Những ngày cuối đời của bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu

Hoàng Thế Định

Mỗi giòng họ thường lập ra một gia phả để ghi chép thân thế sự nghiệp của mỗi thành viên, từ vị khai lập giòng tộc cho đến con cháu về sau, trong một gia tộc lớn, mỗi người chỉ được ghi vài câu ngắn gọn.

Nguồn: Sách ‘Lịch sử Việt Nam’ do Viện Sử học Việt Nam biên soạn và xuất bản

Tại làng Mỹ Lợi thuộc Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, gia phả họ Hoàng ghi ngang đoạn ông Hoàng Văn Tích như sau:

“…Ông Hoàng Văn Tích có với bà La Thị Sơn, người làng Hà Trung, Phú Lộc, Thừa Thiên một đứa con thứ ba trong gia đình tên là Hoàng Thị Cúc, chào đời ngày mồng 8 tháng giêng năm Canh Dần tức là ngày 28 tháng 1 năm 1890, bà được chọn vào chầu Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bữu Đảo (Vua Khải Định sau nầy), sinh Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy năm 1913. Sau khi lên ngôi năm 1917, vua Khải Định tấn phong bà là Tam Giai Huệ Tân, xây dựng cung An Định cho hai mẹ con ở, qua năm 1919, được tấn phong Nhị Giai Huệ Phi.

Ngày 8 tháng 1 năm 1925, Vĩnh Thụy đăng quang, niên hiệu Bảo Đại, ngàỵ tháng 2 năm Quý Dậu (20 tháng 3 năm 1933) bà được tôn phong Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, hiệu là Từ Cung.

Bà mất ngày 3 tháng 10 năm Canh Thân (10 tháng 11 năm 1980), an táng ngày 10-10 Canh Thân (17-11-1980) tại vùng Dương Xuân, xã Thủy Xuân, Thành Phố Huế.”

Gia phả họ Hoàng, làng Mỹ Lợi, Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên

***

Với một đoạn gia phả ngắn gọn như trên nhưng thật ra trên giòng lịch sử biết bao thăng trầm đã diễn ra cho một vị Hoàng Thái Hậu, bà Từ Cung, nhất là đoạn cuối đời của bà.

Từ thời niên thiếu cho đến khi được tôn vinh Hoàng Thái Hậu đều xẩy ra trong thời kỳ Pháp thuộc, cho đến năm 1945, lịch sử Việt Nam lại biến động theo cơn lốc của thế chiến thứ hai: vào ngày 9 tháng 3, Nhật xâm chiếm Việt Nam, Pháp thua chạy, vài tháng sau ngày 14 tháng 8, Nhật đầu hàng Đồng Minh, Pháp chưa kịp trở lại thì mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh khởi xướng, cướp chính quyền trong tay người Nhật. Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị với câu nói bất hủ: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.”[1] Thế rồi trong chức vụ bị gán là “Cố Vấn” cho ông Hồ, ông Bảo Đại sợ ông Hồ sẽ thủ tiêu mình như đã thanh toán nhiều lãnh tụ  cách mạng, trí thức yêu nước đã từng hợp tác với ông Hồ trong Mặt Trận Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh), nên ông kiếm cớ sang Trung Quốc để vận động cho ông Hồ rồi ở luôn bên đó. Bà Từ Cung cùng với vợ con của vua Bảo Đại rời Đại Nội ra sống tại cung An Định. Năm 1946, Pháp trở lại Việt Nam, Việt Minh và Pháp giao chiến. Nam Phương Hoàng Hậu cùng các con nhờ quân đội Pháp đưa sang Pháp, bà Từ Cung tản cư về làng Mỹ Lợi và ở trong nhà người em trai (là thân sinh của người viết bài nầy).

Hội nghị Hồng Kông năm 1947, đã thông qua một dự án “chính phủ không cộng sản” do Bảo Đại lãnh đạo, và Pháp tài trợ. Nguồn: Brett Reilly, “Redefining the Origins of Vietnam’s Civil War: the Cold War conflict between Phan Bội Châu and Hồ Chí Minh in the 1920s-30s

Đầu năm 1947 Pháp thắng thế, Việt Minh vào bưng, hô hào cuộc trường kỳ kháng chiến. Bà Từ Cung trở lại Huế, nhưng cung An Định đã bị sập nát phần lớn không thể ở, bà được chính phủ mời vào Đại Nội, dù rằng bấy giờ ông Bảo Đại không còn ở ngôi vị vua. Bà trở lại ngôi nhà hai tầng xây theo kiến trúc Pháp, tọa lạc cạnh Cung Diên Thọ, ngôi nhà nầy được vua Bảo Đại ra lệnh xây vì bà Nam Phương Hoàng Hậu muốn được tiện nghi tân tiến hơn là ở trong cung Diên Thọ như bà Từ Cung vẫn ở trước đây. Năm 1949 Pháp mời ông Bảo Đại về nước trong một chức vụ mới: Quốc Trưởng nước Việt Nam.

Bảo Đại rời Điện Élysée ở Paris sau cuộc họp năm 1948 để thảo luận về tương lai Việt Nam. Ảnh: AFP

Quốc Trưởng Bảo Đại về nước với nhiều ngổn ngang của đất nước, ông phải vận động các thế lực, đoàn thể chính trị quốc gia, hầu mong đưa Việt Nam đến vững mạnh, chính giai đoạn nầy, Quốc Trưởng Bảo Đại đã làm được hai việc ích quốc lợi dân đó là Việt-Nam-Hoá nền giáo dục, nghĩa là hoàn toàn dùng tiếng Việt trong thống giáo dục và Việt-Nam-Hóa quân đội, hợp nhất 3 ngành quân thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam Phần thành Quân Đội Việt Nam, đồng thời mở trường đào tạo sĩ quan đầu tiên là Trường Sĩ Quan Quốc Gia Việt Nam, còn gọi là trường sĩ quan Đập Đá tại Huế. Quân đội cũng tuyển phụ nữ săn sóc thương binh, phát thanh tuyên truyền…

Hằng ngày, bà Từ Cung lo làm phận sự của một người con dâu của Nhà Nguyễn, chủ tế các ngày kỵ các vua, trùng tu lăng miếu nhà chồng. Bà thường chủ tọa những cuộc họp của Tôn Nhơn Phủ, tiếp các quan trong nội các của con bà cũng như những chính khách, thân hào nhân sĩ trong nước. Do kinh nghiệm về cuộc sống trong cung với những diễn biến lịch sử cũng như những thỏa hiệp, dàn xếp chính trị… bà xử thế rất tế nhị, mềm mõng với tất cả mọi người, bà không để mất lòng bất cứ ai kể cả gia nhân thuộc quyền, bà ăn nói từ tốn đúng mực với phong cách oai nghiêm nên được người tiếp chuyện kính nể. Ngoài những lúc ngoại giao tiếp đón như trên mà bà phải đóng vai như một chính trị gia, thật sự bà là con người rất tình cảm, bà rất muốn gặp mặt bà con bên gia đình bà cũng như bên chồng, những ngày tế lễ, bà đích thân chỉ bày gia nhân về những món ăn những mức bánh cần có để tiếp đãi. Vào những ngày Tết, người viết bài nầy đã theo chân gia đình đến chúc Tết bà đồng thời cũng để thưởng thức những món mức bánh mà bà sai gia nhân mang ra cho chúng tôi, đặc biệt nhất là món mứt khế mà chúng tôi phải gọi là mức “khến” vì cử chữ Khế là “tên móc nôi” của bà. Bà rất thích chuyện vản với Lương Linh Công Chúa, con của vua Thành Thái mà mọi người thường gọi là Mệ Sen, Mệ Sen thường được bà giữ lại chơi cả tuần lễ trong Nội. Đối với gia tộc bên bà, bà cũng làm tròn đạo làm con, chị, em; vì thương quý bà, vua Khải Định đã phong tước Công cho thân phụ bà là Nghi Quốc Công đồng thời mua 5 thửa đất của 5 bà chúa hợp lại và xây một nhà thờ lớn để thờ cha mẹ vợ, phủ thờ đó là Nghi Quốc Công Từ còn gọi là Phủ Ngự Viên, những ngày kỵ giỗ bên nhà cha mẹ, bà đều đến dự. Khi rỗi việc bà cho xe đi rước anh em trai và các bà em gái cũng như các vị bên Tôn Nhơn Phủ vào hầu Mạc-Chược, một môn giải trí tao nhã.

Mứt khế. Nguồn: afamily.vn

Dù có nhiều người hầu cận cũng như bà con lui tới, bà vẫn cảm thấy buồn tẻ vì con bà, ông Bảo Đại ít khi ở lâu trong Đại Nội, và bầy cháu nội của bà, từ trước luôn quấn quít bên bà, nay đã theo mẹ ở thẳng bên Pháp. Bà muốn có người thân bên cạnh, vì vậy mà vào năm 1949, bà đã cho xe về nhà thờ cha mẹ ở Ngự Viên, nói với thân phụ chúng tôi:

– Cậu có nhiều con, cho một đứa về sống với tui (tôi)!

Bà chọn tôi về sống với bà, thế là hôm đó tôi đã leo lên chiếc xe hơi hiệu Buick (sản xuất năm 1939, do chính phủ Hoa-Kỳ tặng vua Việt Nam) theo bà Từ Cung vào Đại Nội, tôi chỉ sống với bà một thời gian ngắn vì hết hè tôi phải trở về với cha mẹ để đi học ở trường gần nhà.

Buick 1939. Special Series 40 Model 41. Nnuồn: OntheNet

Cũng thời gian nầy, bà quy-y với Hòa Thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết với pháp-danh Trừng Thành, bà say sưa nghiên cứu Phật Pháp và đi chùa thường xuyên, một vị ni sư trước là thứ phi của vua Khải Định, bà phi Tiếp, thường đến thăm bà Từ Cung và đàm đạo về Phật Pháp, hai bà trở thành đôi bạn đạo tương kính, một thứ phi khác của vua Khải Định, bà phi Tân rất thường ở lại chuyện vãn với bà Từ Cung.

Lịch sử đất nước lại thêm một khúc quanh đau thương: quân đội Pháp thua trận Điện Biên Phủ trước lực lượng Việt Minh, đành chấp nhận Hiệp Định Genève với kết quả lấy vĩ tuyến 17 làm phân ranh cho hai nước Việt Nam, Cộng Sản ở phía bắc và Quốc Gia ở phía nam. Pháp từ từ rút chân khỏi Việt Nam và Mỹ vào thay, người Mỹ muốn đưa ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về chấp chánh, tại Pháp, ông Diệm đã thề với Nam Phương trước ảnh Chúa Jesus là sẽ tận trung với ông Bảo Đại. Bà Nam Phương tin ông Diệm vì hai người là đồng đạo Thiên Chúa Giáo, nên bà Nam Phương đã một mực “nói vào” cho ông Diệm với ông Bảo Đại, ông Diệm cũng thề với ông Bảo Đại và xin ông Bảo Đại yên tâm khi giao ông chức thủ tướng.

Tranh biếm họa của họa sĩ Al Hirschfeld vẽ Bảo Đại thưởng thức những thú vui khoái lạc của một hộp đêm ở Hồng Kông, 1947. Nguồn: SMCP

Về nước, sau khi chính quyền trong tay vững chắc, ông Diệm trở mặt với ông Bảo Đại, bày ra trưng cầu dân ý truất phế ông Bảo Đại với câu dặn dò với tính cách áp đặt lên dân chúng với câu “xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì” và ngồi lên ghế tổng thống.

Ông Bảo Đại ở luôn bên Pháp, Bà Từ Cung không còn lý do gì ở lại trong Đại Nội, dọn ra ở một ngôi nhà hai tầng trên đường Phan Đình Phùng, bờ phía bắc của sông đào An Cựu, ngôi nhà nầy có kiến trúc của Pháp, trông đồ sộ so với những nhà dân chúng xung quanh. Cả khu vườn có tường cao trên 2 mét bao bọc, mặt trước có 2 trụ vôi cao hai bên cổng vào. Từ ngoài vào, phía bên phải sát với tường thành có một nhà trệt nhỏ ba căn dành cho gia đình ông Thừa Tể, người vừa là tài xế cho bà Từ Cung vừa giúp việc quét dọn lau chùi vật dụng trong nhà, ông Tể còn cho đứa con gái khoảng 10 tuổi luôn kề cận bà Từ Cung để bà sai bảo lặc vặc. Khoảng 8, 9 năm sau, gia đình ông Tể xin di chuyển, vợ chồng ông Thừa Thiết thay thế nhiệm vụ ông Tể. Một nhà trệt nhiều căn nằm ngay sau ngôi nhà chính gồm một căn dành cho bếp, một căn cho hai người nấu bếp ở, căn tiếp theo là nhà để xe, bên trong có chiếc Buick mà từ khi về đây ở bà Từ Cung không xử dụng đến.

Vợ Vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng hậu, cùng các con tại Cannes, Pháp. Ảnh: AFP

Về ngôi nhà hai tầng mà bà Từ Cung ở, đi từ ngoài vào cổng chính, giữa sân rải sỏi có một bể cạn lớn, trên có hòn non bộ trồng mấy cây bồ đề, cây cừa, về sau trên non bộ bỗng dưng mọc lên một cây dương liễu, lớn rất nhanh, che phủ cả bể cạn, không ai có ý nhổ đi vì xem như lùm cây che chắn bên ngoài nhìn vào. Sau bể cạn chừng 5 mét là 4 bực cấp vào ngôi nhà hai tầng, nhà quét vôi màu vàng, thoạt trông nhà giống như 3 căn, nhưng bực cấp chỉ kéo dài cho căn bên phải và giữa mà thôi. Qua một thềm rộng chừng 2 mét, đến hai khung cửa rộng và cao, cửa sơn màu lục đậm, bên trong trưng bày rất mỹ quan, hầu hết đồ trang trí trong phòng nầy đều là đồ xưa và quý, giữa căn bên phải để một cái bàn dài sơn son thếp vàng với 6 cái ghế bọc vải đặc biệt màu vàng có chạy kim tuyến, chỉ có một cái ghế có hai tay dựa xây lưng vào bức tường trên cao treo bức ảnh vua Khải Định, khoảng 4 tất tây bên dưới ảnh kê một tủ kệ chạm trổ tỉ mỹ, cũng sơn son thếp vàng, trong tủ để những vật quý giá xinh xắn, bên phải tủ nầy là một tủ nhỏ và thấp  khảm xà cừ với các hoa văn tỉ mỹ trên để chính giữa là hình bà Từ Cung lúc còn trẻ, bên phải hình bà là hình vua Bảo Đại, bên trái dể hình Hoàng Tử Bảo Long, bên phải cạnh tủ nhỏ nầy có một cửa đi vào một phòng rộng dành cho khách. Bên trái kệ lớn để một tủ nhỏ, thấp, khảm xà cừ giống tủ bên phải, tủ nầy có 3 tầng, tầng giữa cao để ảnh vua Bảo Đại mặc quốc phục, tất cả các ảnh trên đề lồng kính và để trong khung ảnh chạm trổ công phu. Phía tường bên phải kê một kệ cao và rộng có nhiều ngăn, cũng sơn son thếp vàng, bên trong trưng bày những báu vật và nhiều hình vua Bảo Đại chụp với các nhà ngoại giao Pháp, Mỹ cũng như với các quan trong triều.

Ngôi nhà hai tầng bà Từ Cung ở số 145 Phan Đình Phùng, TP. Huế. Nguồn: Dân Trí

Căn bên phải thông qua căn giữa bằng một vòm cửa rộng và cao, giữa căn nầy để một bộ trường kỹ khảm xà cừ, nhìn lên tường phía trong treo một bức ảnh lớn của bà Từ Cung lúc còn trẻ, mặc áo triều phục màu vàng thêu hình con Phụng ngồi trên ghế sơn son thếp vàng chạm trỗ công kỹ giống như ghế nhà vua nhưng nhỏ hơn, sát tường để hai bàn nhỏ giống như phòng bên trái, trên cũng trưng nhiều bức ảnh bà Từ Cung chụp với vua Bảo Đại, Hoàng Hậu Nam Phương và các cháu nội, một số hình khác chụp hình bà với các quan trong triều vào các lễ lược ở Đại Nội. Căn giữa thông với căn còn lại bằng hai khung cửa lớn không có cửa, căn nầy có phần lồi phía sau nên dài hơn hai căn trước với một đoạn của cầu thang lên tầng hai và một phòng nhỏ kế bên, chỗ cho bà quản gia tên Lê Thị Dinh ở và chờ bà Từ Cung gọi là vào ngay. Trong phần lồi nầy để một bàn dài với 8 chiếc ghế, trên để một khay trà lớn với nhiều tách dành cho khách, bàn còn dành để dọn cơm khi có cúng kỵ hoặc các lễ lược khác. Trong một góc để một bàn Mạc-Chược có vải phủ kín, khi bà Từ Cung muốn tiêu khiển, gia nhân sẽ để bàn Mạc-Chược cạnh bàn dài, dưới quạt trần. Sát với cửa sổ thứ nhất trông ra đường kê một sập gỗ lớn, trên có những chồng gối xếp vuông bọc vải ngủ sắc để bà Từ Cung ngồi tựa tay khi đọc sách.

Bà Từ Cung ngồi bên chiếc bàn gỗ trong căn nhà hai tầng của bà ở Huế. Ảnh: Habans Patrice.

Cách sập gỗ lớn chừng hai mét để một bàn vuông sơn son thếp vàng, trên có một khay trà dành riêng cho bà Từ Cung, cạnh bàn vuông là một sập gỗ khác nhỏ hơn để cạnh cửa sổ thứ hai, trên sập trãi một nệm vải, một chồng gối xếp, đó là nơi bà Từ Cung ngủ. Bà thường ngồi trên chiếc ghế độc nhất để cạnh bàn vuông khi tiếp khách, khách lạ đến thường khi họ không ngồi mà chỉ đứng dọc bức tường giữa hai lối đi, khách thường kính cẩn khoanh tay hoặc chắp hai tay phía trước khi tiếp chuyện với bà Từ Cung. Mặc dầu lúc đó bà chỉ là cựu Hoàng Thái Hậu, nhưng nhiều người trong chính quyền, những nhà chính trị… thường đến thăm bà và họ tỏ vẻ rất cung kính, trong số đó có các tướng lãnh như ông Nguyễn Chánh Thi, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lữ Lan, Tôn Thất Xứng, về sau có các tướng Ngô Quang Trưởng, các tỉnh trưởng Phan Văn Khoa, Lê Văn Thân (sau nầu là thiếu tướng), Tôn Thất Khiên, Nguyễn Hữu Duệ. Các vị có chức sắc thường tỏ ý muốn giúp đở bà nhưng bà đều khéo léo từ chối, chỉ một lần bà Từ Cung nhận sự giúp đở của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là vào đầu năm 1975 khi ông đề nghị bà nên làm một hầm trú ẩn tránh bom đạn cho bản thân bà và gia nhân, Trung Tướng Trưởng đã cho Công Binh đến làm một hầm lộ thiên khá kiên cố dưới tàn cây táo cạnh căn phòng bên trái ngôi nhà.

Bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng thái hậu, vợ thứ của Vua Khải Định và mẹ vua Bảo Đại, 1890-1980) đứng trước hiên nhà ở Huế năm 1972. Ảnh: Habans Patrice.

Tầng thứ nhì của ngôi nhà bà Từ Cung cũng chia làm 3 căn giống như bên dưới, căn bên phải và căn giữa để bàn thờ các vị vua Triều Nguyễn từ thời Gia Long đến Khải Định, căn bên trái để bàn thờ Phật, hằng ngày bà thắp hương khắp các bàn thờ các vua và dành nhiều thì giờ nhất để cúng Phật và tụng kinh, bà chỉ ngưng công việc hằng ngày nầy khi bà nằm liệt giường trước khi lìa đời. Các vị chức sắc trong Phật giáo thường đến thăm và đàm đạo với bà cũng như cung cấp sách Phật vì lúc nầy sức bà đã yếu, không còn đi chùa như trước, vị ni sư như đã nói trên thường đến với bà Từ Cung nhiều hơn, có khi ở lại vài ngày, hai bà đàm đạo và giúp nhau tinh tấn việc tu. Lúc mới về ở đây bà phát nguyện ăn thập trai (ăn chay 10 ngày mỗi tháng), vài năm sau bà đã phát nguyện ăn chay trường trai, đó là điều mà em trai bà (thân phụ của người viết bài nầy) rất lo ngại cho sức khỏe của bà, vì bà thường đau yếu; ông trở thành thầy thuốc (thuốc bắc) riêng của bà từ ngày bà về đây.

Quân cộng sản chuwfn bị tấn công Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Nguồn: OntheNet

Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng tấn công Huế, bà Từ Cung may mắn ở khu vực an toàn, sau khi biết một số rất đông dân chúng Huế và phụ cận đã bị Việt Cộng giết cũng như bắt đi thủ tiêu nơi phương xa, bà đau buồn khôn xiết và ngày đêm cầu nguyện cho hương hồn các nạn nhân xấu số.

Cầu Tràng Tiên sông Hương, kết nối hai phần của Huế, đã bị Việt Cộng phá hủy, ngày 6 tháng Hai, năm 1968. Ảnh AP/ Rick Merron

Năm 1972, quân miền bắc lại tấn công miền nam diễn ra cảnh Đại Lộ Kinh Hoàng trên đường từ Quảng Trị vào Huế, dân chúng từ Quảng Trị, Đông Hà hợp với nhiều người dân ở Huế và tỉnh Thừa Thiên chạy vào Đà Nẵng và các tỉnh miền nam vì họ đã quá kinh nghiệm đau thương về Tết Mậu Thân khi Việt Cộng thảm sát hàng ngàn lương dân vô tội. Vài người đã khuyên bà Từ Cung nên vào Đà Nẵng hoặc Sài Gòn để tránh bom đạn hoặc những bất trắc có thể xẩy ra, bà nói cảm ơn và một mực khước từ:

– Bây giờ tôi tham sống sợ chết, bỏ dân ở đây mà đi, tôi đâu còn xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ, đồng bào cả nước còn xem tôi ra gì nữa?

Trong thời Ngô Đình Diệm và các vị tổng thống quân nhân, bà Từ Cung đều được chính phủ trợ cấp một ngân khoản, dù không nhiều, nhưng cũng tạm đủ để trả những chi phí về gia nhân phục vụ, còn những khoản chi tiêu khác thì bà phải bán dần những vàng bạc, nữ trang để trang trãi. Có lúc bà đã gởi tiền sang Pháp giúp ông Bảo Đại.

Những ngày cuối tháng 3 năm 1975, một khúc quanh nghiệt ngã cho đất nước Việt Nam: quân Việt Cộng tràn xuống xâm chiếm miền nam, trong khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì nhận lệnh trên di tản dù chưa đụng độ với địch. Quảng Trị đã lọt vào tay Cộng quân. Sân bay Phú Bài bị Việt Cộng pháo kích nhiều ngày hư nát, không còn xử dụng được nữa, dân chúng Huế vận dụng mọi phương tiện có được để tản cư vào Đà Nẵng, đèo Hải Vân chật nức đủ các loại xe. Đường sá ở Huế vắng teo, chỉ có những chiếc quân xa di chuyển lẻ tẻ, chợ Đông Ba không một bóng người, rác rến và thậm chí cả đồ dùng và ghế, bàn của những người vội vã chạy nạn rơi gãy nát vung vãi trên đường Trần Hưng Đạo, đường chính của phố Huế.

Ngày 25-3-75 Tiểu Đoàn 1 Quân Y chúng tôi trên đường di tản đã được lệnh rời Dạ Lê và tạm dừng chân tại Bệnh Viện Trung Ương Huế, từ đó chúng tôi có thể nghe những tiếng đạn pháo kích liên hồi của Việt Cộng bắn vào những vùng phụ cận thành phố Huế. Trong khi chờ đợi lệnh trên, người viết bài nầy đã lái xe Jeep về hướng An Cựu, đậu bên vệ đường, giao xe cho anh tài xế và vào nhà thăm bà Từ Cung. Nghe tiếng giày lính bước lạo xạo trên sõi trong sân, bà quản gia của bà Từ Cung chạy ra vừa kéo tay tôi vừa nói:

-Cậu vào đây đi, bà đang ở trong hầm trú kìa.

Tôi gỡ chiếc nón sắt xuống cầm tay, cúi đầu bước vào khung cửa thấp của hầm trú, dù với ánh sáng từ bóng điện nhỏ từ bình ac-quy, tôi nhận ra ngay cô ruột tôi đang ngồi trên một chồng gối kê trên chiếu, tôi chào bà:

-Thưa Đức Cô, cháu là thằng Định đây!

Bà mừng rỡ kéo tay tôi ngồi xuống cạnh bà, rồi bà thân mật vuốt đầu tôi như trước đây bà vẫn làm mỗi lần tôi đến thăm bà. Tôi nói:

-Thưa Đức Cô, cháu có đem theo đến đây một số gạo, thịt hộp cũng như hộp trái cây, hy vọng Đức Cô và cả nhà có thể xử dụng được thời gian trong tình trạng lộn xộn như bây giờ.

Bà Từ Cung lại xoa đầu tôi, bà nói:

-Giai đoạn dầu sôi lữa bỏng như ri (thế này) mà cháu còn nghỉ tới cô thì thật là quý lắm.

Bà ngừng một chốc rồi kéo tay tôi:

-Con ơi! Hay là con ở lại đây với cô, họ không làm gì con mô (đâu)!

Vô cùng cảm động về sự lo lắng của bà về sự an nguy của tôi, tôi ôm lấy vai bà, một hành động mà từ trước tôi không bao giờ dám làm, thân hình bà gầy hơn trước rất nhiều vì ở tuổi tác 85, và nhất là vì luôn buồn nhớ đến đứa con độc nhất cùng bầy cháu nội đã bao lâu rồi xa cách. Tôi nói:

-Thưa Đức Cô, trong tình thế nầy con cũng muốn được ở bên cô, để săn sóc cô, nhưng con đang còn trong quân đội.

Tôi quay sang các gia nhân của bà:

-Xin các bà phụ một tay với anh tài xế của tôi mang tất cả đồ vật trên xe vào nhà càng nhanh càng tốt, tôi còn phải đi gấp.

Trong khi gia nhân khuân vác đồ vật vào nhà, tôi vân vê bàn tay gầy guộc của bà, lòng xúc động:

-Thưa Đức Cô, bây giờ con phải đi cho kịp với đơn vị.

-Nhớ giữ gìn nghe con, cô luôn cầu nguyện cho con được bình an.

Rồi bà níu vai tôi cố gắng đứng dậy, đi song song với tôi tới cửa hầm trú, tôi cầm hai tay bà lần nữa rồi đi nhanh ra xe.

Rạng ngày 26 tháng 3, Huế hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản.

Quân cộng sản trong khu vực thanh nội Huế, 1975. Nguồn: VNTTX

Rồi những ngày tiếp theo Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… lần lược bị Cộng quân chiếm cứ, không còn cách nào vào Sài-Gòn, tuyệt vọng, gia đình tôi rời Đà Nẵng trở lại Huế.

Ngày hôm sau, tôi đạp xe đến thăm bà Từ Cung, không giống mọi khi, hôm đó bà tiếp khách tại gian giữa, khách lại là những người rất lạ, họ từ Hà-Nội vào phỏng vấn vị Hoàng Thái Hậu cuối cùng của Nhà Nguyễn, bà Từ Cung ngồi chính giữa ghế trường kỷ, ba người phỏng vấn để dụng cụ thâu âm trên bàn gồm một microphone gắn từ cassette. Họ hỏi bà về sinh hoạt hằng ngày của bà, bà trả lời là mọi ngày bà chỉ đọc sách Phật và tụng kinh, khi hỏi về Cựu Hoàng Bảo Đại, bà thản nhiên trả lời rằng đã từ lâu bà mất liên lạc với con trai độc nhất của bà. Cuối cùng họ mới hỏi về sức khỏe của bà mà đáng ra họ phải lịch sự hỏi bà ngay từ khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, bà cười rồi nói:

-Các ông coi (xem) 85 tuổi rồi làm sao mà mạnh cho được, có điều nhờ Phật phò hộ tôi vẫn khỏe.

Khi họ đang bước xuống bậc thềm, bà quay lại nhìn thấy tôi, mặt bà sáng hẳn lên, tôi đến cầm tay bà, bà hỏi:

-Con về đó à? Họ có bắt con không?

-Thưa Đức Cô, họ không bắt con, nhưng rồi đây con sẽ phải đi trình diện với họ và con sẽ bị buộc đi cải tạo.

-Con là bác sĩ cứu người, làm gì mà phải đi cải tạo?

Bà bảo tôi ngồi gần bà rồi kể chuyện những ngày Cộng Sản tràn vào Huế, bà nói:

– Nghe súng đạn liên hồi, cô lo cho con quá, cô ngày đêm cầu Phật độ trì cho con, lúc họ mới tràn vào Huế, cô có viết một thư đến Ủy Ban gì đó của họ để yêu cầu họ tìm con và thằng Độ giúp cô.

Trung Tá Hoàng Trọng Độ là em họ của tôi, người đã từng là quận trưởng quận Phú Lộc. Tôi xúc động về sự quan tâm và thương mến của bà đối với mình, chỉ biết xoa mãi bàn tay nhăm nheo gầy guộc của bà trong tay mình. Không ngờ rằng hôm đó là lần cuối cùng được bên bà Từ Cung, vì mấy ngày sau tôi phải đi trình diện với Uỷ Ban Quân Quản địa phương và bị đưa đi tù suốt 10 năm trường.

Từ sau khi Cộng Sản chiếm miền nam, bà Từ Cung không còn được nhận một khoản tiền hằng tháng như các chính quyền trước đó vẫn làm, dù số gia nhân đã giãm hơn trước nhiều, chi phí có ít đi, nhưng vẫn không đủ trang trãi, bà phải bán nhiều hơn số vàng bạc, của cải còn lại, các vật trang trí quý giá trong các tủ như đã kể trên ngày qua ngày… từ từ biến mất.

Đến năm 1979, bà Từ Cung tổ chức lễ thượng thọ cửu tuần (90 tuổi) cho mình, các vị chức sắc Phật Giáo, nhiều người trong Phủ Tôn Nhơn và các gia đình anh chị em bà đều đến mừng bà, ban tổ chức phải cho che vải làm rạp trước nhà mới đủ chỗ.

Một tuần sau buổi lễ thượng thọ của bà Từ Cung, chính quyền Huế đã phái 3 người đến nhà bà, lấy cớ là để chăm sóc sức khỏe cho bà, nhưng kỳ thật họ đến kiểm kê tài sản của bà, vì họ thấy một lễ thượng thọ tổ chức rầm rộ và tốn kém như vậy hẵn là bà Từ Cung còn nhiều vàng bạc và của cải quý giá lắm. Trong số 3 người cán viên Cộng Sản, chỉ có một người là y tá, họ ở hẵn trong nhà bà Từ Cung, đến bữu cơm họ thay phiên nhau đi ăn, tối chia nhau ngủ những nơi mà họ nghĩ là cất dấu của cải vàng bạc. Họ ngang nhiên đi lại, nằm ngồi bất cứ nơi nào họ muốn dụng ý chọc cho bà tức giận, họ còn căn vặn bà đủ điều về sự liên lạc giữa bà và vua Bảo Đại, họ cũng chất vấn tất cả gia nhân của bà về mọi thứ để cô lập và tạo sự bất an cho bà, bà biết họ muốn bà chết sớm đi để cướp tài sản của bà, họ ép bà uống thuốc mà họ gọi là thuốc bổ, nhưng bà cho đó là thuốc độc để giết bà, có lần quá bực bội và lo sợ bà đã phải thốt lên:

-Xin các ông đừng giết tui, tui có còn chi nữa mô (đâu)!

Bà Từ Cung đã chịu đựng cảnh bị cô lập, dọ thám, chất vấn đầy dọa dẫm suốt hơn năm trường, ăn không yên, ngủ không được, thể lực bà sa sút dần dần, thân phụ tôi đến thăm bà thường xuyên hơn để an ủi bà và cũng để chăm lo sức khỏe cho bà. Thế rồi bà Từ Cung nhuốm bệnh sau nhiều ngày khốn khổ, bà biết rằng bà sẽ không còn sống lâu được nữa, một hôm bà cho mời các vị đứng đầu Phủ Tôn Nhơn, bà Lương Linh Công Chúa, và thân phụ tôi đến gặp bà, bà nói:

-Tôi cảm kích tấm lòng của mọi người đến đây với tui.

Bà ngừng lại một lúc rồi tiếp:

-Không ai lột da sống đời, ai rồi cũng có ngày ra đi…

Bà xúc động thật sự, tiếng nói của bà tắc nghẹn ở cổ họng, sau khi uống vài ngụm nước, bà nói lớn hơn để lấy can đảm:

-Bởi vậy nên hôm nay tui mời mọi người đến đây để giúp tui làm công việc mà bây giờ tui còn đủ sức làm được, đó là viết chúc thư.

Ông Tôn Thất Hàn, chủ tịch Phủ Tôn Nhơn, lên tiếng:

-Tâu Đức Bà, chúng tôi luôn bên cạnh Đức Bà, xin Đức Bà chỉ dạy!

Bà Từ Cung nói:

-Bây giờ có đủ cả mọi người, bên Tôn Nhơn, mệ Sen và bên Phủ Nghi Quốc Công, tui có thảo một chúc thư đưa các vị xem và bổ túc, đồng thời nhờ các vị làm nhân chứng…

3 người của nhà nước Cộng Sản phái đến ngồi ở trường kỹ căn giữa đang chú ý lắng nghe diễn biến buổi họp quan trọng. Bà Từ Cung lấy dưới gối một vở tập lật trang đầu ra trưng cho mọi người xem rồi đưa cho ông Tôn Thất Hàn bảo ông đọc cho mọi người nghe, khi ông Hàn đọc xong, mọi người im lặng, bà Từ Cung rút từ lớp giữa gối xếp một gói giấy nhỏ, từ từ mở ra, đó là các tấm vàng lá, bà lặng lẽ đưa cho ông Hàn, và thân phụ tôi mỗi người 2 lượng vàng, mọi người chưa hiểu ý thì bà xuống giọng nói nhỏ vừa đủ cho những người ngồi gần nghe, bà nói:

-Để lo hậu sự cho tui!

(Hậu sự nghĩa là mọi việc trong tang lễ sau khi bà qua đời)

Mọi người im lặng nhìn bà thán phục, không ngờ ở tuổi 90, bà vẫn còn sáng suốt và đã tính trước mọi chuyện, nhất là tránh được tai mắt của 3 người lạ trong nhà đang làm công việc theo dõi mọi hành động của bà mà bà thường nhí nhỏm gọi họ là “đồ mật thám”. Mọi người thấy nội dung tờ chúc thư không có điều gì để bàn bạc sửa đổi, bà cho gọi bà Lê Thị Dinh ở bếp lên, viết lại chúc thư và mọi người ký tên, chúc thư đã được chép thành nhiều bản, bà Từ Cung một bản, Tôn Nhơn Phủ, mệ Sen, thân phụ tôi mỗi người giữ một bản với đầy đủ chữ ký.

Cung điện Hoàng gia ở Huế là một điểm thu hút khách du lịch. Ảnh: AFP

Năm 1985, sau khi ra khỏi nhà tù, người viết bài nầy được thân phụ cho xem bản chúc thư của bà Từ Cung, nội dung như sau:

Huế, ngày…tháng 8 năm 1980

CHÚC THƯ

Tôi là Hoàng Thị Cúc, Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, trước khi về với Phật và Liệt Thánh (*), trong tình trạng minh mẫn, tôi viết chúc thư nầy với  những điều khẩn thiết cuối cùng của tôi như sau:

-Sau khi tôi qua đời, xin được tiến hành tang lễ theo nghi thức Phật Giáo.

-Thân xác tôi xin được chôn cất trong lăng của tôi đã lập sẳn tại Làng Xuân Dương Xã Thủy Xuân Thành Phố Huế.

-Xin cho Tôn Nhơn Phủ và bà con của tôi được thờ phụng tôi tại tầng thứ nhất trong căn nhà tôi đang ở tại đường Phan Đình Phùng.

-Xin giữ nguyên tầng hai nhà tôi đang ở với các bàn thờ các vua nhà Nguyễn.

Những mong các điều nêu trên được thực hiện, tôi thật mãn nguyện vô cùng.

Di chúc nầy được chép thành 5 bản, những nhân chứng ký tên dưới đây giữ một bản, thư ký Lê Thị Dinh giữ một bản cho tôi.

Đoan Huy Hoàng Thái Hậu

Hoàng Thị Cúc (ký)

Chủ Tịch Tôn Nhơn Phủ                            Nghi lễ của Tôn Nhơn Phủ

Tôn Thất Hàn (ký)                                         Ưng Giáp (ký)

Lương Linh Công Chúa                                 Em trai Hoàng Thái Hậu

(ký)                                                  Hoàng Trọng Đồng (ký)

Thứ ký Lê Thị Dinh (ký)

(*) Liệt Thánh: chỉ các vị vua Nhà Nguyễn.

Một thời gian ngắn sau khi viết chúc thư, bà Từ Cung không còn muốn ăn uống, ngày đêm chỉ tụng kinh niệm Phật, sức khỏe bà suy sụp nhanh chóng. Các vị trong Tôn Nhơn Phủ lo việc nhắn tin cho hai người cháu nội của bà là Bão Ân và Phương Minh đang sống ở Sài-Gòn, Bão Ân và Phương Minh là con của vua Bảo Đại với bà phi Phi Ánh, Bão Ân có khuôn mặt giống vua Khải Định và Phương Minh thì giống vua Bảo Đại như hệt. Hai cháu nội được gần gũi bà một thời gian ngắn khi bà nằm liệt giường, hơn tuần lễ sau, vào ngày 3 tháng 10 năm Canh Thân tức 10 tháng 11 năm 1980 bà Từ Cung lìa đời. Ba người của nhà nước ở trong nhà bà Từ Cung mà bà thường gọi là “ba tên mật thám” đã lấy bản di chúc trong tay bà Lê Thị Dinh và trình lên cấp trên, họ đã để yên cho tang gia thực hiện những điều mong ước của bà Từ Cung đã ghi trong chúc thư. Tôn Nhơn Phủ, hai cháu nội cũng như bà con thân thuộc của bà Từ Cung đều đến đông đủ và tổ chức chu đáo mọi việc theo nghi thức tang lễ cung đình.

Các vị chức sắc trong Phật Giáo đã tiến hành thủ tục nhập liệm theo nghi thức Phật Giáo dưới sự chứng minh của hòa thượng Thích Đôn Hậu và với sự hộ niệm của sư bà Diệu Không cùng các vị trụ trì cùng tăng, ni các chùa ở Huế cũng như các tỉnh miền nam ra Huế, các vị còn luân phiên tụng niệm cho bà suốt thời gian tang lễ cho đến ngày đưa đám nhằm ngày 10 tháng 10 năm Canh Thân tức ngày 17-11-1980. Hôm đó trời mưa như trút nước, lễ đưa linh cữu của bà Từ Cung vẫn tiến hành như đã định, hai bên đường từ ngôi nhà bên đường Phan Đình Phùng cho đến lăng mộ của bà đều đông nghẹt người dân Huế và các nơi khác đến dù trời mưa không dứt. Đặc biệt xe tang của bà Từ Cung được kết xung quanh với hình con phụng với những hoa văn rất đẹp, tất cả đều được làm bằng trái cây do tất cả tiểu thương chợ Đông Ba đóng góp dựng nên.  Mỗi khi quan tài bà Từ Cung ngang đến đâu, dân chúng đều chắp tay vái bà với lòng tôn kính và đầy thương tiếc một vị mẫu nghi thiên hạ.

Florida, ngày 3 tháng 8 năm 2007

© 2008-2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: Bài đăng lần đâu trên DCVOnline tháng 8, 2008. DCVOnline hiệu đính, minh họa và phụ chú.


[1] Theo Lâm Quang Minh, “Mười lăm phút tiếp chuyện công dân Vĩnh Thụy sau ngày thoái vị ngôi vua (31-8-1945)”, Tạp chí Sông Hương 223 – 09 – 2007, chính Bảo Đại xác nhận câu này do Thượng thư Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe (1901-1995) viết:

“- Lâm Quang Minh: Hôm qua tôi rất thích bức thư Ngài đọc (lại là Ngài, tôi vẫn chưa quen với từ “ông”) bài văn ngắn gọn, ý tứ sâu sắc (ý tôi muốn nhắc đến câu: Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.) Có phải do Ngài tự mình viết hay qua một người khác dự thảo (thâm tâm tôi vẫn không tin là Bảo Đại có thể một mình nghĩ và viết nổi).

[Lần nay ông ta thành khẩn bộc lộ, vẫn giọng cả Tây lẫn Ta]

Bảo Đại: Jusqu’ici, tous papiers (từ trước đến nay mọi văn bản giấy tờ) đều do ông Hoè viết rất tốt. Tôi rất phục ông ta. Lần này cũng vậy, tous est conforme à mes réflexions (tất cả đều phù hợp với suy nghĩ của tôi)…”