Câu chuyện về Cao Lâm
Quynh Nguyen
Tối ngày 8/3, một người phụ nữ lầm lũi ôm con vượt sông Mê Kông, đoạn giữa biên giới Thái – Lào để về lại Việt Nam.
Người công chính bị hàm oan
Do không có giấy tờ, chuyến đi của chị vất vả hơn rất nhiều so với những người lao động khác, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với những khó khăn mà gia đình chị sắp phải đối diện trong thời gian sắp tới.
Chị là vợ anh Phạm Cao Lâm, một ân nhân của nhiều người Việt đang tị nạn tại Thái, người bỗng dưng bị “lôi” vào vụ án mất tích của blogger Trương Duy Nhất và nhận phải kết cục là bị trục xuất khỏi Thái Lan, nơi mà anh chị đã sống 16 năm qua.
Trước khi chị về nước, Cao Lâm kịp dặn vợ gửi vào 17,000 Baht để anh giúp 70 người tị nạn cùng phòng. Anh chia cho mỗi người 200 Baht và mua ít thức ăn để lại, vì không biết khi nào mới được quay lại Thái Lan. Tính anh là vậy, luôn hết lòng lo lắng cho những người chung quanh, ngay cả trong lúc anh đang phải ngồi tù chờ ngày trục xuất.
Nghe câu chuyện về Cao Lâm cùng những lời nhận xét tốt đẹp của chị Grace Bui – cũng là một người chuyên giúp những người tị nạn, tôi đã bị thúc giục phải tìm hiểu thêm về con người đặc biệt này. Cuối cùng, qua nhiều sự liên lạc, tôi đã có thể nói chuyện điện thoại với Cao Lâm và nghe người đàn ông chân chất này kể lại toàn bộ câu chuyện cùng với tai ương từ trên trời rơi xuống mà gia đình anh đang trải qua.
Trương Duy Nhất (TDN), Bạch Hồng Quyền (BHQ) và Cao Lâm (CL)
Theo lời Cao Lâm, đầu đuôi mọi chuyện cũng là do tính nể nang và hay giúp người của anh. Khi BHQ mới qua Thái, anh là người giúp đưa đón và hướng dẫn. Cách đây một năm, Cao Lâm đứng ra thuê giúp Quyền một căn nhà cách xưởng may của anh khoảng 2 cây số. BHQ không biết tiếng Thái nên mọi chuyện lớn nhỏ, từ ốm đau hay kẹt tiền cũng sang nhờ anh giúp. Hai gia đình qua lại và đối đãi với nhau rất thân tình.
Đùng một cái, Quyền đón blogger Trương Duy Nhất về nhà mà không cho ai hay biết.
Ngày 20/1/2019, Quyền chở anh Nhất sang nhà CL nhưng không gặp. Đến tối, CL về đến nhà thì nghe vợ kể rằng hồi chiều Quyền có chở “ông nào mặt đen” đến ngồi trước sân, nghĩ bụng không biết có chuyện gì, anh liền phóng xe sang nhà Quyền để xem “thằng em mình” đón tết ra sao. Đến nơi, gặp Trương Duy Nhất đang ngồi bấm điện thoại trong phòng khách. BHQ vẫn ở trên lầu một lúc sau mới xuống nhà giới thiệu “Anh Nhất sang Thái để mai bay đi Mỹ”. Sau đó, BHQ đưa TDN về khách sạn.
Cuộc gặp diễn ra chưa đến 10 phút, CL không hề biết TDN ở đâu và làm gì.
Vài ngày sau, do biết CL hay chơi với người tị nạn nên có một người Việt đã gọi điện thoại đến xin số phone của TDN, nhận thấy có điều bất thường, CL liền trả lời không biết, sau đó báo sang cho BHQ biết tình hình.
Lúc 9 giờ tối ngày 26/1/2019, BHQ gọi cho CL báo tin TDN đã mất liên lạc ở Future Park, nghi đã bị bắt và dặn CL đừng nói chuyện này ra bên ngoài. Cao Lâm không hiểu chuyện gì nhưng làm theo lời dặn, sau đó anh vẫn qua lại gặp gỡ BHQ bình thường.
Chuyện chỉ có như vậy, nhưng hơn một tuần sau, Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) lại đưa cả hình ảnh CL lên facebook, ám chỉ anh có liên quan trong vụ blogger Trương Duy Nhất mất tích.
Nguy hiểm hơn, lối viết cố tình lập lờ của Người Buôn Gió khiến nhiều người hiểu rằng CL là nhân viên tình báo tổng cục 2 và đã tham gia vào vụ “bắt cóc” ông Nhất.
Ngày hôm sau, Người Buôn Gió còn đăng thêm bài viết nói rằng CL là một trong ba người biết vị trí của TDN trước khi mất tích, trong khi sự thật là chỉ duy nhất Bạch Hồng Quyền biết điều này.
Cao Lâm cay đắng nói với tôi,
“những thông tin như trên là do Người Buôn Gió nghe lại từ BHQ vì hai người họ rất thân thiết, gọi nhau là “sư phụ” – “đệ tử”.”
Cao Lâm có gọi cho BHQ thì nhận được câu trả lời là không liên quan.
Dù rất giận, nhưng CL vẫn không lên tiếng minh oan cho mình, ai gọi hỏi riêng thì anh kể hết sự tình nhưng dứt khoát từ chối lời đề nghị phỏng vấn báo đài. Giải thích việc này, Cao Lâm nói rằng khi đó cảnh sát Thái Lan đã thông báo sẽ điều tra vụ TDN mất tích, nếu lên tiếng thì anh buộc phải xác nhận việc gặp gỡ ở nhà BHQ, chuyện này lộ ra thì cảnh sát Thái có cớ để bắt Quyền lên điều tra. Đối với cảnh sát, Quyền dù có quy chế tị nạn nhưng vẫn bị coi là sống bất hợp pháp trên đất Thái. CL không muốn vì mình mà gia đình Quyền bị ảnh hưởng.
Tai họa ập xuống, cả nhà bị trục xuất
Sự im lặng suốt một tháng trời của CL giúp BHQ có đủ thời gian để chuyển đi chỗ khác.
Mọi chuyện tưởng như đã lắng xuống thì đùng một cái, cảnh sát di trú Thái Lan đến tìm BHQ. Do Quyền đã chuyển đi nơi khác nên họ tìm đến CL, vì anh đã dùng hộ chiếu mình để đứng tên thuê nhà cho BHQ.
Chiều ngày 1/3/2019, cảnh sát di trú bắt cả nhà CL để tìm hiểu thông tin về BHQ. Cùng lúc đó trên mạng, nhiều người do thiếu thông tin đã vội vã cho rằng CL là “đặc tình VN”, bị bắt vì liên quan đến vụ TDN. Thực tế là cảnh sát muốn biết nơi ở mới của BHQ, cuộc thẩm vấn chỉ kéo dài trong 2 tiếng do CL từ đầu đến cuối đều trả lời không biết. Tuy nhiên, Cao Lâm bị xét phạt tội lao động bất hợp pháp và tạm giam, họ cũng không thể làm khác vì vụ thẩm vấn đã ghi vào hồ sơ. May mắn là vợ Cao Lâm đã được họ thương tình nhắm mắt làm ngơ, cho về vì phải nuôi con nhỏ.
Bình thường, tội danh lao động bất hợp pháp vẫn có thể bảo lãnh tại ngoại được, tuy nhiên trong trường hợp của CL thì ai cũng bó tay vì vụ việc do cảnh cát cấp cao nhất thực hiện. Anh phải bị trục xuất về Việt Nam, vợ con anh cũng bị yêu cầu phải nhanh chóng rời khỏi Thái.
Tối ngày 8/3/2019, chị Ngải – vợ Cao Lâm, lặng lẽ từ biệt hàng xóm để về Việt Nam bằng đường bộ. Cùng lúc đó, BHQ gửi đơn kêu cứu vì lo sợ bị cảnh sát Thái Lan truy lùng và dẫn độ về Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn với đài VOA sau đó, đáng tiếc là Bạch Hồng Quyền đã bỏ lỡ mất cơ hội quý giá để lên tiếng minh oan cho CL – người mà cho đến phút cuối đã không chịu hé môi về nơi ở mới của Quyền với cảnh sát Thái. Người mà dù trong trại tạm giam vẫn tìm cách gọi phone ra ngoài báo động việc cảnh sát đang truy lùng Quyền. Người đã im lặng chịu tiếng oan gần 1 tháng trời vì không muốn cảnh sát đến điều tra Quyền…
Trong khi đó, những người cách đây hơn 1 năm nhờ CL giúp đỡ BHQ vẫn im lặng dù biết rõ bạn mình bị oan. Sự im lặng của họ đã khiến CL tiếp tục trở thành nạn nhân của những trò bịa đặt và vu khống của Người Buôn Gió.
Khi một người viết, không chịu trách nhiệm về những gì mình viết, hoặc không cần cân nhắc đến sự an toàn cho người khác thì kết quả sẽ có người bị hàm oan vô cớ. Cao Lâm đã nói trong nước mắt rằng “anh đã phải trả một cái giá quá đắt cho sự ngây thơ của mình”.
Trước khi bị trục xuất về Việt Nam, Cao Lâm tâm sự với tôi rằng:
“Đôi khi, anh tự an ủi rằng chuyện bị trục xuất này đã minh oan cho anh. Vì nếu như anh là tình báo hay đặc tình bắt cóc ông Nhất thì chắc bây giờ họ đã bỏ tù rục xương rồi. Nhưng sao cái giá phải trả cho sự minh oan này đắt quá! Mình chọn làm người tốt, đôi khi là chấp nhận đánh đổi bằng cả sự an toàn và tương lai của vợ con mình em ơi!”
Giọng anh nghẹn lại khi nghĩ đến cơ nghiệp 16 năm xây dựng trên đất Thái đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Đó là câu chuyện rất đáng buồn khi có những người mang danh hoạt động nhưng vẫn chưa học được cách đối xử tử tế với người khác, những người tự nhận là yêu nước nhưng không thể yêu chính ân nhân đã giúp đỡ mình khi hoạn nạn, và những người miệng nói đấu tranh nhưng đã không hề lên tiếng khi thấy bạn bị hàm oan…
Xã hội này, người ta dễ dàng phán xét, dễ dàng công kích người khác chỉ vì muốn thể hiện cái tôi – muốn mình có giá trị và chứng minh mình tử tế hơn người.
Cộng Sản chỉ cần như vậy – gieo rắc sự nghi kỵ, hận thù, chụp mũ… để kéo dài sự cai trị của mình khi đám đông đi lạc mục tiêu.
Tôi thấy mình phải có trách nhiệm minh oan cho Cao Lâm trước những trò đổ tội, vu khống đầy ác ý trên mạng xã hội.
Không ai có thể buộc BHQ hay Người Buôn Gió có trách nhiệm với lời nói, câu chữ của mình trước công chúng ngoài lương tâm họ. Và đây không phải là lần đầu tiên, bằng những bài viết ỡm ờ của mình, Người Buôn Gió đã chụp mũ cho người khác là an ninh thành công.
Dù muốn hay không, tôi đã nhìn thấy rằng sau loạt bài viết đầy ác ý tung thông tin về gia đình Cao Lâm ra ngoài, sự an toàn của nhiều người Việt tị nạn tại Thái Lan đã bị ảnh hưởng. Liệu còn ai dám giang tay giúp người tị nạn sau câu chuyện của Cao Lâm? Ai là người hưởng lợi nhất trong câu chuyện này?
Đây chính là lý do để tôi viết bài này.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Câu chuyện về Cao Lâm | Quynh Nguyen, Facebook | Mar 14, 2019. DCVOnline minh họa.