Trung Quốc tìm đối tác trên thế giới để tài trợ cho các dự án Một Vành đai Một Con đường
DCVOnline (Tin PTI)
Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi (Vương Nghị) cho hay Trung Quốc sẽ tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ hai vào tháng 4 này và tuyên bố nó sẽ lớn hơn cuộc họp được tổ chức vào năm 2017.
Bắc Kinh: Trước khi diễn đàn BRF lần thứ hai khai mạc theo kế hoạch của nó để quảng bá Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (BRI) đã được nói nhiều đến, lần đầu tiên Trung Quốc công bố kế hoạch đi tìm đối tác toàn cầu để tham gia vào dự án đã nghe nhiều lời chỉ trích về “các khoản vay ăn cướp” khiến các nước nhỏ hơn phải mang nợ chồng chất.
Ấn Độ tẩy chay cuộc họp BRF đầu tiên vì họ phản đối dự án hàng đầu cuar BRI, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), đi qua Kashmir, lãnh thổ hiện do Pakistan chiếm đóng (PoK).
Tại cuộc họp BRF lần thứ hai này, Trung Quốc có kế hoạch kéo thêm một số nguyên thủ quốc gia và chính phủ trên khắp thế giới gồm cả Ý, trong lúc đang bị sự chỉ trích ngày càng tăng từ một số quốc gia, đặc biệt là từ Mỹ và Ấn Độ, cho rằng các khoản cho vay khổng lồ chi dùng cho những dự án khác nhau, đặc biệt ở các quốc gia nhỏ hơn, vượt quá khả năng trả nợ của họ, đã đưa họ đến tình trạng mắc nợ dài hạn.
Cuộc họp BRF cũng đang được tổ chức vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại, dẫn đến việc chính phủ thắt chặt chi tiêu, đặc biệt về mặt đầu tư tài chính.
Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang (Lý Khắc Cường) đã hạ mức GDP muốn đạt được xuống 6% từ mức 6,5% trong năm nay, và nói rằng chính quyền các cấp sẽ phải mạnh dạn hy sinh, “quay lưỡi dao lại” và “cắt đứt cổ tay mình”.
Năm ngoài GDP của Trung Quốc tăng 6,6%. Tu Guangshao (Đồ Quang Thiệu), phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc của CIC nói với Nhật báo Trung Quốc,
“Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC), với số Quỹ đầu tư tài phú chủ quyền khoảng 940 tỷ USD của Trung Quốc đang đi tìm các đối tác toàn cầu để cùng nhau thiết lập một công cụ đầu tư xuyên biên giới đặc biệt nhằm tài trợ thêm cho các dự án Một Vành đai Một Con đường. Chúng tôi gọi đó là quỹ hợp tác Một Vành đai Một Con đường.”
Các thỏa thuận khác, gồm độ quy mô của quỹ, những phương thức đầu tư cụ thể và tiền tệ đầu tư, ông Đồ Quang Thiệu nói tất cả đều còn “quá sớm để xác định.”
Ông cho biết thêm, một quỹ hợp tác thường chọn dự án và lấy quyết định đầu tư dựa trên lợi ích chung của tất cả các cổ đông. Ông nói thêm,
“Một khung pháp lý và cấu trúc quản trị rõ ràng sẽ được thiết lập ngay từ đầu. Phương pháp này cũng có thể tránh các quốc gia là đích của đầu tư áp đặt những hạn chế đối với bất kỳ một thành viên nào của quỹ.”
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Joseph Dunford hôm thứ Năm nói với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện rằng Pakistan nợ “người bạn muôn thuở” Trung Quốc ít nhất một khoản nợ 10 tỷ USD để xây dựng cảng Gwadar và các dự án khác. Dunford nói,
“Vì mắc nợ lớn với Trung Quốc nên Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc một hợp đồng thuê cảng nước sâu (Hambantota) trong 99 năm và để Trung Quốc nắm 70% cổ phần của hải cảng đó.”
Dunford nói thêm Maldives nợ Trung Quốc khoảng 1,5 tỷ USD — khoảng 30% GDP của quốc gia — cho chi phí xây dựng.
Ở Châu Phi, Djibouti nợ Trung Quốc hơn 80% GDP và năm 2017 trở thành quốc gia đầu tiên có căn cứ quân sự Trung Quốc ở nước ngoài. Tướng Dunford nói,
“Trung Quốc đang cần mẫn xây dựng một mạng lưới cưỡng chế quốc tế bằng những bẫy mồi kinh tế để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó.”
Ông nói thêm rằng các quốc gia trên toàn cầu đang đau khổ khám phá ra rằng “tình bạn” kinh tế của Trung Quốc qua Sáng kiết Một Vành đai Một Con đường có thể phải trả một giá “khá đắt”.
Hoa Kỳ đang công khai cảnh cáo các quốc gia khác phải thận trọng trước khi tham gia vào các dự án BRI, nhưng các chính phủ từ Kuala Lumpur cho đến Islamabad đang thu hẹp lại những giao ước của họ vì lo ngại về việc nợ nần.
Những lời chỉ trích chính bắt nguồn từ việc Trung Quốc tung ra những khoản cho vay khổng lồ, lớn tới hàng tỷ đô la Mỹ cho các nước nhỏ để phát triển cơ sở hạ tầng vượt quá khả năng trả nợ của họ
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, tuy nhiên, bác bỏ những lời chỉ trích và nói rằng
“Có rất nhiều sự thật là bằng chứng rằng BRI không phải là một cái bẫy nợ mà một số quốc gia có thể rơi vào, mà là một miếng bánh kinh tế có lợi cho dân cư địa phương. Nó không phải là một công cụ địa chính trị mà là một cơ hội tuyệt vời để cùng phát triển.”
Biểu hiện mới nhất của việc này là sự thành lập Quỹ Hợp tác Trung Quốc-Nhật Bản, một quỹ song phương, vào tháng 10 năm 2018.
Đồ Quang Thiệu cho biết các đối tác toàn cầu của Quỹ BRI có thể là quỹ Trung Quốc-Nhật Bản cũng như Quỹ ChinaFrance.
Ông nói thêm, quy mô của Quỹ hợp tác Trung Quốc-Nhật Bản đã định là 1 tỷ USD. Các cơ chế đầu tư tương tự khác, gồm quỹ Trung Quốc-Pháp trị giá 1 tỷ euro (1,13 tỷ USD), đang được chuẩn bị. Ông Thiệu nói tiếp,
“Chúng tôi cũng đang xem xét để chuyển một phần quỹ song phương sang quỹ Một Vành đai Một Con đường.”
CIC cũng là một cổ đông của Quỹ Con đường Tơ lụa, phần lớn để cung cấp đầu tư và hỗ trợ tài chính cho các dự án BRI. CIC hiện nắm 15% cổ phần của Quỹ Con đường Tơ lụa, có tổng số vốn là 40 tỷ USD và 100 tỷ nhân dân tệ (14,9 tỉ USD).
Đồ Quang Thiệu nói, quỹ hợp tác BRI sẽ khác với Quỹ Con đường Tơ lụa, vì giới tài trợ Quỹ Con đường Tơ lụa phần lớn là người trong nước.
China Daily đưa tin CIC tìm kiếm lợi nhuận tối đa cho các cổ đông của mình trong phạm vi rủi ro chấp nhận được đạt mức lợi nhuận ròng cao kỷ lục, 17,59%, từ đầu tư nước ngoài năm 2017.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: China seeking global partners to fund its BRI projects | PTI | Mar 18, 2019.