngàn thường dân Việt Nam.

Hà Nội cuối cùng đã đáp trả các cuộc tấn công vào tháng 12 năm 1977 với một cuộc xâm lược nhiều sư đoàn trừng phạt được hỏa lực không quân yểm trợ. Tuy nhiên, mặc dù các lực lượng của Khmer Đỏ đã bị đánh bại, nhưng họ đã leo thang chiến sự hơn nữa bằng các cuộc tấn công xuyên biên giới tàn bạo hơn, lên đến đỉnh điểm với cuộc thảm sát tàn nhẫn giết chết 3.157 dân làng tại Ba Chúc vào tháng 4 năm 1978, chỉ còn hai người sống sót.

Hà Nội khi đó quyết định đánh đổ Chế độ Khmer Đỏ, dùng học thuyết ‘Chiến tranh nhân dân’ Maoist, bằng cách tổ chức một cuộc nổi dậy ở nông thôn do thành phần thân Việt Nam trong dân chúng chủ động. Trớ trêu thay, học thuyết Maoist đã không thành công khi đối mặt với sự nhiệt tình của lực lượng mật vụ của Khmer Đỏ, họ đã biết rõ về các nhóm nằm vùng và đã nghiền nát lực lượng này.

Đến thời điểm này, cuộc xung đột ngày càng bị lôi kéo vào các mối quan hệ rối loạn giữa các quốc gia Cộng sản. Bắc Kinh muốn xây dựng Campuchia thành một tiền đồn bảo vệ ảnh hưởng của nó. Việt Nam, tìm cách ngăn chặn Trung Quốc, ký hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, mà sau đó có thể có quan hệ tồi tệ đối Bắc Kinh hơn là đối với Washington, hầu bảo đảm có sự viện trợ trợ quân sự và chính trị cho một cuộc xâm lược của Campuchia.

Quân đội Việt Nam quy tụ 150.000 quân trong mười ba sư đoàn ở biên giới Campuchia. Nó có thể sử dụng kho vũ khí gồm 900 xe tăng — hỗn hợp giữa xe tăng hạng trung T-54 và Type 59, xe tăng lội nước PT-76 và Type 63, và những chiến xa chiếm được của Quân lực Việt Nam Cộng hòa như M41 Walker Bulldogs. Về không quân, Cộng sản Việt Nam đã có hơn 300 máy bay chiến đấu gồm những phi đội máy bay tấn công A-37 Dragonfly và máy bay chiến đấu F-5 Freedom Fighter chiếm được của miền Nam Việt Nam, cũng như máy bay phản lực MiG-21 và MiG-19 của Liên Xô và máy bay trực thăng tấn công bọc thép Mi-24A Hind loại mới. Chúng được chuyển đến các mục tiêu với nhóm trinh sát trong các chiếc Cessna UH-17 chậm và máy bay phục vụ O-1. Ngoài ra, lực lượng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức ba trung đoàn (15.000 người) gồm các chiến binh Campuchia sẽ tạo thành hạt nhân của một chính phủ mới tại Campuchia.

Quân đội Cách mạng Campuchia chỉ tập trung được bảy mươi nghìn quân và có ít xe tăng hơn phe cộng sản Việt Nam. Không quân non trẻ của Khmer Đỏ đã giữ được hai mươi máy bay trực thăng Huey bị bỏ lại và hai mươi hai máy bay huấn luyện T-28 Trojans, và mười sáu máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-6 (bản sao MiG-19) nhận được từ Trung Quốc, cũng đã di chuyển hàng ngàn cố vấn Trung Quốc.

Quân đội cộng sản Việt Nam bắt đầu một cuộc xâm lăng hạn chế ở phía đông bắc Campuchia vào ngày 21 tháng 12 năm 1978; sau đó bốn ngày họ đã phát động cuộc tấn công chính vào ba trục ở phía đông nam, hội tụ tại thủ đô Pnomh Penh. Cách tấn công kiểu blitzkrieg học được của quân đội Đức, sử dụng các cột xe bọc thép được lực lượng không quân yểm trợ để “vây” kẻ thù tại chỗ, và sau đó có các đợt quân tăng cường vượt qua vị trí của kẻ thù để duy trì cuộc tiến công và cắt đường tiếp tế của địch. Thủ đô khu vực Kracheh và Stung Treng đã bị chiếm đóng trong năm ngày, sau đó hải cảng ở Kampot bị chiếm giữ bằng một cuộc đổ bộ

Chế độ Khmer Đỏ đã cố gắng đối đầu với các cuộc tấn công trực diện của Việt Nam, nhưng đoàn quân đói khát và mất tinh thần đã thất bại trong việc kháng cự hiệu quả. Chỉ sau hai tuần chiến đấu, chính quyền Pol Pot đã ra lệnh cho quân đội của mình tan hàng, di tản vào rừng để tiến hành cuộc kháng chiến du kích và chạy trốn khỏi Phnom Penh trong năm chiếc trực thăng Huey — chỉ  tránh được cuộc không kích của Việt Nam trong gang tấc.

Chỉ đến ngày 7 tháng 1, 1979 xe tăng Việt Nam lăn xích vào Phnom Penh, bắt tay với lực lượng tấn công trước đó đã được đưa vào bằng trực thăng, và cộng sản Việt Nam cài đặt một chính phủ mới dưới quyền Hun Sen, một cựu tiểu đoàn trưởng của Khmer Đỏ. Hải quân của Khmer Đỏ đã bị Hải quân Việt Nam đánh chìm chín ngày sau đó trong một trận chiến đẫm máu đánh chìm hai mươi hai chiếc tàu của Khmer Đỏ.

Cộng sản Trung Quốc, tức giận vì cộng sản Việt Nam đã lật đổ nhà nước tay sai/đồng minh của họ, đã phát động một cuộc xâm lăng trừng phạt ở vùng biên giới miền núi miền Bắc Việt Nam vào ngày 17 tháng 2. Tuy nhiên, Giải phóng quân Nhân dân Trung Cộng thiếu kinh nghiệm đã phải chịu tổn thất nặng nề vì sức kháng cự và phản công của quân cộng sản Việt Nam. Cuộc xâm lược thất bại không khiến Việt Nam phải chuyển quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia, và lệnh ngừng bắn [ở biên giới Hoa-Việt] được tuyên bố sau một tháng.

Cuộc xâm lược đã chấm dứt nạn diệt chủng kinh hoàng của Khmer Đỏ, nhưng không chấm dứt cuộc chiến ở Campuchia. Khmer Đỏ đã tiến hành một cuộc kháng chiến du kích đẫm máu chống lại quân cộng sản Việt Nam và các đồng minh Campuchia của họ, được hai nhóm kháng chiến liên kết với phương Tây hỗ trợ.

Hà Nội ngạc nhiên khi họ thấy bị quốc tế tẩy chay vì cuộc xâm lăng Campuchia. Bị cô lập, không được viện trợ quốc tế, Việt Nam trở nên phụ thuộc kinh tế quá nhiều vào Liên Xô. Về phần mình, nhiều người Khmer đã nhìn thấy sự can thiệp của người Việt và xác định được nỗi sợ lớn nhất của Khmer Đỏ về chủ nghĩa đế quốc của cộng sản Hà Nội đối với Campuchia là sự thật

Trong suốt những năm 1980, Hoa Kỳ, vẫn còn cay về thất bại của mình tại Việt Nam, đã hợp tác với Thái Lan và Trung Quốc để đưa vũ khí và hỗ trợ cho quân đội kháng chiến, một số đã lọt vào tay Khmer Đỏ. Quân đội cộng sản Việt Nam, trớ trêu thay, lại thấy họ đang ở phía bên kia của một cuộc chiến tranh chống du kích tàn bạo không khác như cuộc chiến mà họ đã tiến hành chống lại lực lượng Hoa Kỳ trong những năm 1960 và 1970. Nhưng lần này họ là “bọn đế quốc xâm lăng”.

Cuộc chiến kéo dài hàng chục năm cuối cùng đã kết thúc vào cuối những năm 1990, bằng một cuộc rút quân của Việt Nam, lực lượng của LHQ vào Campuchia giữ hòa bình và sự giải tán Khmer Đỏ. Tuy nhiên, chế độ Hun Sen đã xoay sở để dẹp bỏ các điều khoản dự định tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ, và vẫn nắm quyền cho đến ngày nay, một lần nữa chính phủ Campuchia lại ve vãn để được sự ủng hộ của Trung Quốc.

Cuộc xâm lăng Campuchia của cộng sản Việt Nam đã chấm dứt nạn diệt chủng kinh hoàng. Hơn nữa, Hà Nội khó có thể bị bắt lỗi vì sử dụng vũ lực sau khi bị quân đội Khmer liên tục xâm chiếm lãnh thổ và tàn sát hàng ngàn thường dân.

Tuy nhiên, các tướng lĩnh và chính khách cộng sản Việt Nam đã nói rõ rằng cuộc xâm lược này nhằm phục vụ lợi ích của người Việt Nam nhằm đánh đổ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Campuchia, chứ không phải là một nhiệm vụ nhân đạo quốc tế.

[Kết cuộc, đến nay chính quyền Hunsen đang quay trở về dưới trướng của Bắc Triều – không khác gì thời Khmer Đỏ. — TM]

Đối với một số người Khmer, Việt Nam được coi là một kẻ ngoại bang xâm lược khác.

Do đó, sự xung đột bi thảm thách thức mong muốn tự nhiên để xác định chiến tranh theo khía cạnh đạo đức đen trắng.

Về tác giả | Sébastien Roblin tốt nghiệp thạc sĩ về giải quyết xung đột tại Đại học Georgetown và từng là giảng viên đại học cho Peace Corps tại Trung Quốc. Ông cũng đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục, biên tập và tái định cư người tị nạn ở Pháp và Hoa Kỳ. Ông hiện đang viết về lịch sử an ninh và quân sự cho War Is Boring.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


40 Years Ago, Vietnam Steamrolled the Genocidal Khmer Rouge of Cambodia in a Lightning War | Sebastien Roblin | The National Interest | January 13, 2019.