Ảnh hưởng của Xi Jinping có thể biến Canada thành chó không sủa
Charles Burton | Trà Mi
Có phải Tổng Bí thư ĐCSTH Xi Jinping (Tập Cận Bình) là người hoạch định chính sách hàng đầu của Canada hay không? Đáng buồn thay, đúng như thế.
Bắc Kinh đã bào dũa lại hình tượng Canada theo một cách mà hầu hết người Canada không hoàn toàn cảm kích, và nếu chúng ta không để ý đến ảnh hưởng đang tăng của Tập Cận Bình ở đây thì Canada sẽ rơi vào hiểm họa.
Mỗi năm, Viện Macdonald-Laurier nhìn lại nhân vật hoặc sự kiện hay tổ chức nào có tác động lớn nhất đến chính sách công của liên bang Canada trong 12 tháng qua. Nhân vật hoặc tổ chức đó được đặt tên là “Người Hoạch định Chính sách của Năm” và ảnh của họ luôn luôn được đưa lên trang bìa của tạp chí hàng đầu của Viện, Chính sách Nội bộ (Inside Policy) số cuối năm vào tháng 12. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Tất nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là tác động tích cực nhất, mặc dù một số nhân vật tinh hoa hàng đầu của Canada đã được công nhận, gồm cả Chủ tịch Ủy ban Sự thật và Hòa giải Murray Sinclair, cựu Ngoại trưởng Chrystia Freeland, cựu bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould, cựu Ngoại trưởng John Baird, và cựu thống đốc Ngân hàng Canada Mark Carney. Nhưng những gì chúng ta thực sự đang tìm là một nhân vật có vai trò chi phối gây ảnh hưởng, dù tốt hay xấu, trong việc định hình chính sách của chính phủ về các vấn đề quan trọng nhất đối với người Canada.
Tuy nhiên, năm nay, với một cuộc vận động bầu cử chẳng làm vừa lòng ai và đầy sự bôi nhọ lẫn nhau là đỉnh điểm của một năm đáng tiếc cho người hâm mộ những nhân vật lãnh đạo chính trị hoặc chính sách có viễn kiến. Chúng tôi nhận ra rằng người đã làm nhiều nhất để định hình lại chính sách công ở Canada lại không phải là một người Canada. Thật vậy, về câu hỏi ai đã làm nhiều nhất để định hình lại các chính sách của chính phủ, chỉ có tên của một nhân vật thực sự xuất hiện – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) Tập Cận Bình, mặc dù tác động của ông đối với chính sách công rõ ràng không phải vì lợi ích tốt nhất cho người dân Canada.
Tập Cận Bình đã buộc Canada phải có nhiều chính sách để đối phó hơn bất kỳ nhân vật lãnh đạo nước ngoài nào, kể cả Tổng thống Mỹ. Sau đây là phần trình bầy của chúng tôi cho độc giả thấy những gì chúng tôi nghĩ đã bị ông Xi gây ảnh hưởng quá độ đến chính sách ở Canada.
Mạnh Vãn Chu và nền pháp trị
Sau khi Canada bắt giữ một cách hợp pháp một giám đốc điều hành Meng Wanzhou của Huawei (Hoa Vi), đang đợi qua tiến trình ở pháp đình để xác định tư cách dẫn độ sang Hoa Kỳ của bà ấy để ra tòa trả lời những những cáo buộc gian lận nghiêm trọng ở Mỹ, chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã chọn theo đuổi một phản ứng ngoại giao hung hăng, không cân xứng và bất hợp pháp – một điều đang khiến Canada phải thỏa hiệp với cam kết của chúng ta đối với trật tự quốc tế dựa trên nền pháp trị.
PRC đã bắt giữ hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor viện cớ là họ ăn cắp bí mật nhà nước Trung Hoa, trong khi thực tế, đó rõ ràng là chỉ là sự trả thù cho việc Canada bắt giữ Mạnh Vãn Chu. Đáng chú ý, Canada đã không có phản ứng nào có ý nghĩa đối với hành động phi pháp của PRC (cả hai công dân Caanada đều không được gặp luật sư và không có cáo buộc chính thức nào đối với họ), và bị đối xử bất công không một lời giải thích. Kovrig là một chuyên gia ngoại giao Canada, tạm ngưng công tác để làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, và ông ta đã bị thẩm vấn về các vấn đề nhạy cảm liên quan đến vai trò của ông trước đây tại tòa Đại sứ Canada tại Trung Hoa; hành động của PRC đã thô bạo vi phạm Công ước Vienna năm 1961 về Quan hệ ngoại giao.
Không hài lòng với chính sách ngoại giao bắt con tin, Xi cũng dần dần đẩy mạnh những chiến thuật cưỡng chế của PRC chống lại Canada – từ việc xét lại trường hợp của công dân Canada Robert Schellenberg dẫn đến việc ông ta bị kết án tử hình về tội liên quan đến ma túy, áp dụng các hàng rào phi thuế quan vô lý về nông sản xuất cảng của Canada sang Trung Hoa. Điều này đã khiến cho giới sản xuất đậu nành và cải dầu Canada cũng như giới xuất cảng thịt bò và thịt heo Canada mất hàng tỷ đô la. PRC còn đe dọa sẽ đưa ra nhiều biện pháp trả đũa khác.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp Canada và các chính khách đã nghỉ hưu – gồm cả những ngôi sao sáng như Olivier Desmarais của Power Corporation và những nhân vật từng lãnh đạo chính trị cao cấp như John McCallum, John Manley, Jean Chrétien và Brian Mulroney – đã vận động để chính phủ Canada thể hiện sự kiềm chế, và ngay cả còn đề nghị bãi bỏ tiến trình dẫn độ Mạnh Vãn Chu hiện đang được Tối cao Pháp viện BC cứu xét. Khi làm như vậy, họ cổ xúy cho sự sai lầm hiển nhiên, đánh đồng về mặt đạo đức giữa những hành động của một Trung Cộng của Tập Cận Bình với một Canada tôn trọng nền pháp trị, được minh chứng bằng lời cầu xin gần đây của Manley về một cuộc “trao đổi tù nhân” giữa Mạnh Vãn Chu lấy Kovrig và Spavor, bất chấp sự bắt giữ và đối xử hoàn toàn hợp pháp của Canada đối với Mạnh Vãn Chu so với những vụ bắt giam hoàn toàn bất hợp pháp và đối xử tàn bạo của Trung Cộng đồi với với Spavor và Kovrig.
Nếu những quan điểm này có ảnh hưởng – và chắc chắn chúng có ảnh hưởng với một thành phần nhất định của giai cấp chính trị của chúng ta – Canada sẽ liên tục khóc lóc thê thảm trước áp lực không chính đáng của Cộng sản Trung Hoa, từ bỏ nguyên tắc không can thiệp chính trị vào những tiến trình tư pháp để được PRC ngưng bắt nạt chúng ta. Tệ hơn nữa, nó sẽ cho thấy sự tê liệt chính sách của Canada đã ngầm cho phép Trung Hoa phá vỡ những quy tắc và định chế toàn cầu được thiết lập để bảo đảm sự công bằng và có đi có lại giữa các quốc gia trên thế giới. Sự thành công của Xi trong việc làm sai lệch tiến trình hoạch định chính sách của Canada sẽ chỉ làm Trung Hoa tiếp tục hành động táo tợn cưỡng ép Canada hơn nữa.
Đồng lõa trong im lặng
Trở lại năm 2018, MLI đã công nhận đúng Ngoại trưởng Ngoại giao Freeland là Nhà hoạch định chính sách của Năm, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của bà trong việc thúc đẩy lợi ích và giá trị của Canada ở nước ngoài, bảo vệ nhân quyền và giúp củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của Freeland, Canada đã đi đầu trong việc đứng lên chống lại những kẻ vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới – từ vai trò lãnh đạo trong Nhóm Lima chống lại chế độ Maduro ở Venezuela đên việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Magnitsky đối với các quan chức của Nga, Venezuela và thậm chí cả Ả Rập Saudi sau vụ thủ tiêu nhà báo Jamal Khashoggi một cách khủng khiếp.
Tuy nhiên, ngược lại, các nhân vật hoạch định chính sách Canada thuộc tất cả các khuynh hướng lại cực kỳ dễ tính thay vì lên tiếng chỉ trích khi nói đến hồ sơ nhân quyền ghê tởm của Trung Hoa và nhiều chính sách đàn áp, chẳng hạn như bắt bỏ tù hàng loạt và diệt chủng văn hóa của người Uyghur và người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương, đàn áp chính trị và tôn giáo đối với người Tây Tạng, tùy tiện bắt giữ luật sư bênh vực những người bất đồng chính kiến và các nhóm thiểu số tôn giáo bị áp bức, thiếu trách nhiệm đối với cử tri của giới lãnh đạo chính trị các cấp, và một hệ thống tư pháp bị chính trị của Đảng Cộng sản và ủy ban pháp luật thao túng và luật sư chỉ là công cụ.
Chắc chắn, đã có những góp ý về một cách đối phó cứng rắn hơn khi nói đến việc vi phạm nhân quyền của Trung Hoa, chẳng hạn như Canada dẫn đầu một cuộc vận động viết thư với các nước đồng minh chỉ trích công khai việc PRC đoàng loạt bắt giiam hàng triệu người ở Tân Cương. Nhưng chỉ một vài lá thư ái ngại của một chính phủ đã đấu tranh chống kỳ thị Hồi giáo trong và ngoài nước là một chính sách quan trọng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng đến chính sách của Xi ở Canada thường rất tinh vi và gián tiếp, thường được minh chứng bằng sự im lặng của Ottawa về các vấn đề mà chính phủ Canada đáng lý phải lớn tiếng phản đối. Người ta thường phát giác ra ảnh hưởng của Xi khi thấy con chó chính sách của Ottawa không sủa để trả lời sự khiêu khích của Hoa lục.
Im lặng hoàn toàn hoặc chỉ đưa ra những lời chỉ trích chiếu lệ nhất, là việc làm quá dễ. Bình luận của Chrystia Freeland về Hong Kong, chỉ thúc giục tất cả mọi phía phải kiềm chế thay vì công khai lên án Trung Hoa đã có những hành động ngày càng tàn bạo và nặng tay, là một ví dụ rõ ràng của một lời chỉ trích cho có lệ. Một ví dụ khác là người tiền nhiệm của bà, Stéphane Dion, với những bình luận nhẹ nhàng không kém khi Tòa án quốc tế ở The Hague đưa ra lời khiển trách nghiêm khắc đối với các yêu sách và việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Hoa, cựu ngoại trưởng Dion lúc đó chỉ đơn giản thúc giục tất cả các bên tuân thủ phán quyết của Tòa án Quốc tế. Đừng quên rằng Canada là một quốc gia đã tự hào ký kết Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, trong công thức đó chúng ta đóng vai trò quan trọng, và thông thường Canada là một quốc gia nhất quyết bảo vệ nền pháp trị, như chúng ta đã phản ứng mãnh liệt với việc Nga bất hợp pháp sáp nhập Crimea và cuộc xâm lược tiệm tiến của Putin vào miền đông Ukraine.
Không làm cùn quyền lực sắc bén của Trung Hoa
Để hiểu được tại sao lại có sự thiên vị như vậy, chúng ta cần nhìn và sự ràng buộc tinh vi của PRC đối với giới hoạch định chính trị và kinh doanh Canada. Trung Hoa đã xây dựng mạng lưới này từ nhiều năm qua, nhưng Xi đã nâng cấp một cách đáng kể khả năng của Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất của đảng CSTH nhằm áp dụng những “quyền lực sắc bén” trong cuộc vận động gây ảnh hưởng trên khắp thế giới. Và, theo học giả người Úc Clive Hamilton, những chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Hoa đã thành công hơn ở Canada so với các nền dân chủ khác, như tại Úc và New Zealand. Hamilton nói thêm,
“Đúng, Úc phụ thuộc kinh tế vào Trung Hoa nhiều hơn – về mặt thuơng mại.Nhưng khi tôi quan sát về độ ảnh hưởng tinh vi nhưng mãnh liệt của Trung Hoa đối với những định chế của Canada – từ nghị viện, chính quyền tiểu bang, chính quyền địa phương, trường đại học, cộng đồng trí thức, cộng đồng chính sách – nó làm tôi lo đến chết người. Tôi cũng đã mất tinh thần vì sự mặt dầy mày dạn của những người bạn của Đảng Cộng sản Trung Hoa và các hoạt động của họ [ở Canada].
Tuy nhiên, không giống như, Úc, những nỗ lực bảo vệ công dân và cư dân của Canada khỏi bị áp lực và sự can thiệp bất chính của gián điệp của nhà nước Trung Hoa hết sức giống như những con ốc sên. Thật vậy, Canada thậm chí chưa công khai thừa nhận rằng vấn đề như vậy đang hiện hữu.
Phần lớn quyền lực sắc bén của Xi đang trói giữ giới hoạch định chính sách Canada có thể được quy cho sức mạnh của đồng tiền. Thị trường khổng lồ của Trung Hoa đã và đang là vận may cho một số nhà sản xuất nông phẩm lớn của Canada, giới xuất cảng khoáng sản và những công ty đã chuyển xưởng sản xuất sang Trung Hoa vì giá lao động thấp hơn, cùng tiêu chuẩn lao động và môi trường lỏng lẻo ở đó. Họ nhận tin nhắn từ các đối tác ở những công ty quốc doanh của Trung Hoa và qua Tòa Đại sứ Trung Hoa tại Ottawa: Trung Hoa sẽ báo thù nếu bị khiêu khích. Kết quả là, dường như Canada đơn giản đặt sang một bên những quan tâm về quyền con người, gián điệp mạng, và sự quấy rối và đe dọa người Tây Tạng và người Uyghur của chính quyền cộng sản Trung Hoa.
Thật đáng chú ý về việc Trung Hoa đã làm thế nào để thể lách xa, luồn sâu vào xã hội Canada – dù chúng ta đang nói về các doanh nghiệp, khuôn viên các trường đại học và trường dậy nghề tại Canada, các nhóm và hội người di cư, và các chính khách của tất cả phe phái chính trị và các cấp trong chính phủ – và rất ít khi gặp phải phản ứng bất lợi của công chúng.
Hiển nhiên điều này tương phản rõ rệt với thái độ của Ottawa đối với Hoa Kỳ. Đây là một chủ đề lâu đời trong chính trị Canada, than vãn về những ảnh hưởng và sự thống trị không đáng có của nước láng giềng phương nam của chúng ta, và thậm chí đã phê chuẩn luật pháp để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ về mặt văn hóa và các trong lĩnh vực khác. Nói một cách đơn giản, chúng ta sẽ không bao giờ dung thứ bất kỳ ảnh hưởng nước ngoài từ Hoa Kỳ hoặc các quốc gia khác, nhưng khi nói đến Trung Hoa, chúng không dám mở miệng nói một lời. Chắc chắn, ít nhất một phần, lời giải thích cho thái độ này là trong khi chúng ta phụ thuộc nhiều vào Mỹ hơn Trung Hoa, chúng ta biết rằng Mỹ sẽ không bắt cóc công dân của chúng ta và Mỹ tôn trọng và chia sẻ cam kết của chúng ta đối với nền pháp trị. Chúng ta giữ im lặng vì chúng ta sợ Trung Hoa trả thù và phản ứng vô pháp luật.
Mọi hy vọng rằng chế độ Tập Cận Bình sẽ tiếp tục cho phép chúng ta buôn bán ở thị trường Trung Hoa nếu chúng ta cả gan không làm vừa lòng ông ta, chắc chắn đã bị phản ứng gay gắt và không cân xứng của Bắc Kinh nghiền nát, trước quyết định của Canada, bắt giữ Hồng quân tinh hoa Mạnh Vãn Chu của họ. Tương tự, thái độ “rụt rè và hèn nhát” của Canada đối với cuộc biểu tình ở Hong Kong, dù hiện có 300.000 người Canada đang sống trong lãnh thổ đó, cho thấy một thái độ như vậy. Canada tương đối im lặng khi nói đến việc Bắc Kinh lảng xa Đài Loan dân chủ ở các diễn đàn quốc tế.
Associated Press: Người biểu tình làm một dấu hiệu “Giải phóng HK” tại một cuộc xuống đường ở Hong Kong, thứ Năm, ngày 12 tháng 12 năm 2019. Người biểu tình ở Hong Kong đã viết hàng trăm thiệp Giáng sinh cho những người bị bắt giam trong phong trào dân chủ của thành phố.
Đầu tư của Trung Hoa
Trung Hoa cũng cho thấy sự khao khát đáng kể khi họ từ từ tích lũy cổ phần trong các ngành kỹ nghệ chiến lược có giá trị ở Canada – từ tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng đến kỹ thuật tiên tiến. Đôi khi những nỗ lực đó bị chặn, chẳng hạn như khi công ty quốc doanh CCCI của Trung Hoa cố gắng mua lại công ty xây dựng khổng lồ Aecon của Canada; nếu được vậy họ đã có thể truy cập dữ liệu về cơ sở hạ tầng quan trọng, như nhà máy điện hạch tâm. Nhưng, thường hơn không, những vụ Trung Hoa mua lại những công ty lớn đã thành công, chẳng hạn như Công ty Dầu khí Hải dương Trung Hoa, Tập đoàn (CNOOC’s) đã tiếp quản công ty dầu khí Nexen của Canada năm 2013.
Trong cả hai trường hợp, những nỗ lực hung hăng của Trung Hoa để giành cổ phần trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế của chúng ta đã dẫn đến cuộc tranh luận đáng kể về việc đánh giá đúng đắn về vốn đầu tư nước ngoài nhưng đáng chú ý là không có chính sách toàn diện nào được thiết lập để bảo vệ các công ty Canada tránh khỏi hành vi săn mồi của những công ty Trung Hoa không chỉ đơn giản là những người đầu tư bình thường ở thị trường mà là đại lý tích cực vì lợi ích của ông Tập và nhà nước công an độc đoán của ông ta. Một con chó chính sách khác của Canada đã không sủa báo động khi Trung Hoa nhẩy rào lấn sân.
Thích hợp với một quốc gia có sự phát triển kinh tế và kỹ thuật dựa vào sự phát triển phổ biến của sự đổi mới kỹ thuật phương Tây, một ưu tiên đặc biệt của Trung Hoa thời Tập Cận Bình là nới lỏng các hạn chế trong xuất cảng kỹ thuật tiên tiến với các ứng dụng chiến lược hoặc quân sự. Vào năm 2015, chính phủ đảng Tự do đã cho phép O-Net Communications của Trung Hoa mua lại ITF Technologies có trụ sở tại Montreal; kỹ thuật của ITF Technologies có các ứng dụng cho một thế hệ vũ khí năng lượng định hướng mới (laser, vi ba, tia hạt). Gây tranh cãi không kém là việc bán Norsat International cho hãng Truyền thông Hytera của Trung Hoa vào năm 2017. Norsat, cần lưu ý, đã phát triển các hệ thống liên lạc vệ tinh mà quân đội Hoa Kỳ và Đài Loan đang sử dụng, dẫn đến một sự trách móc hiếm thấy của Ngũ Giác Đài nói rằng họ sẽ xét các thỏa thuận của họ với Norsat International có trụ sở tại Vancouver.
Bây giờ chúng ta phải đối phó với triển vọng Ottawa bị áp lực có thể gây nguy hại đến việc bảo mật dữ liệu và viễn thông của chúng ta. Là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia cho Thủ tướng và thành viên của Hội đồng Tư vấn MLI, Richard Fadden đã nói rõ ràng, nguy hại về an ninh khi cho phép thiết bị của Huawei cài đặt vào mạng 5G của chúng ta không nên bị đánh giá thấp, ngay cả khi đi kèm với việc giám sát của Cơ sở An ninh Truyền thông của Canada về việc cài đặt cho bất kỳ kết nối ẩn nào để thu thập thông tin tình báo cho Trung Hoa. Sau khi đã cài đặt thiết bị của Huawei, bất kỳ cam kết nào của Trung Hoa cho phép giám sát các hệ thống Huawei của Canada – để ngăn chặn chúng ăn cắp dữ liệu hoặc đe dọa cơ sở hạ tầng quan trọng – có thể sẽ bị thu hồi. Và lúc đó chúng ta không có thể làm gì được nữa.
Nếu Huawei cuối cùng được phép cung cấp thiết bị cho mạng 5G của Canada, thì đó có thể là thành công lớn nhất của Tập Cận Bình trong việc định hình chính sách quốc tế của Canada. Nó gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy yếu đáng kể về sự tham gia của Canada vào mối quan hệ đối tác chia sẻ thông tin tình báo với Five Eyes do Hoa Kỳ lãnh đạo. Đây sẽ là một bước tiến lớn cho tham vọng địa chiến lược tổng thể của PRC, làm suy yếu liên minh phương Tây mà Canada cho đến nay vẫn là một thành viên bền vững và khiến Canada thậm chí còn dễ bị ảnh hưởng tiêu cực trước những hoạt động giấu diếm, thối nát, cưỡng bức do gián điệp Trung Hoa gây ra.
“Cộng đồng chung số phận” là gì?
Chiến lược tuyên truyền của Mặt trận Thống nhất của ĐCSTH là cổ động cho ý kiến cho rằng Trung Hoa trỗi dậy, lên hàng thống trị toàn cầu việc đã định trước và không thể tránh khỏi. Vì vậy, để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế của mình, Canada phải điều chỉnh chính sách trước “thực tế” là Hoa Kỳ đang suy tàn và sẽ tiếp tục tuột dốc cho đến khi Trung Hoa tiến lên vị trí mới là bá chủ toàn cầu. Viễn cảnh này sau đó được củng cố bằng nỗ lực vận động hành lang của các tập đoàn lớn của Canada đang đan xen trong mạng lưới kinh doanh của Trung Hoa. Những think tank lớn của Canada dính dáng đến những nguồn tài trợ của Trung Hoa đang viết những phúc trình khẳng định luận điệu này.
Thông điệp là Canada không có lựa chọn nào khác ngoài việc thỏa hiệp dựa trên học thuyết “nếu không thể đánh bại họ, hãy tham gia với họ.” Sau khi đã nghỉ hưu, giới chính khách và công chức chính phủ Canada được chính quyền Cộng sản Trung Hoa coi là người hợp tác và đưa họ vào các Hội đồng quản trị đầy lợi lộc, liên kết với những tổ hợp luật đại diện cho doanh nghiệp Trung Hoa, và đưa những người mới vào vòng trong của “những người bạn của Trung Hoa”, vì đó là những người được PRC ban thưởng và cho ăn những bữa tiệc thịnh soạn.
Dựa trên sự khẳng định rằng sự trỗi dậy của Trung Hoa trên thế giới về căn bản là vô hạn, ông Tập đã đưa ra viến cảnh tương lai của các mối quan hệ quốc tế như một “cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại” [Nghe hao hao như học thuyết cũ về một “Thế giới Đại đồng. – TM]. Học thuyết này ngụ ý cho rằng một trật tự thế giới dựa trên các định chế hiện có như Liên Hiệp Quốc và WTO dần dần trở thành vô nghĩa [Quan điểm này không khác những tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ hiện nay. – TM], được thay thế bằng một trật tự toàn cầu mới theo định hướng của Trung Hoa. Một ví dụ là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Hoa lãnh đạo, có thể có ngoại hình và cấu trúc tương tự như một tổ chức Bretton Woods nhưng thiếu nhiều biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội sau này. Điều quan trọng, cấu trúc quản trị AIIB, gồm sự thống trị của Trung Hoa, cả về cổ phần biểu quyết và khả năng đề cử chủ tịch ngân hàng đây quyền lực.
Đáng nói hơn nữa là Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (BRI) của PRC, một chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ để kết nối Trung Hoa với Eurasia bằng mạng lưới xa lộ tốc độ cao, đường sắt, đường ống và liên kết kỹ thuật số (con đường) và mạng lưới các cơ sở cảng rộng lớn hơn từ Biển Đông, Ấn Độ Dương, đến Kênh đào Suez và Địa Trung Hải (vành đai). Không giống như AIIB, BRI vẫn chưa được thể chế hóa và phần lớn dựa trên mạng lưới những thỏa thuận cơ sở hạ tầng song phương (với Trung Hoa) trên toàn cầu, trong đó quy mô và sức mạnh của Trung Hoa mang lại cho nó những lợi thế quan trọng.
Tuyên bố về sự thống trị toàn cầu không thể tránh khỏi của ông Xi đã nhanh chóng được một số bình luận gia Canada chấp nhận một cách đáng báo động. Chúng ta nghe nói rằng sự trỗi dậy của Trung Hoa đang bẻ cong vòng cung của lịch sử, vì vậy Canada
“phải điều chỉnh nhanh chóng với thay đổi thực tế địa chính trị được cho là sâu sắc hơn bất cứ điều gì kể từ khi Hoa Kỳ trỗi dậy thách thức sự thống trị của Đế quốc Anh vào cuối thế kỷ 19.”
Luận điệu này chắc chắn không dựa vào sự so sánh lịch sử xác đáng, nhưng cho thấy sự mặc nhận của Canada trước những yêu sách của Xi rằng Canada ủng hộ tham vọng toàn cầu của Trung Hoa – bằng cách tham gia AIIB và BRI.
Tuy nhiên, Trung Hoa chỉ chiếm 4,7% hàng xuất cảng của Canada với 75,1% xuất cảng của chúng ta sang Hoa Kỳ. Trong khi GDP của Trung Hoa xếp hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, thì Liên Hiêp Quốc xếp GDP bình quân đầu người của Trung Hoa đứng thứ 75 trên thế giới, sau Kazakhstan và chỉ trước Cuba; so sánh, Canada đứng hàng thứ 19, dưới Hong Kong, Phần Lan và Đức. Sự trỗi dậy của Trung Hoa không nhất thiết là một hành trình một chiều. Nó phải chiến đấu với nhiều yếu tố đối kháng. Vì vậy, viễn cảnh Canada phải đáp ứng một trật tự toàn cầu mới mà PRC với ưu thế áp đảo xếp đặt chương trình nghị sự không phải là điều không thể tránh được.
Trong khi dư luận Canada ngày càng cảnh giác với sự tăng cường cam kết với Trung Hoa, chính phủ tiếp tục coi việc thúc đẩy quan hệ với Trung Hoa là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Canada. Ví dụ, trong một bài phát biểu chính về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Trudeau đã chỉ ra mối quan hệ sâu sắc kết nối người Canada và người dân Trung Hoa và nhấn mạnh những “cơ hội kinh tế cho người Canada”. Tất nhiên, ông cũng nhắc lại quan niệm cho rằng “Trung Hoa có một hệ thống chính trị và giá trị cốt lõi khác với hệ thống và giá trị của chúng ta.”
Tuy nhiên, những lời lẽ như vậy chỉ củng cố ý kiến cho rằng các “giá trị của Trung Hoa” mâu thuẫn với các “giá trị phương Tây”, đã được Trung Hoa tuyên truyền trong nhiều năm, trong khi bác bỏ một cách rõ ràng tất cả các diễn ngôn về các “giá trị phổ quát” được gói gọn trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (mà phần lớn do Canada viết) và các công ước liên hệ. Về gốc rễ, tuyên bố “các giá trị cốt lõi khác với của chúng ta” là một sự biện minh được Trung Hoa khuyến khích đối với các quốc gia như Canada để thông cảm được với nhiều chính sách đàn áp của của Trung Hoa.
Kết luận
Trung Hoa hy vọng sẽ thấy liên minh giữa Canada với Hoa Kỳ và các đồng minh ở Đông Á – nổi bật nhất là Đài Loan và Nhật Bản – ngày càng suy yếu. Những gì Trung Hoa đang theo đuổi là một trò chơi tổng cộng bằng không về quyền lực chính trị không bị cản trở. Tuy nhiên, các đồng minh Canada đang ngày càng nhận thức được bản chất của chế độ PRC và tham vọng địa chiến lược của nó. Qua việc ban hành luật pháp và các quy định xác định rõ ràng và xử phạt hành vi sai trái và ứng xử ngang ngược của PRC, các đồng minh của chúng ta tìm cách trao quyền cho các nhân tố thay đổi tiến bộ ở Trung Hoa để cổ động cho sự tuân thủ tù con chữ đến ý nghĩa của các định chế quốc tế đã thiết lập để bảo đảm cho sự công bằng về chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, ngược lại, Canada đang tụt hậu trong nỗ lực này. Các chính sách của ông Xi, đã làm suy yếu sức sống quốc gia của chúng ta và loại bỏ yếu tính quốc gia của Canada dựa trên cam kết với các giá trị sáng lập làm cho Canada trở thành một xã hội hài hòa và khoan dung mà chúng ta mong muốn: tử tế, công bằng, có đi có lại, lương thiện và cởi mở.
Không quá muộn để Canada cương quyết đưung vững trước Trung Hoa. Như đã nói trên, đã có những gợi ý về cách ửng xử mạnh hơn, thẳng thắn hơn đối với Trung Hoa, như việc chúng tai sẵn sàng sát cánh với các đồng minh trong việc chỉ trích Trung Hoa đàn áp người ở Tân Cương. Điều tương tự cũng có thể nói về việc chúng ta sẵn sàng tham gia cùng các đồng minh trong việc đưa tàu chiến hải quân đến Biển Đông và Eo biển Đài Loan, mặc dù quyết tâm đó gần như chắc chắn bị áp lực từ các đồng minh của chúng ta nhiều hơn là do sự đánh giá chiến lược trung thực của chúng ta đối với Trung Hoa của Tập Cận Bình.
Các đồng minh Canada ở đang ngày càng thấy rõ bộ mặt thật của chế độ Xi là gì. Đã đến lúc Canada phải làm như vậy. Không làm như vậy sẽ mang lại hậu quả sâu rộng. Trừ khi Chính phủ Canada sớm suy nghĩ lại và tái lập cách ứng xử quốc gia của chúng ta đối với Trung Hoa, có nhiều khả năng Tập Cận Bình sẽ là Nhà hoạch định chính sách của Canada trong nhiều năm tới.
Tác giả Charles Burton là một viện sĩ hàng đầu tại Viện Macdonald-Laurier (Think tank MLI) đồng thời là Phó giáo sư ở Đại học Brock. Ông là cựu cố vấn tại tòa Đại sứ Canada ở Bắc Kinh.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Mli’s Policy-Maker of The Year: Xi Jinping | Charles Burton | MLI | Dec 12, 2019.