Số Đẹp, Niềm Tin Mù Quáng
Trịnh Bình An
“Số đẹp” là thứ mê tín dị đoạn mà người Việt bắt chước theo lớp người Tàu ngu si, lại còn được nhà cầm quyền cộng sản dung dưỡng với ý đồ lợi dụng các niềm tin mù quáng nhằm ru ngủ người dân không còn sức kháng cự ách thống trị độc tài. Chưa hết, chúng còn dùng nó để kiếm chác.
Những đoạn tin dưới đây đã đăng trên các trang báo trong nước Việt Nam:
“Trong nhiều năm rồi, chuyện biển số xe đẹp có cầu ắt có cung và Nhà nước đã để mất nguồn thu lớn này. Vì vậy tổ chức đấu giá biển số xe đẹp là hợp lý. Ban soạn thảo đề án đã đưa ra hai phương án để lựa chọn biển số xe đẹp để đấu giá. Một là chọn ra những dãy số ngũ quý, những cặp số được người dân quan niệm là đẹp như số 88888, 99999.”
Không có gì vướng mắc trong đấu giá biển số đẹp – Tuổi Trẻ Online 09.07.2017
“Anh Hiếu, giám đốc một công ty thương mại ở Hà Nội từng chi 90 triệu đồng mua một chiếc sim ngũ quý (đuôi 99999). Ngoài vấn đề duy tâm, chiếc sim có tác dụng thể hiện đẳng cấp của chủ thuê bao với đối tác và khách hàng. Thế nhưng, gần đây, công ty làm ăn thua lỗ, việc sử dụng sim số đẹp cũng không giúp hàng hoá bán chạy hơn, vị giám đốc quyết định bán sim ngũ quý.”
Đại hạ giá sim ngũ quý, lộc phát vì chán số đẹp – Zing VN 29.07.2015
“Lộc lên mạng rao bán những sim điện thoại có các bộ số đuôi tứ quý hoặc kép đẹp như 6688, 6666… với giá rẻ hơn so với giá thị trường.Khi có người liên hệ mua, Lộc yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản, rồi giao sim giả cho họ. Giao dịch thành công, người mua mới biết đó là các số sim không đúng như quảng cáo. Với thủ đoạn này, Lộc đã chiếm đoạt phi pháp tổng số tiền gần 500 triệu đồng.”
Lừa bán sim VIP đuôi 6688, 6666… “ăn” gần nửa tỉ đồng” – Người Lao Động 28.06.2017
Sim Số Đẹp được hiểu nôm na chính là những số sim sắp xếp theo một quy luật nhất định trong dãy số điện thoại, được tin rằng sẽ mang lại những điều tốt đẹp nhất cho chủ sở hữu. Theo đó Sim Số Đẹp được xem như một loại tài sản mà càng giữ lâu sẽ càng lên giá tương tự như bất động sản. Và những chiếc Sim Số Đẹp có mức giá cực cao, có những chiếc sim lên tới hàng chục tỷ đồng. Thiên hướng mua số đẹp của Doanh Nhân 2019 – simsodep.com
Một bài viết về “Sim Số Đẹp” trên trang Biên Phòng, có đoạn như sau:
“Nhiều người cũng luôn quan niệm việc sử dụng sim số đẹp sẽ giúp họ tự tin hơn, công danh sự nghiệp thuận lợi hơn và mang đến những giá trị đích thực. Vậy nên mặc dù có những chiếc sim giá cao “ngất ngưởng” nhưng vẫn cứ luôn đắt khách. Vậy với nhu cầu như thế, bạn có biết dòng sim nào đang “lên ngôi” khiến giới sành chơi sim chao đảo và phải mạnh tay ‘vung tiền’ trong giai đoạn 2020–2021?”
Thị trường sim số đẹp 2020–2021 có gì khác biệt?” – bienphong.com.vn 04.09.2020
Trang Biên Phòng online ghi rõ họ là “Cơ Quan của Đảng Ủy và Bộ Tư Lệnh Bộ Đội Biên Phòng” vậy tại sao lại “hồ hởi phấn khởi” quảng cáo cho cái–gọi–là “số đẹp”, trong khi cộng sản luôn hô hào “bài trừ mê tín dị đoan”?
Số đẹp có thật sự đem lại may mắn cho người có chúng hay không?
Tôi còn nhớ lúc nhỏ thường đi học qua một tiệm thuốc lào có tên “Thuốc Lào 888”. Bảng hiệu còn chua thêm hai câu thơ “Ông kia đã bỏ thuốc lào, thấy Ba Số 8 lại đào điếu lên”. Lúc đó, tôi chỉ thấy vui vui, không hề biết 888 là chuỗi “số đẹp”.
Các bạn chắc quen với “số hên”? Nếu có một dãy số, khi cộng tất cả lại, nếu con số cuối cùng là số 9 thì hên, còn nếu 10 thì xui. Cách tính điểm của bài cào, “9 nút” là lớn nhất, “10 nút” (hay “zero nút”) là nhỏ nhất, trở thành một thuật ngữ dân gian về hên xui, nhưng người dân Việt Nam trước 1975 không ai điên rồ tới mức tin các con số sẽ đem lại sự may mắn. Chỉ sau này, mới thấy hiện tượng “số đẹp” nảy nòi ở Việt Nam!
Xin mời bạn đọc tiếp. Nếu sau khi đọc xong bạn vẫn còn tin vào “số đẹp” thì xin chúc bạn thật nhiều may mắn vì bạn đúng là rất cần tới nó.
***
Tại sao số 8 là được coi là số rất đẹp? Vì nó dựa vào cách phát âm số 8 theo tiếng Trung Hoa.
Số 8 (bát) 八 phát âm là bā, từa tựa như chữ Phát 發 fā (âm Hán Việt nghe cũng giống: bát / phát). Do đó, càng nhiều số 8 thì càng phát. Một chuỗi 88888 là một chuỗi … phát đạt!
Vậy số 6 thì đẹp ở chỗ nào? Số 6 (lộc) 六 phát âm liù, nghe tựa chữ Lộc 禄 lù (âm Hán Việt: lục / lộc). Do đó, số 6 cũng là số đẹp! Hơn nữa số 6 còn là gấp đôi số 3, mà số 3 cũng là số… đẹp luôn.
Tại sao số 3 cũng đẹp? Số 3 ba (tam) 三 phát âm san, nghe tựa chữ Sinh 生 san giọng Quảng Đông, seng giọng Quang Thoại. Sinh là tốt, nên số 3 cũng tốt luôn!
Cũng cần nhắc thêm người Trung Hoa chia các con số thành hai nhóm: số dương và số âm. Các số lẻ là số dương, số chẵn là số âm. Số 3 thuộc nhóm số dương 1, 3, 5, 7, 9 nên hàm ý tốt lành (theo quan niệm chung dương là sự sáng – điều tốt, còn âm là sự tối – điều xấu).
Số 3 còn biểu hiện sự cân bằng và ổn định, trong toán học 3 điểm tạo thành mặt phẳng. Ca dao Việt Nam có câu “Dù ai nói ngả nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.
Thế số 2 có đẹp không? Số 2 nằm đầu nhóm số âm 2, 4, 6, 8 nhưng vẫn được coi là một số tốt vì số 2 là biểu tượng của lưỡng nghi – âm và dương, hàm ý cho sự cân bằng. Ngoài ra, số 2 (nhị) 二 nhì phát âm tựa chữ …dị 易 yì . Dị tức là dễ (dễ dàng) như trong “bình dị” 平易 , giản dị 簡易 với nghĩa “dễ dãi, không cầu kỳ”.
Dị 易 là dễ, ngược với nan 難 là khó. Tại đến thờ bà Triệu Thị Trinh ở Hậu Lộc, Thanh Hóa còn treo hai câu đối: “Hoành qua đương hổ dị 橫戈當虎易 – Đối diện Bà vương nan 對面婆王難”. Dịch: “Vung giáo đánh cọp dễ – Giáp mặt vua Bà khó”.
Vì thế số 2 được đặt trước những con “số hên” khác để tăng thêm may mắn như 23 yì shēng – sinh sống dễ dàng, 26 yì luk – lộc đến dễ dàng, 28 yì pǝt – phát lên dễ dàng.
Nếu số 8 nghe như Phát, số 6 nghe như Lộc, số 3 Sinh, số 2 Dễ, thì số 4 nghe như chữ gì? Thưa ghê gớm lắm, số 4 nghe như chữ … Tử!
Số 4 (tứ) 四 đọc là sư, mà Tử 死 (chết) cũng đọc là sư.
Nhìn vào cách viết số 4, ta thấy nó giống như mặt trời bị mây che ngang làm hôn ám, thế mà còn phát âm in hệt chữ chết nữa chứ. Thế nên, dân Tàu kiêng số 4 còn hơn người Tây sợ số 13. Tại Hong Kong, các tòa nhà không có tầng 4, tầng 14; các phòng ốc cũng thế, không được có con số 4.
Tới mức, các sòng bài tại Las Vegas như Lucky Dragon Hotel & Casino bỏ gần hoàn toàn con số 4 trong khu vực chỉ với một mục đích duy nhất: thu hút các con bài Tẫu[1].
Nếu lỡ gặp số 4 thì sao? Có thể hóa giải bằng cách thêm đàng trước số 5.
Số 5 (ngũ) 五 đọcwǔ nghe rất giống chữ Vô 无 là “không có”. Như thế, đặt 5 trước 4 để có 54: “không có chết!” (haha.)
Đọc tới đây, bạn có nghĩ những số 2, 6, 8 có thực sự là những con số có thể mang đến may mắn còn số 4 đem lại xui xẻo hay không? Thế mà có cả một ông tướng đã tin vào sự huyền nhiệm của con số đấy nhé.
Người đó chính là tướng Ne Win (1911–2002), người đã lãnh đạo Miến Điện suốt 26 năm trong bàn tay sắt. Và “số đẹp” ông ta tin vào là con số 9. Ne Win tin đến mức vào năm 1987, ông đã buộc in ra tờ 45–kyat và 90–kyat, cả hai đều có số 9.
Vậy tại sao ông tướng Miến Điện kia – và những người Việt mê số đẹp – lại phát cuồng vì con số 9? Số 9 (cửu) 九 là con số “chí dương” trong nhóm số dương 1, 3, 5, 7, 9 vì thế nó biểu trưng cho sự cực thịnh. Vào thời phong kiến, số 9 là con số tượng trưng cho nhà vua, như câu thơ: “Đoá lê ngon mắt cửu trùng” trong trường thi Cung Oán Ngâm Khúc, ý nói người cung phi xinh đẹp được nhà vua yêu thích. Số 9 nói lên uy quyền vương giả, như cửu trùng 九重 (chín bệ, nơi vua ngồi), cửu điện 九殿, cửu đỉnh 九鼎 (chín cái đỉnh tượng trưng cho quyền lực vua), v.v..
Tuy nhiên, chính vì số 9 nằm ở vị trí cao tột cùng nên cũng đồng thời biểu trưng cho sự cực thịnh đến lúc phải đi xuống. Quan điểm “Vật cùng tắc phản – Vật cực tắc biến” được trình bày rất chi tiết và phong phú trong tác phẩm Kinh Dịch, bộ sách được coi là cốt tủy về thế giới quan, nhân sinh quan của Trung Hoa cổ đại.
Trong các quẻ Kinh Dịch, hào thượng là hào cuối cùng thường đưa ý khuyên răn người đời không nên được thế mạnh mà làm quá đáng.
Tốt nhất, đẹp nhất không gì hơn quẻ Bát Thuần Càn gồm đủ các đức nguyên-hanh-lợi-trinh[2]. Quẻ Càn được ví như một con rồng từ lúc nằm chờ thời tới lúc vươn mình phóng bay lên trời, thảy thảy đều tốt đẹp. Thế nhưng, tới lúc lên cao nhất thì có câu răn rằng: “Kháng long hữu hối” – “Rồng lên cao, có hối hận”. Hàm ý khuyên răn con người khi gặp quá nhiều may mắn thuận lợi thường sinh ra ngạo mạn tự cao, từ đó dễ gây ra lầm lẫn tai hại để rồi sẽ phải hối hận về sau. (chữ Kháng 亢 nghĩa đen là cao, nghĩa bóng là cao ngạo).
Nghĩ lại coi, các ông hoàng bà chúa rồi ra sao, chế độ phong kiến có tồn tại được không? Một con số 9, cửu trùng, cửu điện cũng đủ đi đoong, nói gì tới một chuỗi 99999, muốn lên thật cao để té càng đau hay sao?
Và con số 4 nếu có là chết đi nữa thì có gì xấu? Ông bà mình thường bảo “Sinh dữ – Tử lành” (sinh ra là không may, chết đi là điều tốt), hay, “Sinh ký – Tử quy” (sống là gởi, chết là về) thì cái chết chính là điều tốt vì con người được trở về cội nguồn thực sự.
***
Bây giờ, bạn nghĩ thế nào về “số đẹp” (và “số xấu”)? Chính con số chẳng có đẹp hay xấu. Sao không nhắc tới số Zero? Bạn có thích thấy nhiều con số 0 liền tù tì trong trương mục ngân hàng hay không?
“Số đẹp” là thứ mê tín dị đoạn mà người Việt bắt chước theo lớp người Tàu ngu si, lại còn được nhà cầm quyền cộng sản dung dưỡng với ý đồ lợi dụng các niềm tin mù quáng nhằm ru ngủ người dân không còn sức kháng cự ách thống trị độc tài. Chưa hết, chúng còn dùng nó để kiếm chác.
Và kết quả chỉ là phí phạm tiền của, lừa đảo, và vô số nguy hại khác cho người dân chỉ vì tin theo cái–gọi–là “số đẹp”.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh họa.
[1] Tẫu là tiếng diễu chỉ người Tàu, như Tẩy là tiếng diễu chỉ người Tây.
[2] Nguyên: có sức sáng tạo lớn lao – Hanh: thông suốt và thuận tiện – Lợi: có lợi ích thực tế -Trinh: ngay thẳng và bền vững.