Running on Empty: Canada and the Indochinese Refugees, 1975–1980

Mireille Paquet | Trà Mi

Cuốn “Running on Empty: Canada and the Indochinese Refugees, 1975–1980”, 712 trang, là tác phẩm của các tác giả Michael J. Molloy, Peter Duschinsky, Kurt F. Jensen và Robert Shalka, với lời tựa của Ronald Atkey [cựu Bộ trưởng bộ Việc làm và Nhập cư 1979-80] , do Nhà xuất bản Đại học McGill-Queen, phát hành năm 2017.

Nguồn: https://refugeeresearch.net

“Running on Empty” ghi lại, chương trình tái định cư khoảng 70.000 người tị nạn cộng sản Đông Dương tại Canada trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1980. Đây là một chuyên khảo khổng lồ với nhiều chi tiết và giai thoại. Cuốn sách này sẽ được dùng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy về lịch sử giai đoạn này và, vì những thông tin mới trong cuốn sách, học giả có thể dùng chúng làm điểm khởi đầu cho những nghiên cứu mới. Ngoài việc đưa ra một nhận định thực nghiệm rõ ràng, cuốn sách còn độc đáo trong việc tập trung vào vai trò của bộ máy hành chính của Canada trong giai đoạn này. Bộ máy chính phủ được mô tả như một công trường đổi mới trong việc quản lý một chương trình tái định cư chưa từng có trong lịch sử. Sự tham gia và lòng tận tụy của giới công chức Canada [điều mà rất ít khi được quần chúng biết đến và trân trọng — TM] là một chủ đề quan trọng xuyên suốt câu chuyện, và sự tương tác giữa những người đại diện dân cử, công chức cao cấp và các cơ sở của chính phủ liên bang được xem xét với đầy đủ chi tiết để giải thích cho nhiều cách khác nhau mà mỗi người ảnh hưởng đến nhau.

“Running on Empty” đóng góp cho những nỗ lực hiện tại để làm rõ những hoạt động của chính phủ Canada từ bên trong, khi nói đến người tị nạn, nhập cư và những hoạt động ở biên giới. Bên cạnh những tài liệu lịch sử, cuốn sách còn là tài liệu đồng hành lịch sử thú vị với cuốn Seeking Asylum: Human Smuggling and Bureaucracy at the Border (Nhà xuất bản Đại học Minnesota, 2010) và cuốn Points of Entry: How Canada’s Immigration Officers Decide Who Gets In của Satzewich (UBC Press, 2014).

Nó cũng cho thấy một bộ mặt khác của giới công chức trung cấp và cao cấp làm việc trong chương trình di cư trong giai đoạn này. Không như những nhân vật được mô tả trong tác phẩm lịch sử về bộ máy nhập cư Canada là những người kiểm soát, loại trừ và tạo ranh giới, các nhân vật trong câu chuyện di cư thời kỳ 1975-1980 đã quyết tâm giúp đỡ và bảo đảm tiến trình đúng hạn cho người tị nạn cộng sản. Dù có thuyết phục được độc giả hay không, cuốn “Running on Empty” đã cho thấy rằng mỗi thế hệ công chức Canada có những đóng góp khác nhau cho chính sách giúp người tị nạn của Canada.

Bắt đầu từ sự hợp tác giữa Hội Lịch sử Nhập cư Canada, các tác giả và những công chức làm việc trong chương trình tái định cư, cuốn sách “Running on Empty” được chia thành ba phần:

1. Lịch sử về sự tham gia của Canada với người tị nạn cộng sản Đông Dương,
2. Các hoạt động tái định cư ở Đông Nam Á,
3. Và công tác chào đón, tiếp nhận người tị nạn cộng sản ở Canada.

Cuốn sách dựa những tài liệu lưu trữ, và có cả những hồ sơ chưa từng công bố như Bản ghi nhớ của nội các đương thời, và còn có những lời chứng thực của những công chức công tác ở nước ngoài và ở Canada.

Phần đầu tiên của cuốn sách đánh giá chính sách về người tị nạn cộng sản của Canada và các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Sài Gòn, đặt trọng tâm vào những quyết định của chính phủ Canada như một phần của bối cảnh địa chính trị đang thay đổi khi đó. Cuốn sách trình bày về chính sách, luật pháp và chính trị theo trình tự thời gian từ 1975 đến những năm 1980.

Chương 4 viết về Đạo luật Di trú năm 1976 là một nguồn tài liệu tuyệt vời để giảng dạy về việc đưa các điều khoản mới vào luật pháp và về sự khởi đầu của chương trình tư nhân bảo trợ. Đáng chú ý trong phần này cũng là chương 7, ghi chép về “những sáng tạo ở hiện trường”. Chương sách này thực sự vẽ lại rõ ràng sự linh hoạt trong công tác cần phải có trong giai đoạn lịch sử đó và giới cán bộ công chức Canada đã phải lấy cảm hứng từ những nơi không ngờ tới (ví dụ, cuộc không vận Berlin) để đáp ứng với những thách thức mới mà họ phải giải quyết nagy lúc đó.

Phần 2 của cuốn sách vẽ một bức chân dung sống động và đa dạng về công việc hàng ngày trong giai đoạn này. Cuốn sách dùng các cuộc phỏng vấn, tường thuật và ngay cả những bản phúc trình gốc viết tại hiện trường; các chương trong phần 2 của cuốn sách làm nổi bật sự phức tạp trong công việc của cán bộ và công chức vì sự hiểu lầm của chính quyền trung ương (Ottawa) về thực tế ở hiện trường, sự thiếu thốn tài nguyên, nhân lực, nhưng cũng có những yếu tố con người thật đơn giản đã ảnh hưởng đến điều kiện làm việc của cán bộ và công chức.

Trong phần 2 còn có hẳn một chương viết về các công tác của chính phủ tỉnh bang Quebec tại Đông Nam Á. Đây là một đóng góp đáng khen ngợi cho sự hiểu biết của tất cả chúng ta về những công tác của chính phủ Quebec đac thực hiện mà ít được mọi người biết đến trong thời kỳ đó.

Phần 2 này là đoạn độc đáo nhất của cuốn sách. Đồng thời, nó có thể đã tốt hơn nếu có một cuộc thảo luận phong phú hơn về các quyết định về những gì phần này có, ví dụ, các vấn đề và sự kiện cụ thể. Tương tự như vậy, nó sẽ ích lợi hơn nếu có nhiều đan kết với những câu chuyện riêng tư của mỗi người tị nạn.

Phần 3 tập trung vào các hoạt động tái định cư diễn ra ở Canada. Cuốn sách ghi lại việc sắp xếp các hoạt động tại sân bay, sự phối hợp giữa các cơ quan liên hệ trong chính phủ và công việc của các nhân viên định cư người tị nạn. “Running on Empty” cũng có một bảng niên đại hữu ích về phong trào người tị nạn cộng sản Đông Dương đến Canada, và hình ảnh về những công tác định cư, bản đồ của các khu vực định cư và tiểu sử của tất cả cán bộ và công chức đã chia sẻ kinh nghiệm của họ. Cuốn sách kết thúc với một số bài học rút ra được từ công tác phi thường này.

“Running on Empty” dường như không muốn công bố bất kỳ lý thuyết nào và rõ ràng không hề muốn có một tuyên bố chính trị quyết liệt.

Điều này có thể gây khó chịu cho một số độc giả, tuy vậy, nó cũng nên được coi là một cơ hội.

Cuốn “Running on Empty” cung cấp cho giới hàn lâm rất nhiều thông tin và lời chứng thực nghiệm có thể dùng trong nghiên cứu trong tương lai. Nó cũng cho thấy ảnh hưởng lâu dài của thời kỳ này đối với các chính sách và hoạt động hiện tại, bất chấp những thay đổi về luật pháp và kỹ thuật mới. Đây là một ấn phẩm đúng lúc, vì Canada hiện đang bắt đầu kiểm điểm lại kết quả của sáng kiến ​​tái định cư Syria 2015. Nhiều điểm tương đồng và tương phản có thể rút ra được trong suốt cuốn sách. Không nghi ngờ gì nữa, điều quan trọng nhất là “kích cỡ mà Canada đã cam kết [tái định cư người tị nạn cộng sản Đông Dương] đã gây bất ngờ cho cán bộ và công chức”, điều này đã gợi nhớ đến cam kết sau bầu cử của Trudeau nhằm tái định cư 25.000 người tị nạn Syria trong một năm. Trong khi kỹ thuật, sự lớn mạnh của chính quyền liên bang và bối cảnh địa chính trị nói chung đã tiến hóa, có thể những tác phẩm trong tương lai viết về chương trình định cư 2015 sẽ nhấn mạnh đến những điểm tương đồng với giai đoạn 1975-1980 như sự sáng tạo ngay cả với lượng tài nguyên hạn chế, cống hiến của cán bộ và công chức ở hiện trường và sự đóng góp của chương trình tư nhân bảo trợ. Đồng thời, cuốn sách “Running on Empty”  là một lời nhắc nhở nghiêm túc về việc không nên vội ăn mừng những nỗ lực tái định cư hiện tại của Canada.

So sánh những khác biệt chính, mức độ lớn chưa từng thấy của mức độ di cư trên toàn thế giới và độ tăng trưởng về khả năng của chính phủ Canada thì những câu chuyện được kể lại trong cuốn “Running on Empty” ít nhất đã khiến các mục tiêu tái định cư năm 2015 trở nên ít ấn tượng hơn.

Về tác giả | Mireille Paquet là phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Concordia và là đồng giám đốc của Trung tâm Đánh giá Chính sách Nhập cư. Điện thư liên lạc: [email protected].


Michael J. Molloy, Peter Duschinsky, Kurt F. Jensen, and Robert Shalka, foreword by Ronald Atkey.
Montreal and Kingston: McGill-Queen’s University Press, 2017, 612 pp. Nguồn: https://www.bac-lac.gc.ca

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Running on Empty: Canada and the Indochinese Refugees, 1975–1980 | Mireille Paquet | Refuge: Canada’s Journal on Refugees, Volune 34, Number 1 (2018), p78-9.