Ngôn ngữ của sự kiểm soát tại Hong Kong và Tân Cương
Liz Carter | Trà Mi
Tại Hong Kong, hàng triệu người đã xuống đường để phản đối sự xói mòn chính sách ‘Một quốc gia, Hai hệ thống’.
Tại Tân Cương, hơn một triệu người Uyghur và các sắc tộc thiểu số khác đã bị tách khỏi gia đình của họ và bị giam trong các trại tập trung. Dường như hai vấn đề này thường là chủ đề của tin tức quốc tế, nhưng vẫn thiếu một điều gì đó.
Còn thiếu điều gì? Cách nói ở thể chủ động. Ai, cái gì đó là tác nhân đằng sau sự ‘xói mòn’ tự do của dân Hong Kong. Cái gì hay ai đó là lực lượng bắt giam người trong các trại Tân Cương. Những điều đó không xảy ra một cách tình cờ. Nhưng cách mô tả thật tự nhiên, đúng ngữ pháp và không khác những gì bạn có thể đọc được trong những bản tin hoặc ngay cả trong những tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ.
Ngôn ngữ viết ở thể bị động vô hình làm tay sai cho nhiều ông chủ. Thông thường, giới quan sát thản nhiên không nói đến tác nhân chủ động vì nó ở ngoài sân khấu, khuất sau tầm nhìn. Trong những trường hợp khác, ký giả chọn cách diễn đạt theo cách này này để không phải tuyên bố rõ ràng về quan hệ nhân quả, và để người đọc tự rút ra kết luận (và né tránh những vụ kiện phỉ báng). Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) chủ ý dùng nó và thường thành công, để tạo ra một cái nhìn nhất định về thực tế.
Phần xảo quyệt nhất của kỹ thuật ngôn ngữ là những gì mọi người không thể nhìn thấy: ý nghĩa mờ nhạt và kiểm soát thông tin bằng ngôn ngữ
Trong tập tiểu luận “Những Di sản của Ngôn ngữ Toàn trị trong Văn hóa Diễn ngôn của Thời đại hậu Toàn trị,” Fengyuan Ji đã gọi phần này của Mao, một chương trình kỹ thuật ngôn ngữ lớn, kéo dài và chuyên sâu – “một chương trình đòi hỏi người ta phải tích hợp vào bài phát biểu và bài viết của họ, những cụm từ và kịch bản cách mạng chứa đựng tình cảm của những người cách mạng kiểu mẫu.” Chương trình này đã được một loạt những người lãnh đạo thực hiện, nhưng trong nhiều tài liệu học thuật, tác giả chỉ chú trọng về cách mỗi chính quyền đã điều chỉnh quan điểm lịch sử đã được chấp nhận để củng cố tính hợp pháp của ĐCSTH, và ít thảo luận hơn về những chi tiết của kỹ thuật ngôn ngữ của họ.
Các bộ phận của dự án chính trị này rất rõ ràng, chẳng hạn như việc người Trung Hoa gọi nhau là ‘đồng chí’ hay gọi Mao Trạch Đông là ‘Chủ tịch Mao’. Những ngữ nghĩa định hướng này đã thay đổi qua nhiều năm, nhưng vẫn có liên quan trong các cuộc thảo luận về Tân Cương và Hong Kong ngày nay. ĐCSTH đề cập đến các trại tập trung Tân Cương là trung tâm giáo dục cải tạo, và chính quyền Hong Kong chịu ảnh hưởng của ĐCSTH gọi cuộc biểu tình ở Hong Kong là bạo loạn. Nhưng những uyển ngữ và cường điệu này chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần xảo quyệt nhất của kỹ thuật ngôn ngữ là những gì mọi người không thể nhìn thấy: ý nghĩa mờ nhạt và kiểm soát thông tin bằng ngôn ngữ.
Hãy để lấy từ ‘chúng tôi’, một đại danh từ chỉ ‘một nhóm’ nhưng câu hỏi ‘nhóm nào?’ lại không có câu trả lời rõ rệt, mà chỉ là một cách nói nước đôi một cách bâng quơ. Trong một luận văn học thuật, ‘Diễn ngôn chính trị của Trung Hoa về thế kỷ 21,’ Neil Renwick và Qing Cao cho thấy cựu lãnh đạo PRC Jiang Zemin, trong một bài phát biểu năm 1997 trước Quốc hội ĐCSTQ, đã nhiều lần sử dụng từ ‘chúng ta’ để thể hiện sự thống nhất và thống nhất của danh tính giữa người nói, ĐCSTH, với người dân và sự kết hợp của các nhóm này. Khi Carrie Lam tổ chức cuộc họp báo lúc 4 giờ sáng ngày 2 tháng 7 (bản phiên âm đầy đủ bằng tiếng Trung Hoa và tiếng Anh ở đây) sau khi những người biểu tình đột nhập vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp (LegCo) ngày hôm trước, ngay khi bắt đầu, bà Lam đã dùng đại danh từ ‘chúng ta’ và nhiều lần lập đi lập lại, ‘chúng ta’. Có thể hiểu một cách rõ ràng là Lam đang nói về bản thân bà, chính phủ Hong Kong, những người phát biểu tại cuộc họp báo hoặc người dân Hong Kong nói chung:
“Ngày 1/7, đó là kỷ niệm 22 năm thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông, chúng ta đã chứng kiến hai cảnh tượng hoàn toàn khác nhau. Một là cuộc tuần hành thường xuyên vào ngày 1 tháng 7. Bất kể số người tham gia tuần hành là bao nhiêu, cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình và nói chung có trật tự, và điều này phản ảnh đầy đủ tính toàn diện của xã hội Hong Kong và các giá trị cốt lõi mà chúng ta gắn bó với hòa bình và trật tự. Cảnh thứ hai mà chúng ta đã thấy, thực sự làm buồn lòng nhiều người và gây sốc cho nhiều người, là việc dùng bạo lực và sự phá hoại cực độ của những người biểu tình xông vào tòa nhà LegCo trong một khoảng thời gian. Đây là điều mà chúng ta nên nghiêm túc lên án vì không có gì quan trọng hơn luật pháp ở Hong Kong. Tôi hy mọi người sẽ đồng ý với chúng ta rằng với những hành động bạo lực mà chúng ta đã thấy, việc chúng ta lên án nó là đúng và hy vọng xã hội sẽ trở lại bình thường càng sớm càng tốt.”
Carrie Lam
Việc sử dụng chữ ‘chúng ta’ này giả định như cả tập thể nên nhận thức và phản ứng với những người biểu tình hành động giống như cách của Carrie Lam đã làm. Bằng cách lặp lại chữ ‘chúng ta’, Lam mặc nhiên tự cho mình và công chúng là một. Phiên bản tiếng Quảng Đông trong bài phát biểu của Lam cnói về những người biểu tình “tấn công cảnh sát của chúng ta bằng một số chất lỏng không biết là chất gì,” nhấn mạnh rằng cảnh sát, người luôn hiện đang bị mất rất nhiều thiện cảm đối với dân Hong Kong, không chỉ thuộc về chính phủ Hong Kong mà thuộc về tất cả ‘chúng ta’.
Sự lựa chọn của cách nói thể thụ động hoặc thể chủ động, và ngoại động từ hoặc nội động từ, cũng có thể đổ lỗi mà không chỉ định rõ ràng. Điều này có thể cho phép lập trường chủ quan của tác giả không bị người nghe để ý đến và người nói giả dạng làm người quan sát khách quan. Năm 1994, Yew-Jin Fang đã thực hiện một nghiên cứu dựa trên dữ liệu về những bản tin do các cơ sở truyền thông do nhà nước PRC kiểm soát về bạo loạn, biểu tình, sự kiện đại chúng và các hiện tượng liên quan khác ở các quốc gia khác, đã phát giác ra rằng:
“Việc sử dụng nhãn hiệu và cấu trúc cú pháp trong Nhật báo Nhân dân có thể trình bày một cách có hệ thống các hình ảnh hoặc ấn tượng phù hợp với vị trí tư tưởng của tờ báo và của Chính phủ. Những bản tin hợp lệ hóa những chính sách đối ngoại đã được giới cần quyền thông qua và họ chủ động phân chia thế giới thành hai phe ‘chúng ta’ và ‘họ’ cho độc giả.”
Yew-Jin Fang
Cách diễn đạt nhị phân sai là một công cụ ngôn ngữ chính để tuyên truyền. Có một tuyên bố được cho là của Đặng Tiểu Bình, ‘Cuộc thảm sát Thiên An Môn là lựa chọn đúng đắn’, bởi vì ông sẽ đánh đổi mạng sống của ngay cả 200.000 người để lấy 20 năm ổn định.
Ẩn ý trong lời tuyên bố đó của Đặng Tiểu Bình là giả định rằng xã hội ổn định và mạng sống của những người biểu tình loại trừ lẫn nhau, nghĩa là chỉ có một trong hai. Giả định nhị phân này sai lầm. Tương tự như vậy, những lời hoa mỹ của PRC chính thức nói về Tân Cương thường gọi sự phát triển và sự ổn định là những giải thưởng không thể có được nếu không có các chính sách đàn áp hiện tại ở khu vực. Dân chủ và phát triển liên tục bị đóng khung là xung đột với nhau, bởi vì nếu không nó sẽ làm suy yếu tính hợp pháp của sự độc tài của ĐCSTH để đem lại sự phát triển về kinh tế.
Vấn đề không phải là thuyết phục tất cả mọi người, mà là thuyết phục đủ số người để chiến thắng trong cuộc chiến giành công luận
Kiểm soát thông tin là mảnh ghép cuối cùng của đáp án. Điều này không chỉ có nghĩa là kiểm duyệt, mà còn kiểm soát mọi thứ trông như thế nào đối với các đối tượng khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Trong một luận văn hàn lâm viết năm 2017 về vụ bắt cóc các những người bán sách Hong Kong và cách nó được trình bày trên báo giới ở Hoa lục, Janny HC Leung lập luận rằng cùng một bài diễn văn của chính phủ nhưng lại là những thông điệp khác nhau cho các đối tượng khác nhau: cùng một mẩu tin cho những người biết chuyện khác với thông điệp đối với những người bị bịt mắt che tai. Độc quyền định nghĩa và xóa bỏ ý nghĩa giúp ĐCSTH duy trì và thao túng thực tế. Vấn đề không phải là thuyết phục tất cả mọi người, mà là thuyết phục đủ số người để chiến thắng trong một cuộc chiến giành công luận và nhấn chìm tiếng nói của lý trí. Đây là một khía cạnh thường bị bỏ qua, không để ý tới, trong chiến lược của ĐCSTH, bởi vì những người biết đủ để quan tâm đến nó ít có thể bị nó ảnh nhất và có thể đánh giá thấp tác động có hại của loại thông tin định hướng đó.
Vào lúc thông điệp ngày càng bị đưa ra khỏi ngữ cảnh thì điều quan trọng là phải xem lại những tuyên bố của ĐCSTH có ý nghĩa gì đối với những người bị ảnh hưởng ngay lập tức và không hiểu biết nhất trong số đối tượng của họ ở Hong Kong và Tân Cương. Tại Hong Kong, Carrie Lam cho biết, “dự luật đã chết”, cách dùng từ ngữ như thế có thể khiến cho giới quan sát nước ngoài tự hỏi thế dân chúng Hong Kong biểu tình để làm gì. Bà từ chối, hết lần này đến lần khác, để chính thức rút dự luật đó như người biểu tình đã yêu cầu. Những tour du lịch đến Tân Cương được nhà nước cho phép chẳng lừa bất cứ ai theo dõi sự thật ở hiện trường. Nhưng mục đích của những tour du lich đó là để tuyên truyền, nêu ra trong các tuyên bố chính thức làm bằng chứng cho thấy mọi thứ đều OK. Chính sự khác biệt của những thông điệp dành cho hai đối tượng khác nhau sẽ gửi thêm một thông điệp tới các nạn nhân: Chúng tôi là người kiểm soát ‘sụ thật của câu chuyện’ và sẽ không ai tin mấy người đâu.
Nói về các công cụ kiểm soát ngôn ngữ này là điều quan trọng, vì chúng thường được chấp nhận dễ dàng hơn bất kỳ một phản biện rõ ràng nào. Diễn ngôn chính thức là ngôn ngữ được cho là ‘bình thường’ để nghe và đánh giái những từ ngữ của phe đối kháng. Sự áp bức của nhà nước là sự tĩnh lặng đối với hành động ngang bướng được coi là động. Tôi không cho rằng khán giả ngu dốt – rằng họ không biết ai là người đang cầm tù người Uyghur ở Tân Cương hoặc aai đang xói mòn quyền tự do ở Hong Kong – đơn giản là khi mất cách nói chủ động, chúng ta nghĩ về những hành vi này ít hơn một chút và bỏ qua chúng nhiều hơn một chút nữa ■
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: The Passive Voice of Control | Liz Carter | China Channel | September 6, 2019.