Ông hàng xóm
Trần Giao Thủy
Xóm của tôi là một block khoảng 20 căn nhà ở hai bên con đường nhỏ của một quận ở phía bắc thành phố. Dân ở khu vực này nửa nói tiếng Anh, nửa nói tiếng Pháp là chính, dù đa số đều có thể nói cả hai (và có khi vẫn nói cả tiếng bố/mẹ đẻ không phải là Anh hay Pháp).
Tóm lại, xóm tôi là khu của những người dân đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
Hơn 30 năm trước, khi vừa dọn tới, là ma mới, ra đường gặp ai tôi cũng gật đầu chào hỏi hello, bonjour cho chắc.
Một hôm, đi bộ ra chợ ở đầu xóm, ngang qua nhà bác Thompson, như thường lệ tôi chào hỏi cẩn thận, “Good day Sir!” Bác vẫy tay, ra dấu cho tôi đứng lại.
Thompson là một hàng xóm gốc Ăng Lê, người gầy, cao dong dỏng tuổi có thể trẻ hơn tôi bây giờ. Sau câu chào hỏi ban đầu, ông nhìn tôi nói,
– Chú em cùng nghề với qua.
Nghe vậy tôi vui vẻ bắt chặt tay đại ca Thompson. Đại ca hỏi tiếp,
– Chú em tên chi?
Tôi trả lời đúng kiểu Sài gòn,
– Dạ em tên Thủy, Trần Giao Thủy.
Ông hàng xóm đại ca cùng nghề với mình bật ngửa,
-What? You say what?
Tôi vẫn bình thản lập lại,
– My name is Thủy, Trần Giao Thủy.
Đại ca cau mày hỏi,
– Vậy mấy đứa làm việc trong sở, ngoài sở, mỗi khi nói chuyện với chú em nó kêu làm sao?
– Dạ, “Thủy” hay “Mr. Trần”. Sao cũng được.
– Sao chú em không đổi tên Canadian cho người ta dễ kêu?
– Dạ tên em, Canadian mới, cũng dễ kêu; nghe riết rồi quen à!
– Thôi đi chú. Thủy làm sao mà dễ được! Như tên qua nè, Charles Thompson.
Ngước nhìn đại ca Charles (ông cao hơn tôi hai cái đầu lận), tôi hỏi lại,
– Ủa, sao bác không đổi tên cho nó đúng 100% Canadian?
– Chú em nói sao? Charles Thompson mà chưa Canadian 100% sao?
– Đúng vậy. Bác muốn 100% Canadian thì phải đổi tên như “Eagle flies high” hay “Dances with Wolves” á; Charles, Alec, John, hay gì đi nữa cũng như Thủy em đây thôi. Tụi em, cũng như bác, trước là hàng nhập cảng/h, nhưng một thời gian sau đã thành hàng nội hóa rồi.
Đại ca tôi hơi ngỡ ngàng trước thằng em lối xóm,
– Ờ, ờ. Thôi đi chợ đi. Qua đi cắt cỏ.
Bác Thompson đã về chốn bình an từ nhiều năm trước.
Hôm nay ngồi ghi vài hàng nhớ lại người hàng xóm dễ thương, và rất Ăng Lê ngày trước.
Mỗi thời đại một cách ứng xử; Nếu Charles Thompson sống hôm nay, ông sẽ không khi nào đề nghị người hàng xóm da vàng đổi tên cho dễ gọi. Tôi tin như thế.
Bên kia biên giới, ông Tổng thống vừa tweet, nhắn bốn dân biểu Mỹ, tên nghe rất Mỹ, nhưng là người da màu, về lại xứ của họ (“go back to where you came from”) dù 3 trên bốn là người sinh tại Hoa Kỳ.
Ông hàng xóm của tôi hơn 30 năm về trước chừng như vẫn lịch sự, tử tế hơn vị tổng thống của một nước hùng mạnh, văn minh hàng đầu thế giới ngày nay.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline hiệu đính và minh họa