Tin nhắn cha tôi gửi từ bệnh viện
Victor Zapana, Jr. | Quốc Việt
“Vì gia đình, thân nhân không được vào thăm bệnh nhân nhằm để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi chỉ có thể liên lạc được qua điện thoại di động của ông mà thôi.”
Bệnh viện Elmhurst ở Queens, New York đã trở thành tâm chấn của tâm chấn của đại dịch coronavirus ở Mỹ. Chỉ trong ngày 25 tháng 3, mười ba người đã chết vì coronavirus. Bên trong bệnh viện, nhân viên y tế thiếu mặt nạ phòng độc và vật dụng an toàn như găng tay, áo choàng, khiên che mặt; bên ngoài, những người có triệu chứng xếp hàng để chờ điều trị trong tiếng còi xe cứu thương hú bất kể ngày đêm. Nguồn: The Washington Post (25/3/2020)
Tin nhắn từ điện thoại của cha tôi, gửi từ bệnh viện Elmhurst Hospital
“Bố cần giúp đỡ”, cha tôi gửi tin nhắn từ bệnh viện ra.
Bố không phải là người thích nhờ vả giúp đỡ. Victor Alejandro Zapana, Sr., là 1 cựu chiến binh và là một đốc công ca đêm của Sở Giao Thông Đô Thị (Metropolitan Transportation Authority). Vào giữa tháng Ba ông bắt đầu có triệu chứng như bị cúm, và rồi bị sốt nặng. Tiếp đến là ông bị khó thở. Ông được xét nghiệm covid-19 ở Bệnh viện Cựu Chiến Binh Brooklyn Veterans Hospital, và ba ngày sau kết quả cho thấy ông đã vị nhiễm bệnh.
Ngày 19 tháng Ba, xe cứu thương đến đưa ông vào Bệnh viện Elmhurst Hospital Center, ở khu Queens. (Chưa đầy một tuần sau, trong một ngày có tới mười ba bệnh nhân ở đấy qua đời, một xe tải có hệ thống lạnh chờ sẵn ở ngoài để nhận thi hài họ.) Bố tôi gửi tin nhắn báo cho tôi như thế. Ông mới sáu-mươi-mốt tuổi. Trước khi bị nhiễm bệnh ông vẫn khỏe mạnh.
Hồi thập niên một-chín-tám-mươi, cha tôi từ Peru di cư tới Hoa Kỳ. Để rút ngắn thời gian trở thành công dân Mỹ, ông đăng lính Trừ bị. Sau đó, ông lần lượt phục vụ ở Nam Hàn, Bosnia, Kuwait và 4 chuyến ở Iraq.
Tại một quán rượu ở Hán Thành, ông gặp mẹ tôi, một kế toán viên đầy ước vọng, và hai người sau đó về sống ở New York. Tôi là con một. Bố tôi bắt đầu làm việc ở quầy bán vé đi xe điện cho Sở MTA (Cơ quan giao thông vận tải đô thị của New York), ông làm liên tục hết ca này đến ca khác ở trạm West Fourth Street để mẹ tôi có thể yên tâm không phải đi làm mà ở nhà chăm nom tôi. Sau này ông còn đi làm thêm ngoài giờ một chân đốc công giám sát việc lau chùi các trạm xe điện ngầm.
Khi nhận được tin nhắn của bố, tôi lái xe đến Elmhurst để mang cho ông một cái sạc điện cho điện thoại của ông. Vì gia đình, thân nhân không được vào thăm bệnh nhân nhằm để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi chỉ có thể liên lạc được qua điện thoại di động của ông mà thôi. Tôi phải thuyết phục mãi để một nhân viên y tế trong đó đem hộ cái sạc cho ông đang ở khu Cấp Cứu. Ông nhắn ra: Bố muốn uống nước cốt xoài!
Bố tôi không chịu nói chuyện qua điện thoại hoặc thử nói chuyện qua video vì quá khó nhọc nói không nổi. Trong khi đó mẹ tôi trong tình trạng cách ly tại nhà ở Astoria đang dần dần hồi phục với những triệu chứng nhẹ hơn, sống bằng số thực phẩm mà bà và bố tôi đã mua, khi cả hai chưa ngã bệnh. Vì thế, những tin nhắn chính là đường dây sống còn của chúng tôi.
Ngày 20 tháng Ba, toán điều trị chuyển bố tôi sang khu điều trị chung ở bệnh viện. Ông nhắn “Bố ở đây qua đêm để chờ tìm phòng”.
“Không có phòng ư?” Tôi trả lời. “Tệ thật.”
Ông cười bằng tin nhắn “LOL”. Sau đó ông nhắn “Bố cần dĩa gỏi cá”. Gỏi cá là món khoái khẩu nhất của ông và sinh nhật nào của tôi ông cũng làm món này.
Những tin nhắn gửi ra từ Elmhurst tiếp tục thường xuyên nhưng càng lúc càng có vẻ căng thẳng và đôi khi bị đứt đoạn:
“Bố chỉ muốn khỏe hơn và sống nốt những ngày còn lại với con và mẹ chứ không phải ở trong này.”
“Bố không ngủ được.”
“Bố sẽ i ra khỏi đây.” (Bố sẽ đi ra khỏi đây.)
“Sợ quá, bố gắng hết sức để thoát khỏi cơn ác mộng này.”
Vào ngày 24 tháng Ba, ông nhắn tin cho tôi biết là ông được chẩn đoán là đã bị viêm phổi. Ngoại trừ một vài cú gọi thật ngắn để hỏi số điện thoại di động của cha tôi, nhân viên bệnh viện chẳng liên lạc gì với chúng tôi hết. Ngày hôm sau bố nhắn tin cho tôi là ông đã đồng ý dự cuộc thí nghiệm loại thuốc Sarilumab. Ông viết “Nếu có chuyện không hay xảy ra thì con và mẹ tự lo liệu nhé”.
Cuối cùng tôi cũng nói chuyện được với một bác sĩ. Bà ấy bảo tôi rằng đã có nhiều cố gắng để giúp bố tôi thở — với trụ sinh các loại, hydroxychloroquine, và các loại thuốc giữ nước (water pills) — nhưng đều không hiệu quả. Mức dưỡng khí của ông cứ giảm, tới mức có thể sẽ phải đặt ống vào phổi và ông phải cần đến máy thở. Các bác sĩ quyết định sẽ chuyển ông tới tầng đặc biệt dành riêng cho những ca bị covid-19 trầm trọng hơn.
Báo tin cho bố tôi mà bằng tin nhắn qua điện thoại thì thật không phải. Tôi gọi ông. Thoạt tiên tôi chỉ nghe được tiếng ông ho và thở khò khè. Tôi báo ông biết tình trạng mức dưỡng khí trong cơ thể ông đã tuột giảm và khả năng ông phải cần đến máy thở. Cuối cùng, điều duy nhất tôi có thể nói với ông là “con yêu bố, mẹ và con thương bố, con thương bố”. Và điều ông cố gắng hết sức mới trả lời được chỉ là “Bố thương con”.
Suốt ba mươi hai tiếng đồng hồ tiếp theo đó, bố tôi hoàn toàn bặt tiếng. Phổi ông lúc ấy đang là một bãi chiến trường. Ông cứ loay hoay cố gắng để trả lời những tin nhắn của tôi. Tôi gọi vào bệnh viện liên tục nhưng không được trả lời. Có lúc họ để tôi chờ trên máy suốt hai-mươi-lăm phút rồi cú gọi bị cắt!
Vào lúc 10 g 26 tôi ngày 26 tháng Ba bố tôi viết “Họ cho bố ngủ đây. Bố yêu con và mẹ con.“ Rồi ông tiếp “Bố ân hận vì đã không là người cha đúng nghĩa. Bố mãi mãi thương con, nhớ thế nhé.”
Và rồi những tin nhắn ngưng hẳn. Tôi gọi vào bệnh viện hỏi thăm tin tức. Ngày hôm sau tôi gọi nữa, gọi nhiều lần. Một y tá hay một thư ký gì đấy làm việc ở khu của bố tôi cáu kỉnh trả lời:
“Ở đây có ba-mươi-lăm bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và họ không thể tiếp chuyện tất cả thân nhân được. Họ sẽ gọi nếu có biến chuyển trong việc chăm sóc bố anh. Việc đặt máy thở cho một bệnh nhân là chuyện nghiêm trọng, thể nào họ cũng cần phải gọi thân nhân.”
Nhân viên bệnh viện Elmhurst
Tôi hỏi lại, vì không có bác sĩ nào gọi cho tôi hết, thì liệu ông ta có thể xác nhận rằng bố tôi không phải dùng đến máy thở không? Ông ta trả lời “Tôi không thể xác nhận với anh chuyện đó được.”
Tôi tiếp tục gọi bệnh viện thêm nhiều lần nữa nhưng không được một tin tức gì hết mãi cho đến 3 g 26 phút sáng Chủ Nhật 29 tháng Ba. Một bác sĩ gọi cho tôi báo rằng cha tôi qua đời lúc 3 giờ 18! Bằng giọng hết sức mệt mỏi nhưng cố trấn tĩnh, ông ta giải thích rằng “các bác sĩ ở đây đã “cố gắng tất cả mọi cách thức có thể được.” Ông ta bảo vài ngày trước đó bố tôi đã phải dùng đến máy thở và rằng chúng tôi đều đã được báo cho biết trước về những nguy cơ khi phải dùng máy thở cho cha tôi. Khi tôi nói cho ông ta biết rằng chẳng hề có bác sĩ nào gọi cho chúng tôi hết thì ông ta bảo bệnh viện đang trong tình trạng “hết sức khó khăn” và các bác sĩ “đã tận lực”. Tới lúc đó thì tim đôi đã đập thình thịch át hẳn cả tiếng ông bác sĩ trong điện thoại.
Tôi lướt tìm những hình ảnh của bố lưu giữ trong điện thoại của tôi. Tôi sẽ cần để thu xếp cho bố một tang lễ theo đúng nghi thức dành cho một cựu chiến binh nhưng chắc là phải mất nhiều tuần, có thể nhiều tháng nữa mới được.
Tôi hy vọng rằng, trên Thiên Đàng, bố đọc được tin nhắn cuối cùng của tôi gửi cho ông “Bố lúc nào cũng ở bên con bố ơi”.
Trong kiếp này, ông đã chẳng có cơ hội kịp đọc câu ấy.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: “Texts from my Father, in Elmhurst Hospital”, The New Yorker, số ra ngày 13 Apr 2020. DCVOnline biên tập và minh họa.