Bộ trưởng Tư pháp Texas yêu cầu Tối cao Pháp viện đảo chính

Noah Feldman | DCVOnline

Ken Paxton và Donald Trump có quan điểm quái đản về công lý

Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton và cuộc chiến vô vọng của ông. Ảnh: Nicholas Kamm / AFP / Getty Images

Texas đã đệ đơn lên Tối cao Pháp viện để khởi kiện 4 tiểu bang Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Georgia — 4 tiểu bang nghiêng ngả mà Joe Biden đã thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Vụ kiện là một màn kịch, không phải là một chiến lược pháp lý đáng tin cậy.

Vụ kiện này khai thác một điểm bất thường trong Hiến pháp cho phép một tiểu bang kiện một tiểu bang khác trực tiếp tại Tối cao Pháp viện, mà không bắt đầu từ các tòa án cấp dưới. Điều đó tạo cơ hội cho các thẩm phán TCPV phán xét, trong trường hợp bất kỳ ai trong số 9 thẩm phán chọn làm như vậy.

Khó có thể có việc các thẩm phán sẽ nói bất cứ điều gì về vụ kiện này, và nó trở thành vô nghĩa sau khi Tổng thống đắc cử Biden tuyên thệ nhậm chức. Và nếu có bất kỳ thẩm phán nào có tuyên bố thì nó cũng không thay đổi kết quả bầu cử. Vì vậy, ở mức độ đó, không có gì phải lo lắng.

Tuy nhiên, nỗ lực này phản ảnh một nhận thức sâu sắc hơn về tòa án — và đó là nhận thức đáng lo ngại. Tổng thống Donald Trump đã nói rõ rằng ông muốn Tối cao Pháp viện bằng cách nào đó tìm cách để lật ngược kết quả cuộc bỏ phiếu.

Trong thế giới tưởng tượng của Trump, dường như được tổng chưởng lý tiểu bang Texas Ken Paxton chia sẻ, Tối cao Pháp viện sẽ tham gia vào một cuộc đảo chính bằng hiến pháp và trao cho Trump nhiệm kỳ thứ hai. Suy nghĩ này dựa trên quan điểm tòa án phán quyết theo tinh thần đảng phái. Đó là hành động thiếu tôn trọng nền pháp trị. Và điều đó là sai, cho dù hy vọng ở bên phải hay sợ hãi ở bên trái.

Mọi người biết rằng một vụ kiện không nghiêm trọng khi nó mở ra bằng một phần ngoại truyện — giống như một cuốn tiểu thuyết. Đơn nộp tại Texas bắt đầu bằng một trích dẫn của John Adams:

“[H] ình thức chính phủ tốt nhất được tạo ra để đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách công bằng và chính xác, là hình thức tốt nhất của các nước cộng hòa.”

John Adams

Điều này nghe có vẻ giống như một lời kêu gọi hiển nhiên đối với nền pháp trị, điều mà Adams rất quan tâm. Nhưng khi phân tích kỹ hơn, đó thực sự là một lựa chọn phù hợp một cách kỳ lạ. Nó xuất phát từ một bức thư năm 1776 của Adams gọi là “những suy nghĩ của ông về chính phủ.” Trong thư, Adams công kích ý tưởng về dân chủ — do người dân cai trị. Ông biện luận cho sự phân quyền và cho một cơ quan tư pháp có thể “làm trung gian” giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Nếu người ta định nộp đơn gởi  lên Tối cao Pháp viện yêu cầu Tòa án loại bỏ sự lựa chọn tổng thống của người dân, thì lá thư của Adams có thể là phương tiện.

Tất nhiên, vấn đề là mặc dù nhà nước pháp trị là một điều tuyệt vời, và Hiến pháp tạo ra một hệ thống chính phủ ba bên, nhưng Tối cao Pháp viện  không được phép lật đổ các cuộc bầu cử nhân danh “sự cân bằng” (dùng đúng từ mà Adams yêu thích).

Trên thực tế, lời kêu gọi của Adams để yêu cầu các thẩm phán TCPV lật ngược ý muốn của mọi người khiến bạn muốn trích dẫn Lin-Manuel Miranda diễn giải Alexander Hamilton: “John, ngồi xuống!”

Hay như James Madison đã viết cho Thomas Jefferson vào năm 1788:

“John Adams đã tự khiến mình trở nên độc hại đối với nhiều người, đặc biệt là ở các tiểu bang miền nam bằng những nguyên tắc chính trị được đưa ra trong cuốn sách của ông ấy.”

James Madison

Nếu nhân sĩ Adams không quan tâm nhiều đến người dân hoặc ý chí của họ, thì ít nhất ông ấy cũng có một lý thuyết hiến pháp phức tạp và phát triển tốt để dựa vào đó. Nhưng Trump và bầy đàn của ông không được như vậy.

Vụ kiện ở Texas theo đúng nghĩa đen là yêu cầu tòa án truất quyền của các đại cử tri từ bốn tiểu bang nghiêng ngả đã bầu cho Biden. Điều đó sẽ đưa nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng hiến pháp. Đó sẽ là sự kết thúc của nền dân chủ ở Hoa Kỳ. Đa số chín thẩm phán sẽ thay thế 330 triệu công dân làm người cai trị chúng ta.

Có thể tưởng tượng rằng tòa án thực sự làm điều này bắt nguồn từ sự hiểu nhầm về những gì đã xảy ra trong vụ Bush kiện Gore. Trump và các luật sư Texas dường như nghĩ rằng vụ án có vấn đề này đã dẫn đến việc Tòa án Tối cao trao quyền bầu cử cho George W. Bush trong khi Al Gore thực tế đã thắng.

Thực tế phức tạp hơn. Các thẩm phán TCPV năm 2000 đã dừng việc kiểm phiếu lại mà vào lúc đó, người ta tin rằng có khả năng đưa đến việc Gore thắng cuộc bầu cử đầy tranh cãi. Để chắc chắn, quyết định đó dựa trên một cách giải thích kỳ lạ của điều khoản bảo vệ bình đẳng để nói rằng sự khác biệt trong kỹ thuật kiểm phiếu đã vi phạm Hiến pháp. Nhưng toàn bộ vấn đề mà Bush kiện Gore giải quyết là một tình trạng mà trong đó thực sự không rõ ai đã thắng cử. Nó chỉ dựa trên một số ít phiếu bầu. Trên thực tế, kết quả là một vụ tung đồng xu xâp ngửa — và các thẩm phán đã ngăn việc chơi xâp ngửa, bảo đảm rằng Bush đã thắng. Tôi nghĩ rằng quyết định đó là một sai lầm trắng trợn, nhưng dù gì đi nữa, nhiều cuộc kiểm phiếu sau đó cho thấy dù sao thì Bush cũng đã thắng.

Bất kể có là lỗi của một phiên bản thần thoại của vụ Bush kiện Gore hay không, thật tệ cho hoạt động của nền dân chủ của Mỹ khi các vị hữu trách được dân cử như tổng chưởng lý Texas (không nói đến Trump ở đây) cho rằng có thể chấp nhận được việc tiếp tục yêu cầu Tối cao Tòa án làm cuộc đảo chính

Các thẩm phán đôi khi theo ý thức hệ khi cầm cân công lý. Một số người trong số họ đôi khi theo đảng phái. Vụ Bush kiện Gore đã có tính đảng phái đáng tiếc. Nhưng Tối cao Pháp viện sẽ không phá vỡ nền dân chủ. Ngay cả John Adams, người hoài nghi về quy tắc tự trị phổ biến, cũng không muốn có kết quả đó.

Noah Feldman

Tác giả | Noah Feldman là nhà báo chuyên mục Ý kiến của Bloomberg và là người dẫn chương trình podcast “Deep Background”. Ông là giáo sư luật tại Đại học Harvard và từng tập sự với Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ David Souter. Sách của ông kể cả cuốn “The Three Lives of James Madison: Genius, Partisan, President.”

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Texas AG Asks the Supreme Court for a Coup | Noah Feldman | Bloomberg News  | December 8, 2020.