Chung quanh vụ nổi dậy ở Yên Báy năm 1930

Nguyễn Văn Lục

Có thể nói vụ nổi dậy chống Pháp của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) do Nguyễn Thái Học lãnh đạo là một điểm kết thúc các cuộc nổi dậy chống Pháp. Về phía Nguyễn Thái Học, ông cũng nhìn nhận gián tiếp đó là một thất bại qua câu,  “Chết cho tổ Quốc.”

https://gallica.bnf.fr, Le Petit Parisien : journal quotidien du soir, 10 mai 1930

Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt trong vòng một đêm. Một số đảng viên bị lên án tử hình, phần còn lại bị các bản án nặng nề khiến VNQDĐ tan rã.

Nhưng sự thất bại của Yên Báy cũng để lại một bài học về kinh nghiệm đấu tranh cho các đảng phái khác như Việt Nam Độc lập Đồng minh còn gọi là Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh, liên minh chính trị do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ngày 19 tháng 5 năm 1941). Từ đó các cuộc chống Pháp có cải tiến, có mục tiêu, có tổ chức và có lực lượng võ trang tính về đường dài.

Nhưng về mặt tinh thần thì chắc khó ai chối cãi được, cái chết của Nguyễn Thái Học đã tạo ra một niềm cảm hứng về tình yêu nước, ý thức về thân phận nhược tiểu, như Hồ Hữu Tường viết:

“Nhưng từ khi có tin bạo động ở Yên-Bái, những hình, những phương trình, những định lý toán học bay đâu hết, không còn trong trí tôi, trước khi nhắm mắt ngủ. Lòng tôi sôi nổi luôn bởi những hoạt động cách mạng. […] Nhưng từ khi có bạo động Yên-Bái, tôi bỏ cái lối “ khai vi” nọ mà tản bộ dọc bờ sông Rhône để trầm tư về tiền đồ xứ sở.”

 Hồ Hữu Tường, “41 năm làm báo”. Hồi ký, nxb Trí Đăng

Thường trong đám sinh viên như Hồ Hữu Tường, buổi chiều thường ra đón con gái Pháp đi làm về và nếu tán được thì gọi là món “khai vị”.

Tài liệu liên quan đến vụ nổi dậy ở Yên Báy

Tài liệu của người Pháp.

Tài liệu tiếng Pháp tương đối đầy đủ, đa dạng, từ phóng sự, báo chí đủ loại, sách nghiên cứu từ nhiều phía — phía chính quyền thuộc địa, phía tả như đảng cộng sản Pháp, phía trí thức thiên tả có cảm tình với các phong trào tranh đấu ở Việt Nam. Cuốn sách của Chính phủ Đông Dương. Tổng cục Chính trị và Công an (Gouvernement général de l’Indochine. Direction des affaires politiques et de la sûreté générale) được coi là quan trọng nhất, vì nó đề cập trực tiếp đến các phong trào cách mạng ở Việt Nam như vụ “Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine française: Documents. Le “Việt-Nam Quốc-Dân Đảng” ou “Parti national annamite” au Tonkin (1927-32)”. Vol. n° 2.

Không gây được ảnh hưởng như các bài phóng sự sẽ được trình bầy sau này là những tác giả Pháp khác có khuynh hướng chống đối chế độ thuộc địa Pháp, nhưng là chống đối ở bình diện nghiên cứu hàn lâm, có uy tín. Tỉ dụ như Jean Chesneaux trong “Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne”, 1955. Xưa nhất có lẽ là cuốn “L’Expansion coloniale de la France, Étude économique, politique et géographique sur les établissements francaises d’outre-mer”, Paris 1886 của J.-L. De Lanessan Député De La Seine. Louis Bonnafont,  “Trente ans de Tonkin”, Paris 1924. Lê Thành Khôi. “Le Vietnam: histoire et civilisation”, Ed. De Minuit 1955, vv.

Các tác giả Pháp giai đoạn từ 1945 trở đi vốn quen thuộc hơn đối với phần đông người đọc tiếng Pháp tại miền Nam trước 1975 .

Tài liệu tham khảo và trích dịch dùng trong bài này là loạt bài tường thuật của Louis Roubaud trong cuốn “Viêt-Nam: La Tragédie Indochinoise”. Đặc biệt Roubaud được phái sang Việt Nam để tường trình thêm về vụ nổi dậy ở Yên Báy cũng như vụ xử chém Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí.

Sử sách Việt Nam đã vinh danh Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí VNQDĐ, nhưng tài liệu bằng tiếng Việt ít khi nhắc đến bốn người khác bị xử chém tại Yên Báy ngày 8 tháng Năm, 1930, như Louis Roubaud tường thuật trên tờ Le Petit Parisien.

Tin L’Œuvre ngày 10 tháng 5, 1930, trang 3

[DCVOnline: Bốn nghĩa quân bị xử chém tại Yên Báy ngày 8 tháng Năm, 1930 là các ông nông dân Đặng Văn Lương, nông dân Đặng Văn Tiệp, hạ sĩ khố đỏ Nguyễn Thanh Thuyết, hạ sĩ khố đỏ Ngô Hải Hoằng. Trong cuốn “Viêt-Nam: La Tragédie Indochinoise”, tác giả chỉ ghi, “…Nous allons être bien accueillis à Yen-Bay, disaient-ils, nous allons trouver sur le quai de la gare nos chers camarades Hoang, Tiep, Thuyet et Luong!”. Yên Báy là tên dùng trong tất cả những tài liệu tham khảo và ảnh nguồn tiếng Pháp. Tên hiện nay là Yên Bái,  thành phố thuộc tỉnh cùng tên ở vùng Tây bắc Việt Nam. Nguồn: (1) “Viêt-Nam: La Tragédie Indochinoise”, 2 enquêtes, Paris, Librairie Valois, 1931, trang 159. (2) Nhật báo L’Œuvre, Paris, số ngày 1930/05/10 (N5335), trang 3.]

Nguồn: www.editions-harmattan.fr

Cuốn sách này do Louis Roubaud viết vào năm 1931, thể loại phóng sự kết hợp sự cấp bách của chính trị với cảm xúc về tội phạm, nó vừa là một ký sự, một báo cáo quan trọng về sự khốn khổ của dân chúng Việt Nam và yêu sách của Đông Dương thuộc Pháp, nhưng cũng là một cuộc điều tra về những phong trào chống thực dân và sự đàn áp của thực dân.

Người viết chọn trích dịch lại tác phẩm của Louis Roubaud vì không có người Việt Nam nào đã chứng kiến tại chỗ vụ xử chém đảng viên VNQDĐ và phỏng vấn các hạ sĩ quan và sĩ quan Pháp còn sống sót sau cái đêm kinh hoàng ấy. Đồng thời tác giả cũng có cơ hội được “đặc quyền, tiếp xúc và phỏng vấn” các đảng viên VNQDĐ bị án tử hình như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính. Chưa kể các nạn nhân còn sống sót sau vụ thảm sát ở nhà máy diêm ở Bến Thủy, Vinh.

Tác phẩm của Louis Roubaud giúp người đọc phần nào thấy lại tất cả những diễn biến vụ nổi dậy, hiểu được tại sao nó đã xảy ra như vậy.

Sách và bài viết của tác giả Việt Nam.

Tài liệu Việt Nam chính thức viết trực tiếp về vụ nổi dậy ở Yên Báy tương đối ít. Người viết tham khảo ở hai cuốn, hiện có, trong số ba cuốn sách.  Cuốn thứ ba của tác giả Bạch Diện. Cạnh đó có những bài viết tưởng niệm Nguyễn Thái Học của Trần Trung Đạo hay bài phỏng vấn tác giả Lê Mạnh Hùng nhân dịp kỷ niệm 76 năm, ngày kỷ niệm khởi nghĩa Yên Báy do Nguyễn Khanh của ban Việt ngữ đài Á Châu Tự do thực hiện. Hầu như tác giả Lê Mạnh Hùng chỉ dựa vào một số tài liệu có sẵn của Việt Nam và cũng không trích dẫn nguồn. Ông hầu như không đề cập đến diễn tiến cuộc khởi nghĩa Yên Bái cũng như vụ xử chém 13 liệt sĩ.

Dĩ nhiên, ông cũng không trích dẫn nguồn tài liệu nào của Pháp. Một tác giả thông thạo ngoại ngữ mà viết không cần tài liệu như thế thì nói chi ai khác. Trong bộ “Nhìn lại Sử Việt”, 2015, tác giả chỉ ghi vài trang sách tài liệu đã đọc, nếu có trích dẫn một tác giả thì cũng không để nguồn. Toàn bộ bộ sách không trưng dẫn nguồn.

Chính những lý do thiếu tài liệu một cách vô tình và cấp bách như thế nên tôi nghĩ cần phải giới thiệu tập tài liệu phóng sự của tác giả người Pháp.

Nhượng Tống, “Nguyễn Thái Học 1902-1930”

Nguyễn Thái Học (1902-1930)

Nguyễn Thái Học (1902-1930)

Nhượng Tống (1904-1949), theo Từ điển văn học, tên thật là Hoàng Phạm Trân. Theo ông cho biết, ông là bạn đồng niên “mày tao” cũng đồng thời là đồng chí sau này của Nguyễn Thái Học. Điều ấy cho phép người đọc hiểu được giai đoạn thành lập Quốc Dân Đảng, hiểu được thế yếu, thế mạnh và nhất là nhiệt tình hăng say của những người trẻ như Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông. Và nó cũng cắt nghĩa tại sao đi đến vụ nổi dậy tại Yên Bái.

 Chân dung ông Nguyễn Thái Học (1902-1930) khi bị giam tại Hỏa Lò, 1930 . Nguồn: Bảo Ngậu

Nhượng Tống không bị kết án tử hình vì ông không tham dự trực tiếp vào cuộc nổi dậy năm 1930 và đã kịp trốn thoát. Tuy nhiên, những phần viết về chuyến đi định mệnh bằng xe lửa từ Nhà tù Hỏa Lò đến Yên Bái trong 4 tiếng đồng hồ cũng như hiện trạng vụ xử tử hẳn là ông đã trích đoạn từ phóng sự của Louis Roubaud và thêm bớt tùy tiện cho hợp khẩu vị. Ông không thể có mặt, cũng không thể có nhân chứng vụ xử chém những đảng viên VNQDĐ.

Đọc phóng sự của nhà báo Pháp với cuốn sách của Nhượng Tống chương XXXI sẽ thấy rõ điều đó.

Dù sao tác giả đã viết trong Lời Mở đầu:

“Các anh em… Hãy giúp thêm tôi về tài liệu để những lần xuất bản sau, cuốn tiểu sử này có thể thêm đầy đủ.” Ngày 28 tháng năm đầu Độc Lập.

Nhượng Tống

Hoàng Văn Đào, “Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An”, Nxb Sống Mới. 90/2 Cao Thắng- Saigon.

Trong lời mở đầu, ông đã ghi rõ như sau về xuất xứ của tài liệu:

“ May mắn thay! Tháng giêng năm 1955, một số chiến sĩ Yên-Bái bị lưu đầy từ năm 1930 tại Guy-An (Guyane Francaise) được trở về nước nhà, tôi hân hạnh được gặp các bạn ấy đã vui lòng cung cấp thêm tài liệu để tôi viết nên tập: “Từ Yên Bái đến các ngục thất – Hà Nội, Côn Nôn và Guy-An” này nhằm mục đích cung cấp thêm tài liệu bổ khuyết các văn phẩm cùng loại này đã xuất bản từ trướcc. Chúng tôi luôn luôn tôn trọng sự thật trong khuôn khổ văn nghệ. Viết tại Saigon tháng 10 năm 1957.”

Hoàng Văn Đào

Đây là một cuốn sách có vấn đề. Thứ nhất về tư cách của ông trong tổ chức Quốc Dân Đảng. Có sự lạm dụng danh nghĩa. Trong bài viết, ông xử dụng chữ “Chúng tôi”, có nghĩa ông tham dự từ đầu đến cuối như người trong cuộc cho đến lúc bị bắt và đi tù. Thứ hai, nội dung cuốn sách có nhiều chuyện bịa đặt, thổi phồng, tiểu thuyết hóa một cách không cần thiết. Đọc thì thấy hay, hấp dẫn như đọc một cuốn truyện tiểu thuyết. Nhưng về nội dung, phần lớn là phịa sử. Nó chẳng khác gì khi ta đọc Hoàng Lê Nhất Thống Chí, đọc thì hay, có nửa phần sự thật, phần còn lại đã được tiểu thuyết hóa.

Cái tiếc thứ ba là đời sau, nhiều người nhắm mắt chép lại, không đọc ngang, đọc dọc, nhất là đọc tài liệu của Pháp. Sai lầm cứ thế mà được tái diễn. Trách nhiệm người cầm bút trung thực là ở chỗ này, mặc dầu ông đã tuyên bố dõng dạc trong Lời Mở Đầu. Cuốn sách gần đây được tái bản tại Đức và lịch sử cuộc nổi dậy của Nguyễn Thái Học một lần nữa bị tô hồng với những chi tiết chỉ nhằm đánh bóng tác giả.

Đế làm rõ sự thật, hy vọng sẽ có những bài viết của những tác giả khác chi tiết hơn về cuốn sách này.

Nguyễn Văn Khánh, “Việt Nam Quốc Dân Đảng với với sự chuyển hóa của Phong trào dân tộc Việt Nam trong những năm 20”

Tôi xin phép miễn bàn về nội dung cuốn sách. Có thể nó “cởi mở” hơn những tài liệu của Trần Huy Liệu. Nhưng cách tốt nhất, theo tôi là không đọc và tôi đã chọn lựa cách đó.

Trần Gia Phụng, “Vụ Yên-Bái: Không thành công thì thành nhân”

Một bài viết đăng trên trang Nguyễn Thái Học Foundation, địa chỉ 2136. A Tully road. San Jose.

Thói quen đọc sách bây giờ trước hết là xem số tài liệu tham khảo. Bài viết của ông Trần Gia Phụng kể cũng nhiều tham khảo, khoảng 45 trích dẫn.

Phải nhìn nhận ông có thiện chí ra công để đề cao Nguyễn Thái Học và Quốc Dân Đảng. Nhưng không thấy ông đề cập đến cuốn sách của Nhượng Tống. Đặc biệt chỉ có một tài liệu Anh ngữ không liên quan trực tiếp đến Nguyễn Thái Học. Viết về thời thuộc địa giữa Pháp và Việt Nam mà không đọc  tài liệu tiếng Pháp thì mất đi một nửa giá trị. Đặc điểm thứ ba là ông trích dẫn rất nhiều tài liệu trong cuốn sách của Hoàng Văn Đào như nguồn tài liệu chính. Ông trích dẫn đến 18 lần.

Trích dẫn một tài liệu thiếu giá trị sử liệu thì bài viết cũng đi theo sự thiếu sót ấy. Vụ nổi dậy và vụ án 13 liệt sĩ trên Yên Bái vốn là tâm điểm nội dung bài viết. Nhưng tài liệu Việt Nam của Hoàng Văn Đào thiếu sót; tác giả Trần Gia Phụng vì dựa trên cuốn sách của Hoàng Văn Đào nên chỉ viết được vào khoảng 10 dòng.

Bài viết còn giá trị gì? Chúng tôi không tiện phê bình cuốn sách của ông Hoàng Văn Đào ở đây như đã ghi ở  trên để khỏi nhắc lại; Hy vọng sẽ có bài dành riêng để phê bình cuốn sách này của tác giả khác để quý vị độc giả tiện so sánh và đánh giá.

Nói chung thì tác giả Trần Gia Phụng thiếu khả năng tham khảo về tài liệu tiếng Anh và tiếng Pháp. Cái khuyết tật ấy cũng cho phép suy luận là khi tác giả viết về sử Việt qua các triều đại Vua chúa Việt Nam mà không ông biết đọc chữ Nho! Ấy là tôi chưa nói đến quan điểm nhìn lịch sử của mỗi một bài viết.

Trích dịch và tóm lược liên quan đến vụ nổi dậy của VNQDĐ

Le Petit Parisien, 10 mai 1930[1] | “Bốn người nổi dậy ở Yên Báy đền tội”

Le Petit Parisien, Chủ nhật 10 tháng 5, 1930 . Nguồn: https://gallica.bnf.fr, Le Petit Parisien : journal quotidien du soir, 10 mai 1930

Vì thấy cần có một sự tìm hiểu đầy đủ tại chỗ về biến cố đẫm máu ở Đông Dương năm 1930 nên tờ Le Petit Parisien đã quyết định giao trách nhiệm này cho Louis Roubaud sang Việt Nam.

Trong điện tín đầu tiên gửi về tòa soạn, nhà báo Roubaud đã tường thuật, một cách dè dặt mà không khỏi đau xót, câu chuyện cái đêm kinh hoàng của tháng Hai, năm 1930. Roubaud phần lớn dựa trên những yếu tố chưa hề được ai nói tới do những nhân chứng đã thực có mặt tại chỗ, trong biến cố đó. Roubaud đã theo dõi từng chi tiết những gì đã xảy ra trước đó và sau đó. Tất cả đã được tường thuật lại sự việc và để cho sự việc tự nó nói lên. Từ đó nó cho phép chúng ta có được một hồ sơ tương đối về hoàn cảnh thuộc địa lúc bấy giờ. Nó cho ta thấy được cái không khí xáo động bao trùm lên toàn cảnh thuộc địa ở Đông Dương. Những chi tiết kể lại cho thấy có sự do dự, cũng như sự trở mặt của một phần không nhỏ những kẻ nổi dậy ở Yên Báy. Điều đó cho thấy là hoàn cảnh ở Yên Báy là một cảnh cáo, một hoàn cảnh cần được quan tâm đặc biệt. Nó không giống với hoàn cảnh của những người Anh đang phải đối đầu với người dân Ấn Độ ở đó.

Yên Báy, ngày 8 tháng Năm

(Tường trình của đặc phái viên của chúng tôi)

Sơ đồ Đồn Yên Báy: (x) Doanh trại đồn dưới. (y) Doanh trại đồn trên. (z) khu nhà của sĩ quan. Nguồn: https://gallica.bnf.fr | Ministre de la Guerre, “Historique du 4me régiment de tirailleurs tonkinois” (1934, nhà in Nam Việt, Nam Định), trang 221.

Sáng nay vào lúc 6 giờ khi trời vừa rạng sáng thì có bốn người đàn ông da vàng nhỏ bé ra khỏi nhà tù và đi giữa hai hàng lính khố đỏ. Họ có đôi mắt nhìn trông như những đứa trẻ con của xứ này. Trong những bộ áo kaki rộng thùng thình, họ đi sát vào nhau giữa đám lính. Xa xa là đám đông đàn ông đàn bà trong những bộ quần áo nâu hoặc đen, có cả đám thầy tu. Những đứa trẻ con cởi truồng leo lên các các cành cây hoặc chỗ cong của mái nhà để nhìn một cách tò mò.

Thật là một không khí khác thường đang bao trùm buổi lễ. Một buổi lễ lạ thường của bầu trời xứ Đông Dương.

Bốn con người nhỏ bé kia chết sáng nay.

Nhiệm vụ của tôi, đôi khi gay go, đưa tôi đến đây trong một vài ngày. Tôi sẽ thấy thêm mười nạn nhân khác ở đây.

Cuộc nổi dậy xẩy ra vào đêm mồng 9 đến rạng sáng mồng 10 tháng Hai. Báo chí châu Âu cũng đã tường thuật, nhưng tôi e rằng chúng ta không hiểu hết ý nghĩa của việc này.

Một số nhân chứng đã kể lại ác mộng ấy với tôi. Tôi tin rằng câu chuyện họ kể lại là cần thiết.

[DCVOnline:  Ngày 8 tháng 5 tại Yên Báy, Louis Roubaud viết tường trình tựa đề, “Quatre mutins de Yen-Bay ont expié” (“Bốn người nổi dậy ở Yên Báy đền tội” thuật lại câu chuyện về cuộc nổi dậy của VNQDĐ tại đồn Yên Báy vào đêm 9 và rạng ngày 10 tháng Hai, năm 1930; tờ Le Petit Parisien đăng bài thường thuật của Louis Roubaud trên số 19,429 năm thứ 55, ngày Chủ nhật 10 tháng Năm, 1930.]

Được báo trước, nhưng không ai tin

Binh đội Pháp ở đồn Yên Báy có cả thảy 20 người sĩ quan và hạ sĩ quan da trắng và dưới quyền là 1000 lính khố đỏ  da vàng.   

Vào khoảng 8 giờ tối, khi đại úy Gainza trở về nhà thì đã thấy ở hàng hiên trung sĩ Nguyễn đứng đợi sẵn.

— Mon capitaine vous pas manger. (Đại úy, ông không được ăn.)

— Pourquoi? (Tại sao?)

— Y en a poison. (Có thuốc độc.)

Vừa nói vừa run rẩy, viên trung sĩ cho biết sẽ có cuộc tàn sát người châu Âu đêm nay. Viên đại úy không tin và cho rằng trung sĩ của ông chắc say rượu. Cùng lúc ấy thì có trung úy Espiau cũng chợt đến để cùng ăn tối. Nhưng dù không tin, cả hai đã quyết định bỏ bữa ăn tối và dẫn viên trung sĩ đến trình diện vị tiểu đoàn trưởng Le Tacon. Tiểu đoàn trưởng Le Tacon tra vấn viên trung sĩ là làm sao y biết được tin ấy. Viên trung sĩ cho biết có người lính anh em họ tên Tài cho biết. Tiểu đoàn trưởng Le Tacon nói với hai sĩ quan Pháp là chính Tài cũng đến báo cáo với ông và ông không tin; Le Tacon cho là Tài quan trọng hóa vấn đề nhưng cũng ra lệnh đi một vòng thám thính. Vùng rừng cây quanh đồn Yên Báy hoàn toàn yên tĩnh.

— Assez de sottises. Allons nous coucher ! (Vô lý thế đủ rồi. Mình đi ngủ!)

Sĩ quan về nhà riêng và hạ sĩ quan về doanh trại ngủ.

[DCVOnline | Đặc phái viên Louis Roubaud của tờ Le Petit Parisien có một mâu thuẫn nhỏ trong bài tường thuật, ông viết, “ils sont vingt chefs blancs pour mille soldats jaunes” rồi lại kể chuyện trung sĩ (sergent) Nguyễn, một hạ sĩ quan người Việt Nam, da vàng. Nguyên văn trong bài phóng sự Roubaud viết tên của trung sĩ Việt Nam là “N’Guyen” nhưng sau, đó khi in thành sách, thì tên của viên trung sĩ đó được sửa lại là “Vinh” .
Nguồn: (1) Le Petit Parisien, Samedi Mai 10, 1930, No 19,429, trang 1-2. (2) Viêt-Nam: La Tragédie Indochinoise” 2 enquêtes, Paris, Librairie Valois, 1931, trang 18.]

Câu chuyện một kẻ thoát nạn, thượng sĩ Bouhier, kể lại tại nhà thương.

Thượng sĩ Bouhier tin tưởng vào  lời trấn an của vị chỉ huy Le Tacon nên về doanh trại ngủ. Trời nóng nên ông ra hàng hiên để ngủ cho mát, và ngủ ngay. Đến khoảng nửa đêm, bị vật gì lớn đè trên người làm ông tỉnh ngủ và la lên. Những người lạ mặt, chân trần, trong bóng đêm, không một tiếng nói, dùng kiếm chém ông qua màn khiến mặt và tay bị đầy thương tích. Thanh gỗ treo màn rơi xuống,  Bouhier vơ lấy và chống trả đến ngất đi lúc nào không hay. Lúc tảng sáng, khi tỉnh dậy thấy Nam, thư ký của ông, đứng cạnh. Ông gọi “Nam! Nam!” và tưởng mình được cứu sống. Nhưng Nam lùi lại vài bước và nổ ba phát súng lục; chẳng hiểu tại sao hắn đều bắn hụt cả ba lần. Bouhier nằm bất động như đã chết không dám mở mắt.

Khoảng 9 giờ sáng thì ông được bạn bè đến cứu, đưa đi bệnh xá.Trường hợp của Bouhier có thể cũng giống trường hợp các cấp chỉ huy Pháp khác. Họ cũng đều kinh ngạc và hoảng sợ khi bị đánh thức dậy nửa đêm và bị chém qua màn ngủ.

Sau này được biết, cuộc biến loạn xảy ra vào khoảng 1 giờ đêm và những người nổi dậy đã chia ra làm hai nhóm. Một nhóm chiếm đồn binh và một nhóm chiếm doanh trại.  Viên Trung sĩ trông coi kho vũ khí thấy có biến, bị ra lệnh mở kho, phát súng cho các binh sĩ của mình. Khốn thay, ông đâu biết rằng các khẩu súng ấy lại được đám lính quay lại dùng để sát hại ông. Cuối cùng thì họ tịch thu và lấy đi nhiều võ khí, đạn dược.

Những nạn nhân

Trung úy Robert bị giết ngay trên giường ngủ trước sự chứng kiến hãi hùng của vợ ông. Chuẩn úy Cunéo cũng bị hạ sát. Hai trung sĩ Chevalier và Damour, không may mắn như Bouhier, đã không bao giờ đứng dậy nữa.

Chuẩn úy Trotux,  thượng sĩ  Deschamps, hai trung sĩ  Huruguen và Reynaud cùng với bà Reynaud đã chận đóng cửa buồng ngủ của họ và chống cự bằng súng máy cho đến khi trời sáng. Đại úy Jordan lúc đó đứng sân đồn Yên Báy để triệu tập binh sĩ lại, ông bị bắn chết tại chỗ. Đại úy Ganza chỉ bị thương ở bên hông.

Có thể nói lính khố đỏ ở Yên Báy làm chủ tình thế sưốt đêm mồng 9 cho đến rạng sáng ngày 10. Nhưng khi trời sáng thì họ kinh ngạc khi thấy sĩ quan Pháp vẫn sống sót.

Đến sáng thì nhiều người lính Việt Nam đến trình diện sĩ quan người Pháp, đưa súng

— Il y en a pas poudre. Nous pas tirer. (Không có khói đạn. Chúng tôi không bắn phát nào.)

Lính [khố đỏ] Việt Nam nói họ bị buộc phải cầm súng. Như thế, những người kháng chiến trong màn đêm đã biến thành người bảo vệ và tuân lệnh cấp chỉ huy đồn Yên Báy khi trời hừng sáng.

Những diễn biến xảy ra trước khi có vụ nổi loạn

Theo phóng viên Louis Roubaud,để hiểu được tầm quan trọng của cái đêm đẫm máu ở Yên Báy đã đưa bốn tử tù lên máy chém, người ta không thể chỉ nói riêng về thảm kịch này. Trước đó đã có nhiều biến cố và sau đêm biến động đó còn có những sự kiện khác. Đây không phải là một cuộc nổi dậy đơn độc và lẻ loi.

[DCVOnline:

“On doit savoir que tout a été organisé avec intelligence et méthode par l’une des plus importantes sociétés secrètes: le “parti nationaliste annamite” qui est puissant, riche et invisible.”

“Chúng ta phải biết rằng mọi chuyện đã do một trong những đảng bí mật quan trọng nhất: “Đảng Quốc gia Việt Nam” giầu, mạnh, và vô hình tổ chức bằng tình báo và có phương pháp.”

Louis Roubaud, Viêt-nam, La tragédie indochinoise, Paris, Librairie Valois, trang 23; “Quatre mutins de Yen-Bay ont expié | Un Récit De La Nuit Tragique Du 9 Février D’après Le Témoignage De Ceux Qui L’ont Vécue”, Le Petit Parisien, 10 mai 1930, trang 2.]

“Đảng Quốc gia Việt Nam” Louis Roubaud  đề cập ở đây là Việt Nam Quốc dân Đảng.]

Chỉ trong vòng một năm, chưa ai quên, Louis Roubaud viết

  • Ngày 7 tháng 1, một cuộc mưu sát Toàn quyền Pasquier xẩy ra khi ông đến Hà Nội.
  • Ngày 9 tháng 2, 1929, Bazin, giám đốc của Tổng cục Nhân lực [OGMIC], đã bị ám sát. Trên xác ông, hung thủ để lại một bản cáo trạng chống đế quốc Pháp.
  • Ngày 31 tháng 5, hai cô gái bản xứ, bị đảng buộc tội phản bội, đã bị đâm chết.
  • Vào tháng 3, các cuộc đình công đã bùng nổ ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.
  • Ngày 1 tháng 8, truyền đơn cách mạng tung bay ở khắp các thị trấn và làng mạc ở cả ba miền Bắc, Trung Nam.
  • Ngày 3 tháng 9, ba nghĩa quân đã chết trong một túp lều rơm ở Mydiem khi họ đang làm bom.
  • Ngày 6 tháng 10, một “kẻ phản đảng” đã bị xử tử trong vườn bách thảo Hà Nội.
  • Ngày 20 tháng 11, phát giác một trăm năm mươi quả bom tại ngôi làng Seven Pagodas[2] (Phả Lại).
  • Ngày 23 tháng 12, tìm thấy một trăm năm mươi quả bom tại Nội Viên[3];
  • Ngày 26, tìm thấy hai trăm chín mươi quả bom tại Thái Hà.
  • Ngày 10 tháng 1, đào thấy những chiếc lọ chứa đầy truyền đơn cách mạng tại Bắc Ninh.
  • Ngày 20 tháng 1, một người thợ rèn làm kiếm đã bị bắt và những ngày sau đó chính quyền Pháp đã tịch thu hàng trăm quả bom ở nhiều làng mạc khác.

Cuộc nổi dậy ở Yên Báy đã kết thúc ngày 10 tháng 2, nhưng ngọn lửa cách mạng đã nổi lên ở những thành phố khác ở Bắc Kỳ như Hưng Hóa, Lâm Thao, Hà Nội, Phụ Dực, Vĩnh Bảo.

Những vụ ném bom, ném lựu đạn, ám sát xảy ra như cơm bữa.

Các Hội kín

Ngoài ra, muốn hiểu rõ vụ nổi loạn của VNQDĐ, người ta cần tìm hiểu thêm các “Hội kín” mọc lên ở nhiều nơi có nhiều nguồn gốc khác nhau thu hút một số đông những người dân cùng khổ. Điều này cần những nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng hơn để thấy rõ ràng giữa thực dân Pháp và người dân Việt Nam bị trị có một hố sâu ngăn cách của sự im lặng.

Và người ta có thể nói rằng bao lâu còn có bóc lột, còn bất công, thuế má đè nặng, đời sống dân chúng đói khổ lầm than thì còn mọc ra nhiều cuộc bạo động, nhiều cuộc đình công như  tại nhà máy Diêm ở Bến Thủy vào ngày 1-5. Tại đây có 700 công nhân mà lương thợ đàn ông là 30 xu/ngày. Đàn bà là 20 xu/ngày. Cuộc biến động lan rộng kéo theo cả hàng ngàn dân quê tham dự biểu tình. Cuối cùng thì xảy ra cuộc bạo động. Chủ nhà máy cho lệnh nổ súng và ông đã bắn phát lệnh đầu tiên. Dân quân theo lệnh nổ súng theo. Chỉ trong vài phút thì đám đông chạy tán loạn. Cuộc biểu tình chấm dứt, Nhưng người ta cũng đếm được 5 người chết và 15 người bị thương. Cuộc biến động xảy ra ngày 22 tháng 5 năm 1930.

Tất cả những chuỗi biến cố ấy đều có liên hệ khắng khít với nhau. Từ Bombay đến Nam Kinh, cùng một chuỗi những biến động ấy xảy ra mà Đông Dương trở thành trung tâm của chuỗi biến động đó.

Bốn người Việt Nam sáng nay phải đền tội về những việc họ đã làm mà người ta không thể nào nhận xét một cách dễ dãi rằng họ là quân trộm cướp hoặc những thằng điên.

Cuộc tàn sát tại Bến Thủy.

(Bài tường thuật của Louis Roubaud  trong Le Petit Parisien ngày 22 tháng 5, 1930)

Những người biểu tình tuần hành một cách im lặng, đi tay không, và đi có hàng lối trật tự, có tổ chức. Nhưng người ta không biết được ai là người chỉ huy, nhận lệnh của ai và người ta cũng không biết được cuộc biểu tình nhằm mục đích gì và tại sao.

Vinh, ngày 21 tháng năm

Đã có một cơn sốt chính trị ở Ấn Độ, rồi đến lượt ở Trung Hoa. Tôi muốn tìm hiểu cơn sốt đó ở xứ Đông Dương này xem thử thế nào.

Tôi đã đi bằng xe ô tô trên những con đường trải nhựa của người Pháp, trên xứ  Đông Dương to lớn. Và sáng nay thì tôi đã có mặt ở Vinh, tại thành phố chính của Vinh, nơi đã có những cuộc nổi dậy suốt cả ngàn năm nay và cứ lâu lâu từ thế kỷ này sang thế kỷ khác chống lại những ông chủ người Trung Hoa, chống lại cả triều đình Việt Nam, và mới đây, theo người ta nói lại, chống lại những ông chủ người Pháp.

Tôi đã đi qua ngôi làng Yên Dung xinh xắn, nơi mệnh danh là phố đi dạo Bois-de-Boulogne trước đồn ba cổng. Khắp nơi, nông dân và người cu-ly Việt Nam xếp hàng một đi như kiến, trên vai họ gánh những con lợn đen còn sống, bị trói, hoặc những vại nước hoặc những gánh lúa, những bó củi. Thêm những đàn trâu, từ dưới ruộng bùn chạy lên trên đường với cái sừng dọa dẫm mui xe hơi. Còn có cả đứa trẻ con cởi truồng được người giữ trẻ bế lên khỏi ruộng với lời răn đe.

Bến Thủy

Tôi đã có mặt ở Bến Thủy mà ở cạnh bến sông có một sân bay, những căn nhà rộng của xưởng máy làm diêm như bất cứ xưởng máy nào ở ngoại ô bên Pháp. Rồi sau đó tôi cũng nhận ra những hàng cây phi lao là dinh thự và cả khách sạn nữa.

Vinh là trung tâm sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ xem ra như đã phục hồi lại công việc cần cù hằng ngày sau cơn biến loạn. Cứ như những gì tôi vừa thấy thì, sau hai mươi ngày, Vinh đã trở lại công việc thường nhật của thành phố.

Đây có phải là nơi vừa xảy ra những biến động: “1500 kẻ nổi loạn tiến về xưởng máy, 50 lính khố xanh đã nổ súng bắn về phía họ gây ra cảnh có những người chết và người bị thương ở hai bên vệ đường”?

Tôi tin rằng sự vụ này đã gây ồn ào ở Paris. Những tin tức về vụ bạo loạn có vẻ như chỉ được viết một cách vắn gọn, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa sẽ bị bắt…

Vì thế cần một cuộc tìm hiểu đầy đủ hơn.

Tôi được biết một viên chức đã chạy vào phòng viên giám đốc tỉnh nói:

— Ông kiểm soát xem điện thoại của ông có bị cắt không? Đã có một cuộc biểu tình.

Rồi ông ta tiếp tục chạy sang cửa hàng bán thực phẩm và căn dặn người chủ tiệm:

— Ông đừng để xăng trong xe hơi của ông. Vì có thể bị mấy người cách mạng lấy để dùng. Có biểu tình đấy…

Câu trả lời của chủ tiệm có vẻ sợ hãi, nói nhỏ.

— Hiện giờ họ đang ở đâu?

Người ta chỉ cho tôi một số người trẻ, mặc áo chẽn đen đang thầm lặng bước đi, không biết với mục đích gì. Một người Âu Châu khác nhún vai.

— Ồ, một bọn làm loạn.

Nhưng một người khác nói:

— Ông đừng tin.

Cả ngày hôm nay không có chuyện gì xảy ra và tôi bắt đầu sắp xếp lại câu chuyện bi kịch tháng Năm, sau ba tuần lễ trôi qua, nhưng xem ra câu chuyện vẫn không hoàn toàn bị quên lãng. Tôi nghe chỗ này, rồi nghe chỗ khác, ông Canaby giám đốc ở Bến Thủy, và một người đã tham dự biểu tình. Hai câu chuyện kể không phải lúc nào cũng mâu thuẫn với với nhau.

Câu chuyện ông giám đốc nhà máy kể lại

Đây là câu chuyện kể thứ nhất:

“Người ta đã nhận thấy từ vài tuần nay đã có sự khuấy động âm ỉ. Những cuộc tụ họp cũng như các buổi họp ủy ban xảy ra nhiều hơn. Mỗi buổi sáng, các truyền đơn được phân phát cho công nhân:

‘Các anh không đủ ăn. Đồng lương chết đói không đủ để mua thực phẩm. Thuế má lại quá cao. Nhân kỷ niệm ngày 1 tháng Năm, hay nổi dậy. Vùng lên chống lại kẻ đã tuyên án tử hình.’

Truyền đơn kêu gọi công nhân biểu tình

Công ty khai thác lâm sản có nhiều loại hoạt động. Nó khai thác gỗ trong rừng để chế tạo các que diêm ở Bến Thủy. Nó thu dụng 700 nhân công. Ở nhà máy, lương trung bình của nam công nhân là 30 xu/ngày. Lương nữ công nhân chỉ được 20 xu/ngày[4]. Trong khi đó giá gạo trước là 10 xu/ký nay là 17 xu/ký. Giám đốc công ty diêm đã thỏa thuận với viên Công xứ [Vinh] là sẽ điều chỉnh mức lương theo giá sinh hoạt. Công nhân đòi tăng lương thêm 6 xu; Chủ hãng đã làm hơn cả đòi hỏi. Họ đã bán cho mỗi công nhân 1 ký gạo theo giá cũ. Như thế, chủ hãng đã cho them một xu so với mức đòi hỏi của công nhân.

Vì thế cuộc biểu tình vào ngày 1 tháng Năm không có lý cớ vì kinh tế và nghề nghiệp. Ngày 1 tháng Năm, đúng 6 giờ sáng, công nhân đã có mặt ở xưởng làm không thiếu một người nào.

Nhưng công sứ đã báo trước, vào đêm 30 tháng 4, dân chúng tập họp ở làng quê. Đêm đó là một đêm không trăng. Các cuộc nổi dậy luôn luôn được tổ chức vào những đêm không trăng sao như thế. Những kẻ chủ mưu đã ngồi trốn dưới ruộng, trong rừng và trong hố nên đã không thể thấy họ được. Cảnh sát lục soát những cánh đồng và những khu rừng một cách vô vọng.

Trời vừa sáng thì 1500 người đã chui lên từ dưới đất. Họ xếp hàng một tiến thẳng về Bến Thủy.

Họ là ai? Không có một người thợ nào trong đám họ. Họ từ đâu tới? Từ tất các làng chung quanh. Họ muốn gì? Chúng tôi không biết họ muốn gì.

1500 người đi trong im lặng, không cờ quạt, không phù hiệu, không biểu ngữ. Họ đi rất trật tự và họ đi hẳn về một bên đường để cho xe cộ vẫn có thể đi lại dễ dàng. Người ta không nghe thấy một tiếng động gì khác tiếng động của 3000 bàn chân trần chạm đất.

Cũng cùng một giờ, một nhóm khác đông hơn gồm 2000 người, đi trong yên lặng tiến về làng Cat-Gnan[5]. Người ta cũng không biết ý định của họ là gì.

Đã từ lâu, trong xứ sở này, người Pháp và người Việt Nam cách biệt nhau bằng một bức tường im lặng.

Người ta đã gọi lính khố xanh bản xứ đi cản đường đoàn người biểu tình.

Lính khố xanh là một loại lính của địa phương làm theo lệnh của chính quyền dân sự, Họ là những người can đảm và trung thành theo sự chỉ huy của các thanh tra người Pháp.

Ông thanh tra Petit, dẫn đầu một toán 50 lính khố xanh trang bị súng ống cũng kịp thời đến nơi. Bên cạnh có viên Tri phủ (viên quan hành chánh) làm thông dịch viên.

Lệnh của Thanh tra Petit

Nửa đường từ Vinh đến Bến Thủy thanh tra Petit ra lệnh lần đầu tiên.

— Hãy ra lệnh cho họ giải tán, nếu không chúng tôi sẽ nổ súng!

Viên tri phủ nói bằng tiếng Việt. Những hàng người đầu tiên có dãn ra trong khoảnh khắc. Nhưng những người ở quá xa không nghe thấy gì và vẫn đùn nhau về phía trước. Và hàng người vẫn nối đuôi nhau tiến về phía trước, không nói một chữ, không la ó.

Sau khi đoàn người đi thêm khoảng 100 mét, thanh tra Petit lại ra lệnh cho đám đông ngừng lại. Hàng người vẫn tiếp tục tiến bước. Rồi thì họ cũng nhìn thấy khu nhà máy.

Đằng sau cánh cổng, trên bực thềm vào khu văn phòng xưởng máy, người ta thấy các đốc công, một số thương gia người Pháp trong thành phố. Chúng tôi nghe tiếng hô của thanh tra Petit lần thứ ba,

— Không phải chuyện đùa. Súngg đã nạp đạn. Nếu không chịu giải tán ngay lập tức, tôi sẽ ra lệnh bắn vào đám đông.

Để chứng tỏ cho lời nói, ông rút súng lục.

Viên tri phủ lập lại lời đe dọa.

Chính ngay lúc đó, vài người lính khố xanh bị đám đông áp đảo; một lưỡi lê rớt xuống và một người cầm đầu đoàn biểu tình nhặt lên. Trong cuộc ẩu đả, thanh tra Petit bị thương nhẹ ở tay.

Trong cái tình thế ấy, phải làm gì bây giờ? Đám đông kia muốn gì? Người ta ngờ rằng họ muốn tước vũ khí của lính khố xanh.

50 khẩu súng vào tay những người bí ẩn này… Tình thế có thể trở nên nguy cập.

Họ có ý định xâm chiếm nhà máy không? Những nhân công trong xưởng máy vẫn tiếp tục một cách bình thản công việc của họ, không chờ dấu hiệu để đứng vào hàng ngũ của đám biểu tình?

Cảnh tượng ở Yên Báy quay lại trong đầu. Trong chốc lát nữa đây, nhà máy có thể bị đốt cháy, những người Pháp bị tàn sát.

Lính khố xanh bắt đầu bắn  

Ông Petit là người bắn đầu tiên, rồi đến lượt lính khố xanh. Người ta nghe thấy những tiếng kêu, thấy người ngã úp mặt xuống đất, người chạy được vài bước rồi cũng ngã xuống, những người khác chạy trốn vào các cánh đồng, nhảy qua hố.

Chỉ trong vài phút, cuộc biểu tình chấm dứt. Có 5 người chết và 15 người bị thương.

Ở Cat-Gnan, nơi mà lính khố xanh  hai hôm sau mới đến, cảnh tàn sát tương tự diễn ra và những người biểu tình để lại 16 người chết và 25 người bị thương.

Người ta phải nhìn nhận không một nạn nhân nào có vũ khí trong tay.

Có lẽ đây chỉ là một cuộc biểu tình ôn hòa

Một người đi biểu tình lên tiếng. (Le Petit Parisien, ngay 23 tháng 5, 1930)  

Vinh, 21 tháng 5 (Tường trình đặc biệt của phóng viên)

Câu chuyện thứ hai về vụ tàn sát tại Bến Thủy do ông Phan Kau kể lại tại một căn nhà tranh, vách đất, trên một chiếc giường có trải chiếu, trước bàn thờ tổ tiên. Trên tường có treo một vài bức sơn mài viết chữ Hán. Trên trần nhà có treo một vài quả bóng bằng giấy mầu xanh, mầu đỏ, mầu vàng đã bị ố vì bụi bặm và những con ruồi.

Người thông dịch và tôi được được mời dùng trà. Ông Phan-Kau là một nông dân có ba con trâu, một thửa ruộng và có khoảng 200 đến 300 con chim hoàng yến.

— Ông ấy đã nói gì?

Người thông dịch đã nói lại với tôi

— Ông nói ông Petit bị thương khi loay hoay với cây súng. Ông ta cũng nói rằng lưỡi lê rơi xuống và không có ai nhặt lên cả.

— Tại sao ông lại có mặt trong đám biểu tình?

— Do một người anh em họ rủ cùng đi đến đó.

— Mục đích của cuộc biểu tình là gì?

— Ông ta nói rằng ngày mồng 1 tháng 5 là một ngày yêu sách trên toàn thế giới.

— Họ than phiền về điều gì?

— Quan lại tham nhũng. Mỗi khi có việc đến cửa quan, người dân phải biếu một hộp trà và để thêm tiền vào hộp trà. Quan bán trà và giữ tiền cho mình. Quan còn đòi  cả vịt và gạo. Quan lại thì quá giàu còn người dân thì phải làm việc cho ông ta.

— Tại sao nhóm biểu tình lại đi về hướng nhà máy Bến Thủy?

— Vì những công nhân còn khốn khổ hơn cả người dân quê.

— Không phải cuộc biểu tình có ý chống đối quan công sứ hay nước Pháp hay sao?

— Ông ta nói rằng trong cuộc biểu tình không được mang cờ, không được la ó.  Họ còn bị cấm không cho đem ngay đến một cây gậy. Và họ được bảo đảm rằng lính khố xanh sẽ không bắn vào họ.

— Ai đã nói cho ông ta điều đó?

— Người anh em họ

— Nhưng ai đã nói cho người anh em họ?

— Ông ta không biết. Ông ta không biết ai cả.

Phan-kau có vẻ kín đáo, nhưng ông không thể thực sự biết ai cả. Người đại diện một đảng phái đã liên lạc với người anh em họ của Phan-Kau và yêu cầu ông ấy rủ rê các bà con và bạn bè. Chính người đại diện đảng cũng chỉ biết người chỉ huy của tổ của mình. Nhưng tổ trưởng cũng không nói tên những người lãnh đạo cao cấp.

— Nhưng đó là đảng nào ?

Các Hội kín

Có rất nhiều hội kín. Có nhiều hội kín ở xứ này. Đó có phải là “đảng Cách mạng Tân Việt”, “Việt Nam Quốc Dân Đảng”, “Thanh niên Cách mạng Đồng Minh Hội”, “Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội” và cuối cùng đảng “Cộng sản Đông dương”?

Đảng cộng sản Đông Dương từ từ thu phục tất cả các đảng trên, ra chỉ thị hướng dẫn tổ chức, phương pháp hoạt động chính trị và giúp phương tiện tài chánh.

Ở đây cũng như ở bên Tàu, đệ tam quốc tế cộng sản kích dộng chủ nghĩa dân tộc châu Á để chống lại “đế quốc Tây phương”.

Nhưng vấn đề này cần được đặc biệt nghiên cứu.

Từ chỗ bất mãn với những việc hà lạm của giới quan lại, giá gạo đắt đỏ, lương bổng không đủ ăn, thuế má gia tăng. Từ đó nảy sinh ra tinh thần độc lập trong những người trẻ, lý tưởng của sinh viên Việt Nam có thể tự do lấy tờ báo cộng sản không phải trả tiền ở một quầy bán báo trên đại lộ Saint-Michel. Những tờ báo này khai thác những tin liên quan đến các trận lụt lội, dịch bệnh và các trận đói.

Ở Bắc Kỳ, gạo không đủ ăn. Một vài bộ xương người, giơ cánh tay gầy guộc trơ xương ăn xin ở các bến sông.

Tôi đã hỏi họ:

— Pourqoi, toi, beaucoup maigre? (Tại sao lại gầy như vậy?)

Họ trả lời tôi.

— Moi, pas manger. (Tôi, không có ăn)

Tuy nhiên, những người trẻ cách mạng này thường là con cái những gia đình trung lưu giầu có mà cha mẹ họ là điền chủ, có những thửa ruộng mênh mông. Họ chở những truyền đơn của những người ở Moscow trên những chiếc limousine nổi tiếng của Pháp.

Cơn sốt ở Đông Dương xem ra khá phức tạp.

Việc chẩn bệnh thật không dễ.

(Còn tiếp)

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập, minh họa và chú thích.

[1] Loạt bài này được in lại thành sách năm 1931 với tựa đề  Việt Nam, Bi kịch Đông Dương (Viêt-nam, La tragédie indochinois), Paris, Librairie Valois, 288 trang. với các tựa chương khác nhau và một số thay đổi nhỏ.
[2] Sept-Pagodes là tên của khu quân sự đầu tiên ở Bắc Kỳ thành lập vào năm 1891, trở thành Móng Cái vào năm 1895. Đây cũng là thị trấn chính của khu vực này. Tên hiện nay là Phả Lại.
[3] Thôn (làng) Nội Viên thuộc xã Lạc Vệ, Huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
[4] Một đồng có 100 xu, trị giá 10 francs. 30 xu trị giá ba francs. (Louis Roubaud)
[5] Cát Ngạn (Nghệ An)?