Đây là lý do tại sao dự luật ngôn ngữ chính thức mới được hoan nghênh

Tom Mulcair | DCVOnline

Bộ trưởng Bộ Ngôn ngữ Chính thức Liên bang Mélanie Joly và Bộ trưởng Các vấn đề Liên chính phủ của tỉnh bang Quebec Sonia LeBel đã chứng minh rằng cách làm việc kín đáo, có khả năng, quyết tâm có thể làm được nhiều việc hơn để đẩy một hồ sơ khó đi xa hơn tất cả những sự thổi phồng và vênh váo của Simon Jolin-Barrette.

© The Gazette. Bộ trưởng Ngôn ngữ Chính thức Liên bang Mélanie Joly phát biểu tại Sudbury vào năm 2019. Hôm thứ Ba Joly đã dưa dự luật ra trước Hạ viện để sửa đổi Đạo luật Ngôn ngữ Chính thức của Canada nhằm tăng cường bảo vệ tiếng Pháp.

Với Dự luật C-32, chính phủ Tự do đang đề nghị với Hạ viện thực hiện một loạt các bước cụ thể để biến lời hứa của Đạo luật Ngôn ngữ Chính thức thành hiện thực, hơn 50 năm sau khi nó được ban hành.

Việc có thể hiểu được là sẽ có những tiếng nói trong cộng đồng nói tiếng Anh lo ngại rằng một số của đề nghị này dường như làm đảo lộn “sự cân bằng” giữa tiếng Anh và tiếng Pháp, hai ngôn ngữ chính thức cảu Canada. Điều đó đúng. Dự luật C-32 phá vỡ giáo điều ngôn ngữ chính thức bằng cách xét lại những gì đã trở thành một tình trạng ngôn ngữ mất cân bằng rõ ràng và đề nghị những giải pháp.

Tại sao hiện tình lại mất cân đối? Nói một cách đơn giản, bởi vì việc dùng tiếng Pháp trong tất cả các cấp của chính phủ liên bang và trong các doanh nghiệp do liên bang quản lý đang suy yếu. Tôi nói với kinh nghiệm trực tiếp, Ottawa bây giờ trước hết là tiếng Anh. Tiếng Pháp chỉ có một vị trí tượng trưng về mặt cơ chế và đã trở thành một ngôn ngữ dịch thuật.

Trên chuyến bay vài năm trước từ Montreal đến Toronto của công ty Porter, tôi ngồi gần một phụ nữ cao niên chỉ biết tiếng Pháp trên đường đi thăm các cháu của bà ấy. Bà cụ hỏi người tiếp viên một câu  bằng tiếng Pháp, người này trả lời bằng tiếng Anh. Tôi đã phiên dịch cho bà ấy và sau đó bắt chuyện với tiếp viên,  và hỏi tại sao không thể giúp hành khách bằng tiếng Pháp trên một hãng hàng không của Canada. Câu trả lời của cô ấy làm tôi nhớ mãi và tôi đã nêu nó ra trước một ủy ban của quốc hội. Cô tiếp viên nói với tôi rằng cô ấy biết tiếng Pháp và đã theo học ở trường bằng tiếng Pháp, nhưng hãng Porter không muốn tạo ra sự bắt buộc giống như Air Canada yêu cầu nhân viên phải cung cấp dịch vụ bằng tiếng Pháp (và tiếng Anh). Nhân viên của Porter thực sự được yêu cầu không nói tiếng Pháp với khách hàng. Việc đó sắp thay đổi.

Dự luật C-32 đề nghị cho những người dân nói tiếng Pháp như hành khách của hãng hàng không đó được quyền nhận cùng một dịch vụ bằng ngôn ngữ của họ, vốn đã có trên thực tế đối với những người Canada nói tiếng Anh.

Nhân viên trong các công ty do liên bang quản lý ở Quebec không có quyền nhận hướng dẫn của chủ nhân bằng tiếng Pháp. Đó cũng là một sai lầm cần được sửa chữa, và Bill C-32 sẽ làm như vậy.

Sẽ có đủ loại tranh luận về việc tạo ra hai giai cấp về quyền cho hai ngôn ngữ chính thức. Những lập luận như vậy, trên lý thuyết, có giá trị. Tuy nhiên, trên thực tế, những thay đổi này không ảnh hưởng gì đến những người Canada nói tiếng Anh ở Quebec hoặc các nơi khác.

Đề nghị của dự luận C-32 sâu sắc ở nhiều mức độ và khi được trình bày sẽ được lắng nghe kỹ lưỡng trong ủy ban ở quốc hội, nơi mà có thể được tranh luận và khắc phục bất kỳ vấn đề thực sự nào.

Khi đối phó với tình thế tiến thoái lưỡng nan của các chương trình Pháp ngữ hóa, đề nghị của Joly cho thấy tất cả sự tinh tế và khôn khéo của nó. Nhiều công ty do liên bang quản lý, như các ngân hàng, đã tự nguyện có các chương trình Pháp ngữ hóa theo Dự luật 101. Joly đề nghị cho họ lựa chọn tiếp tục duy trì chúng hoặc chuyển sang các chương trình liên bang sẽ được áp dụng.

Dễ dàng phải không? Chà, coi ra không phải đối với Jolin-Barrette, người đã cho rằng chỉ Quebec mới có thẩm quyền về vấn đề này. Joly đáp lại thật tuyệt vời: Tôi ở đây để tìm giải pháp chứ không phải đánh nhau.

Cuối cùng, rõ ràng là thỏa thuận giữa Joly và LeBel sẽ được giữ vững và Jolin-Barrette đang lùi bước.

Tôi đã trải qua những thăng trầm của hồ sơ ngôn ngữ trong nghề nghiệp và đời sống cá nhân như một số người khác.

Thủ tướng Justin Trudeau đã mắc một sai lầm lớn khi nói rằng Thủ tướng François Legault có thể đơn phương thay đổi hiến pháp của Canada với Dự luật 96. Phải đấu tranh đến nơi đến chốn với Dự luật đó, vì nó ảnh hưởng đến quyền hiến pháp.

Dự luật C-32 tìm cách sửa sai về mặt ngôn ngữ. Cộng đồng nói tiếng Anh của Quebec ở một vị trí duy nhất để giải thích lý do tại sao đó là một quan niệm hay.

Tác giả | Tom Mulcair, một trong những cựu lãnh đạo của đảng Tân Dân chủ (NDP) liên bang, từng là bộ trưởng môi trường trong chính phủ Tự do ở tirnnh bangQuebec thời thủ tướng Jean Charest.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Here’s why the new official-languages bill is welcome | Tom Mulcair  | The Gazette | June 18, 2021