Tôi đã cố thử là một người cộng sản

Richard Wright | Trần Giao Thủy

“Lực lượng trí thức của công nhân và nông dân ngày càng lớn mạnh trong cuộc đấu tranh đánh đổ giai cấp tư sản và đồng bọn, những giai cấp có học, bọn tay sai của tư bản, những kẻ tự coi mình là trí tuệ của đất nước. Trên thực tế, chúng không phải là bộ óc mà là cứt của dân tộc.” – Lenin gởi Gorky (15 tháng 9, 1919)

Nhà văn Richard Wright (1908-1960). Ảnh: CORBIS / GETTY

Nếu còn sống, Richard Wright, năm nay đã 112 tuổi. Ông là một nhà văn người Mỹ gốc châu Phi có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Richard Wright đã mở đường cho những người cầm bút da đen đi sau ông như Ralph Ellison, Chester Himes, James Baldwin, v.v.. Ngày nay, 60 năm sau khi ông qua đời, di sản của ông vẫn còn nguyên giá trị; Julia Wright, con gái của ông, hơn mười năm trước đã thành công trong việc yêu cầu HarperCollins xuất bản cuốn tiểu thuyết còn dang dở của Richard Wright khi ông qua đời. Cuốn tiểu thuyết đó xuất bản vào tháng Giêng 2008 với tựa đề, A Father’s Law.

Ông sinh ngày 4 tháng 9, 1908, tại một đồn điền ở Mississippi cách Natchez 35 km. Cả bốn ông bà của Richard Wright đều là nô lệ. Cha ông đã bỏ phế gia cang khi Richard mới 5 tuổi, và mẹ ông bị tai biến mạch máu não và bất toại trước khi ông 10 tuổi. Trong nhà hiếm khi có đủ thức ăn. Năm sáu tuổi, ông đã là một đứa bé say xỉn, do những người đàn ông thường xuyên lui tới quán rượu xúi dục. Ông bị đánh đập dã man vì phạm kỷ luật. Ông được đến trường trễ hơn những trẻ khác vì không có quần áo lành lặn. Ông chưa bao giờ tốt nghiệp trung học. Và ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã bị những người chủ kỳ thị chủng tộc sỉ nhục và hành hạ thể chất. Trong cuốn hồi ký, Black Boy, Wright đã mô tả những năm đầu đời đó là giai đoạn “đen tối và cô đơn như cái chết”, khiến ông đã suy ngẫm về cuộc sống của người da đen ở Mỹ.

Trải qua những cú sốc của thời thơ ấu, khi thói quen suy tư đã hình thành, ông thường nghiền ngẫm về sự vắng mặt kỳ lạ của lòng tốt thực sự ở những người da đen, thiếu vắng lòng trìu mến bình yên, thiếu niềm đam mê thực sự, vô vọng, niềm vui cũng rụt rè, truyền thống và ký ức trống rỗng, thiếu thốn tình cảm vô hình ràng buộc con người với con người, và nỗi tuyệt vọng cũng thật nông cạn. Sau khi học được những cách sống khác, ông  đã nghiền ngẫm về sự mỉa mai vô thức của những người cảm thấy rằng người da đen hiện hữu một cách thụ động! Wright thấy rằng những gì tưởng là sức mạnh cảm xúc của người da đen là sự bối rối tiêu cực, sự chạy trốn, nỗi sợ hãi, sự điên cuồng dưới áp lực. (Black boy, 1945)

Thái độ bi quan đó là dàn bài cho những cuốn sách đầu tiên của ông, Uncle Tom’s Children (1938), một tuyển tập truyện ngắn tả lại những cuộc tàn sát người da đen ở miền Nam, Native Son (1940), cuốn tiểu thuyết với nhân vật chính Thomas Bigger tàn bạo, đã giết một phụ nữ da trắng rồi nhét xác vào lò, và Black Boy (1945), được coi là một trong những cuốn hồi ký lớn của văn học Mỹ. Ba cuốn sách này đã nói lên sự tuyệt vọng của những người Mỹ gốc châu Phi sống trong thời đại luật pháp và thông lệ của Jim Crow. Trước Richard Wright, không ai đã bộc lộ sức mạnh tình cảm như vậy với sự áp bức mà người da đen ở Mỹ phải chịu đựng. Có thể nói rằng những cuốn sách của Richard Wright là nền móng của phong trào dân quyền trong những năm 1950 và 1960.

Một khám phá của Wright là H.L. Mencken, một bỉnh bút gay gắt của tờ Baltimore Sun và là người đồng sáng lập The American Mercury. Mencken là tác giả những câu hóm hỉnh như “Mỗi người phải xấu hổ vì chính phủ mà họ đang có”“Dân chủ là niềm tin thảm hại vào trí tuệ tập thể của sự ngu dốt cá nhân”. Trong Black Boy (trang 218), Wright đã giải thích, chính Mencken là người đã cho ông thấy có thể dùng ngôn ngữ làm vũ khí,

“Người này tranh đấu, tranh đấu bằng những con chữ. Ông ấy dùng từ ngữ như một vũ khí… có thể, có lẽ, tôi có thể sử dụng chúng như một vũ khí.”

Và ông bắt đầu dùng loại vũ khí này sau khi đến sống ở Chicago, làm việc ở bưu điện, hay tại Bệnh viện Michael Reese, hay đi quét đường và đào mương. Đồng thời, ông cũng viết một cách điên cuồng – truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, và chính luận.

Ông gia nhập đảng Cộng sản năm 1932 khi mới đến sống ở Chicago và phần lớn bài viết của ông đăng trên các tạp chí cánh tả như Anvil, Left Front, Midland Left, and New Masses. Năm 1937, Wright dọn sang New York, trở thành biên tập viên Harlem của tờ báo Cộng sản, Daily Worker, và là người đóng góp cho Dự án Nhà văn Liên bang.

Wright bỏ đảng vì sự khác biệt về quan điểm chính trị và nhân sinh quan. Khi gia nhập đảng Cộng sản ông tin rằng chính trị của chủ nghĩa Mác thích hợp với văn học, ít nhất là văn học phản ảnh và tranh đấu đòi công bằng cho người Mỹ da đen chứ không chỉ khai thác những bất bình chính đáng của họ để đạt được những mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản. Sụp đổ niềm tin đã khiến ông bỏ đảng vào năm 1942 và sau đó trở thành người chống cộng sản. Wright tin rằng sự sáng tạo của nhà văn không thể bị hạn chế và gò bó, đặc biệt là do những giới hạn mang tính chính trị, và đã là nhà văn thì nên viết như mình nghĩ. Và quan điểm này không thể hòa giải với chính sách hay nội quy của đảng cộng sản. Trong một lá thư gởi cho Maxim Gorky, Lenin viết[1],

“Lực lượng trí thức của công nhân và nông dân ngày càng lớn mạnh trong cuộc đấu tranh đánh đổ giai cấp tư sản và đồng bọn, những giai cấp có học, bọn tay sai của tư bản, những kẻ tự coi mình là trí tuệ của đất nước. Trên thực tế, chúng không phải là bộ óc mà là cứt của dân tộc.”

Trích thư Lenin gởi Gorky (15 tháng 9, 1919)

Như vậy, Richard Wright đã thấy bản chất cộng sản trước những nhà văn của Nhân văn Giai phẩm ở Việt Nam cả 10 năm khi họ sập bẫy vì chính sách Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng của cộng sản Trung Hoa.

Richard Wright chính thức chia tay với ý thức hệ cộng sản bằng một bài tiểu luận viết năm 1944, đăng trên nguyệt san Atlantic Monthly với tựa đề “I Tried to Be a Communist”. Bài tiểu luận này đã được tái bản sau chiến tranh trong tuyển tập Richard Crossman, The God That Failed. Dù công khai tố cáo Đảng Cộng sản, nhưng vì là một cựu đảng viên, và trong thời đại McCarthy của những năm 1950 vách tường hay bàn ghế của tất cả những quán café đều có tai, và trên thực tế, máy nghe lén được cho là đã được tìm thấy trong nhà của ông. Richard Wright là một nhà văn không khi nào viết vì bị đe dọa. Ông đã bị các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ – FBI, Bộ Ngoại giao và CIA – theo dõi và quấy rối trong suốt quãng đời còn lại.

Sau một thời gian ngắn sống ở Quebec, Canada, Wright đã sang Paris làm người biệt xứ. Qua sự giúp đỡ của nhà văn Gertrude Stein, Richard Wright được chính phủ Pháp chính thức mời sang Paris vào tháng 5, 1946. Ông hài lòng ngay với vẻ đẹp của kinh đô ánh sáng và đặc biệt cảm kích bầu không khí không căng thẳng và không có xung đột vì sự khác biệt màu da. Ông được tự do, thoát khỏi những thành kiến, “[Ở Paris] tôi chưa hề cảm thấy một khoảnh khắc buồn phiền.”[2] Giới văn sĩ và giới trí thức ở đó đối xử với ông trước nhất như một nhà văn, thứ đến mới là một người da đen. Bạn của ông ở Paris có Simone de Beauvoir, Jean-Paul Sartre, và dĩ nhiên rất nhiều văn sĩ da đen khác. Vợ ông, Ellen Wright, sau đã trở thành người phụ trách phát hành cho de Beauvoir. Những dạ tiệc giới thiệu ông còn có những khách đến dự như Albert Camus, André Gide. Đến năm 1947 ông đưa cả gia đình sang sống ở thủ đô nước Pháp và trở thành công dân Pháp vào cùng năm, và không bao giờ muốn trở về Mỹ. Một trong nhiều lý do ông không muốn hồi hương vì không muốn con mình phải sống cuộc đời bị kỳ thị, khinh rẻ như bao nhiêu người da đen khác. Dù chu du khắp nơi, từ châu Âu sang châu Á và châu Phi để lấy cảm hứng viết nhưng ông sống gần như hết phần đời còn lại tại Paris.

Richard Wright và vợ, Ellen, với Simone de Beauvoir (giữa) trong lần đầu bà đến Thành phố New York, năm 1947. Nguồn: http://thisrecording.com

Ông mất tại Paris vào ngày 28 tháng 11 năm 1960, vì một cơn đau tim khi mới 52 tuổi dù không có tiền sử bệnh tim. Oliver Harrington, một người sống lưu vong với Wright ở Paris, tin rằng ông đã bị CIA ám sát. Con gái của Wright, Julia, cũng tin rằng Wright đã bị những người ở tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Paris mưu sát.

Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 1960, vào khoảng tháng 3, từ Paris Richard Wright đã viết cho một người bạn và là dịch giả người Hòa Lan Margrit de Sablonière[3] ở Leiden, Holland.

“Chị không phải lo lắng về việc tôi gặp nguy hiểm…. Thật ra, tôi không phải là kẻ vô danh ở đây và tôi có những người bạn trong chính nội các của de Gaulle. Tất nhiên, tôi không muốn bất cứ điều gì xảy ra với mình, nhưng nếu điều đó xảy ra, bạn bè của tôi sẽ biết chính xác nó đến từ đâu đến…. Cho đến nay, đối với người Mỹ, tôi tệ hơn cả một người Cộng sản, vì tác phẩm của tôi như một cái bóng đè trên chính sách của họ ở Châu Á và Châu Phi…. Họ đã yêu cầu tôi hết lần này đến lần khác hãy làm việc cho họ: nhưng tôi thà chết trước đã.”

Mới đây, 1 tháng 5, 2021, tạp chí Atlantic đã cho đăng lại tiểu luận “I Tried to Be a Communist” với ghi chú của biên tập viên:

“The Atlantic đã đăng “Tôi đã cố thử là một người cộng sản” làm hai phần, trong các số tháng 8 và tháng 9 năm 1944. Trong bài viết, tác giả Richard Wright, người đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Native Son (Người con  bản xứ) vào năm 1940, kể lại những chuyện đầu tiên đã lôi kéo ông vào Đảng Cộng sản vào những năm 1930, và chuyện gì cuối cùng đã khiến ông bỏ đảng.

Trong số ra tháng 6 năm 2021 của The Atlantic, Imani Perry xem lại The Man Who Lived Underground (Người sống bí mật), một cuốn tiểu thuyết của Wright viết vào đầu những năm 1940 chưa từng được xuất bản. Một số người cùng thời với Wright đã chỉ trích những gì họ coi là sự xâm nhập của chính trị vào nghệ thuật của ông; Ralph Ellison, Perry viết, nghĩ rằng Wright “viết tiểu thuyết quá mang tính tư tưởng và không đủ nhạy cảm với sắc thái.” Tuy nhiên, Perry lập luận, ‘Wright xứng đáng được nhìn lại.’ ‘Tôi đã cố thử là một người cộng sản’, cho thấy Wright vật lộn với mối quan hệ không mấy dễ chịu giữa Chủ nghĩa cộng sản và tác phẩm của mình, là một điểm tốt để bắt đầu.”

Richard Wright ở Paris, Pháp những năm 1950 – Nhà văn Mỹ Richard Wright trong quán cà phê Tournon ở Paris. Ảnh của Dominique BERRETTY 01/01/1950/Gamma-Rapho qua Getty Images.

Tôi đã cố thử là một người cộng sản

1

Vào một đêm thứ Năm, tôi nhận được lời mời từ một nhóm những thanh niên da trắng, mà tôi quen khi làm việc trong bưu điện, đến gặp nhau tại một trong những khách sạn ở Chicago’s South Side và tranh luận về tình hình thế giới. Khoảng mười người chúng tôi tụ tập, ăn bánh mì kẹp xúc xích Ý, uống bia và nói chuyện. Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người trong số họ đã gia nhập Đảng Cộng sản. Tôi thách thức họ bằng cách kể lại những trò hề của những người Cộng sản da đen mà tôi đã thấy trong công viên, và tôi được cho biết rằng những trò hề đó là “chiến thuật” và tất cả đều đúng. Tôi còn ngờ vực.

Rồi một đêm thứ Năm, Sol, một người Do Thái, khiến chúng tôi giật mình khi thông báo rằng anh đã có một truyện ngắn được một tạp chí nhỏ tên là Anvil, do Jack Conroy biên tập, nhận đăng và anh đã tham gia một tổ chức nghệ sĩ cách mạng, Câu lạc bộ John Reed. Sol liên tục năn nỉ tôi tham gia các buổi họp của câu lạc bộ. Sol nói,

“Anh sẽ thích họ.”

Tôi nói, “Tôi không muốn được tổ chức.”

Anh nói, “Họ có thể giúp anh viết.”

Tôi nói, “Không ai có thể bảo tôi phải viết như thế nào hoặc viết gì.

Anh thúc giục, “Hãy đến xem. Anh chẳng mất gì cả?”

Tôi cảm thấy rằng những người Cộng sản không thể có một sự quan tâm chân thành đến Người da đen. Tôi đã hoài nghi và tôi thà nghe một người da trắng nói rằng anh ta ghét người da đen, điều mà tôi có thể dễ dàng tin được, còn hơn phải nghe anh ta nói rằng anh ta tôn trọng người da đen, điều có thể khiến tôi nghi ngờ anh ta.

Một tối thứ Bảy, chán đọc sách, tôi quyết định xuất hiện tại Câu lạc bộ John Reed với tư cách là một khán giả làm vui. Tôi đi đến the Loop và tìm thấy số. Một cầu thang tối dẫn lên trên; nó trông không được hân hoan lắm. Điều gì quan trọng trên trái đất có thể xảy ra ở một nơi tồi tàn như vậy? Qua cửa sổ phía trên tôi nhìn thấy những bức tranh tường mơ hồ dọc theo những bức tường. Tôi leo cầu thang đến một cánh cửa có chữ: câu lạc bộ john reed chicago.

Tôi mở cửa và bước vào căn phòng kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy. Giấy và tàn thuốc nằm trên sàn. Một vài chiếc ghế dài chạy dọc theo các bức tường, bên trên là những mảng màu sặc sỡ mô tả những hình dáng khổng lồ của những người công nhân đang mang những biểu ngữ. Miệng của những người công nhân há hốc ra những tiếng kêu hoang dại; chân họ ở khắp nơi trên các thành phố.

“Chào anh.”

Tôi quay lại và thấy một người đàn ông da trắng đang mỉm cười với tôi. tôi nói với anh ấy,

“Một người bạn của tôi, là thành viên của câu lạc bộ này, đã đề nghị tôi đến thăm nơi đây. Anh ấy tên là Sol ––.”

Tóc anh ta hơi bạc và để ria mép. Người đàn ông da trắng nói: “Không hề gì. Chúng ta sẽ không sinh hoạt tối nay. Chúng tôi đang tổ chức một cuộc họp biên tập. Anh có vẽ không? ”

Tôi nói, “Không. Tôi viết.”

Anh ta đề nghị, “Vậy thì hãy ngồi vào cuộc họp biên tập của tạp chí Mặt trận Cánh tả của chúng tôi.”

Tôi nói, “Tôi không biết gì về việc biên tập.”

Anh ấy nói, “Anh có thể học.”

Tôi nhìn anh ta chằm chằm, nghi ngờ, và nói,

“Tôi không muốn cản đường ở đây.”

Anh ta nói, “Tên tôi là Grimm.”

Tôi nói với anh ấy tên của tôi và chúng tôi bắt tay nhau. Anh ta đi đến một tủ quần áo và trở lại với một đống tạp chí.

Anh ta nói, “Đây là một  vài số cũ của tạp chí “Mases”. Anh có bao giờ đọc nó chưa?”

Tôi nói, “Không.”

 Anh ta giải thích, “Một số nhà văn xuất sắc nhất ở Mỹ đã viết trong đó.” Anh ấy cũng đưa cho tôi những số của một tạp chí có tên là Văn học Quốc tế. “Có những bài ở đây của Gide, Gorky –”

Tôi hứa với anh ấy tôi sẽ đọc. Anh ấy đưa tôi đến một văn phòng và giới thiệu tôi với một anh chàng Do Thái, người sẽ trở thành một trong những họa sĩ hàng đầu của đất nước, với một người sẽ trở thành một trong những nhà soạn nhạc lỗi lạc trong thời đại của anh ấy, với một nhà văn đã viết một số những cuốn tiểu thuyết hay nhất trong thế hệ của anh ấy, về một cậu bé Do Thái trẻ tuổi đã đựơc định trước để quay phim về cuộc chiếm đóng Tiệp Khắc của Đức Quốc xã. Tôi đã gặp những người đàn ông và phụ nữ mà tôi nên biết trong nhiều thập kỷ tới, những người đã hình thành mối quan hệ bền vững đầu tiên trong đời tôi.

Tôi ngồi trong một góc và lắng nghe trong khi họ thảo luận về tạp chí của họ, Mặt trận Cánh tả. Họ có đối xử nhã nhặn với tôi vì tôi là người da đen không? Tôi phải để lý trí lạnh lùng hướng dẫn tôi đối với những người này, tôi tự nhủ. Tôi đã được yêu cầu đóng góp một cái gì đó đối với tạp chí, và tôi nói một cách mơ hồ rằng tôi sẽ suy nghĩ. Sau cuộc họp, tôi gặp một cô gái người Ireland làm việc cho một công ty quảng cáo, một cô gái làm công tác xã hội, một giáo viên, và vợ của một giáo sư đại học nổi tiếng. Tôi đã từng làm đầy tớ cho những người như thế này và tôi đã hoài nghi. Tôi đã cố gắng tìm hiểu động cơ của họ, nhưng tôi không thể phát hiện ra sự hạ mình nào ở họ.

2

Tôi đã về nhà đầy suy tư, thăm dò lòng chân thành của những người da trắng kỳ lạ mà tôi đã gặp, tự hỏi họ thực sự coi người da đen như thế nào. Tôi nằm trên giường của mình và đọc các tạp chí và ngạc nhiên khi thấy rằng trên thế giới này thực sự có một cuộc tìm kiếm có tổ chức để tìm ra sự thật về cuộc sống của những người bị áp bức và bị cô lập. Khi tôi xin quan chức ổ bánh mì, tôi đã lờ mờ tự hỏi liệu những người bị ruồng bỏ có thể thống nhất trong hành động, suy nghĩ và cảm nhận hay không. Bây giờ tôi đã biết. Nó đã được thực hiện ở một phần sáu trái đất rồi. Những dòng chữ cách mạng nhảy ra từ trang giấy báo và đập vào tôi một sức mạnh khủng khiếp.

Đó không phải là kinh tế học của chủ nghĩa Cộng sản, cũng không phải sức mạnh to lớn của các tổ chức nghiệp đoàn, cũng không phải sự sôi động của chính trị ngầm đã chinh phục được tôi; tôi chú ý và bị thu hút vì sự giống nhau trong kinh nghiệm của những người lao động ở các vùng đất khác, vì khả năng hợp nhất các dân tộc rải rác nhưng tốt bụng thành một tổng thể. Đối với tôi, dường như cuối cùng ở đây, trong lĩnh vực biểu hiện tính cách mạng, kinh nghiệm của người da đen có thể tìm thấy một ngôi nhà, một giá trị hoạt động và vai trò. Trong số các tạp chí tôi đọc, tôi thấy có một lời kêu gọi thiết tha về những kinh nghiệm của những người mất quyền thừa kế, và không có bất kỳ câu nói ngọng nghịu nào của nhà truyền giáo trong đó. Nó không nói: “Hãy giống như chúng tôi và chúng tôi thích anh, có thể.” Nó nói: “Nếu anh có đủ can đảm để nói ra anh là ai, anh sẽ thấy rằng anh không đơn độc.” Nó đã thôi thúc cuộc sống tin yêu vào cuộc sống.

Tôi đọc trong đêm; sau đó, đến gần sáng, tôi ra khỏi giường và nhét giấy vào máy đánh chữ. Cảm giác lần đầu tiên có thể nói với những tai nghe, tôi đã viết một bài thơ hoang đường, thô thiển bằng thể thơ tự do, hình ảnh những bàn tay đen đúa chơi, làm việc, cầm lưỡi lê, cuối cùng cứng đờ khi đã chết. Tôi cảm thấy rằng một cách vụng về nó đã liên kết cuộc sống của người da trắng với người da đen, hòa trộn hai luồng kinh nghiệm chung.

Tôi nghe thấy ai đó đang lục đục trong nhà bếp.

Mẹ tôi gọi, “Richard, con ốm à?”

“Không. Con đang đọc.”

Mẹ tôi mở cửa và tò mò nhìn vào đống tạp chí nằm trên gối tôi.

Bà hỏi, “Con không phí tiền mua những tạp chí đó, phải không?”

“Không. Người ta đưa cho con.”

Bà khập khễnh đến giường với đôi chân bị tật và nhặt một số “Masses” có biếm họa Ngày Lao động khủng khiếp. Bà chỉnh lại cặp kính của mình và nhìn chằm chằm vào nó một lúc lâu.

Bà thở dài kinh hoàng, “Lạy Chúa trên thiên đường.”

“Có chuyện gì vậy mẹ?”

Bà hỏi, đưa tạp chí cho tôi, chỉ vào trang bìa. “Cái này là cái gì? Có chuyện gì với người đàn ông đó?”

Với mẹ tôi đứng bên cạnh, cho tôi mượn đôi mắt của mình, tôi nhìn chằm chằm vào bức tranh biếm họa do một họa sĩ Cộng sản vẽ; Đó là hình một người công nhân mặc áo yếm rách rưới và giơ cao biểu ngữ đỏ. Đôi mắt của người đàn ông lồi ra; miệng anh ta há to bằng khuôn mặt của anh ta; răng của anh ấy lộ ra; các cơ ở cổ anh ta giống như dây thừng. Theo sau người đàn ông là một đám đông gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em không ngoan cố, đang vẫy gậy, đá và chĩa.

Mẹ tôi hỏi, “Những người đó sẽ làm gì?”

Tôi lưỡng lự, “Con không biết.”

“Đây có phải là những tạp chí Cộng sản không?”

“Đúng ạ.”

“Và họ có muốn mọi người hành động như vậy không?”

 Tôi do dự, “…Con.”

Mặt mẹ tôi lộ rõ ​​vẻ căm phẫn và ghê tởm. Bà là một người phụ nữ dịu dàng. Lý tưởng của bà là Chúa Kitô trên thập tự giá. Làm sao tôi có thể nói với bà rằng Đảng Cộng sản muốn bà ấy diễn hành trên đường phố, hô vang, ca hát?”

Mẹ tôi hỏi, “Những người Cộng sản nghĩ người dân là gì?”

Tôi nói, lóng ngóng với những câu chữ của mình, “Chúng không hoàn toàn có nghĩa là những gì mẹ thấy ở đó.”

“Vậy thì ý họ là gì?”

Tôi nói, “Đây là biểu tượng.”

“Vậy tại sao họ không nói ra ý của họ?”

“Có thể họ không biết làm thế nào.”

“Vậy tại sao họ in những thứ này?”

Tôi thừa nhận, tự hỏi tôi có thể thuyết phục ai về điều này nếu tôi không thể thuyết phục mẹ tôi. “Họ hoàn toàn không biết cách thu hút mọi người.”

“Bức ảnh đó đủ khiến người ta phát điên.” Bà nói, bỏ tờ tạp chí xuống, quay người rời đi rồi dừng lại ở cửa. “Con không đàn đúm với những người đó chứ?”

Tôi né tránh, “Con chỉ đang đọc thôi, mẹ ạ.”

Mẹ tôi bỏ đi và tôi nghiền ngẫm sự thật rằng tôi đã không thể đáp ứng được thử thách đơn giản của mẹ. Tôi nhìn lại trang bìa của tạp chí “Masses” và tôi biết rằng bức biếm họa hoang dã không phản ánh niềm đam mê của quần chúng. Tôi đã đọc lại tờ tạp chí và tin chắc rằng phần lớn cách diễn đạt thể hiện những gì nghệ sĩ nghĩ sẽ thu hút người khác, những gì họ nghĩ sẽ thu hút được những người được chiêu mộ. Họ có một chương trình, một lý tưởng, nhưng họ vẫn chưa tìm ra ngôn ngữ.

Đây, rồi, là một cái gì mà tôi có thể làm, tiết lộ, nói. Tôi cảm thấy những người Cộng sản đã đơn giản hóa kinh nghiệm của những người mà họ muốn lãnh đạo. Trong nỗ lực chiêu mộ quần chúng, họ đã bỏ qua ý nghĩa cuộc sống của quần chúng, đã quan niệm về con người một cách quá trừu tượng. Tôi sẽ cố gắng đặt lại một số ý nghĩa đó. Tôi sẽ nói với những người Cộng sản cảm giác của những người dân thường, và tôi sẽ nói với những người dân thường về sự hy sinh quên mình của những người Cộng sản vì sự thống nhất với người dân.

Biên tập viên của  tờ Mặt trận Cánh tả (Left Front) đã nhận hai bài thơ thô thiển của tôi để đăng, tôi gửi hai bài đến tờ Cái Đe (Anvil), của Jack Conroy và gửi một bài khác đến tạp chí “New Masses”, hậu thân của Masses. Nghi ngờ vẫn còn lởn vởn trong tâm trí tôi.

Tôi nói với anh ấy, “Đừng gửi chúng nếu anh nghĩ rằng chúng không đủ tốt.”

Anh nói, “Hay rồi.”

Tôi hỏi, “Anh đang làm điều này để mời tôi tham gia?”

Anh ta nói, “Không. Những bài thơ của anh thật thô thiển, nhưng tốt cho chúng tôi. Anh thấy đấy, tất cả chúng ta đều mới trong lĩnh vực này. Chúng tôi viết bài về người da đen, nhưng chúng tôi không bao giờ thấy bất kỳ người da đen nào. Chúng tôi cần bài của anh.”

Tôi đã ngồi xem qua một số cuộc họp của câu lạc bộ và rất cảm kích về quy mô và sự nghiêm túc trong hoạt động của câu lạc bộ. Câu lạc bộ đã yêu cầu chính phủ tạo công ăn việc làm cho các nghệ sĩ thất nghiệp; nó đã lên kế hoạch và tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật; nó đã gây quỹ cho việc xuất bản tạp chí Mặt trận Cánh tả; và nó đã gửi nhiều diễn giả đến các cuộc họp nghiệp đoàn. Các thành viên nhiệt thành, dân chủ, không ngừng nghỉ, háo hức, hy sinh quên mình. Tôi đã bị thuyết phục, và phản ứng của tôi là tự đặt cho mình nhiệm vụ làm cho người da đen biết Cộng sản là gì. Tôi có ý tưởng viết một loạt bản phác thảo tiểu sử của những người Cộng sản da đen. Tôi không nói với ai về ý định của mình, và tôi không biết tham vọng của mình ngây ngô đến mức nào.

3

Tôi đã tham dự nhưng ở một vài cuộc họp trước khi tôi nhận ra rằng một cuộc đâu tranh phe phái gay gắt đang diễn ra giữa hai nhóm thành viên của câu lạc bộ. Những lập luận sắc bén dấy lên trong mọi cuộc họp. Tôi nhận thấy rằng một nhóm nhỏ họa sĩ đã thực sự lãnh đạo câu lạc bộ và chi phối chính sách của nó. Nhóm các nhà văn mà trung tâm là Mặt trận Cánh tả phẫn nộ với sự lãnh đạo của các họa sĩ. Quan tâm đến Mặt trận cánh tả là chính, tôi đứng về phía các nhà văn.

Sau đó, đã xảy ra một sự kỳ lạ. Nhóm Mặt trận Cánh tả tuyên bố ban lãnh đạo đương nhiệm không phản ảnh mong muốn của câu lạc bộ. Một cuộc họp đặc biệt đã được triệu tập và với đề nghị bầu lại một bí thư điều hành. Tôi đã được đề cử cho vị trí đó. Tôi đã từ chối sự đề cử, nói với các thành viên rằng tôi quả không biết về mục tiêu của họ để được xem xét một cách nghiêm túc. Cuộc tranh luận kéo dài suốt đêm. Cuộc bầu phiếu thực hiện vào buổi sáng sớm bằng cách giơ tay, và tôi đã được bầu.

Sau đó, tôi biết được chuyện gì đã xảy ra: các nhà văn của câu lạc bộ đã quyết định dùng tôi để loại bỏ các họa sĩ, những người là đảng viên, khỏi ban lãnh đạo của câu lạc bộ. Tôi không được biết và không có sự đồng ý của tôi, họ đã đối đầu với các đảng viên bằng một người da đen, biết rằng những người Cộng sản sẽ khó từ chối bỏ phiếu cho một người đại diện cho sắc tộc thiểu số lớn nhất trong cả nước, vì bình đẳng của người da đen là một trong các nguyên lý chính của chủ nghĩa cộng sản.

Với tư cách là lãnh đạo của câu lạc bộ, tôi sớm biết được bản chất của cuộc chiến. Những người Cộng sản đã bí mật tổ chức một “chi bộ” trong câu lạc bộ; tức là, một phần nhỏ thành viên của câu lạc bộ là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản. Họ sẽ gặp nhau bên ngoài câu lạc bộ và quyết định những chính sách mà câu lạc bộ phải tuân theo; trong các cuộc họp câu lạc bộ, sức mạnh tuyệt đối của lập luận của họ thường thuyết phục những người không phải là đảng viên bỏ phiếu với họ. Điểm mấu chốt của cuộc chiến là các thành viên không phải đảng viên phẫn nộ với những yêu cầu quá đáng của đảng bộ địa phương đối với câu lạc bộ qua chi bộ này.

Yêu cầu của đảng bộ địa phương về tiền bạc, diễn giả và họa sĩ áp phích quá lớn nên việc xuất bản tạp chí Mặt trận Cánh tả đang gặp nguy hiểm. Nhiều nhà văn trẻ đã tham gia câu lạc bộ vì hy vọng được đăng bài trên Mặt trận Cánh tả, và khi Đảng Cộng sản thông báo qua chi bộ rằng tạp chí này nên được giải thể, các nhà văn đã bác bỏ quyết định này, một hành động được hiểu là đối đầu với đảng bộ.

Tôi đã cầu xin các đảng viên để cho câu lạc bộ có một chương trình tự do hơn. Cảm giác dữ dội và cay đắng. Sau đó, cuộc thách thức đã đến. Tôi được thông báo rằng nếu tôi muốn tiếp tục làm bí thư của câu lạc bộ, tôi phải gia nhập Đảng Cộng sản. Tôi tuyên bố rằng tôi ủng hộ một chính sách cho phép phát triển nhà văn và nghệ sĩ. Chính sách của tôi đã được chấp nhận. Tôi đã ký vào thẻ đảng viên.

Một đêm nọ, một chàng Do Thái xuất hiện tại một trong những cuộc họp của chúng tôi và tự giới thiệu mình là Đồng chí Young của Detroit. Anh ấy nói với chúng tôi rằng anh ấy là một đảng viên của Đảng Cộng sản, một thành viên của Câu lạc bộ Detroit John Reed, và anh ấy dự định sinh sống ở Chicago. Anh ta là một anh chàng lùn, thân thiện, tóc đen, biết đọc với đôi môi chúm chím và đôi mắt lồi. Thiếu người để thực hiện các yêu cầu của Đảng Cộng sản, chúng tôi đã đón nhận anh ta. Nhưng tôi không thể hiểu được tính cách của Young; bất cứ khi nào tôi hỏi anh ta một câu hỏi đơn giản, anh ta ở đâu đâu và lắp bắp một câu trả lời bối rối. Tôi quyết định gửi tài liệu tham khảo của anh ấy đến Đảng Cộng sản để điều tra và ngay lập tức đưa anh ấy vào danh sách thành viên của câu lạc bộ. Tôi nghĩ là anh ấy được. Chỉ là một nghệ sĩ kỳ lạ.

Sau cuộc họp, đồng chí Young đã đặt một vấn đề  với tôi. Anh ta không có tiền, anh ta nói, và hỏi liệu anh ta có thể ngủ tạm trong khuôn viên của câu lạc bộ không. Tin rằng anh ta trung thành, tôi đã cho phép anh ta. Ngay tức thì Young trở thành một trong những thành viên hăng hái nhất của tổ chức, được mọi người ngưỡng mộ. Những bức tranh của anh ấy – mà tôi không hiểu – đã gây ấn tượng với những nghệ sĩ giỏi nhất của chúng tôi. Không có báo cáo nào về Young đến từ Đảng Cộng sản, nhưng vì Young có vẻ là một người làm việc tận tâm, dù sao đi nữa tôi không nghĩ rằng việc thiếu báo cáo là việc nghiêm trọng.

Tại một cuộc họp vào một đêm, Young yêu cầu tên của anh ấy được đặt trong chương trình nghị sự; Khi đến lượt phát biểu, anh ấy đã đứng dậy và phát động một trong những cuộc tấn công chính trị bạo lực và cay đắng nhất trong lịch sử câu lạc bộ nhằm vào Swann, một trong những nghệ sĩ trẻ xuất sắc nhất. Chúng tôi đã rất kinh hoàng. Young cáo buộc Swann là kẻ phản bội công nhân, kẻ cơ hội, kẻ cộng tác với cảnh sát, và là người theo Trotsky. Đương nhiên, hầu hết các thành viên của câu lạc bộ đều cho rằng Young, một đảng viên, đang nói lên ý tưởng của đảng. Ngạc nhiên và bối rối, tôi đề nghị rằng tuyên bố của Young sẽ được chuyển đến ủy ban điều hành để quyết định. Swann phản đối một cách đúng đắn; anh ta tuyên bố rằng anh ta đã bị tấn công trước công chúng và sẽ trả lời trước công chúng.

Tất cả đã đồng ý rằng Swann nên được nói. Anh ta bác bỏ những cáo buộc ngông cuồng của Young, nhưng phần lớn các thành viên của câu lạc bộ đều hoang mang, không biết có nên tin anh ta hay không. Tất cả chúng tôi đều thích Swann, không tin rằng anh ấy có tội hay có bất kỳ hành vi sai trái nào; nhưng chúng tôi không muốn làm mất lòng đảng. Một cuộc đấu khẩu xảy ra sau đó. Cuối cùng, những thành viên đã im lặng vì tôn trọng đảng đã đứng dậy và yêu cầu tôi rút lại những cáo buộc ngu ngốc chống lại Swann. Một lần nữa tôi đề nghị chuyển vấn đề lên ủy ban điều hành, và một lần nữa đề nghị của tôi lại bị bỏ phiếu chống. Các thành viên bây giờ đã bắt đầu không tin tưởng vào động cơ của đảng. Họ sợ để một ban chấp hành, đa số là đảng viên, sẽ kết tội theo lời đảng viên Young.

Sau đó, một đoàn thành viên đã hỏi tôi rằng liệu tôi có liên quan gì đến các cáo buộc của Young không. Tôi bị tổn thương và nhục nhã đến mức từ chối mọi mối quan hệ với Young. Quyết tâm kết thúc trò hề, tôi dồn Young vào chân tường và yêu cầu được biết ai đã cho anh ta quyền truy tố Swann.

“Tôi đã được yêu cầu loại bỏ những kẻ phản bội ra khỏi câu lạc bộ của.”

Tôi nói, “Nhưng Swann không phải là kẻ phản bội.”

Anh ta nói, mắt trợn trừng, khuôn mặt run lên vì say mê, “Chúng ta phải có một cuộc thanh trừng.”

Tôi thừa nhận lòng nhiệt thành cách mạng vĩ đại của anh ấy, nhưng tôi cảm thấy rằng sự nhiệt thành của anh ấy là một điều quá đáng. Tình hình trở nên tồi tệ hơn. Một phái đoàn gồm các thành viên đã thông báo với tôi rằng nếu các cáo buộc chống lại Swann không được rút lại, họ sẽ đồng loạt từ chức. Tôi luống cuống. Tôi đã viết thư cho Đảng Cộng sản để hỏi tại sao các lệnh trừng phạt Swann đã được ban hành, và nhận được trả lời rằng không có lệnh nào như vậy. Sau đó, Young đã làm gì? Ai đã thúc giục anh ta? Cuối cùng tôi đã yêu cầu xin câu lạc bộ cho tôi đặt vấn đề trước giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sau một cuộc tranh luận gay gắt, đề nghị của tôi đã được chấp nhận.

Một đêm, mười người chúng tôi gặp nhau trong văn phòng của một lãnh đạo đảng để nghe Young trình bày lại những cáo buộc của anh ta đối với Swann. Người lãnh đạo đảng, ơ hờ và phỉnh phờ, đã ra hiệu cho Young bắt đầu. Young mở một tập giấy tờ và kê khai một danh sách các cáo buộc chính trị vượt trội so với các cáo buộc trước đây của anh ta. Tôi nhìn chằm chằm vào Young, cảm thấy rằng anh ta đang mắc một sai lầm đáng sợ, nhưng lại sợ anh ta vì anh ta, bằng chính lời của anh ấy, được sự chấp thuận của cơ quan chính trị cấp cao.

Khi Young nói xong, lãnh đạo đảng hỏi, “Đồng chí có cho phép tôi đọc những lời buộc tội này không?”

Young nói, “Tất nhiên. Đồng chí có thể giữ bản sao đó. Tôi có mười phó bản”, và nộp bản sao cáo trạng của mình

Người lãnh đạo hỏi, “Tại sao đồng chí lại làm nhiều phó bản như vậy?”

Young nói: “Tôi không muốn ai lấy trộm chúng.”

Swann nói, “Nếu những cáo buộc của ông này chống lại tôi được xem là nghiêm túc. Tôi sẽ từ chức và công khai tố cáo câu lạc bộ.”

Young la lên, “Quý vị thấy không! Anh ta đang làm việc cho cảnh sát!”

Tôi bị ốm. Cuộc họp kết thúc với lời hứa từ lãnh đạo đảng sẽ đọc kỹ các cáo buộc và đưa ra phán quyết về việc liệu Swann có nên bị đưa ra xét xử hay không. Tôi tin rằng có điều gì đó không ổn, nhưng tôi không thể tìm ra nó. Một buổi chiều tôi đến câu lạc bộ để nói chuyện lâu với Young; nhưng khi tôi đến, anh ấy không có ở đó. Anh ta cũng không ở đó vào ngày hôm sau. Suốt một tuần, tôi tìm Young trong vô vọng. Trong khi đó, các thành viên của câu lạc bộ hỏi nơi ở của anh ấy và họ sẽ không tin khi tôi nói với họ rằng tôi không biết. Anh ta bị ốm à? Anh ta đã được cảnh sát đến bắt chưa?

Một buổi chiều, đồng chí Grimm và tôi lẻn vào trụ sở của câu lạc bộ và mở hành lý của Young. Những gì chúng tôi nhìn thấy đã làm chúng tôi kinh ngạc và khó hiểu. Trước hết, có một cuộn giấy dài 20 thước Anh – trang này được dán sang trang khác – có các hình vẽ mô tả lịch sử loài người theo quan điểm của chủ nghĩa Mác. Trang đầu tiên có nội dung: Ghi chép bằng hình ảnh về sự tiến bộ kinh tế của con người.

Tôi nói, “Tham vọng kinh khủng.”

Grimm nói, “Anh ấy rất chăm học.”

Có những luận văn dài được viết bằng tay: một số là chính trị và một số khác đề cập đến lịch sử nghệ thuật. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm thấy một bức thư có địa chỉ gửi lại ở Detroit và tôi đã viết thư ngay để hỏi thăm tin tức về thành viên của chúng tôi. Vài ngày sau, một lá thư gửi đến có một phần nội dung như sau: –

Xin chào ông:

Để trả lời thư của ông, chúng tôi xin thông báo với ông rằng ông Young, một bệnh nhân trong viện của chúng tôi và đã trốn khỏi nơi giam giữ của chúng tôi vài tháng trước, đã bị bắt và đưa trở lại trại này để điều trị tâm thần.

Tôi như bị sét đánh. Điều này có đúng không? Không nghi ngờ gì nữa, nó là như vậy. Như thế, loại câu lạc bộ như của chúng ta đã điều hành mà một người mất trí có thể bước vào đó và giúp điều hành nó? Có phải tất cả chúng ta đều điên cuồng đến mức không thể phát giác ra một người điên khi nhìn thấy một kẻ điên?

Tôi đã đưa ra một đề nghị rằng mọi cáo buộc chống lại Swann đều được hủy bỏ, điều này đã được thực hiện. Tôi đã có lời xin lỗi Swann, nhưng với tư cách là lãnh đạo của Câu lạc bộ Chicago John Reed, tôi là một người Cộng sản tỉnh táo và trong sạch.

4

Chi bộ cộng sản trong Câu lạc bộ John Reed đã hướng dẫn tôi yêu cầu đơn vị của tôi – hay “tổ”, như nó được gọi – giao cho tôi toàn trách nhiệm trong công việc của câu lạc bộ. Tôi được hướng dẫn để báo cáo cho tổ về các hoạt động của tôi, viết, tổ chức, phát biểu. Tôi đã đồng ý và viết báo cáo.

Một tổ, đảng tịch là điều bắt buộc đối với tất cả những người Cộng sản, là hình thức tổ chức cơ bản của đảng. Các cuộc họp tổ được tổ chức vào những đêm nhất định, được giữ bí mật vì sợ cảnh sát đột kích. Không có điều gì là phản quốc xảy ra tại các cuộc họp này; nhưng một khi đã là người Cộng sản thì không cần phải mắc tội làm bậy để thu hút sự chú ý của cảnh sát.

Tôi đã tham dự cuộc họp tổ đầu tiên của mình – được tổ chức ở Black Belt ở South Side – và tự giới thiệu với người tổ chức dân Da đen. Anh ta nói, cười toe toét,

“Chào mừng, đồng chí. Chúng tôi rất vui khi có một nhà văn đồng hành cùng chúng tôi.”

Tôi nói, “Tôi không phải là một nhà văn.”

Cuộc họp bắt đầu. Khoảng hai mươi người da đen đã tập hợp. Đã đến lúc tôi phải làm báo cáo của mình và tôi lấy tờ ghi chép của mình và nói với họ về việc tôi đã gia nhập đảng như thế nào, tôi đã đăng vài bài lan man, nhiệm vụ của tôi trong Câu lạc bộ John Reed là gì. Tôi đã báo cáo xong và chờ nhận xét. Có một khoảng yên lặng. Tôi đã nhìn quanh. Hầu hết các đồng chí đều ngồi cúi đầu. Sau đó, tôi ngạc nhiên khi bắt gặp nụ cười nhếch mép trên môi của một người phụ nữ da đen. Vài phút trôi qua. Người phụ nữ da đen ngẩng đầu lên và nhìn người tổ chức. Người tổ chức nở một nụ cười. Sau đó, người phụ nữ phá ra một tràng cười không kiềm chế được, cúi người về phía trước và vùi mặt vào tay mình. Tôi nhìn chăm chăm. Tôi đã nói điều gì đó buồn cười?

Tôi hỏi, “Có chuyện gì vậy?”

Tiếng cười khúc khích trở nên của mọi  người. Người tổ chức tổ đang vân vê cây bút chì của mình, nhìn lên. Anh ta nói,

“Không sao đâu, đồng chí. Chúng tôi rất vui khi có một nhà văn trong đảng.”

Có nhiều tiếng cười ngột ngạt hơn. Những loại người này là gì? Tôi đã làm một báo cáo nghiêm túc và để tôi nghe thấy tiếng cười khúc khích. Tôi nói một cách khó chịu,

“Tôi đã làm những gì tốt nhất tôi có thể làm được. Tôi nhận ra rằng viết không phải là căn bản hay quan trọng. Nhưng, nếu có thời gian, tôi nghĩ mình có thể đóng góp.”

Người tổ chức da đen nói, “Chúng tôi biết anh có thể, đồng chí.”

Giọng điệu của anh ta gia trưởng hơn giọng của một người đàn ông da trắng miền Nam. Tôi trở nên tức giận. Tôi nghĩ rằng tôi biết những người này, nhưng rõ ràng là tôi không. Tôi muốn giải quyết vấn đề với thái độ của họ, nhưng sự thận trọng đã thôi thúc tôi nói chuyện với những người khác trước.

Trong những ngày sau đó, tôi biết được thông qua việc thẩm vấn kín đáo rằng tôi dường như là một nhân tố tuyệt vời đối với những người Cộng sản da đen. Tôi đã bị sốc khi biết rằng tôi, người chỉ mới học ở trường trung học đệ nhất cấp, đã được xếp vào hàng trí thức. Trí thức là gì? Tôi chưa bao giờ nghe thấy chữ này được sử dụng theo nghĩa mà nó được áp dụng cho tôi. Tôi đã nghĩ rằng họ có thể từ chối tôi với lý do rằng tôi không có trình độ chính trị cao; Tôi đã nghĩ rằng họ có thể nói rằng tôi sẽ phải bị điều tra. Nhưng họ chỉ đơn giản là đã cười.

Tôi mất tinh thần biết rằng những người Cộng sản da đen trong tổ của tôi đã nhận xét về đôi giày sáng bóng, chiếc áo sơ mi sạch sẽ của tôi và chiếc cà vạt mà tôi đã đeo. Hơn hết, cách ăn nói của tôi dường như là một thứ xa lạ đối với họ. Một trong những đồng chí da đen đã nói,

“Anh ấy nói như một cuốn sách.”

Và điều đó đủ để kết án tôi mãi mãi là giai cấp tư sản.

5

Trong công tác đảng, tôi đã gặp Ross, một người Cộng sản da đen, đang bị truy tố vì “kích động bạo loạn”. Ross là điển hình của một kẻ khuấy động quần chúng có hiệu quả. Sinh ra ở miền Nam, ông di cư lên miền Bắc và cuộc đời của ông phản ảnh những hy vọng và thất vọng thô thiển của người nông dân ở thành phố. Đáng tin cậy nhưng hung hăng, ông ta là một bó những điểm yếu và đức tính của một người đàn ông đấu tranh mù quáng giữa hai xã hội, của một người đàn ông sống bên lề của một nền văn hóa. Tôi cảm thấy rằng nếu tôi có thể nghe được câu chuyện của anh ấy, tôi có thể biết được một số khó khăn vốn có trong việc điều chỉnh một người nông dân với môi trường đô thị; Tôi có thể làm cho cuộc sống của anh ấy dễ hiểu hơn đối với người khác hơn là đối với chính anh ấy.

Tôi đến với Ross và giải thích kế hoạch của mình. Anh ấy dễ chịu. Anh ta mời tôi đến nhà anh ta, giới thiệu tôi với người vợ Do Thái, đứa con trai nhỏ của anh ta, bạn bè của anh ta. Tôi đã nói chuyện với Ross hàng giờ, giải thích những gì tôi đang nói, cảnh cáo anh ta không nên kể đến bất cứ điều gì mà anh ta không muốn tiết lộ. Tôi nói,

“Tôi muốn nghe những điều khiến anh trở thành một người Cộng sản.”

Đảng Cộng sản loan tin rằng tôi đang ghi chép về cuộc đời của Ross, và những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Một đêm nọ, một người Cộng sản da đen trầm lặng đến nhà tôi và gọi tôi ra đường để nói chuyện riêng với tôi. Anh ấy đưa ra dự đoán về tương lai của tôi khiến tôi hoảng sợ. Anh ta nghiêm nghị nói,

“Đồng chí Wright, trí thức không thích hợp với đảng.”

Tôi phản đối, “Nhưng tôi không phải là một trí thức.Tôi quét đường để kiếm sống.”

Tôi vừa được hệ thống cứu trợ giao nhiệm vụ quét đường với số tiền mười ba đô la một tuần.

Anh ta nói, “Việc đó không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào. Chúng tôi đã giữ hồ sơ về những rắc rối mà chúng tôi đã gặp phải với giới trí thức trong quá khứ. Người ta ước tính rằng chỉ có 13% trí thức còn lại trong đảng.”

Tôi hỏi, “Tại sao họ bỏ đi, khi anh khăng khăng gọi tôi là một trí thức?”

“Phần lớn họ tự bỏ đảng.”

Tôi nói, “À, tôi không bỏ đảng.”

Anh ta ám chỉ một cách nghiêm trọng, “Một số bị khai trừ.”

“Vì chuyện gì?”

Anh ta nói, “Vì sự phản đối chung đối với các chính sách của đảng.”

“Nhưng tôi không phản đối bất cứ điều gì trong đảng.”

“Anh sẽ phải chứng minh lòng trung thành với cách mạng của mình.”

“Làm thế nào?”

“Đảng có một cách để thử thách mọi người.”

“Anh nói đi. Thế này là nghĩa gì?”

“Anh phản ứng thế nào với cảnh sát?”

Tôi nói, “Tôi không phản ứng với họ. Tôi chưa bao giờ bị họ làm phiền.”

Anh ta hỏi, ám chỉ một người Cộng sản da đen dân quân địa phương, “Anh có biết Evans không?”

“Biết. Tôi đã thấy anh ấy; Tôi đã gặp anh ấy.”

“Anh có nhận thấy rằng anh ấy bị thương không?”

“Có. Đầu anh ấy đã được băng bó.”

Anh ta giải thích, “Anh ta bị vết thương đó do cảnh sát trong một cuộc biểu tình. Đó là bằng chứng về lòng trung thành mang tính cách mạng.”

Tôi hỏi, “Ý của anh là tôi phải bị cảnh sát đánh vào đầu để chứng minh rằng tôi chân thành?”

Anh ta nói, “Tôi không có ý nói anh làm bất cứ điều gì. Tôi đang giải thích.”

“Ví dụ một cảnh sát đập mạnh vào đầu tôi và tôi bị chấn động não. Giả sử sau đó tôi phát khùng lên. Sau đó tôi có thể viết được không? Tôi sẽ chứng minh được điều gì?”

Anh ấy lắc đầu nói: “Liên Xô đã phải xử bắn rất nhiều trí thức.”

Tôi thốt lên, “Lạy Chúa! Anh có biết mình đang nói gì không? Anh không ở Nga. Anh đang đứng trên vỉa hè ở Chicago. Anh nói chuyện như một người đi lạc trong một giấc mơ.”

Anh ấy hỏi, “Anh đã nghe nói về Trotsky, phải không?”

“Đúng.”

“Anh có biết chuyện gì đã xảy ra với ông ấy không?”

Tôi nói, “Ông ấy bị trục xuất khỏi Liên Xô.”

“Anh có biết tại sao không?”

Tôi lắp bắp, cố gắng không để lộ sự thiếu hiểu biết của mình về chính trị, vì tôi đã không theo dõi chi tiết về cuộc chiến của Trotsky chống lại Đảng Cộng sản Liên Xô,

“Ừm. Có vẻ như sau khi đảng đã quyết định, ông ta đã chống lại quyết định đó bằng cách tổ chức chống lại đảng.”

Anh ta trả lời một cách thiếu kiên nhẫn, “Đó là hoạt động phản cách mạng.”

Sau đó, tôi biết được rằng câu trả lời của tôi là không thỏa đáng, không dùng những nhóm chữ có thể chấp nhận được trong việc tố cáo cay đắng, chống lại Trotsky.

Tôi nói, “Tôi hiểu. Nhưng tôi chưa bao giờ đọc Trotsky. Lập trường của ông ấy về người thiểu số là gì?”

Anh ấy nói, “Tại sao hỏi tôi? Tôi không đọc Trotsky.”

Tôi nói, “Thế này nhé, nếu anh thấy tôi đang đọc Trotsky, điều đó có ý nghĩa gì với anh?”

Anh ta nói với giọng khó chịu, “Đồng chí, đồng chí không hiểu.”

Đến đó là kết thúc cuộc trò chuyện. Nhưng đó không phải là lần cuối cùng cũng không phải là lần cuối cùng tôi nghe thấy nhóm chữ: “Đồng chí, đồng chí không hiểu.” Tôi đã không nhận thức được việc có những ý tưởng sai lầm. Tôi chưa đọc bất kỳ tác phẩm nào của Trotsky; thực sự, điều ngược lại đã đúng. Câu hỏi về Quốc gia và Thuộc địa của Stalin đã thu hút sự quan tâm của tôi.

Trong tất cả những việc xẩy ra ở Liên Xô, cách mà rất nhiều người chậm tiến đã được dẫn dắt đến sự thống nhất ở mức quốc gia là điều khiến tôi say mê. Tôi đã kinh ngạc khi đọc cách mà những người Cộng sản đã cử các chuyên gia ngữ âm đến những vùng rộng lớn của nước Nga để lắng nghe những phương ngữ lắp bắp của những người bị sa hoàng áp bức trong nhiều thế kỷ. Tôi đã thực hiện cam kết hoàn toàn về cảm xúc đầu tiên trong đời khi tôi đọc cách các chuyên gia ngữ âm đã cấp cho những người không biết tiếng này một ngôn ngữ, báo chí, thể chế. Tôi đã đọc cách mà những người bị lãng quên này được khuyến khích giữ lại nền văn hóa cũ của họ, để thấy trong phong tục cổ xưa của họ ý nghĩa và sự thỏa mãn sâu sắc như những gì chứa đựng trong những lối sống được cho là thượng đẳng. Và tôi đã tự thốt lên rằng điều này có khác với cách mà những người da đen bị khing bỉ ở Mỹ.

Vậy thì ý nghĩa của lời cảnh cáo mà tôi nhận được từ người Cộng sản da đen là gì? Tại sao tôi lại là một người bị nghi ngờ bởi vì tôi muốn tiết lộ sự tàn phá to lớn về thể chất và tinh thần trong cuộc sống của người da đen, sự sâu sắc tiềm ẩn trong những người bị phủ nhận này, những vở kịch cũ như con người và mặt trời, núi và biển đang diễn ra trong nghèo đói của nước Mỹ da đen? Mối nguy hiểm nào trong việc thể hiện mối quan hệ thân thuộc giữa những đau khổ của Người da đen và những đau khổ của những người khác?

6

Vào một buổi sáng tôi ngồi ở nhà của Ross với vợ và con của anh ta. Tôi đang viết nguệch ngoạc trên những tờ giấy màu vàng ố. Chuông cửa vang lên và vợ của Ross ra đón một người Cộng sản da đen, một người tên là Ed Green. Anh ta cao, lầm lì, như lính, vai vuông. Tôi được giới thiệu với anh ấy và anh ấy gật đầu một cách cứng nhắc.

Anh hỏi một cách cứng nhắc, “Việc gì đang xảy ra ở đây?”

Ross giải thích dự án của tôi với anh ấy và khi Ross nói chuyện, tôi có thể thấy mặt của Ed Green tối sầm lại. Anh ta đã không ngồi xuống và khi vợ của Ross kéo chiếc ghế cho anh ta, anh ta không nghe thấy cô ấy.

Anh ấy đã hỏi tôi , “Anh sẽ làm gì với những ghi chép này?”

Tôi nói, “Tôi hy vọng sẽ dệt chúng thành những câu chuyện.”

“Anh đang hỏi các đảng viên viên trong nhóm điều gì?”

“Về cuộc sống của họ nói chung.”

Anh ấy hỏi, “Ai đã gợi ý điều này với anh?”.

“Không ai cả. Tôi đã tự nghĩ ra việc đó.”

“Anh có từng là thành viên của bất kỳ nhóm chính trị nào khác không?”

Tôi nói, “Tôi đã làm việc với đảng Cộng hòa một lần.”

Anh ấy hỏi  tới, “Ý tôi là, các tổ chức cách mạng?”

“Không. Tại sao anh lại hỏi thế?”

“Anh làm việc gì?”

“Tôi quét đường kiếm sống.”

“Anh đã học đến đâu?”

“Đã xong trung học đệ nhất cấp.”

Anh ta nói, “Anh nói chuyện như một người đã học nhiều hơn thế.”

“Tôi đã đọc sách. Tôi tự dạy mình.”

Thất vọng, anh ta nói, “Tôi không biết.”

Tôi hỏi, “Ý anh là gì? Chuyện gì vậy?”

“Anh đã cho ai xem tài liệu này?”

“Tôi chưa cho ai xem cả.”

Ý nghĩa của những câu hỏi của anh ấy là gì? Tôi ngây thơ nghĩ rằng chính anh ấy sẽ làm một hình mẫu tốt cho một bản phác thảo tiểu sử.

Tôi nói, “Tôi muốn phỏng vấn anh tiếp theo.”

Anh ta cáu kỉnh trả lời, “Tôi không muốn.”

Cách cư xử của anh ta cục mịch đến mức tôi không thúc giục anh ta. Anh ta gọi Ross vào một căn phòng phía sau. Tôi ngồi cảm thấy mình có lỗi với một điều gì đó. Trong vài phút nữa, Ed Green quay lại, nhìn chằm chằm vào tôi không nói nên lời, rồi bước ra ngoài.

Tôi hỏi Ross, “Anh ta nghĩ anh ta là ai?”

Ross nói , “Anh ấy là thành viên của Trung ương Đảng.”

“Nhưng tại sao anh ấy lại hành động như vậy?”

Ross nói một cách e dè, “Ồ, anh ấy luôn như vậy.”

Có một khoảng yên lặng dài.

Cuối cùng Ross nói, “Anh ấy tự hỏi anh sẽ làm gì với tài liệu này.”

Tôi nhìn anh ấy. Anh ta cũng đã tình nghi. Anh đang cố gắng che giấu nỗi sợ hãi trên khuôn mặt của mình.

Tôi nói, “Anh không cần phải nói với tôi bất cứ điều gì anh không muốn.”

Điều đó dường như xoa dịu anh trong giây lát. Nhưng hạt giống của  ngờ vực đã gieo. Tôi cảm thấy chóng mặt. Tôi có điên không? Hay những người này điên?

Vợ của Ross nói, “Dick, anh thấy đấy. Ross đang bị truy tố. Ed Green là đại diện của tổ chức Biện hộ Lao động Quốc tế cho Phía Nam. Nhiệm vụ của anh ấy là theo dõi những người mà anh ấy đang cố gắng biện hộ. Anh ấy muốn biết liệu Ross có đưa cho anh bất cứ thứ gì có thể dùng để chống lại anh ấy trước tòa hay không.”

Tôi không nên lời.

Tôi hỏi gặn, “Anh ấy nghĩ tôi là gì?”

Không có câu trả lời.

Tôi hét lên và đập tay xuống bàn, “Anh lạc lối!”

Ross run và xấu hổ. Anh lầm bầm, “Ồ, Ed Green chỉ quá cẩn thận thôi.”.

Tôi hỏi, “Ross. Anh có tin tôi không?”

Anh nói một cách bứt rứt, “Ồ, có chứ.”

Hai người da đen chúng tôi ngồi chung một phòng nhìn nhau ái ngại. Cả hai chúng tôi đều đói. Cả hai chúng tôi đều phụ thuộc vào tổ chức từ thiện công cộng để có miếng ăn và có chỗ ngủ. Tuy nhiên, trong lòng chúng tôi nghi ngờ về nhau hơn là về những người đã hun đúc nên cuộc đời chúng tôi.

Tôi tiếp tục ghi chép về cuộc sống của Ross, nhưng mỗi buổi sáng về sau đó lại thấy anh ấy kín tiếng hơn. Tôi thương hại và không tranh luận với anh ta, vì tôi biết rằng sự thuyết phục sẽ không làm mất đi nỗi sợ hãi của anh ta. Thay vào đó, tôi ngồi và nghe anh ấy và bạn bè anh ấy kể những câu chuyện về kinh nghiệm của người da đen miền Nam, ghi nhớ chúng trong đầu, không dám đặt câu hỏi vì sợ họ sẽ hoảng sợ.

Bất chấp nỗi sợ hãi của họ, tôi trở nên chìm đắm trong các chi tiết về đời sống của họ. Tôi đã từ bỏ ý định viết phác thảo tiểu sử và cuối cùng quyết định viết một loạt truyện ngắn, dùng tài liệu tôi có được từ Ross và những người bạn của anh ấy, dựa trên đó, hư cấu thêm. Tôi kể một câu chuyện về một nhóm những chàng trai da đen xâm nhập vào nhà của một người đàn ông da trắng và vụ giết người sau đó. Câu chuyện đã được xuất bản trong một tuyển tập với tựa đề “Big Boy Leaves Home”, nhưng sự xuất hiện của nó đã quá muộn để ảnh hưởng đến những người Cộng sản, những người đang đặt câu hỏi về việc sử dụng mà tôi đang đặt mạng sống của họ tronng đó.

Việc làm thay đổi thất thường của tôi với các nhân viên cứu trợ đã chấm dứt và tôi đi tìm việc làm hiện không có. Tôi đã vay tiền để đi lại khi làm việc của câu lạc bộ. Tôi tìm thấy một căn gác xép chật chội cho mẹ, dì và em trai tôi phía sau đường rầy xe lửa. Cuối cùng, Giới hữu trách cứu trợ đã tìm cho tôi việc làm với Câu lạc bộ thiếu niên ở khu South Side và lương của tôi chỉ đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình tôi.

Sau đó, các vấn đề chính trị dấy lên làm khổ đời tôi. Ross, người mà tôi đã cố gắng viết về cuộc đời, đã bị Đảng Cộng sản buộc tội có “khuynh hướng chống lãnh đạo”, “thái độ cộng tác viên giai cấp” và “chủ nghĩa bè phái ý thức hệ” – những cụm từ quá viễn vông đến nỗi tôi đã há hốc mồm khi nghe chúng. Và có tin đồn rằng tôi cũng sẽ phải đối diện với những cáo buộc tương tự. Người ta tin rằng tôi đã bị anh ta ảnh hưởng về mặt chính trị.

Một đêm, một nhóm đồng chí da đen đến nhà tôi và ra lệnh cho tôi tránh xa Ross.

Tôi hỏi gặn, “Nhưng tại sao?”

Họ nói, “Anh ta là một phần tử không lành mạnh. Anh không thể chấp nhận một quyết định sao?”

“Đây có phải là một quyết định của Đảng Cộng sản không?”

Họ nói, “Đúng.”

Tôi nói, “Nếu tôi phạm tội điều gì đó, tôi cảm thấy phải tuân theo quyết định của anh. Nhưng tôi đã không làm gì cả.”

Họ nói, “Đồng chí, anh không hiểu. Các đảng viên của đảng không vi phạm các quyết định của đảng.”

Tôi nói, “Nhưng quyết định của anh không áp dụng cho tôi. Tôi chẳng ra gì nếu tôi hành động như thể nó áp dụng với tôi vậy.”

Họ nói, “Thái độ của anh không xứng đáng với sự tin tưởng của chúng tôi.”

Tôi tức giận.

Tôi nổi nóng, đứng dậy và chỉ về phía căn gác tồi tàn mà tôi đang sống “Thế này này. Việc gì ở đây khiến anh sợ hãi? Anh biết tôi làm việc ở đâu. Anh biết những gì tôi kiếm được. Anh biết những người bạn của tôi. Bây giờ, điều gì, lạy Chúa, là sai nào?”

Họ bỏ đi với nụ cười vô cảm, ngụ ý rằng tôi sẽ sớm biết điều gì sai.

Nhưng đã có sự giải tỏa khỏi những cuộc đọ sức chính trị mờ ám này. Tôi thấy công việc của mình ở câu lạc bộ South Side rất hấp dẫn. Mỗi ngày, những cậu bé da đen trong độ tuổi từ tám đến hai lăm đến để bơi, vẽ và đọc. Họ là một vùng đất hoang vu và vô gia cư, lạc lõng về văn hóa, không có nguồn gốc tinh thần, là ứng viên vào các bệnh xá, nhà xác, nhà tù, trại cải tạo và chiếc ghế điện của nhà xử tử của tiểu bang. Trong nhiều giờ, tôi đã nghe họ nói về máy bay, phụ nữ, súng, chính trị và tội phạm. Cách nói của họ mạnh mẽ và đầy màu sắc như những người nói tiếng Anh từng sử dụng. Tôi giữ bút chì và giấy trong túi để ghi lại nhịp điệu từ ngữ và phản ứng của họ. Những chàng trai này không hề sợ hãi mọi người đến mức nhìn người đàn ông nào cũng giống như một điệp viên. Những người Cộng sản nghi ngờ động cơ của tôi đã không biết những cậu bé này, những giấc mơ oái oăm của họ, tất cả những số phận quá rõ ràng của họ; và tôi nghi ngờ không biết có bao giờ tôi có thể truyền tải cho họ bi kịch mà tôi đã thấy ở đây không.

7

Nhiệm vụ với Đảng đã xen vào việc viết lách của tôi. Câu lạc bộ đã quyết định về một cuộc họp của tất cả các nhà văn cánh tả ở Trung Tây. Tôi ủng hộ ý kiến đó và cho rằng hội nghị nên giải quyết các vấn đề về sáng tác. Lập luận của tôi đã bị bác bỏ. Hội nghị, câu lạc bộ quyết định, sẽ giải quyết các câu hỏi chính trị. Tôi yêu cầu một định nghĩa về những gì họ mong đợi từ các nhà văn – sách hoặc hoạt động chính trị. Cả hai, là câu trả lời. Viết một vài giờ một ngày và đi biểu tình, đình công vào những giờ khác.

Hội nghị được triệu tập với một người Cộng sản hàng đầu tham dự với tư cách là cố vấn. Câu hỏi được tranh luận là: Đảng Cộng sản mong đợi gì ở câu lạc bộ? Câu trả lời của nhân vật lãnh đạo Cộng sản đi từ việc tổ chức đến việc viết tiểu thuyết. Tôi lập luận rằng hoặc một người biết tổ chức hoặc anh ta viết tiểu thuyết. Lãnh đạo đảng cho rằng phải làm cả hai. Thái độ của người lãnh đạo đảng đã thắng thế và Mặt trận Cánh tả, mà tôi đã làm việc rất lâu, đã bị biểu quyết giải thể.

Bây giờ tôi biết rằng câu lạc bộ đã sắp chấm dứt, và tôi đứng dậy và đưa ra kết luận u ám của mình, đề nghị câu lạc bộ giải thể. “Chủ nghĩa chủ bại” của tôi, như nó người ta gọi, khiến cho tô bị sự phản đối gay gắt nhất đối từ phía người lãnh đạo đảng. Hội nghị kết thúc với việc thông qua vô số nghị quyết liên quan đến Trung Hoa, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản và các điều kiện ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau trên trái đất. Nhưng không có một ý kiến nào liên quan đến việc viết lách đã được quan tâm.

Những ý kiến mà tôi đã trình bày tại hội nghị có liên quan đến những nghi ngờ mà tôi đã khơi dậy với những người Cộng sản da đen ở miền Nam, và Đảng Cộng sản giờ đây chắc chắn rằng nó có một kẻ nội thù nguy hiểm. Người ta thì thầm rằng tôi đang muốn lãnh đạo một nhóm bí mật đối lập với đảng. Tôi đã học được rằng việc phủ nhận những lời buộc tội là vô ích. Thật là đau đớn khi gặp một người Cộng sản, vì tôi không biết thái độ của anh ta sẽ như thế nào.

Sau hội nghị, một đại hội Câu lạc bộ John Reed toàn quốc đã được triệu tập. Nó được triệu tập vào mùa hè năm 1934 với các nhà văn cánh tả tham dự từ tất cả các tiểu bang. Nhưng khi các phiên họp diễn ra, có một cảm giác lỏng lẻo, hoang mang và không hài lòng trong giới nhà văn, hầu hết họ còn trẻ, háo hức và đang trên đà làm việc tốt nhất. Không ai biết điều gì được mong đợi ở những người như thế, và sau đại hội không có ý kiến ​​thống nhất.

Khi đại hội kết thúc, tôi đã tham dự một cuộc họp kín để hoạch định tương lai của các câu lạc bộ. Mười người chúng tôi gặp nhau trong một phòng khách sạn ở Loop, và trước sự ngạc nhiên của tôi, giới lãnh đạo của hội đồng quản trị quốc gia của các câu lạc bộ đã xác nhận những lời chỉ trích của tôi về cách mà các câu lạc bộ đã dẫn dắt. Tôi rất hứng khởi. Bây giờ, tôi nghĩ, các câu lạc bộ sẽ có một hợp đồng mới để hoạt động.

Sau đó, tôi choáng váng khi nghe một người Cộng sản nổi tiếng toàn quốc thông báo quyết định giải tán các câu lạc bộ. Tại sao? Tôi hỏi. Tôi đã được cho biết, bởi vì các câu lạc bộ không phục vụ chính sách mới của Mặt trận Nhân dân. Điều đó có thể được khắc phục được; Tôi nói, các câu lạc bộ có thể được phát triển lành mạnh và rộng rãi. Không; Họ nói phải đưa ra một tổ chức lớn hơn và tốt hơn, trong đó có thể gồm cả những nhà văn hàng đầu của đất nước. Tôi được thông báo rằng chính sách của Mặt trận Nhân dân hiện là nhân sinh quan đúng đắn và các câu lạc bộ không còn tồn tại được nữa. Tôi hỏi những nhà văn trẻ mà Đảng Cộng sản đã kêu gọi gia nhập các câu lạc bộ và những người không đủ điều kiện tham gia nhóm mới sẽ như thế nào, và không có câu trả lời. “Việc này  không bàn đến!” Tôi thốt lên với chính mình. Để thực hiện một sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách, Đảng Cộng sản đã phá bỏ một tổ chức, sau đó tổ chức một kế hoạch mới với những người hoàn toàn mới!

Tôi thấy mình đơn độc tranh luận chống lại ý kiến ​​đa số và sau đó tôi vẫn có một khám phá đáng kinh ngạc khác. Tôi thấy rằng ngay cả những người đồng ý với tôi cũng sẽ không ủng hộ tôi. Tại cuộc họp, tôi biết được rằng khi một người được thông báo về điều ước của đảng mà anh ta đã đệ trình, mặc dù anh ta biết bằng tất cả sức lực của mình rằng điều ước đó không phải là điều khôn ngoan, mà cuối cùng sẽ làm thiệt hại đến lợi ích của đảng.

Đó không phải là lòng can đảm khiến tôi chống lại đảng. Tôi chỉ đơn giản là không biết bất kỳ làm gì tốt hơn. Đối với tôi, thật không thể tưởng tượng nổi, mặc dù được nuôi dưỡng trong mối hận thù của miền Nam, rằng một người đàn ông không thể có tiếng nói của mình. Tôi đã dành một phần ba cuộc đời để đi từ nơi sinh ra tôi đến tận phương Bắc chỉ để nói chuyện thoải mái, thoát khỏi áp lực sợ hãi. Và bây giờ, một lần nữa, tôi phải đối diện với nỗi sợ hãi.

Trước khi đại hội hoãn lại, người ta đã quyết định rằng một đại hội khác của các nhà văn Mỹ sẽ được tổ chức tại New York vào mùa hè năm sau, 1935. Tôi lừng khừng với đề nghị này và cố gắng quyết tâm đứng một mình, viết một mình. Tôi đã sợ rằng những câu chuyện tôi đã viết sẽ không phù hợp với tâm trạng mới, chính thức. Tôi có phải loại bỏ những ý tưởng về cốt truyện của mình và tìm kiếm những ý tưởng mới không? Không tôi không thể. Văn của tôi là cách nhìn, cách sống, cách cảm nhận của tôi; và ai có thể thay đổi tầm nhìn, phương hướng, các giác quan của anh ta?

8

Mùa xuân năm 1935 đến và các kế hoạch cho đại hội các nhà văn đã được tiến hành. Vì một lý do mù mờ nào đó – có thể là để “cứu” tôi – tôi đã được những người Cộng sản địa phương thúc giục tham dự và tôi được chỉ định là một đại biểu. Tôi đã nghỉ việc tại Câu lạc bộ South Side và cùng với một số đại biểu khác, quá giang đến New York.

Chúng tôi đến vào đầu giờ tối và ghi tên tham dự các phiên họp của đại hội. Buổi họp đại chúng khai mạc đang được tổ chức tại Carnegie Hall. Tôi hỏi về chỗ ở, và các thành viên Câu lạc bộ John Reed ở New York, tất cả đều là thành viên da trắng của Đảng Cộng sản, trông có vẻ xấu hổ. Tôi chờ đợi trong khi một người Cộng sản da trắng gọi một người Cộng sản da trắng khác đến một bên và thảo luận về những gì có thể làm để đưa tôi, một người Cộng sản Chicago da đen, có chỗ ở. Trong chuyến đi, tôi đã không nghĩ mình là một người da đen; Tôi đã nghiền ngẫm những vấn đề của các nhà văn cánh tả trẻ tuổi mà tôi biết. Bây giờ, khi tôi đứng nhìn một đồng chí da trắng nói chuyện điên cuồng với một đồng chí khác về màu da của mình, tôi cảm thấy ghê tởm. Đồng chí da trắng trở về. Anh ta nói với tôi,

“Chờ một chút, đồng chí. Tôi sẽ tìm chỗ cho đồng chí.”

Tôi hỏi, “Nhưng đồng chí vẫn chưa đặt chỗ sao? Những vấn đề thuộc loại này thường được giải quyết trước.”

Với một giọng điệu thân mật, anh ấy thừa nhận, “Vâng. Chúng tôi có một số địa chỉ ở đây, nhưng chúng tôi không biết mọi người. Anh hiểu chứ?”

Tôi nghiến răng nói, “Vâng, tôi hiểu.”

Anh nói, chạm vào cánh tay tôi để trấn an, “Nhưng chờ một chút.Tôi sẽ tìm được.”

Tôi nói, cố gắng kiềm chế sự tức giận trong giọng nói của mình, “Này anh, đừng bận tâm.”

Anh ta nói, lắc đầu một cách kiên quyết, “Ồ, không. Đây là một vấn đề và tôi sẽ giải quyết.”

Tôi không thể không nói, “Đó không nên là vấn đề.”

Anh tự thú, “Ồ, tôi không có ý đó.”

Tôi rủa thầm. Một số người đứng gần đó quan sát thấy những người Cộng sản da trắng đang cố gắng tìm cho một người Cộng sản da đen một chỗ ngủ. Tôi bị bỏng vì xấu hổ. Vài phút sau người Cộng  sản da trắng trở lại, mắt luống cuống, mồ hôi nhễ nhại.

Tôi hỏi, “Anh có tìm được gì không?”

Thở hổn hển, anh ấy nói, “Chưa, chưa. Chờ một chút. Tôi sẽ gọi một người tôi biết. Cho tôi một 5 xu để gọi điện thoại.”

Tôi nói, “Quên đi.” Chân tôi bủn rủn. “Tôi sẽ tìm một nơi. Nhưng tôi muốn để vali của mình ở đâu đó cho đến sau cuộc họp tối nay.”

Cố gắng cất lên một tia hy vọng trong nỗi tuyệt vọng trong giọng nói của mình , anh ấy hỏi, “Anh có thực sự nghĩ anh có thể tìm được một chỗ không?”

Tôi nói, “Tất nhiên là tôi có thể tìm được.”

Anh vẫn không chắc chắn. Anh ấy muốn giúp tôi, nhưng anh ấy không biết phải làm thế nào. Anh ấy để va li của tôi trong tủ, khóa lại và tôi bước ra vỉa hè tự hỏi mình sẽ ngủ ở đâu đêm đó. Tôi đứng trên vỉa hè New York với làn da đen nhẻm và thực tế không có tiền, thấm thía, không phải với những câu hỏi nhức nhối của phong trào văn học cánh tả ở Hoa Kỳ, mà với vấn đề làm sao để đi tắm. Tôi đưa căn cước của mình tại Carnegie Hall. Tòa nhà chật cứng người. Khi tôi nghe các bài phát biểu đấu tranh, tôi thấy mình tự hỏi tại sao tôi lại đến ấy làm gì.

Tôi đi ra vỉa hè và đứng xem xét nét mặt của mọi người. Tôi đã gặp một thành viên câu lạc bộ Chicago.

Anh ấy hỏi, “Anh vẫn chưa tìm được một chỗ ở à?”

Tôi nói, “Không. Tôi muốn thử ở trong các khách sạn, nhưng, Chúa ơi, tôi không có đầu óc để tranh luận với nhân viên khách sạn về màu da của mình.”

Anh ta nói, “Ồ, vớ vẩn, chờ một chút.”

Anh ta phóng đi. Trong chốc lát, anh ta quay lại với một người phụ nữ da trắng to béo. Anh ấy giới thiệu chúng tôi.

Bà ấy nói. “Ông có thể ngủ ở chỗ của tôi tối nay.”

Tôi đi bộ với bà ấy về nhà và bà ấy giới thiệu tôi với chồng. Tôi cảm ơn vì lòng hiếu khách của họ và đi ngủ trên một cái giường nhỏ trong bếp. Tôi dậy lúc sáu giờ, mặc quần áo, gõ cửa phòng của họ và tạm biệt. Tôi ra vỉa hè, ngồi trên một chiếc ghế dài, lấy bút chì và giấy ra, và cố gắng ghi chép lại những lập luận mà tôi muốn đưa ra để bảo vệ Câu lạc bộ John Reed. Nhưng vấn đề của các câu lạc bộ dường như không quan trọng. Điều có vẻ quan trọng là: Liệu một người da đen có thể sống nửa chừng như một con người ở đất nước chết tiệt này không?

Hôm đó tôi ngồi suốt các phiên họp của đại hội, nhưng những gì tôi nghe được không làm tôi xúc động. Đêm đó tôi tìm đường đến Harlem và đi bộ trên những vỉa hè ngập tràn cuộc sống đen tối. Khi hỏi những người qua đường, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng thực tế không có khách sạn nào dành cho người da đen ở Harlem. Tôi tiếp tục bước đi. Cuối cùng tôi nhìn thấy một khách sạn cao ráo, sạch sẽ; những người da đen đi qua cửa và không có người da trắng nào trong tầm mắt. Tôi tự tin bước vào và ngạc nhiên khi thấy một nhân viên da trắng sau bàn làm việc. Tôi khẳng định rằng.

Tôi nói, “Tôi muốn thuê một phòng.”

Anh ấy nói, “Không phải ở đây.”

Tôi hỏi lại, “”Nhưng đây không phải là Harlem sao?”

Anh ấy nói, “Đúng, nhưng khách sạn này chỉ dành cho người da trắng.”

“Khách sạn dành cho người da màu ở đâu?”

Anh ấy nói, “Ông có thể thử ở Y.”

Nửa giờ sau, tôi tìm thấy Hội Thanh niên Cơ đốc Da đen, một bức tường thành của Chủ nghĩa Jim Crow dành cho những thanh niên da đen, nhận phòng, tắm và ngủ liền mười hai tiếng. Khi tỉnh dậy, tôi không muốn đến đại hội. Tôi nằm trên giường và nghĩ, “Tôi phải đi một mình … Tôi phải học lại cách …”

Tôi mặc quần áo và tham dự cuộc họp để lấy quyết định cuối cùng về việc giải thể các câu lạc bộ. Nó bắt đầu một cách nhanh chóng. Một nhà văn Cộng sản ở New York đã tóm tắt lịch sử của các câu lạc bộ và đề ​nghị giải thể chúng. Cuộc tranh luận bắt đầu và tôi đứng dậy và giải thích câu lạc bộ có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà văn trẻ và yêu cầu để chúng tiếp tục hoạt động. Tôi ngồi xuống trong sự im lặng. Cuộc tranh luận đã kết thúc. Cuộc bỏ phiếu đã bắt đầu. Căn phòng đầy những bàn tay giơ lên đòi giải thể. Sau đó là một lời gọi những người không đồng ý và một mình tôi đưa tay lên. Tôi biết rằng lập trường của tôi sẽ được hiểu là một người phản đối Đảng Cộng sản, nhưng tôi nghĩ: “Sợ quái gì nó.”

9

Với việc các câu lạc bộ john reed giờ đã giải thể, tôi không còn quan hệ với đảng nữa. Tôi tránh các cuộc họp chi bộ vì sợ bị kỷ luật. Thỉnh thoảng, một người Cộng sản da đen – bất chấp quy tắc buộc anh ta phải xa lánh các phần tử tình nghi – đến nhà tôi và thông báo cho tôi về những cáo buộc hiện tại mà những người Cộng sản đang tố cáo nhau. Trước sự ngạc nhiên của tôi, tôi nghe nói rằng Buddy Nealson đã gán cho tôi là một “kẻ buôn lậu phản động.”

Buddy Nealson là người da đen đã hình thành lập trường cộng sản cho người da đen Mỹ; ông đã có những bài phát biểu tại Điện Kremlin; ông đã nói trước chính Stalin.

Tôi hỏi, “Tại sao Nealson lại gọi tôi như vậy?”

Tôi được cho biết, “Anh ta nói rằng anh là một tên tư sản thoái hóa biến chất.”

“Nghĩa là gì?”

“Anh ta nói rằng anh đang làm hỏng đảng với những ý tưởng của anh.”

“Bằng cách nào?”

Không có câu trả lời. Tôi quyết định rằng mối quan hệ của tôi với đảng sắp kết thúc; Tôi phải rời khỏi đảng. Các cuộc tấn công ngày càng tồi tệ hơn, và việc tôi từ chối phản ứng đã kích động Nealson đặt ra những cụm từ ngớ ngẩn hơn. Tôi bị gọi là “trí thức khốn nạn”, “một Trotskyite mới chớm nở”; người ta cho rằng tôi có thái độ chống đối lãnh đạo và tôi đang biểu hiện “khuynh hướng người nhà trời” – một cụm từ có nghĩa là một người đã rút lui khỏi cuộc đấu tranh của cuộc sống và coi mình là không thể sai lầm.

Làm việc cả ngày và viết nửa đêm khiến tôi bị chứng bệnh nặng ở ngực. Khi tôi bị ốm, một tiếng gõ cửa đến vào một buổi sáng. Mẹ tôi mở cửa tiếp Ed Green, người đã yêu cầu được biết tôi dự định sử dụng tài liệu gì mà tôi thu thập được từ các đồng chí. Tôi nhìn chằm chằm vào anh ta khi tôi nằm xuống và tôi biết rằng anh ta coi tôi là một kẻ thù khôn ngoan của đảng. Vị đắng trào dâng trong tôi.

Tôi hỏi thẳng, “Anh muốn gì? Anh thấy tôi đang bệnh.”

Anh ấy nói, “Tôi có một tin đảng nhắn với anh.”

Tôi đã không chào hỏi, và anh ấy đã không làm việc đó. Anh ấy đã không cười, và tôi cũng vậy. Anh ấy tò mò nhìn vào căn phòng ảm đạm của tôi.

Tôi cắt lời anh ta, “Đây là nhà của một tên trí thức khốn nạn.”

Anh nhìn không chớp mắt. Tôi không thể chịu đựng được việc anh ấy đứng đó như đá như vậy. Sự lịch sự thông thường khiến tôi phải nói, “Ngồi xuống.”

Vai anh cứng lại.

Anh ta nói như một sĩ quan quân đội, “Tôi đang vội.”

“Anh muốn nói với tôi điều gì?”

Anh ấy hỏi, “Anh có biết Buddy Nealson không?”

Tôi đã nghi ngờ. Đây có phải là một cái bẫy chính trị?

Cam kết không nói gì cho đến khi tôi biết thực tế mà tôi đang vật lộn là gì, tôi hỏi, “Việc gì với Buddy Nealson?”

Ed Green nói, “Anh ấy muốn gặp anh.”

Vẫn còn nghi ngờ, tôi hỏi, “Về việc gì?”

Anh ấy nói, “Anh ấy muốn nói chuyện với anh về công việc anh làm cho đảng.”

Tôi nói, “Tôi đang ốm và không thể gặp anh ấy cho đến khi tôi khỏe.”

Ed Green đứng lại một chút rồi quay gót bước ra khỏi phòng. Khi ngực tôi lành lại, tôi muốn có cuộc hẹn với Buddy Nealson. Anh ta là một người đàn ông da đen, thấp bé với nụ cười luôn sẵn sàng, đôi môi dày, bộ dạng lén lút và vẻ ngoài ướt đẫm mồ hôi. Trông anh ta có vẻ lo lắng, tự ý thức; anh ấy dường như luôn luôn che giấu sự bực tức sâu sắc nào đó. Anh ta nói những câu ngắn gọn, lắt léo, nhảy nhanh từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác, như thể tâm trí anh ta hoạt động một cách tự do, liên kết. Anh ta bị hen suyễn và thường xuyên khịt mũi. Bây giờ và sau đó, anh ta sẽ ngắt dòng lời nói của mình bằng cách nhấp một ngụm từ một chai rượu whisky. Anh ấy đã đi du lịch nửa vòng trái đất và bài nói chuyện của anh ấy có nhiều ám chỉ mơ hồ đến các thành phố ở châu Âu. Tôi gặp anh ấy trong nhà của anh ấy, chăm chú lắng nghe anh ấy, quan sát anh ấy một cách tỉ mỉ, vì tôi biết rằng tôi đang đối mặt với một trong những nhân vật lãnh đạo của Cộng sản Thế giới.

Anh khịt mũi, “Xin chào, Wright. Tôi đã nghe nói về anh.”

Khi chúng tôi bắt tay, anh ấy phá lên cười lớn dường như vô cớ; và khi anh ta cười hô hố, tôi không thể biết liệu sự đùa giỡn của anh ta đang hướng vào tôi hay nhằm che giấu sự bất an của anh ta.

Tôi nói, “Tôi hy vọng những gì anh đã nghe về tôi là tốt.”

Anh ấy lại cười, vẫy tôi ra ghế , “Ngồi xuống. Vâng, họ nói với tôi rằng anh viết.”

Tôi nói, “Tôi gắng viết.”

Anh khịt mũi, “Anh biết viết.Tôi đã đọcnhững  bài báo mà anh viết cho the New Masses về Joe Louis. Tốt cả. Bài viết chính trị đầu tiên về thể thao mà chúng tôi chưa có. Ha-ha.”

Tôi đã chờ đợi. Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ gặp một người đàn ông giàu ý tưởng, nhưng anh ta không phải vậy. Sau đó, có lẽ anh ta là một người hành động? Nhưng điều đó cũng không thấy.

Anh ta hỏi thẳng tôi, “Họ nói với tôi rằng anh là bạn của Ross.”

Tôi dừng lại trước khi trả lời. Anh ấy đã không hỏi tôi trực tiếp, nhưng đã gợi ý một cách trung lập, trêu chọc. Ross, tôi đã được cho biết, đã chuẩn bị bị ​​khai trừ khỏi đảng vì lý do anh ta “chống lại ban lãnh đạo”; và nếu một đảng viên của Quốc tế Cộng sản hỏi tôi liệu tôi có phải là bạn của một người sắp bị trục xuất hay không, thì anh ta đang gián tiếp hỏi tôi rằng tôi có trung thành hay không.

Tôi thẳng thắn nói, “Ross đặc biệt không phải là một người bạn của tôi. Nhưng tôi biết rõ về anh ấy; trên thực tế, khá tốt.”

Nealson hỏi, cười để làm dịu đi sự đe dọa cứng rắn trong câu hỏi của anh ấy, “Nếu anh ấy không phải là bạn của anh, làm sao anh lại biết rõ về anh ấy như vậy?”

Tôi nói với anh ta, “Tôi đã viết một tường thuật về cuộc đời của anh ấy và tôi cũng biết anh ấy, có lẽ, như bất kỳ ai.”

Anh ta nói, “Tôi đã nghe về điều đó. Được rồi. Ha-ha. Nói, để tôi gọi anh là Dick, hả?”

Tôi nói, “Thế cũng được.”

Anh nói, “Dick. Ross là một người theo chủ nghĩa dân tộc.”

Anh ta dừng lại để cho trọng lượng của lời buộc tội thấm xuống. Ý anh ta là khuynh hướng của Ross là cực đoan. Anh nói với giọng vừa cười, vừa buộc tội, vừa hằn học, “Những người Cộng sản chúng tôi không kịch tính hóa chủ nghĩa dân tộc của người da đen.”

Tôi hỏi, “Ý anh là gì?”

Lúc này anh ấy đã nói thẳng, “Chúng tôi không quảng cáo Ross.”

Tôi nói, “Chúng ta đang nói về hai việc khác nhau. Anh có vẻ lo lắng về việc tôi khiến Ross trở nên nổi tiếng vì anh ấy là đối thủ chính trị của anh. Nhưng tôi không quan tâm đến chính trị của Ross. Anh ấy gây tôi ấn tượng cho tôi như một điển hình cho những đặc điểm nhất định của người da đen di cư. Tôi đã bán một câu chuyện dựa trên một biến cố trong cuộc đời anh ấy.”

Nealson trở nên phấn khích.

Anh ấy hỏi, “Biến cố là gì?”

Tôi nói, “Một số rắc rối mà anh ấy gặp phải khi mới mười ba tuổi.”

Anh ta nhún vai nói, “Ồ, tôi nghĩ đó là chính trị.”

Tôi giải thích, “Nhưng tôi đang nói với anh rằng anh đã sai về điều đó. Tôi không cố gắng chống lại anh bằng cách viết của tôi. Tôi không có tham vọng chính trị. Anh phải tin điều đó. Tôi đang cố gắng khắc họa cuộc sống của người da đen.”

“Anh đã viết xong về Ross chưa?”

Tôi nói, “Chưa. Tôi đã bỏ ý định đó. Các đảng viên của chúng ta đã nghi ngờ tôi và ngại nói chuyện.”

Anh ấy cười. Anh ta bắt đầu, “Dick. Chúng ta đang thiếu lực lượng. Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.”

Tôi nói, “Đảng luôn đối diện với khủng hoảng.”

Nụ cười của anh ấy tắt và anh ấy nhìn tôi chằm chằm. Anh ấy hỏi,

“Anh không hoài nghi, phải không, Dick?”

Tôi nói, “Không. Nhưng đó là sự thật. Mỗi tuần, mỗi tháng đều có một cuộc khủng hoảng.”

Anh ta nói, cười và khịt mũi một lần nữa, “Anh tếu thật. Nhưng chúng ta có một công việc phải làm. Chúng ta đang thay đổi công việc của mình. Chủ nghĩa phát xít là mối nguy hiểm, mối nguy hiểm hiện nay cho tất cả mọi người.”

Tôi nói, “Tôi hiểu.”

Khịt mũi vì suyễn, anh nói,

“Chúng ta phải đánh bại bọn Phát xít. Chúng tôi đã thảo luận về anh và biết khả năng của anh. Chúng tôi muốn anh làm việc với chúng tôi. Chúng tôi phải thoát khỏi cách làm việc hạn hẹp của mình và đưa thông điệp của mình đến những người trong nhà thờ, sinh viên, người trong câu lạc bộ, các chuyên gia, tầng lớp trung lưu.”

Tôi nói nhẹ nhàng, “Tôi đã bị vu khống. Đó có phải thoát khỏi cách làm việc hạn hẹp không?”

Anh ta nói, “Quên chuyện đó đi.”

Anh ta đã không phủ nhận chuyện vu khống. Điều đó có nghĩa là, nếu tôi không tuân  lệnh của anh ta, việc vu khống sẽ lại bắt đầu.

Tôi nói một cách cởi mở, “Tôi không biết liệu mình có hợp với mọi thứ hay không.”

Anh ta nói, “Chúng tôi tin anh với một nhiệm vụ quan trọng.”

“Anh muốn tôi làm gì?”

“Chúng tôi muốn anh tổ chức một ủy ban chống lại giá sinh hoạt cao.”

Tôi thốt lên, “Giá sinh hoạt cao? Tôi nào biết gì về những thứ như vậy?”

Anh ta nói, “Dễ thôi. Anh có thể học.”

Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết và anh ấy bảo tôi bỏ để tính giá hàng tạp hóa. Tôi nghĩ, “Anh ấy không nghĩ nhiều về những gì tôi đang cố gắng thực hiện.”

Tôi nói, “Đồng chí Nealson, một nhà văn không viết được gì có giá trị trong khi là một người hay ngờ vực nhất. Bây giờ, tôi đang thuộc loại người đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tôi có thể viết. Tôi không muốn yêu cầu được đối xử đặc biệt, nhưng tôi đang viết dở một cuốn sách mà tôi hy vọng sẽ hoàn thành trong sáu tháng hoặc lâu hơn. Hãy để tôi tự thuyết phục rằng tôi đã sai về niềm khao khát được viết và sau đó tôi sẽ hết sức làm việc với anh.”

Anh nói, xoay người vào ghế và vẫy tay như thể để xua đuổi một con côn trùng đang làm phiền anh, “Dick, anh phải đến với quần chúng.”

Toi nói, “Anh đã xem một số tác phẩm của tôi. Chẳng phải nó vừa đủ tốt để bảo đảm cho tôi có cơ hội sao?”

Anh at nói, “Đảng không thể giải quyết cảm xúc của anh.”

Tôi nói hết luôn, “Có lẽ tôi không thuộc đảng.”

Anh ta khịt mũi nói, “Ôi không! Đừng nói vậy.”

Anh ấy nhìn tôi. “Anh quá thẳng.”

Tôi nói. “Tôi nói mọi thứ theo cách tôi cảm nhận. Tôi muốn bắt đầu ngay với anh. Tôi đã gặp quá nhiều rắc rối điên rồ trong đảng rồi.”

Anh ta cười và châm một điếu thuốc.

Anh ta lắc đầu và nói “Dick, rắc rối với anh là anh đã giao du với những nghệ sĩ da trắng ở North Side quá nhiều. Anh thậm chí còn nói chuyện như họ. Anh phải biết những người của anh.”

Biết rằng tôi không bao giờ có thể thực sự nói chuyện với anh ấy, tôi nói, “Tôi nghĩ rằng tôi biết họ. Tôi đã ở trong nhà của ¾ người da đen ở South Side.”

Anh ta nói, “Nhưng anh phải làm việc với họ.”

Tôi nói, “Tôi đã làm việc với Ross cho đến khi tôi bị nghi ngờ là gián điệp.”

Anh ta trịnh trọng nói, “Dick, đảng đã quyết định rằng anh phải nhận nhiệm vụ này.”

Tôi đã im lặng. Tôi biết ý nghĩa của những gì anh ấy đã nói. Một quyết định là lệnh cao nhất mà một người Cộng sản có thể nhận được từ đảng của mình và vi phạm một quyết định là phá vỡ hiệu năng của khả năng hành động của đảng. Về nguyên tắc, tôi chân thành đồng ý với điều này, vì tôi biết rằng công nhân không thể giả mạo các công cụ của quyền lực chính trị cho đến khi họ đạt được sự thống nhất trong hành động. Bị áp bức trong nhiều thế kỷ, chia rẽ, vô vọng, hư hỏng, lầm lạc, họ vẫn hoài nghi – như tôi đã từng – và phương pháp thống nhất của Cộng sản trong lịch sử được coi là phương tiện duy nhất để đạt được kỷ luật. Tóm lại, Nealson đã hỏi thẳng tôi rằng tôi có phải là người Cộng sản hay không. Tôi muốn trở thành một người Cộng sản, nhưng là kiểu người Cộng sản của tôi. Tôi muốn định hình cảm xúc của mọi người, đánh thức trái tim của họ. Nhưng tôi không thể nói với Nealson điều đó; anh ta sẽ chỉ có khịt mũi.

Tôi đề nghị, “Tôi sẽ tổ chức ủy ban và giao nó cho người khác.”

Anh ấy hỏi, “Anh không muốn làm điều này, phải không?”

Tôi nói chắc nịch, “Không.”

“Vậy anh muốn làm gì ở South Side?”

Tôi nói, “Tôi muốn tổ chức các nghệ sĩ da đen.”

Anh ta nói, “Nhưng bây giờ đảng không cần điều đó nữa.”

Tôi đứng dậy, biết rằng anh ta không có ý định để tôi đi sau khi tôi đã tổ chức ủy ban. Tôi muốn nói với anh ấy rằng với tôi đã hết rồi, nhưng tôi chưa sẵn sàng giải quyết vấn đề. Tôi ra ngoài, bực mình, giận anh ta, giận đảng. Vâng, tôi đã không bỏ quyết định, nhưng tôi cũng không chấp nhận nó hoàn toàn. Tôi đã né tránh, cố gắng giữ thời gian viết lách, thời gian để suy nghĩ.

10

Nhiệm vụ của tôi gồm việc tham gia hội họp cho đến tận khuya, tham gia thảo luận, hoặc nói chung là cùng với những người Cộng sản khác lãnh đạo quần chúng ở South Side. Chúng tôi đã tranh luận về tình hình nhà ở, phương tiện tốt nhất để buộc thành phố cho phép điều trần công khai về các điều kiện của người da đen. Tôi nghiến răng khi giá thịt lợn hàng ngày được viết thành bảng, khao khát được ở nhà với công việc viết lách của mình.

Nealson thông minh hơn tôi và anh ta đã đối đầu với tôi trước khi tôi có cơ hội đối đầu với anh ta. Vào một đêm, tôi được triệu tập đi gặp Nealson và một “người bạn”. Khi tôi đến một khách sạn ở South Side, tôi được giới thiệu với một người đàn ông thấp bé, da vàng, thân hình giống như Napoléon. Anh đeo kính, mím môi như thể đang miên man suy nghĩ. Anh ta vênh váo khi bước đi. Anh ta nói chậm rãi, chính xác, cố gắng diễn đạt từng lời nói của mình cho có vể nhiều ý nghĩa hơn những từ ngữ có thể chuyển tải. Anh ấy nói về những điều tầm thường với giọng điệu cao cả. Anh ta nói rằng anh ta tên là Smith, từ Washington đến, và anh ta đã lên kế hoạch thành lập một tổ chức quốc gia giữa những người da đen để liên bang hóa tất cả các tổ chức người da đen hiện có để đạt được sự thống nhất khắp nơi về hành động. Ba chúng tôi ngồi vào một bàn, đối mặt với nhau. Tôi biết một lời đề nghị khác và cuối cùng sắp được đưa ra cho tôi, và nếu tôi không chấp nhận, sẽ có một cuộc chiến mở ra.

Smith đột ngột hỏi, “Được rồi, anh muốn đến Thụy Sĩ bằng cách nào?”

Tôi nói, “Tôi thích thế. Nhưng bây giờ tôi đang bận rộn với công việc.”

Nealson nói, “Anh có thể bỏ những việc đó. Việc này quan trọng.”

Tôi hỏi, “Tôi sẽ làm gì ở Thụy Sĩ?”

Smith nói, “Anh sẽ đi với tư cách là một đại biểu thanh niên. Từ đó anh có thể đến Liên Xô.”

Tôi thành thật nói, “Tôi rất muốn, nhưng tôi sợ rằng mình không thể làm được. Đơn giản là tôi không thể bỏ bài tôi đang viết hiện nay.”

Chúng tôi ngồi nhìn nhau, im lặng hút thuốc.

Tôi hỏi Smith, “Nealson đã nói với anh cảm giác của tôi chưa?”

Smith không trả lời. Anh ấy nhìn tôi chằm chằm một lúc lâu, rồi nhổ nước bọt, “Được rồi, anh đúng là đồ ngốc!”

Tôi đã đứng dậy. Smith quay lưng lại với tôi. Thêm một hơi thở tức giận và lẽ ra tôi phải đấm thẳng vào mặt anh ta. Nealson bẽn lẽn cười, khịt mũi.

Tôi run rẩy hỏi., “Điều đó có cần thiết không?”

Tôi đứng nhớ lại, trong thời thơ ấu của mình, tôi đã chiến đấu như thế nào cho đến khi máu chảy nếu có ai đó nói những điều như vậy với tôi. Nhưng bây giờ tôi đã là một người trưởng thành và là người làm chủ cơn thịnh nộ của mình, có thể kiểm soát những cảm xúc dâng trào. Tôi đội mũ và bước ra cửa. tôi nói với chính mình. “Giữ bình tĩnh. Đừng để việc này vượt khỏi tầm tay.”

Tôi nói, “Đây là lời chào tạm biệt.”

Tôi tham dự cuộc họp chi bộ tiếp theo và yêu cầu được phát biểu trong trong chương trình nghị sự, điều này đã được cấp sẵn. Nealson đã ở đó. Evans đã ở đó. Ed Green đã ở đó. Khi đến lúc để nói, tôi đã nói: –

“Thưa các đồng chí, trong hai năm qua, tôi đã làm việc hàng ngày với hầu hết các đồng chí. Mặc dù vậy, tôi đã có lúc thấy mình ở một vị trí khó khăn trong đảng. Điều đã gây ra khó khăn này là một câu chuyện dài mà tôi không muốn kể lại bây giờ; nó sẽ không giúp gì cho buổi họp hôm nay. Nhưng tôi nói thật với các anh rằng tôi nghĩ rằng tôi đã tìm ra giải pháp cho khó khăn của mình. Tôi đang đề nghị ở đây tối nay rằng đảng tịch của tôi sẽ bị loại khỏi danh sách đảng viên. Không có sự khác biệt về ý thức hệ nào thôi thúc tôi phải nói điều này. Đơn giản là tôi là không muốn bị các quyết định của đảng ràng buộc nữa. Tôi muốn duy trì tư cách thành viên trong các tổ chức mà đảng có ảnh hưởng và tôi sẽ tuân thủ chương trình của đảng trong các tổ chức đó. Tôi hy vọng rằng lời nói của tôi sẽ được chấp nhận trên tinh thần mà tôi vừa trình bầy. Có lẽ một lúc nào đó trong tương lai tôi có thể gặp gỡ và trao đổi với các nhân vật lãnh đạo đảng về những nhiệm vụ mà tôi có thể thực hiện tốt nhất.”

Tôi ngồi xuống giữa một sự im lặng sâu sắc. Viên thư ký da đen của cuộc họp trông có vẻ sợ hãi, liếc nhìn Nealson, Evans và Ed Green.

Người thư ký cuối cùng đã lên tiếng hỏi, “Có bất kỳ thảo luận nào về tuyên bố của đồng chí Wright không?”

Nealson nói, “Tôi đề nghị cuộc thảo luận về tuyên bố của Wright được hoãn lại.”

Một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng xác nhận đề nghị của Nealson. Tôi nhìn quanh căn phòng im lặng, rồi với lấy chiếc mũ của mình và đứng dậy.

Tôi nói, “Tôi đi.”

Không ai nói gì cả. Tôi bước ra cửa và đi vào màn đêm và một gánh nặng dường như đã được dỡ bỏ khỏi vai tôi. Tôi đã tự do. Và tôi đã làm việc đó một cách đàng hoàng và thẳng thắn. Tôi đã không cay đắng. Tôi đã không đào bới bất cứ sự tố cáo lẫn nhau nào. Tôi đã không tấn công ai. Tôi đã không từ bỏ gì cả.

Đêm hôm sau, hai người Cộng sản da đen đến nhà tôi. Họ giả vờ như không biết chuyện gì đã xảy ra trong cuộc họp chi bộ. Tôi kiên nhẫn giải thích những gì đã xảy ra.

Họ nói, tiết lộ động cơ của chuyến ghé thăm của họ, “Câu chuyện của anh không giống như những gì Nealson nói.”

Tôi hỏi, “Và Nealson nói gì?”

“Anh ta nói rằng anh đang liên minh với một nhóm Trotskyite và anh đã kêu gọi các đảng viên khác theo anh bỏ đảng.”

Tôi thở hổn hển, “Cái gì? Đó không phải sự thật. Tôi đã yêu cầu bỏ tư cách đảng viên của mình. Tôi không nêu ra vấn đề chính trị nào.”

 Điều này có nghĩa là gì? Tôi ngồi cân nhắc. “Này, có lẽ tôi nên đoạn tuyệt với đảng một cách suôn sẻ. Nếu Nealson xử sự thế này, tôi sẽ từ chức.”

Họ nói với tôi, “Anh không thể từ chức.”

Tôi hỏi gặn, “Ý anh là gì?”

“Không ai có thể từ chức khỏi Đảng Cộng sản.”

Tôi nhìn họ và cười. Tôi nói, “Anh đang nói chuyện điên rồ.”

Họ nói, “Nealson sẽ trục xuất anh một cách công khai, tấn công anh trước nếu anh từ chức. Mọi người sẽ nghĩ rằng có chuyện gì đó không phải nếu một người như anh rời khỏi South Side.”

Tôi tức giận. Có phải đảng yếu và không tự tin đến mức không thể chấp nhận những gì tôi đã nói trong cuộc họp chi bộ? Ai đã nghĩ ra chiến thuật như vậy? Sau đó, đột nhiên, tôi hiểu ra. Đây là những thủ đoạn bí mật, ngầm của phong trào chính trị của những người Cộng sản dưới thời Nga hoàng cũ! Đảng Cộng sản cảm thấy rằng nó phải ám sát tôi về mặt đạo đức chỉ vì tôi không muốn bị ràng buộc với những quyết định của nó. Bây giờ tôi thấy rằng các đồng chí của tôi đang diễn một trò ảo tưởng không liên quan gì đến thực tế môi trường của họ.

Tôi nói, “Hãy nói với Nealson rằng nếu anh ta muốn đấu với tôi, thì lạy Chúa, tôi sẽ chiến đấu với anh ta. Nếu anh ta để mọi chuyện đâu ở đó thì không sao. Nếu anh ta nghĩ rằng tôi sẽ không đối đầu với anh ta một cách công khai thì anh ta điên rồi!”

Tôi không thể biết liệu tuyên bố của mình có đến tai Nealson hay không. Không có sự phản đối kịch liệt nào của công chúng đối với tôi, nhưng trong hàng ngũ của đảng, một cơn bão bùng phát và tôi bị gán cho là một kẻ phản bội, một nhân cách không ổn định và một người mà long tin đã thất bại.

Đồng chí của tôi đã biết tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi; họ, Chúa biết, đã biết sự nghèo khó nhức nhối của tôi. Nhưng họ đã không bao giờ có thể chiến thắng nỗi sợ hãi của họ về cách mà cá nhân tôi đã  hành động và sống, một cá thể mà cuộc sống đã ăn sâu vào xương tủy của tôi.

11

I đã được giới chức cứu trợ chuyển từ Vâu lạc bộ South Side đến Nhà hát Da đen Liên bang làm việc như một người quảng bá cho nhà hát. Có những ngày tôi cực kỳ thèm khát những phân tích không ngừng diễn ra giữa các đồng chí, nhưng bất cứ khi nào tôi nghe tin tức về sinh hoạt bên trong của đảng thì đó là tấn công và phản công, trả thù và trả đũa sự trả thù.

Nhà hát Người da đen Liên bang, nơi tôi đang làm việc quảng bá, đã tổ chức trình diễn một loạt kịch bình thường, tất cả đều được thay đổi theo “phong cách Người da đen”, với những cảnh rừng già, tâm linh, và tất cả. Ví dụ, một phụ nữ da trắng gầy guộc đạo diễn vở kịch, thuộc loại người truyền giáo cao tuổi, sẽ lấy một vở kịch có các nhân vật là người da trắng, có chủ đề về thời Trung cổ và diễn lại nó về cuộc sống của người da đen miền Nam với âm hưởng gốc châu Phi. Những vở kịch đương đại đề cập thực tế cuộc sống của người da đen đã bị hắt hủi vì gây tranh cãi. Có khoảng bốn mươi nam và nữ diễn viên da đen trong nhà hát, lo lắng, khao khát, bất bình.

Tôi nghĩ thật là lãng phí tài năng. Đây là một cơ hội để sản xuất một vở kịch đáng giá về Người da đen và không ai biết về chuyện đó. Tôi nghiên cứu tình hình, sau đó đặt vấn đề trước những người bạn da trắng của tôi, những người giữ các vị trí có ảnh hưởng trong Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình. Tôi yêu cầu họ thay thế người phụ nữ da trắng – gồm cả những quan niệm thẩm mỹ kỳ lạ của bà ấy – bằng một người biết về Người da đen và nhà hát. Họ đã hứa với tôi rằng họ sẽ hành động.

Trong vòng một tháng, vị giám đốc phụ nữ da trắng đã được chuyển đi. Chúng tôi chuyển từ South Side đến The Loop và hoạt động trong một rạp chiếu hạng nhất. Tôi đã thành công trong việc tiến cử Charles DeSheim, một người Do Thái tài năng, làm giám đốc. DeSheim và tôi đã có những cuộc nói chuyện dài trong đó tôi vạch ra những gì tôi nghĩ có thể đạt được. Tôi thúc dục những tác phẩm đầu tiên của chúng tôi nên là ba vở kịch một màn, gồm cả vở kịch Bài ca Mặt trời mọc của Paul Green, vở kịch một màn ác nghiệt, thơ mộng, mạnh mẽ nói về tình trạng người tù bị xiềng xích ở miền Nam.

Tôi vui. Cuối cùng thì tôi cũng có thể đưa ra đề nghị để họ hành động. Tôi tin rằng chúng tôi có một cơ hội hiếm hoi để xây dựng một nhà hát cho Da đen chính hiệu. Tôi đã triệu tập một cuộc họp và giới thiệu DeSheim với đoàn kịch Người Da đen, nói với họ rằng anh ấy là một người hiểu biết về nhà hát, người sẽ dẫn dắt họ đến với những vở kịch nghiêm túc. DeSheim đã có một bài phát biểu, trong đó anh ta nói rằng anh ta không đến nhà hát làm đạo diễn, mà để giúp những người Da đen đạo diễn nó. Anh ấy nói đơn giản và hùng hồn đến nỗi họ đứng dậy và tán thưởng anh ấy.

Rồi tôi tự hào chuyển các bản sao Hymn to the Rising Sun  của của Paul Green cho tất cả các thành viên của đoàn kịch. DeSheim chỉ định phần đọc. Tôi ngồi xuống để thưởng thức những màn kịch của người da đen. Nhưng đã có chuyện. Những người da đen lắp bắp và ấp úng trong lời đối thoại của họ. Cuối cùng họ ngừng đọc hoàn toàn. DeSheim trông sợ hãi. Một trong những diễn viên da đen đứng lên.

Anh ấy bắt đầu, “Ông DeSheim, chúng tôi nghĩ rằng vở kịch này là không đứng đắn. Chúng tôi không muốn diễn một vở kịch như thế này trước công chúng Mỹ. Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ hoàn cảnh nào như vậy hiện hữu ở miền Nam. Tôi sống ở miền Nam và tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ nhóm tù nhân bị xiềng xích nào. Ông DeSheim, chúng tôi muốn một vở kịch sẽ khiến công chúng yêu mến chúng tôi.”

DeSheim hỏi họ, “Anh muốn kịch loại nào?”

Họ không biết. Tôi đến văn phòng và xem xét hồ sơ và thấy rằng hầu hết họ đã dành cả đời để đóng kịch hể rẻ tiền. Tôi đã có nghĩ rằng đóng kịch hề bởi vì họ bị cấm vào những nhà hát đúng đắn, và bây giờ hóa ra họ không muốn một nhà hát đúng đắn nào cả, rằng họ sợ hãi không muốn xuất hiện trong một vở kịch mà công chúng có thể không thích, mặc dù họ không hiểu công chúng đó và không có cách nào xác định họ thích hay không thích. Tôi cảm thấy – nhưng chỉ tạm thời – rằng có lẽ người da trắng đã đúng, rằng người da đen là trẻ con và sẽ không bao giờ lớn lên. DeSheim thông báo với đoàn kịch rằng anh ta sẽ sản xuất bất kỳ vở kịch nào mà họ thích, và họ ngồi như những con chuột sợ hãi, không nói lời nào để thể hiện mong muốn mơ hồ của họ.

Vài buổi sáng sau đó, khi tôi đến nhà hát, tôi kinh hoàng khi thấy rằng đoàn kịch đã đưa ra một bản kiến ​​nghị yêu cầu đuổi DeSheim. Tôi được yêu cầu ký vào bản kiến ​​nghị và tôi đã từ chối.

Tôi đã hỏi họ, “Các bạn không biết bạn bè của mình à?”

Họ trừng mắt nhìn tôi. Tôi đã gọi DeSheim đến nhà hát và chúng tôi đã đi vào một cuộc họp điên cuồng.

Anh ấy hỏi, “Tôi phải làm gì?

Tôi nói, “Hãy đưa họ vào sự tự tin của anh. Hãy cho họ biết rằng họ có quyền kiến ​​nghị để được giải quyết những bất bình của họ.”

DeSheim nghĩ rằng lời khuyên của tôi là đúng đắn và theo đó, anh ta đã tập hợp đoàn kịch và nói với họ rằng họ có quyền kiến ​​nghị chống lại anh ấy nếu họ muốn, nhưng anh ta nghĩ rằng mọi hiểu lầm có thể được giải quyết êm thấm.

Một người đàn ông da đen vặn hỏi, “Ai nói với anh rằng chúng tôi đang đưa ra một bản kiến ​​nghị?”

DeSheim nhìn tôi và lắp bắp không nói nên lời. Một cô gái da đen hét lên, “Có một bác Tom trong rạp hát!”

Sau cuộc họp, một phái đoàn gồm những người đàn ông da đen đến văn phòng của tôi và rút dao bỏ túi của họ ra và vụt vào mặt tôi.

Họ nói rằng, “Anh hãy bỏ công việc quái quỷ này đi trước khi chúng tôi mổ bụng anh!”

Tôi gọi cho những người bạn da trắng của mình trong Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình: “Hãy chuyển tôi ngay lập tức sang một công việc khác, nếu không tôi sẽ bị sát hại.”

Trong vòng hai mươi bốn giờ, DeSheim và tôi đã nhận được giấy tờ của mình. Chúng tôi bắt tay nhau và đường ai nấy đi.

Tôi được chuyển đến một đoàn kịch thí nghiệm dành cho người da trắng với tư cách là người quảng bá và tôi quyết định giữ ý tưởng của mình cho riêng mình, hoặc tốt hơn là viết chúng ra và không cố gắng biến chúng thành hiện thực.

12

Một buổi tối, một nhóm những người Cộng sản da đen đến nhà tôi và yêu cầu nói chuyện với tôi trong vòng bí mật nghiêm ngặt. Tôi đưa họ vào phòng và khóa cửa lại.

Họ đột ngột bắt đầu, “Dick, đảng muốn anh tham gia một cuộc họp vào Chủ nhật.”

Tôi hỏi, “Tại sao? Tôi không còn là đảng viên nữa.”

Họ nói, “Không sao đâu. Họ muốn anh có mặt.”

Tôi nói, “Người cộng sản không nói chuyện với tôi trên đường phố. Bây giờ, tại sao anh muốn có tôi trong một cuộc họp?”

Họ do dự. Họ không muốn nói với tôi.

Tôi nói, “Nếu các  anh không thể nói với tôi, thì tôi không thể đến.”

Họ thì thầm với nhau và cuối cùng quyết định cho tôi biết sự thật.

Họ nói, “Dick, Ross sẽ bị xét xử.”

“Vì chuyện gì?”

Họ kể lại một danh sách dài những tội danh chính trị mà họ cho rằng anh ta có tội.

“Nhưng điều đó có liên quan gì đến tôi?”

Họ nói, “Nếu anh đến, anh sẽ hiểu.”

Tôi nói, “Tôi không ngây thơ như vậy.”

Bây giờ tôi đã nghi ngờ. Có phải họ đang cố dụ tôi đến một phiên tòa và trục xuất tôi không? “Phiên tòa này có thể là của tôi.”

Họ thề rằng họ không có ý định đưa tôi ra xét xử, rằng đảng chỉ muốn tôi theo dõi phiên tòa xét xử Ross để tôi có thể biết được điều gì đã xảy ra với “kẻ thù của giai cấp lao động.”

Khi họ nói chuyện, mong muốn chứng kiến ​​một điều gì đó mới đã trở lại với tôi. Tôi muốn xem phiên tòa này, nhưng tôi không muốn mạo hiểm để bị xét xử.

Tôi nói với họ. “Này, tôi không có tội do những cáo buộc của Nealson. Nếu tôi xuất hiện tại phiên tòa này, có vẻ như tôi có tội như vậy ”.

“Không, sẽ không như thế. Xin hãy đến. ”

“Được rồi. Nhưng nếu tôi bị lừa, tôi sẽ chiến đấu. Các anh nghe chứ? Tôi không tin tưởng Nealson. Tôi không phải là một chính trị gia và tôi không thể lường trước được tất cả những hàng động khôi hài của một người dành hàng giờ đồng hồ để lập mưu ”.

Phiên tòa xét xử Ross diễn ra vào chiều Chủ nhật tuần sau. Các đồng chí túc trực kính đáo xung quanh hội trường, cửa ra vào, đường phố và dọc hành lang. Khi tôi xuất hiện, tôi đã nhanh chóng được đưa vào bên trong. Tôi rất căng thẳng. Có một quy tắc rằng một khi đã tham gia một cuộc họp kiểu này, anh không thể rời khỏi cuộc họp cho đến khi cuộc họp kết thúc; người ta sợ rằng anh có thể đến gặp cảnh sát và tố cáo tất cả.

Ross, bị cáo, ngồi một mình ở chiếc bàn trước hành lang, vẻ mặt đau khổ. Tôi đã cảm thấy tiếc cho anh ấy; nhưng tôi không thể thoát khỏi cảm giác rằng anh ấy thích điều này. Đối với anh, đây có lẽ là điểm nổi bật của một sự hiện hữu ảm đạm khác.

Khi cố gắng tìm hiểu lý do tại sao những người Cộng sản ghét trí thức, tâm trí tôi lại được dẫn dắt trở lại những câu chuyện mà tôi đã đọc về Cách mạng Nga. Hung đã từng xảy ra ở nước Nga Cổ đại hàng triệu người nghèo, ngu dốt bị một số ít nhà quý tộc có học, kiêu ngạo bóc lột, và việc những người Cộng sản Nga gắn sự phản bội với trí thức đã trở nên tự nhiên. Nhưng ở thế giới phương Tây có một yếu tố khiến Đảng Cộng sản bối rối và sợ hãi: sự phổ biến của việc tự trở thành người biết chữ. Ngay cả một người da đen, bị lôi kéo do sự thiếu hiểu biết và bị bóc lột – như tôi đã từng – nếu anh ta có ý chí và tình yêu chữ nghĩa, hãy học cách đọc và hiểu thế giới mà anh ta đang sống. Và chính những người này, những người Cộng sản không thể hiểu được.

Phiên tòa bắt đầu trong im lặng, thân mật. Các đồng chí đã hành động như một nhóm hàng xóm ngồi phán xét một người trong xóm của họ đã ăn trộm một con gà. Ai cũng có thể hỏi. Có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối. Tuy nhiên, cuộc họp có một cấu trúc trang trọng đáng kinh ngạc của riêng nó, một cấu trúc đi sâu như mong muốn của những người để được sống với nhau.

Một thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản đứng lên và đưa ra một mô tả về tình hình thế giới. Anh ta nói vô cảm và chất đống sự thật khó hiểu. Ông đã vẽ một bức tranh khủng khiếp nhưng tuyệt vời về sự xâm lược của Chủ nghĩa Phát xít ở Đức, Ý và Nhật Bản.

Tôi chấp nhận lý do tại sao phiên tòa bắt đầu theo cách này. Điều bắt buộc là ở đây phải được công nhận chống lại những gì hoặc tội ác của Ross đã gây ra. Do đó, phải thiết lập trong tâm trí của tất cả mọi người một bức tranh sống động về loài người đang bị áp bức. Và đó là một bức tranh chân thực. Có lẽ không có tổ chức nào trên trái đất, trừ Đảng Cộng sản, có kiến ​​thức chi tiết đến thế về cách sống của người lao động, vì nguồn thông tin của nó đến trực tiếp từ chính người lao động.

Diễn giả tiếp theo thảo luận về vai trò của Liên Xô với tư cách là nhà nước công nhân duy nhất trên thế giới – cách Liên Xô bị kẻ thù bao vây, cách Liên Xô đang cố gắng tự kỹ nghệ hóa, họ đã hy sinh những gì để giúp công nhân trên thế giới định hướng con đường hướng tới hòa bình qua ý tưởng về an ninh tập thể.

Sự thật được trình bày cho đến nay vẫn đúng như bất kỳ sự thật nào có thể có trong thế giới không chắc chắn này. Vậy mà bị cáo không nói một lời nào mà ngồi nghe như bao đảng viên khác. Chưa đến lúc để đưa anh ta và tội ác của anh ta vào bức tranh đấu tranh toàn cầu này. Một sự tuyệt đối trước tiên phải được thiết lập trong tâm trí của các đồng chí để họ có thể đo lường sự thành công hay thất bại của những việc làm của họ bằng nó.

Cuối cùng, một diễn giả đến trước và nói về khu South Side của Chicago, khu dân cư da đen ở đó, những đau khổ và khuyết tật của họ, liên kết tất cả những điều đó với cuộc đấu tranh trên thế giới. Sau đó, vẫn còn một diễn giả khác theo dõi và mô tả các nhiệm vụ của Đảng Cộng sản của khu South Side. Cuối cùng, những bức tranh về thế giới, quốc gia và địa phương đã được hợp nhất thành một màn kịch đấu tranh đạo đức áp đảo mà mọi người trong hội trường đều tham gia. Buổi thuyết trình này đã kéo dài hơn ba giờ, nhưng nó đã khơi dậy một cảm giác thực tế mới trong trái tim của những người có mặt, một cảm giác về con người trên trái đất. Ngoại trừ nhà thờ và những huyền thoại và truyền thuyết của nó, không có cơ quan nào trên thế giới có khả năng khiến con người cảm nhận được trái đất và con người trên đó như Đảng Cộng sản.

Vào buổi tối, những lời buộc tội trực tiếp chống lại Ross đã được đưa ra, không phải do những người lãnh đạo của đảng, mà do những người bạn của Ross, những người hiểu rõ anh ta nhất! Nó nghiền nát. Ross héo hon. Cảm xúc của anh không thể chịu được sức nặng của áp lực đạo đức. Không ai bị khủng bố để đưa tin chống lại anh ta. Họ sẵn lòng đưa ra, trích dẫn ngày tháng, cuộc trò chuyện, cảnh tượng. Hàng loạt hành động sai trái của Ross xuất hiện từ từ và không thể chối cãi. Thời điểm đã đến để Ross tự bảo vệ mình. Tôi đã được cho biết rằng anh ấy đã sắp xếp để bạn bè làm chứng thay cho anh ấy, nhưng anh ấy không kêu gọi ai cả. Anh ta đứng, run rẩy; anh ta cố gắng nói chuyện và anh nói không nên lời. Hội trường tĩnh lặng như chết. Tội lỗi hằn lên từng lỗ chân lông trên làn da đen của anh. Tay anh run. Anh bám vào mép bàn để giữ chân mình. Tính cách của anh ta, ý thức về bản thân anh ta, đã bị xóa sổ. Tuy nhiên, anh ấy không thể khiêm tốn như vậy trừ khi anh ấy chia sẻ và chấp nhận tầm nhìn đã đè bẹp anh ấy, tầm nhìn chung đã gắn kết tất cả chúng ta lại với nhau.

Anh ta nói với một giọng trầm và đầy trách nhiệm, “Các đồng chí. Tôi có tội đúng như tất cả các cáo buộc, tất cả.”

Giọng anh vỡ òa trong tiếng nức nở. Không ai thúc đẩy anh ta. Không ai tra tấn anh ta. Không ai đe dọa anh ta. Anh được tự do đi ra khỏi hội trường và không bao giờ nhìn thấy một người Cộng sản nào khác. Nhưng anh không muốn. Anh ta không thể. Tầm nhìn về một thế giới cộng đồng đã chìm sâu vào tâm hồn anh và nó sẽ không bao giờ rời xa anh cho đến khi cuộc sống rời bỏ anh. Anh ấy nói tiếp, vạch ra cách anh ấy đã sai, anh ấy sẽ thay đổi như thế nào.

Tôi biết, khi tôi ngồi đó, có rất nhiều người nghĩ rằng họ biết cuộc sống, những người đã hoài nghi về các phiên tòa ở Moscow. Nhưng họ không thể nghi ngờ nếu họ đã chứng kiến ​​phiên tòa đáng kinh ngạc này. Ross đã không bị đánh thuốc; anh ấy đã được đánh thức. Không phải nỗi sợ hãi về Đảng Cộng sản đã khiến anh ta phải thú nhận, mà là nỗi sợ hãi về sự trừng phạt mà anh ta tự nhận ra đã khiến anh ta kể về những việc làm sai trái của mình. Cộng sản đã nói chuyện với anh ta cho đến khi họ cho anh ta đôi mắt mới để nhìn ra tội ác của chính mình. Và sau đó họ ngồi lại và lắng nghe anh ta kể về việc anh ta đã sai lầm như thế nào. Anh ấy là một với tất cả các đảng viên ở đó, bất kể chủng tộc hay màu da; trái tim anh là của họ và trái tim của họ là của anh; và khi một người đạt đến tình trạng quan hệ họ hàng đó với người khác, mức độ thân thiện đó, hoặc khi một thử thách đã khiến anh ta trở thành thân nhân sau khi anh ta bị họ từ bỏ vì hành động sai trái, thì anh ta phải đứng dậy và nói, với ý thức về đạo đức sâu sắc nhất. trên thế giới: “Tôi có tội. Tha thứ cho tôi.”

Đây, đối với tôi, là một cảnh tượng vinh quang; tuy nhiên, bởi vì nó đã lên án tôi, bởi vì nó mù quáng và thiếu hiểu biết, tôi cảm thấy rằng đó là một cảnh tượng kinh hoàng. Sự mù quáng về cuộc sống hạn hẹp của họ – cuộc sống bị cắt ngắn và bần cùng vì sự áp bức mà họ đã phải chịu đựng từ lâu trước khi họ chưa từng nghe đến chủ nghĩa Cộng sản – khiến họ nghĩ rằng tôi đang đi cùng với kẻ thù của họ. Cuộc sống của người Mỹ đã làm suy đồi ý thức của họ đến nỗi họ không thể nhận ra bạn bè của mình khi nhìn thấy họ. Tôi biết rằng nếu họ nắm quyền lực nhà nước, có lẽ ra tôi phải bị tuyên bố phạm tội phản quốc và tôi sẽ bị xử tử. Và tôi biết rằng họ cảm thấy, với tất cả sức mạnh của chứng mù đen của họ, rằng họ đã đúng.

Tôi không thể ở lại cho đến khi kết thúc. Tôi áy náy muốn ra khỏi hội trường và ra đường và thoát khỏi sự căng thẳng khổng lồ đang bao trùm lấy tôi. Tôi đứng dậy và đi ra cửa; một đồng chí lắc đầu cảnh cáo rằng tôi không thể rời đi cho đến khi phiên tòa kết thúc.

Anh ta nói, “Anh không thể rời đi ngay bây giờ.”

“Tôi sẽ đi khỏi đây.” Tôi nói, sự tức giận của tôi khiến giọng nói của tôi to hơn tôi dự định, “Tôi sẽ đi khỏi đây.”

Chúng tôi lườm nhau. Một đồng chí khác chạy lên. Tôi bước tới. Đồng chí lao lên ra hiệu cho tôi được phép ra về. Họ không muốn bạo lực, và tôi cũng vậy. Họ bước sang một bên.

Tôi đi vào những con phố Chicago tối tăm và đi bộ về nhà trong cái lạnh, lòng tràn ngập cảm giác buồn bã. Một lần nữa tôi tự nhủ rằng mình phải học cách đứng một mình. Tôi không cảm thấy bị tổn thương vì sự từ chối của họ đối với tôi đến nỗi tôi muốn dành những ngày của mình để suy nghĩvề những gì họ đã làm. Có lẽ những gì tôi đã học được để cảm nhận trong thời thơ ấu của mình đã cứu tôi khỏi con đường vô ích đó. Tôi nằm trên giường đêm đó và tự nói với chính mình: “Tôi sẽ ở với họ, mặc dù họ không phải cho tôi.”

13

Từ nhà hát thí nghiệm liên bang, tôi được chuyển đến Dự án Nhà văn Liên bang, và tôi đã cố kiếm tiền bằng cách viết sách hướng dẫn. Nhiều nhà văn trong dự án là đảng viên Đảng Cộng sản và họ đã giữ lời thề cách mạng không cho họ nói chuyện với “những kẻ phản bội giai cấp công nhân.” Tôi ngồi bên cạnh họ trong văn phòng, ăn bên cạnh họ trong nhà hàng, và cùng họ đi lên xuống trong thang máy, nhưng họ luôn nhìn thẳng về phía trước, không nói lời nào.

Sau khi làm việc trong dự án vài tháng, tôi được bổ nhiệm làm quyền giám thị những luận văn và ngay lập tức tôi gặp khó khăn về chính trị. Một buổi sáng, người quản lý của dự án gọi tôi vào văn phòng của anh ấy.

Anh ấy hỏi. “Được rồi, bạn của anh trong dự án này là ai?

Tôi nói, “Tôi không biết. Tại sao?”

Anh ấy nói, “À, anh nên tìm ra sớm.”

“Ý anh là gì?”

“Anh ấy nói, “Một số người đang yêu cầu loại bỏ anh với lý do rằng anh không đủ khả năng.”

“Họ là ai?”

Anh ta kể tên một số đồng chí ngày xưa của tôi. Vâng, nó đã đến mữ đó. Họ đang cố lấy bánh mì ra khỏi miệng tôi.

Tôi hỏi, “Anh đề nghị làm gì về những phàn nàn của họ?”

Anh ấy cười, “Không có gì. Tôi nghĩ rằng tôi hiểu những gì đang xảy ra ở đây. Tôi sẽ không để họ đuổi bạn khỏi công việc này.”

Tôi cảm ơn anh ta và đứng dậy đi ra cửa. Có điều gì đó trong lời nói của anh ấy nghe có vẻ không xuôi. Tôi quay lại và đối mặt với anh ta.

Tôi lặp lại, “Công việc này? Ý anh là gì?”

Anh ấy hỏi, “Ý anh muốn nói rằng anh không biết?”

“Biết cái gì cơ? Anh đang nói về chuyện gì vậy?”

“Tại sao anh lại bỏ Nhà hát Da đen Liên bang?”

“Tôi đã gặp khó khăn ở đó. Họ đã đuổi tôi, những người da đen đã làm việc đó. ”

Anh ta hỏi tôi một cách mỉa mai, “Và anh không nghĩ rằng họ có bất kỳ ai xúi bẩy à?”

Tôi lại ngồi. Thật chết người. Tôi trố mắt nhìn anh ta.

Anh ấy nói, “Anh không cần phải sợ hãi ở đây. Anh làm việc, viết.”

Tôi thì thầm, “Thật khó tin điều đó.”

Anh ấy nói “Quên đi.”

Nhưng điều tồi tệ  nhất chưa tới. Một ngày nọ, vào buổi trưa, tôi đóng bàn làm việc và đi xuống thang máy. Khi tôi lên đến tầng một của tòa nhà, tôi thấy một hàng người chạy qua lại trên đường phố. Nhiều người trong số những người đàn ông và phụ nữ mang biểu ngữ là bạn cũ của tôi, và họ đang hô hào đòi trả lương cao hơn cho các nghệ sĩ và nhà văn của Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình. Đó không phải là loại biểu tình không được phép cắt ngang, và khi tôi bắt đầu rời khỏi cánh cửa, tôi đã nghe thấy tiếng hét tên mình: –

“Wright đó, tên Trotskyite chết tiệt đó!”

“Chúng tôi biết anh, anh ––!”

“Wright là một kẻ phản bội!”

Trong một khoảnh khắc, dường như tôi không còn sống được nữa. Bây giờ tôi đã đạt đến điểm mà tôi bị nguyền rủa lớn tiếng trên những con phố đông đúc của thành phố lớn thứ hai của Hoa Kỳ. Nó làm tôi rung động như không chưa bao giờ.

Ngày tháng trôi qua. Tôi tiếp tục công việc của mình, nơi tôi đảm nhận vai trò chủ tịch nghiệp đoàn cửa hàng mà tôi đã giúp tổ chức, mặc dù cuộc bầu cử tôi làm chủ tịch cửa hàng đã bị đảng phản đối gay gắt. Trong nỗ lực của họ nhằm vô hiệu hóa ảnh hưởng của tôi trong liên minh, những người đồng chí cũ của tôi đã sẵn sàng giết cả nghiệp đoàn.

Ngày lễ Lao động Quốc tế năm 1936 đến gần, các thành viên nghiệp đoàn đã biểu quyết rằng chúng tôi nên diễn hành trong đám rước công cộng. Vào sáng ngày Lễ Lao động, tôi nhận được hướng dẫn in về thời gian và địa điểm mà đội ngũ nghiệp đoàn của chúng tôi sẽ tập hợp để tham gia cuộc diễn hành. Vào buổi trưa, tôi vội vã đến chỗ và thấy rằng cuộc diễn hành đã được tiến hành. Vô vọng, tôi không thấy các biểu ngữ của chi nhánh nghiệp đoàn địa phương của của tôi. Họ đang ở đâu? Tôi đi lên và đi xuống các con phố, hỏi vị trí của nghiệp đoàn địa phương của tôi. Một người da đen nói với tôi,

“Ồ, chi nhánh địa phương đó đã đi khỏi cách đây mười lăm phút. Nếu định diễn hành anh nên đứng vào nơi nào đó.”

Tôi cảm ơn anh ta và đi qua đám đông đang di chuyển. Bất chợt tôi nghe thấy ai gọi tên mình. Tôi quay lại. Bên trái tôi là chi bộ Đảng Cộng sản khu vực phía Nam, đang xếp hàng và sẵn sàng diến hành.

Một người bạn cũ trong đảng đã gọi tôi. “Đến đây!”

Tôi bước tới chỗ anh ấy.

Anh ấy đã hỏi tôi, “Hôm nay anh không diễn hành sao?”

Tôi đã nói với anh, “Tôi không tìm thấy chi nhánh nghiệp doàn địa phương của tôi.”

Anh ấy nói, “Kệ nó đi, diễn hành với chúng tôi.”

Nhớ lại chuyến thăm cuối cùng của tôi, đến trụ sở của đảng, và thân phận của tôi như một “kẻ thù”, tôi nói, “Tôi không biết.”

Anh ấy nói, “Đây là Lễ Lao động. Hãy đứng vào hàng ngũ.”

Tôi nói, “Anh biết những rắc rối mà tôi đã gặp phải.”

Anh ấy nói, “Không có gì đâu. Hôm nay mọi người đi diễn hành.”

Tôi nói, lắc đầu, “Tôi không nghĩ, tốt hơn tôi…”

Anh ấy hỏi, “Anh có sợ không? Hôm nay Lễ Lao động.”

Anh ta nắm lấy cánh tay phải của tôi và kéo tôi vào hàng bên cạnh anh ta. Tôi đứng nói chuyện với anh, hỏi anh về công việc, về những người bạn chung.

Một giọng nói như sủa, “Ra khỏi hàng ngũ của chúng tôi!”

Tôi quay lại. Một người Cộng sản da trắng, một lãnh đạo cấp huyện Đảng Cộng sản, Cy Perry, một người mảnh khảnh, tóc húi cua, đứng nhìn chằm chằm vào tôi.

Tôi nói, “Hôm – nay là Lễ Lao Động và tôi muốn diễn hành.”

Anh ta đã hét lên, “Cút ra ngay!”

Tôi nói. “Tôi đã được mời đến đây.”

Tôi quay sang người Cộng sản da đen đã mời tôi vào hàng ngũ. Tôi không muốn bạo lực nơi công cộng. Tôi nhìn bạn tôi. Anh quay mắt đi chỗ khác. Anh ấy sợ. Tôi đã không biết phải làm gì.

Tôi đã nói với anh ấy, “Anh đã yêu cầu tôi diễn hành ở đây.”

Anh ấy đã không trả lời.

Kéo tay áo anh ấy, tôi nói, “Nói với anh ta rằng anh đã mời tôi.”

Cy Perry hét lên, “Tôi yêu cầu anh lần cuối cùng đi ra khỏi hàng ngũ của chúng tôi!”

Tôi không di chuyển. Tôi đã định làm vậy, nhưng tôi đã bị bao vây với quá nhiều thôi thúc khiến tôi không thể hành động được. Một người Cộng sản da trắng khác đến để hỗ trợ Perry. Perry nắm lấy cổ áo tôi và kéo tôi. Tôi đã chống lại. Họ nắm chặt tôi. Tôi đã vùng vẫy để thoát đi.

Tôi nói, “Hãy thả tôi ra!”

Những cánh tay nâng tôi khỏi vỉa hè; Tôi cảm thấy mình đang bay trong không khí. Tôi đã tự cứu mình khỏi đam đầu bằng cách dùng tay ôm chặt một tảng đá lề đường. Tôi từ từ đứng dậy. Perry và tên đồng bọn đang trừng mắt nhìn tôi. Những người Cộng sản da trắng và đen đang nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng không thể nhận ra. Tôi không thể tin được những gì đã xảy ra, mặc dù tay tôi đang chảy máu. Tôi đã phải chịu một cuộc tấn công công khai, về thể xác, do hai người Cộng sản da trắng với những người Cộng sản da đen đang rình rập. Tôi không thể đi khỏi chỗ đó. Tôi không có bất kỳ ý nghĩ phải làm gì. Nhưng tôi không cảm thấy muốn đánh nhau. Tôi đã trưởng thành.

Đột nhiên, hàng ngũ của Đảng Cộng sản bắt đầu di chuyển. Các biểu ngữ đỏ tươi với biểu tượng búa liềm của cuộc cách mạng thế giới đã trương lên, và chúng bay phấp phới trong làn gió tháng Năm. Tiếng trống. Giọng nói vang lên. Nhịp chân đi rúng động địa cầu. Một hàng dài những người đàn ông và phụ nữ có khuôn mặt, trắng và đen, đi qua tôi.

Tôi đi theo đám biểu tình đến khu Loop và đi vào Grant Park Plaza và ngồi trên một chiếc ghế dài. Tôi không nghĩ ngợi; Tôi không thể suy nghĩ. Nhưng một tầm nhìn khách quan đã sinh ra trong tôi. Một cuộc lội ngược dòng qua nhiều trở ngại và kết thúc kết hợp với nhau và hình thành một thái độ, một quan điểm. Tôi tự nhủ, “Họ mù. Kẻ thù của họ đã làm mù họ với quá nhiều áp bức.” Tôi đốt một điếu thuốc và tôi nghe thấy một bài hát bay bổng trên bầu không khí ngập nắng: –

“Hãy đứng dậy những tù nhân của đói khát!”

Tôi nhớ lại những câu chuyện tôi đã viết, những câu chuyện mà tôi đã đặt một vai trò vinh dự và vinh quang cho Đảng Cộng sản, và tôi vui mừng vì chúng đã được viết trên giấy trắng mực đen, đã hoàn thành. Vì trong thâm tâm tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ có thể viết theo cách đó nữa, không bao giờ có thể cảm nhận được với sự sắc bén đơn giản đó về cuộc sống, không bao giờ có thể bày tỏ niềm hy vọng nồng nàn như vậy nữa, không bao giờ có thể hoàn toàn cam kết bằng lòng tin.

“Một thế giới tốt đẹp hơn ra đời. . . ”

Đám biểu tình vẫn đi qua. Các biểu ngữ vẫn trôi nổi. Tiếng nói của hy vọng vẫn xướng lên.

Tôi hướng về nhà một mình, lúc này thực sự cô đơn, tự nhủ rằng trong tất cả sự rộng lớn trải dài của lục địa hùng mạnh của chúng ta, yếu tố sống ít được biết đến nhất chính là trái tim con người, mục tiêu ít được tìm kiếm nhất là cách sống một con người. Có lẽ, tôi nghĩ, từ những cảm giác bị hành hạ của mình, tôi có thể phóng một tia lửa vào bóng tối này. Tôi sẽ cố gắng, không phải vì tôi muốn mà vì tôi cảm thấy rằng tôi phải làm nếu tôi muốn sống.

Tôi sẽ quăng lời nói vào bóng tối này và chờ đợi một tiếng vang; và nếu một tiếng vọng vang lên, dù mờ nhạt đến đâu, tôi sẽ gửi những lời khác để nói, hãy bước đi, hãy chiến đấu, để tạo ra cảm giác về sự khao khát cuộc sống đang gặm nhấm trong tất cả chúng ta, để giữ cho luôn sống động trong những trái tim của chúng ta về cảm giác con người không thể diễn tả được.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọcThể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Richard Wright, I Tried to Be a Communist | The Atlantic | September 1944.

Bài của người dịch. DCVOnline biên tập và minh họa.

Tham khảo:


[1] Revelations from the Russian Archives, Translation of Letter from Lenin to Gorky, Library of Congress.
[2] Richard Wright’s Love Letter to Paris, Monologue, Annotations: The NEH Preservation Project.
[3] James Campbell, “Black American in Paris”. The Nation, September 9, 2004.