WHO: ‘Biến thể COVID mới’ của Việt Nam thuộc chủng virus hiện có ở Ấn Độ

Tomoya Onishi | DCVOnline

Ngăn chặn virus vẫn là việc chính vì tình trạng thiếu vaccine đe dọa các công ty trong chuỗi cung ứng

Công nhân đi làm buổi sáng bằng xe buýt và xe máy tại một khu kỹ nghệ ở Bắc Giang, Việt Nam. (Ảnh  lưu trữ của Getty Images)

Những người đi làm buổi sáng bằng xe buýt và xe máy tại một khu kỹ nghệ ở Bắc Giang, Việt Nam. (Ảnh  luw trữ của Getty Images)

HÀ NỘI – Trong lúc trung tâm sản xuất phía Bắc của Việt Nam đang chống lại các biến thể COVID-19, đại diện chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại đây đang kêu gọi các cơ quan hữu trách và các công ty quan trọng trong chuỗi cung ứng tiếp tục nỗ lực ngăn chặn virus vì việc tiêm chủng cho công nhân nhà máy đang giảm so với nhu cầu.

Kể từ cuối tháng 4, Việt Nam đã phải vật lộn để ngăn chặn nhiều đợt bùng phát COVID-19 tại các nhà máy ở Bắc Ninh và Bắc Giang, hai tỉnh lân cận gần thủ đô Hà Nội. Hôm thứ Tư, nhà chức trách cho hay có 241 người mới lây nhiễm trong cả nước, 157 ở Bắc Giang và 31 trường hợp ở Bắc Ninh.

Bộ trưởng Bộ Y tế CHXHCNVN Nguyễn Thanh Long. (https://theliberaljournal.com/)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gây sốc cho giới đầu tư toàn cầu hôm thứ Bảy, ám chỉ rằng một biến thể mới tìm thấy có thể đã góp phần làm bùng phát dịch bệnh trong lòng động cơ kinh tế của Việt Nam. Long cho biết chính phủ ông đã phát giác ra “một biến thể COVID-19 mới” kết hợp những đặc điểm của hai biến thể lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ (B.1.617.2 hiện nay WHO đã đổi tên biến thể này là Delta) và Anh Quốc (B.1.1.7, tên mới là Alpha).

Hôm thứ Tư, Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam, nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến:

“Không có biến thể lai mới ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại dựa trên định nghĩa của WHO. Biến thể phát giác ở Việt Nam là biến thể Delta, với các đột biến bổ túc và cần theo dõi thêm. Chúng tôi cần theo dõi trong vài tuần tới.”

Kidong Park

Park nói như thế khi đề cập đến biến thể “delta” lần đầu tiên xuât hiện ở Ấn Độ và sau đó xuất hiện ở các quốc gia khác. Ông giải thích và nói thêm

“Virus này là trong biến thể [Delta] hiện có. Nó là một biến thể bổ túc vì hiện tại WHO không có cảnh cáo đáng báo động.”

Kidong Park

Park cũng nhấn mạnh rằng biến thể delta rất nguy hiểm vì nó rất dễ lây và lây lan rất nhanh.

Son Nghiêm, một chuyên gia nghiên cứu nhiều kinh nghiệm tại Trung tâm Kinh tế Y tế Ứng dụng của Đại học Griffith ở Úc, đồng ý rằng không cần thiết phải có cảnh cáo mới của WHO vào lúc này. Nghiêm nói với Nikkei Asia tuần trước:

“Theo hiểu biết của tôi, các đợt bùng phát ở Bắc Giang và Bắc Ninh phần lớn có liên quan đến biến thể đã xuất hiện ở Ấn Độ trước tiên.”

Son Nghiem

Park cho biết rất khó để biết khi nào Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi có các nhà máy của các nhà sản xuất quốc tế gồm cả Samsung Electronics, sẽ có thể chấm dứt dịch bệnh.

Việt Nam hiện đã chủng ngừa được khoảng 1% dân số. Nguồn: Ourr World Data

Từ cuối tháng 4, hơn 400 công ty — với 65.000 công nhân — đã ngừng sản xuất tại Bắc Ninh. Tại Bắc Giang, bốn trong số sáu khu kỹ nghệ buộc phải đóng cửa vào ngày 18/5, ảnh hưởng đến ít nhất 140.000 công nhân. Chính quyền địa phương cũng ra lệnh cho giới điều hành nhà máy bị nhiễm COVID giữ công nhân ở trong các cơ xưởng để ngăn chặn virus. Công nhân viên hiện được yêu cầu làm việc trong các nhà máy, và ăn ngủ trong những chiếc lều dựng làm nơi ở tạm thời.

Kidong Park, đại diện của WHO tại Việt Nam, đã trao đổi với Nikkei Asia vào ngày 3 tháng 6 về những lo ngại về đại dịch ở nước này. (Ảnh: WHO)

Park nói, do việc tiêm chủng cho công nhân nhà máy chỉ mới bắt đầu trong tuần này ở hai tỉnh, nhà chức trách và giới điều hành cơ xưởng sẽ phải tiếp tục các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt,  gồm xét nghiệm, truy tìm tiếp xúc và cách ly “trong một thời gian nhất định”.

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thách thức hiện nay là đẩy nhanh việc tiêm chủng trong khi đang thiếu thuốc chủng ngừa và nền kinh tế châu Á vẫn gấp rút sản xuất để bảo đảm nguồn cung không bị gián đoạn.

Park nói,  “COVAX là một trong những giải pháp”, đề cập đến chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu do WHO hậu thuẫn.“ Cuộc khủng hoảng thiếu vaccine đã xảy ra vào tháng 3 và tháng 4, phần lớn do dịch bệnh bùng phát ở Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia sản xuất chính của vaccine COVID-19 nhưng đã phải ngừng xuất cảng vaccine này, kể cả việc gởi cho chương trình COVAX.”

Nhưng cam kết của những cơ xưởng sản xuât cho COVAX về việc cung cấp thuốc chủng ngừa cho 20% dân số của các nước thành viên vào cuối năm nay vẫn còn hiệu lực, ông nói. Việt Nam là thành viên của COVAX. [Nghĩa lad Việt Nam có thể sẽ nhận dược 20 triệu kiều thuốc chủng ngừa theo chương trình COVAX.]

COVAX do Gavi, Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Phòng dịch, dẫn đầu nhằm bảo đảm vaccine được phân phối công bằng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Trong khi đó, các cư dân người nước ngoài đã kêu gọi chính quyền Hà Nội nới lỏng các quy định cách ly đối với giới đầu tư và người lao động đã được chic ngừa ở nước của họ trong khi Việt Nam vào tháng 5 đã gia hạn việc kiểm dịch bắt buộc đối với những người ngoại quốc mới đến từ 14 ngày lên 21 ngày.

Park cho biết có một số người nhập cảnh vào Việt Nam đã có triệu chứng sau hai tuần cách ly. Ông nói,

“Đó là lý do tại sao Chính phủ phải có những biện pháp tạm thời để kéo dài thời gian cách ly.”

Kidong Park

Park cũng cho biết thêm rằng nhà chức trách đang xét lại nhưng điều kiện trong tình trạng hiện nay.

Hôm thứ Hai, tỉnh Bắc Giang, khu kỹ nghệ phía bắc Hà Nội, Việt Nam đã cho phép 9 nhà máy mở cửa trở lại sau khi đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát, trong khi trung tâm kinh tế miền nam tại thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện những biện pháp sinh hoạt xã hội giãn cách mới để hạn chế sự lây lan của Covid.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Vietnam’s ‘new COVID variant’ part of existing Indian strain: WHO  | Tomoya Onishi | Nikkei | June 3, 2021. Additional reporting by Kim Dung Tong in Ho Chi Minh City.