Thích Trí Quang, ông là ai? (2/2)
Nguyễn Văn Lục
chân thành cảm tạ từ ông TBT đảng cộng sản Lê Duẩn đến các ông Trần Bạch Đằng, ông Xuân Thủy cho đến cụ TBT đương nhiệm, nhờ các đồng chí mà ông Thích Trí Quang đã chịu ngồi im lặng từ 44 năm nay.
Thích Trí Quang: Ông là ai? Một nhà tu đạo hạnh hay một kẻ vĩ cuồng tôn giáo?
Tiếp thep p 1/2
Vụ Đặng Sỹ ra tòa trước tòa án Cách Mạng
Trước ngày Đặng Sỹ[2] ra tòa một tuần, tờ Lập Trường đã có nhiều bài viết nhằm cổ vũ cho việc tử hình Đặng Sỹ một cách cuồng nhiệt. Trong bài “Đặng Sỹ ra tòa tại Saigon”, tờ Lập Trường ghi:
“Đồng bào Huế và Trung Việt nghĩ sao? Đặng Sỹ ra tòa tại Saigon. Đối với dư luận xứ Huế: vụ thảm sát tại đài phát thanh chỉ là bước cuối cùng của cả một chương trình tận diệt tôn giáo. Dân chúng đã quá biết điều đó rồi. Trước ngày xử Ngô Đình Cẩn, tất cả các báo Sài gòn đều viết rằng nhân dân đã xử ông Cẩn trước khi tòa án xử. Đối với Đặng Sỹ cũng vậy, nhân dân đã xử rồi chứ đâu có chờ đến tòa án Cách mạng.
Vì thế, Đặng Sỹ trước mặt người dân xứ Huế đương nhiên là một tội phạm. Rõ ràng như thế, mang xe tăng đến trước đài phát thanh, rồi ùm ùm, súng nổ, lựu đạn nổ rầm trời. 8 mạng trẻ con chết thê thảm? Mọi người đêm đó đều trông thấy. Chối cãi đi đằng nào?”
Tuần báo Lập Trường, Thứ bảy 30 tháng 5, 1964
Đọc trích đoạn trên, người ta có cảm tưởng đây là một vụ án trong Cải cách ruộng đất ngoài Việt Minh. Nhân dân đã xử rồi trước khi tòa án xét xử. Tội đã rành rành, mọi người đều chứng kiến, chối tội đằng nào được?
Một phóng viên trong số báo Lập Trường ở trên viết
“Chúng tôi không muốn dành quyền phán xét cuả tòa án như một hai tờ báo ớ Saigòn đã làm, vì vậy chúng tôi không muốn bắt chước họ nêu tên nêu tuổi chánh phạm ở đây. Tên tuổi đó không phai mờ trong lòng dân chúng Huế được đâu? Không bao giờ.
“Cuối cùng chính quyền nghiêng về giải pháp đem Đặng Sỹ về Saigon xử. Chỉ tiếc một điều là Tòa án Cách mạng không xử Đặng Sỹ tại Huế, là nơi Đặng Sỹ phạm tội, để đồng bào, những người đã nhìn thấy sự thật trước mắt, sự thật ngày hôm nay vẫn còn hiển hiện trước mắt, tự mình lắng tai nghe thử những người xử án, nhân chứng và bị cáo nói gì trước tòa án về những việc đã xảy ra.
Cho nên, thật ra không phải người ta sợ hắn chết mà người ta chỉ sợ hắn không chịu im lặng để chết mà thôi. Chứ thử nghĩ nếu ra giữa tòa mà hắn cà rịch cà tàng khai hết những thượng lệnh mà hắn đã nhận để thi hành thì có tọa họa nó ra hết không. Người ta đang la làng lên là vì rứa. Nếu phải chết, tội chi mà y chết một mình, y sẽ khai tùm lum ra hết. Nếu không thì phải tìm cách cho y đừng nói. Chú học lịch sử còn nhớ vụ Nuremberg không? Biết bao nhiêu tội phạm chiến tranh tự tử trong ngục trước khi bị đem ra xử. Mình lo cho Đặng Sỹ là vì rứa.”
Tuần báo Lập Trường, tháng 6-6-64
Vì thế, cũng theo tờ Lập Trường, việc xử Đặng Sỹ làm nhiều người thất vọng đến dộ nghĩ rằng,
“Trước hiểm họa cộng sản, trước viễn tượng cách mạng sụp đổ, lòng tin sụp đổ, những chữ của chúng tôi đang chứa đầy tủi nhục của nhân dân xứ Huế, của những người đã vùng dậy làm cách mạng từ ngay sau đêm thảm sát đài phát thanh Huế, để rồi ngày nay thấy mình bị phản bội.”
Tuần báo Lập Trường số ngày 6-6-64
Đoạn văn trích dẫn trên tiết lộ cho thấy sự căm thù ngút trời của giới Phật tử của thầy Trí Quang chỉ mong cái chết của Đặng Sỹ[3] giống như cái chết của Phan Quang Đông, của Ngô Đình Cẩn. Họ thất vọng khi biết Đặng Sỹ chỉ bị án tù chung thân và họ bầy tỏ sự thất vọng và cho rằng họ đã bị phản bội! Gớm thay cho lòng căm thù của người dân xứ Huế!
Phần TT Trí Quang lúc ấy đang ở Sàigon làm nhiều người ngạc nhiên về lời tuyên bố của ông. Ông đã xin khoan hồng cho Đặng Sỹ và đánh điện ra Huế mà nội dung như sau: “chúng ta khoan hồng chủ trương khoa hồng cho ông ấy thì không cần quan tâm đến những chi tiết khác làm gì.”
Chúng ta cần ghi nhận là lá thư của TT Trí Quang gửi cho tòa án xin khoan hồng cho Đặng Sỹ được gửi đến tòa án trước khi tòa xét xử. (Tòa án bắt đầu xét xử từ 9 giờ sáng ngày 2-6.)
Theo tôi, TT Trí Quang chẳng tử tế gì với Đặng Sỹ, vậy lý do gì ông xin khoan hồng?
Được biết rằng ngay từ 14-5-1964, TGM Nguyễn văn Bình đã gửi một lá thư viết bằng tiếng Pháp hơn nửa tháng trước, và sự can thiệp của TGM Bình như một lời cảnh cáo chính quyền. Trích dịch một trích đoạn lá thư.
Kính gửi Quốc Trưởng
Kính gửi Thủ Tướng chính phủ
Kính gửi chủ tịch Ủy ban Cách mạng quân sự..
(…) Về những gì liên quan đặc biệt đến Khối công giáo, nhiều người trong bọn họ kể từ sau 1-11-63 đã bị kết tội và đối xử một cách bất công. Nhiều công chức cũng như quân nhân công giáo là nạn nhân của những biện pháp hoàn toàn không có bằng cớ. Nhiều người đã bị giam giữ chỉ vì lý do họ là người công giáo.
Nếu cho đến nay, chúng tôi đã chịu đựng một cách thầm lặng tất cả những sự xỉ nhục và bất công, chỉ vì một lý do duy nhất là chúng tôi muốn tránh để giữ được tình đoàn kết Quốc gia rất cần thiết trong việc chống lại cộng sản. Mặt khác, chúng tôi hoàn toàn ý thức được tính cách cực kỳ khó khăn và tế nhị của chính quyền trong hoàn cảnh hiện nay. Và chúng tôi chờ đợi ở nơi chính quyền những biện pháp mạnh mẽ và công bằng.
Trong lúc này, nếu chúng tôi cứ tiếp tục giữ sự im lặng thì sẽ là một thiếu xót nặng nề với bổn phận đối với đất nước.
Trong trường hợp Đặng Sỹ, mọi người đều thấy rằng, người ta không muốn xét xử Đặng Sỹ trên bình diện pháp lý, mà xét xử trên bình diện chính trị và tôn giáo.
Bằng cớ chứng minh là từ hơn một tháng nay, có một chiến dịch khích động quần chúng bởi những phim ảnh, đài phát thanh, báo chí, đòi hỏi một bản án tử hình cho Đặng Sỹ, bằng cách gây hận thù trong đám dân chúng cũng như ngay áp lực lên phía tòa án Cách Mạng.
Trước ngày mồng 8-5-1963, chính quyền hầu như chỉ biết Thiếu tá Đặng Sỹ, như một sỹ quan quân đội của VNCH, đã ba lần bị thương và 7 lần được vinh danh công trạng vì đã chiến đấu dũng cảm chống lại cộng sản và bảo vệ tổ quốc.
Sự việc muốn xét xử Đặng Sỹ là một điều bất công hiển nhiên.
Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Quốc Trưởng, Thủ tướng chính phủ, ông Chủ tịch Ủy Ban Cách Mạng quân sự xét lại trường hợp Đặng Sỹ theo sự thật và công lý. Mà nếu không được như thế thì chúng tôi và những người công giáo, chúng tôi cảm thấy có bổn phận tranh đấu bằng mọi giá cho sự thật và lẽ công bằng. Trước ngày 1-11-1963, chúng tôi có dịp bày tỏ cho chính quyền lập trường của chúng tôi. Ngày hôm nay chúng tôi cũng làm như vậy.
Nguyễn Văn Bình. Tổng Giám Mục Saìgon. Đại diện cho giáo quyền Việt Nam.
Nguyễn Văn Trung. tư liệu/phóng ảnh
Sau lá thư của TGM Nguyễn văn Bình, các Giám mục kêu gọi giáo dân bình tĩnh. Tránh hành dộng nóng nảy.
Lần đầu tiên trong đời, Trí Quang lùi một bước. Nhưng giả đó nhân nghĩa xin khoan hồng cho Đặng Sỹ trước áp lực nặng nề của phía Thiên Chúa giáo qua lá thư của TGM Nguyễn văn Bình. Không có lá thư này thì số phận Đặng Sỹ sẽ không khác gì Phan Quang Đông và Ngô Đình Cẩn.
Báo Chính Luận cũng đưa tin:
“ Ngày 14 tháng năm, tại Tòa TGM Saìgon, tất cả các giám mục Việt Nam đã mở một phiên họp bất thường. Theo như chỗ chúng tôi biết, chương trình Hội Nghị gồm nhiều điểm quan trọng, liên quan đến bảo vệ quyền lợi tối cao của tín ngưỡng và tiền đồ dân tộc.” (…) Ngay chiều 14 tháng 5, các Giám mục đã ra thông cáo trấn an toàn thể khối Công giáo, khuyên tránh hành động nóng nảy, bởi vì các Giám mục đã cương quyết kịp thời. Áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và Tổ quốc.”
Nhật báo Chính Luận số 18-5-1964
Nói chung, tòa án cách Mạng của Nguyễn Khánh chỉ giết được hai mạng người là Phan Quang Đông và Ngô Đình Cẩn. Còn tất cả các án tù từ chung thân khổ sai thì chỉ trong vòng một năm, tất cả các can phạm đều được thả về và nhiều người được thả về còn được thu dung lại với một hồ sơ không tỳ vết.
Phải chăng vì như thế mà Trí Quang bất mãn với bất cứ chính phủ nào mới lên, vì đã không làm cách mạng theo ý của ông là phải triệt tiêu Cần Lao Thiên Chúa giáo!
Nhà sư chính trị
Cho đến nay, mặc dầu đã có nhiều tài liệu của Mỹ như CIA hay của tờ Lập Trường xác định ông Trí Quang không phải là người của cộng sản. Nhưng dư luận vẫn là dư luận.
Người viết xin trích dẫn lại một số đoạn tài liệu của CIA vào ngày 28- 08-64 như sau:
Một phân tích về vấn đề liên hệ có thể có với cộng sản phái, nhân cách và những mục tiêu của Trí Quang: Báo cáo Tình hình tính đến này 27 tháng Tám, 1964: Đánh giá cho rằng Trí Quang không phải là cộng sản, ông ta muốn thiết lập một chế độ thần quyền ở Việt Nam.
“An Analysis of Thich Tri Quang’s Possible Communist Affiliations, Personality and Goals: Situation Report as of 27 August 1964” (assessment is that Tri Quang is not a Communist; he would like to establish a theocracy in South Vietnam). Intelligence Information Cable, TDCS 314/02342-64. Aug. 28, 1964. 8 p. CONFIDENTIAL/NO FOREIGN DISSEM. SANITIZED copy. Released May 24, 1976.”
Tuy nhiên, theo tôi, những lời tuyên bố công khai trên tờ Lập Trường trước khi tờ báo đóng cửa là có vai trò quan trọng nhất:
“Tôi tin tưởng vững chắc rằng chủ nghĩa cộng sản không bao giờ có thể thắng được.Tôi tin tưởng vững chắc rằng chủ nghĩa cộng sản không phải là lý tưởng của loài người.”
Tuần báo Lập Trường, số ra ngày 17-10-1964
Trong một lần khác, khi trả lời một ký giả Nhật Bản Takasi Oka, TT. Trí Quang nói:
“cộng sản chống chúng tôi, vì Phật giáo nằm trong lòng dân tộc. Cộng sản luôn luôn muốn tổ chức quần chúng mà Phật giáo lại là quần chúng. Điều đó gây khó khăn cho cả cộng sản lẫn chúng tôi.”
Hoành Linh Đỗ Mậu, “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”, Hồi ký chính trị, 1988, trang 900.
Lập trường chống cộng sản của TT. Trí Quang, một chính sách quân sự với nhiều tham vọng, và còn bộc lộ công khai khi ông có dịp giao tiếp với các viên chức Mỹ như Đại sứ Cabot Lodge, các nhân viên CIA..
“Quang tự ý nói ông chấp thuận ý tưởng sang Lào để cắt đường tiếp tế của VC, và ông cũng rất nhiệt tình về đem oanh tạc đàu tiên của Không quân VN vào những căn cứ Việt Cộng. Tôi hỏi ông ta nghĩ gì về việc tấn công m,iền bắc và ông ấy nói ông sẽ ủng hộ nếu có thể làm việc đó mà không keo Nga hay Cộng sản Trung Hoa vào cuộc.(19)”
Trần Giao Thủy, Ibid., DCVOnline.net
Bản dịch “‘Only Religions Count in Vietnam’: Thich Trí Quang and the Vietnam War” của Trần Giao Thủy, ở chỗ khác cũng ghi lại như trên:
“Dù công nhận một nhân vật lãnh đạo Phật giáo chủ trương bạo lực là điều bất thường, tuy nhiên, Trí Quang vẫn ủng hộ những “biện pháp quân sự mạnh” vì ông cảm thấy rằng “nếu chiến tranh kéo dài ở mức hiện tại, số người thiệt mạng sẽ nhiều hơn so với một cuộc chiến nhanh hơn mặc dù có giai đoạn đẫm máu hơn.” (26). Khi Hoa Kỳ oanh tạc Bắc Việt vào tháng 8 năm 1964, Trí Quang đã nói với một viên chức tòa Đại sứ Mỹ rằng các thành phần lãnh đạo Phật giáo và “ người dân” đều tánh thành những cuộc tấn công đó vì nó cho thấy “quyết tâm” thi hành những biện pháp quân sự cúng rắn của chúng ta (22).”
Trần Giao Thủy, Ibid., DCVOnline.net
Thái độ tích cực “chống cộng” của ông Trí Quang đã được người Mỹ đánh giá như sau:
“Không còn phải ngạc nhiên, vào cuối tháng 11 năm 1964, giới chức Mỹ rất hài lòng với ý thức và tư tưởng chính trị của phong trào Phật giáo; thái độ của phong trào Phật giáo là thuận lợi và sự cần thiết của sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam và những nước khác của Châu Á và được nhìn nhận.(46)”
Trần Giao Thủy, Ibid., DCVOnline.net
Nếu những tài liệu nêu trên được coi là khả tín về nguồn tài liệu. Vấn đề dặt ra là liệu có thể coi Trí Quang là phần tử chống cộng đáng tin cậy?
Nếu thật sự là như thế thì ông Trí Quang với người viết bài này và đa số dân miền Nam là cùng chiến tuyến! Tôi phải coi ông là người anh em, hoặc “đồng chí”. Và nếu như thế thì những thành phần trí thức mà tôi đã có dịp nêu tên tuổi được biết phần đông họ từng theo cộng sản, có thẻ đảng hoặc thiên Cộng. Họ sẽ phải có thái độ nào với thầy Trí Quang của họ? Họ rơi vào tình trạng phải quyết định theo Đảng hay theo Thầy?
Tuy nhiên, trên thực tế là tôi chưa thấy một việc làm cụ thể tích cực nào của ông để bảo đảm cho những quyết tâm của ông chống lại cộng sản. Rất tiếc là tờ Lập Trường của ông với luận điệu của tờ báo bắt người ta liên tưởng đến một tờ tuần báo do cộng sản ở bên trong giật giây và điều hành.
Hình như sự quan tâm của ông đối với người Mỹ chỉ với mục đích chỉ là trấn an, tránh sự nghi ngờ ông hơn là có những việc làm cụ thể. Và đoạn văn trích dẫn sau đây cho thấy ông có thể là chơi trò đu giây giữa Mỹ và cộng sản.
“Rõ ràng đó là một nỗ lực để trấn an Đại sứ Mỹ, và một điều mà một chính trị gia nhiều kinh nghiệm như Lodge chắc chắn có thể hiểu được, là Trí Quang và các nhân vật lãnh đạo Phật giáo khác tuyên bố rằng dù quan điểm thân Mỹ của họ là chân thành, nhưng “họ không thể bày tỏ quan điểm này một cách công khai vì làm như vậy sẽ gây thiệt hại cho vai trò tôn giáo của họ.” (24). Thật vậy, Trí Quang đã tranh luận với giới chức Mỹ vào cuối tháng 5 năm 1964 rằng thật có ích khi một số báo chí nước ngoài gián nhãn hiệu cộng sản cho ông ta vì nó cho phép ông “làm việc âm thầm hiệu quả hơn chống lại ảnh hưởng của Việt Cộng với Phật giáo đồ, những người đã biết rõ bản thân ông không phải là người cộng sản.”(25)
Trần Giao Thủy, Ibid., DCVOnline.net
Biện luận trên của ông Trí Quang có tính cách hàm hồ và không thuyết phục. Mặc dầu trước đó đã có dư luận cho rằng phong trào Phật giáo chống đối đã bị cộng sản lợi dụng. Tài liệu của CIA cho biết:
“Bối rối trước tình trạng hỗn loạn ở Việt Nam, giới phân tích qua CIA bắt đầu cố hết sức làm việc để xác định bản chất của những mục tiêu và ý định của Trí Quang. Không cần phải nói, những thẩm định lại của người Mỹ về động cơ của Trí Qaung không có gì chắc cả. Trong hai bản phuc trình dài, CIA miêu tả Trí Quang là một kẻ mị dân, triệt để chống Thiên Chúa giáo, một người theo chủ nghĩa dân tộc cuồng tín và một người hoang tưởng tự đại (vĩ cuồng) với mục tiêu cuối cùng là thiết lập một chế độ thần quyền Phật giáo ở Việt Nam.” (31) […]
Một người Mỹ trước đây, tướng Taylor, khi còn làm đại sứ vẫn tin tưởng rằng Trí Quang không là một người cộng sản, thì nay đã nghĩ rằng Lodge và và chính phủ VNCH “nên khai triển một kế hoạch lột trần Trí Quang trước công chúng Việt Nam và thế giới như một kẻ phiến loạn được cộng sản hậu thuẫn với ý định tiêu diệt chính quyền phi cộng sản ở Saigon vì lợi ích của Việt Cộng và Hà Nội” (86). Và Lodge đã điện về Wagshington vào tháng tư năm 1966 cho biết, “Chúng ta nên rõ ràng trong suy nghĩ của mình, giới lãnh đạo Phật giáo là đối thủ của chúng ta” (87).
Trần Giao Thủy, Ibid., DCVOnline.net
Và sau đó việc gì phải đến đã đến.Nguyễn Cao Kỳ sai Nguyễn Ngọc Loan ra dẹp Phật giáo ở Huế và dẫn độ Trí Quang về Sàigon giam lỏng tại dưỡng đường Duy Tân của Nguyễn Duy Tài.
Trước khi chấm dứt phần này, tôi đặt vấn đề là ông Trí Quang lấy tư cách gì, nhân danh tôn giáo gi để lên án các chính quyền? Tư cách gì , thẩm quyền nào cho phép ông “khoan hồng” cho Đặng Sỹ?
Tham vọng diệt Cần Lao Thiên Chúa giáo đạt được kết quả gì?
Tham vọng của Trí Quang vào thế kỷ 20 muốn Phật Giáo đồng hóa vào dân tộc là một tham vọng mù quáng, ấu trĩ tôn giáo hay tôn giáo còn ở thời kỳ sơ khai. Người có chút hiểu biết và văn hóa tối thiểu không thể có những ý thức tôn giáo hẹp hòi thiển cận như thế. Ở đây mới cho thấy, trình độ văn hóa quá kém chỉ vừa qua bậc tiểu học, biến Trí Quang thành một kẻ cuồng tín ngông cuồng. Vậy mà tại sao cũng có những thành phần có ăn có học có thể chấp nhận và theo ông ta? Phải nói rằng Trí Quang đã dùng mọi nỗ lực cũng như tầm ảnh hưởng của mình để thực hiện cho bằng được việc diệt trừ Cần Lao Thiên Chúa Giáo. Sự sách động quần chúng Phật tử bằng cách phao truyền trong dân chúng là chế dộ Diệm đã đàn áp Phật giáo và nay họ cần phải đứng lên diệt những tên “Cần Lao ác ôn” như Phan Quang Đông, Ngô Đình Cẩn, Đặng Sỹ. Phải nói rằng sự vận động ấy đạt được kết quả trong vụ xử án Phan Quang Đông tại Huế. Nhưng đây chỉ là trò mị dân như CIA ghi nhận ở trên.
Trí Quang còn dùng ảnh hưởng của mình kêu gọi các chính quyền tiếp theo phải thực hiện cuộc cách mạng, có nghĩa là triệt tiêu dư đảng Cần Lao Thiên Chúa giáo. Mặt khác thuyết phục và răn đe Mỹ là Phật giáo chỉ chống cộng sản bên cạnh Mỹ nếu trước tiên phải quét sạch được nhóm Cần Lao Thiên Chúa giáo.
Kết quả là có hai án tử hình và một án chung thân khổ sai. Chưa kể một số bản án Cảnh sát Quốc gia ra tòa án cách mạng ngày 17-6. Có 14 bị can, tha bổng 9 còn lại 4 án tù chung thân là: Đại tá Nguyễn Văn Y, cựu Tổng Giám Đốc CSQG. Nguyễn Văn Hay cựu Phó tổng giám đốc CSQG (Vợ ông Nguyễn Văn Hay là em bà con với Dương Văn Minh. Theo sự tiết lộ của ông Dương Văn Hiếu) và Khưu Văn Hai và Trần Bửu Liêm. Tha bổng các bị can Huỳnh Phước Bang, Lê Văn Thảo, Nguyễn Văn Ngời, Nguyễn Trần Huân, Nguyễn Văn Hiếu, Võ Văn Chẻ và Võ Văn Dưỡng. Tiếp theo vụ xử án “Mật Vụ” ngày thứ tư 26-6-1964 như: Dương Văn Hiêu: chung than khổ sai. Thái Đen: Chung thân khổ sai. Nguyễn Thiện Dzai: chung thân khổ sai. Phan Khanh: 10 năm khổ sai.
Tất cả các vụ án này đều xử cho có lệ, và sau đó một thời gian ngắn, họ đều được thả về. ngay trong năm 1964, như trường hợp ông Dương Văn Hiếu. Trong bài trả lời phóng vấn ông Dương Văn Hiếu của ông Lâm Lễ Trinh. Ông Dương Văn Hiếu cho biết thêm trong các phiên xử khác, tòa phạt từ tù đến khổ sai chung thân các ông Trần Kim Tuyến, Nguyễn Văn Y, Trần Văn Tư, Hà Như Chi, Nguyễn Lương, Ngô Trọng Hiếu, Cao Xuân Vỹ, Bùi Dzinh.
Theo ông Dương Văn Hiếu, không nhớ rõ ngày tháng,
“Năm 1964, một buổi sáng, chính phủ cho ba chiếc máy bay Dakota DC3 ra Côn Sơn chở tất cả tội nhân ( lối 30, 40 người) về Sàigon và chúng tôi được phóng thích. Một thời gian ngắn sau, cũng theo lời ông Hiếu, ông được giấy đòi của công an, Trung tá Nguyễn Mậu dẫn tôi đến trình diện với Tổng giám đốc Trần Văn Hai. Tướng Hai đưa tôi bằng xe jeep đến Bộ Nội vụ trình diện với tướng Trần Thiện Khiêm. Ông Khiêm tiếp tôi nhã nhặn và “khuyên” tôi nên thủ phận làm ăn. Đây là một lời cảnh cáo rất rõ. Năm 1968, tôi có giấy đòi đến trình diện tại Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo, bến Bạch Đằng. Nơi đây, Đặc Ủy trưởng đề nghị tôi hợp tác với phòng nghiên cứu về tình báo.
Lâm Lễ Trinh. Thức tỉnh. Quốc Gia và Cộng sản, 2007 trang 425
(Giai đoạn Dương Văn Hiếu bị “ cầm chân” ở cục Trung ương tình báo được tướng Bình xác nhận, hiện ở San José xác nhận.)
Đoạn trích dẫn trên nó tố cáo cái tòa án cách mạng chỉ là một trò chơi quyền lực thiếu tất cả giá trị pháp lý, chỉ là trò chơi chính trị bỉ ổi của một thời vô pháp luật, vô trật tự và nhiễu nhương
Xin một lần được nhắc tên những đao phủ thủ ở tòa án cách mạng. Chánh thẩm: Lê Văn Thụ. Công tố Viện: Lê Văn Đức. Phụ thẩm quân sự: Đại tá Lê Trung Trực. Đại tá Phạm Xuân Nhuận. Đại tá Huỳnh Hữu Thiện và người cuối cùng: Trung tá Dương Hiếu Nghĩa, người đã tháp tùng xe thiết giáp mà Dại úy Nhung đã thảm sát hai ông Diệm-Nhu.
Chính vì thế mà khi có chính phủ khác lên thay, không lạ gì trò đời, tất cả bọn họ đều được thả về từ nhà tù Côn Sơn vỏn vẹn từ lúc ra đến lúc về chỉ trong vài tháng.
1963-1971
8 năm sau, cũng ngày 2-11 năm 1971, ngày lật đổ ông Diệm năm 1963 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, theo lời tường thuật của VNTTX (Vietnam Press), có khoảng hơn 5000 người tụ tập tại nhà thờ Đức Bà để dự một lễ cầu hồn (Requiem mess) cho TT Ngô Đinh Diệm và bào đệ ông Ngô Đình Nhu.
Trong hàng quan khách, người ta nhận thấy sự có mặt của một số nhân vật chính trị trong chính quyền trong đó có mặt bà phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, phó Tổng thống Trần Văn Hương. Nhưng đặc biệt xin trích dẫn nguyên văn “and even former Generals Do Mau and Le Văn Nghiêm, both noted enemies of the man being honoured.” (và có cả hai tướng Đỗ Mậu và Lê Văn Nghiêm vốn được coi như kẻ thù của người mà ngày hôm nay được tưởng niệm.)
Trích đoạn trên đây rút ra từ luận văn của Sean Fear, đăng trong Journal of Vietnamese studies, Vol.11, Issue 1, pps,1-75. ISSN 1559-372X, electronic 1559-3738, với nhan đề The Ambiguous Legacy of Ngo Đinh Diem in South Việt Nam’s second Republic (1967-1975). Đây là một bài luận văn ngắn với 197 tài liệu trích dẫn đủ loại, Mỹ và rất nhiều nguồn của tác giả Việt Nam.
Thực sự, tôi không hiểu đươc mục đích hai vị tướng gốc Cần Lao gộc một là “Ủy viên Quân ủy Trung ương đảng Cần Lao”, người kia, bí danh Minh Sơn, từng nắm chức vụ Bí thư Quân Ủy Lê Lợi, đảng Cần Lao đến dự buổi lễ tưởng niệm này. Tôi thiển nghĩ rằng, một trong những khuyết điểm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa là đưa đảng Cần Lao vào trong quân đội vì nó làm suy yếu quân dội, tạo ra những bất công lạm dụng quyền thế.
Trong cuộc đảo chính ông Diệm, phần lớn, đáng tiếc thay, đều là tướng lãnh từng là đảng viên Cần Lao. Tôi gọi chung bọn họ là những hèn tướng. Sau này, có buổi lễ tương niệm tương tự ở San José, người ta cũng thấy sự hiện diện của tướng Nguyễn Khánh.
Người đứng ra tổ chức buổi tưởng niệm là Trương Công Cừu, một cựu đảng viên Cần Lao và cựu bộ trưởng đồng thời là chủ tịch Việt Nam Nhân xã Cách Mạng đảng. Mục đích của Nhân Xã đảng là làm sống lại đảng Cần Lao.
Vấn đề ở đây là người ta căn cứ trên sự nghiệp của TT. Ngô Đình Diệm thời Đệ I Cộng Hòa như điểm tựa để so sánh với thời Đệ II. Từ đó tao ra bế tắc bất lợi cho người kế nghiệp ông Ngô Đình Diệm.
Tôi không đi vào chi tiết nội dung tài liệu. Và tôi tin rằng việc tưởng niệm là việc tùy tâm mỗi người. Nhưng tham vọng muốn làm sống lại chế độ ấy là một ảo tưởng. Nhiều người đã bỏ rơi nhóm Trương Công Cừu và đảng Nhân Xã. Vì nó tạo ra tình trạng chia rẽ và bất đồng và chỉ có lợi cho cộng sản. Nhưng Đảng Cần Lao cũng không cần đợi đến Trí Quang phải ra tay tiêu diệt. Ngay chính Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng đảng Cân Lao là một thời đã qua và chẳng nên khơi dậy lại nó nữa.
Nhưng tôi cũng muốn chỉ ra rằng chủ trương diệt Cần Lao Thiên Chúa giáo của Thích Trí Quang cho đến giờ phút này là một thất bại nặng nề. Chẳng những nó đã không diệt được mà còn tạo ra những mầm mống bất đồng gây chia rẽ tôn giáo và gây rối loạn chính trị cho miền Nam trong suốt 20 năm trời. Và qua buổi lễ tưởng niêm chính thức vào năm 1971 cho thấy chẳng những nó không bị tiêu diệt đi mà mỗi ngày càng lộ liễu một cách công khai không cần che đây.
Vài dòng kết luận.
Trước khi chấm dứt bài viết này, tôi muốn bày tổ một vài nỗi niềm riêng tư ngoài sách vở, tài liệu. Nó có thể không mang lại ích lợi cho riêng ai mà rất có thể cũng là nỗi niềm của nhiều người miền Nam như tôi. Tôi là một người Thiên Chúa giáo, di cư vào miền Nam năm 1955. Biết bao ngỡ ngàng và khám phá. Cũng có nỗi lo về gốc gác địa phương, cũng như có thể có những ngộ nhận ban đầu.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, tất cả những lo toan ấy tan biến dần. Sự hội nhập và sự đón nhận rộng rãi chẳng bao lâu sau biến tôi một cách ngoài mong đợi như thể cá gặp nước, tôi tự coi mình như thể một người dân miền Nam chính hiệu lúc nào không hay. Mặc dầu tôi vẫn giữ riêng giọng nói miền Bắc và những tập tục ăn uống, tôn giáo. Hòa nhập mà không mất bản sắc. Tôi đứng vững trên đôi chân của mình với giọng Bắc thuần, chuẩn mực, trầm, đầy Nam tính. Tôi xin nói thật, tôi không còn có chút mặc cảm miền nào cả.
Nhưng điều chính yếu là tôi bày tỏ một sự hãnh diện công khai nhiều lần về sự hội nhập kỳ diệu này mà trong lòng nhủ thầm cám ơn sự rộng lượng của dân miền Nam. Không có sự rộng lượng ấy thì có nhiều lý do xã hội đưa đến cuộc đối đầu chưa biết sẽ như thế nào.
Sau này, tôi lại có dịp sống và làm việc lâu năm ở cả hai miền đất nước (miền Nam à miền Trung). Tôi đã có dịp đi hầu như hết mọi tỉnh thành. Những ngày sống ở miền Trung phải nhận là có nhiều gò bó, chật hẹp, có cái nhìn lạnh nhạt và đố kỵ. Sự nghiêm chỉnh là điều tồi tệ nhất của dân miền Trung dưới cái nhìn của tôi. Nhất là Huế. Huế chỉ có thể níu chân tôi lại vì một vài bóng áo dài tha thướt và giọng ngọt dịu. Còn lại chẳng là gì nữa với một khí hậu khắc nghiệt, nóng, mưa chỉ để sản sinh ra những cỏ dại và cây sương rồng.
Mỗi lần xuống lục tỉnh, nhất là Cần Thơ sao nó dễ chịu thế. Đi đâu cũng nghe tiếng hò cải lương, ra rả suốt ngày, hang cùng ngõ hẻm, trên bến sông, trên chợ nổi, trong nhà trọ.. Tầm hai ba giờ, hình như vào ngày thứ ba là nghe tiếng hát Trần Văn Trạch, sổ số mau lên giúp đồng bào ta xây nhà giàu sang mấy hồi. Sổ số mau lên, sổ số gần đến. Chỉ có thế thôi mà quen thuộc quá đỗi. Nói chi đến các món ăn nhậu mỗi vùng.
Theo tôi, chiếc Ra-dô, hiệu Sony là biểu tượng sống của văn hóa miệt vườn ở miền đất Lục châu. Nó chơn chớt thật thà. Nó đơn giản và đơn điệu, thuộc lòng, mà đầy quyến rũ, mà nghe mát gan mát ruột. Nó lên cao, cao thật cao, cao chót vót, vội vã hối hả đến hổn hển, rồi nó đổ đến sầm môt cái xuống là đã quá chừng. Ôi cuộc sống đẹp làm sao!
Và tôi đã đi khắp các miệt ấy, thăm chùa chiền, thăm ông Đạo Dừa, thăm Thánh Thất Cao Đài, thăm Hòa Hảo. Tôi không thấy một tín hiệu dù rất nhỏ của chính quyền trong việc kỳ thị tôn giáo. Tôi cũng chưa một lần nghe ai than vãn về điều ấy. Không. Hoàn toàn không. Ngay cả khi ở miền Trung cũng vậy. Có thể trong chỗ nhóm bạn bè địa phương, họ bầy tỏ nỗi bực dọc mà tôi không biết. Tuy nhiên, sự khó chơi, trở thành bạn bè thân thì có cách biệt miền, nhất là giọng nói đến lối sống thường khép kín đôi khi trở thành giả dối.
Thật hiếm có những bữa ăn nhậu chung.
Ở thành thị, nếp sống có khác. Người miền Trung trở thành thiểu số và họ cố tập đổi ra giọng nói Nam hay Bắc. Đấy là một dấu hiệu mặc cảm tự ty. Họ tự che dấu gốc gác miền của họ. Nhiều khi không khỏi ngạc nhiên khi hai người miền Trung gặp nhau, Họ đổi ra giọng Huế rặt.
Sự khép kín mở đường cho những bùng nổ miền và tôn giáo khó lường sau này.
Trong khi đó toàn miền Nam chan hòa tuổi trẻ và cuộc sống hài hòa đến độ nó có một bản sắc riêng, một nền giáo dục tự do và cởi mở, một ý thức nhân bản về quyền con người. Nó là một thứ văn hóa đa dạng, tụ hội từ hai dòng chảy văn hóa trong sự hội nhập đến kỳ diệu. Chẳng hạn, nhạc Phạm Duy bắt nguồn từ ca dao, từ các câu hò tiếng hát, câu ví von từ ba miền. Nó ấp ủ con tim mới lớn. Chằng ai đặt câu hỏi vớ vẩn Phạm Duy người vùng nào?
Nói về nếp sống tôn giáo thì Sài Gòn đầy nhóc chùa chiền, đầy nhóc thiện Nam tín nữ trong những ngày lễ Hội. Lăng Bà Chiểu thì khói hương mịt mù.. Nói về giáo dục Phật giáo thì hầu như mỗi tỉnh đều có các trường Bồ Đề. Họ muốn có gì nữa? Họ muốn có tất cả trong một ngày?
Vậy mà những ngày an bình đó tự nhiên đất bằng nổi sóng với vụ Biến động miền Trung. Cả một đất nước nghiêng ngửa và có nhiều dấu hiệu chiến tranh tôn giáo, nếu các vị lãnh đạo tôn giáo không có những người trầm tĩnh như TT. Thích Tâm Châu, TGM Nguyễn Văn Bình thì cớ sự sẽ ra sao? Giả dụ mà TGM Ngô Đình Thục còn kẹt lại ở Huế thì sự thể sẽ ra sao? Tôi không dám nghĩ đến điều ấy.
Tất cả từ Huế, thánh địa của Phật giáo tranh đấu. Một miền đất đầy đau thương tủi nhục quá khứ và một giai đoạn đáng nguyền rủa, một miền đât đây nghi ngại. Cái miền đất mà khi cụ Huỳnh Thúc Kháng khi chọn trụ sở cho báo Tiếng Dân đã viết cho Xử lý thường vụ toàn quyền Pasquier, ông Khâm sứ Frirès như sau vao ngày 26-11-1926
“Chọn Tourane là một thành phố thương mại, không chọn Huế là một trung tâm văn hóa, nơi có nhiều trào lưu tư tưởng và chính kiến dị biệt, chắc chắn có những tư tưởng không hợp với chủ trương ôn hòa và mục tiêu giáo huấn đám đông của Tiếng Dân.”
Nguyễn Văn Lục, “Huế miền đất bất hạnh” trong cuốn “Lịch sử còn đó”, trang 297)
Huế đã nổi tiếng như thế rồi, nào phải đơi đến năm 1963. Đại nội, thành quách Huế với những bức tường mục nát, rêu phủ, chứa đầy những u ám của cả một thời kỳ lịch sử vàng son đã không còn nữa. Người Huế đi tìm cái mất, đòi lại cái có của họ bằng cách quật khởi vùng dậy, cách này cách khác.
Ông Trí Quang đã tập họp được tất cả những yếu tố lịch sử, thiên nhiên, con người để làm lịch sử theo cách riêng của ông ấy. Ba cái nạn đã phát nát miền Nam là: Cộng sản nằm vùng, bọn thiên tả sau trở thành lực lượng thứ ba và Phật giáo Ấn Quang của ông Trí Quang.
Như lời kết luận chung cục của Stanley Karnow,
Miền Nam Việt Nam sẽ chóng bị xé nát vì một cuộc nội chiến.
“Le Sud Viet Nam parut bientôt déchiré par une guerre civile.”
Stanley Karnow, Le Vietnam trang 271
Cho đến sau này, tướng Thi vẫn đổ cho biến động miền Trung là do tướng Thiệu Kỳ quá lệ thuộc Mỹ. Phần tướng Kỳ cũng dành hai chương 10, 11 trong Buddha’s Child để trình bày diễn tiến biến động miền Trung mà một phần trách nhiệm đổ cho tướng Thi ngả theo ông Trí Quang gây ra tình trạng hỗn loạn tại Huế-Đà Nẵng tạo hậu quả nguy hại cho miền Nam.
Ở đây, tôi xin đưa ra một nhận xét của tướng Kỳ là ông Trí Quang rất sợ chết. Theo tướng Kỳ, ông Trí Quang không muốn được chở bằng máy bay vận tải C-47 mà phần lớn đường bay đi dọc bờ biển. ông đã hỏi một nhân viên phi hành đoàn:
“Are you going to drop me into the sea? He quailed. “ No” said the crewman. “Our orders are to bring you to Saigon.”
Nguyen Cao Ky, Buddha’s Child trang 225.
Viên thiếu tá lái chiêc phi cơ chở ông Kỳ mới đây cũng xác nhận với tôi về điều này. Đường bay theo lộ trình qua tỉnh Quảng Ngãi. Viên thiếu tá đã hỏi ý kiến tướng Loan cho phép ném ông Trí Quang xuống biển. Nhưng tướng Loan không cho phép.
Tiếp đến Tết Mậu Thân mà hơn 400 người, từ đàn bà, trẻ con đã tụ tập tại nhà thờ Phủ Cam, trong đó có ông Thượng Nghị Sĩ Trần Điền. Hẳn là có chỉ điểm của bon nằm vùng như tên Nguyễn Đắc Xuân. Tất cả số người này đã bị giết đủ kiểu ở Khu Đá Mài, chỉ còn lại 428 cái sọ người. Tội này được coi là tội diệt chủng. Tháng sáu năm 1968, tôi đã dự lễ tại nhà thờ Phủ Cam. Nhà thờ phủ trắng khăn tang và cuối buổi lễ, tiếng khóc than, rên rỉ vang dội khắp nhà thờ. Họ chỉ có tội là người Thiên Chúa giáo. Mà tôi đã kết luận là: Người Huế giết người Huế. Ngoài ra còn có cái chết của lm Bửu Đồng, Hoàng Ngọc Bang, cha Urbain và Guy.
Phải chăng họ xứng đáng nhận những lời trách móc của ông già gân Trần Văn Hương, gọi họ là bọn đầu trọc, làm trò khỉ. Tôi không thể để cho bon con nít làm loạn!
Đó là tóm tắt những điều suy nghĩ của tôi. Và bây giờ ai là người gánh vác cái nạn vĩ cuồng tôn giáo của ông Trí Quang?
Trong cải rủi có cái may. Nhờ tập đoàn cộng sản độc tài toàn trị đã dập tắt những tham vọng bá quyền tôn giáo trong suốt 44 năm của ông Trí Quang.
Không biết thật sự ông có phải là người công sản hay không? Nhiều phần là không vì cộng sản đã cách ly ông trong sự canh chừng. Nhưng đứng ở mặt khách quan, lợi hay hại thì rõ ràng việc quậy phá miền Nam của ông Trí Quang là đem lại lợi thế cho phía người cộng sản.
Họ tha chết cho ông đã là một phần thưởng.
Phần người dân miền Nam như tôi. Xin có lời cám ơn tướng Nguyễn Cao Kỳ đã giải quyết gọn lẹ biến dộng miền Trung mà không có ý kiến trực tiếp của người Mỹ.
Nhưng quan trọng hơn thế nữa, chân thành cảm tạ từ ông TBT đảng cộng sản Lê Duẩn đến các ông Trần Bạch Đằng, ông Xuân Thủy cho đến cụ TBT đương nhiệm, nhờ các đồng chí mà ông Thích Trí Quang đã chịu ngồi im lặng từ 44 năm nay. Xin hết lời.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú
[2] DCVOnline: Thiếu tá Đặng Sỹ là Phó Tỉnh trưởng Thừa Thiên và là nhân viên chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công của chính phủ vào người Phật giáo biểu tình tại Huế vào ngày 8 tháng 5 năm 1963. Đặng Sỹ đã bị giải nhiệm ngay sau sự vụ xẩy ra. Ông đã bị bắt sau khi chính quyền Diệm bị lật đổ vào tháng 11 năm 1963. “Major Dang-Sy was Deputy Chief of Thua Thien Province and the official responsible for the government attacks on Buddhist demonstrators in Hue on May 8, 1963. Dang-Sy was relieved of his duties soon after the incident. After the overthrow of the Diem government in November 1963, he was arrested.” Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State (Department of State, Central Files, POL 27 VIET S. Top Secret; Exdis.)
[3] DCVOnline: CIA, Special Report, “The Buddhists in South Vietnam”, 28 June 1963: Một vụ rắc rối gần đây nhất đã nổ ra vào ngày 8 tháng 5 tại thành phố Huế vì quy định của chính phủ hạn chế việc treo cờ tôn giáo trong lễ Phật Đản. Những người theo đạo Phật đặc biệt tức giận vì người Thiên Chúa giáo ở Huế đã được phép vi phạm các quy định đó chỉ một vài ngày trước. Mặc dù vấn đề có thể có trong thời gian ngắn và cục bộ, nhưng nó lại có tầm quan trọng mới khi một số người đã bị tử thương khi lực lượng an ninh giải tán đám đông — những cái chết mà chính phủ cố đổ lỗi cho bọn khủng bố Việt Cộng. “The most recent round of trouble erupted om 8 May in the city of Huế over government regulations restricting the display of religious flags during the commemoration of Buddha’s birthday. The Buddhists were particularly upset because Catholics in Huế had been permitted to violate the regulations only a few days earlier. Although the issue might otherwise have bên short-lived and localized, it took on new importance when several persons were killed during effort by security forces to disperse a crowd – deaths which the government tried to blame on Viet Cong terrorists.”